"Tài sản duy nhất mà anh ta mang theo là cái ba lô, cây đàn và..."Có bao giờ quý vị nghe một… bức vách lên tiếng nói? Quả là chuyện thần thoại, đúng không? Vậy mà đó là sự thật đấy. Sự thật mà tôi nói là một-trăm-phần-trăm; còn tin hay không, tùy quý vị. Nhưng thôi, câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây chắc sẽ thú vị hơn là tôi cứ mãi lằng nhằng chứng minh này nọ. Tôi là tấm vách ngăn (như nhiều vách ngăn khác) giữa hai căn phòng nằm sát nhau trong một chung cư có đến gần một trăm phòng. Dĩ nhiên, tôi đã hiện diện ở đó từ hơn ba mươi năm qua, đã có nhiều gia đình dọn đến ở và ra đi; do vậy tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện vui buồn xảy ra trong hai căn phòng ấy. Thế nhưng, tôi chỉ muốn kể cho quý vị nghe về hai gia đình, mà đúng hơn là về hai con người đã sống tại nơi ấy – hai căn phòng nằm sát nhau; còn tôi, là “người” nằm ở giữa (nghe có vẻ vô duyên, nhưng thật ra là đâu có vô duyên, phải không?). Tôi nhớ ngày đầu tiên chàng trai hai mươi bốn tuổi dọn về ở tại căn phòng số 5; tài sản duy nhất mà anh ta mang theo là cái ba lô, cây đàn và dăm ba thứ linh tinh không đáng kể. Nghe nói đâu anh ta mới ở rừng về và căn phòng ấy là được cơ quan mới của anh ta cấp. Từ ngày anh ta về tôi như được vui lây, vì đi thì thôi, chứ về tới nhà là anh ta cứ đàn hát suốt. Nhưng, ở đời đâu phải mình vui là thiên hạ đều vui, do vậy sau hơn một tuần “tưng tửng từng tưng” trong cái không gian tưởng đâu là “cõi riêng” của mình, anh ta đã phải đối diện với một thực tế… ngoài dự kiến. Cô gái ở phòng số 6 bước sang… gõ cửa nhà hàng xóm, giọng ngọt như mía lùi: “Anh ơi, ngày mai anh có đi làm không?”. Tôi thì đã biết là ý cô ấy muốn nói gì (vì trước khi mở cửa bước sang nhà anh hàng xóm, tôi đã thấy vẻ mặt của cô cũng như câu nói lầm bầm…), nhưng anh ta thì ngây thơ như một chàng… ngốc (!). Nghe cô hàng xóm hỏi, anh ta liền trả lời: “Dạ có chứ, ngày mai là thứ năm mà. Nhưng có gì không chị?”. Tôi thấy cô ta đúng là… quỷ (!) – mới hồi nảy (trước khi gặp anh ta) vẻ mặt cô ta hầm hầm, vậy mà bây giờ trông cô ta cứ tỉnh khô. Cô tiếp lời: “Vậy thì anh phải ngủ sớm đi để mai còn đi làm chứ!”. Tôi thấy mặt chàng… ngốc ngớ ra và khi chưa kịp hiểu người-hàng-xóm nói những điều ấy với ý gì, thì anh ta đã nghe lời chào: “Chúc anh ngủ ngon nhé!”. Và rồi cô ta biến mất, cũng bất ngờ như lúc cô ta gõ cửa vậy. Khi cô gái đã trở vào phòng, chàng-trai-tội-nghiệp cứ ngẩn ngơ tò te, tròn xoe mắt nhìn vào cái hành lang tối thui phía trước. Rồi dường như hiểu được “thâm ý” của cô hàng xóm, anh rón rén bước từng bước nhẹ đến cây đàn và sè sẹ treo nó lên… tôi. Rất tình cờ, hai cái giường ngủ của họ cùng được đặt sát vào tôi (tức là cái vách ngăn cách hai phòng), do vậy tôi đã nghe, đã thấy tất tật mọi chuyện (dĩ nhiên là những chuyện được phép nghe, thấy thôi; chứ… những điều “cấm kỵ” thì tôi đều tự động bịt tai, nhắm