Nói là chuyện gì ghê gớm thì quả không phải. Chuyện một người, hai người, chuyện vài người... trong mịt mù bom đạn thuở đó, rồi cũng nhỏ cả.
Khi đó Thịnh đang dạy học dưới Phú Vang, vùng chợ Nọ. Khi đó Nguyên không còn ở Huế nữa, Nguyên về Nọng, dạy lớp một ở cái làng tít tắp ngoài gần Phá Cầu Hai. Biết vậy chứ Thịnh chưa lần nào tới, chưa biết thực ra Nguyên sinh sống thế nào.
Trước, Thịnh đi xe đạp gần chục cây số từ Phú Cam về chợ Nọ, trưa đi chiều tối về. Sau gom được ít tiền Thịnh mua chiếc xe bảy tám, chạy hai chục phút hết quãng đường từng đi xe đạp cả giờ đồng hồ. Chiếc xe máy cũ, nổ bành bạch, qua đoạn đường mùa mưa nhiều ổ nước, lúc nào cũng bám bùn đất trông rất bẩn. Kệ, bởi tầm năm, sáu giờ ngược lên thành phố, Thịnh thêm thời gian la cà trong quán cà-phê Hạ Trắng.
Quán nằm góc đường Ðiện Biên, hơi sâu, trồng nhiều chanh và sapôchê, lúc nào cũng âm sầm tối lẫn lộn nhiều thứ mùi, mùi những chòi lá lên mối, mùi quả sapôchê, mùi lá chanh, mùi cà-phê, thuốc lá, thoang thoảng mùi rác bốc dưới sông Bến Ngự lên nữa. Thịnh chỉ tới đó vào mùa mưa, ngày mưa lớn, lụt, đường qua Ðập Ðá ngập, quán nghỉ, Thịnh cũng ra ngồi cả ngày. Chiều lòng khách quen, ông chủ quán đặt đĩa nhạc, thường là Trịnh Công Sơn với giọng Khánh Ly não nuột. Không có chỗ nào trong thành phố khiến Thịnh nghĩ và nhớ Nguyên nhiều như chỗ đó. Thịnh ngồi trong chòi lá cuối vườn, trên một con ghế, kéo thêm một con ghế để kế nhìn mưa nhỏ từ mấy giọt lá tranh lúc to lúc nhỏ, nghĩ ngày nào Nguyên ngồi đây, vai hai đứa chạm nhau, đôi khi muốn quàng tay ôm Nguyên thấy Nguyên im lặng lại thôi. Thịnh không quen bày tỏ tình cảm, Nguyên cũng vậy, ngồi với nhau im lặng nhiều hơn nói, từ hồi nào cả hai học chung đến mấy năm ra đi dạy, đều thế. Ngồi vậy mà nghe trong lòng dễ chịu, bữa nào lạnh Thịnh đưa tay cầm tay Nguyên thấy tay Nguyên ấm dần lên... Khi Nguyên bỏ chuyến bay đi California trốn tàu hỏa về đây, Nguyên hẹn Thịnh tới, Thịnh tới ngồi cầm tay Nguyên hỏi buồn không, Nguyên nói buồn chi, ở lại với anh, chi buồn. Thịnh thấy Nguyên tội, muốn có một cử chỉ tỏ ý biết ơn Nguyên, nhưng rồi cũng chỉ ngồi cầm tay thế yên lặng. Nguyên bỏ gia đình vì Thịnh, nhưng lại bỏ Thịnh, bỏ luôn Huế vì lẽ khác...
