Quyền gỡ cái túi xách trên vai xuống, đưa cho Hương, nói như không có
chuyện gì xảy ra:
- Em về coi tình hình má thế nào rồi! Yên tâm đi, chậm nhất là trưa nay anh sẽ đem đến cho em một niềm vui bất ngờ... thật bất ngờ!
Hương lí nhí: “Em về... à!”, rồi lật đật bước xuống chiếc tàu tốc hành vừa nổ máy. Cô cúi người chui lẹ vào khoang tàu, tiện tay đóng sầm tấm chắn kính lại vì không muốn Quyền bắt gặp những giọt nước mắt đang chực lăn dài trên khuôn mặt thiếu ngủ của mình. Tàu quày mũi. Quyền vẫn còn đứng đăm đắm nhìn theo.
Hình như anh đang nheo mắt cười. Quyền vẫn vô tư và nghịch ngợm như ngày mới quen! Tội anh quá, Quyền ơi! Sự thật thì chẳng có ai làm sao cả. Em đang ngồi trên đống lửa đây nè, anh biết không? Lần này thì em biết thoái thác thế nào với ba, với cuộc hôn nhân mà người quyết định là ba em với bác Phú ở tận... bên Mỹ.
- Mai con tranh thủ về, có người ta tới coi. Người quen trước cả, không về là không được à... Nhớ nghen!
Ba chỉ nói thế rồi cúp máy, không đợi Hương hỏi gì. Hương rất hiểu tính ba: quyết đoán và rất kiệm lời, đặc biệt là lúc nói chuyện với ai qua điện thoại. Ba hay nói: “Tao vậy đó. Mắc cái điện thoại để ai có việc cần thì gọi. Tao không dám gọi cho ai hết. Hưu rồi, tiền đâu? Chỉ có gọi cho mỗi con Hương thôi mà tới kỳ thanh toán cước phí tao còn muốn méo mặt. Thằng nhỏ đi thu tiền lần nào cũng lắc đầu: Con sợ ông luôn...!”. Ba chỉ nói thế để cả nhà cười mà hình như cũng muốn nhắc nhở mọi người hãy quan tâm đến Hương, như ba vậy.
Từ ngày về nghỉ hưu, ba gặp nhiều chuyện buồn. Nội cái chuyện thế thái nhân tình cũng đủ làm cho ba bất nhẫn. Chuyện của Hương trước đây, bốn năm năm rồi mà ba vẫn còn đau đáu. Chẳng là suốt mấy năm Hương học ở Trường Cao đẳng Sư phạm, trong những bữa cơm gia đình vui vẻ, thỉnh thoảng ba vẫn nhắc: “Gái Út của ba ráng đậu hạng khá giỏi, ra trường nói với chú Toàn xin về dạy gần nhà. Mình khá giỏi nói chuyện với người ta mới mạnh miệng, chớ còn cái thứ... Lần nào gặp ba, chú cũng hỏi thăm Út Hương, căn dặn tới đó anh cho em hay, khó với ai chớ chỗ anh em mình hồi nào tới giờ...”. Tốt nghiệp, Hương phấn khởi tới trình diện sở, gặp chú Toàn. Chú làm ra vẻ khổ sở: - Cơ chế bây giờ khác rồi. Đâu con đảo vòng vòng mấy trường trong thành phố, ở đâu nhận về báo chú ra quyết định liền. Chú chỉ có thể “ưu tiên” với con thế thôi!
