Lần đầu họp các cựu thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tỉnh, Hương không dự. Đơn giản chỉ là không nhận được thông báo. Bởi từ khi vào trường Phật học Hà Nội, rồi về trụ trì chùa Yên, Hương hầu như chưa gặp lại một ai trong đại đội thanh niên xung phong tỉnh những năm chống chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ. Đến lần họp thứ hai hạnh ngộ sao Hương có việc lên chùa Côn Sơn. Trên chuyến xe khách từ thành phố đi, Hương ngồi cạnh một anh người đầm đậm, nói đầy mồm lưỡi, lại thêm cái tật ngọng dính ngọng dáng, toàn nói "nờ" ngắn thành "lờ" dài. Nhưng chỉ có thế Hương cũng không hỏi bản quán nơi nao. Chỉ đến khi thấy anh ta kéo liền một lúc ba mồi thuốc lào, lại toàn hút xong nuốt cả khói, Hương mới lờ mờ trong trí nhớ một nét quen quen, ngày xưa ở đơn vị cũng có anh hút thuốc lào kiểu nuốt cả khói thế này, vội sây hẳn người nhìn thẳng vào khuôn mặt chữ điền có cái cằm lẹm của anh, và bỗng thốt lên: "Ôi, anh Thành có phải không?". Người đàn ông đánh rơi chiếc điếu cày cầm trên tay, vội xoay hẳn người lại như dang cả hai tay ôm lấy người đàn bà mặc áo cà sa, đầu chít khăn nâu, chỉ để hở khuôn mặt có đôi mắt nhỏ và dài, với hàng mi cong thanh mảnh: "Hương, đúng Hương không?". Rồi rất nhanh, người đàn ông không nén được niềm vui gặp lại, hai tay đặt lên vai ni cô như thể chẳng hề có gì ngăn cản giữa kẻ phật người đời, nhưng cũng không làm hành khách trên xe ngỡ ngàng, vì họ hiểu hai người kia hẳn đã có với nhau một thời kỷ niệm. Cuộc gặp ngắn ngủi trên chuyến xe khách đủ đem đến cho hai người nhiều thông tin về bạn bè, đồng đội. Nhất là Hương, sau gần hai chục năm gần như cách hẳn với cuộc sống trần tục ngoài đời, hoặc có chăng cũng chỉ là những cuộc gặp mang đậm chất hành sử lễ giáo nhà Phật, chứ rất ít khi nói tới chuyện tình cảm, lại càng không thể nhắc tới những lời hẹn hò yêu đương, thì cuộc gặp Thành trên chuyến xe hôm ấy như làm sống dậy trong cõi lòng cả một thời tuổi trẻ. Nhưng điều đáng quý hơn là sau cuộc gặp Thành có mấy tháng, Hương nhận được giấy mời đích danh: "Đồng chí Đỗ Thị Thu Hương, tới dự cuộc gặp lần thứ hai các cựu thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tỉnh". Cầm tờ giấy trên tay Hương nửa muốn đi, nửa e dè ngài ngại. Đi nhất định là vui rồi. Sau mấy chục năm hơn trăm con người trong đại đội thanh niên xung phong đầu tiên của tỉnh thành lập tháng ba năm ấy, mãi bây giờ mới có giờ mới có dịp gặp lại nhau. Ai mất, ai còn, ai giờ có gia đình đoàn tụ, ai đang phải gánh chịu bao thiệt thòi của di chứng chiến tranh. Có người Hương biết, nhưng cũng còn nhiều trường hợp Hương chưa tường. Ngay chính người mà mấy chục năm rồi Hương chưa khi nào nguôi nỗi nhớ, vậy mà hôm gặp anh Thành trên chuyến xe lên Côn Sơn, Hương săn đón hỏi gần hỏi xa: " Anh có biết tin tức gì về anh Vạn không?". Thành ngớ người ra mươi giây, rồi buột miệng hỏi: "Tôi tưởng cô phải biết tin cậu ấy hơn tôi