mắt). Trời ạ, tối hôm ấy cả hai người đều dường như thức suốt đêm. Anh ta nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, thở dài, rồi lầm bầm: “Cũng may mà cô ta lịch sự, chứ hồi nãy mà cổ quát lên “ông có câm cái mồm của ông lại cho thiên hạ ngủ hay không!” thì có mà độn thổ! Ngốc ơi là ngốc, học bao nhiêu bài học về đối nhân xử thế, về phép lịch sự rồi mà bây giờ mình lại bất lịch sự đến thế là cùng, khuya lơ khuya lắc rồi mà còn bày đặt hát hò!”. Rồi sau đó, khi mà dường như đã tự trách mình chán chê, anh ta lại lầm bầm: “Cô ta là ai vậy nhỉ? Cô ta làm gì? Bên ấy cô ta ở một mình hay ở với ai? Mình đúng là vô tâm, về ở cả tuần nay mà chẳng quan tân đến chuyện hàng xóm, láng giềng…”. Nhưng câu nói của anh ta sau đó khiến tôi chú ý nhất là: “Cô ấy xinh thật, lại lịch sự nữa…”. "Sao không nghe anh ta hát nữa nhỉ?"Còn cô gái ấy, cũng chẳng hơn gì. Cô ta than thở thành lời: “Mình đó sao? Sao hôm nay lại quá quắt đến như vậy! Tại sao không ráng chịu thêm một chút nữa. Anh ta đàn hát một lúc rồi cũng phải đi ngủ thôi, chứ có phải suốt đêm đâu mà phải sang nhà người ta gõ cửa, rồi nói cạnh nói khóe! Rồi mai mốt, gặp lại anh ta mình biết ăn nói gì đây…”. Và cũng có một câu của cô ta khiến tôi chú ý: “Thấy vẻ mặt “góc cạnh” vậy, mà trông anh cũng hiền quá chứ…”. Sáng hôm sau, mặc dù mắt trắng dờ vì cả đêm không ngủ, nhưng anh chàng cũng thức dậy thật sớm để… tránh mặt cô-hàng-xóm. Vì anh ta nghĩ, nếu đi trễ, chẳng may mà gặp lại cô gái ấy, thì mắc cỡ phải biết. Nào ngờ “cô gái nhà bên” cũng có một ý nghĩ tương tự. Và thế là họ “đụng nhau” đúng vào lúc cả hai cùng mở cửa tính… đánh bài chuồn! Hai cánh cửa của hai căn phòng nằm cạnh nhau, họ đứng gần như sát rạt nhau khi bước ra, vậy mà họ như hóa mù, hóa câm, hóa điếc… Tiếc một điều, là sau đó khi họ rảo bước dọc theo hành lang để xuống cầu thang, thì tôi không còn cơ hội để nhìn, để nghe thêm điều gì nữa. Nhưng thôi, “chuyện ở ngoài đường” thì không nên quan tâm làm gì, tôi sẽ tiếp tục kể cho quý vị nghe những “chuyện ở trong nhà”. Một tuần, rồi hai tuần sau đó, quý vị có biết tôi đã thấy những gì không? Thật là bất công và đau xót – anh bạn của chúng ta khá nhiều lần, theo thói quen, vừa về đến nhà là với tay lấy cây đàn… nhưng sau đó liền chùn tay lại ngay – anh ta sợ (!). Còn cô gái thì đứng ngồi không yên, hết than vắn đến thở dài: “Sao không nghe anh ta hát nữa nhỉ? Chắc chắn là do “cái đêm vô duyên” do mình gây ra ấy rồi! Bây giờ phải làm sao? Phải làm sao bây giờ?…”. Tôi lại phải chứng kiến cảnh hai người nằm trằn trọc suốt đêm. Một buổi chiều, khi chủ nhân căn phòng số 6 đi làm về, cô gặp một cô gái khá xinh đang tần ngần đứng trước cửa nhà anh hàng xóm. Phép lịch sự tối thiểu, không cho phép cô làm ngơ: “Xin lỗi, chị tìm…?”