Những ngày mưa ở Huế rất dài, sáng mở mắt ra đã thấy mờ mịt bên ngoài, đi ra khỏi nhà, trưa về ngủ vùi một giấc tỉnh dậy, chiều đi ra, tối đi ra, lúc nào cũng thấy mờ mịt như thế. Mưa giăng giăng mịt mùng suốt từ tháng bảy qua tháng hai năm sau, mưa lụt rồi mưa phùn, mưa sập trời đất, nước kéo qua các phố, ẩm ướt, sụt sùi. Mưa như Khánh Ly hát, làm người ta tuyệt vọng, chỉ muốn từ nay gục xuống. Thịnh ngồi nhìn mưa, thỉnh thoảng bỏ xe đi bộ ra quãng đường Lê Lợi ngược lên phía ga. Quãng đường đó nhiều cây me trồng hai bên. Ngày mưa phùn, trong tầng mưa lá me rụng là đà xiên lẫn nhau như sợi nước, ẩm ướt, nhẹ tênh dính đầy trên tóc vai khách qua. Thịnh đi vì cái xúc cảm của Nguyên nhiều năm trước, Nguyên rùng mình khi qua cổng nhà số 5, chỗ đó Nguyên nói, ông nội Nguyên đã chết. Thịnh hình dung người đàn ông mặt gầy mang kính trắng ngồi sau cái bàn trong văn phòng Thủ hiến, như thường ra mở cửa tiếp khách, vừa đưa tay bắt thì bị bắn vô ngực. Thịnh hình dung thế, Thịnh thấy ông ngã xuống ghế, chết ngồi, máu sũng vạt áo, kính trễ xuống mũi nhưng không rớt. Thịnh nói quên chuyện đó đi, chuyện từ thời nào mồ ma người Pháp, bây giờ hết chiến tranh, chúng ta đã ở vào thời đại khác, chuyện đó đến ba Nguyên cũng không chứng kiến huống chi Nguyên. Nguyên gạt mấy lá me, ừ, đâu có nghĩ, nhưng có cái gì vô hình thỉnh thoảng làm mình nhớ tới hình ảnh thực ra mình không biết. Nhiều năm sau, đi một mình qua quãng đó, Thịnh không cưỡng được ham muốn bước vào ngôi nhà kia, tìm đến căn phòng có cửa sổ trông ra sân, ngồi vào cái ghế ông nội Nguyên đã ngồi, thử bước ra mở cửa, thử cảm giác viên đạn phóng tới ngực... Thịnh chỉ ham muốn nhưng không lần nào lọt được vào cổng số 5, nó đã thành một nhà bảo tàng nhưng mấy năm liền người ta chăng bạt sửa chữa, không đón khách. Rồi Thịnh cứ đi qua đi qua, không gì hơn ngoài thả một tiếng thở dài.
Thịnh nhớ người đàn ông gầy ốm buồn rầu trong khung kính ở nhà Nguyên. Ông là nhân viên văn phòng. Nhân viên văn phòng thì có giữ bí mật gì ghê gớm không, có nợ máu không... Thịnh không biết, song cái chết của ông để lại mối hận thù nơi người con trai, tức ba Nguyên, thì Thịnh biết. Nhiều năm trước, giỗ nào của ông nội Nguyên cũng gọi Thịnh sang. Lần đó Thịnh sang, gặp lúc ba Nguyên từ trại cải tạo về tới, lầm lỳ, mắt ngun ngút một nỗi tàn khốc. Ông làm hồ sơ đi H.O đợt đầu tiên. Ngày sắp đi, ông gặp Thịnh bảo, anh tha con bé đi, về gia cảnh, không hợp, anh không lo nổi cho nó miếng ăn, vậy đừng nghĩ tới nó. Thịnh đạp xe về Phú Cam nằm, nghĩ mình cũng hận thù người đàn ông đó đi, nhưng không được, Thịnh chỉ thấy lòng trống rỗng. Sự giàu sang quý tộc của nhà Nguyên ngày nào Thịnh chưa từng thấy, những đồ gia bảo đã lần lượt ra đi, khi quen nhau Thịnh đã chứng kiến việc mạ Nguyên ngồi chợ Ðông Ba, Nguyên đi bỏ mối thuốc lá, tấm áo dài cũng nhịn không dám may. Vài lần lui tới, Thịnh thành người đàn ông duy nhất trong ngôi nhà toàn đàn bà con gái, tự nhiên xắn áo bổ củi, xách nước hay dọi lại mái nhà dột. Khi ấy, ông trung tá không lực ở đâu...
Thịnh không thôi Nguyên như cách ông trung tá muốn, nhưng cuối cùng Thịnh cũng không có được Nguyên.