Hương đi hỏi thăm. Ở đâu họ cũng lắc đầu. Tới cái trường gần nhà, họ nói: “Về đặng tụi tui rộng chắc!”. Má nóng ruột biểu ba đi nói với chú Toàn một tiếng, nó con nít mà... Ba trả lời buồn xo: “Chú ấy nói thế chắc là khó thật. Không giữ được lời hứa với mình, chú ấy có nỗi khổ tâm riêng. Con bé Linh, con chú ấy chắc cũng vậy, nói chi Út Hương nhà mình”. Má làm ra vẻ hiểu chuyện, hạ giọng: “Nghe nói bây giờ nó có đường dây hết à, ông ơi! Hay là ông...”. Ba thở dài, uể oải đứng dậy gạt phắt: “Bà chỉ toàn nghe người ta đồn đãi bậy bạ... Mà nếu như có thật vậy đi thì mình càng không nên...”. Nói vậy rồi ba đi thẳng vào phòng. Má vẫn chưa chịu thua: “Hay là cho nó nghỉ, kiếm sở khác mà làm, chết thằng tây nào mà sợ!”. Nghỉ? Tại sao phải nghỉ? Tại sao phải khép lại cái mơ ước được nuôi dưỡng từ thuở mới biết chơi nhà chòi với mấy nhỏ bạn. Mình được đào tạo để dạy học thì nhất định phải được đứng đàng hoàng trên bục giảng để thực hiện cho bằng được những điều hằng ấp ủ, đam mê. Nghỉ, dù được bào chữa thế nào, cũng đồng nghĩa với sự đầu hàng, lãng phí, là sự phủ nhận chính mình. Vậy là Hương lại tiếp tục trong sự háo hức lẫn hồi hộp như đứa bé mới tập đi bước đầu tiên đã ngã. Nhỏ bạn cùng lớp rủ Hương về quê nó, một xã anh hùng thiếu giáo viên tiểu học trầm trọng. Ừ thì đi! Tới đâu cũng được, dạy đâu cũng dạy miễn là người ta nhận. Còn nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy thì mình vừa làm vừa học với mấy thầy cô ở đó, có sao đâu!
Mọi việc lúc đầu có bỡ ngỡ, lúng túng thật, nhưng Hương nghĩ, cái buổi ban đầu ai chẳng vậy. Nhưng rồi đâu cũng vô đó. Hương hòa nhập vào sinh hoạt của nhà trường, của địa phương còn nhanh hơn cả sự mong đợi. Đúng tháng Hương về thành phố. Người đầu tiên Hương gặp ở quán nước chỗ ngã ba là nhỏ Linh. Thì ra nó đã có quyết định về chỗ trường gần nhà Hương, không phải để bị “rộng” mà chính thức là để dạy, chủ nhiệm một lớp hẳn hoi. Hương đau quá nhưng về nhà nói ba nghe, ba còn đau hơn. Hương cố an ủi ba là hiện giờ Hương rất bằng lòng nếu không muốn nói là rất vui vì ở dưới đó ai cũng quý mến Hương, họ cần Hương và Hương cũng cần họ. Hương hứa sẽ cố gắng làm tốt công việc mà mình tự chọn và không làm điều gì để ba má phải xấu hổ. Ba nói: “Ừ, thôi thì ráng, chớ ai gặp cũng nói con là đứa thích phiêu lưu, thậm chí có người nói con bướng. Người ta ở tận đâu đâu cũng muốn chen chân về thành phố đặng tìm cơ hội tiến thân, lập nghiệp, ai dại dột chui đầu về xứ địa đó như con. Má con nghe hoài sinh bực, cằn nhằn ba...”. Hương nói với ba mà như nói với chính mình bằng giọng rành rọt, dứt khoát: “Ba à, có thể là con có hơi phiêu lưu khi tự ý lựa chọn cho mình một hướng đi không giống ai. Sự phiêu lưu nào mà không tiềm ẩn những rủi ro, bất trắc, phải không ba? Tuổi trẻ nhất thiết phải lãng mạn, miễn là sự lãng mạn đừng bao giờ xa rời hoài bão, dự định lớn của mình. Sự nghiệp lớn muốn bền vững bao giờ cũng phải được bắt đầu bằng những công việc nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Ba chẳng đã từng dạy chúng con như thế là gì. Ba đừng nên ray rứt về chuyện con nữa, được không ba? Và con muốn ba là người đầu tiên ủng hộ cho “cuộc phiêu lãng mạn” của gái út ba, ba nhé!”. Từ đó Hương càng ít về thành phố. Thành phố này đã cho Hương rất nhiều và cũng đã lấy đi của Hương không ít từ bài học đầu tiên về luật sinh tồn.
