Nguyễn Trần Diệu Hương, hiện sống và làm việc tại miền Bắc California, là tác giả có giải danh dự Viết Về Nước Mỹ năm đầu tiên, 2001. Cho tới nay, cô vẫn không ngừng góp bài mới và trở thành một trong những tác giả được đọc nhiều nhất của giải thưởng. Bài mới nhất của cô lần này là một chuyện tình Việt Mỹ đặc biệt.
°
Ở ngoài nhìn vào, chúng tôi thấy Quỳnh có số khổ (nếu thật sự đời sống có số mạng?) khổ từ nhỏ cho đến bây giờ! Nhưng Quỳnh luôn tìm thấy "hạnh phúc ở quanh đây, đâu là chuyện bất ngờ".
Quỳnh có một người anh song sinh, nhưng hai anh em chẳng giống nhau tí nào! Thạnh chỉ ra đời trước Quỳnh mười ba phút, nhưng nặng gấp rưỡi Quỳnh. Hình như Quỳnh đã biết nghĩ đến người khác và nhường nhịn từ hồi còn chưa chào đời. Quỳnh nhường cho Thạnh "ra" trước, rồi nhường luôn thức ăn từ lúc còn trong bụng mẹ cho Thạnh nên mới ra đời Thạnh đã to cao hơn hẳn Quỳnh.
Hồi còn thơ dại, học tiểu học, Quỳnh đã khác hẳn cả lớp, không chỉ ở mái tóc ngắn cũn cỡn như những ca sĩ của ban nhạc The Beatlles (mặc dù Quỳnh là con gái) mà còn khác chúng tôi ở chỗ Quỳnh vẽ rất đẹp và luôn sống trên.....mây, như trong những bức vẽ của mình.
Lên trung học, mỗi lần thầy, cô giáo dạy môn văn, gọi Quỳnh trong giờ phân tích những tác phẩm văn chương Quỳnh luôn có những ý kiến trái ngược người khác. Quỳnh còn chơi bóng bàn rất hay mặc dù thân thể Quỳnh lúc đó dẹp lép, nhỏ con, không có chút gì là một vận động viên bóng bàn cấp liên trường. Bởi vậy chúng tôi gọi Quỳnh là "Quỳnh Omega" để phân biệt với "Quỳnh Hercules" rất to con, cũng chơi thể thao rất giỏi.
Lớn lên, Quỳnh càng lúc càng khác người, nhưng cái khác người rất dung dị, dễ mến. Quỳnh chưa bao giờ đi học một trường lớp nào về hội họa, nhưng vẽ rất đẹp, và mê trường phái đầy màu sắc, rất khó hiểu của danh họa Picasso. Khi qua Mỹ, có điều kiện đầy đu,û Quỳnh vùi đầu vào thư viện vừa để học bài, vừa để tìm hiểu thêm về Picasso. Thế giới muôn màu của những họa sĩ đã tạo cho Quỳnh một nhân sinh quan càng ngày càng khác lạ. Quỳnh mê thiên nhiên và thích vẻ đẹp nguyên thủy tự nhiên. Điều đó không ngờ thành định mệnh sau này của Quỳnh.
