Ba cô gái. Vừa mới hết năm thứ nhất khoa diễn viên thì họ nhận được vai. Thực ra người ta chỉ chọn một cô để giao vai chính. Nhưng cô này không chịu đi đóng phim nếu hai cô bạn không có vai diễn. Ở vào hoàn cảnh khác thì người ta bái bai cô em, chúng anh không có chế độ ăn theo, chúng anh không bán vé kèm trẻ em, bao nhiêu siêu sao đang trông đợi chúng anh mỏi mòn ra kia. Nhưng đây là phim hợp tác. Với Việt kiều. Ông Việt kiều trả tiền để làm phim về mối tình thời trai trẻ của ông. Cô gái chính là hình bóng người yêu của ông bốn mươi lăm năm trước. Người yêu đã rủ ông cùng trốn ra vùng kháng chiến nhưng ông không đi. Thế là đôi người đôi ngả. Người thành Việt kiều yêu nước. Người thành cán bộ cách mạng lão thành. Ông Việt kiều đồng ý cho thêm vào bộ phim hồi ký hai cô bạn gái của người yêu. Người yêu được trả chín triệu. Hai cô bạn, một cô ba triệu, một cô hai triệu. Cả ba cô sẽ trở thành những diễn viên nổi tiếng, ta chẳng nên gọi tên thật của họ ra làm gì. Cứ đơn giản gọi họ là Chín Triệu, Ba Triệu, Hai Triệu, mặc dù dùng tiền nong để đặt tên nhân vật đâu có hay gì. Ba cô rủ nhau ra đảo Cát Bình trước. Năm ngày nữa đoàn phim mới tới. Năm ngày đủ cho họ đi tắm biển, đi dạo chơi và làm quen với khung cảnh họ sẽ phải xuất hiện. Chính ở đây họ đã gặp Bóng Rổ. Các cô đặt tên cho người đàn ông là Bóng Rổ vì anh ta cao lớn, dáng vẻ như một vận động viên bóng rổ. Anh là con rể của một cán bộ cấp cao, ta chẳng nên gọi tên thật của anh ra làm gì. Cứ đơn giản gọi anh là Bóng Rổ. Mà thực ra anh cũng đã mất tên từ lâu, từ khi bị cái bóng của ông bố vợ phủ lấp lên. Ở đâu người ta cũng trịnh trọng giới thiệu anh là con rể ông Y, thế là đủ, họ không cần giới thiệu học vị nghề nghiệp chức vụ của một gã X vô danh vô nghĩa. Trên bãi biển chỉ có một người đàn ông. Đấy là trong mắt ba cô gái mười tám. Thực ra bãi tắm khá đông người. Nhưng người đàn ông nổi bật vóc dáng ngoại cỡ, gương mặt phảng phất buồn và cặp mắt nâu xa xăm hướng nội. Anh ta chỉ xuống biển tắm một lát, rồi lên ngồi một mình bên chiếc bàn ở chỗ khuất. Ba cô đi qua vẫy tay cười với anh. Anh ta cười đáp. Gương mặt đẹp méo xệch đi vì nụ cười lịch sự đáp lễ. Vẻ mặt hắn đầy âm mưu như đang tính chuyện vượt biển sau một vụ án. Ba Triệu nói. Hắn giống một kẻ thành đạt rửng mỡ vừa bị một đòn suy sụp. Hai Triệu nói. Hình như cả hai cậu đều đúng, mà hình như không. Chín Triệu nói. Cả ba cô đều nói. Cả ba cô đều phân tích tâm lý nhân vật theo lý thuyết. Chưa cô nào có người yêu. Chẳng rõ cô nào đầu tiên nghĩ ra cái trò ấy. Họ sẽ dàn dựng một vở kịch tình yêu với Bóng Rổ. Ít ra cũng biết được anh ta thuộc loại nào trong mấy loại người nêu trên. Thì cứ coi đây là một tiểu phẩm bài tập mà ba cô vẫn cùng làm với nhau ở trường. Chín Triệu là nhân vật nữ chính. Ba Triệu là trợ lý đạo diễn. Hai Triệu là đạo diễn. Vẫn thường như vậy, kẻ kém giá nhất vẫn thường chỉ đạo kẻ đắt giá thực hành diễn xuất. Các cô họ nhà Triệu có năm ngày để dàn dựng tiểu phẩm. Trên thực tế có thể coi màn kịch kết thúc sau bốn ngày. Ngày thứ nhất. Thời gian: Từ 3 giờ đến 6 giờ chiều. Địa điểm: Bên bãi tắm, chỗ chiếc bàn ở góc