Nhà hoạ sĩ trông ra hồ Gươm. Ngôi nhà cổ bờ mái rêu cáu cạnh, ngói xô vỡ nhiều chỗ. Cây sấu già sù sì đè trĩu càng làm căn nhà thêm thấp bé. Phòng nhỏ treo tranh, tranh bày cả tường hiên trước cửa: tranh cánh đồng chiều quê, tranh cô gái vùng cao gùi nước, tranh phố cổ Hà Nội ngõ nhỏ sâu hút... Phòng tranh mang vẻ tĩnh lặng như chính họa sĩ già đang trầm ngâm ngắm cảnh hồ. Dòng người qua lại, mưa rơi lất phất, có người vội vã, có người thư thả. Ai đó dừng lại ngó tranh, bước đi. Người đứng lại lâu hơn, ngắm. Họ mang tranh ông đi, một người sưu tầm chơi tranh, một nhà kinh doanh phát đạt, một du khách ngoại quốc muốn có kỉ vật về phong tục, tập quán xứ sở mình đã qua. Khoảng trống để lại trên tường, họ đã mang đi từng phần đời họa sĩ. Nhìn khách qua đừơng, dạo hồ, họa sĩ nghĩ ngợi: ừ, cuộc đời trôi nhanh hay chậm là suy nghĩ của mỗi người. Có cuộc đời băng qua vội vã; có cuộc đời bước đi thong thả, nhởn nha. Song nó vẫn là trôi. Ông từ một cậu bé ở cái phố phủ Ninh Giang bên dòng sông Luộc, tuổi thơ qua đi êm đềm. Lớn lên bước vào cuộc chiến tranh. Lúc nửa đầu hoa râm, đất nước thanh bình, tranh là suy ngẫm của ông, suy ngẫm cuộc đời. Người ta nói, đời người như bức tranh, vậy không thể có sự trôi nhanh hay chậm, mà chỉ có bức vẻ với mảng mầu sẫm tối, khắc họa rõ ràng, bức nhạt nhòa không phân biệt đâu tối, đâu sáng, hay những bức gam màu xám xịt. Cuộc đời ta thuộc loại bức tranh nào? Thời Phục Hưng có một họa sĩ sống chuỗi ngày vất vưởng. Tranh ông vẽ đổi từng bữa ăn, đổi bánh mỳ đổi củi sưởi. Họa sĩ chết trong cảnh đói rét. Người đời đâu ngờ rằng, vài trăm năm sau, một tác phẩm của ông bằng gia tài nhà triệu phú. Cuộc đời họa sĩ đó thuộc loại bức tranh nào?Từ góc phố bà cụ ăn mày lần gậy bước. Cụ già lắm, mái tóc trắng đục. Năm tháng khắc họa khuôn mặt cụ ngàn vạn nếp nhăn. Một cuộc đời vất vả- họa sĩ nghĩ. Vai cụ quàng bị, gậy khua lốc cốc, cánh tay già khẳng khiu giơ ra cầu xin cuộc đời. "Kìa, sao cụ chìa xin cả chốn không người, những cánh cửa nhôm khách sạn sáng lạnh, dãy xe hơi im ỉm." Cảnh tượng làm hoạ sĩ chạnh lòng. " Nếu mẹ ta còn sống, nay trăm tuổi. Mẹ ta may mắn hơn cụ già kia. Có phải bà là người mẹ được nhận nhiều ư? Từ chồng, từ con, từ...? Lúc mẹ ta mất có hàng trăm vòng hoa viếng, đấy cũng là lần mẹ được nhận chăng?" Cụ già ăn mày bước trên phố vắng, bàn tay cứ chìa ra. "Có người đi suốt cuộc đời trong khổ đau. Ông trời không công bằng, không gượng nhẹ đến quãng cuối cùng, cái mà Người đã tạo hóa..." Họa sĩ thấy cay cay sống mũi!
- Lạy ông!...lạy bà!... Xin thương kẻ già nua...
- Cụ ơi, đường có ai đâu. Mời cụ vào đây nghỉ chút cho đỡ rét
- Xin ông! Lạy ông...
- Ấy, con chỉ đáng tuổi con cháu cụ...
- Vâng! Lạy ông... Ông thương cảnh già...
Cầm chén nước hoạ sĩ mời, tay bà cụ run run. Run vì giá rét hay cái run trước một tấm lòng? Một người mẹ cả đời chỉ cho, chưa được nhận bao giờ, nay được chút lòng đã bao xúc động? Phút giây ấy chợt bừng lên trong họa sĩ niềm cảm hứng. Họa sĩ cầm bút nét phác họa cụ già hiện nhanh trên nền giấy. Đêm ấy căn phòng họa sĩ ánh đèn tỏa sáng suốt đêm, tâm trí ông hút vào bức phác họa. Người vợ mấy lần thức giấc, lo lắng nhìn chồng. Bao năm chung sống, rất hiểu phút đam mê của người nghệ sĩ, bà thở dài...
