Tôi đụng cô ở cửa, tôi đi vào cô đi ra. Cô cười, môi son đỏ lem nhem và hai mí mắt xanh lét, tóc xoăn tít. Trong gió, tôi thấy hắc tắc cả thở mùi thuốc làm đầu - nước đái khỉ - khét lẹt. “Ði đây” và cô lách qua tôi. “Cô đi đâu thế?” Tôi ngó nghiêng. Phố đông người. Tết đến nơi rồi. Mọi người ai cũng nhanh hơn, mải miết hơn như thể mùa xuân đang huỳnh huỵch chạy đuổi đằng sau. “Ði ăn bia uống bánh”. “Với ai cơ?”. “Với anh Len”. “Chú ấy đâu?” tôi nhìn quanh. Chẳng thấy người đàn ông nào vẻ xứng đôi vừa lứa với cô cả. “Công viên”. Và như thể tôi là kẻ làm mất thì giờ, cô xăm xái bỏ đi. Cô như một con búp bê thứ búp bê phế phẩm - trông thật ngộ nghĩnh. Và, không biết mọi người thế nào chứ tôi mà vô tình gặp một người đàn bà như vậy ngoài đường, tôi sẽ nghĩ ngay, đó là một người điên. Tôi đứng nhìn theo cô. Tóc xoăn, ngắn. Hai tai đung đưa hai cái tòng teng nhựa đỏ. Áo trong đỏ, thò ra ngoài áo khoác vàng. Quần ghi, guốc đỏ. Chiếc túi trắng lúc lắc bên hông. Cô tôi đi đến với hạnh phúc bằng con mắt, cái đầu của một kẻ tâm thần. Cô ba mươi lăm tuổi, nhưng ai cũng đoán cô chỉ hai mươi, hai lăm. Cô trẻ, vì cô đâu phải nghĩ gì. Người ít nghĩ, trẻ lâu lắm. Bà tôi có sáu người con. Cô tôi là con út. Hồi còn sống, bà kể: Bà sinh cô tôi trong một ngày đông. Mùa đông ngày xưa lạnh hơn mùa đông ngày nay. Bà đi xích lô từ nhà thương về. Chẳng một người đón bà. Các bác và mẹ tôi ngày ấy nhỏ lắm. Ông thì say rượu. Một năm, ông say khoảng mười một tháng. Có lần say, ông còn rủ bạn về, chọn một ông cũng say khướt gả cho bà - tức là gả bạn cho vợ mình. Ông nhìn thấy bà bế cô vào, lè nhè: “Cái gì đấy? Ở đâu ra đấy?”. Bà khóc. “Tôi đẻ nó ra chứ ở đâu. Nó được bốn ngày rồi. Tôi đói quá. Ông nhìn con, tôi tìm cái gì ăn”. Nhà nghèo, con đông, tết lại sắp đến. Bà xuống bếp. Ngôi nhà vắng người đàn bà giống như một bãi rác có trăm con gà đến bới. Lâu sau, bà mang ít cháy cơm lên thỉ không thấy ông và cô đâu nữa. Bà chạy ra đường. Phố khuya. Gió đông lạnh lẽo. Bà chạy đầu này. Không thấy. Bà lao đầu kia. Vắng hoe hoắt. Tiếng bà gọi lạc dần đi, cảm giác như họng bị rách. Vẫn vô vọng. Chỉ có tiếng hun hút gió đêm. Bà gục xuống bên bậu cửa. Nửa đêm. Ông về. Ông đành người từ trên vỉa hè xuống lòng đường, rồi từ lòng đường lên vỉa hè. Bà túm lấy ông gào to: “Con đâu? Con tôi đâu rồi?” Ông chỉ lên trời. Sau những cành bàng khô là bầu trời đen thẫm, âm u và tím tái lại vì rét. Còn sau đó là gì, bà chẳng trông thấy. Bà điên dại giằng xé ông. Quả là bà dại. Ai lại đi cáu giận một người say. Và trao vào tay người say đứa con mình, dù kẻ say đó là bố đứa bé. Không nên làm gì, nghĩ gì và trao gửi gì cho một người say. Bà bỏ đi. Trong đêm đông rét buốt. Qua những khuôn cửa đóng kín và bên trong, một cuộc sống ấm áp, những ngôi nhà, những con người