- Nam mô A Di Đà Phật!- Nam mô A Di Đà Phật!Ngồi một lát, tôi đã nghe chật lời chào nhau của phật tử. Họ đi chùa cầu an. Áo màu tro dung dị, tà chéo khép kín, tay áo rộng, em hòa trong nhóm nâu sồng đó. Em cầu cho ba chóng lành bệnh.- Lệch vị rồi. Đức Thích Ca Mâu Ni viên tịch đã 2548 năm, ngôn ngữ bất đồng, tuổi tác chênh vọt, bệnh tật tùy biến, đời sống đổi thay, địa lý dị biệt, làm sao ngài và chư Phật chứng giám và độ bệnh cho ba được. Tôi bảo.- Không, em bối rối quá, lên chùa cho tâm tịnh. Em biết ba bệnh nặng chứ. Giá gì...Ừ thì, giá gì. "Ba bệnh đã lâu. Chữa cũng đã nhiều nơi. Chạy cũng đã nhiều thầy. Có ai biết và có ai nói cho rõ đâu anh", lời em nhập tâm tôi. Ông cụ từng bị bệnh não do tăng huyết áp, tôi đoán thế vì em bảo năm sáu năm trước ba vào khoa Hồi sức-Cấp cứu do bị co giật và huyết áp lên tới 260. Vài ngày sau, huyết áp ổn và lúc về có ai dặn dò chi. Việc điều trị gởi gắm thầy thuốc đấy chứ, cũng xuống trạm y tế, cũng đi khám và dùng thuốc theo toa đấy chứ. Lần này, ông cụ từ Bệnh viện Nhân dân 115 về, nghe đâu các thầy thuốc dưới đó bảo không lọc thận được. Em gác việc chạy chợ lại, gởi chức phận làm mẹ cho người khác, theo săn sóc ba tại một nơi chưa một lần đến. "Bệnh ba nặng là do sao hả anh?", em day dứt tôi bằng những câu hỏi hồn nhiên của một đứa trẻ và nỗi lo lắng của một người con.Chiều đến nhanh quá, nắng rơi rớt trên dòng Đăk Bla, tĩnh lặng bên bờ Bắc mấy gã mê câu ôm cần vô cảm. Chuông nhà thờ xứ Tân Hương gióng giả, dội từng chùm âm xuống làm ràn rạn gương nước sông Đăk Bla và tiếng chuông gọi lễ như vang vọng hơn xứ khác nhờ núi vòng quanh ôm quyện âm chiều. Cất vội cuốn bản ngữ Bahnar, chụp cái huyết áp, ống nghe, tôi ào đi xem bệnh cho ông cụ. Da bủng bợt, cơ teo tóp, chân lẩy bẩy, khớp ngón chân cái sưng vù và nhức, thỉnh thoảng cụ dùng muỗng gãi sồn sột đến lúc da rươm rướm máu mới thôi. Huyết áp 160 trên 100 milimét thuỷ ngân, mạch đều, nhanh nhẹ và căng. Tiếng thổi tâm thu ba phần sáu lan nhẹ ra nách; quả tim này mà siêu âm thế nào cũng thấy thất trái phì đại hoặc giãn, van hai lá, van ba lá bị vôi hóa; tôi vừa khám vừa liên hệ y văn. Xem các kết quả xét nghiệm, tôi điều chỉnh thuốc lại. Trước đó thuốc cho ông cụ gần như không thiếu thứ gì, từ lợi tiểu quai, ức chế men chuyển dạng angiotensine, ức chế thụ thể angiotensine 2, ức chế can xi nhóm dihydropyridine, thuốc giảm đau đơn thuần đến thuốc tăng thải axit uric và vài loại phụ trợ khác. Giờ đã là bệnh thận giai đoạn cuối, một trong những biến chứng đáng sợ và tất yếu của tăng huyết áp điều trị sai. Phải gia cố ông cụ! Còn thấy mặt trời còn khấp khởi. "Bao nhiêu người ở thị xã nhỏ bé này đang bị suy thận mạn hành hạ như ông cụ?", "Bao nhiêu người biết mình bị tăng huyết áp, biết được bệnh nguy hiểm mức nào và bao nhiêu người được hướng dẫn điều trị chuẩn xác nhằm hạn chế tiến triển bệnh và cải thiện chất lượng sống?"