°
Một bữa cuối năm, trời rất lạnh, gió bấc hun hút qua mặt sông Hương thổi vào thành phố, Thịnh chạy xe dưới chợ Nọ lên, mặt tê tái vì gió, vì một nỗi buồn bã như mắc nghiện đã ôm chùm lấy Thịnh những buổi chiều ngưng giảng nhìn đám học trò ríu rít túa ra đường. Dù cô em ban trưa dặn hôm nay về sớm nhà có giỗ thì quen lối Thịnh vẫn rẽ vào Hạ Trắng. Buổi nhập nhọa, quán có mình Thịnh, nhà quán nhẵn mặt không còn để ý, quen tay ấn một đĩa Khánh Ly rồi chừng nào Thịnh ngồi hay đi ra không cần. Nhưng bữa nay ngoài Thịnh thêm một người nữa, một người Tây lạ lẫm, đã phong sương hay đau đớn vì những sầu muộn đọng trên nét mặt. Người Tây ngồi y Thịnh, một mình ngổn ngang ghế, tách cà-phê nguội ngắt, mẩu thuốc tàn và mắt nhìn mung lung ngoài kia. Thịnh bỗng chạnh lòng, bắt chuyện không tiện, Thịnh bèn ngồi, coi cái sự ngồi của mình như một sẻ chia. Muộn quá, Thịnh sắp đứng lên thì chính người kia bỏ chòi sang chỗ Thịnh.
Thịnh không ngờ gặp thêm một nhân chứng của nhà số 5, có điều chuyện của người này lùi cách hai chục năm so với cái chết của ông nội Nguyên.
- Tôi là William Dubin, người Mỹ. Tôi đến Việt Nam lần này có ý tìm một người quen - ông ta giới thiệu, tự nhiên như đã quen thân lâu lắm, làm cử chỉ tỏ ý xin điếu thuốc từ gói của Thịnh, rồi nói, bằng một thứ tiếng Anh chuẩn xác, thỉnh thoảng xen đôi câu tiếng Việt.
- Năm 1967, tôi 30 tuổi, lần đầu tiên đến Việt Nam trong một nhóm nghiên cứu về môi trường. Gọi là nghiên cứu môi trường song thực chất tôi là người của Bộ Quốc phòng Mỹ, vì kết quả nghiên cứu của chúng tôi sẽ làm ra những cơn mưa nhân tạo trút xuống những miền rừng Việt Nam nhằm ngăn chặn bước tiến của quân Cộng Sản. Từ Sài Gòn tôi bay ra Huế chơi. Ở Morin tôi kết thân với vài người bạn.
Chúng tôi la cà ở các bar rượu, đánh bạc và cặp với rất nhiều vũ nữ. Một trong các vũ nữ ấy là cô Bé. Tôi thích cô, vì cô giữ cái tên quê mùa trong khi những người khác mang những cái tên rất mỹ miều. Nhưng cũng là thích như một đồ chơi. Nhiều đêm khuya, khi đã uống rất say, chúng tôi thường bắt cô nhảy và hát, hát cho thật vui, và nhảy sao để chúng tôi phải cười lên được. Tôi không biết bản chất mình có độc ác hay không, nhưng bấy giờ đang giữa thời binh lửa, tôi có thể an toàn hơn vì thời gian của tôi chủ yếu ở các văn phòng, giảng đường và phòng thí nghiệm, còn những gã bạn khác, một vài ngày chúng sẽ rời thành phố, và số phận chúng ra sao có trời mà biết được...
Tôi không biết tại sao tôi lại không rời Huế như dự định, nghĩa là trước dịp Tết Mậu Thân. Thành ra tôi đã chứng kiến toàn bộ sự biến thảm khốc của thành phố hồi mùa xuân đó... William nói. Và Thịnh, bỗng dưng thấy hiện lên trong tâm dấu ấn của cái thời khắc anh trải qua hồi thơ ấu.
Súng nổ vào đêm hai chín Tết, lúc trời sắp trở sáng. Cả thành phố im lìm trong cơn thiếp ngủ choàng thức bởi ba bề súng, súng rền phía Mang Cá, Phú Bài, trên cầu Mới, ở mọi điểm trong phố phường. Mạ dựng Thịnh dậy, mặc cho cậu con dãy đạp, mạ xù lên như một con mèo cái tha hai đứa con chạy vào nhà thờ Phú Cam, rồi ngay ngày hôm sau tiếp tục tha con chạy khỏi Phú Cam, nhào về Vỹ Dạ, từ đó qua Phú Vang, vòng sang Tây Linh, hơn tháng sau trở lại ngôi nhà cũ trong nỗi tơi tả và sợ hãi. Bằng cách đó mạ Thịnh đã cứu được hai đứa con nhỏ, nhưng người cha và người anh lớn thì bà không cứu được.
