Người ta gọi ông Hai Tường với cái tên là Hai Mưa Nắng, không phải vì tánh tình ông dễ dàng thay đổi... sáng nắng chiều mưa mà do ông có biệt tài xem thiên văn để đoán thời tiết.
Mười bốn tuổi, mồ côi cha mẹ, Hai Tường rời làng quê Tân Trụ tha phương cầu thực tận đất Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ở đây, Hai Tường vào làm công cho một lò gốm. Công việc của Hai Tường là nhào đất mang sản phẩm ra phơi hoặc đem vào lò nung. Công việc tuy có phần nặng nhọc nhưng Hai Tường không hề than van, vì có cơm ngày hai buổi đã là điều đáng mừng.
Lò gốm Thiên Sanh, nơi Hai Tường làm, ngoài lao động phổ thông còn có thợ đốt lò, thợ vẽ gốm và đặc biệt là cái nghề nhìn trời để đoán nắng mưa. Thời đó, đâu có đài khí tượng thủy sản thông báo nắng mưa cho người dân biết nên đối với một lò gốm thì ông thầy đoán nắng mưa luôn giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Vì thế, ông thầy chỉ suốt ngày uống trà, thỉnh thoảng chắp tay sau lưng ra sân ngước mặt nhìn trời rồi nói như phán truyền:
- Lát nữa sẽ có mưa, bảo mọi người mau đem đồ gốm vào!
Nếu không nghe lời ông thầy, khi mưa không kịp dọn những món đang phơi vào, kể như bao nhiêu công lao nhào nắn sẽ trở thành đất nhão. Ông thầy mưa nắng của lò gốm Thiên Sanh gốc người ở đảo Hải Nam bên Tàu. Ông thầy nói tiếng Việt khá rành nhưng giọng còn trọ trẹ. Thấy Hai Tường là một thiếu niên hiền lành và chịu khó, ông thầy có lòng thương. Một buổi chiều, cơm nước, tắm rửa xong xuôi, ông thầy nói với Hai Tường:
- Ta không vợ không con, nghề nghiệp rồi đây chắc sẽ thất truyền. Nếu con bằng lòng, ta sẽ truyền nghề cho.
Mừng còn hơn lượm được vàng bạc, Hai Tường lính quýnh quỳ xuống lạy ông Tàu già ba lạy, tôn làm sư phụ. Những lúc Hai Tường rỗi rảnh, ông Tàu già thường kéo anh ra gốc khế sau nhà để truyền nghề. Có lần ông nói:
-Nghề bói nắng mưa, ngoài con mắt nhìn trời còn phải biết tận dụng hết tất cả các giác quan. Lỗ tai phải nghe gió thổi, mũi hít mùi không khí, da nghe ấm lạnh. Tóm lại, phải biết hòa nhập tinh thần và thể chất vào thiên nhiên. Tự thân với thiên nhiên là một, vũ trụ với ta là một để hiểu sự biến đổi của đất trời.
Hai Tường ngồi nghe sư phụ giảng như vịt nghe sấm, ngơ ngác chẳng hiểu gì. Ông thầy không nói lý thuyết nữa mà chuyển qua thực hành. Ông chỉ cho Hai Tường nhìn mây cao, mây thấp, mây xuất hiện ở phương hướng nào. Thế nào là gió “rao rao” và gió “hiu hiu” lẫn gió “tạt mặt”. Mùi vị của không khí “khét”, “nồng”, “chua” hay “thơm”. Nhiệt độ qua da người mát lạnh, nóng hay nực, mỗi thứ cộng lại phân tích sẽ biết khi nào nắng, khi nào mưa; mưa bao lâu và nắng kéo dài nhiều hay ít.
Thoạt đầu ông thầy cho Hai Tường đoán thử, tất nhiên Hai Tường thường đoán sai. Ông chỉ cho Hai Tường chỗ nào sai, tận tâm như tình phụ tử. Một buổi tối, ông Tàu già nói với Hai Tường:
-Bây giờ con đã nắm vững bí quyết của nghề, lại là người có căn cơ nên về sau con sẽ vượt trội hơn ta, ta tin chắc như vậy!
Trong một lần thân mật, Hai Tường hỏi sư phụ tại sao lại bỏ quê hương qua Việt Nam sinh sống. Ông Tàu già trầm ngâm một lúc rồi nói:
-Ta tên thật là Triệu Bá Hoằng. Dòng họ ta nổi tiếng nhiều đời về nghề xem thiên văn. Năm bằng tuổi con, ta yêu con gái một chủ lò gốm và nàng cũng yêu ta, nhưng ông chủ lò gốm lại muốn gả nàng cho chàng trai họ Phù. Họ Phù cũng là một dòng họ nổi tiếng về tài bói mưa nắng của đảo Hải Nam. Cuối cùng, để cưới được con gái chủ lò, ta phải chấp nhận tranh tài cùng người con trai ấy.