Sáng sớm. Hồ chưa một người dạo ngắm Tháp Rùa. Lác đác người nhận giao ca sớm, đi về. Hoạ sĩ ngồi lặng bên giá vẽ. Ông say sưa ngắm bức hoạ đã hoàn thành. Khuôn mặt, ánh mắt ngàn vạn nếp nhăn. Nhìn bức chân dung cụ già như thấy nỗi nhọc nhằn cô quạnh một kiếp người. Thoáng nghe bước chân sau lưng, hoạ sĩ biết đêm qua vợ mất ngủ, bà lo lắng cho chồng. Hoạ sĩ đợi lời trách móc. Im lặng... Ông quay lại... thấy vợ đăm đăm ngắm bức hoạ. Mắt bà như rớm lệ. Nhẹ bước lại ông quàng tay ôm vợ, hai người già lặng ngắm tranh. Bức họa Người Mẹ- hoạ sĩ đặt tên như vậy, ông đem treo trang trọng nơi phòng tranh. Bức hoạ không có giá. Từ hôm ấy khách vào phòng tranh, ai đó lơ đãng nhìn, kẻ dừng lại đôi chút, người đứng lại rất lâu. Họa sĩ thoáng nghe những tiếng thở dài nho nhỏ.
°
*
- Chào bố!
Cái mặt nó nhăng nhít, lại thoả thuê, hắn là gã lái tranh, kẻ mang tranh ông đi nhiều nhất. Cũng từ hôm bức hoạ treo lên, hắn xoắn lấy. Kể cũng lạ, thứ hắn mà thoáng nhìn đã thấy ngay cái thần, cái giá của bức hoạ.
- Con biết bố ghét con (hắn cười). Mâu thuẫn! Tại sao bố lại không ưa con nhỉ? Chính con là người mua tranh của bố nhiều nhất, trả giá cao nhất. Con hỏi bố nhé, không có những người như chúng con thì các vị nghệ sĩ như bố sống ra sao? Chưa kể chúng con còn lăng xê để bao vị trở nên nổi tiếng. Bố sẽ quảng bá cái triết lý và nghệ thuật của mình đến công chúng bằng cách nào? Nếu không có chúng con?
Hắn từng nói với họa sĩ như vậy.
°
*
Vị khách ấy bước vào phòng tranh. Ông họa sĩ ngồi ngắm Tháp Rùa, ngắm dòng người qua lại như mọi khi. Khách dừng lại trước bức chân dung Người Mẹ. Ông khách trạc ngoài năm mươi, tóc muối tiêu, một vị khách sang trọng. "Ngoại quốc hay người Việt? Khuôn mặt thì điển hình người Việt, nhưng nước da ngăm ngăm" - họa sĩ nghĩ. Ngắm khách kỹ hơn: -"Một khuôn mặt đàn ông không đẹp nhưng có nét đáng chú ý, dễ gây cảm hứng - một khuôn mặt có đặc điểm. Hình như mình đã gặp ông ta ở đâu rồi nhỉ, trông quen quen. Qua góc nghiêng, họa sĩ cảm nhận, ông ta xúc động. Sau phút giây trầm ngâm ngắm tranh, khách bước về phía họa sĩ:
- Thua ong... Xin hoi...
Từ ngữ, cách phát âm tiếng Việt chưa chuẩn, người ngoại quốc. Khách hỏi về tác giả, về giá bán bức họa. Ông ta như thoáng buồn khi nghe nói bức chân dung không bán. Khách lại tần ngần ngắm tranh. "ừ, đúng là mình đã gặp ông ta ở đâu? Đôi mắt, cái nhìn...?"- hoạ sĩ nghĩ. Lúc sau vẻ cương quyết, khách lại đề nghị mua bức chân dung, tuỳ họa sĩ định giá. Qua những câu lộn xộn, thiếu mạch lạc, và xen vào những câu tiếng Pháp, hoạ sĩ biết ông ta gốc Việt, tha hương hơn năm chục năm rồi, đây là lần đầu tiên về thăm quê hương bản quán. Nghe họa sĩ nói bức họạ gắn với một kỷ niệm, nên không bán, ông khách rất thất vọng. Thời gian trôi đi vẫn thấy khách lặng lẽ ngắm tranh, mắt ông ta còn như nhoà lệ. Hoạ sĩ chợt nhận ra, đôi mắt, cái nhìn của khách giống cụ già trong tranh đến kì lạ. Một lần nữa ông Việt kiều bước về phía hoạ sĩ. Lần này ông ta đặt câu hỏi về người mẫu- chắc bà cụ có uẩn khúc hay hoàn cảnh éo le chăng? Cụ hiện ở đâu? Tại sao hoạ sĩ để vết sẫm trên trán, cần thiết phải tạo mảng màu ấy không? Sao bàn tay cụ già trong tranh nắm gậy vẻ không tự nhiên? Nghe khách hỏi hoạ sĩ ngạc nhiên- ông khách quả có cái nhìn tinh tế, am hiểu hội hoạ. Bức vẽ gần như nguyên mẫu, trên trán, dưới chân tóc bà cụ người mẫu có bớt đậm, ngón tay trỏ của cụ bị tật. Nghe họa sĩ giải thích, thần sắc khách như khác lạ, ông ta hấp tấp hỏi, hỏi nhiều lắm. Hoạ sĩ nhớ: "Bà lão nói tên làng, một cái tên nôm chỉ còn trong trí nhớ người già, tên gì nhỉ...? à đúng rồi... làng Đún..."- Làng Đún... làng tôi đấy! (ông khách nắm tay hoạ sĩ lắc lắc). Tôi về Việt Nam tìm mẹ.
