Tôi quen hai nhà triệu phú kỳ lạ. Tôi chỉ dám nói là quen thôi, chứ không dám gọi là bạn, mặc dù tôi vẫn gọi tên họ hoặc đùa giỡn với họ nếu không nói là hằng ngày thì ít ra cũng hằng tuần. Tôi đoán kịch gia Pháp Molière cũng đã gặp hay biết đến những người như thế khi ông viết tác phẩm Người Hà Tiện (L'Avare), người giàu có vàng bạc đầy nhà nhưng vợ con phải chịu lạnh lẽo trong những tháng giá đông. Tôi chẳng phải thêm thắt câu chuyện cho hoa hoè hoa sói vì chuyện của hai nhà triệu phú kỳ lạ này tự nó đã đủ ly kỳ rồi, cũng ly kỳ như những chuyện đăng trên báo hay trên đài truyền hình những năm trước đây có những người vô gia cư chết cóng mà trong bao ny lông lớn của họ chứa đầy những tờ 1, 5, 10 đồng vo vụn lên tới cả mấy trăm ngàn Mỹ kim. Những người tôi sẽ kể thực sự có bạc triệu trong ngân hàng chứ không phải tiền trong chứng khoán hay cất kỹ trong xó xỉnh nào đó. Một người đã chết rồi thì tôi mới biết ông ta là một triệu phú, còn một người hiện vẫn còn sống và làm việc hằng ngày với tôi. Không biết tôi nên viết là tôi làm việc với một nhà triệu phú hay một nhà triệu phú làm việc với tôi cho ra vẻ oai vệ đây nữa. Nói thế cho vui thôi, chứ làm việc với ai thì cũng thế, đâu phải lấy tên, tiền bạc của người khác mà vinh vang cho mình được phải không? Các đây vài năm, khi tôi còn chân ướt chân ráo, trên đất Mỹ, vừa đi học vừa đi làm, tôi thuê nhà ở gần trường đại học. Nhà tôi ở giữa nhà một vị giáo sư Pháp văn vừa là chủ nhà vừa là thầy dạy học và bạn của tôi ở Đại Học và nhà của người triệu phú kỳ lạ. Khu nhà ở tuy cũ và bên ngoài không có vẻ sang trọng nhưng rất nên thơ vì những cây phong già mọc ven đường lá xanh um vào mùa xuân mùa hạ, sang mùa thu thì đổi màu thật đẹp, muà đông lại có tuyết đọng trên những cành khô, có khi đóng băng lóng lánh ánh mặt trời trong chẳng khác gì đường dẫn vào xứ thần tiên trong cổ tích. Ở khu này ngoài ông triệu phú Carver với giáo sư Fullerton, người chủ nhà tôi thuê với giá rẻ, có lẽ vì vị giáo sư muốn giúp đỡ học trò nghèo độc thân chịu khó như tôi ăn học, còn có nhiều giáo sư khác nữa. Ông Carver sống một mình lủi thủi ra vào, hằng ngày ngồi trước nhà chơi đùa với một con két xanh nhốt trong lồng. Tôi cũng có thú chơi chim như ông nên làm quen nói chuyện rất dễ dàng, mặc dù tôi chỉ nuôi mấy con chim hoàng oanh và mấy con chim manh manh thôi. Chim hoàng oanh hót ca mỗi sáng thật vui, còn chim manh manh chim chíp tối ngày, nhưng có cái vui là chúng đẻ, ấp trứng và sinh con nhanh ghê lắm. Tôi nuôi chim cho vui thôi, chứ chẳng bán bung gì cả, lâu lâu khi chim đủ cánh đủ lông, biết ăn một mình thì tôi lại mua lồng, mua hạt cỏ, bỏ từng cặp chim trống chim mái vào rồi cho các cháu tôi hay mấy trẻ em người Việt trong vùng. Ông Carver kỳ lạ lắm! Hằng tuần xe rác tới lấy rác đi đổ, ông ta cứ đưa rác rưởi bỏ qua phía nhà tôi. Ban đầu, tôi chẳng hỏi làm gì? Sau đó tôi hỏi sao ông không bỏ phía nhà ông mà tốn công qua phía bên tôi vậy? Ông nói ông không muốn mỗi tháng phải đóng thêm tiền cho xe đổ rác. Ông xin phép tôi cho ông bỏ rác chung với tôi, tôi cười đồng ý vì dù sao tiền đổ rác đã gồm trong tiền thuê nhà rồi. Một hôm trời mưa lớn bị trũng xuống làm thủng mái nhà, nước mưa dột vào nhà, ông phải lấy xô chứa cho khỏi ướt nền rồi đem ra ngoài đổ. Rồi mùa đông tới, ông nằm chết trong nhà mấy ngày thì tôi và hằng xóm mới biết. Số là giáo sư Fullerton để ý và khi không trông thấy ông mấy ngày đâm ra nghi ngờ bèn gọi sở cảnh sát. Giáo sư Fullerton, vì là hàng xóm láng giềng lâu năm, đã được chỉ định làm Người Thi Hành Di Chúc (executor) trong Di Chúc Cuối Cùng của ông Carver. Trong Di Chúc cuối cùng, ông Carver chỉ định giáo sư Fullerton làm người Thi Hành Di Chúc chia gia sản cho các cháu của ông đã mất liên lạc cả bao nhiêu năm vì ông không vợ không con. Sau cả gần sáu tháng trời tìm kiếm, bốn người cháu, con của anh ông, được chia mỗi người 500 ngàn Mỹ Kim, còn lại 800 ngàn trả tiền cho tiểu bang, luật sư đã mất công tìm kiếm. Thế đấy! Có phải là kỳ lạ không, khi chết tiền trong ngân hàng có gần 3 triệu mà khi sống không có tiền trả tiền đổ rác, sửa nhà! Chuyện của người bạn triệu phú tên Antonio Diaz, gốc Mễ Tây Cơ, cùng làm việc với tôi lại càng kỳ lạ hơn nữa. Trong sở ai cũng biết ông giàu, nhưng không ít ai biết ông giàu cỡ nào hay về thân thế ông hơn tôi ngoại trừ anh ruột của ông, là xếp của tôi. Trong túi Antonio lúc nào cũng có 20 ngàn bạc giấy 100 và hai chục. Cứ mỗi tuần, chúng tôi lãnh lương vào thứ năm. Antonio thu cả chục ngân phiếu hãng trả tiền trên dưới 1000 Mỹ Kim cho mỗi nhân viên và trả tiền mặt cho họ, chỉ giữ số xu lẻ mà thôi. Ai cũng vui vẻ sẵn sàng trả cao nhất là 99 xu thay vì phải chạy ra ngân hàng. Tôi nói với Antonio, "Sao ông mang nhiều tiền trong người vậy? Bộ không sợ cướp giật sao?" Ở thành phố tôi ở năm ngoái có người bị đâm chỉ vì 20 Mỹ kim chứ đừng nói tới 20 ngàn đồng. Antonio nói lại: -- Mày điên thì có! Ai mà giật tao? Mà thật, nhìn bên ngoài ông, không ai có thể nói ông là nhà triệu phú! Ông đi làm mặc đồng phục do hãng cung cấp, xong việc ông lại tới hãng xe chở người sang trọng Limosine Services, mặc đồng phục tài xe lái xe đưa khách tới khuya. Ông ăn uống cũng tần tiện, nếu không dám nói là hà tiện. Một hôm giờ ăn trưa, ông hỏi tôi có ra Burger King không. Tôi nói nếu ông muốn ra thì tôi chở đi. Ông vào trước khi tôi đóng cửa xe. Ông mua một ổ whopper (bánh mì thịt nướng vỉ lớn hơn burger), xin một ly nước lạnh, chứ không mua cả whopper meal gồm khoai tây chiên, whopper và một ly nước ngọt như tôi. Chuyện đó cũng thường thôi, nhưng khi ông móc trong túi ra miếng phô mai rồi bỏ vào bánh whopper của ông làm tôi tức cười hỏi: -- Ông làm gì thế? -- Tôi mới tiết kiệm hơn 30 xu đó, mua whopper với phô mai phải tốn thêm 40 xu, trong khi tôi mua cả gói phô mai này gồm 16 miếng phô mai có 79 xu