chứ?". Hương phải thú thực với anh rằng, sau trận máy bay bắn tên lửa ở Khe Sâu đêm hôm ấy, chúng em không còn mặt mũi nào nhìn bạn bè đồng đội nữa, anh Vạn bị chuyển sang đơn vị khác, lùi sâu vào phía trong. Thời kỳ đầu dăm ba tháng còn có thư ra thư vào, nhưng rồi cùng với những trận đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, thư từ đến tay nhau cũng thưa dần. Còn Hương. Những gì dành cho Vạn chỉ còn biết ủ kín trong tâm khảm, để mỗi lần nhớ đến khắp người lại như ngất ngây say trong niềm sung sướng đến tột cùng, và liền sau đó là một nỗi buồn đau quặn thắt nơi lồng ngực. Nhưng không biết thì thôi, đã biết tin có cuộc gặp như thế mà ngại không đi, cũng thấy áy náy thế nào. Mà việc gì phải ngại cơ chứ, số phận mỗi người đều do trời định sẵn, không thể cưỡng lại được mệnh trời. Huống hồ Hương không muốn cưỡng lại. Mười chín tuổi còn kém bốn tháng, học xong lớp mười, Hương làm đơn đi thanh niên xung phong. Được chấp nhận liền.Cũng chỉ năm ngày sau tập trung lên đường ngay. Mười một năm phục vụ trong quân ngũ, tròn ba mươi tuổi Hương khoác ba lô về địa phương, không một mảnh giấy xác nhận chế độ. Nhưng với Hương ngày đó chả là cái gì, cả nước là chiến trường, toàn dân là lính, có ai đòi hỏi chế độ cho riêng mình. Hương chỉ còn lại sự kiêu hãnh về những năm tháng sống bất chấp đạn bom, đói khát và một niềm mong đợi đến cháy lòng gửi ở nơi chàng trai miền biển có nước da ngăm đen, tiếng nói sang sảng như tiếng sóng ngay cả khi ngồi khuất bên bìa rừng tâm sự với người yêu. Hương yêu Vạn bằng cả sự trong trắng của một người con gái hai mươi ba tuổi đời, gần bốn tuổi quân, lại có học vấn hết cấp ba với môn văn luôn đứng nhất nhì toàn trường. Còn Vạn, Hương chỉ thấy ở anh một chàng trai hiền lành, thật thà như đếm và sự lì lợm đến liều lĩnh. Cũng bởi sự lì lợm, hay tình yêu đến lúc không còn kìm nén được nữa, mà trong chuyến đi lấy gạo ở trạm 67 về hôm ấy, đến khoảng rừng Khe Sâu, hai người lần chần thế nào tụt lại phía sau một quãng khá xa. Trời sập tối, đường không quen, Vạn và Hương bị lạc đường về. Đáng lẽ ra phải tìm lối có vết chân người mà ra, thì hai người lại dừng lại ngồi nghỉ chân trong rừng. Và cái gì phải đến với một đôi trai gái yêu nhau đến không thể giữ gìn được nữa, tất sẽ đến. Vạn vừa lì lợm ôm choàng lấy Hương, rồi không thể nén lại lâu hơn được nữa, cởi mà như dứt tung hàng cúc áo ngoài của Hương, làm Hương bỗng phá lên cười. Nhưng rồi chính Hương cũng oằn người lên khi Vạn đổ ập khuôn mặt chữ điền sạm đen lên bộ ngực ngồn ngộn trinh nguyên của Hương mà hà hít cuống cuồng. Cuộc dâng hiến thánh thần của Hương và Vạn đang vào cao trào, thì bất ngờ một chiếc F.111 chưa biết từ hướng nào bắn liền hai quả tên lửa xẹt qua đầu, rơi cách chỗ hai người chỉ chừng vài mét. Hương hoảng hồn vơ vội đống quần áo vất tung toé cạnh chỗ nằm, cũng chưa kịp nhìn cái nào của mình, cái nào của Vạn, cứ thế vừa té táp chạy, vừa che lấy