Dịch giả : Nguyễn Tường Bách
PHẦN THỨ HAI
CUỘC ĐỜI HÀNH HƯƠNG

TRÊN CAO NGUYÊN
Chúng tôi đã vượt qua ngọn đèo đáng sợ cao sáu ngàn mét dưới một bầu trời không mây một cách dễ dàng. Lúc leo lên vách phía nam của đèo, mặt trời nóng tới mức mà tôi phải cởi hết áo quần ấm, cất vào hành lý. Thế nhưng vừa qua vách bắc của đèo, nằm trong bóng râm thì trời bỗng lạnh như băng làm tôi phải tiếc vì đã không cầm sẵn áo ấm trong tay. Trời lạnh tới mức mà ai cũng phải vận động liên tục để giữ hơi ấm. Vì vậy mà tôi không dám bảo đoàn người dừng lại để mở hành lý lấy áo ấm ra.
Tây Tạng là xứ sở mà người ta phải luôn tính đến chuyện gặp những cảnh bất ngờ. Ngay cả quy luật tự nhiên tưởng như quen thuộc cũng hầu như mất giá trị. Nhiệt độ sôi của nước thấp đến nỗi nếu vô ý nhúng tay vào nước sôi, người ta cũng hầu như không hay và không bị thương tích gì. Vì thế mà trên độ cao này không thể nấu cơm được vì thời gian nấu chín quá lâu đến nỗi cơm biến thành nước cháo hay hạt còn cứng bên trong. Thế nhưng cái khác biệt giữa bên mặt trời chiếu và bên bóng râm thì to lớn tới mức mà nếu ta đứng giữa hai bên, thì thân bên ánh sáng sẽ bị phỏng vì nắng và bên kia phải phòng lên vì khí lạnh như băng. Không khí quá loãng không hấp thụ nhiệt độ được để truyền nhiệt cho phía bóng râm cũng như không thể che chở cái nóng và các tia cực tím của mặt trời. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ánh nắng và bóng râm, như nhiều quan sát viên ghi nhận, có thể lên tới 100 độ Fahrenheit (38 độ C). Tôi không hề nghi ngờ điều đó vì khi cỡi ngựa thì chân tôi tuy mang ủng long nhưng giá lạnh tới mức không còn cảm giác, còn tay cầm cương ngựa thì bị phồng lên vì nóng. Tưởng như bị phỏng nước sôi. Tệ hại nhất là da mặt của tôi bóc ra từng mảng trước khi quen được với khí hậu này. Mặc dù có bôi kem nhưng môi tôi sưng phồng lên, ăn uống rất khó chịu. May thay chỉ sau khảng ba bốn tuần thì da tôi đã qen chịu đựng va sau đó trong chuyến hành trình không còn gặp trở ngại gì nữa.
Ngay cả người Tây Tạng, trừ những người liên tục sống ngoài trời như người chăn thú, nông dân hay thương nhân, cũng luôn luôn che mặt khi đi xa để tránh nắng mặt trời và gió lạnh thường thổi trên cao nguyên trong các mùa nhất định. Loại gió nầy mang theo cát, châm chích và chui lọt vào cả áo dày. Rồi khi gặp một đoàn người bịt mặt và vũ trang trong cảnh hoang vu không ai ở lại là một nỗi lo sợ không biết sau mặt nạ che đó là người dân bình thường hay kẻ cướp. Kẻ cướp cũng nhiều, nhất là trong thời kỳ bất ổn chính trị hay chiến tranh, khiến những vùng mà thương nhân hay qua lại thêm nguy hiểm.
Nhưng tôi cũng không quá sợ (mặc dù hồi đó đã biết vùng Turkentan đã có dân nổi loạn), vì sau khi rời biên giới Ladakh, tôi bỏ tuyến thương nhân đến “chỗ không người”, nằm giữa vùng đại hồi Panggong và Yak-Tso đến cao nguyên Aksai-Tschin. Biên giới giữa Ladakh và miền Tây Tạng do Lhasa cai quản hồi đố chưa rõ ràng, vì không ai quan tâm đến chỗ không người này. Trên thế giới, nó thuộc về những nơi ít ỏi mà con người và thiên nhiên cứ bị để mặc, không bộ máy hành chính nào ngó ngàng tới. Vì thế lòng tôi đầy một miềm sung sướng kỳ lạ và sự tôn quí, cảm thấy mình hoàn toàn thuộc về mình, đứng một mình giữa thiên nhiên vô tận, giữa trời đất bao la, như ngày mà con người chưa được dựng.
Hai người Ladakh trung thành và người ngựa là những sinh vật duy nhất còn liên hệ với tôi; và trong cảnh bao la của thiên nhiên này, tôi thấy họ gần gũi và thân thuộc với mình xiết bao. Không nhiều thì ít, chính những con ngựa quyết định chúng tôi phải dừng chân chỗ nào vì chỉ nghỉ ngưoi nơi nào có cỏ và nước cho chúng.
Dù cảm giác nhỏ nhoi trước cảnh hùng vĩ của vùng núi non, dù biết cái giới hạn và sự phụ thuộc của con người trước nắng mưa, với nước cỏ, với thức ăn, chất đốt và các điều kiện vật chất khác, thế nhưng tôi chưa từng có một cảm giác về tự do và độc lập lớn hơn thế này. Chưa bao giờ tôi rõ cái mà ta gọi là đời sống văn minh lại chật hẹp và hạn chế như thế và để có một đời sống an toàn, ta phải trả một giá cao thế nào về tự do và độc lập thật sự trong tư tưởng và hành động.
Một khi mỗi chi tiết đời sống đã được tính toán và qui định, mỗi khoảnh thời gian ngắn nhất đã được định trước phải làm gì, thì những dấu vết cuối cùng của tự tính vốn phi thời gian và vô tận của ta cũng biến mất; mà từ tự tính đó tự do được sinh ra. Tự do không phải là muốn làm gì thì làm, nó không phải là tự tùy tiện, bỏ mặc, chẳng phải là sự phiêu lưu, mà tự do là khả năng có thể chấp nhận được cái bất ngờ, thu liễm và chuyển hóa nó; tức là nới tâm mở rộng đối diện với mọi tình huống bất ngờ của đời sống - tốt cũng như xấu. Đó là khả năng có thể phù hợp được với muôn hình vạn trạng của điều kiện sống mà không đánh mất niềm tin nơi các mối liên hệ sâu xa giữa thế giới bên trong và bên ngoài. Đó là niềm xác tín, không bị thời gian lẫn không gian hạn chế, khả năng chứng thực cả hai mà không chấp trước vào một khía cạnh nào, không tìm cách chiếm đoạt chúng bằng cách chia chẻ chúng ra từng mảnh.
Thời gian bị chia chẻ một cách cơ giứi và giả tạo của con người hiện đại đã không làm con người thành chủ của nó mà ngược lại là nô lệ; càng muốn tranh thủ thời gian, ta lại càng mất nó. Điều đó giống như ta bắt dòng sông ép vào trong một cái chậu mà quên rằng chính sự trôi chảy, chính sự tương tục của vận động mới làm ra dòng sông. Điều này cũng đúng cho thời gian: chỉ ai chấp nhận nó trong toàn bộ kích thước, trong nhịp điệu vô tận và sáng tạo đời sống, cái làm nên tính tương tục của nó, thì kẻ đó mới làm chủ được nó, biến nó thành của mình được. Khi ta chấp nhận thời gian như thế, sẵn sàng thu liễm vào trong ta mà không ngăn chận dòng chảy của nó thì nó sẽ mất uy lực đối với ta. Chúng ta sẽ như được nó chuyên chở trên đỉnh cao, không bị nuốt trọn, không bị kéo xuống vực và nhờ thế mà không mất tầm nhìn về những cái phi thời gian.
Không nơi nào mà tôi cảm nhận được đièu naỳ sâu xa hơn bằng giữa bầu trời Tây Tạng, trong sự trầm lắng sâu thẳm, sự trong suốt của bầu không khí, cái rực rỡ của màu sắc và cái thanh tịnh hầu như trừu tượng của dáng núi. Cuộc sống hữu cơ đã thu laị thật nhỏ nơi đây, không có vai trò gì trong cảnh quan chung, bản thân cảnh quan lại là biểu trưng của sự sống, của những sức mạnh uyên nguyên từ trời đất. Núi  đá vắng cây cho thấy một cách trọn vẹn qui luật của trọng trường - có đôi chút thay đôỉ thì cũng chỉ vì tác động của mưa gió - và của cấu trúc địa chất và tính cách của đất đá, biểu hiện bằng màu sắc và hình dáng.
Trời và đất đã đôỉ vai cho nhau. Nếu bầu trời thường sáng hơn cảnh vật dưới chân mình thì ở đây bầu trời thường tối và sâu; trong lúc đó, cảnh vật nổi bật trên bầu trời bằng sắc màu rực rỡ, hầu như chúng là nguồn sáng. Sắc đỏ và vàng bập bùng như lửa cháy trước bức màn xanh đen của trời.