thôi! Đúng là vua "hiền tạ"! Tôi đùa với Antonio vì ông không hiểu tiếng Việt: -- Từ nay tôi có thể gọi ông là Ăn Tốn không vì gọi Antonio dài quá tốn hơi tôi. -- Gọi An tôn, Antonio hay Tony cũng được. Thực sự tôi muốn ám chỉ ông là ông Sợ Ăn Tốn Tiền thôi chứ tôi có sợ tốn nước miếng khi gọi tên ông đâu. Có lần ông quá giang xe tôi ra ngân hàng đổi tiền. Ông đem một chồng ngân phiếu của nhiều người đổi ra tiền mặt. Cô thu ngân hỏi ông có trương mục ở ngân hàng không, rồi hỏi giấy tờ, không chịu đổi tiền ngay cho ông. Ông Diaz trừng mắt nhìn hỏi lớn: -- Cô là nhân viên mới của nhà băng này phải không? Cô không biết tôi sao? Tôi cần gặp ông giám đốc của ngân hàng ngay! Ông giám đốc nghe gọi và nói có Antonio Diaz cần gặp ông, chạy tới xin lỗi và nói với cô thu ngân từ nay ông Diaz cần gì, đổi bao nhiêu ngân phiếu thì cứ đổi ngay cho ông sau khi kiểm tra giấy tờ vì ông là V.ỊP của nhà băng này. -- Một khách hàng rất qúi, rất quí, một người rất quan trọng của ngân hàng chúng ta. Một hôm khi ngồi trò chuyện với xếp của tôi, ông ấy hỏi tôi làm sao rủ em ông đi chơi đi. Tôi kể chuyện đi ăn, và đi ngân hàng, tính cách vui thôi. Ông xếp tôi nói: -- Hắn vậy đó! Hắn không biết xài tiền! Hắn có bạc triệu đấy mà chẳng dám xài đồng nào! Tiền hắn để ở tất cả các ngân hàng trong thành phố này đó, nhà băng nào cũng biết mặt hắn và sợ hắn rút tiền ra chứ chẳng chơi đâu. Rồi ông kể cách đây hơn mười năm Antonio bị tai nạn lúc làm đường rầy xe lửa bị mất mấy ngón tay và thương tật cánh tay phải, hãng đường rầy đã trả Antonio đúng một triệu Mỹ Kim mà hắn chẳng dám xài một xu, đưa gởi phân tán các ngân hàng ở Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ, rồi đi làm thêm hai việc từ đó đến giờ, vợ con nhà cửa không có! Gia tài chỉ có một chiếc xe cà tộc cà tàng cũ rích cũ rơ. Tôi hỏi: -- Thế Antonio ngủ ở đâu? Ông ấy ở với gia đình ông? -- Không, hắn ngủ ở trong nhà chứa máy cắt cỏ của người quen ở thành phố này, tôi nói hắn về ở với tôi vì hiện giờ chỉ có hai vợ chồng tôi sống ở một căn nhà rộng rãi tới 5 phòng ngủ, không phải trả tiền thuê gì cả mà hắn nói sao, bạn biết không? -- Dạ không! -- Hắn nói tốn tiền xăng vì tôi ở cách đây 45 phút! Thật là ông triệu phú Antonio đang mắc căn bệnh hiền tạ trầm kha rồi, chẳng biết ông phải có bao nhiêu mới đủ, vợ con thì không có, nhà cửa cũng không, tiền bạc thì nhiều mà chẳng dám xài. Tôi đoán mọi người như tôi dù chẳng giàu có gì nhưng cũng giàu hơn những nhà triệu phú tôi vừa kể vì chúng ta không ít thì nhiều cũng hiểu câu nói tính cách triết lý của cụ Nguyễn Công Trứ: Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc, Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn? [ Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?] Đâu cần phải bon chen, hà tiện quá vì khi nằm xuống cũng chỉ có vài thước đất làm mồ chôn thôi. Hãy sống cho hay, cho đẹp, cho thoải mái, và hữu ích cho nhân loại. Nguyên Đỗ