Hoạ sĩ bàng hoàng. Sự trùng hợp hay ngẫu nhiên chăng? Số phận run rủi? Đúng! Đôi mắt bà cụ, đôi mắt ông ta giống nhau đến kì lạ. -"Cụ hiện không nơi nương tựa. Đêm đêm ngủ ở một chân cầu nào đó trong thành phố..." Nghe kể, nước mắt khách chảy dài trên má. Hơn 50 năm trước họ xa nhau. Hoàn cảnh túng đói người mẹ để lại đứa con còn đỏ hỏn, đi Hải Phòng làm vú nuôi, lấy tiền nuôi con và gia đình. Hơn năm sau bỗng người làng đồn, bà đã chết, đồn bà làm lẽ ông chủ buôn nước mắm bà làm vú nuôi ở nhà ông ta. Chuyện đồn về làng đến sợ. Chẳng ai rõ ra sao, nhưng chuyện lâu rồi, bà không có tin về làng là sự thật. Người chồng và đứa con cũng rời làng. Số phận xô đẩy đến mức họ trôi dạt đến tận xứ người, một đồn điền giữa hòn đảo nơi đại dương mênh mông, quê hương là phía mặt trời lặn. Trước lúc nhắm mắt nơi đất khách, ông bố trăng trối cho con:Về quê hương tìm mẹ. Người con chính là vị khách ngoại quốc. Bao công sức ông mới tìm ra làng Đún. Giờ chẳng ai gọi tên ấy nữa. Làng khác xưa rồi, không như lời bố ông trăng trối. Dân làng ít người biết chuyện gia đình ông hồi đó. Sau này bà mẹ có trở lại. Cái đận đói bốn lăm chết vãn làng, lại bước vào cuộc chiến tranh, mỗi người ly tán một phương, biết sao số phận của nhau! Không chồng, không con, không cả họ hàng gần gũi, bà chẳng quay về làng lần nào nữa.
Ông khách ngoại quốc lang thang khắp thành phố, đêm đêm tới các chân cầu mái hiên tìm mẹ. Thỉnh thoảng ông lại quay về phòng tranh, thẫn thờ nhìn bức họa. Trước bức chân dung khách lầm rầm như là tâm sự. Nhìn vào mắt khách họa sĩ biết, đứa con lạc mẹ kia, dù khó khăn đến đâu cũng sẽ tìm thấy mẹ. Xúc động, hoạ sĩ tặng bức chân dung cho khách. Đời nghệ sĩ của mình, nhiều lần tặng tranh, bán tranh, đây là lần trao tranh cho người ông thấy thanh thản nhất. Phần đời của ông có người giữ gìn, trân trọng.
°
*
- Kìa bức tranh đâu rồi?
Gã lái tranh sững sờ khi không trông thấy bức họa.
- Bố nói vô giá, không bán. Chắc có kẻ trả hơn con. Bố đá bao nhiêu? Năm hay bảy vé?
- Tôi tặng.
- Tặng?... Con không nghe nhầm chứ(?) Bố già lẩm cẩm rồi. Vài chục vé đấy.
- Vài chục vé thôi à
Ông họa sĩ cười. Ngày ngày vẫn thấy hoạ sĩ trầm ngâm ngắm cảnh hồ, nhìn dòng đời qua lại. Trong mắt ông thấy cả sự hy vọng, đợi chờ. ý tưởng bức hoạ mới đang hình thành trong ông: một sáng, cảnh hồ yên tĩnh, rặng cây ven hồ đổi màu xanh biếc, những tia nắng ban mai chiếu rọi, cụ già tóc trắng bạc, người con trai dìu mẹ bước, nét mặt ông ta rạng rỡ. Họa sĩ chợt nghĩ, ai là người được nhận?./.
9/1996