khuất. Sau sáu giờ, Chín Triệu kể lại toàn bộ câu chuyện với hội đồng các tác giả kịch bản và đạo diễn. "Anh ấy bảo rằng tôi gấp đôi tuổi em. Mình hỏi sao anh biết. Bóng Rổ nói em kể vừa mới hết năm thứ nhất Tổng Hợp, tức là em chừng mười tám tuổi. Tôi ba mươi sáu tuổi, tức là tôi gấp đôi tuổi em...". - Vừa mới mở màn đã bóc mẽ tuổi tác nhau ra thì diễn kịch tình yêu làm sao được nữa. Hai Triệu lắc đầu chê. "Bây giờ anh ấy rất sợ tình yêu, anh ấy luôn chạy trốn tình yêu". - Giọng tà lưa của mẹ mìn ái tình đấy. Ba Triệu bảo. - Không đúng, như mình đây này, mình cũng luôn chạy trốn tình yêu. Chín Triệu phản đối, rồi kể tiếp. Bóng Rổ nói anh vừa mắc một sai lầm nghiêm trọng. Chín Triệu không tiện hỏi sai lầm gì. Anh cũng không nói, mà chuyển sang kể chuyện tình yêu tuổi mười tám của mình. Anh yêu cô bạn gái cùng tuổi cùng lớp ở trường đại học. Họ yêu nhau thắm thiết sáu năm, quãng thời gian xưa nay hiếm trong thời buổi tốc độ này. Rồi họ lấy nhau, có một con gái năm nay mười một tuổi. Cũng cần phải biết rằng vợ Bóng Rổ là con gái của ông Y lừng danh. - A, hắn ta là một tay đào mỏ - Ba Triệu đắc thắng reo lên - Yêu cha mà lấy con. Đào mỏ sẽ chết vì sập hầm lò con ơi. Không đúng, Bóng Rổ khi yêu nào có biết người yêu là con nhà cán bộ hay bình dân. Bạn bè và những người xung quanh cũng xì xào đàm tiếu. Nhưng anh đâu có lỗi vì người yêu sinh ra trong một gia đình như thế. Người yêu của anh cũng đâu có lỗi. Mặc dù cũng phải thừa nhận rằng nhờ rơi vào vòng ân sủng của gia đình ông Y mà mọi việc đều êm xuôi ở cơ quan của anh, ở những cơ quan anh đến liên hệ công tác. - Vợ anh ta có đẹp không nhỉ? Hai Triệu băn khoăn buông một câu hỏi trống không. - Những gã điển trai thường hay sa lưới của những đứa con gái xấu xí. Ba Triệu nhận xét. Cô là người duy lý và tỉnh táo hơn cả. Xinh đẹp, giàu có, danh tiếng, thế lực là những thứ ông trời ban nhỏ giọt cho con người, mỗi người chỉ được đúng một giọt, rất công bằng, chẳng ai hơn ai. Kẻ nào chẳng may đớp được hai ba giọt khác thì phải trả giá theo kiểu ăn trước trả sau, rất thảm khốc. Từ kết luận này của Ba Triệu thì dứt khoát con ông to không đẹp. Vợ Bóng Rổ không đẹp. Đấy là điều Chín Triệu phải xác minh ở màn thứ hai. Ngày thứ hai. Thời gian: Buổi sáng từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30. Địa điểm: Bên bãi tắm. Hai diễn viên phụ giỡn sóng ngoài xa. Buổi chiều từ 2 giờ 30 đến 5 giờ 45. Địa điểm: Ngồi bên cầu tàu, nhìn ra vịnh biển. Hóa ra là vợ Bóng Rổ đẹp mê hồn. Anh đưa cho Chín Triệu xem tấm ảnh vợ gài trong cuốn sổ nhỏ ở túi áo ngực. - Có thể chỉ là chị ta ăn ảnh. Có thể chỉ là chị ta mông má tân trang quá nhiều - Ba Triệu phỏng đoán rồi khẳng định - Đàn ông thông minh thì không bao giờ lấy vợ đẹp. - Như cậu nói thì hoặc là anh ta ngốc ngếch, hoặc là thực sự chị ta không đẹp? Hai Triệu hỏi lại. Chín Triệu không tham gia cuộc tranh cãi. Rốt cuộc cô đã biết được và kể lại cho hai bạn nghe về sai lầm của Bóng Rổ. Vợ anh đi học ở Pháp. Được một thời gian, ông bố vợ định gửi nốt Bóng Rổ sang Pháp, nhưng anh từ chối. Anh đã nghe khá nhiều lời đồn đại và không muốn mang tiếng nấp bóng nhà