Ngừng lại một chút, ông Tàu già thở dài, kể tiếp:
-Cuộc tranh tài ngoài chuyện tình yêu còn có một chuyện tối quan trọng khác đó là danh dự của hai dòng họ Phù và Triệu. Gần đến ngày tranh tài, ta phải chay tịnh cả tháng, tắm gội nước thơm, sưởi hương trầm. Đối với những người sống với nghề bói nắng, mưa thì việc đoán ngày giờ nào mưa là việc dễ dàng, mưa kéo dài trong bao lâu cũng là điều không khó. Nhưng để đoán lượng mưa nhiều hay ít thì quả là việc không dễ chút nào. Đúng ngày giờ tranh tài, sau khi nhìn trời, ngắm mây, ngửi gió... để đoán giờ sẽ mưa, ta và người thanh niên họ Phù phải vạch một vạch sơn vào trong lòng một cái tô kiểu rồi đem cái tô đó đặt giữa trời. Nếu lượng nước mưa ngập đến vạch sơn của người nào, thì người đó sẽ thắng. Ta vạch mức ở giữa thành tô, còn người thanh niên họ Phù vạch trên ta một đốt ngón tay, có nghĩa là lượng mưa sẽ nhiều hơn ta đoán.
Trời chuyển dông, mưa bắt đầu rớt hột. Cái tô kiểu đặt giữa trời nước càng lúc càng dâng lên. Đến chừng lượng nước mưa lên đến vạch sơn ở giữa thì trời dứt hột. Như vậy là ta thắng. Giữa lúc ta khấp khởi vui mừng thì đột nhiên gió đổi hướng, một cụm mây nhỏ từ phương Bắc bỗng nhiên bay tới với tốc độ không ngờ, cụm mây lớn dần ở nơi tranh tài và bắt đầu rớt hột. Một lúc sau, mưa tạnh hẳn, nước trong tô dâng lên đúng vạch sơn của chàng thanh niên họ Phù.
Vậy là ta đã thua! Ta đau đớn vì người mình yêu đã về tay người khác. Nhưng càng đau đớn nhất là danh dự dòng họ Triệu từ nay đã mất vì một đứa con bất tài như ta. Buồn rầu và xấu hổ, ta từ bỏ quê hương, từ bỏ đảo Hải Nam vượt biển qua đây, trôi nổi về sống ở đất Bình Dương này.
Ba ngày sau, từ lúc kể câu chuyện đời mình, trước khi mất, ông Tàu già nói với Hai Tường:
-Ta mong con hãy xem ta như người cha thứ hai. Ngoài họ Nguyễn, con còn có thêm họ Triệu. Nếu thương ta, vì ta, con hãy hứa!
Hai Tường nức nở gật đầu, khe khẽ kêu lên “tía ơi!”. Vậy là ông Tàu già qua đời. Lạ một điều là khi mất, một con mắt của ông nhắm và một con mắt mở trừng trừng. Người hiểu chuyện cho rằng, con mắt nhắm vì từ nay ông đã có người kế nghiệp, riêng một con mắt mở trừng trừng vì món nợ danh dự với giòng họ Phù, ông chưa có dịp trả xong.
Thắm thoát thời gian, Hai Mưa Nắng khá già. Ông trở về quê, sống ở xóm Xẻo Bần thuộc huyện Tân Trụ, truyền nghề bói nắng mưa cho con trai là Ba Đảm. Rồi Ba Đảm truyền cho con trai là Út Thân.
Khi Út Thân bắt đầu hành nghề bói nắng mưa thì nghề đó không còn được các lò gốm ưa chuộng nữa, không phải vì đài khí tượng thủy văn báo chính xác mà vì máy móc kỹ thuật hiện đại khiến các sản phẩm mộc của gốm không còn phải đem ra sân phơi, chỉ cần đem sấy là xong.
Thất nghiệp, Út Thân cháu nội của ông Hai Mưa Nắng trôi dạt về vùng Xóm Củi. Ngày ngày, vào mùa mưa, Út Thân ra đứng trên cầu Nhị Thiên Đường bắc ngang kinh Tàu Hủ nhìn trời cá độ nắng mưa. Nhờ vốn gia truyền, Út Thân đánh đâu thắng đó, túi tiền luôn luôn rủng rỉnh.