Thế nhưng khi chiều buông thì màn đêm ập đến, cho một cái nhìn vào chiều sâu của vũ trụ. Ngàn sao sáng rực và gần gũi hầu như chúng là một phần của cảnh vật. Ta thấy chúng như từ trên cao sa xuống chân trời lóe lên một cái rồi biến mất, như một người cầm đèn biến mất sau cánh cửa. Vũ trụ không còn chỉ là một cái gì trừu tượng mơ hồ mà một thực tại có thể thấy rõ và vì thế ở đây không ai nghĩ về “thời gian” mà không nhớ đến mặt trời, mặt trăng và những vì sao, các thiên thể chế ngự nhịp điệu của đời sống; nhờ thế mà thời gian mất khía cạnh tiêu cực của nó, nó trở thành một kinh nghiệm cụ thể của một sự vận hành miên viễn, qui hoàn sáng tạo, là tự tính của muôn vật. Vì bầu trời hầu như không bao giờ bị mây che phủ hoàn toàn, con người luôn luôn thấy được tiếp xúc với các thiên thể và chiều sâu xa của không gian. Cả ban đêm cũng không bao giờ tối hoàn toàn. mộ t thứ ánh sáng lờ mờ kỳ lạ chiếu cảnh vật trong những đêm không trăng, một thứ ánh sáng tỏa ra từ các vì sao. Trong thứ ánh sáng đó mọi vật và cảnh quan hiện ra tương đối rõ nét không màu không bóng.
Mực nước trong sông suối cũng dâng hạ với nhịp vận hành của thiên thể, vì trong mười hai giờ của ngày hè thì tuyết trên núi bắt đầu tan khi mặt trời rọi, tối đến thì đông cứng lại. Thế rồi nước lại cần khoảng mười hai giờ để chảy từ núi xuống suối, nên khoảng chiều tối nước suối dâng cao và sáng hôm sau lại hạ xuống. Các dòng suối nhỏ thường khô kiệt trong các giờ ban ngày, ban đêm lại trở thành dòng thác chảy xiết. Vì thế nếu ai cắm lều bên cạnh một dòng suối tưởng khô ráo có thể ban đêm bị nước cuốn (điều này đã xảy ra cho tôi nhưng rất may giờ cuối đã cứu được cả người lẫn hành lý).
Nhịp điệu lớn lao của thiên nhiên xuyên suốt mọi thứ và con người đan kết với nó về vật chất lẫn tinh thần. Ngay cả trí tưởng tượng hay sự cảm xúc cũng ít tùy thuộc vào lĩnh vực của cá thể mà nó tùy thuộc vào cảnh vật. Trong đó nhịp điệu của vũ trụ tinh đọng thành một tiết điệu với sức thu hút không cưỡng lại được. Nơi đây trí tưởng tượng chính là biểu hiện của thực tại trên bình diện ý thức con người và ý thức này dường như nối mọi cá thể với nhau và cho cả vùng một không khí tâm linh.
Dưới ảnh hưởng của miền đất lạ lùng này, trong đó lũng còn cao hơn những đỉnh núi tại châu Âu, và núi non vươn đến những không gian siêu nhân thế; nơi dây đã xảy ra một sự du hành tâm linh kỳ lạ. Điều này dường như một tảng đá nặng đã được xuất hiện tự nhiên và nhẹ nhàng, nhưng không mất đi mối liên hệ và phương hướng của chúng. Một sự chú tâm và sáng sủa cao độ được đạt đến, không chút cố gắng và một niềm vui cao cả giữ tâm trong trạng thái sẵn sàng sáng tạo. Tâm thức như được nâng lên bậc cao hơn, nơi đó các chướng ngại quấy nhiễu của đời sống bình thường không còn hiện diện hay chỉ hiện ra như những ký ức lờ mờ, không còn quan trọng hay thu hút gì nữa. Đồng thời người ta ý thức về những dạng mới của thực tại, thấy nhạy cảm, mở rộng hơn với nó. Khả năng trực giác được đánh thức và kích thích: nói ngắn gọn, đã hình thành tất cả các điều kiện để chứng được đại định (dhyana) cũng như các dạng thiền quán cao hơn. 
NGÔN NGỮ SỐNG ĐỘNG CỦA MÀU SẮC
Sự chuyển hóa ý thức mà tôi thấy ở đây ( cũng như những lần trở lại Tây Tạng) có một sự tương tự nhất định với sự chuyển hóa mà tôi đã có ở Yi-Gah Tscholing khi đến đó lần đầu; mặc dù lần này có qui mô lớn hơn vì nơi đây tất cả mối liên hệ vơí thế giới quen thuộc đã bị cắt đứt và ảnh hưởng của các hang động, của không khí loãng, của thời tiết và của điều kiện sống đều tham gia vào sự biến đổi tâm lý đó. Mặt khác, sự chuyển hóa tâm linh không vì những yếu tố vật lý đó mà giảm ý nghĩa. Cả những phép tu du già cũng là một sự phối hợp các yếu tố vật lý, tâm thức và tinh thần, thí dụ tác động của phép làm chủ hơi thở (pranayama) và thái độ của thân cùng với sự tỉnh giác, quán chiếu của tâm, hòa trong sự an tĩnh của cảm xúc nội tại.
Không khí cực loãng có một tác dụng như một số phép luyện hơi thở vì nó buộc ta phải điều chỉnh hơi thở một cách nhất định, nhất là khi phải leo cao hay đi đường xa. Vì thiếu dưỡng khí, nên ta phải hít một khối lượng không khí gấp hai ba lần so với độ cao mặt biển và trái tim cũng phải làm việc nhiều hơn hẳn. Mặt khác, trọng lượng của thân thể giảm đi nên cơ bắp hầu như có thể nhấc bổng nó và khi leo cao ta có cảm giác như chắp cánh. Thế nhưng đây chính là chỗ nguy hiểm vì ta không trực tiếp thấy được tim và phổi đang chịu thiệt. Chỉ khi thấy mình hụt hơi và tim đập loạn xạ, ta mới sực nhớ tự nhủ phải kiểm soát từng cử động của mình. người Tây Tạng thường đi những bước dài chậm rãi và lồng hơi thở của mình trong bước đi. Thế nên việc đi bộ cũng trở thành phép kiểm soát hơi thở, tương tự như phép tu Hatha-Yoga của Ấn Độ, và đều này càng rõ hơn khi mỗi bước đi lồng hơi thở còn kèm theo việc đọc thần chú một cách nhịp nhàng, như người Tây Tạng thường làm. Xuất phát từ kinh nghiệm chính mình, tôi có thể khẳng định rằng điều này mang lại an bình và có tác dụng tăng năng lực rất nhiều.
Kể từ đó, điều làm tôi rõ hơn hẳn là ảnh hưởng to lớn của màu sắc lên tâm thức con người. Không kể sự thưởng ngoạn nghệ thuật về cái đẹp mà màu sắc tạo nên cho ta - điều làm tôi thích họa là để cố giữ lại cái đẹp cũng như trao truyền cho người khác - tôi còn nhận ra một cái gì sâu xa và tinh tế do màu sắc tạo nên, có lẽ nhiều hơn bất cứ yếu tố nào khác trong các chứng thực thiền quán Tây Tạng.
Màu sắc là ngôn ngữ sống động của ánh sáng, của sự bày tỏ một thực tại có ý thức. Ý nghĩa tâm linh của màu sắc xem như biểu tượng và thuộc tính của thực tại cao cấp được nhận biết bằng cách chứng những màu sắc với mức độ khác nhau. Chúng hiện ra thành những màu rực rỡ, thuần khiết và có điều thú vị là một nhà tư tưởng hiện đại và nghiêm túc như Aldous Huxley đã kết luận là màu sắc là “bằng cớ của thực tại”.