vợ. Anh đi công tác biệt phái ở miền Nam. Anh gặp một người đàn bà có những nét giống vợ mình. Anh yêu người đàn bà giống vợ mình. - Đi với người khác mà vẫn cảm thấy như đang đi với vợ. Đấy là tâm lý tự lừa dối mình để xua đi mặc cảm tội lỗi. Ba Triệu nói. Anh nghĩ sao nếu vợ anh ở bên kia cũng tìm được một người đàn ông nhang nhác giống anh? Chín Triệu hỏi. Bóng Rổ buồn bã gật đầu. Một vài người bạn cũng hỏi anh điều đó. Nhưng anh hoàn toàn tin tưởng. Vợ anh không phải loại người đi tìm nguồn vui tạm bợ. Chị thích những giá trị bền vững. Thỉnh thoảng vào ban đêm anh gọi điện thoại cho vợ. Sung sướng cực độ dù chỉ là gửi một cái hôn gió qua điện thoại. - Mình tin rằng con mụ kia cũng chẳng chịu thua kém để một mình chồng ngồi nhà ăn chả ăn nem như thế. Có vợ mà cho đi Tây, như rim không khoá để ngay Bờ Hồ. Ba Triệu bảo. - Đừng có nghĩ về con người cay nghiệt như vậy. Chín Triệu nhắc. Ba Triệu nghi ngờ nhìn bạn. Xem ra cô nàng diễn viên - điệp viên này đã bắt đầu bị đối tượng hấp dẫn. Cô ta sẽ quên vai trò đang đóng của mình để mê muội nhập thân vào nhân vật. Hai Triệu ủng hộ lối diễn xuất nhập thân hết mình, có như vậy mới chân thực, mới không gây cảm tưởng giả tạo. Stanilavsky đã chủ trương như thế. Nhưng Ba Triệu theo trường phái Bertolt Brecht. Một lần Brecht đến nghĩa trang, thấy hai nấm mồ cạnh nhau, một tấm bia ghi Nơi đây an nghỉ một diễn viên đích thực, tấm bia thứ hai ghi Nơi đây an nghỉ một khán giả đích thực. Hỏi mới biết trong một buổi diễn, một khán giả thình lình đứng bật dậy, rút súng bắn chết nhân vật vô lại trên sân khấu. Ngay lập tức ông ta nhận ra mình nhầm, bèn quay súng tự sát. Brecht bảo hãy thay dòng chữ trên bia mộ thành Nơi đây an nghỉ một diễn viên tồi nhất, và mộ kia: Nơi đây an nghỉ một khán giả tồi nhất. Brecht cho rằng nhập vai đến mấy thì cũng phải để một khoảng gián cách, để cho diễn viên và người xem đồng thời xúc động mà vẫn tỉnh táo ý thức được rằng họ đang diễn kịch và xem kịch. - Chớ dại mà mê muội theo nhân vật mình đang đóng. Ba Triệu nhắc nhở Chín Triệu. Ngày thứ ba. Thời gian: Suốt buổi sáng. Địa điểm: Hang Tùng Cau. Chín Triệu và Bóng Rổ tách ra đi riêng với nhau. Hai cô bạn gái loanh quanh bên bờ vịnh chờ điệp viên trở về. Bóng Rổ đang bận rộn với công việc biệt phái và người đàn bà trông giống vợ anh ở Sài Gòn, thì người vợ pháp lý lặng lẽ từ Paris về Hà Nội. Chị ta vội vã bán nhà, vội vã phân tán tài sản, vội vã tuyên bố ly thân. Chị ta không biết gì về người đàn bà giống mình ở Sài Gòn. Lý do ly dị chỉ là không hợp về mọi mặt. Lý do thực sự lại là một gã điển trai cùng du học và cùng phiêu lưu tình ái. Gã này đã húc thẳng vào chị ta sau một lần đánh cuộc với đám bạn bè đàn ông. Gã đang bị kỷ luật vì những lý do tài chính không minh bạch. Gã sẽ bị gọi về nước. Công danh sẽ đứt gánh giữa đường. Chỉ có người cha của chị ta mới cứu được gã. Gã lao sầm sầm vào chị như một cái máy xúc. Chị bị húc đổ ngay, như thể đến bây giờ mới khám phá ra một tình yêu đích thực. Chị lao ngay về Hà Nội như thực hiện một cuộc tập kích chiến lược bằng hàng không. Chị tập kích cho tan tành căn nhà và mái ấm gia