-những câu hỏi ấy luôn tra khảo tôi giờ lại ập đến đương lúc khám bệnh cho ông cụ, một người bệnh tim mạch bị biến chứng điển hình do không kiểm soát bệnh tật chuẩn.- Bệnh ba đỡ không anh? Liệu có cách nào thay đổi được không? Dùng thuốc thật mạnh thì thận độ 4 có trở lại độ 3, độ 2 được không anh? Giọng dồn gấp, em giật tôi về với thực tại.- Có khá hơn mấy bữa trước nhưng để thay đổi thì...tôi bỏ lửng và ái ngại nhìn em. Mắt mọng căng, tia bủa vây tôi và khóe miệng cong hờn xa xăm các thầy thuốc trước tôi. Em chỉ hờn thôi khi nhớ lại có thầy thuốc nào thông báo bệnh tình, cách điều trị, lối ăn uống, theo dõi bệnh tật cho mấy chị em đâu. Có chăng mới chỉ là chữa trị cấp thời, rồi cái toa và vài lời ngắn gọn đầy ấn tượng của giới thầy thuốc chúng tôi. Có vẻ gì xa rời người bệnh quá! Nỗi lo cơm áo thường nhật đã biến nhiều thứ thành máy: bật công tắc-sáng; gắn phích-chạy; hỏi-đáp. Em lập luận rất logic và số học. Đúng là bốn, ba rồi hai, một nhưng với suy thận thì không-đây là suy thoái không hồi phục, giống như suy tim giai đoạn A rồi đến B, C và cuối cùng là D theo phân loại mới đây của Hội Tim Mạch Hoa Kỳ. Em chạm đúng vào nỗi bất lực của các nhà nội khoa. Vừa nói chuyện, tôi vừa nghĩ ngợi về em.- Em không cần gì hết, chỉ cầu ba sống thêm vài tuổi theo ý nguyện. Ba em quý cháu lắm!- Ước chi anh có con gái! Tôi không trả lời em mà đọc em và khao khát riêng tư.- Ba sống được bao lâu nữa?- Dạ đến khi thua Diêm vương ạ. Tôi thoáng nghịch khi thấy từng thớ cơ trên mặt em đang căng ra và bờ mi ngân ngấn.- Ba đã có một đàn cháu nội, ngoại. Sống đã nếm đủ vị đắng cay, đã vinh, đã nhục. Lẽ tạo hóa nào ai thoát. Không có tử thì sao có sinh. Làm kiếp già bệnh khổ rồi, phải sang kiếp thơ ngây chứ.- Anh đừng giỡn nữa. Em rối bời đây.Tôi làm chi mà giỡn. Thật đấy! Tôi làm gì hơn lúc này. Giáo sư Ngô Gia Hy, người cả đời mỏi mong tấm bằng bác sỹ y khoa Việt Nam ngang tầm thế giới, từng nhắc đi nhắc lại rằng trước bệnh tật, thầy thuốc vẫn là kẻ chiến bại. Có làm được gì ngoạn mục cho ba thì chỉ trước đây thôi, may ra nhờ cỗ máy thời gian trong truyện tranh Đô Rê Mon con tôi thường đọc mới đưa được ông cụ quay lại khoảng thời gian chớm bệnh để tôi chữa và hướng dẫn ông cụ biện pháp điều trị không thuốc và điều trị bằng thuốc, để thận chậm suy, để ông cụ sống vui vẻ với cháu con và tìm được tuổi thơ của mình trên nụ cười hồn nhiên của lũ trẻ. Nhưng lịch sử và cuộc đời làm gì có chữ "nếu", tôi vẫn thường lầm bầm thế. Em mắt đỏ hoe khi kể về những năm tháng ba cơ cực thuở thiếu thời. Ôi đời sống, sinh ra chi để rồi cha khuất núi khi con mới tròn 6 tuổi và giỗ đầu năm sau thì mẹ lặng lẽ đi theo. Bé côi cút, hai anh em dìu nhau về sống với bác ruột. Đời sống nhọc nhằn, trẻ non còm, sẩy cha còn bác nhưng