Ngôi sao ban chiều, gợi lòng ta xao xuyến nhớ người yêu ở phương trời xa...”. Tiếng hát ngân lên, vương vào lòng người... Mây lang thang. Trời xanh đang nguội nắng. Cuối trời xa một ngôi sao có ánh sáng nhạt dịu dàng đậu lửng lơ. Vẫn lơ đễnh nhìn qua cửa sổ lớp học, cô bé lặng lẽ cúi xuống khẽ kéo tờ giấy kẹp trong sổ tay bí mật ghi xuống cuối hai chữ “Mây trắng”... và nghĩ vẩn vơ. Đôi mắt thật ấm áp. Mái tóc xoăn bồng bềnh. Cái mũi thẳng và cao. Môi chín mọng như môi con gái. “Đa tình”, bọn tóc dài trong lớp bình luận thế. Giọng Huế nghe sao mà thương: “Huế ơi quê mẹ của ta ơi”. Thầy đọc ngân nga như dạo một khúc nhạc trầm. Vân trôi vào một cảm giác dịu êm, lạc về một phương trời khác. Mỗi bài làm văn của Vân, thầy phê đầy trân trọng, ân cần như tiếng nói riêng thủ thỉ: “Bài viết giàu cảm xúc làm ngưng lại trong lòng người đọc nhiều điều”. Vân đọc đi đọc lại dòng chữ đỏ mềm mại, nhớ đến thuộc lòng từng nét và em hiểu thêm ở đó bao nhiêu ý tứ sâu xa, ngọt ngào và lãng mạn. Trong tâm hồn nhạy cảm, mộng mơ của em, thầy choáng ngợp một khoảng râm mát êm đềm... Thi học sinh giỏi thành phố vào một ngày nắng đến nhức mắt. Thầy đèo em đi thi bằng chiếc xe đạp cũ. Đường xóc, gió từ cánh đồng đượm hương lúa chín thơm ngào ngạt. Còi báo động rú lên. Thầy nắm tay em chạy. Ngồi dưới hầm nghe tiếng bom rền rung chuyển, Vân sợ phát khóc. Thầy lại nắm tay Vân nói vui: “Bom nó cũng phải nể nhà văn tương lai mà nổ chỗ khác chứ”. Báo yên lên khỏi hầm, em chợt thấy tiếc... em đoạt giải nhì thành phố. Thầy hớn hở đạp xe đến nhà em. Đứng trước dì Nụ, thầy vừa khoe, vừa khen: “Giỏ nhà ai, quai nhà ấy. Dì cháu nhà em thích thật”, Vân đỏ mặt, dì Nụ cũng đỏ mặt cám ơn thầy. Muốn tặng thầy bài thơ mà sao khó quá. Cảm xúc thì dâng đầy mà không thể thành lời... Kỷ niệm về thầy đầy ắp tuổi học trò em. Trái tim non nớt của em loạn nhịp. Chiều ấy, thầy đột ngột báo tin nhập ngũ, tất cả bỗng vỡ òa... Chia tay với lớp, thầy ôm cây ghi-ta, hát tặng chúng em bài hát “tủ” của thầy. Bài hát Ngôi sao ban chiều. Từ lúc ấy, Vân chợt thấy bơ vơ. Tiếng hát lịm vào trong em da diết. Không, em không thể xa thầy. Mấy giờ học qua đi, Vân ngồi nhìn mây trôi, nhìn ngôi sao ban chiều qua khung cửa sổ. Em thấy lòng đau tê tái và hồi hộp. Thầy đã ghé xuống dặn nhỏ vào tai Vân: “Cuối giờ, em ở lại thầy nhờ chút”. Thầy muốn nói điều gì với riêng em? Em nghĩ đến những lời Rômêô, juyliêng, Épghênhi Ônêghin... đến những lời yêu đương run rẩy trong tiểu thuyết. Đối với em, thầy yêu quý, thân thương hơn tất cả. Em nghĩ đến ngôi sao ban chiều và những đám mây. Thầy là Tú, em là Vân. Tinh tú và vì sao kia còn em là Mây Trắng. “Bài thơ về một ngôi sao” hoàn thành ngay trong giờ Toán. Em ký tên là Mây trắng... Hết buổi học, Vân kín đáo giấu bài thơ trong túi áo, nấn ná ở lại. Thầy đi bên em trên bờ sông lồng lộng ngọn gió hoang. Bất ngờ, Vân gục đầu vào ngực thầy bật khóc. Thầy vuốt mái tóc em (Người ta cũng thường lùa những ngón tay vào làn tóc người yêu như thế). - Nhà