Năm học thứ hai ở Community College, Quỳnh có một ông thầy dạy Philosophy gàn như đa số các triết gia. Ông ta đi dạy bằng xe đạp hoặc đi bộ, vì không biết lái xe hơi, và vì không muốn lái một phương tiện di chuyển phổ thông như hơn hai trăm triệu người Mỹ vẫn gọi là Dutch Pennsylvania. Ông thầy này là người Amish, thuộc dòng dõi lớp người Đức đầu tiên dân đến Hoa Kỳ từ thời nhưng người Châu Âu theo con tàu May Flower cùng Columbus đặt chân đến lục địa Bắc Mỹ. Con cháu những người Đức bảo thủ đầu tiên đó vẫn giữ cách sống từ thế kỷ mười chín, nghĩa là họ tự chế tạo đồ dùng, phương tiện di chuyển là ngựa, và vẫn giữ những nhà máy xay bằng lực đẩy của gió. Từ chối những tiện nghi mà khoa học mang đến cho nhân loại, mãi cho đến bây giờ, họ vẫn sống rất đơn giản, đạm bạc, giữa những đồng cỏ mênh mông, trên một phần đất nhỏ của hai tiểu bang Pennylvania và Wisconsin. Ngừơi Amish rất khéo tay, tuy không sống đời du mục, họ có kiểu sống quây quần như bộ lạc. Họ vẫn học hành, nhưng chỉ học hết học đến hết lớp tám, nghĩa là hết Junior High. Vì theo họ, với đời sống không cần tiện nghi do khoa học mang lại, giáo dục từ bậc trung học (High School) trở lên không cần thiết. Vậy mà, không hiểu lý do nào, ông thầy người Amish của Quỳnh lại có bằng Master về triết học. Ông ta không chịu học lái xe, mặc dù đã về sống ở một thành phố lớn, ra khỏi "lũy tre làng", bỏ lại sau lưng những nhà máy xay lúa, những cái giếng quay tay từ thế kỷ mười chín của cộng đồng Amish, những con ngựa hiền từ, nhẫn nại của người Amish từ cánh đồng này đến cánh đồng khác.
Ông thầy của Quỳnh, ở giữa thành phố lớn Dallas rất văn minh hiện đại ở trung tâm nước Mỹ, vẫn sống đơn giản như truyền thống người Dutch Pennsylvania, nhưhg lại thích học hỏi, thích đời sống khoa bảng.
Theo nguyên tắc vật lý, điện cùng dấu đẩy nhau, điện khác dấu hút nhau. Vậy mà, cả hai người, như hai điện tích cùng dấu, có nhiều điểm tương đồng: cùng tốt, cùng xem vật chất "nhẹ như lông hồng", cùng không thực tế chút nào, là ông thầy và Quỳnh đều ngầm để ý đến nhau đặc biệt. Ông thầy chú ý cô sinh viên lè phè bụi đời, tóc hoe vàng, không phải vì thuốc nhuộm tóc, mà vì nắng mùa hè khô nóng của Texas. Cô học trò chẳng giống ai, Mỹ không ra Mỹ, Tây chẳng ta Tây, Tàu cũng chẳng phải Tàu, càng không giống Việt Nam chút nào, nhưng thông minh, chăm học. Quỳnh rất thích học giờ Triết của thầy, và tìm thấy ở thầy những lời giảng từ tim óc, từ lòng yêu nghề đặc biệt, chứ không phải vì những cái paycheck mỗi hai tuần. Đời sống theo lối người Amish đâu có cần đến nhiều paycheck!
Ở giờ học đầu tiên, khi điểm danh học trò, ông thầy không thể phát âm chữ "Quỳnh" chính xác mặc dù Quỳnh đã phát âm rất chậm cho ông nghe hai lần, ông đành gọi Quỳnh với chữ tắt là "Q". Quỳnh rất thích cách gọi này, vì "Q" phát âm theo kiểu Mỹ gần giống như "cute", nghĩa là dễ thương. Đàn bà, con gái baogiờ lại chẳng thích mình được khen làdễ thương. Ông thầy lại gọi tên Quỳnh là "dễ thương", lý do đó đủ để Quỳnh nhớ ông thầy người Amish nhất trong số rất nhiều thầy cô trong những năm đại học.
Mùa học trôi nhanh, Quỳnh chyuển lên trường đại học khác, và hình ảnh của ông thầy dạy Triết cũng được xếp ở một xó nào trong ký ức đầy màu sắc của Quỳnh. Đến khi sắp ra trường, nhìn lại yêu cầu, thấy mình thiếu mất một lớp General Education, Quỳnh quay về Community College lấy thêm một lớp Micro- Economics để hoàn thành yêu cầu căn bản về kiến thức tổng quát cho bằng Cử Nhân. Học ở Commuity College vừa rẻ, vừa dễ hơn học ở hệ thống đại học 4 năm, nên Quỳnh có thời giờ ngẩng đầu ngắm trời, trăng, mây nước mỗi lần về học ở Junior College.