cái chỗ cần phải che. Còn Vạn bình tĩnh hơn, nhưng cũng chỉ mặc vội được mỗi chiếc quần đùi là cắm đầu chạy. Hương cứ ôm đống vải luộm thuộm như thế chạy một mạch, thì hạnh ngộ sao, lại thấy một vùng quang quẻ như là mặt đường. Mà đường thật. Bỗng nghe một tiếng con gái hỏi giật giọng: "Ai? Đứng lại! Ơ, cái Hương! Sao lại tồng ngồng thế kia, hả con ranh?". Bấy giờ Hương mới hoàn hồn đứng sững, ngượng không để đâu hết ngượng. Còn mấy cô gái đang ngồi vác bom thì được mẻ cười vỡ bụng, nhất là khi nhìn thấy Vạn hớt hơ hớt hải đi ra với độc mỗi chiếc quần đùi trên người. Nhưng cười ba tháng, chứ ai đóng đám mà cười ba năm. Huống hồ từ bấy đến nay đã ba mươi năm có lẻ. Thôi cứ đi biết đâu…
Hương đến dự cuộc gặp lần thứ hai thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tỉnh với một vẻ bên ngoài hoàn toàn nhà Phật. Cũng tấm áo cà sa với bộ tràng hạt màu cườm vòng quanh cổ, đầu đội chiếc khăn nâu rất đúng kiểu nhà chùa, chân đi đôi giày vải nhẹ như mỗi lần ni cô đi hành lễ. Nhưng trông ni cô Đàm Hương hôm ấy như trẻ lại đến dăm tuổi. Có lẽ ở khuôn mặt trái xoan trắng trẻo với đôi mặt nhỏ, dài và hàng lông mày thanh mảnh như hai đường chỉ cong uốn cong. Cũng có thể ở bộ tràng hạt như tôn thêm cái dáng cao ba ngấn nõn nà của cái cổ rất hợp với khuôn mặt trái xoan và thân hình cao ráo, lại thêm cái dáng thắt đáy lưng ong. Khi Hương từ trên chiếc xe máy của một đệ tử chùa Yên đưa đến, mọi người không khỏi ngỡ ngàng, dù nhiều người ở đây bằng cách này cách khác đều biết "Cái Hương giờ thành sư thầy chùa Yên rồi", nhưng sự có mặt của Hương là điều ít người nghĩ tới. Chỉ có một người chắc như đinh đóng cột rằng, không nhận được giấy thì thôi, nhận được thể nào Hương cũng đến. Dù mới cách đây năm ngày, Thành có việc ra Cẩm Phả thăm một người có họ xa ở ngoài đó, trong khi trò chuyện lại hoá ra ông này có quen một chú tên là Vạn, quê ở Vĩnh Tiên, đi làm kinh tế mới ra ngoài này từ năm 1978. Thành lùi ngày về, nhờ thằng con ông cùng họ đèo xe máy đến nhà Vạn nằm khuất trong thung lũng trên đường xuống Cửa Ông. Một ngôi nhà xây ba gian làm theo kiểu một thò hai chụt nằm dựa lưng vào sườn đồi, còn mặt tiền quay ra đường ô tô luôn bị những chiếc xe chở than từ trong mỏ ra tung lên từng nắm bụi đất, bụi than mù mịt. Thành vừa lên dốc vào ngõ, vừa réo đúng tên ông chủ ra mà gọi như gọi đò, nhưng cũng phải một lúc lâu Vạn mới lóp ngóp từ đám sắn khoai sau đồi tất tả đi xuống. Hai người đàn ông đều đã ngoài năm mươi mà vẫn ôm chầm lấy nhau, mới hỏi được câu trước câu sau: "Thành đấy ư. Có phải Thành thật không?". Còn người kia:" Mày trông như ông lão ngoài bảy mươi thế này ư Vạn!", đã vội buông nhau ra, rồi cả hai kẻ lấy cùi tay, người kéo vạt áo lau nước mắt. Cuộc gặp kỳ ngộ làm sống dậy trong lòng Thành và Vạn cả quãng đời thanh xuân với bao kỷ niệm buồn vui mà dẫu có nhắc lại cũng không biết bao giờ cho hết. Nhưng chuyện gì thì chuyện cuối cùng họ cũng