Cơn mưa thu dai dẳng, kéo dài cả ngày. Ở đây mùa mưa vẫn thế. Mưa dài lê thê, trời đất xụt xùi. Mưa cố như giữ chân người, không muốn cho ai ra khỏi nhà. Mưa như thúc dục những trăn trở, những bùi ngùi, sống lại, bùng lên trong lòng mỗi người nhất là những người đang có tâm sự. Ai mà chả có, ít hay nhiều thôi, phải không?. Ngồi trong nhà nhìn qua ô cửa, những hạt mưa nhỏ li ti nhạt nhoà, cụ Lê với đôi mắt già nua vẫn không dấu được nỗi buồn. Hình như cụ đã ngồi nhìn mưa rất lâu. Đôi mắt và cả thân người bất động. Trông cụ như một bức tượng gầy gò, mà nhà điêu khắc đã cố diễn tả cái khẳng khiu của một nhánh cây cuối thu đã gần như hết nhựa sống. Hình ảnh của cụ lúc này cho người ta hình dung được ngọn đèn đã hụt bấc, cạn dầu. “Cụ Lê ơi, chào cụ. Hôm nay cụ khỏe không?”. Cụ vẫn chẳng thèm quay lại, chẳng thèm trả lời. “ Cụ sao thế?”. Cụ vẫn ngồi im hướng mắt ra xa qua khung cửa kính, như là cụ đang chăm chú nhìn một điều gì đó, có thể từ một ký ức xa vời, có thể là những hình ảnh chập chờn trong tâm tưởng mới đây, hôm qua …Người đàn bà phục vụ vệ sinh phòng ốc bước lại gần cụ, đặt bàn tay trên vai cụ, lay nhẹ “Này cụ …”. Bây giờ cụ Lê mới quay lại, từ từ đưa bàn tay chỉ còn da bọc xương lên chùi mắt. Vài giọt lệ nhòe nhuẹt trên gò má bởi bàn tay rung rung. “Cụ khóc ư? Sao vậy? …”. Cụ Lê lắc đầu, miệng mếu máo “ Tôi khóc à? Đâu có. Tôi không có khóc đâu …”. “Ừ thì cụ không có khóc …Đúng rồi cụ đang cười đó mà …Cụ cười thật tươi, chả mấy khi mà cháu được nhìn thấy nụ cười của cụ … " Ừ, tôi đang cười, tôi đang cười …. “ Cụ Lê ơi! Tuần này cô cháu ngoại của cụ không tới đón cụ về nhà …”. “ Không …và có lẽ không bao giờ nữa cô ạ …”. Người đàn bà ngưng dọn dẹp, ngơ ngác nhìn lên “ Sao vậy cụ …Sao lại là …không bao giờ nữa …”. “Nó theo chồng, chuyển về tiểu bang khác rồi …xa lắm …xa lắm …”. Giọng cụ thấp dần. Những thanh âm cạn kiệt mơ hồ, chùng xuống như hơi thở hết lực, thỏng tay, như sự lẻ loi tột cùng vây hãm cuối đời bất lực. Người đàn bà nhìn cụ ái ngại: ” Cụ còn có ai quen biết ở tiểu bang này không …? Như bà con, họ hàng, như bạn bè …”. “ Bà con họ hàng thì không có ai cô ạ. Có vài người bạn nhậu khi xưa, nhưng họ giờ này đã ra người thiên cổ …Có vài người bạn văn chương ngày trước, lúc còn mộng mơ …nhưng …”. “ Nhưng sao hở cụ? “. “ Nhưng chúng tôi chưa bao giờ gặp mặt …”. “Thế thì” … Người đàn bà muốn nói thế thì cũng như không, nhưng chợt im bặt, sợ điều đó làm phật lòng cụ. Cụ Lê chợt lại nhìn mưa ngoài cửa kính. Thành phố chìm trong mưa, trông giống như thành phố của chuyện cổ tích mờ ảo trong những đợt sương mù. Cụ châm rãi kể lại: “ Hồi xửa, hồi xưa, hồi tôi ở tuổi tứ tuần, cuộc sống tha hương thật thê thảm, tôi đi lang thang bốn phương tứ hướng, cuối cùng về chôn chân ở đây, sống với những ngày mưa rã rời. Ngày nắng thì qúi hiếm, đếm trên đầu ngón tay …Thế là tâm hồn thơ văn bị đánh động. Chúng đã nằm im từ ngày tôi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, chúng bị dựng cổ dậy, hăm hở bước vào vùng đất …vung bút tự do, dễ lắm chẳng ai chê dở, chỉ có khen hay và dở hay thì cũng được đăng hết. Và tôi đã gặp những người bạn trên “nét”, những người bạn thật dễ thương đã một thời sưởi ấm tôi qua những mùa đông xa xứ”. Cụ ngừng lại, trên khuôn mặt ẩn hiện một chút rạng rỡ, một chút ánh sáng dù mờ nhạt, nhưng cũng đủ cho người ta thấy một sức sống vừa tràn về. “ Rồi thế nào nữa, thưa cụ? Có người nào thiệt đặc biệt làm cụ nhớ mãi …?”