- Vậy ông thoát khỏi thành phố bằng cách nào? Thịnh hỏi.
- Tôi đâu có thoát. Tôi bị vây trong Morin cùng với Bé. Bé là người Việt, còn tôi là người Mỹ. "Anh tìm cách chạy trốn đi, nếu không anh sẽ bị họ bắn chết, hoặc là bị bắt. Còn tôi, tôi đi đây. Bây giờ thì tôi đổi đời rồi, nếu anh không bắn tôi ngay, lập tức tôi sẽ dẫn họ đến bắt anh. Tôi căm thù anh. Tôi khinh bỉ anh". Cô ta nói, bằng một giọng hả hê, đôi mắt nhìn cũng hả hê như thế, rồi bỏ đi.
Tôi cũng đã gắng ra khỏi khách sạn, tìm một sự chi viện nào đó, nhưng gần như lập tức tôi bị bắt. Khi đó trời đã sáng rõ và những cuộc đọ súng có vẻ càng căng thẳng hơn. Quân giải phóng đã chiếm một số cứ điểm dọc theo đường Julles Ferry, như tòa Ðại biểu Trung phần, trường Quốc Học, dinh Tỉnh trưởng... từ đó họ tiến đánh ga Huế và nhà lao Thừa Phủ. Trong đêm sau, họ giải phóng được Thừa Phủ, song ga tàu hỏa vẫn thuộc về quân Cộng Hòa cho đến ngày quân Mỹ từ Ðà Nẵng và Quảng Trị chi viện lấy lại Huế.
Tôi bị giam ở Quốc Học, sau đó bị giải đến nhà số 5 Julles Ferry, trụ sở Ðại biểu Trung phần. Có hai ông cố đạo người Pháp ở Dòng Cứu Thế cũng bị giam chung với tôi, nhưng họ được thả sau vài ngày. Còn lại mình tôi trong căn phòng nhỏ ở sâu trong tòa nhà, căn phòng rất trống, không bàn ghế, chăn nệm. Hằng đêm, tôi nằm còng queo trên sàn nhà, đắp một mảnh vải bạt mỏng. Trong các cuộc thẩm vấn tôi khai tôi là nhà khoa học, rằng ngoài vấn đề môi trường tôi không biết gì khác. Không tin tôi, nhưng những người chỉ huy không thèm hỏi tôi nữa, họ mặc kệ tôi. Thế là tôi cứ còng queo ở đó, ngày nhận hai bữa ăn, khi bánh chưng, lương khô hay cơm nắm, ngẫm nghĩ về quá khứ, về cô Bé cùng nỗi hả hê trước khi bỏ đi, nghe súng đì đùng, và đành phó mặc cho số phận. Nhưng cũng có những ngày đêm thành phố thật yên tĩnh, giống như hòa bình đã đến ở ngoài kia thật rồi, như cơn ác mộng cho xứ sở này đã chấm dứt. Chỉ có tôi, không biết kết cục với mình sẽ là thế nào đây... Thời gian chậm chạp trôi đi. Hai mươi mốt ngày kể từ khi tôi bị bắt. Sáng nọ, đích thân người chỉ huy mở cửa cho tôi. Ông ta, một con người tầm thước chừng ngoài bốn mươi, nói giọng Huế chuẩn, chất giọng chậm rãi và hơi chút gì muộn phiền... "Từ giờ phút này anh được tự do - ông ta nói - Anh cứ ra khỏi cổng rồi đi đâu tùy ý, miễn rằng - ông nhắc thêm - đừng làm gì chống lại chúng tôi, vì dẫu có chống lại thì chúng tôi cũng thắng thôi". "Nhưng tôi không muốn đi" - tôi nói. Tôi đã không chờ tự do theo kiểu này. Nghe tiếng súng, tôi biết ngoài phố lại đang chiến sự, và có lẽ người Mỹ đã bắt đầu muốn chiếm lại Huế. "Ði đi, ngài cố vấn - người chỉ huy nhìn tôi - chúng tôi đã không bắn ông thì bây giờ cũng không bắn. Chiến hữu của ông ở ga tàu đang kiểm soát đoạn đường phía trước chắc là không nhằm vào ông rồi. Ông cầm lấy cái này mà liên lạc với họ". Ông ta đưa tôi một cái khăn tay. Thì vậy, tôi đành ra đi, tôi được tự do từ giờ phút này, thì tôi cần phải đi tới chứ. Tôi vẫy chiếc khăn trắng cao trên đầu, từ từ bước khỏi tòa nhà, tiến ra phía cổng. Tôi là người Mỹ, Chúa ạ, những người lính cộng hòa đang ẩn nấp đâu đó phía ga tàu hẳn nhận ra tôi. Này bước đi, một, hai, ba... Nhưng mọi sự đều nằm ngoài ý niệm của tôi, khi tôi lồ lộ ngoài đường, thì trong yên ắng của buổi mai, một phát súng duy nhất, một phát súng gọn ghẽ đã vang lên. Tôi không nghe thấy, nhưng tôi biết mình đang ngã xuống...