văn cứ khóc một chút đi. Biết đâu sau này thành một truyện ngắn đặc sắc. Vân lắc đầu nói như trong tiểu thuyết: - Em không khóc một truyện ngắn. Em khóc cho một tình yêu. Em không dám ngẩng lên nhìn thầy, chỉ nghe giọng thầy buồn. - Chiến tranh mà em. Thầy đi rồi thầy sẽ về mà. Vân nhìn theo dòng nước vô tình trôi lờ lững, lòng buồn rười rượi. Thầy bảo em cố gắng thì nhất định sẽ trở thành nhà văn. Chợt thầy lấy ra một bức thư, quay nhìn đi nơi khác: - Thầy nhờ em đưa cho dì Nụ... Nhớ đưa tận tay dì... Hình như em bước hụt, tim đập thình thịch và thấy chơi vơi... Cả quãng đường dài từ trường về nhà em không nghe gì, không thấy ai, lòng đầy nghi ngờ, thắc mắc. Trong túi em nặng trĩu bức thư thầy gửi dì Nụ và cả bài thơ tặng thầy ế ẩm. Dì Nụ là kỹ sư nông nghiệp. Dì quen thầy từ khi còn học đại học, về đây gặp lại thầy, dì dắt Vân đến gửi gắm “Trăm sự nhờ anh”. Tiếng cười nắc nẻ của dì Nụ như đuổi bắt người ta. Dì đang có khách. Một người đàn ông đứng tuổi đầu chải mượt đeo kính gọng vàng, bút máy Kim Tinh gài túi đang ngồi trước mặt dì. Ông ta nói, giọng trầm đục, ùng ục trong cổ, chiếc răng vàng nhấp nhổm cứ lóe lên trong miệng như thể ông phun ra lửa. Vân nôn nóng gọi dì Nụ. Dì quay ra “hử” một tiếng rồi bảo khách: - Cháu em đấy. Họ tiếp tục câu chuyện. Mẹ sai Vân đun ấm nước xách lên cho dì. Vân ngồi gẩy từng cọng rơm vào bếp âu sầu, phụng phịu. Dì vẫn cười, tiếng cười như trêu ngươi. Vân biết ông Tường làm ở phòng vật tư huyện vẫn chao liệng quanh dì như quạ đuổi bắt gà con. Chỉ có thầy Tú không biết. Bao giận dỗi, tủi hờn dâng trào. Tiếng họ cười vẫn văng vào bếp cùng ngọn lửa lem lém bốc lên. Vân lấy thư ra và trong cơn sốc, em ném nó vào lửa. Khi ngọn lửa liếm vào bức thư, Vân chợt giật mình: lỡ không phải như mình nghĩ, lỡ có việc gì. Em chộp vội lá thư. Không nén nổi tò mò em lấy ra đọc thầm và choáng váng: “Anh yêu Nụ ngay từ buổi đầu nhìn thấy em... Về quê em công tác hẳn là nhờ số phận đưa anh về với em...”. Nhìn thấy Vân, anh ngỡ như được gặp em...”. Những hàng chữ nhảy múa trong ánh lửa. Vân ngồi thừ bên bếp mặc lá thư cuốn theo rơm rạ cháy tự lúc nào. Đêm ấy Vân khóc tấm tức như bị bắt nạt, bị oan ức. Sáng hôm sau Vân định nói với dì về lời thầy hẹn gặp, nhưng dì đã đi nông trường cùng ông Tường. Yêu thương, buồn tủi thổn thức trong lòng em. Giữa buổi học, không chịu đựng nổi, em trốn học ra bờ sông, nơi thầy hẹn dì Nụ. Chờ đợi và vô vọng. Thầy đã xuống thuyền sang gần bờ bên kia. Vân chạy dọc bờ sông gọi “Thầy ơi”. Tiếng em loãng ra trong gió nhưng thầy cảm thấy. Thầy đứng lên, giơ cao cây đàn và vẫy. Hình ảnh đó, chẳng bao giờ em quên. Dì Nụ lấy chồng. Nom dì phơi phới, đẹp lên, tiếng cười dì càng giòn tan. Đuôi mắt dì càng dài ra, ánh mắt càng long lanh. Vân không ân hận về chuyện bức thư bởi có khi nào em nhắc đến thầy, dì chỉ “thế à”. Thời bao cấp, người như ông Tường làm trưởng phòng vật tư như chuột sa chĩnh gạo. Về hưu ông có một cửa hàng vật tư to nhất phố huyện. Ông bảo là nhờ vợ buôn bán giỏi giang mà có. Người ta khen ngợi, bái phục dì. Chồng Vân bảo: - Nhà con giá được bằng một phần ba dì thì phúc quá. Vân lấy chồng cũng nhờ dì mai mối. Em lấy chồng muộn như một số cô giáo thường thế. Người ta ngại nói chuyện với cô giáo văn “vừa nói chuyện vừa chấm lỗi chính tả, ngữ pháp” trong lời nói họ. Cô giáo văn “tiền ít, tự ái thì nhiều”. Vân còn tệ hơn bởi em còn làm thơ! Em vẫn nhớ về ngày xưa ấy với một cảm xúc dâng đầy, tươi mới như vừa hôm qua, như chính lúc này. Một đám mây trôi dạt, một ngôi sao sáng giữa ban ngày. Trái tim em vẫn thổn thức như xưa, như chưa từng vượt gần 20 qua. Em vẫn ký tên là Mây Trắng. Vẫn như xưa, em đỏ mặt thẹn khi một nhà phê bình khen em thái quá. Những lời chê bai oan uổng làm em muốn phát khóc. Mấy lần em bỏ bút... Nhưng rồi mỗi lần vấp vào những kỷ niệm xưa trong em lại gọi về bao nhiêu cảm xúc. Em lại nhớ lời thầy “Hãy gắng lên”. Vào những lúc ấy em thường nhận được một bài phê bình của tác giả Thi Vân. Bài viết như một bàn tay chìa cho em vịn mỗi khi chực ngã. Dường như người ấy hiểu em, hiểu thơ em, hiểu cả những gì em chưa biết. Những lời giản dị, dịu dàng và gợi cảm. “Thơ Mây Trắng man mác một nỗi buồn nhớ của người đi qua ngoái đầu nhìn lại bóng dáng ngôi trường với những tán bàng tán phượng, với tiếng kẻng tan trường và những dòng lưu bút cuối năm”... Thế là Vân lại cầm bút. Một lần đến tòa soạn một tờ báo nhận giải thưởng, Vân tò mò hỏi thăm địa chỉ “Chị Thi Vân”. Cô muốn gặp chị ấy quá. Tiện đường về, Vân quyết định rẽ vào thăm... Ngôi nhà nhỏ xinh xắn bám lấy lưng chừng đồi. Xung quanh là vườn chè xanh đang nảy chồi biếc. Yên tĩnh quá. Vân nhón chân khẽ đến bên cửa nhìn vào. Cánh cửa khép hờ. Chiếc võng dù vắt chéo ngang nhà. Trên võng một người đàn ông đang nằm. Hai chân ông cụt quá gối. Cái quần soóc cắt khéo buông vừa kín khúc chân còn lại. Tay ông kê lên gối đầu. Tay kia cầm cuốn sách đang đọc. Có lẽ vì tiếng nhạc ngâm thơ từ một chiếc đài nhỏ bên cạnh vọng ra làm ông không nghe tiếng bước chân Vân. Vân hồi hộp không dám gõ cửa. Chợt người đó đặt cuốn sách xuống ngực. Vân nhìn rõ khuôn mặt ông. Một nửa mặt là cả một vết sẹo lớn. Nửa kia... mắt đen trong sáng, làn da trắng, sống mũi cao, thanh tú. Mái tóc đốm bạc xoăn bồng bềnh... Tim đập thình thịch, Vân bỏ chạy không thể... Ra đến đường, Vân dừng lại một quán nước hỏi thăm. Bà cụ bán hàng nước cười, hai hàm răng đen nhánh: - Thế là cô không phải người ở đây rồi. Ở đây ai chả biết Thi Vân là thầy giáo Tú. Phải rồi, tiếng miền Nam... Người Huế. Ngay hôm sau, bỗng dưng bằng một cách vô thức, Vân đạp xe xuống chỗ dì Nụ. Dì phây phây rạng rỡ, vẫn cười khanh khách: - Con Vân đấy à. Gạch Ý loại một, dì để phần kia, chở về đi kẻo hết. Vân “Dạ!”, đưa trả tiền dì rồi loanh quanh gợi chuyện: - Dì... dì có nhớ thầy Tú? Dì ngừng đếm tiền nói như đinh đóng cột: - Chết tao cũng không quên. Vân hồi hộp định kể thì dì tiếp: Quỵt của tao năm chục. Ngày ấy thằng chồng nó làm phòng thuế tao phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Nhưng tiền tao có ngạch. Nghe nói dạo này “‘chết” liên tục... ăn không của người đâu có ngon xơi! Dì nói liền một mạch như thể Vân gãi trúng chỗ ngứa. Vân biết dì đang nói về “thằng Tú”, “con Tú” vợ chồng nhà phòng thuế. Vân thở dài lòng buồn quá, dì đã quên hẳn, xóa sạch hình bóng thầy. Chồng Vân nhìn xích lô hàng vừa chở về hớn hở: - Thắng đậm rồi. Anh Tí vừa đặt tiền. Đang lo không có hàng. Ăn đi rồi chở luôn đến cho anh ấy. Vân ngập ngừng: - Em phải đến... ban biên tập. Anh lạch bạch bê bát đang ăn dở đi ra nhăn nhó: - Tập với tọng gì. Cô bỏ cái thứ thơ thẩn ấy đi cho tôi nhờ kẻo rồi mai kia bụng hóp vào đến xương sống, tóc không chải, mặt không rửa, đến quần không thèm thắt dải rút, vừa đi vừa lẩm bẩm... làm thơ. Vân chẳng nói chẳng rằng lặng lẽ đi ra. Chồng cô chặn trước mặt gằn giọng: - Này, tôi không mượn nhịn đói mà đi làm đâu. Con nó nấu canh bánh đa thịt. Ăn một bát đi đã. Vân biết anh rất thương cô. Nhưng sao buồn vậy? Đêm ấy, Vân tìm lại “Bài thơ về một ngôi sao” và sống lại cái cảm giác của ngày xưa. Cô tìm lại những lời phê mà một thời cô gán cho nó bao nhiêu ngụ ý. So với lời phê bình của Thi Vân... Vẫn là những lời đầy ắp những dịu dàng. Giờ đây, cô nhìn rõ điều bí mật mà chỉ mình cô biết, điều mà ngày ấy cô chưa dám gọi tên. Đó là tình yêu... Những đám mây lang thang... Ngôi sao ban chiều và tiếng hát... Cô quyết định trở lại tìm thầy. Cô học trò nhỏ năm nào, quỳ xuống bên võng của người thầy giáo thương binh. Thầy vẫn cười hiền hậu, xoa mái tóc em. Bấy lâu chẳng biết nói cùng ai. Mọi nỗi bỗng tan thành nước mắt tràn mi, rơi xuống ngực áo thầy. Giọng Huế vẫn thương thương. - Thầy biết... Tâm hồn em nhạy cảm và yếu đuối quá. Bước vào cuộc sống một chút gì cũng sẽ làm em đau. Nhưng em hãy tin thầy. Em đang hạnh phúc đấy. Bởi hạnh phúc là được sống, được nếm trải mọi chua cay mặn ngọt mà. Buồn nhất là khi chỉ nhận được từ mọi người một niềm thương xót. Đôi mắt thầy buồn bã thăm thẳm như trời thu. Vân hiểu thầy đang nói lòng mình... Em muốn nói với thầy câu nói đã cất giữ trong tim gần 20 năm qua... cánh cửa kẹt mở. Một người phụ nữ bước vào. Chị cũng chỉ chạc tuổi Vân. Thầy bắt gặp cái nhìn ngạc nhiên của người phụ nữ bảo: - Anh có cô học trò cũ đến thăm đây. Em biết là ai không? Nhà thơ Mây Trắng đấy! Đôi mắt đẹp của chị ánh lên lấp lánh. - Anh Tú kể về cô rồi. Anh ấy tự hào lắm. Biết cái bút danh “Thi Vân” là gì không? Anh ấy nhận ra “Thơ Vân” đấy. Ở đây ăn cơm với tụi mình. Cu Chít đi học về bây giờ. Nó mê thơ cô lắm. Vân lây cái vui của chị, mỉm cười. Cô hiểu rằng mình đã nhìn mọi sự đầy một màu ảm đạm. Sự thật không phải vậy. Thầy cũng có một gia đình hạnh phúc. Còn nỗi buồn khi nãy? Thì nó là một trong những vị “chua cay mặn ngọt” đó mà. Vân nhớ lời thầy vừa nói. Cô đứng lên chợt thấy lòng nhẹ nhõm và cũng thấy mình hạnh phúc. Suốt đời cô, những lời thầy “phê” vẫn như thể một bàn tay chìa ra cho cô nắm để vững tâm ngủ êm đềm trên bãi biển đêm nào.