ba vẫn khát một tiếng mẹ gọi con sáng dậy, một tiếng cha mình la khi làm đồng về nắng cháy. Cặm cụi với đời, rồi ba gá nghĩa với má, năm tháng xoay vần cũng đẻ ra được nào Bé, nào Nghé, nào Tí, nào Tèo. "Ba nằm đó, sao em thương quá những năm tháng đời ba. Ước gì ba khỏe như ngày nào!". Lời em thầm thì ru tôi lạc lối về chuỗi ngày ấu khổ đời ông. Tôi đưa mắt nhìn người bệnh, đọc ánh dịu vợi, thấy tuổi thơ của ông như em trăn trở. Như thoáng hiện lên trong tôi cảnh ngày trai ông trồng mía, tỉa bắp ngoài ô kề dòng Đăk Bla lượn lờ ôm thị xã, góp tay cùng người Bahnar vẽ màu xanh rì yên bình người xứ núi. Kìa, vầng trán già luyến nhớ ngày xanh.Tối nay, bệnh vào có vẻ nặng. Một người đau thắt ngực sau nhồi máu cơ tim cũ, một thì huyết áp tăng sau cơn bực dọc với con cái. Y tá chạy lăng xăng đo mạch, huyết áp. Người nhà kéo đến nhốn nháo, kẻ lo mẹ chết tại bệnh viện, người sợ cha hờn dai chia của nả thừa kế ít. Tôi chú ý đến bà cụ đang đau thắt ngực hơn; cơn đau trội lên có lẽ do chặp tối trời oi ả, gầm gừ. Điện tim tại giường hiện ra hình ảnh sóng Q sâu hoắm trên V1, V2 và V3; sóng ST chênh cao ở ba chuyển đạo này nhưng sóng T bình thường. May con cái cẩn thận còn giữ kết quả xét nghiệm lần đi Sài Gòn trước nên dễ dàng nghĩ đến ST chênh là do phình vách thất sau nhồi máu; tuy nhiên, có xét nghiệm enzyme CK-MB và dấu ấn troponine T lúc này thì cực kỳ quý. Hệ mạch máu vành trên phim chụp kỹ thuật số xóa nền đẹp như cây trơ lá mùa khô Kon Tum giờ nhánh động mạch vành trái trước xuống bị tắc, chất cản quang không qua được. Nong và đặt stent gì nữa ở tuổi này nữa. Cố moi trong tủ thuốc trực các thuốc cần kíp cho bà cụ. Quay sang ông già giận con tăng huyết áp hồi nãy thì hóa ra cụ vẫn thường ra vào khoa kiểu này. Tuổi cao kể ra cũng khó chiều; hớ hênh tí thôi cũng đã mếch lòng bậc cha chú. Khám và vấn an cụ xong, tôi quay vào phòng tiếp tục truy tìm thông tin thận học tuổi già trên đĩa Cecil Texbook of Medicine 1998 và đĩa Cardiovascular Medicine 1997. Hai triệu nephrone thường ngày đẹp như nho Phan Rang mùa mọng quả thế mà lúc thận suy teo kiệt chức năng chỉ còn bằng khoảng một phần bảy thuở đầu đời. Tôi cố tìm nguyên nhân chết ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, thấy căn nguyên tim chiếm 43,3%, trong đó ngưng tim đột ngột không rõ nguyên nhân là cao nhất chiếm 6,2%. Ái chà, phải lựa lời mà nói trước với em các biến cố này, dẫu ông cụ vẫn đang cầm cự ở giai đoạn ba của cuộc đời, kẻo mai kia núi Thái Sơn khuất bóng thì toi tôi. Còn nhớ, hôm trước em gạn hỏi cách chữa trị thiếu máu mạn cho ba, thuốc Eprex điều trị thiếu máu ở bệnh nhân suy thận mạn mua chỗ nào tại Sài Gòn và dùng bao lâu, viên Adalate LA 60 tốt hơn viên Nifehexal 20 mg phải không; em hỏi và muốn làm nhiều thứ cho ba khiến tôi lại ao ước viển vông. "Anh ơi, ông già không