Theo tôi thì những sự trừu tượng hóa đầy đru khái niệm, những biểu hiện và hình dung do suy luận mà thành, tất cả những cái đó đều vô sắc, trong lúc thực tại, dù nó thuộc dạng ấn tượng cảm quan của thế giới ngoại cảnh hay thuộc biểu tượng uyên nguyên của nội tâm trực tiếp thì nó cũng đầy màu sắc. Hơn thế nữa, cái thứ hai (ấn tượng nội tâm) nói như Huxley, “có màu sắc đậm đà hơn hẳn hình ảnh ngoại giới. Thế nhưng ta cứ tìm cách trừu tượng hóa sự vật theo cách dễ hiểu cho ta. Làm như thế, ta chỉ đánh mất tự tính của sự vật. Với kia của tâm thì ít nhiều ta không còn cần đến ngôn ngữ và nó nằm ngoài hệ thống của suy luận khái niệm. Thế thì những cảm thọ hình ảnh của ta mang đầy sự tươi trẻ và cái sung sức trần trụi của ấn tượng, chúng không cần diễn đạt bằng ngôn từ, không cần sự trừu tượng khô cứng. Màu sắc của chúng (đặc trưng của sự vật) tỏa rực bằng một thứ ánh sáng, đối với ta là siêu nhiên, nhưng kỳ thực là hoàn toàn tự nhiên trong nghĩa chúng không bị tri thức hóa qua ngôn ngữ hay qua những hình dung khoa học, triết lý hay thực dụng; mà vì những hình dung đó mà ta cho chúng xuất hiện lại trong thế giới này bằng những hình ảnh mù mờ của nhân thế chúng ta”(16)
Cảnh vật Tây Tạng có rất nhiều cái “sung sức trần trụi” này của hình dạng và màu sắc, nối liền ta với một linh ảnh siêu nhiên hay một giấc mơ tiên tri, giấc mơ này thường ở chỗ sự sáng láng và sinh động của màu sắc. Trong một giấc mơ loại đó, lần đầu tiên tôi thấy màu sắc rực rỡ và thuần tịnh như thế, trong dạng một đỉnh núi trồi lên từ dưới biển xanh ngắt. Lòng tôi tràn ngập niềm vui sướng và tự nghĩ: đây phải chăng là quần đảo thiên đường Nam Hải, nơi tôi đã nghe nhiều. Thế nhưng về sau khi đến những đảo phủ đầy dừa của miền biển nhiệt đới, tôi không còn thấy những màu sắc đã làm mình vui thích đó nữa.
Thế mà tôi lại thấy những màu sắc này tại Tây Tạng và niềm vui sướng khi nhìn thấy màu sắc trở lại với tôi như trong giấc mơ đó. Nhưng tại sao tôi laị thấy đỉnh núi nọ trồi lên từ nước biển xanh ngắt? Câu hỏi này nằm hoài trong trí tôi đến một ngày nọ chúng tôi đến một hẻm núi hẹp và nóng, xung quanh là đá màu vàng vây đầy, qua đó không những ánh sáng còn thêm chói chang mà hơi nóng cũng tăng lên tới mức người ta trong mình ở vùng Sahara chứ không phải ở độ cao 4500m của miền Trung Á. Nóng tới mức mà khi nghỉ trưa tại một con suối nhỏ, tôi đã không cưỡng lại được, cởi hết áo quần xuống tắm và bơi một đoạn trước sự ngạc nhiên của các người Ladakh. Tôi thấy mình hết sức sảng khoái, nhưng không tắm được lâu vì hẻm núi càng lúc càng nóng. Và con suối cũng cạn dần do nó đổ vào một cái hồ cạn màu vàng; nó tỏa ra một màu xanh cực mạnh như được chiếu từ bên trong. Thật là một cảnh quan bất ngờ, trực tiếp, khác từ bên trong. Thật là một cảnh quan bất ngờ, trực tiếp, khác hẳn với những gì đã xảy ra từ trước đến giờ. Tôi kinh ngạc không biết giải thích ra sao. Sợ rằng mình có ảo giác, tôi goị các người cùng đi: “Xem kìa, cái gì thế?”.
Tso! Tso! Panggong Tso” họ đồng thanh gọi và ném mũ lên trời vui mừng, hầu như vừa qua được một đỉnh đèo. Thật ra chúng tôi mới tới một Lhasa-tse (tháp đá), đỉnh đèo nào cũng có - nhưng đây là chốn quí báu, nơi mà đại hồ Panggong có thể thấy được đầu tiên. Và chúng tôi cũng lấy đá ném vào chỗ đó, lòng thầm biết ơn có ai đã giúp mình thoát được hẻm núi. Thế nhưng tôi vẫn không tin nơi mắt mình. Không thể được! Nó như một loại nước nào tự sáng, không có trên trần gian.
Không bao lâu sau chúng tôi thoát khỏi hẻm núi đầy sức nóng và trước mắt chúng tôi, hồ trải dài như mặt của loại đá qúi Lapislazuli sắc xanh đã tan chảy; nhìn xa xa thấy như màu xanh đậm nước biển và gần bờ có màu cobalt xanh sáng. Tại các bờ cát trắng sáng, nước lấp lánh màu lục. Những ngọn núi nằm sau làm nền cho cảnh tượng màu sắc khó tin này là một bản hòa ca của những màu vàng óng, đất cháy và đỏ tươi với bóng ngã sắc tím. Đúng đây là cảnh vật sáng rực của giấc mơ xưa, cảnh vật vươn từ một dòng nước xanh đầy ánh nắng lên bầu trời sâu thẳm không gợn mây.
Núi bên trái có hình dạng sắc sảo, phía đối diện lại thoai thoải một dãy, quanh năm tuyết phủ. Chúng chạy song song với các hồ Panggong-Tso và Nyak-Tso, hay hồ này tạo nên một vùng nước gần như liên tục dài hơn 160 km. Ngày xưa hai hồ là một thung lũng dài ngập nước. Về sau vì núi lở, chúng bị chia đôi ra làm hai hồ riêng biệt.
Khi đến trạm dừng dưới chân dãy núi tuyết, cao hơn bờ hồ đôi chút, tôi đã bị mê hoặc bởi màu sắc của hồ và núi và của một nhịp điệu kinh khủng đang lan tỏao nơi đây; đến nỗi quên cả đói và mệt, tôi trở lại ngay chỗ cũ, nơi mà lần đầu tôi chiêm ngưỡng hò và núi tuyết. Thế nên tôi lại đi với giá vẽ, giấy, màu và vài miếng Kulchas(17) đỡ lòng, qua vài cây số để trở lại chỗ tôi đã lưu ý nhưng không dám ngừng lâu vì lúc đó không biế bao lâu mới đến chỗ nghỉ. Tôi làm việc với lòng hứng thú, nên chỉ sau thời gian ngắn mà vẽ được hai ba tấm hình. Mặt khác tôi vẫn nhớ là trễ lắm lúc mặt trời lặn mình phải có mặt tại trại.
Dù thế, chuyến đi ngắn của tôi suýt bị nguy; vì bận về thình lình tôi gặp một dòng nước chảy xiết mà bận đi không có. Khi đi, vì nóng ruột muốn đến, tôi quên không để ý đến nhiều dòng suối cạn nước. Nước tan trên núi đã chảy xuống muốn cắt đường đi của tôi. Vì biết không còn nhièu thời giờ, tôi đành phải lội nước lạnh ngắt và sau khi lội qua hai ba dòng suối mới về tới nơi, gần lả người. Dù bao mệt nhọc, ngày hôm đó tôi rất vui sướng đã tận hưởng được vẻ đẹp và sự trực nhận không thể nào quên về cái hồ này. 
 
NHỮNG GIẤC MƠ VÀ KÝ ỨC BÊN HỒ XANH
 
Trong những ngày sau chúng tôi đi theo bờ hồ dưới chân núi tuyết, mà triền núi chạy thoai thoải ra xa biến thành đất bằng, thành một vùng đất cao nằm trên hồ, thỉnh thoảng lõm xuống từng dòng. Thế nhưng những dòng này ít khi có nước nên đồng cỏ cũng hiếm. Thành thử tuy gần hồ nhưng ban ngày hầu như người ta thiếu nước. Thứ nhất, là bờ hồ rất khó xuống vì cao nguyên nằm cạnh hồ gần như có vách dựng đứng, chỉ trừ những nơi bị trũng mới có nước chảy xuống. Dọc theo các dòng này là đến những đoạn có cát sỏi. Thứ hai, vùng này thiếu nước uống vì một lý do bất ngờ: nếu có tới bờ hồ thì nước cũng chẳng uống được vì trong nước chứa quá nhiều chất magnesium.
Đó là lý do sinh ra độ trong và màu sắc nhưng nó làm cho nước không thể chứa sinh vật, dù thực vật hay động vật rất nhỏ cũng không. Thế nên nước trong vắt, trong những ngày lặng gió không sóng, đứng sát bờ, ta không phân biệt được đâu là nước đâu là bờ. Tôi vẫn nhớ rõ cái hoảng sợ trong ngày mình đến gần bờ và chân đạp vào nước lạnh ngắt lúc nào không hay. Những viên sỏi nọ với màu sắc đáng yêu, không khác gì những viên nằm trên bờ, vậy mà chúng lại nằm trong nước. Nước trong không màu hệt như không khí. Chỉ nơi nào khá sâu thì nó mới mang một màu xanh lục, sâu hơn thì chỉ còn một màu xanh ngắt, chính màu xanh biến hồ thành một sự kỳ diệu.
Màu của hồ và vùng xung quanh nó không ngưng cuốn hút tôi. Buổi tối, khi nước do tuyết tan chảy vào hồ, chúng làm thành một dải sáng bạc trên màu xanh đậm của hồ; trong lúc xung quanh các đỉnh núi rực màu cam, đỏ và tím, và bầu trời chuyển dần với sắc màu của một cầu vồng.