Biết thằng cháu nội đem nghề tổ truyền ra đánh bạc, ông Hai Mưa Nắng buồn lắm, ông nhắn Út Thân về khuyên răn:
- Cháu à! Nghề bói nắng mưa là nghề giúp đời làm ra vật dụng cần thiết cho cuộc sống, không thể đem nghề tổ truyền ra đánh đố với đỏ đen!
Thằng cháu nội nhe răng cười, bỏ đi không nói tiếng nào, nó tiếp tục ngửa mặt nhìn trời nơi cầu Nhị Thiên Đường để kiếm tiền.
Một hôm, Út Thân về gặp ông nội với khuôn mặt thất thần:
-Nhất định ông nội phải giúp con, ông nội à! Mấy tháng nay con thua liểng xiểng, cá đâu thua đó!
Ông Hai Mưa Nắng lắc đầu:
-Đáng đời! Ai biểu đem tổ nghiệp vào vòng cá độ?
Út Thân nhăn nhó:
-Mấy năm nay con không có đối thủ. Lần này gặp phải đối thủ quá dữ, nó từ bên Tàu sang đây!
Nghe nói từ bên Tàu, ông Hai Tường vội hỏi:
-Bên Tàu, mà ở tỉnh nào?
- Không phải tỉnh mà là đảo. Đảo Hải Nam!
Giật nẩy người, ông Hai Tường hấp tấp hỏi:
- Mầy biết thằng đó họ gì không?
Út Thân không trả lời, nói qua chuyện khác:
- Ông giúp con giấu mặt chỉ huy đi ông nội. Của cải, nhà cửa của con sau những ngày đoán mưa nắng, lớp cầm, lớp bán hết rồi!
Ông Hai Tường không quan tâm lời nó, nhắc lại:
-Tao hỏi mầy... thằng đó họ gì?
Nhìn vẻ mặt khẩn trương của ông nội, Út Thân nói như phản xạ:
-Da, họ Phù... Phù Khắc Hồng!
Ông Hai Tường ngồi im lặng như pho tượng, lát sau nói nhỏ nhưng rành rọt:
-Được rồi! Mầy thách đấu lần nữa đi! Tao giấu mặt chỉ huy. Nhưng mầy phải hứa với tao là sẽ không bao giờ cá độ nắng mưa nữa, phải kiếm việc làm ăn chân chính như người ta.
Mừng quá, Út Thân đáp ngay:
- Cám ơn ông! Con hứa!
Đến ngày giờ cá độ, một cái tô được đem ra đặt ở sân một quán cà phê ở gần cầu Nhị Thiên Đường. Dân cá mưa ngồi gần như chật kín cả quán, hồi hộp theo dõi. Út Thân đưa mắt nhìn ông nội. Ông Hai kín đáo đưa sống bàn tay lên ngang bụng. Nhận được ám hiệu Út Thân bước ra sân lấy sơn đỏ vạch khoảng giữa cái tô. Tới lượt Phù Khắc Hồng, gã vênh váo nhìn trời rồi vạch cao hơn dấu sơn của Út Thân một ngón tay.
Trời vần vũ và đổ mưa, nước trong tô lên cao dần, sắp đến vạch sơn của Út Thân mà trời chưa có dấu hiệu gì sắp dứt mưa. Thua là cái chắc, Út Thân lo lắng liếc mắt nhìn ông nội nhưng ông Hai Tường vẫn thản nhiên như không.
Giữa lúc không khí đang căng thẳng thì bỗng dưng trời trở gió. Một luồng gió từ phương Nam thổi tới như cơn bão. Đám mây đen trên đầu bị thổi dạt qua phương Bắc, thoáng chốc mưa tạnh hẳn. Mực nước trong tô xấp xỉ mức vạch của Út Thân. Út Thân nhảy cuống lên như một thằng điên. Ông Hai Tường đứng dậy, không nói không rằng chụp cái nón nỉ lên mái tóc bạc phơ, rồi chậm rãi bước ra khỏi quán.
Ba ngày sau của lần đoán mưa kể trên, ông Hai Tường qua đời. Hai con mắt của ông cũng vẫn một con nhắm, một con mở. Người hiểu chuyện cho rằng con mắt nhắm vì mối thù xưa của thầy ông đã trả, còn con mắt mở vì thằng cháu nội đích tôn vẫn còn đem nghề nghiệp tổ vào cuộc đỏ đen.

Xem Tiếp: ----