ngủ được, cho uống gì đây?", đang chăm chú với hình giải phẫu thận trên máy thì em gọi, hóa ra giờ em vẫn còn canh giấc cho ba. "Em cho ba dùng tạm hai viên Rotunda vậy"-không rời trực được, tôi đành cho y lệnh "viễn thông" vậy. Cũng tạm chấp nhận chủ quan tôi bởi từ ngày ba đau nặng, em trực tiếp phân thuốc cho ba và cũng thường đi mua vài thứ thuốc không cần toa. Đồng hồ điểm 11 giờ, rời máy, đi thăm lại hai người bệnh lúc nãy vào. Bà cụ đã dịu cơn đau còn ông già thì nằm thở dài, con cái tụm lại ngoài hiên xì xộ. Ô hay, con tim già và nỗi lo đời!Loại đạm dành cho bệnh nhân suy thận Neo-Amiyu của hãng Ajinomoto tốc độ quy định chậm quá, chỉ 15 giọt một phút và em đã phải gởi toa về tận Sài Gòn mua. Canh được nửa giờ, không hề hấn gì, tôi cuồng chân bỏ ra ngoài, dạo quanh đình Lương Khế kề nhà. Đây một trong ba ngôi đình đậm dấu chân Kinh thuở hồng hoang tại Kon Tum và ông cụ cũng đã rỏ mồ hôi, góp sức trai tác thành. Đình im phắc ngắm trời quang đãng, nhìn về hợp lưu sông Đăk Bla và Kroong Pôkô. "Lại một người gắn bó với Kon Tum sắp rời xa rồi", bất giác tôi độc thoại. Rồi từng người, từng người bỏ Kon Tum; tôi lẩn thẩn nhẩm nhại lời Trịnh Công Sơn. Hiện dân trí y tế thấp, đời sống còn khó khăn lắm, cơm hai bữa chưa đủ, 59% dân Kon Tum được hưởng chính sách khám bệnh miễn phí; vậy chỉ có chương trình truyền thông và giáo dục sức khỏe hoạt động mạnh và liên tục và phải có chương trình quản lý bệnh tim mạch thì may ra mới cải thiện được tình trạng dân trí y tế và khống chế tốt bệnh tật tim mạch, mới không có chữ "giá gì", mới khuây khỏa những bất lực nội khoa và những người gắn bó lâu đời với Kon Tum chầm chậm ra đi, để tôi còn kịp nghe họ kể về Kon Tum thuở là làng, để tôi còn kịp khắc hoạ cảnh xưa "ngày đó, đường này gọi là Lê Thánh Tôn", "xưa, chỗ này có nhiều cây keo nên lâu dần quen gọi Hàng Keo", "Kon Tum lúc đó còn rừng vây quanh đó cháu"; vừa rảo bước quanh đình, tôi vừa nghĩ ngợi mông lung. Không biết tụi trẻ bây giờ có nhớ dấu cha ông?Mùa mưa này hơi thất thường, mới cơn rào hôm qua mà sáng nay trời xanh trong nắng, mây bồng bềnh rong ruổi cõi bao la. Tiện đường lên Tổ đình Bác Ái, trầm tư giữa ông Thiện, ông Ác, mới hay người trước thâm thúy, diễn tả tính người và quy luật trời đất ấn tượng thật. Y học cũng thế thôi, không có người bệnh sao có thầy thuốc và làm gì có tiến bộ y học. Không lẩn thẩn nhưng đó là đời sống. Quẻ cuối cùng trong kinh Dịch là Hỏa thủy vị tế, qua sông để tiếp đường xa; việc đời có bao giờ xong đâu mà day dứt, lá rụng nảy mầm xanh, rừng Kon Tum vẫn du dương khúc đại ngàn hai mùa mưa nắng. Tôi quay ra, sững gặp em đang quỳ niệm trước đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Mắt mọng đỏ của những đêm canh giấc ba. Khẽ khàng rời tổ đình, sợ khua động lời thỉnh cầu Tây Trúc. Thinh không vút tiếng chim ca.