Thời tiết bỗng nhiên trở nên dễ chịu, như Điạ Trung Hải gặp gió ấm và ngày nọ chúng tôi đi qua một vùng cát trắng thỉnh hoảng xen lẫn vài đám sỏi, nóng bỏng, trải dài cả cây số giữa các triền núi tuyết và hồ. Mặc dù ngay giữa tháng bảy tôi cũng không ngờ trên cao nguyên Tây Tạng lộng gió mà có cái nóng thế này. Nhưng như đã nói, Tây Tạng là một vùng đất của bất ngờ và đối nghịch: trong một ngày người ta có thể chết cóng và qua ngày hôm sau bị phơi nắng hay phải đương đầu với bão cát.
Không bao lâu sau khi vượt qua sa mạc cháy bỏng, chúng tôi đến một vùng dễ chịu với nhiều bụi hoa và đồng cỏ, được một dòng sông con tưới nước. Đây là một vùng bằng phẳng nằm giữa hồ và núi đã rút lui. Những cánh hoa ở đây khá giống với loài hoa đồng nội về màu sắc và hình dáng, nhưng thân của chúng lại khỏe nên giúp chúng tôi không có gỗ, thay vào đó là phân trâu mà chúng tôi nhặt nhạnh mỗi ngày, cũng có khi là rễ cây hay bụi gai tìm thấy bên cạnh bờ suối hay lòng sông đã cạn. Kể từ ngày rời lối mòn của lữ hành thì phân trâu cũng hiếm. Ngay trên đường đi của họ thì phân trâu hay phân ngựa cũng đáng quí, không ai đi ngang mà không nhặt lên cho vào túi trước bụng để dành khi đêm đến đốt lửa. Trong không khí cực khô của vùng này thì phân trâu n gựa nơi đây đều cứng như gỗ và cũng không có mùi hôi.
Ai chưa ở Tây Tạng hay những vùng không có gỗ ở Trung Á thì khó có thể hình dung về giá trị của phân trâu. Nó là chất đốt quan trọng nhất của cả nước, nó cháy với một ngọn lửa hầu như không khói, nóng và đều. Vì chỉ có dầu trong trường hợp thật cần thiết, như trong đền đá lần đó tại Tschang-La. Kể từ ngày đó, chúng tôi không bao giờ ở trong nhà, ngay cả những lúc có nhiều người tại Tankse, chúng tôi thích cắm lều ngoài trời hơn. Sau Tankse thì với vài ngoại lệ xuất hiện vài túp lều ở chân dãy Panggong gần nơi có canh tác lúa mì, chúng tôi không còn thấy làng mạc nào nữa.
Vì thế, chất đốt và vấn đề chính và quan trọng như nước cho người hay cỏ cho ngựa. Cũng thế, thật đáng vui khi chỗ không người ở này lại có tất cả những gì cần cho sự sống còn. Chúng tôi hạ lều thoải mái nơi kín gió cạnh bờ suối. Thật là một chỗ nên thơ, một phía thì được ngắm nhìn núi tuyết, phía bên kia là hồ.
Tôi cảm thấy sung sướng và vô tư tới mức quyết định cắm trại ở lại đây vài ba ngày để tìm hiểu các nơi xung quanh, dùng thời giờ để vẽ và thiền định. Trong sự thanh tịnh của thiên nhiên hoang sơ, xa lánh mọi mưu toan thế gian, dưới bầu trời cao rộng, bao bọc bởi một phong cảnh chỉ có trong mơ mà màu sắc như núi bằng đá quý của một thiên đường huyền hoạc, tôi thấy mình thật an tịnh với chính mình và thế giới.
Điều lạ là tôi không có cảm giác “cô đơn” trong sự yên tĩnh vĩ đại của thiên nhiên và cũng không thấy có nhu cầu phải trao đổi với ai. Hầu như ý thức của tôi đã rộng mở để bao gồm luôn thế giới ngoại cảnh - phong cảnh, bầu trời và con người – những cái liên hệ với tôi, hiện tại cũng như quá khứ. Hơn thế nữa, quákhứ hầu như choàng lên hiện tại xuyên qua hiện tại. Tôi đã thấy hiện tượng này rồi trong những dịp khác, đặc biệt ở những nơi có độ ẩm cao, hay lúc mây kéo đầy bầu trời hoặc lúc không khí hầm hập nặng nề.
Ngay cả trước đây tôi đã thấy lúc nào có dấu hiệu thay đổi thời tiết thì giấc mơ của tôi cũng bị ảnh hưởng theo; cho nên hồi đó tôi đã có thể tiên đoán lúc nào thời tiết sẽ thay đổi bất ngờ. Tôi nhớ người ta nói lúc nào mơ thấy người chết là trời sắp mưa. Vì không thấy mói liên hệ giữa việc mơ thấy người chết và mưa nên tôi cho đó là nhảm nhí. Nhưng gần đây tôi thấy, bất cứ lúc nào nằm mơ thấy người thân lúc mình còn nhỏ và chết đã lâu rồi thì trong vùng vài ngày sẽ có mưa to, có khi dông hay bão tuyết. Thường thì những cơn mơ đó xảy ra khi không có một đám mây nào trong bầu trời, chẳng có dấu hiệu nhỏ nào trời sắp chuyển như nóng bức hay độ ẩm cao. Vì cao nguyên Tây Tạng ít mưa nên tôi dễ nhận ra hiện tượng này và từ đó xem nó như kinh nghiệm. Trong những chuyến du hành sau đi Tây Tạng tôi đều lưu ý giấc mơ của mình và dựa trên đó mà vạch kế hoạch.
Cách giải thích của tôi về hiện tượng đó là, ý thức của ta phản ứng lại với sự thay đổi khí tượng, và với áp suất lớn thì tiềm thức - nơi lưu giữ kỷ niệm của thời quá khứ lan động đến ý thức. Áp suất càng lớn thì ta càng dễ nhớ về quá khứ và điều này biểu hiện qua giấc mơ, trong đó những người liên hệ gần gũi với ta thời xa xưa hiện về, những người đó phần lớn đã không còn nữa. Trong những vùng cao của Tây Tạng thì ta không những nhạy cảm thêm với điều đó mà còn nhớ rõ hơn các giấc mơ đã bị chúng gây ấn tượng. Bản thân người Tây Tạng càng tin vào ý thức trong các giấc mộng và ít khi sai lầm khi suy đoán ý nghĩa của chúng.
Ngoài việc suy đoán giấc mộng, họ còn nhiều cách để tiếp xúc với vô thức: Thiền định, xuất thần, đồng cốt và những dấu hiệu tự nhiên lẫn siêu nhiên. Tất cả những điều này khắp nơi trên thế giới đều có, cả trong các nền văn hóa khác nhau; và kết quả của chúng dường như đủ để làm con người tin theo. Người Tây Tạng sẽ ngạc nhiên nếu ta nghi ngờ những điều này, đối với họ tất cả đều là kinh nghiệm cụ thể, không liên quan gì đến lòng tin hay lý thuyết. Đối với họ thì những thí nghiệm của nền tâm lý hiện đại, dùng khoa học để “chứng minh” các hiện tượng thuộc tâm như thần giao cách cảm, chúng thật là ngớ ngẩn buồn cười, như ta “chứng minh” các hiện tượng thuộc tâm như thần giao cách cảm, chúng thật là ngớ ngẩn và buồn cười, như ta chứng minh sự hiện diện của ánh sáng vốn ai cũng thấy chỉ trừ người khiếm thị. Chính những cách làm phiền toái của các thí nghiệm dó mới là trở ngại lớn nhất cho thành công của chúng. Khi đi tìm cái “khách quan”, họ đã loại bỏ sứ mạnh then chốt của sự cảm xúc và tính tâm linh của con người, không có chúng thì không có cách nào đi sâu hay tập trung được. Thái độ nghi ngờ, cách làm cơ giới và phương pháp thống kê (chỉ tìm số lượng và bỏ qua chất lượng) và khung cảnh sơ sài của các thí nghiệm, tất cả những cái đó đã đóng lại cánh cửa của “cảm thọ tâm lý”.
Tại Tây Tạng, khả năng tập trung và tự quán sát, nhất là sự nhạy cảm tâm linh được nhân lên hàng trăm lần nhờ cái to rộng, sự an tĩnh và đơn độc của thiên nhiên, nó có tác dụng như một tấm gương lõm, không những chỉ phóng lớn những cảm xúc rung động riêng tư nhất của ta lên mà còn tụ hội chúng trong một tiêu điểm: tại ý thức của chính chúng ta. Nơi đây không còn gì làm tâm ta tán loạn, cả cái vĩ đại của thiên nhiên cũng không; vì thiên nhiên không bao giờ gây phiền nhiễu mà ngược lại, nó kích thích ta tăng cường hoạt động tâm linh. Tâm thức và thiên nhiên là hai yếu tố đồng minh không phải đối thủ. Tính vĩ đại và cao rộng của thiên nhiên và tiết điệu phi thời gian của nó phản ánh đúng ánh sáng đúng tính chất của các tầng tâm thức sâu kín của ta.