dừng lại ở Hương. Vạn chì chiết mình: "Lỗi chính ở tôi. Thời gian ở trại điều dưỡng Bắc Hà, lẽ ra tôi phải thư từ tìm Hương, thì tôi lại dồn tình cảm vào một nữ y tá ở trại. Sau này biết Hương vẫn đợi tôi chứ chưa lấy ai, tôi lại càng hối hận đã làm hỏng cuộc đời một người con gái. Thật không còn mặt mũi nào nhìn thấy Hương trên cõi đời này nữa". Thành thấy Vạn nặng lời với chính mình cũng dấu biến chuyện Hương đi tu, sợ Vạn biết lại thêm trách cứ mình thêm nữa, chỉ nói qua với Vạn về mấy người bạn nam chí cốt của hai người và cuộc gặp lần thứ hai của cựu thanh niên xung phong tỉnh vào ngày ấy ngày nọ, thể nào cậu cũng phải về đấy nhá. Nhưng riêng cuộc gặp ấy, Vạn phải nói trước để Thành thông cảm là chưa chắc đã về được. Ừ, hoàn cảnh gia đình. Hân, vợ Vạn, cô y tá trại điều dưỡng thương binh nặng Hà Bắc năm nào, bị ung thư vú mới đi chữa ở bệnh viện Hà Nội về, giờ người vẫn yếu lắm, cơm cháo, giặt giũ chồng vẫn phải phục vụ tận nơi. Ừ ừ, cô ấy phục vụ mình lắm chứ mình phục vụ cô ấy được mấy. Nhưng vợ yếu đau cũng không lo bằng lo ông mãnh đang ở dưới bếp kia. Hử, làm sao lại ra nông nỗi ấy, mà từ lúc đến sao không nói ngay, lại chỉ kể mỗi bệnh tình của vợ. Nói anh cũng chẳng giúp được gì, mà có khi tôi lại thêm xấu hổ với bạn bè, người thân ở trong quê, rằng đưa vợ con ra ngoài "vùng vàng đen" tưởng thế nào, hoá ra lại đưa con vào con đường nghiện ngập ma tuý. Thành nghe, từ thương bạn quá chuyển thành giận bạn có những ý nghĩ nông nổi, liền mắng té tát: "Mày nghĩ chúng tao là hạng người nào hả, hả! Ở đời ai nắm tay được cả ngày. Có khổ có hạn thì xúm nhau vào mà cứu nhau, mới gọi là anh em chứ". Nhưng thực, khi nói thế, Thành cũng chưa biết cách xúm nhau vào cứu thằng con Vạn mới mười lăm tuổi như thế nào. Mà chỉ biết về đến nhà gửi ngay giấy mời họp cho Hương, đằng sau viết thêm một câu lấp lửng "Thể nào cũng đến, Hương nhé. Sẽ có bất ngờ cho Hương đấy". Rồi Thành tin, không nhận được giấy thì thôi, nhận được thể nào Hương cũng đến. Chỉ tiếc là Vạn không về. Vạn lo về quê họp đồng đội nhanh cũng mất ba ngày, không có ai ở nhà trông nom nổi thằng con nghiện ngập, nhỡ nó tháo được cửa ra thì không biết đường nào mà tìm nó chuyến này nữa. Thành cảm thông với hoàn cảnh của bận, dốc túi còn bao nhiêu tiền đưa cả cho Vạn, bảo cầm lấy bồi dưỡng cho vợ, thuốc thang cho con, mình về bàn với ban liên lạc cựu thanh niên xung phong tỉnh có cách gì giúp cậu vượt qua khó khăn này. Thành vừa nhìn Hương đang bị mấy anh chị cùng huyện vây chặt ở ngoài sân, vừa miên man vừa nghĩ đến Vạn, thì dường như Hương đã nhìn thấy anh, bất chấp cả lễ nghi nhà Phật, giơ tay gọi đến khản giọng: "Anh Thành, anh Thành ơi! Em đây mà!". Thành bước nhanh lại chỗ Hương. Vừa thấy anh, Hương đã hỏi dồn: " Anh Thành bảo sẽ có bất ngờ cho Hương, là bất ngờ gì, anh nói đi?". Nhưng Thành chỉ ư hừ, bảo Hương hãy nán đợi, tan buổi họp, anh em ngồi lại với nhau chuyện trò lâu.