Định mệnh tình cờ, một lần đang ngồi ở sân vận động của trường vừa đọc sách, vừa nhìn một chút nắng vàng hiếm có của mùa đông Texas, Quỳnh gặp lại ông thầy dạy triết đặc biệt của hai năm trước. Ông thầy khoác cái cặp sau lưng như học trò, đang tản bộ trên lối đi giữa những thảm cỏ xanh chung quanh sân vận động. Thầy trò nhận ra ngay "đối tượng đặc biệt" của mình, và cùng ngồi ở những bậc thang của sân vận động, nhìn trời, nhìn đất, ban đầu nói chuyện trời mưa, trời nắng, sau đó trao đổi về nhân sinh quan rất đặc biệt của nhau.
Ông thầy kể cho Quỳnh chuyện về lại làng Amish ở Pennsylvania thăm nhà, cái quạt xay gió vẫn thân thương, bánh mì làm từ hạt lúa mì tự trồng lấy vẫn ngọt ngào, kiểu ăn mặc cổ kính của đàn bà con gái Amish vẫn còn sức hấp dẫn, nhưng tất cả đã không còn sức cuốn hút như ngày ông còn ở trong vòng rào của cộng đồng Amish.Về lại Dallas, ông luôn nhớ nhà, nhớ đời sống cô lập gần gũi thiên nhiên, nhưng trình độ của một người có bằng master không thể nào thích hợp ở một cộng đồng quan niệm trình độ giáo dục trên lớp tám là không cần thiết. Vì lẽ đó, ở nơi nào ông thầy của Quỳnh cũng thấy cô đơn, cái cô đơn của một người sống trong một cộng đồng, nhưng thấy mình không thuộc về cộng đồng đó.
Quỳnh chăm chú nghe ông thầy kể chuyện, và liên tưởng đến nhiều người Việt Nam lớn tuổi sống đời lưu vong ở Mỹ, cũng có tâm trạng tương tự tâm trạng ông thầy dạy Triết của mình.
Ở quê hương thứ hai rất nhiều người Việt Nam, nhất là những người lớn tuổi, đến Mỹ muộn màng, không còn đủ thời gian để hội nhập vào đời sống mới, luôn thấy mình đứng bên lề cuộc sống ở đất nước hợp chủng quốc văn minh, giàu có. Buồn thay, chọn lựa thứ hai của họ, đời sống ở quê nhà cũng không phải là chọn lựa hợp lý, vì về lại quê nhà, họ thấy mình lạc loài giữa cuộc sống đầy dối trá, lọc lừa, bất an ngay trên chính quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Thôi thì, dù sao, thấymình lạc lõng ở quê người vẫn đỡ xót xa hơn thấy mình lạc loài ngay trên quê cha đất tổ.
Tương tự như thế, ông thầy của Quỳnh chọn lựa đời sống ở Dallas, mặc dù ông vẫn luôn bỏ một phần tư tưởng hướng về làng Amish, nơi ông đã trải qua ấu thơ và thiếu thời êm đềm hạnh phúc, nơi những người thân yêu của ông vẫn hài lòng, an phận với đời sống đạm bạc, gần gũi thiên nhiên.
Từ hai khía cạnh khác nhau, ông thầy và Quỳnh đều cảm nhận được nổi cô đơn, lạc loài của một người sống không đúng chỗ của mình, nhưng không làm gì được để thay đổi tình thế. Ít nhất, họ cũng tìm được tình bạn, ngoài tình thầy trò.
Mỗi khi có giờ rảnh, Quỳnh và ông thầy lại mang giá vẽ, mang sách ra công viên. Ở đó thay vì "bên anh đọc sách bên nàng quay tơ" như trong một câu ca dao ở thế kỷ 19 của Việt Nam, ông thầy đọc sách, và Quỳnh vẽ, lúc nào mỏi mắt, họ cùng nhìn trời và nhìn nhau, thông cảm với "nổi lòng Từ Thức" của nhau.