Nhìn chung thì hoạt động tâm linh của những người khác có tác động gây nhiễu ý thức và cắt đứt hay làm lạc dòng chảy yên lành của nội tâm, tư tưởng và cảm xúc, sự chú tâm tự do mở rộng, không bị ngăn ngại. Sự nhạy cảm của nó không còn bị tâm thức lạ liên tục tác động nữa hoặc để cho phiếm luận vô bổ và tiếng ồn vô nghĩa của đời sống văn minh làm cùn nhụt; và nhờ thế nó có thể tiếp cận với vô thức của chính mình và với tất cả những người có cùng mức độ, họ được kết nối với nhau bằng tình cảm hay bằng chứng nghiệm giống nhau.
Điều này giải thích các hiện tượng thần giao cách cảm thường thấy tại dân Tây Tạng – và không chỉ ở những người có trình độ tâm linh cao mà cả với người dân dã, người chăn thú hay nhà nông, thương nhân hay thợ thuyền, người Nomade hay lữ khách, những người phải đi trong vùng hẻo lánh từ năm này qua năm khác. Sven Hedin kể lại trong ký sự của mình một trường hợp điển hình: Trên đường đi nội Tây Tạng, ông đồng hành với một đoàn vào một nơi hẻo lánh, hoàn toàn không có một người ở. Khi ông dự định đi sâu tìm hiểu vùng này thì gặp một đoàn người Nomade, họ đưa một đàn thú từ vùng đó lại mà không biết rất rõ nơi đó. Cố gắng lắm, ông mới thuyết phục được một người trong đó làm hướng đạo cho đoàn. Đó là một người còn trẻ, rất nhút nhát, anh thú thật là không quen sống ở chỗ đông người và chỉ chấp nhận hướng đạo cho đoàn nếu để anh ta đi trước một mình, nếu không, anh không thể nhận biết dấu hiệu và phương hướng đường đi. Sven Hedin chấp nhận yêu cầu đó và đoàn cứ đi theo sau anh một quãng xa, cho tới một ngày nọ anh bị bệnh và chết. Sven Hendin không còn cách nào khác hơn là cùng với đoàn đi lui lại, cứ theo đường cũ mà đi. Nhưng khi đoàn còn cách chỗ đến vài ngày đường thì người em của anh đó đang đi ngược chiều và trong đoàn chưa ai kịp giải thích về chuyện đã qua thì người em ngay lập tức khóc lóc than vãn về cái chết của anh mình. Trước câu hỏi ngạc nhiên của nhiều người, người em kể ra nơi chốn và nguyên do cái chết của anh mình một cách chính xác. Anh ta đã nhìn thấy bằng con mắt tâm linh!
Sự đơn độc xem ra có một tác dụng tương tự như vài phép thiền quán hay phép tu du già. Nó tự động loại bỏ sự lung lạc do các yếu tố bên ngoài và nhờ đó mà tạo ra một trạng thái an tĩnh nội tâm, một trạng thái chú tâm tự nhiên. Đối tượng nào của tư tưởng xuất hiện trong tâm cũng có một mức độ thực tại lớn hơn, rõ nét hơn và nhờ đó mà giữ được lâu hơn. Được quán sát chăm chú hơn. Cái đã qua đọng lại thành cái hiện tại và cái hiện tại hiện ra không còn là đường cách ly giữa cái đã qua với tương lai, mà là một khía cạnh nhất thể của thân thể đang tồn tại song song và liên tục trong một sự chứng nghiệm bốn chiều.
Nhờ hạnh xả bỏ xảy ra trong sự đơn độc mà tôi thấy rõ rằng, đời sống chúng ta phụ thuộc rất ít vào những quyết định do đầu óc đạo diễn và lại dựa rất nhiều trên những biến cố, ấn tượng tưởng chứng như không quan trọng; chúng đột nhiên hé mở cho thấy phương hướng chủ yếu của tự tính đích thực của chúng ta. Chúng ta cho những biến cố hay ấn tượng này là tình cờ vì đường như chúng xảy ra mà không có nguyên nhân gì nơi ta, nhưng ta quên rằng sở dĩ có ý nghĩa vì chúng ta cho phép những năng lực được bộc phát, thứ năng lực vốn nằm sẵn trong ta nhưng ta không biết đến chúng, chỉ vì những kế hoạch do đầu óc ta nghĩ ra đã che lấp dòng chảy liên tục của đời sống nột tâm và sức mạnh tâm linh của mình.
Những giấc mơ thời thơ ấu của tôi đan quyện với những đỉnh núi tuyết Andes và sự cô đơn độc kiêu kỳ của vùng cao nguyên Bolivia, nơi sinh của mẹ tôi và cũng là nơi diễn ra nhiều chuyến đi phiêu lưu làm bà tôi rất vui lòng, chúng cũng đưa tôi vào một thế giới hoang dã xa lạ, trong đó những đoàn lừa ngựa kéo nhau đi trong núi rừng hoang vắng. Đồng thời các câu chuyện những người trong nhà vây bọc lấy tôi, họ nói về các mỏ bismut(18) trong núi Quechila, những chuyện thời xưa của ông tôi tại Cochabamba hay những chiến tích của ông cố tôi mà ngày xưa đã từng là một tướng lãnh trong cuộc chiến tranh giải phóng và là đồng chí của Bolivar, ông đã mang lại một chiến thắng quyết định và nhận được vinh dự của quân hàm cao nhất của tổng tư lệnh tại Montenegro.
Điều gây ấn tượng cho tôi hơn cả là cái vĩ đại của những ngọn núi trọc, rõ nét của cao nguyên Bolivia và những bí ẩn nằm sâu trong đó; một thế giới toàn vàng bạc được chôn giấu, Bismut và các thứ kim loại khác. Tôi đã từng thấy những kim loại quí này và bị vẻ đẹp của nó thu hút hơn trị giá, hồi đó tôi cũng chẳng biết gì về trị giá của nó. Nhất là loại bismut, đó là một dạng kết tinh nhìn như những lâu đài bằng vàng, gây nơi tôi một sự mê hoặc khó tả. Để tìm hiểu thế giới bí ẩn này trong lòng đất và để được sống vĩnh viễn trong ánh sáng mặt trời và được nhìn hoài chân trời của miền cao nguyên hùng vĩ này, tôi quyết sẽ đi theo nghề làm mỏ núi, tiếp tục truyền thống của gia đình.
Thế nhưng khi lớn lên, nhận ra mình không ham thích chiều sâu của trái đất bằng chiều sâu của tâm thức và vì thế tôi bỏ khoa học tự nhiên để đến với nghiên cứu triết học. Và vì triết học đối với tôi là việc đi tìm sự thực nên tôi không mấy ham các hệ thống triết học, đó là những định nghĩa có tính hàn lâm các tư tưởng triết học, mà hướng về những dạng phát biểu có tính tôn giáo của thực tại và cách thực chứng được nó. Tôi bị gây ấn tượng sâu xa bởi các bài đối thoại của Plato(19), chúng hấp dẫn tôi nhờ vẻ đẹp văn chương và tính tôn giáo. Trong các triết gia cận đại thì Schopenhauer(20) gây ảnh hưởng mạnh lên tôi, và sự nghiên cứu tác phẩm của ông dẫn tôi đến các nhà thần học Thiên Chúa giáo cũng như đến Áo Nghĩa thư(21) và Phật giáo.
Khoảng năm mười tám tuổi thì tôi bắt đầu viết một công trình so sánh ba tôn giáo lớn của thế giới là Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và Phật giáo để bản thân tôi được rõ và để quyết định luôn tôn giáo mà mình theo là tôn giáo nào; vì thôi thấy vô nghĩa nếu chỉ chấp nhận một tôn giáo nào chỉ vì cha mẹ mình theo nó, nếu chỉ vì xã hội mình đang sống chấp nhận nó. Đối với tôi, tôn giáo là một chuyện có tính chất thuyết phục, dứt khoát chứ không phải chỉ là sự tin trong đơn thuần hay qui ước chung chung; và muốn được thuyết phục, tôi phải biết rõ.
Để tìm sự thực nơi ba tôn giáo này, tôn giáo nào thuyết phục mình nhất, tôi bắt đầu đi sâu học hỏi. Chẳng bao lâu sau tôi thấy Hồi giáo không chứa đựng ý niệm nào mới so với truyền thống chung của Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo nên nó sớm bị loại, chỉ còn Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Lúc đầu học hỏi, tôi thấy Thiên Chúa giáo ít nhiều thuyết phục tôi hơn (dù nhà thờ không làm tôi tin tưởng). Thế nhưng càng đi sâu, tôi càng thấy mình có nhiều tương đồng với Phật giáo - và cuối cùng tôi rõ, Phật giáo là tôn giáo duy nhất thuyết phục tôi trọn vẹn. Thế nên cuốn sách chỉ dành cho giáo lý Đức Phật và bản thân tôi là người đầu tiên được chính cuốn này đưa về vơí Phật giáo. Mặc dù các chương sách này còn non nớt nhưng nó cũng được phổ biến tại Đức, tại Nhật mà về sau khi đến Sri-Lanka, tôi khám phá ra nó, tám năm sau khi nó ra đời.