Cho đến bây giờ Hương vẫn chưa quên cuộc gặp mặt thanh niên xung phong tỉnh năm ấy. Hay đúng hơn, Hương vẫn chưa quên cái cảm xúc rất khó diễn tả của mình khi hai anh em ngồi trong quán cà phê trước cửa thành đoàn, nghe anh Thành kể về Vạn và hoàn cảnh gia đình anh ấy. Hương nghe rất kỹ, hỏi rất kỹ cửa nhà, đường sá, xe cộ vào nhà Vạn cách Cửa Ông bao xa. Chỉ hỏi cách Cửa Ông thôi, vì Hương học cùng khoá với một ni cô giờ đang ở chùa Cửa Ông, hai người hay qua lại thăm nhau mỗi khi có dịp. Đến chùa Cửa Ông cũng coi như biết đường vào mỏ Mai Sơn, gần nhà Vạn. Thế nên khia chia tay ở trước quán cửa cà phê thành đoàn, anh Thành một hai hẹn nếu bố trí đi thăm Vạn thì nhớ nhắn anh lên dẫn đi cho khỏi phải hỏi đường, Hương chỉ dạ vâng cho anh yên tâm, chứ không nói gì. Mà thực tình khi ấy Hương cũng không biết nói gì, hay đúng hơn không còn lòng dạ nào mà nói. Vẫn biết con người ta mỗi người một số, không ai cưỡng được số trời. Nhưng Hương vẫn thấy có cái gì như sự bất công, một người ăn lành ở hiền như Vạn mà sao từ khi biết nhau, Hương chỉ thấy anh gặp toàn chuyện không may. Mỗi lần như thế, Hương đều như người đứng ở ngoài xa, chưa khi nào được chia sẻ cùng anh dù chỉ là một lời động viên an ủi. Lòng dạ rối bời, Hương trở lại chùa Yên trong tậm trạng mừng lo lẫn lộn. Mừng vì biết tin Vạn vẫn còn, lại đang sống ở cách nơi Hương trụ trì chưa đến ngày đường, lại vừa thấy phấp phỏng lo không biết Vạn còn nhận mình nữa hay không. Nhận thì vui quá rồi. Nhưng không nhận thì biết ăn nói thế nào. Một ni cô được đào tạo chính quy ở trường Phật học, nhập thiền đã hàng chục năm, vẫn còn lưu luyến bụi trần, cất công ngày đường ngang nước đi tìm người tình xưa cũ mà người ta lại không nhận. Nhưng bụng Hương không phải là cái hũ nút, nên tối ấy, sau buổi cầu kinh xong, Hương mời mấy ni cô và người quản trị chùa vào phòng khách, nói rõ cho mọi người biết tôi nghỉ việc nhà chùa vài hôm để ra ngoài Cửa Ông thăm một anh trong đơn vị thanh niên xung phong ngày xưa đang bị vợ ốm con đau ở ngoài đó. Quản trị chùa là một chị trước đi thanh niên xung phong mấy năm, có lẽ đoán ra cái người mà Hương đi thăm hẳn không ai khác chính là cái nhà anh cùng đơn vị thanh niên xung phong mà Hương đã có lần kể cho chị nghe. Chị sốt sắng xin cho đi cùng "không gì bằng đường xa có bạn đi cùng" - Chị bảo thế. Cuối cùng Hương cũng không thể từ chối lòng tốt của chị. Hai người đi tàu ra thẳng Cửa Ông, lên chùa thăm ni cô Đàm Lan. Với người bạn đồng giới này, từ ngày còn ở trường Phật học Hương đã không giấu chuyện mình, thì ai chả có một thời tuổi trẻ rực lửa yêu thương mà còn giấu. Thế nên cơm trưa xong, Hương xin phép vào trong Mai Sơn, gặp hay không, chiều tối thế nào cũng quay lại chùa nghỉ đêm nay. Từ Cửa Ông vào Mai Sơn chỉ hơn hai cây số, đi bộ cũng chỉ một giờ là cùng, nhưng ni cô Lan nhất định không để ni cô Hương và chị Thư đi bộ, vội nhấc máy điện thoại gọi taxi đưa hai người đi. Trời sui đất khiến thế nào, chiếc xe đưa hai người đi chỉ bằng người nấu chín chõ xôi rồi đã thấy quay ra. Hỏi thế nào Hương cũng không