Ngã xuống ư, một ngôn từ hợp lý để diễn tả những cảnh nằm xuống trong chiến tranh, nằm xuống, trên mặt đường, dưới bầu trời mưa rộng rãi, từng hạt li ti dịu ngọt nhưng sẽ thật buồn. Người ta thế nào lúc đó? Hẳn rằng người ta cô đơn, vì dẫu cho có nằm xuống một mình thì vẫn cô đơn xiết bao. Thịnh mơ hồ theo đuổi những ý nghĩ, cũng mơ hồ đầu óc anh trôi dạt về ngày mưa phùn năm 1968 đó. Anh nhớ anh chạy đi dưới nách mạ, không sợ chết, thấy mệt quá chừng đi, này mạ ơi, cho con nằm một chút, rồi con sẽ tỉnh dậy, rồi mạ bảo đi đâu con cũng đi, Thịnh rên rỉ. Mạ không nói không rằng, cứ xốc Thịnh lên, không cho dừng lại huống chi còn nằm xuống. Về sau, khi ba mạ con trở lại xóm đạo sau lưng Phú Cam, nghe nói người cha và anh cả trốn vào nhà thờ, ở lại trong đó với nhiều người khác. Thịnh hình dung họ xếp hàng nằm trên sàn phòng nguyện, thứ tự lần lượt người này đến người nọ, mắt nhắm cho thật chặt, dù bên ngoài súng nổ thì bên trong thành quách chuông vẫn rền vang. Họ nằm đó và không về nữa. Mạ Thịnh sấp xuống nền đất ẩm ướt của khu vườn chôn nhau cắt rốn, gào lên, như dồn tỏa đau thương muôn ngàn kiếp đầu thai lại trong bà. Nguyên, nhiều năm sau lên chơi gặp bữa mạ Thịnh lên cơn, cứ quỳ xuống mà khóc, cháu có tội, cháu phải làm gì, làm gì... Nguyên không nói gia đình Nguyên đã ở đâu hồi Tết đó, nhưng Thịnh biết ba Nguyên, sĩ quan không lực, đã bay dội Napan xuống những cánh rừng miền tây để trả thù cho thành phố bị tấn công hồi Tết.
Cảnh tàn sát những cánh rừng miền tây bằng B52, Napan và chất diệt cỏ, Thịnh nghe từ chính chị Duyên. Vào hồi Thịnh là bé con, chị Duyên đã lớn, kiều diễm lộng lẫy như một nhan sắc lạc lõng nơi xóm đạo đàn bà con gái đời nay qua đời khác không biết gì ngoài chằm nón, những lưng còng mặt cúi như định mệnh. Sau dịp Tết Mậu Thân, chị bỏ thành phố lên rừng theo quân giải phóng. Nhưng đời sống chừng nào cũng phi lý, chị nói, chị muốn trở về thành phố với một tư thế khác, cần ngẩng đầu lên, nào hay những cuộc chạy, chạy bom đạn, chạy biệt kích ở trong rừng đã làm chị hoang mang. Lần này bỏ rừng chị không bao giờ còn dám nghĩ tới đổi thay nữa. Quên đi nhan sắc, quên đi giấc mơ kiêu hãnh, chị ngồi xuống bên cái khung nón, ngày qua ngày đâm kim kéo chỉ lên nỗi lòng, để lòng càng lúc càng câm nín đi...
Nhưng người con gái đó, chị Bé nào đó đã đi đâu về đâu trong tháng ngày kia. Thịnh bất chợt rùng mình.