Điều làm tôi đi Sri-Lanka là nghĩ rằng mình tìm nơi đó truyền thống thuần túy nhất của Phật giáo và nhất là cơ hội để chứng nghiệm thiền định và tiếp tục học ngôn ngữ mà tôi đã học tại Capri (22) và đại học Napoli. Đại học này có một bộ kinh viết bằng văn hệ Pali do vua Chulalongkorn của Thái Lan tặng.
Về điểm này thì ở Sri-Lanka thật nhiều thành quả và dưới sự hướng dẫn của Nyanatiloka Mahathera, nhà sáng lập và viện trưởng của tu viện trên đảo Pogasduwa, một trong những nhà thông thái Pali bấy giờ, tôi có nhiều cơ hội học tập và thu thập kinh nghiệm, trong đời sống tu sĩ cũng như trong giáo lý của Thượng tọa bộ của Nam tông Phật giáo. Lòng thân ái của dân tộc Sri-Lanka cũng như tính kỷ luật và trình độ giáo lý của các sư đã gây ấn tượng mạnh mẽ lên tôi. Nhưng tôi thấy thiếu cái gì nơi đây - điều gì thì về sau tôi mới khám phá ra, lúc ngụ lại tại Yi-Gah-Tscho-Ling-Gah Tscholing, nơi đã đột nhiên mở ra chân trời mới của chứng nghiệm tôn giáo và khi vị đạo sư xuất hiện trong đời tôi.
Bây giờ tôi mới thấy cuộc đời quanh co và những gốc rễ sâu kín của mình. Tôi nghiệm ra rằng, chuyến hành hương về chốn bất định lại chính là chuyến trở về nơi tôi đã mộng thấy - và các giấc mơ lại chứa nhiều thực tại hơn các kế hoạch của đầu óc, miễn là những giấc mơ đó phản ảnh niềm tha thiết sâu xa nhất của tâm hồn chứ không phải là những ước muốn, tham vọng nông cạn nằm sau những tính toán thiệt hơn. Thật đúng thay những lời của Santayana(23)
Minh triết đâu phải là,
chỉ biết khôn ngoan thôi,
nhắm mắt không chịu thấy,
ảnh trong tâm xuất hiện.
Minh triết đích thực là,
biết tin nghe trái tim.
Nơi đây bây giờ, tôi ngồi trong vùng đất của “hồ xanh núi đỏ” dưới những bụi cây nở hoa của một ốc đảo xa cách thế gian, cùng với hai người đàn ông lạ hoắc, ngoài tôi rra thì họ là con người duy nhất trong cái vô tận của vùng đất không người ở này, bên cạnh đống lửa, trong lúc ngựa gặm cỏ và tiếng chuông quen thuộc của chúng vang lên trong đêm.
Khi trăng lên, tôi rời đống lửa, rút về giữa hai bụi cây, đủ xa để bớt tiếng động và sự chú ý. Tôi để bàn thờ nhỏ với tượng Phật của Tomo Géché - mà tôi luôn luôn mang theo - lên một chỗ hơi cao và ngồi chìm sâu trong cuộc trao đổi với thầy mình. Nếu trong những ngày qua tư tưởng của tôi luôn chìm trong quá khứ thì bây giờ nó hướng hoàn toàn vào con đường nội tâm đang nằm trước mặt tôi, mà chính Tomo Géché, người đã chỉ cho tôi con đường đó. Tôi không rõ mình đã ở bao lâu trong trạng thái hạnh phúc của quán tưởng và đối thoại không lời đó. Bỗng nhiên mây kéo trên dãy tuyết và tôi quay về lửa trại. Ngày hôm sau, một đám mưa nhẹ rơi trên đầu chúng tôi. Bầu trời đã gửi cho chúng tôi phước lành.
 
SƯỜN NÚI TRƠN VÀ BÍ MẬT CỦA NHỮNG CHIẾC MÓNG NGỰA
Sau một này nghỉ thỏa thích bên lửa trại, nhờ lửa mà dù trời mưa chúng tôi vẫn khô ráo và ấm áp, mặt trời hiện lớn ra gần như gấp đôi nên tôi quyết định hôm nay sẽ đi về phía đông của hồ, càng xa càng tốt. Sau một ngày vắng bóng, hôm nay mặt trời nóng rực và bầu trời không mây mang màu sắc xanh như chưa hề có - một ngày tuyệt diệu để vẽ.
Chỉ mặc áo nhẹ và không mang gì hơn ngoài bộ đồ vẽ, tôi lên đường. Tôi cố ăn sáng đầy đủ dể khỏi cần mang theo lương thực và vì đôi ủng Tây Tạng đã rách và đang được bạn đồng hành vá nên tôi chỉ mang xăng-đan, chẳng có vớ. Thật là một cảm giác tuyệt vời được thơ thới đi trong cảnh đẹp và đầy nắng và khí trời dịu mát, trong vùng hoàn toàn không có người ở, với những màu sắc tưởng như không hề có trên trái đất này đang trải rộng trước mắt; đối với người họa sĩ thật là một ngày hội! Sự kỳ diệu của cái hồ vẫn thôi miên tôi như ngày đầu - màu xanh đậm rực rỡ mà nhìn mấy tôi cũng không biết chán - vì thế tôi càng muốn đi dọc theo bờ hồ để có cái nhìn toàn thể lên hồ và thấy được các ngọn núi tuyết phía nam mà những ngày qua chúng tôi đã đi dọc theo chân của nó. Khi đến đầu một ngọn đồi nhô ra phía hồ thì tôi gặp một đàn Kyang - một loại ngựa hoang, chúng rất sợ người, không sao tới gần được - chúng chạy chung một đàn nai. Đây là lần đầu tiên tôi được thấy chúng. Chúng hơi giống ngựa vằn ở độ lớn và hình dáng, nhưng khác màu. Đầu của chúng to hơn đầu ngựa thường, lông màu nâu sáng như hươu nai nhưng bụng trắng. Chúng là con đẻ của môi trường hoang dã, nếu bị giam hãm chúng sẽ không chịu ăn uống và sẽ chết vì không chịu nổi tù đày. Vì lý do này mà không ai tìm cách bắt hay thuần hóa chúng, cũng không ai săn bắn ăn thịt vì giết hại thú vật là đi ngược lại chủ trương của đạo Phật.
Tại Tây Tạng, săn bắn không phải là môn thể thao mà là một tội ác và ngay cả khi cần giết thú vật để ăn thịt vì thiếu thức ăn trong mùa đông thì người nuôi thú cũng cầu xin thú vật tha thứ cho mình và cầu cho chúng được tái sinh trong hoàn cảnh hạnh phúc hơn. Việc giết hại những sinh vật vô nghĩa nhất cũng được xem là xấu và nên tránh, dù điều kiện sống khó khăn tại Tây Tạng, nơi mà trái cây rau quả hầu như không có, nó chỉ sống được trong những vùng thấp có tưới tiêu, vì thế mà Tsampa (bột lúa mì rang) thành thực phẩm chính. Đánh cá và bẫy chim càng bị lên án hờn vì phải cần giết hại nhiều sinh linh loại này mới đủ cho một bữa ăn. Vì thế cho nên chim thỏ và các loài vật khác rất dạn dĩ với người. Tôi nhớ tớimotj con thỏ nằm yên trong hang cho tới khi tôi rờ tới. Chim vào lều tôi rất thường và loại chột đồng thường chi từ hang ra để tò mò xem chúng tôi làm gì trong lãnh địa của chúng.
Còn loại ngựa hoang thì luôn luôn giữ khoảng cách xa với loài người, không phải chỉ vì chúng nhát mà có lẽ chỉ riêng việc thấy người cưỡi người đã làm chúng sợ. Vì thế tôi khá bất ngờ khi được thấy chúng và núp sau một tảng đá, quan sát một lúc rồi mới lên đường. Trong đồng cỏ quanh hồ Manasarrovar và vùng thảo nguyên Tschang-Thang, ta có thể gặp từng đàn hàng trăm con. Thật thú vị khi nhìn thấy chúng phi trên những cánh đồng uốn lượn của vùng cao nguyên này.