. Cô gái mau mắn: “Dạ em tìm anh Nguyễn. Nhưng anh ấy chưa về…”. “Vậy vào nhà mình ngồi đợi đi. Chắc là anh ấy cũng sắp về”. Sau một hồi hai cô gái hỏi qua, đáp lại thì tôi cũng biết được rằng, người khách lạ kia là em gái của chàng bộ đội mới chuyển ngành, cô từ quê lên thăm anh trai. Khi nghe hai tiếng “em gái” tôi thấy rất rõ cô-chủ-nhà thở ra một cái khì, và nét mặt cô rạng rỡ hẳn lên (tôi thật sự chẳng hiểu vì sao?). Nhưng ngay sau đó, cô lại tỏ ra lúng túng, mất bình tĩnh, khi nghe “cô em” tâm sự: “Ba má em nhắn ảnh về quê mấy lần để lo chuyện vợ con, vậy mà ảnh cứ lờ hoài!”. “Vì sao vậy?” – người hỏi không giấu được hơi thở gấp, nôn nao. “Ảnh cứ nói là chuyện hôn nhân không nên ép buộc. Ảnh không thương chị ở quê thì đừng ép ảnh cưới”. Câu hỏi tiếp càng có vẻ nôn nao hơn: “Vậy chắc là ảnh có người yêu khác rồi hả?”. “Cô em” vẫn ngây thơ: “Hình như là chưa đâu chị ạ. Em được ảnh thương nhất nhà, cái gì ảnh cũng kể cho em nghe. Nhưng chưa bao giờ nghe ảnh nói về người con gái nào cả”. Thế là tôi lại được thấy đôi mắt long lanh niềm vui. Còn sau đó thì tôi lại thấy đôi má ửng hồng, khi “cô em” nói: “Chị nè. Chị là giáo viên, chắc là có nhiều cô giáo trong trường còn độc thân, chị làm mai cho anh ấy một người với…”. Cô-chủ-nhà nhìn sang chỗ khác, lí nhí: “Ôi, mình lo phận mình còn chưa xong, sao dám làm mai làm mối gì!”. Bất ngờ lúc ấy tôi nhìn thấy đôi mắt của “cô em” và biết rằng, cô ta đã bắt đầu hiểu ra một điều gì… Vài ngày sau đó, có một mãnh giấy được nhét vào cửa của căn phòng số 5: “Sao lâu quá không nghe anh đàn?” – chỉ có vậy mà anh ta đã nhảy cỡn lên vì vui sướng. Cả buổi tối hôm đó anh ta đàn và hát (dĩ nhiên là hát toàn những bài tình ca, với giọng ấm và trầm – tiếng hát dường như chỉ đủ để “nhà hàng xóm… sát vách” nghe thấy). Nhưng rồi, anh ta bỗng tái xanh mặt mày, khi nghe “cô hàng xóm” gọi cửa. Dường như điều mà anh ta nghĩ sẽ là lại nghe câu hỏi: “Anh ơi, ngày mai anh có đi làm không?”. Nhưng không, lần này thì cô ấy chỉ cười: “Anh hát nhỏ quá, tôi nghe không rõ. Anh có ý định cho tôi vào nghe anh hát không?”. “Dạ mời chị…”. “Anh đừng gọi tôi là chị, tổn thọ chết. Tôi nhỏ hơn anh đến 3 tuổi lận mà”. Nói vậy chứ đêm ấy họ có hát hò, đàn địch gì đâu. Hai người nói chuyện với nhau đến tận khuya. Còn bây giờ, sau khi bạn bè họ kéo đến và dán lên khắp “cơ thể” của tôi (cũng như của hai anh bạn hai bên của tôi) nào là hình đôi chim bồ câu, hoa hồng, đèn cầy, trầu cau cùng cả một câu chữ dài ngoằng “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”; thì họ đã quyết định… loại tôi ra khỏi cuộc đời họ - hai căn phòng của ngày xưa, nay không còn bức vách chính giữa nữa. Tôi – một bức vách đã… qua đời. Nhưng quý vị biết không, tôi hoàn toàn mãn nguyện và cảm thấy hạnh phúc với “sự ra đi” của mình. Chẳng thà mình không tồn tại trong một thế giới tốt đẹp, còn hơn là hiện diện để chỉ chứng kiến những cảnh đau lòng. Và nữa, đừng bao giờ là “vách ngăn” của tình yêu, của sự hòa hợp…Tôi nghĩ vậy, chẳng biết có đúng không?