Mùa hè, cả hai người cùng đạp xe đạp đến một góc công viên của thành phố, nơi họ vẫn ngồi vẽ, hay đọc sách.
Khi đông về, trời lạnh cóng, ông thầy và Quỳnh gặp nhau ở thư viện hay ở tiệm cà phê Starbucks. Quỳnh dịch ra tiếng Anh cho ông thầy những câu thơ của Nguyễn Khuyến "Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá, Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao" hay của Nguyễn Công Trứ "Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc. Tri nhàn tiên nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn". Ông thầy người Mỹ gốc Đức mê tít nhân sinh quan của những nhà nho Việt Nam vào thế kỷ mười chín, mê văn hóa Việt Nam, và từ từ mê luôn cô học trò cũ người Mỹ gốc Việt Nam.
Tình thầy trò của họ sau ba năm biến thành tình bạn, rồi tình yêu từ lúc nào cả hai cùng không nhớ.
Ba Mẹ Quỳnh biết chuyện, không ủng hộ, nhưng cũng không phản đối. Sinh con ra, ông bà biết tính từng đứa, nhất là Quỳnh, đứa con áp út ít nói, hiền lành, nhưng rất cương quyết trong việc bảo vệ lập trường của mình. Vả chăng, ông thầy cũ dạy Triết của Quỳnh, và là ông con rể tương lai của ông bà, khá hiền lành, lễ phép, chỉ phải tội không được tháo vát lắm. Nhưng chắc là mẫu người đó hợp với Quỳnh, vì đời sống của Quỳnh vốn đơn giản, từ thời nhỏ cho đến bây giờ. Quỳnh không phải là loại người mê vật chất, lại chịu khó, và ít để ý đến dư luận chung quanh. Nếu Quỳnh về làm dâu một gia đình người Amish, chắc là vẫn êm xuôi, hạnh phú.
Rồi Quỳnh trở thành một thành viên không chính thức của làng Amish khi Quỳnh lấy ông thầy dạy Triết ngày xưa. Trong ngày đám cưới, cặp vợ chồng mới vẫn đơn giản, chân chất. Quỳnh không trang điểm, vẫn khuôn mặt của ngày thường, không mascara, không eyeshadow, không có cả má hồng, môi son, chỉ có một lớp lotion để giữ da khỏi khô như mọi ngày bình thường khác. Các chị của Quỳnh thuyết phục lắm, Quỳnh mới chịu đặt một vòng hoa carnation tươi lên đầu, và mặc áo cô dâu, đó cũng là cái áo dạ hội đầu tiên trong đời của Quỳnh.
Biết tính bạn học từ xưa, bay về Dallas nhân ngày "thiếp theo chàng về dinh" của Quỳnh, chúng tôi cùng không trang điểm, không ăn mặc cầu kỳ như khi đi dự những tiệc tùng, đám cưới khác. Chúng tôi muốn hòa đồng với bạn trong ngày vui nhất đời của Quỳnh như thời nhỏ dại, chúng tôi vẫn có đồng phục giống nhau thời tiểu học.
Quà cưới cho Quỳnh không phải là một tấm check có giá trị gấp ba giá trị của bữa ăn mười món ở một nhà hàng sang trọng, mà là một US saving bond mười năm của chính phủ được mua bằng tiền đóng góp của bạn học thời Tiểu học đang sống đời lưu vong ở khắp năm Châu bốn biển. Chúng tôi muốn để dành tiền cho Quỳnh để phòng khi gia đình nhỏ của bạn "tối lửa tắt đèn" về tài chánh.
Ông thầy cũ, bây giờ đã là chồng của Quỳnh, vẫn có dáng dấp Triết gia, mặt mày sáng sủa, nhưng lúc nào cũng như chìm vào hư không, ngay cả trong ngày vui nhất đời của mình.