Sau khi đi vòng qua ngọn đồi, tôi xuống đến một vùng đất bằng phẳng, vùng này được phủ bởi một lớp magnesium kết tinh trắng xóa, dưới đó là đầm lầy. Vùng đất này làm tôi nhớ đến những hồ muối nguy hiểm của sa mạc Sahara, trên đó ta có thể đi lại, rồi khi gần đến mặt nước thì bỗng nhiên mặt hồ muối bổng nứt ra và nuốt trọn con người, đây là chỗ đã làm nhiều người mất mạng. Vì thế tôi né bằng cách đi vòng quanh đầm và leo qua vài ngọn đồi nhở để đến bờ hồ. Bờ dựng đứng từ hồ lên và tận trên cao mới có một bờ đá hẹp, rồi trên bờ đá này là núi đá dựng. Các tảng đá xếp sát với nhau tới mức không thể đi vòng, phải nhảy từ tảng này qua tảng khác, nếu không sẽ bị kẹp ở giữa. Nhưng tôi còn khỏe, còn ham thích, nên không bao lâu sau tôi đã đi được xa và càng tới gần, cảnh quan càng tuyệt diệu.
Cuối cùng thì đá tảng cũng hết, nhường chỗ cho một dốc khoảng 45 độ, nằm sát với vách dựng đứng. Hy vọng sẽ vượt qua được đoạn khó nhất, tôi xuống dốc - nhưng chỉ vừa đặt chân xuống thì cả con dốc đã chuyển động và kéo tôi xuống bờ. Thì ra cát sỏi trộn rời rạc với nhau, một khi có ai đụng tới là nó tràn xuống vực. Tôi không còn thời gian để suy nghĩ. Nếu rơi vào nước lạnh giá hẳn tôi sẽ chết cóng trước khi bơi được vào bờ, đó là chưa kể bờ là vách đá làm sao bám vào được. Tôi không có cách nào khác hơn là cứ nhảy chồm về phía trước để tránh khối cát sỏi bắt đầu lăn. Như một con quỉ rừng theo sát chân tôi. Khối cát lăn ào xuống vực. Tôi nhảy chéo, hơi hướng lên cao và cuối cùng giữ được độ cao, tới được chỗ đất cứng.
Bây giờ dưới chân là đá tảng đủ thứ hình thù, nó là cái thay đổi đáng mừng cho tôi. Nơi đây tôi có thể đi lại không nguy hiểm, không tất bật và với tâm trạng an toàn, tôi ngồi nghỉ chốc lát. Ngồi trên một tảng đá, khi nhìn quanh, tôi khám phá ra một điều kỳ lạ: xung quanh là vô số móng ngựa, nằm giữa những tảng đá hay lẫn với sỏi cát, trong số đó không có một móng nào nằm ngược. Nhìn chúng, ta tưởng như một đàn ngựa bị gió thổi lên trời và để lại những móng. Nhưng làm sao lại như thế được? Hay một cơn tuyết lở đã sinh ra? Nhưng không, nơi đây chẳng phải là sườn núi tuyết, chẳng có dốc núi nào đủ dựng để tuyết có thể lở - vì vùng này là vùng tuyết của Tây Tạng (cũng như ít mưa trong trong các mùa khác). Dù cho một cơn bão tuyết khủng khiếp có thể giết chết một đàn ngựa và thổi dạt xác chúng đi thì ít nhất cũng còn thấy xương của chúng trong nước hồ trong, mà ở xa vẫn còn thấy những hạt sỏi dưới đáy. Thế nhưng không hề thấy một miếng xương nào, trong nước cũng như giữa các tảng đá. Dù cho chó sói hay chim ưng ăn xác thì chắc chắn cũng còn dấu vết để lại, ít nhất sọ hay răng ngựa cũng phải còn. Và tại sao mà mọi móng ngựa lại đứng ngay và bị gãy ngay đốt xương - dường như đàn ngựa sợ hãi điều gì đứng sựng lại và chết? Sức mạnh đáng sợ nào đã có thể tiêu diệt đàn ngựa nhanh chân một cách bí ẩn như thế?
Dù nguyên nhân gì chăng nữa thì tôi cũng không còn thời gian mà suy nghĩ về nó. Tôi đi tìm một chỗ thích hợp, từ đó có thể ngắm nhìn hồ với dãy núi tuyết đằng sau. Với mục đích này tôi đi tiếp, gặp một vịnh nhỏ dễ thương gần như hình tròn, xung quanh là cát trắng tinh mà nước nơi đó mang một màu xanh lục rực rỡ. Đối diện với vịnh này là một mỏm đá nhô ra mặt hồ, đó phải là chỗ tôi cần để ngắm cảnh. Nhưng như nhiều lần tại Tây Tạng, tôi lại nhắm sai khoảng cách, vì không khí quá trong và màu sắc quá sáng, cho nên mặc dù đi nhanh trên bờ cát, tôi vẫn phải mất nhiều thời giờ mới đến được bờ bên kia. Lúc tôi còn mê vẽ thì những bóng mây đen đã kéo lên trên đỉnh núi tuyết phía nam. Nhưng vì ham công việc quá nên tôi chẳng để ý gì cả, chỉ biết đây là cơ hội quí giá cho sáng tác.
Tới lúc bức tranh vẽ xong thì mặt trời bị mây đen che kín và cảnh vật ngày càng tối không phải chỉ vì bị mây che mà vì mặt trời cũng sắp lặn. Tôi vội lên đường đi về; nhưng khi tới bờ bên kia thì trời kịp tối và các tia chớp làm sáng bầu trời, sấm rền ngay trên đầu tôi. Không khí bỗng lạnh như băng.
Tôi bõng nhớ đá núi chập chùng và đàn ngựa chết một cách bí hiểm gần đó và biết mình đang lâm nguy. Chắc chúng đang phi thì bị đá đổ ngăn chận lại, hay đêm đến ngăn đường về và bị chết cóng. Hay nơi đây có những mối hiểm nguy, chúng đáng sợ hơn cái lạnh và bão táp mà tôi không biết. Bộ xương và sọ ngựa đều biến mất không thể giải thích được bằng sự hiện diện của thú dữ, vì ngay cả chó sói cũng không nuốt hết mọi thứ - chúng cũng không cần vì đây là thịt của một đàn ngựa.
Vùng đất khó đi này cũng đã cho tôi thấy, trước khi núi đổ thì đây cũng không thể là đường đi của khách lữ hành. Ngoài ra có rất nhiều những móng ngựa nhỏ, điều đó cho thấy không thể là do đoàn lữ hành nào vì không ai mang theo ngựa con nhiều như thế cả. tôi không sao giải thích được và bây giờ cũng không còn thời giờ để nghĩ tới. Mỗi phút giây đều quí báu! Tôi phải vượt qua triền núi trơn trước khi trời tối hẳn.
May thay các đám mây đen bỗng tan đi, đột ngột như lúc chúng kéo đến. Bầu trời vẫn còn mây nhưng không mưa và thảm mây mỏng loãng dần đi. Với chút ánh sáng cuối cùng trong ngày, tôi nhớ lại chỗ bị ngã và mặc dù không còn thấy rõ bao nhiêu, gắng hết sức, tôi qua được sườn núi đá lở. Thở hổn hển, tôi đến được bờ bên kia, ngồi xuống nghỉ lấy sức; thế nhưng hình ảnh chó sói và các mối hiểm nguy khác không cho tôi yên, mà mối nguy ngủ gục và chết cóng là đáng sợ nhất. Khi hơi lạnh đã thấm vào cơ thể thì khó mà lấy lại hơi ấm, nhất là tôi không có khăn choàng lẫn áo ấm và chỉ nhờ vận động mà giữ được hơi nóng. Thế nên tôi lại đứng dậy, biết mạng sống của mình đang bị đe dọa.
Từ sáng đến giờ tôi không ăn, không có giọt nước nào từ lúc rời trại và bây giờ thì cái đói khát đang bắt đầu lên tiếng, nhất là khát. Số phận mỉa mai thay, dưới chân tôi là nước trong vắt từ dặm này qua dặm kia mà tôi không có giọt nước nào cho đỡ khát. Tôi nghĩ hay mình tạm trú chân trong một hang động trên đường về, nhưng lại sợ chó sói rình rập đâu đó, và vì không có diêm hay bật lửa mang theo nên tôi bỏ ngay ý định. Nhưng cái thèm nhất vẫn là được ngồi xuống nghỉ ngơi. Tôi biết mình đã ngồi thì sẽ không đứng dậy nổi, vì thế tôi quyết định đi tiếp cho tới lúc nào quị thì thôi.
Bây giờ thì trời đã tối hẳn, không còn phân biệt được đâu là những tảng đá lót đường. Nhưng tôi ngạc nhiên thấy mình vững bước nhảy từ tảng này qua tảng đá kia, không hụt chân hay mất thăng bằng lần nào cả mặc dù chỉ mang đôi dép (có vòng da cột nơi ngón cái). Đột nhiên tôi biết mình đang mang theo một năng lực kỳ lạ, có một ý thức không do mắt hay não mình chỉ huy, mà do một “thức” mà tôi chưa biết tới. Tay chan tôi cử động như trong tình trạng xuất thần, hầu như chúng liên hệ với một cái biết nằm trong tôi., nhưng độc lập với tôi. Tôi quan sát mọi sự này tựa hồ trong mộng. Thân mình thấy như xa xa, không thuộc hẳn về mình, tách rời với đầu óc mình. Tôi có cảm giác mình như một mũi tên chạy theo một đường bay đã có. Đồng thời tôi tin rằng mình không được phép ngăn bắt cái năng lực đã chiếm lấy mình.