- Tôi có nghĩ về cô ta, nhưng không nhiều lắm nếu tôi không gặp lại cô ta. Một tình huống oái oăm - William kể tiếp - Vào khi tôi đã nằm trên mặt đường, tôi nghĩ tôi sẽ chết, mọi sự sẽ kết thúc tại đây, không vinh quang song cũng chẳng bi đát cho lắm. Nhưng bỗng dưng tôi thấy có bóng người lọt khỏi cánh cổng tôi vừa đi ra ban nãy, chạy về phía tôi. Tôi cảm thấy cả những luồng đạn líu ríu bay từ đâu đó nữa. Một người thật, một người con gái quỳ bên cạnh tôi, bàn tay mềm, vuốt lên gương mặt tôi, này Willic, anh nhận ra tôi không, tôi là Bé, cô Bé cave, cô ta nói, tôi đến để băng vết thương cho anh đây... Trong cơn mơ màng của cái chết đang đến gần, tôi thấy gương mặt dịu dàng của cô ở trong vành mũ, đôi mắt rộng lớn có những tia sáng ấm áp. Trong bầu trời mưa còn bay, và những chấm lá nhỏ theo mưa rơi xuống trên mặt tôi. Ngần ấy thời gian của cuộc đời, tôi chưa từng có buổi sáng nào tuyệt đẹp như thế...
- Sau đó thì sao, Thịnh hỏi.
- Sau đó ra sao tôi không biết. Tôi tỉnh dậy ở trong bệnh viện. Người ta nói quân giải phóng đã rút sạch rồi. Mổ vết thương xong, còn nằm nguyên trên băng ca, tôi bay về Mỹ...
°
Mất khá nhiều thời gian Thịnh mới tìm được người chỉ huy cánh quân giải phóng ở bờ nam sông Hương hồi mùa xuân 1968. Bấy giờ ông đã lên cấp tướng và đã về hưu. Cũng mất nhiều thời gian nữa Thịnh mới gợi ông nhớ lại hình ảnh ngôi nhà Ðại biểu Trung phần số 5 đường Julles Ferry.
- Chúng tôi là những người cuối cùng rút khỏi thành phố - ông ta nói - song chúng tôi đã bị thiệt hại rất nhiều.
Thịnh hỏi ông ta về người con gái tên Bé, một trong số bao nhiêu người Huế đã theo quân giải phóng năm đó. Ông trầm ngâm, rồi cũng nhớ được. Quả có một nữ cứu thương mang cái tên như thế. "Nhưng cô ta chết rồi, chết vào buổi cuối cùng trước khi rời bỏ thành phố. Cô ta muốn cứu một thằng Mỹ. Tôi bảo, mặc kệ hắn đi, chúng ta đâu có bắn hắn, chiến hữu của hắn bắn hắn đấy chứ, nhưng cô ta cứ đi. Và bọn lính cộng hòa ở ga tàu hỏa đã không bỏ lỡ cơ hội...". Giọng ông ta đều đặn, chậm rãi, thứ giọng William nói, hơi có chút gì muộn phiền, mà muộn phiền thật không, những câu chuyện, những phận người đã như lá bay qua, ở xứ sở lịch sử có quá nhiều bấn loạn này...
Rời nhà ông già, Thịnh đi bộ qua thành phố, về ngang Hạ Trắng. Dẫu khuya muộn quán vẫn chưa đóng cửa, trong im lìm, trong bao nhiêu mùi ngai ngái quen thuộc, trong một trạng thái ơ hờ không vồ vập mà chẳng bỏ lơi, Khánh Ly vẫn hát như nhiều năm về trước, như năm nào Nguyên còn ngồi đây vai khẽ chạm vào Thịnh, im lặng thôi nhưng sao dịu dàng thế, Người đã đến và Người sẽ về bên kia núi, từng câu nói và từng tiếng cười... Thịnh lặng đi, ồ người này, sao cứ ca hát không mỏi mệt về phận người. Còn lại gì, còn như lá kia bay đi... Thì sao Thịnh không thể coi chuyện đó như không, để gọi Nguyên về, giữa Huế, giữa những ngày không vui sướng gì mà thương xót bao nhiêu.
Thôi, sớm mai Thịnh sẽ về Nọng, về gặp Nguyên và nói rằng, thôi Nguyên, vậy, đời chúng mình cũng đã buồn lắm rồi./.

Xem Tiếp: ----