nói. Còn chị Thư đi cùng chỉ lùng bụng mỗi câu: "Mất lịch sự. Mất lịch sự quá chừng!". Nhưng cũng mãi đến khuya, chầu kinh xong về phòng nghỉ, Hương mới kể hết với Lan về những cái "mất lịch sự" mà chị Thư cứ lụng bụng dọc đường về. Hoá ra, khi hai người vào đến sân, vừa đánh tiếng đã thấy Vạn đi ra, nhưng có lẽ tưởng hai người nhà chùa đi hành khất nên lại vội quay vào. Thư thấy thế vội lên tiếng: "A di đà Phật! Thí chủ cho hỏi đây có phải là nhà ông Vạn?". Vạn vội quay ra: "Các sư hỏi Vạn nào, hay là nhầm Vạn chăng". Thư hơi ngớ người, vì thực chưa biết họ đương, quê quán cái nhà anh Vạn ấy ở đâu. Thì Hương như không nén được, vội lên tiếng: "Anh Vạn! Em, em Hương đây mà". Nhưng Vạn vẫn chỉ dương mắt nhìn Hương như thể người từ trên trời rơi xuống, chứ không thốt được lời nào. Hương vội bỏ chiếc nón trên đầu, nói như đã trào nước mắt: "Anh không nhận ra em ư!". Cùng lúc đó, có tiếng người đàn bà mệt mỏi từ nhà trong vọng ra: "Ai đến đấy, hả bố nó?" Hương vừa định bước vào, tức thì Vạn đứng chắn trước mặt: "Không, tôi không quen biết sư siếc nào. Xin các người đi đi cho". Thư vội đặt chiếc làn đường sữa, hoa quả lên bàn, quay ra nói như van: "Anh Vạn, đây chính là cô Hương, người…". Nhưng Vạn đã cắt ngang bằng một câu dứt khoát: "Đã bảo các người đi đi! Tôi không muốn gặp lại ai nữa". Đến nước ấy thì Thư chỉ còn cách dẫn Hương đang buồn nhão cả người thất thểu ra xe, trở lại chùa Cửa Ông. Nhưng hôm sau, mới mờ sáng, bà lão quét chùa đã vào tìm ni cô Lan, thưa có một ông xưng danh là Hương, đến hỏi sư Hương và một sư nữa chiều qua có đến đây không? Lan không hỏi Hương liệu có nên gặp, bảo ngay bà lão ra mời ông ấy vào phòng khách. Đặt chén nước, trước mặt người đàn ông, Lan hỏi mà như không cần người kia trả lời: "Anh là Vạn, trước kia ở cùng đơn vị thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước với cô Hương à?". Vạn xác nhận: "Vâng", rồi im lặng giây lát, lại tiếp lời: "Nhà sư biết cả rồi ạ". Lan nghe bỗng cười thầm, trong đầu vụt loé lên ý nghĩ tinh nghịch: "Bao năm mới gặp còn làm bộ tịch đuổi người ta đi. Đằng ấy mất lịch sự quá đấy. Giờ định đến xin lỗi à? Không xong đâu. Còn phải thế nào nữa kia". Vạn bụng bảo dự cứ chịu nước lép là xong, liền cất giọng trầm ngâm: "Tôi giờ cảnh nhà thật chẳng bằng ai, vợ thì bệnh tật nằm đấy, có mỗi thằng con lại mắc vào nghiện ngập, ở nhà thì thôi, đi ra ngoài trông thấy chúng bạn nghĩ mà xấu hổ. Thế nên hôm qua bất ngờ thấy cô Hương tìm đến nhà, thật tình khi ấy tôi hơi bị sốc, nên có phần nói năng cũng không phải. Đêm nằm không sao ngủ được, nghĩ mà giận mình, thương Hương quá chừng. Sáng ra nấu vội cho vợ con nồi cháo, rồi ba chân bốn cẳng đi thẳng xuống đây, chỉ lo cô ấy về rồi, không gặp, thì đúng lần này hận không để đâu hết hận". Người đàn ông nói những lời từ gan ruột, Lan nghe xong không cầm lòng, vội đặt chén nước vào tay Vạn: "Anh uống nước đi. Để tôi mời cô Hương ra". Hẳn Lan nói với Hương thế nào, nên chỉ thấy Hương ra phòng khách với Vạn bằng người nhai dập miếng trầu đã quay vào bảo Lan gọi cho chiếc taxi lên Mai Sơn.