Đám cưới xong, Quỳnh dọn về căn apartment của chồng, chỉ mang theo sách, vở, giá vẽ, hai cái vợt pingpong và một í áo quần cần thiết. Quà cáp được tặng Quỳnh bỏ lại cho ba mẹ và các em bởi vì cả hai vợ chồng đều không coi trọng vật chất.
Khi Quỳnh về thăm nhà chồng ở làng Amish, Pennsylvania, không chỉ gia đình chồng mà dân làng Amish quý Quỳnh vô cùng, vì Quỳnh là người đầu tiên trở thành một thành viên của cộng đồng Amish mà không bị "cultural shock". Ngược lại, nhà chồng và người làng Amish rất ngạc nhiên trước vẻ dung dị, dễ thương của cô dâu ngoại quốc ở một thành phố lớn, vẫn sống rất thoải mái với cách sống và tiện nghi hạn hẹp của thế kỷ mười chín.
Ở đó, một thị trấn heo hút của tiểu bang Philadelphia, Quỳnh có thể thấy được màu vàng xanh của trăng non, màu vàng cam của trăng già mỗi tháng mà không cần phải tắt hết đèn trong nhà. Ở đó, Quỳnh không thấy mệt mỏi trước những sức ép đầy bon chen của đời sống thường nhật. Và ở đó, Quỳnh thấy lại được hình ảnh tương tự những nhân vật thần thoại trong truyện cổ tích Việt Nam.
Khi ông thầy ngày xưa, bây giờ đã là chồng, muốn theo đuổi chương trình học để lấy bằng tiến sĩ, Quỳnh đồng ý ngay, mặc dù lúc đó Quỳnh sắp cho ra đời đứa con đầu lòng.
Kể từ lúc đó "Quỳnh Omega" của chúng tôi trở thành "Bà Tú Xương" ở Mỹ. Bởi vì nỗi vất vả của Quỳnh vượt trội hơn khó khăn của những bà vợ khác ở Mỹ.
Chồng không phải là loại người tháo vát, Quỳnh gánh lấy " mọi việc đàn ông" trong nhà: thay nhớt xe, thay một miếng gạch vuông bị bể từ bathtub, sơn một lớp sơn chống mục cho cái balcony bằng gỗ...Vậy mà Quỳnh chấp nhận tự tại, an nhiên, với nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc.
Dù đời sống vật chất "không bằng chị bằng em" hai vợ chồng trông trẻ hơn tuổi nhiều. Hình như khi người ta không bận lòng với đủ thứ bill, đủ thứ statement hằng tháng, đầu óc thảnh thơi, quá trình lão hóa cũng bị đẩylui, không bành trướng nhanh chóng như đối với những người mãi mê lặn ngụp trong "cái vòng danh lợi cong cong". Cho nên hai vợ chồng vẫn giống như hình chụp trong đám cưới hơn năm năm trước.
Chồng Quỳnh trở lại trường theo đuổi chương trình tiến sĩ, chuyển từ full time sang part time, rồi nghỉ hẳn không đi làm. Quỳnh xoay sở một mình, đi làm full time, đưa chồng (vì chồng Quỳnh vãn không chịu học lái xe), đón con, nấu ăn đủ món: món Đức cho chồng, món Mỹ cho con và món Việt cho mình. Khi nào mệt quá, Quỳnh nấu một nồi soup lớn với đủ thứ còn lại trong tủ lạnh, gọi là "international dish", vợ chồng con cái vẫn vui vẻ ngồi bên nhau "ăn để sống, chứ không phải sống để ăn."
Ngày xưa bà Tú Xương "quanh năm buôn bán ở ven sông, nuôi đủ năm con với một chồng", ngày nay Quỳnh chỉ phải nuôi một con với một chồng nhưng nếu so sánh thi hai nỗi vất vã chắc cũng thuộc loại "bên tám lạng, bên nữa cân". Khi chúng tôi "ngả mũ chào thua" về sự đảm đang, có thể sánh ngang hàng bà Tú Xương của Quỳnh, bạn vẫn cười tươi, đưa ra lời giải thích của một tín đồ Thiên Chúa giáo ngoan đạo:
- Có lẽ tại tao thích "vác thánh giá", dù nặng nề, nhưng nếu mình vác nổi thì hạnh phúc vô cùng.