đón chờ năm mới. Người đàn bà đẻ, giống con cua bấy, đi lang thang cho đến trưa hôm sau. Tuyệt nhiên không tìm thấy cô. Bà kể. Chiều hôm sau, bà cứ đứng ở cửa, và nhìn lên trời. Bà luôn tin rằng người ta khi giã từ kiếp người, họ sẽ hoá thành những thiên thần với hai cái cánh mỏng tang, bay vi vút trên trời. Bà tưởng tượng là mình nhìn thấy cô, với đôi cánh bé xíu, đỡ tấm thân bé xíu được tồn tại trên trần gian có bốn ngày. Và bà cứ đứng nhìn lên trời, say mê với hình ảnh mà chỉ mình bà nhìn thấy. Ba ngày sau. Một người ở đầu phố chạy đến báo là họ đi chùa nghe tiếng trẻ con khóc khét lèn lẹt. Họ hỏi thăm, định nhón tay làm phúc thì người giữ chùa bảo nó chẳng cho ai chạm vào người đâu. Nếu có thương hay cho nó tiền hoặc tã lót, ai đó đã quẳng nó ở cổng chùa mấy hôm nay rồi. Nó không ăn, chỉ hớp tí nước trắng và gào khóc. Bà điên dại chạy đến, vớ lấy cô. Khi bà ôm cô vào lòng, cô im luôn, không khóc nữa mà chỉ nức nở. Ðến lúc bà gí núm vú vào miệng cô, núm vú đã teo tóp đi, cô liền hớp lấy và rít kèn kẹt. Bà bảo, những đứa trẻ còn ở trong bụng mẹ, khoảng sau bảy tháng là đã biết tiếng mẹ và hiểu ai sinh ra nó. Còn bà, nước mắt tuôn như mưa. Trong làn mưa mờ mịt đó, bà vẫn thấy cô, giang hai cái cánh mỏng dính, bay liệng dưới bầu trời rét tím tái. Tôi ngoảnh nhìn phía cô đi. Dáng cô khuất lâu rồi. Tôi bắt đầu lo. Cô đi đâu nhỉ? Mà chú Len là ai? Hẹn hò gì xa thế. Từ đây ra công viên xa lắm. Mà bây giờ, mấy ai hẹn nhau ra công viên cơ chứ? Sang thì có nhà riêng hay khách sạn. Không sang thì đi các quán xá, đèn mờ. Vậy mà cô đi công viên. Tôi chạy vào nhà. Gặp bác, tôi hỏi. Bác ậm ừ “Tao biết đâu được đấy”. Lại gặp một bác nữa, bác chép miệng: “Giời, đổ dở hơi ai thèm nhòm mà cứ vẽ. Tao có giữ ở nhà lại chửi tao, kệ xác”. Tôi quay ra đường. Từ ngày bà mất, cô giống một gánh nặng. Sai cô việc gì, cô làm việc dấy, cần mẫn lắm nhưng thường hỏng. Những việc đơn giản thì cô làm thành phức tạp, còn việc hệ trọng thì cô lờ đi. Một lần, cái bếp dầu bốc lửa cháy đùng đùng, bén sang cả đống trấu, cạnh đống trấu là những can dầu và đống gỗ. Chúng dang bắt lửa vào nhau, và chỉ chậm khoảng mười phút là có thể cháy cả nhà. Cô nhìn thấy, chẳng nói gì, đứng xem một tí rồi lên nhà, ngồi vào mâm cơm. Cô không ăn cơm, mọi người dục, chỉ thấy cô thở dài. Bà hỏi cô làm sao? Cô bảo: “Sắp chết hết”. Tôi hỏi: “Cô bảo ai chết?”. Cô vung tay khoát cả mâm cơm và những người ngồi quanh: “Tất”. Anh tôi cười: “Cô giết à?”