đình vun vén bấy lâu. Chị tập kích vào người cha để ông phải hứa sẽ đưa tay cứu vớt gã nhân tình sẽ cưới chị. Sau trận không tập, chị lao vút trở lại Paris. Cặp tình nhân chờ đợi mỏi mòn để cuối cùng nhận được quyết định của ông bố. Ông sẽ không cứu bất cứ kẻ nào dính líu vào vụ này. Ngắn gọn. Chắc nịch. Gã nhân tình thoang chốc trở mặt. Trong cơn điên khùng, gã thẳng tay đánh đập chị ta. Gã định bỏ trốn nhưng không thoát. Chị ta cứ lăn lóc đòi bỏ học để theo gã bị dẫn độ về nước. Đến lúc ấy, Bóng Rổ mới biết chuyện. Anh gọi điện sang cho vợ. Em hãy quên hết mọi chuyện đi, anh tha thứ cho em. Tôi không quên, tôi cứ nhớ, anh là cái thá gì mà tha thứ cho tôi, người ta muốn hại anh ấy, muốn biến anh ấy thành kẻ ăn mày, thế thì tôi sẽ đi theo anh ấy làm một con ăn mày cho xứng đôi. Bóng Rổ không ngờ người yêu dịu dàng e lệ ngày xưa, người vợ khôn khéo nhẫn nại ngày nay thoắt xù lông một con sư tử cái mà gầm lên như thế. Chị ta bỏ học, về nước để nhằng nhẵng bám theo gã nọ, để bị gã đánh đuổi, để rồ dại theo gã đi khắp nơi khiếu nại cái quyết định kỷ luật. Hai năm trời Bóng Rổ kiên trì dỗ dành người vợ đang tự huỷ hoại thành thân tàn ma dại. Không một lời nào lọt tai chị ta nữa. Mới rồi, Bóng Rổ đành phải ký vào cái đơn ly dị. Ký xong, anh bỏ ra đây. Ký xong, anh nghĩ rằng mình đã sai lầm. Anh vẫn tin vào bản tính có thể cảm hoá của con người. - Anh ta sẽ tuyệt vọng thôi. Mụ vợ sẽ như thiêu thân lao vào lửa, cho đến khi nào bị thiêu cháy hoàn toàn. Hai Triệu nói. - Anh ấy thật đáng thương. Chín Triệu lẩm bẩm như nói với mình. - Đừng có thương cảm vớ vẩn. Hãy nhớ đến Brecht, hãy tự ý thức rằng cậu đang đóng một vai kịch. Ba Triệu nghiêm giọng. Chín Triệu biến theo cùng Bóng Rổ suốt cả buổi chiều. Tám giờ tối thì Hai Triệu không dám bảo vệ quan điểm diễn xuất phải hoàn toàn nhập vai được nữa. Hai cô gái đâm bổ ra bãi tắm. Đêm không trăng. Gốc dừa, gốc phi lao, bờ bụi nào cũng có từng đôi từng đôi nằm ngồi ngả nghiêng. Con này liều thật. Con này gớm thật. Thằng cha Bóng Rổ tàu nhanh thật. Các cô xuýt xoa, các cô làu bàu, rồi các cô gọi, cũng chẳng dám gọi to, chỉ gọi thì thầm. Chín Triệu ơi, Chín Triệu ơi. Tất nhiên các cô gọi tên thật của Chín Triệu cơ, nhưng ta đã thoả thuận từ trước là không viết tên thật của bất cứ một nhân vật nào trong câu chuyện này. Hai cô nản chí quay về, đã thấy Chín Triệu ngồi trong phòng. Gương mặt hoàn toàn phẳng lặng. Như vậy có nghĩa là cô đang diễn một bộ mặt phẳng lặng. Cô lảng tránh câu hỏi của hai người bạn và nói rằng suốt cả buổi chiều nay suốt cả buổi tối nay không có một chuyện gì đáng để kể lại. Ra vậy, đó là một lớp kịch chỉ lưu hành hội bộ mà không được công diễn. Ngày thứ tư. Sáng sớm có tiếng tàu thuỷ hù lên ngoài bến. Trầm đục thở than. Chín Triệu vùng dậy, chạy tới bên cửa sổ nhìn ra ngoài cảng. Con tàu dùng dằng đi dưới trời mưa như trút và mặt biển nghi ngút bốc hơi. - Anh ấy đi rồi. Chín Triệu thẫn thờ lẩm bẩm. - Chẳng nhẽ màn hạ ở đây? Đạo diễn Hai Triệu có vẻ băn khoăn với một cái kết như vậy. Con tàu mờ nhoà trên mặt biển trắng mờ sương khói. Thốt nhiên, cả ba cô gái thấy Bóng Rổ che một chiếc