Đến bây giờ, dẫu thời gian đã trôi đi hai năm có lẻ, Hương vẫn chưa thể nào quên cái buổi sáng hôm ấy ở nhà Vạn. Chưa bao giờ trong lòng Hương lại rối bời cảm xúc yêu thương, giận dữ, bao dung, chia sẻ, rồi còn những gì gì nữa xốn xang cõi lòng mà không sao diễn tả được, làm Hương có lúc như không kìm nén được mình nữa. Ấy là lúc Vạn dẫn Hương và chị quản trị chùa xuống gian nhà dưới. Ba người đứng ở ngoài cửa, cách một chắn song, bên trong là thằng Vang, con Vạn, đang nằm còng queo, chân bị khoá chặt bằng cái khoá vòng xe đạp. Thằng bé khi ấy dường như rất khó nhận ra là đứa nghiện ma tuý, hay cơn nghiện đã qua mà nó tỉnh táo khác hẳn. Nhác thấy có người đến, nó ngỏng dậy, rồi cất tiếng rời rạc, khô khốc: "Cháu chào hai cô", xong lại dương đôi mắt thao láo nhìn người bố như van xin mở khoá cho con. Vạn như đã hiểu cái cử chỉ ấy của thằng con, vội quát: "Nằm yên đấy. Ra để lại biến đi hút hít hả!". Câu mắng con không lựa lời của Vạn như vô tình làm bật ra trong hộp não của nó một cảm giác thèm thuốc, bỗng nó oằn người, gào thốc lên: "Cho con ra. Không! Con chưa nghiện. Con mới hút thử vài lần… Dễ chịu lắm… ắm!". Rồi cứ thế, thằng bé đập chân, đập tay xuống cái giường con chiếu chăn bừa bộn như cái ổ. Vừa đập nó vừa vừa gào khóc, vừa chửi tục. Nhưng cứ sau mỗi lần đập đầu gào khóc, thằng con Vạn lại nhìn chằm chằm về phía Hương với đôi mặt nửa cầu xin, nửa tức giận, như có ngọn lửa bên trong. Cứ mỗi khi bắt gặp cái nhìn của nó, Hương lại không thể cầm lòng, vội quay ra lấy đầu khăn chấm mắt. Giây lát Hương bảo Vạn, hay là anh cho em vào với cháu một tý biết đâu em là người lạ đến, nó lại muốn nói gì sao. Vạn ngần ngại một giây, rồi có lẽ không nỡ chối từ lời thỉnh cầu bao nhiên năm mới có một lần của Hương, Vạn chậm chạp bước vào gian bếp bên cạnh cầm chiếc chìa khoá đi sang. Khi cái cánh cửa gỗ nặng nề vừa hé mở, Hương lách người trườn nhanh vào, hai tay ôm chặt lấy thằng Vang. Nó thực chưa biết người đàn bà mặc áo cà sa kia là ai mà lại được bố mở cửa cho vào, còn mình gào thét đến khản cổ cũng không được đoái hoài tới; nhưng nó lơ mơ hiểu người mặc trang phục nhà chùa đến hẳn không ngoài việc cứu nó ra khỏi nơi này. Khi chưa mắc vào ma tuý, Vang cũng nghe nói ở chùa này chùa kia, các thầy sư, bà vãi giàu lòng thương người đã đưa những đứa trẻ mồ côi lang thang, và cả người nghiện nữa, về chùa nuôi. Như hiểu được ý nghĩ của thằng bé, Hương vừa ôm nó vào lòng vừa cất giọng ngàn ngạt: "Cô là sư Hương, ở chùa Yên, trước cùng đại đội thanh niên xung phong chống Mỹ với bố Vạn cháu đây mà". Nghe đến đấy hai mắt thằng Vang như sáng lên, ngước nhìn chăm chăm vào khuôn mặt trái xoan, dẫu tuổi tác có làm tăng thêm những nếp nhăn, nhưng vẫn hiện rõ một khuôn mặt nhân hậu, bao dung, vị tha. Bỗng thằng Vang giơ cả hai tay đang còn