Cứ tưởng tượng Quỳnh xoay như chong chóng cả ngày với đủ thứ công việc: ở sở, ở nhà, đưa chồng đến trường, đưa con đi trung tâm giữ trẻ, rồi đón cả hai về nhà vào cuối ngày, chúng tôi phục sức làm việc và tấm lòng cùng khả năng chịu đựng của bạn, vậy mà Quỳnh vẫn cười tươi, vẫn an nhiên hạnh phúc, và vẫn sản xuất "babies" đều đều. Đến khi chồng Quỳnh xong Tiến sĩ, phải mất gần một năm sau, anh ta mới xin được việc làm hợp với khả năng của mình. Cuộc sống khá hơn vì có hai nguồn thu nhập, nhưng vợ chồng Quỳnh vẫn sống giản dị, vẫn không màng đến vật chất. Lúc này, đến phiên chồng Quỳnh trở thành " bread winner" trong gia đình, bạn của chúng tôi may mắn hơn bà Tú Xương ngày xưa. Gia đình nhỏ của Quỳnh vẫn quay về làng Amish mỗi năm một lần. Trong tủ quần áo của Quỳnh ngoài áo dài Việt Nam với khăn vành để mặc vào dịp tết âm lịch còn có lễ phục của phụ nữ Amish với mũ đội đầu vào dịp lễ Thanksgiving. Và con của Quỳnh được dạy theo cả hai văn hóa Việt Nam và văn hóa của người Dutch Pennsylvania. Giống hệt bố mẹ, con Quỳnh không mê tivi, mê chơi game như các bạn cùng tuổi, mà mê thiên nhiên, mê đọc sách, thích vẽ và thích những trò chơi ngoài trời. Điều đặc biệt là cả hai "tác phẩm" của vợ chồng Quỳnh đều nói rất thông thạo cả ba thứ tiếng Mỹ, Việt và Đức.
Mỗi lần có dịp ghé Dallas thăm Quỳnh, chúng tôi vẫn đùa mình đang trở về với thế kỷ 19, mặc dù nhà Quỳnh vẫn có đủ phương tiện của Thế kỷ 21, có đủ computer, fax machine và cả plasma tive (chỉ để coi chương trình discovery và PBS, chương trình giáo dục cho trẻ con ở Mỹ) Không giống như hầu hết đàn bà, con gái ở Mỹ, Quỳnh không thích shopping, không thích ăn ngon, mặc đẹp, mà quan niệm chỉ nên ăn đủ no, mặc đủ ấm, giống hệt ông chồng người Amish. Hai vợ chồng cùng coi vật chất nhẹ tựa lông hồng, cùng tránh xa "cái vòng danh lợi cong cong" cùng biết theo lời dạy của văn hào Dale Camegie và dịch giả Nguyễn Hiến Lê "quẳng đi lo đi để vui sống" nên năm tháng trôi qua, vợ chồng Quỳnh vẫn vậy, vẫn giống như ngày họ mới gặp nhau, dù vẫn ở trong khu apartment gần nơi làm việc để chồng Quỳnh có thể đạp xe đến sở làm.
Khi kỹ thuật hi- tech ở Mỹ lên đến đỉnh cao, và phải tuột dốc như quy luật chung "what goes up, will be down", Quỳnh bị mất việc.
Chẳng những không buồn, Quỳnh còn vui vì có dịp trở lại trường học, học về hội hoạ, và hoàn tất chương trình Cao học về Information System Technology. Trời thương, chồng Quỳnh vừa được ký hợp đồng giảng dạy ba năm với một trường Community College, nên Quỳnh vẫn trẻ trung, an tâm khoác cặp trở lại trường học, an tâm "dùi mài kinh sử" full time thêm hai năm nữa để lấy bằng cao học.