ô xanh thẫm chạy qua sân. Anh chạy dọc theo hành lang, về phía căn phòng của ba cô. Chín Triệu vội mở cửa, chạy ù ra sau nhà, đứng dưới mái hiên. Hai cô gái niềm nở mời Bóng Rổ vào phòng. Chín Triệu bỏ đi, tức là nó không muốn gặp anh. Anh có cần nhắn gì, cứ nói với chúng em. - Bỏ đi? À, cô ấy có lý do để lảng tránh. Có lẽ cũng vì lý do đó mà tôi phải hoãn chuyến tàu ngày hôm nay. Tôi chưa đi được, vì phải nói với cô ấy một điều... Bóng Rổ rất thông cảm với cơn sốc hiện nay của Chín Triệu. Một ông già Việt kiều mới đây tìm về gặp lại mẹ cô để biết rằng bà mẹ đã mất cách đây ba năm. Ông bảo cô giống hệt người mẹ gần nửa thế kỷ trước. Thì ra bà mẹ cuối đời nghiện ngập của cô cũng đã có một thời thanh xuân đầy sự kiện. Sự xuất hiện của ông Việt kiều khơi lại nỗi đau chưa nguôi của cô về người mẹ... Ba Triệu nhếch mép. Hai Triệu thầm xuýt xoa trong lòng, cô bạn gái quả đã nhập vai hết mình. Hai Triệu rụt rè lên tiếng: - Thế này, anh Bóng Rổ ạ... - Cô gọi tôi là Bóng Rổ? - Vâng, chả là chúng em thấy anh giống một vận động viên bóng rổ. - Bóng Rổ cũng được, tuỳ các cô. Nhưng tôi thích chơi tennis và đi bơi. Còn nghề của tôi là sản xuất bút chì. Khó mà hình dung một người đàn ông cao lớn như thế lại loay hoay tỉ mẩn với những chiếc bút chì nhỏ xíu. - Anh Bóng Rổ, chúng em xin lỗi về chuyện này. Ba đứa chúng em là diễn viên. Đây chỉ là màn kịch chúng em tập dượt cho bộ phim khởi quay vào ngày mai. Sáng mai anh sẽ thấy đoàn làm phim của chúng em tới. Mong anh thứ lỗi. Hai Triệu thu hết can đảm nói liền một hơi. - Diễn kịch ư? Đóng phim ư? Bóng Rổ ngồi lặng đi. Bất chợt anh bật lên phản ứng. Nhưng chuyện mẹ cô ấy say rượu, khoá trái cửa để hoả thiêu căn nhà, hoả thiêu cả hai mẹ con thì không thể là kịch. Bà mẹ chết cháy. Cô ấy được hàng xóm cứu ra. Lưng cô vẫn còn một vết sẹo bỏng khá lớn. Điều này thì Bóng Rổ biết rõ. Hai Triệu sững sờ đưa mắt nhìn Ba Triệu. - Tôi đã định đi chuyến tàu sáng nay, nhưng chợt hiểu không thể lẳng lặng ra đi như thế được. Tôi muốn quay lại nói rằng tôi đi không phải vì hoảng sợ cái sẹo trên lưng cô ấy. Anh thở một hơi thật dài rồi mới nói tiếp. - Cũng nhờ nhắn với cô ấy rằng đừng vì mặc cảm cái sẹo mà lẩn tránh bạn trai có thiện ý. Bóng Rổ lại đi dưới trời mưa trở về khách sạn của anh. Hai cô bạn gái vòng ra sau nhà, đến bên Chín Triệu đang thẫn thờ đếm những hạt mưa giọt trướcban công. Ba Triệu bất đồ tốc vạt áo sau của Chín Triệu lên. Một tảng sẹo chằng chéo trên lưng như chiếc lá bàng đỏ. Hai cô bạn run rẩy lặng câm. Học với nhau một năm nay mà các cô không biết gì về bạn. Chẳng biết nói sao, các cô quay ra trách trời trách đất đang yên lành nắng đẹp bỗng sụt sùi tuôn xuống một trận mưa. Mưa gió thế này quay phim làm sao được. Sáng mai đoàn làm phim đến, các cô sẽ tranh thủ đạo diễn xem ông bỏ phiếu cho phe nào, phe Stanilavsky hay phe Brecht. Cái con bé Chín Triệu vừa Stanilavsky vừa Brecht thì đang khổ sở thế này. Để rồi xem, các cô sẽ đấu tranh với đạo diễn để bỏ phắt cái cảnh Chín Triệu phải mặc bộ đồ tắm hai mảnh đi trên bãi biển. Nửa thế kỷ trước trên bãi tắm Việt Nam bói đâu ra bộ đồ tắm hai mảnh cơ chứ./.