. Cô chỉ xuống bếp, lẩm bẩm: “Bếp giết”. Vừa lúc ấy thì khói đùn đụn cuộn vào. Cả nhà cuồng điên chữa cháy. Còn cô thì đứng thở dài, chép miệng. Một lần khác, bố tôi đi qua sân, đá phải con gà đen sì cô nuôi. Nó mổ vào chân bố tôi một cái. Cô trông thấy thế, chạy lên nhà, hét to như thể sắp động đất: “Gà đen đánh Chính. Chính đánh gà đen. Chết hết rồi”. Tôi đâm nghĩ ngợi về cô nhiều quá. Bây giờ cô đang ở phố nào nhỉ? Cô lạc thì sao? Phố thì đông. Mà cái loạt như cô, ra đường dễ bị trẻ con ném đá lắm. Nhỡ có chuyện gì, liệu cả nhà có bình yên mà sống thế này không? Hồi xưa, bà hay khóc với tôi vì bà chỉ có mình tôi là cháu gái. Mẹ tôi lại là người con gái duy nhất mà bà có thể nương tựa vì cô tôi dở hơi mất rồi, sau hai đêm khóc ngằn ngặt ở chùa. Bà lầm rầm kể: đời con người ta giống một dòng sông. Ðời bà luôn trôi qua những ghềnh thác, chẳng bao giờ bình yên. Tôi bảo: “Ông tệ với bà thế sao bà không bỏ ông đi?” Bà cười nhệch nhạc: “Thời bà, ít có sự lựa chọn như các cháu sau này. Bảo lấy ai thì lấy. Bảo làm gì thì làm. Ước mơ không nhiều, tham vọng chẳng có. Ðược yên ổn là sướng lắm rồi”. Tôi cãi: “Thời là gì hả bà? Cháu nghĩ là tại bà thôi”. Bà cười: “Hôm ấy, bà đang ngồi bên bờ ao giặt quần áo. Có một đám đi xem đá bóng về, bụi cuốn mờ mịt. Trong đó có ông cháu. Mười ngày sau, tự nhiên có mấy người đến hỏi bà, về làm vợ một người đàn ông trẻ, đẹp. Bà chẳng hiểu họ ở đâu ra, và tại sao lại biết bà. Chỉ biết rằng, sau đó, bà được gả cho đám ấy. Nhưng chồng bà không phải là người đàn ông đến nhà bà mà là anh của ông ta, hơn ông ta mười lăm tuổi, đã ba đời vợ, vài đứa con...”. “Vậy mà bà chịu? Họ lừa mà?”. “Chịu chứ, ngày xưa, hay chịu lắm. Rồi cháu thấy, đâu vào đấy cả, có sao đâu?” Tôi nhìn hút, không còn chút gì mái tóc xoăn tít và cái áo đỏ nữa. Tôi cuống cuồng lên xe đạp phóng về phía đó. Phố đông. Ai việc đó, mê mải như đàn kiến ngày kiếm mồi, tối tha về những cái tổ con con. Những đứa trẻ được sinh ra trong bệnh viện, trong nhà hộ sinh, được đón về hay quẳng đi. Những người dột ngột chết hay ngắc ngoải chết. Ðều không làm những khuôn mặt kia một thoáng thay đổi. Cũng như, bỗng nhiên ở mỗi một con đường, mỗi một gia đình, có một người tâm thần như cô tôi chợt bỏ nhà ra đi với một người đàn ông chẳng ra có, chẳng ra không, để đến một nơi gọi là công viên, cũng không làm ai bỏ ra nửa phút để quan tâm. Tôi ngó ngược, ngó xuôi. Cô như chui xuống đất. Còn công viên. Ðấy là cái gì? Có khi chỉ là chỗ vắng, có vài hàng cây. Hay một bãi cỏ, hoặc ven một cái ao thả rau muống? Với một người điên, mọi thuật ngữ tên gọi đều có thể thay đổi. Tôi quay về. Rỗng tuếch. Trong nhà có tiếng cãi nhau. Bác trưởng cãi nhau với bác thứ. Tiếng bác trưởng nạt nộ (anh mà) tiếng bác thứ gầm gừ (em mà): “Tôi còn sống ngày nào, vận mệnh ngôi nhà này trong tay tôi”. Bác thứ nghiến răng: “Có mỗi cái đời mình, với cái con vợ mình còn chẳng giữ được trong tay, đòi đi giữ vận mệnh cả nhà”. Tôi bỏ ra. Mẹ ngồi đun bếp. Mùi than tổ ong thật khó chịu, nó xộc thẳng lên óc tôi, và bỗng nhiên, cổ họng tôi đắng nghét. Nước mắt mẹ chan hoà. “Sao thế mẹ”. “Bác trưởng gọi người xây nhà, cho thuê”. “Cả nhà mình ở đâu?”