khoá lên như muốn ôm chặt lấy Hương, còn cái miệng lại nghếch lên van nài: "Cô ơi, cô thương cháu, bảo bố cháu mở khoá cho cháu với!". Bấy giờ Hương mới sực nhớ tay chân thằng bé vẫn còn đang bị hai cái vòng nặng nề khoá chặt. Hương vừa quay ra định bảo Vạn mở khoá cho thằng bé, thì đã nghe tiếng Vạn nói như quát con: "Mở để mày lại biến đi hút hít à!". Thằng bé gào lên: "Con không hút… Con thề…!". Hương nâng đầu thằng Vang lên, nhìn thẳng vào đôi mắt nói, hỏi: "Cháu có hứa với cô là nếu được ra ngoài, cháu không mắc vào ma tuý nữa thì cô sẽ bảo bố Vạn mở khoá cho cháu?". Thằng bé như đổ ập vào người Hương, giọng lạc đi: "Cháu không hút hít gì nữa hàng tuần nay rồi. Nhưng bố cháu vẫn khoá chặt ở trong này, khổ lắm cô ơi!". Vạn đưa mắt nhìn thằng con đang nằm gọn trong tay Hương, giọng bùi ngùi chứ không quát tháo dữ dẵn như khi nãy: "Nhưng cho ra thì sớm muộn rồi lại tái nghiện con ạ. Thà con cứ tránh xa cái đám bạn nghiện ấy ra, yên tâm ở trong này ngày hai bữa bố cơm nước mang xuống tận nơi". Câu nói của Vạn như loé ra trong đầu Hương một ý nghĩ, Hương đặt thằng Vang nằm lại giường: "Thôi cháu nằm đây nghỉ, để cô lên nhà một lát". Trong khi Vạn còn đang mắc khoá vào cửa, thì Hương kéo chị Thư, quản trị chùa Yên ra góc sân. Hai người nói với nhau những gì, Vạn không tò mò nghe; nhưng khi quay ra, Hương liền gọi Vạn lại. Hương và Vạn, có cả chị quản trị chùa, đứng nói với nhau rất lâu ở sân trước lúc vào trong nhà nói chuyện với Hân, vợ Vạn vẫn còn yếu nằm trong nhà. Dẫu bao nhiêu lời nói, bấy nhiêu cuộc bàn, nhưng cuối cùng thì cả hai vợ chồng Vạn đều cầm lòng cho Hương đưa thằng con về ở với Hương dưới chùa Yên, chỉ với một lý do mà bất cứ ông bố, bà mẹ nào thực sự thương con cũng không thể chối từ: nhà chùa vắng vẻ, yên tĩnh, xa nơi đông người sẽ là môi trường tốt cho cháu tránh xa ma tuý, hoà nhập cộng đồng.
Nhà sư chùa Yên vừa kể cho tôi nghe đến đấy thì đột ngột dừng. Tôi vội hỏi: "Thế còn về sau, những ngày ni cô Hương và chị quản trị chùa đưa cháu Vang về làm thế nào mà cai được nghiện cho cháu, rồi lại cho cháu đi học bình thường mỗi năm một lớp, đến giờ cháu đang học năm cuối trung học phổ thông". Nhưng ni cô Hương chỉ lẳng lặng chiêu thêm nước sôi vào ấm trà, một lát nhìn tôi nói mà như hỏi: "Ông có thấy rằm tháng Bảy người ta cúng thập loại chúng sinh không? Đó là một tục lệ đẹp của nhà Phật. Vào những ngày đó nhà nào cũng cúng, nhưng không nhà nào kể với nhà nào rằng mình đã mua những thứ gì về cúng, cúng cho những người nào. Mà họ chỉ biết mỗi việc là cầu trời khấn phật phù hộ độ trì cho thập loại chúng sinh được thoát khổ, thoát nạn, làm người nhân từ độ thế mà thôi".
Tôi chỉ còn biết lắng nghe và tự hiểu từng ý trong mỗi lời ni cô nói, để giờ viết ra giấy trắng mực đen ngỏ hầu quý vị./.

Xem Tiếp: ----