. Cụ Lê gật gù cái đầu, mớ tóc bạc úa, thưa thớt, lúc nào cũng dựng đứng, khô cằn như một đám cỏ mùa hè không ai chăm bón, tưới tắm “ Có chứ …ai cũng gây ấn tượng cả …nhưng có một cô …viết rất độc đáo …viết rất hay, viết rất thật …và nhất là trước khi trở nên thân tình, hiểu nhau hơn thì chúng tôi cũng đã từng..bút chiến đẫm máu. “Chắc là cụ cảm mến người này lắm …Cô ta tên gì vậy? Cụ có thể cho cháu biết được không?”. “Cô ta …à bây giờ thì phải gọi là …bà ta mới đúng. Bà ta viết dưới cái tên: VQ. Lúc đó cô ta cùng ở tiểu bang này nhưng khác thành phố. Cô ta có mời tôi ghé nhà thăm gia đình cô nhân dịp cô mới mua được …môt nông trại, ừ, cứ gọi đại là một nông trại …Đất đai rộng rãi, có chỗ thả ngựa …cứ theo như lời cô ấy tả thì đúng là một vùng đất tốt, đẹp và thơ mộng. Gần gũi với thiên nhiên. Có núi cao thoai thoải, có suối chảy róc rách …Tôi ước ao được một lần gặp mặt, chuyện trò và cùng nhau cưỡi ngựa, thảnh thơi …Đời chắc cũng sẽ bớt ngột ngạt phần nào …” “ Thế cụ đã có lần …ghé thăm bà VQ chứ? “ “ Chưa từng …thế mới nói chứ. Chỉ hơn một giờ đồng hồ chạy xe, ấy thế mà ….” Người đàn bà thở dài: “Ông thật đáng trách lắm “ Cụ Lê thầm thì một mình:” Thật là một lỗi lầm. Xin lỗi nha VQ. Xin hiểu cho rằng có những cái, vào một thời điểm nào đó, con người không thể thực hiện được dù trong lòng rất muốn“ Người đàn bà chợt như nhớ ra điều gì, quay qua nắm hai vai cụ, nhìn thẳng vào đôi mắt đã kéo màng trắng của cụ Lê, lắc mạnh:" Thế bây giờ cụ còn muốn đi thăm bà ấy không?”. “ Bây giờ thì làm sao mà đi …”. “ Cháu có thể gíup cụ mà …chỉ một giờ lái xe …” Và thế là người đàn bà đã đưa cụ đi. Chiếc xe ra khỏi thành phố vào đường cao tốc số 5 xuôi về hướng Nam. Xe chạy ra ngoại ô, gió mát và những hạt mưa nhẹ, lất phất làm cụ Lê phấn khởi. Người đàn bà nhìn thấy rõ sự nôn nao đang gõ trống trong lòng cụ. Cuối cùng thì hai người cũng đã tới một trang trại. Người đàn bà cho xe chạy từ từ vào cổng. Trong nhà tiếng chó sủa rổn rảng, một cô gái bước ra, ngập ngừng hỏi bằng tiếng Việt: “Ông bà muốn hỏi ai? “Tôi muốn gặp bà VQ “ “ Bà ngoại cháu? …Ồ …Bà cháu mới qua đời tháng trước …Rất tiếc!” Cụ Lê gục xuống trên băng ghế. Trời đất vừa xụp đổ. Cụ chưa kịp nhìn xem phong cảnh thơ mộng của trang trại.Nước mắt ứa ra không nói được một lời nào. Người đàn bà nói vài câu chia buồn cùng cô gái. Những ngày cuối thu lê thê theo từng cơn gió và sự chao lượn cưỡng bách của những chiếc lá vàng. Cụ Lê trở về viện dưỡng lão, thầm lặng, ít nói, lẩn thẩn ngày đêm. Có những đêm cụ thức dậy sớm trầm tư đứng vịn tay trên tấm kính cửa nhìn về phương Nam, miệng nói lảm nhảm những gì mà người ta nghe không hiểu. Rồi mùa đông năm ấy, vào một ngày nhiệt độ xuống thấp nhất, trong cơn mưa tuyết, người ta đã tìm thấy cụ nằm chết trong một nghĩa trang bên nấm mộ của người đàn bà:“Nơi an nghỉ của nữ sĩ VQ”. Lê Du Miên