. “Không biết”. Trên nhà. Tiếng quát hét to hơn, phong phú hơn nhờ có sự góp mặt của hai bác dâu. Họ đang lục lọi trong tủ trong giường ra những thứ mà trong lúc cơn tình cảm dâng cao - họ tặng nhau để thắt chặt thêm cái sự chị em dâu. Và bây giờ, thì ném trả cho thoát. Tôi run rẩy: “Ðánh nhau đến nơi”. Mẹ gạt nước mắt: “Không đánh nhau đâu con ạ. Ai dại gì cứ suốt ngày chiến tranh. Ðổ vỡ lại tốn tiền sắm. Chửi nhau không mất gì”. Họ bắt đầu lôi những chuyện ngày xửa ngày xưa để nói nhau. Nào là bác dâu trưởng ngày bác trai đi công tác toàn sang nhà lão thợ may già răng bịt vàng tán tình. Nào bác dâu thứ suốt ngày phơi quần áo lót, cả nhà đi húc đầu vào không biết dơ... Tôi giục mẹ: “Mẹ can các bác đi. Con sợ lắm”. Mẹ lắc đầu: “Mẹ có quyền gì? Mẹ là phận gái. Phúc lộc hưởng theo nhà chồng. Phúc dày hưởng dày. Phúc mỏng hưởng mỏng. Chẳng may bố con mất sớm, mẹ được các bác cho ở là phúc lắm rồi”. Tiếng chửi nhau bắt đầu to. Bên này bảo bên kia ngu. Bên kia bảo bên này bất nhân. Chỉ có tiếng chửi và chửi, chứ tịnh không hề đổ vỡ. Hẳn là mẹ có nhiều kinh nghiệm trong chuyện này. Tiếng bác cả: “Sống thế này à? Ðến phát điên mà chết”. Tiếng bác hai: “Điên đi cho người khác nhờ. Ðiên được đã tốt”. Và sau đó, hai bác dau như hai kẻ hát bè, chỉ đợi có vậy, cất giọng ngay. Cửa mở. Cô về. Trong bóng tối nhập nhoạng, lại mờ mịt khói than, tôi vẫn nhận ra cô. Tóc xoăn tít, người bé nhỏ. Tôi chạy lao ra, giữ cô ở buồng ngoài. Tôi bật đèn. Khuôn mặt cô tràn trề hanh phúc. Son phấn còn nguyên. Trông cô có vẻ no nê lắm. “Cô đi đâu về?”. “Ăn bia uống bánh”. “Với ai?”. “Anh Len”. “Ở đâu?”. “Công viên”. “Cô bốc phét. Làm gì có anh nào?”. Tôi bật cười, chợt thấy mọi cái sự rủa nhau trong kia thật vô nghĩa. Cô lôi trong túi ra một chiếc khăn mùi xoa, một cái vòng nhựa và một chiếc cặp tóc, gí vào mặt tôi: “Len cho đấy”. Rồi bần thần, cô giơ tay vuốt mái tóc, hôm qua dài ngang vai đã vội cắt ngắn và làm xoăn tít cho kịp buổi hẹn hò: “Cắt tóc rồi. Cho đấy”. Tôi ôm lấy cô mà cười. Hoá ra, có chú Len thật. Và điều quan trọng, là có tình yêu thật, tình yêu của một người điên. Nó trong trẻo, thánh thiện và cổ xưa. “Ăn bia ngon không?”. Tôi vẫn có cái thú là trêu cô. “Ngon, ăn ba bát, Len say, hát to lắm”. Tôi cười rũ rượi, lại hỏi: “Ai trả tiền?”. “Len giả chứ, Len nhiều tiền lắm”. “Bao giờ cô lại đi chơi?”. “Mai”. Rồi cô đứng lên, đi vào nhà. Cô không nghe thấy tiếng cãi nhau, cũng chẳng quan tâm đến những khuôn mặt đang hầm hè nhìn nhau - những bộ mặt thật. Cô đi vào góc của mình, mở cái hòm, xếp những tặng phẩm vào đó. Các bác vẫn chửi nhau, và vẫn ước ai được điên, được chết quách đi cho nhẹ xác. Toàn những ao ước mồm. Tôi bỏ ra đường, cô đi đằng sau, tràn trề hạnh phúc. °