Khi tôi mang số báo có đăng truyện ngắn của tôi về, vợ tôi cầm nó lên, như cầm một mớ rau, hỏi:
- Được bao nhiêu?
- Hai mươi ngàn!
- Tám cân gạo.
Thị đánh một câu gọn lỏn, rồi bỏ xuống bếp.
Đúng là thời buổi bùng nổ thông tin và đồng tiền mất giá! Tôi đành chịu thua cái kiểu tính nhẩm rất thực tế ấy, và thấy rằng tốt nhất là đừng nói gì thêm. Bảo rằng viết văn là nghề cao quý ư? Chắc chắn là sẽ được nghe một lý lẽ không thể chối cãi được như thế này từ miệng thị: "Cái gì quý cũng đắt! Nghề của anh rẻ như bèo!".
Nhưng tai họa vẫn chưa hết.
Lúc rỗi rãi, thị giở cái truyện ngắn ấy của tôi, và phán gọn lỏn:
- Ngắn thế này, hai mươi ngàn là phải!
Tôi đành ngậm tăm.
Mấy hôm sau, liếc cái truyện ngắn khác của tôi vừa mới viết xong, thị định giá ngay:
- Truyện này phải đòi "nó" ba chục!
- Cũng thế thôi...
- Thế, là thế nào! Dài hơn truyện trước!
Tôi lại chịu thua. Phải nghĩ cách khác. Tôi bèn lấy giọng thật "nhẹ nhàng và tình cảm" giảng giải cho thị thế nào là "chất xám", và viết được một chuyện ngắn thì khó nhọc, khổ tâm thế nào, và kiếm được đồng tiền, thì vất vả thế nào.
Thị cảm động thực sự, thở dài:
- Thôi đừng viết nữa! Anh chỉ việc nhịn hút thuốc đi, bớt uống rượu đi là được! Đỡ tốn!
Lần này, thì cái "nhịn hút thuốc, nhịn uống rượu", không chỉ liên quan đến cái hại sức khoẻ và tốn tiền như mọi lần thị vẫn ca cẩm, mà còn có một tình cảm ái ngại của thị. Nó vượt lên trên đồng tiền trần trụi. Tôi hiểu, thị tính đến phạm trù "khấu hao". Thị thương tôi phải khổ nhọc và phải thức đêm thức hôm vì vợ con, mặc dù thị hoàn toàn không hiểu được cái "chất xám" nó hình thù thế nào và sự hao tổn của nó đến đâu, nếu không được bù đắp - mà đấy là sự khấu hao lớn nhất.
Nhưng ở đời, có quy luật bù trừ.
Con bé gái tôi rất quý bố, nhất là những lúc bố cặm cụi viết. Có lẽ vì nó chưa đầy ba tuổi, chưa đi học, nên chưa biết chán sự có chữ nghĩa ở thời buổi này. Nó chỉ thấy trong lúc bố làm việc, có cái gì đó ngộ nghĩnh, hay hay, và bắt chước. Cũng bút, cũng giấy, dĩ nhiên chỉ là những đường loằng ngoằng. Nó còn "vẽ chữ" cả ra tay, chân, bụng. Chán, thì nó đến kéo áo bố, giằng giấy bút, cất biến vào tủ: "Chuột chí nó tha mất rồi!". Thế là, tôi phải dẫn nó đi chơi...
Và nhờ vậy, tôi - một người bố - đã phát hiện con mình là một tài năng.
Một lần, trời sắp mưa, nó nhìn lên và bảo:
- Bố ạ! Giời mặc quần rách!
Đúng vậy! Những đám mây đen kịt đang tụ lại từng mảng nên trời chỗ trắng, chỗ đen, giống cái quần cũ của nó.
Một lần khác, mải làm việc, tôi đặt ấm nước, dặn nó:
- Nếu nước sôi, con gọi bố nhá!
Nó thích lắm, quanh quẩn bên bếp để coi. Bỗng nó cuống quýt:
- Bố ơi, bố! Nước nó động đậy rồi! Nước nó động đậy!
Rồi một lần khác, tôi đang ngồi viết, thì mất điện. Nó bảo:
- Hết điện rồi! Bố đi vay điện đi!
Nó đã quen với việc mẹ nó thường hay sang hàng xóm vay gạo, vay dầu.
Những câu ngộ nghĩnh của nó, làm tôi vừa buồn cười, vừa vui. Chợt một ý nghĩ nảy ra: tại sao mình không góp nhặt những câu đó, gửi cho mục "ngộ nghĩnh trẻ thơ"?
Và tôi làm thế thật! Ba mẩu, được năm ngàn!
Vậy là tôi đã kiếm tiền bằng cái trí óc non nớt của con tôi. Chính nó mới là tác giả, cần phải trả "thù lao chất xám" xứng đáng! Và tôi liền mua cho nó một lạng rưỡi giò!
Từ đấy, tôi cứ rình xem nó có nói thêm được câu nào ngộ nghĩnh kiểu như vậy nữa không, nhưng tôi thất vọng. Chắc là chất xám không được tiếp tục nuôi dưỡng! Vì tôi chỉ còn đủ tiền đưa cho mẹ nó mua rau dưa, mắm muối.
Một hôm, có lẽ thèm giò lắm, nó thủ thỉ nhắc:
- Bố mua giò cho con!
Đấy là một mệnh lệnh, không thể không chấp hành nghiêm chỉnh. Tôi não lòng:
- Bố hết mất tiền rồi, con gái ạ!
Nó không tin, khoắng tay vào túi áo bố, lặng đi mấy giây. Bàn tay bé xíu của nó để thõng trong túi áo rỗng không. Rồi, nó an ủi tôi:
- Mai, bố lại đi “mua” tiền nữa nhá, để mua giò cho con!
Tôi phì cười:
- Ừ, mai bố sẽ đi “mua” tiền nữa!
Đúng là, thoạt nghe con nói, tôi phì cười vì sự ngộ nghĩnh trẻ thơ. Nhưng càng nghĩ, tôi càng thấy con tôi là một nhà kinh tế thiên tài. Nó đã phát hiện được một nghịch lý của nền kinh tế hàng hoá lúc phôi thai.
Thường, muốn mua cái gì, kể cả chất xám, phải dùng tiền. Nhưng, những người làm nghề như bố nó, lại không có tiền, nên phải dùng chất xám để "mua" tiền. Mà, dù "mua" tiền có đắt, cũng phải mua!
Bởi chất xám không ăn được, còn thức ăn của chất xám, lại là tiền!./
1990


Xem Tiếp: ----