Có lần, không biết nghĩ sao, chú Toàn tới thăm ba đem theo cặp rượu tây với chiếc giò chả. Chú khoe nhỏ Linh đã được rút về chỗ chú lâu rồi. Giờ nhỏ đi hội họp liên miên, nay Sài Gòn, mai Hà Nội, đã được đi nước ngoài hai lần rồi đó. Thì cũng là để học tập kết hợp với... tham quan, mua sắm vậy mà! Chú hỏi con Hương nó muốn về trên này không để chú còn liều liệu, để chậm thì coi như rồi đời con nhỏ! Ba nói: “Chuyện của nó để hỏi lại nó. Tôi giờ bỏ rượu hẳn rồi, chú đem mấy thứ này đi mà vui vẻ với mấy người khác”. Chị Yến, chị kế Hương học lại vậy rồi cười nói: “Không lẽ ông già nói thẳng với chú Toàn là giờ có đem bứng mày đi cũng chưa chắc, chớ ổng đã biết chuyện của mày với Quyền hết rồi chớ bộ!”. Chị Yến cười. Hương đấm thùm thụp vào lưng chị mà cười.
Hương và Quyền quen nhau cũng tình cờ kiểu “tha phương ngộ cố nhân” vậy. Quyền cũng là dân thành phố, nhà ở một xã vùng ven. Hè năm đầu tiên Hương ở lại trường phụ đạo cho mấy đứa học sinh yếu cũng là dịp đoàn thanh niên tình nguyện mùa hè xanh về công tác xã hội ở xã. Chỉ là quen và mến nhau thôi chớ chưa có gì. Không ngờ ngay năm đó Quyền ra trường, kỹ sư nông nghiệp. Hưởng ứng cuộc vận động trí thức trẻ về công tác vùng đặc biệt khó khăn, Quyền khăn gói tình nguyện về chi viện cho xã. Mấy chú, mấy anh bên ủy ban mừng hết biết, phân ngay cho công việc một cán bộ khuyến nông xã. Chừng đó hai đứa mới thiệt “có gì”. Mấy chú, mấy anh và bà con ai nấy đều thúc vô, biểu hai đứa cho mọi người uống rượu lẹ đi để còn tính chuyện lâu dài - ý là muốn “buộc” hai đứa ở luôn dưới đó. Sau mấy vụ thu hoạch thắng lợi theo mô hình sản xuất khép kín, Quyền được bà con tín nhiệm bầu vào hội đồng nhân dân, rồi được đề bạt vào chức phó chủ tịch ủy ban xã, được một số phương tiện thông tin đại chúng giới thiệu như một điển hình về một lớp trí thức trẻ trưởng thành từ thực tiễn công tác vùng nông thôn khó khăn. Tiếng lành đồn xa, mấy năm nay trên cũng đầu tư về đây khá nhiều công trình hạ tầng, làm thay đổi hẳn diện mạo của một xã trước đây nghèo nhất huyện. Một trong những công trình trên có kế hoạch đầu tư nhưng địa phương chưa giải quyết xong mặt bằng là công trình xây cất một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Ngoài trên năm công đất ở chỗ cái lò gạch cũ huyện bỏ không hơn chục năm nay, trên bốn công còn lại trong diện tích quy hoạch trường học mà có đến năm sáu hộ sở hữu, mỗi hộ một mảnh. Làm sao có được sự đồng thuận để trên bật đèn xanh cho tiến hành thi công? Giữa tháng này, nếu địa phương không giải quyết rốt ráo được mọi chuyện theo yêu cầu của trên thì khoản kinh phí bạc tỉ ấy sẽ chuyển cho một địa phương khác. Uổng thật? Sáng nay, Quyền lại xắn tay vào cuộc với buổi gặp gỡ thân mật các chủ hộ có liên quan. Căng thẳng vậy mà anh ta vẫn nheo mắt cười được! Con người này có điều gì bí ẩn lắm đây!