Mỗi sáng, Quỳnh chở hai đứa con đến trường tiểu học bằng chiếc Volvo cũ kỹ rồi đến lớp học của riêng mình, không phải là "con đi trường học, mẹ đi trường đời" như trong ca dao Việt Nam, mà cả mẹ lẫn con đều được đến trường học. Chiều về Quỳnh tất tả đón con, đón chồng rồi về nhà nấu ăn, lo cơm tối tươm tất, lo sẵn thức ăn trưa ngày mai mang theo cho chồng, cho con và cả cho mình.
Có lần cả gia đình Quỳnh qua Đức thăm quê xưa của nhà chồng. Chuyến Vacation chỉ kéo dài hai tuần, nhưng đủ để Quỳnh ghi lại nhiều nét đẹp thiên nhiên của quốc gia đã nổi tiếng với bức tường ngăn đôi Đông và Tây Bá Linh thời chiến tranh lạnh trên những bức phác thảo của mình.
Người Châu Âu vốn chăm chút cách ăn mặc hơn người Mỹ, vợ chồng Quỳnh lại là một trong những người Mỹ ăn mặc xuề xoà nhất, nên nổi bật giữa những người Đức cao to ăn mặc chỉnh tề. Hơn nữa như từ thưở nào, Quỳnh luôn dẹp lép, gần như chỉ có da bọc xương, mà không hề có mỡ (body fat của Quỳnh chắc chưa đến 1%), không thể tìm được áo quần vừa với khổ người, nên trông giống như dân Hipppies của thập niên 70. Lâu lâu bị các chị càu nhàu về chuyện ăn mặc không được "mode" lắm, Quỳnh biện luận rất dễ thương, tuy không thực tế chút nào:
- Ở Mỹ, áo quần cho đàn bà con gái, số nhỏ nhất là số zero, cũng quá rộng đối với Quỳnh. Khi nào người ta sản xuất áo quần số âm, bảo đảm em sẽ ăn mặc không thua tài tử Hollywood.
Mỗi khi gặp phải quá nhiều "stress", quá nhiều áp lực từ đời sống, chúng tôi vẫn bảo nhau cố gắng giản dị như Quỳnh, nhìn đời qua lăng kính màu xanh, và cố tránh xa mọi cám dỗ vật chất thường tình, nhưng thật ra làm được điều đó không phải dễ đối với mộ người bình thường. Quỳnh làm được, và rất hạnh phúc vì Quỳnh là "Quỳnh omega" là một hậu duệ tuyệt vời của bà Tú Xương, của những người hiền phụ Việt Nam suốt đời hysinh cho chồng con, cho người khác, màkhông hề nghĩ đến mình. Quỳnh còn khuyên chúng tôi (nghe quen quen như một philosopher nào đó đã viết trong sách):
Cứ sống như hôm nay là ngày cuối cùng trong đời của mình, như vậy sẽ không phải nhọc lòng bon chen, không phải sa sút tinh thần khi thấy mình chưa bằng ai. Càng chạy đua theo vật chất, càng tự làm khổ mình, và dễ lên "lão làng" trước thời hạn!
Giữa Dallas dập dìu của Texas, Quỳnh vẫn thấy được thời thơ dại êm đềm ngày còn nhỏ ở quê nhà, mà không cần phải vận dụng nhiều đến ký ức và trí tưởng tượng như chúng tôi. Chồng Quỳnh vẫn thấy được cái hoang sơ êm đềm của cộng đồng Amish ở một làng quê xa xôi hẻo lánh của Pennsylvania, hai đứa con nhỏ của họ vẫn thích chơi thả diều, có tiếng sáo diều vi vu, hơn là chơi game. Và như vậy, phải chăng hạnh phúc đâu có cầu kỳ và khó tìm như người ta vẫn nghĩ?
Nguyễn Trần Diệu Hương
(Đầu năm 2005- Viết cho TH, hoa hồng vàng của Texas)
 

Xem Tiếp: ----