*

Về tới thành phố, Hương vội vã về ngay nhà. Cả nhà hôm nay lạ lắm, hỏi gì ai cũng trả lời ỡm ờ, không đầu không đũa gì hết. Chị Yến còn thỉnh thoảng nháy mắt với má rồi che miệng cười khúc khích. “Đến chị mà cũng cười được trên nỗi khổ tâm của em sao, ghét chị ghê đi!” - Hương quay mặt chỗ khác, lầu bầu. Má giục: “Thì cũng vô trong chải gỡ, sửa sang chút đỉnh coi cho được, ngồi hoài đó sao? Thằng rể sáng nay “kẹt” gì đó. Đàng trai họ xin cáo lỗi, tới trễ vài tiếng đồng hồ. Chắc cũng gần tới rồi!” - “Lại má nữa - Họ Việt kiều kệ họ chớ! Chưa gì mà một cũng “đàng trai”, hai cũng “thằng rể” nghe chướng tai thế nào!”. Hương phụng phịu bỏ vào phòng trong, nước mắt tự dưng nhỏ dài nóng hổi trên má.
Hồi lâu, có tiếng điện thoại reo vang, giọng ba gọi giật ngược:
- Con Hương đâu, ra nghe điện thoại nè!
- Hương thót cả người, tim đập thình thịch chạy vội ra:
- Ai gọi vậy ba?
- Thằng Quyền... Nghe coi nó nói gì, sao lâu vậy?
- A lô! Anh hả?
- Ờ, anh đây! Anh báo cho em tin mừng đây!
- Tin gì?
- Xong xuôi hết rồi em ơi! Mấy chú nói: “Chú Quyền với cô Hương người ta ở chỗ khác tới, lo cho con em bà con mình còn hơn lo cho ruột thịt. Mình hiến mỗi người chỉ miếng đất mà nhằm nhò gì! Mấy ông tính đi, thu hoạch bổ đồng mình mất đi chưa tới chục giạ, sao bằng lãi ròng mấy cái vuông cá chú Quyền bày cho mình...”. Vậy là mấy ổng đồng lòng hiến đất, hiến không... Em nghe rõ không?
- Ôi, mừng quá! - Hương kêu lên thế rồi chợt nghĩ tới hoàn cảnh mình bây giờ, giọng buồn xo - Thôi, nghe anh!
- Thôi thế nào được! Ba má tới chưa em.
- Ba má ai?
- Thì ba má anh. Ủa, ở nhà không ai nói gì với em hả? Ừ, mà quên nữa... là cũng tại anh sắp đặt vụ Việt kiều để gây “sốc” em chơi đó mà! Tại anh sợ em sốt ruột nên “bật mí” hết rồi... Ơ, ba má có tới rồi thì cũng phải ngồi chờ ông mai nữa chớ... Chú Bảy chủ tịch đó em! Mình mà được như ngày nay là nhờ một tay ổng đó em ơi! Em hổng nghe ổng cứ úp mở đòi ăn đầu heo hoài đó sao! Thôi nghen, anh với chú Bảy cũng về sắp tới rồi... Hẹn gặp lại! Cho hôn gió cái nghe!
Hương “ứ, hừ!”, quay lại thì đã thấy má và chị Yến ôm nhau đứng ngay sau lưng lúc nào.
- Sao, “thẳng” nói sao đó gái út của má?
Hương đẩy mẹ ra, chạy tới gục đầu vào vai ba, nũng nịu:
- Mẹ này, nghỉ chơi mẹ luôn!
Cả nhà cười rộ lên chọc nhỏ Hương. Hương ràn rụa nước mắt trong niềm hạnh phúc được nhân đôi. Chút nữa Quyền về, thế nào anh ta cũng lại nhìn Hương và nheo mắt... cười!.
Phượng Dỹ

Xem Tiếp: ----