Về sau tôi mới biết điều gì đã xảy ra. Trong điều kiện lúc đó và bên cạnh một mối nguy hiểm, tôi đã rơi vào tình trạng của một Lung-Gompa, người chạy xuất thần, mà không hể biết, là kẻ chỉ biết chạy tới đích và bỏ qua mọi chướng ngại một cách vô thức, chân như không chạm đất, đối với một người đứng ngoài thì thấy như bay trong không, lơ lửng sát mặt đất.
Nếu chỉ nhảy sai hay trượt chân khỏi đá là đủ gãy chân, nhưng tôi không trượt lần nào. Tôi đi vững chắc như người mộng du nhưng lại không hề ngủ. Tôi không biết mình đã chạy bao nhiêu dặm trong vùng đất sát hồ khó đi này; chỉ biết cuối cùng mình đã tới đỉnh của ngọn đồi tháp và trước mắt vùng đầm lầy với chất magnesiim. Căn cứ duy nhất cả tôi là một vì sao nằm về hướng núi tuyết, giúp tôi nhắm hướng. Tôi không dám tách lạc hướng và vì còn ở trong trạng thái xuất thần nên tôi đi luôn trên dầm trắng bạc, nhưng lại không hề bị lún lần nào.
Nhưng trại ở đây? Chắc không còn xa và cách hai dặm phải thấy được trại rồi. Tôi lên một ngọn đồi có cây và nhìn quanh nhưng khắp nơi không có chỗ nào có ánh lửa. Chắc chắn họ không bao giờ rời trại, để tôi chết trong hoang vu, không thực phẩm, không áo ấm, dù không có ai xét xử họ - còn tôi thì chỉ rời trại có một ngày mà chưa về. Tôi xấu hổ vì đã có ý nghĩ này, nhưng trong tình trạng gần như kiệt sức, tôi không sao chế ngự nổi sợ. Có lẽ tôi lầm hướng rồi chăng và tốt nhất là tiếp tục đi, cho đến bờ sông rồi đi ngược dòng thì phải tới trại.
May thay được đi thật ra đúng hướng và khi tôi bắt đầu bỏ hy vọng tìm lại trịa thì đột nhiên thấy ánh lửa trong một khoảng đất thấp. Tôi cố gọi nhưng cổ đã khô, không ai nghe thấy tiếng của tôi ở khoảng cách này. Nhưng lòng tin đủ mạnh cho tôi thêm sức, rồi vài phút sau tôi đã đến trại và quỵ xuống bên đống lửa; trong lúc bạn đồng hành vui mừng thấy tôi không hề hấn gì, họ cho tôi ăn uống. Tôi thấy mình như kẻ lạc loài trở về chưa bao giờ mà lửa trại và vòng tay con người lại mang đến niềm vui lớn như buổi tối khó quên đó.
Tới hôm nay tôi vẫn chưa giải thích được sự bí ẩn của những chiếc móng ngựa, mặc dù đã thảo luận với nhiều người với hy vọng có câu trả lời thích đáng. Nhưng những điều khác liên quan trực tiếp đến tôi trong ngày hôm đó thì đã được lý giải đầy đủ về tình trạng xuất thần mà tôi đã nhập vào, khi biết thêm về hiện tượng tâm lý của lugn-gom. Trong một cuốn sách của Alexadra David-Neel(24), lần đầu tôi đọc, có mô tả chuyện này và nhiều năm sau tôi được thấy tận mắt trong tu viện nổi tiếng Nyang-to Kyi-phug, ở một lũng của sông Nyang-Tschu, không xa Schigatse, một trong những trung tâm giáo huấn du già nổi tiếng, vào năm 1947, lúc cùng đi với Li Gotami.
 
PHI HÀNH XUẤT THẦN VÀ PHÉP LUNG-GOM
 
Ghi chép của chứng nhân đầu tiên về phép phi hành xuất thần mà phương Tây được biết, cũng là mô tả ấn tượng nhất, là bà Alexandra David-Neel trong tác phẩm nổi tiếngMistiques et magiciens du Tibet (Đạo học và các nhà huyễn thuật Tây Tạng). Một ngày nọ, lúc du hành trên cao nguyên Tây Tạng, bà thấy từ xa xa một bóng đen chuyển động làm bà chú ý. Vùng bà đi bấy giờ là một vùng hoàn toàn không người ở, suốt hai tuần bà không gặp người nào. Qua ống nhòm bà thấy đó là một người, “đi một cách kỳ lạ và với một tốc độ phi thường”. Khi người đó tới gần, bà thấy “rõ ràng khuôn mặt hoàn toàn an tĩnh, xa vắng và hai mắt mở to, hình như một cái gì xa xôi, vô hình, ở trên cao. Người đó gần như có cái đàn hồi của một trái banh cao su và cứ mỗi lần đụng đất lại dội lên. Những bước của người đó có cái đều đặn của một quả lắc”.
Vài năm sau biến cố xảy ra đã mô tả trong chương trước, khi đọc những dòng này tôi liền nhớ lại chuyện bên bờ hồ Panggong. Sự mô tả này đúng hoàn toàn với kinh nghiệm của tôi. Những người tập phép lung-gom thường được khuyên là không những chỉ nên tập trung tâm thức mình về một linh ảnh, mà ban đêm còn nên hướng mắt nhìn một vì sao nhất định, vì thế có lúc sinh ra một tác dụng như bị thôi miên. Về khía cạnh này, tôi cũng làm đúng như vậy mà không biết và đã tới với một tình trạng như không còn trọng lực và đôi chân dường như có một ý thức hay bản năng riêng; chúng tự tránh mọi chướng ngại, tự tìm chỗ dựa cho mình mà trong đêm tối với tốc độ đó chỉ có nhà tiên tri mới thấy được được.
Bà Alexandra David-Neel cho rằng phải có một sự gây mê nào đó mới làm người ta khỏi đau khi đụng phải đá hay chướng ngại vật. Tôi thấy điều này không phải, vì nếu thế thì người phi thân này phải bị sưng chân hay bị thương tích, điều này bản thân tôi không bị. Tôi cũng thấy không đúng khi cho rằng việc tránh chướng ngại vật là nhờ phần còn lại của thức thông thường. Ngược lại, chính nhờ thức thông thường không can thiệp mà kẻ mộng du không bị hề hấn gì mà lại có sự an toàn nhờ bản năng. Đối với kẻ mộng du thì không có gì đáng sợ hơn nếu thức thông thường đột nhiên thức dậy. Đó là lý do mà người đi xuất thần phải tránh nói năng hay nhìn ngó vì chỉ một chút phân tâm là đủ để cắt đứt trạng thái xuất thần thậm chí mất hẳn.
Ý nghĩa sâu xa của lung-gom là, vật chất có thể bị tinh thần chế ngự. Điều này được chỉ rõ trong các phép tập luyện phần lớn có tính chất tâm linh. Các phép tu tập đó thường được thực hành hết sức cẩn mật và nhằm tập trung lên một số năng lực cơ bản nhất định cũng như các biểu tượng thiêng liêng của chúng, song song với trì niệm mật chú, nhờ đó mà các trung khu tâm lực (cakra) của thân thể được đánh thức và vận hành, biến thành sức mạnh siêu nhiên.
Cũng như trong phép tum-mo phép sinh nội hỏa, hành giả tập trung lên yếu tố lửa qua một trung khu nhất định, đồng thời ý thức mọi hiện tượng và bản chất liên hệ với lửa; hành giả lung-gom phải ý thức mọi hiện tượng, khía cạnh và chức năng của năng lực gió, hương tâm về đó.
Gom vừa có nghĩa thiền định, tập trung, quán tưởng tát cả năng lực tâm thức lên một đối tượng nhất định, đồng htời nó con mang ý nghĩa dần dần từ bỏ sự phân biệt chủ thể - khách thể, đến mức chủ và khách thể trở thành đồng nhất với nhau.
Lung là yếu tố “gió”, nó ám chỉ sức sống tinh tế và năng lực tâm lý. Cũng như từ Hy Lạp pneuma vừa là không khí vừa là tinh thần, thì về mặt thể chất lung là khí, đó là mặt vật chất của nguyên lý sống của chúng ta, thí dụ bộ phận hô hấp và khả năng di động và mặt kia là những luồng năng lực tâm lý mà qua đó những trạng thái ý thức được sinh ra hay biến mất.
Với gom thì từ lung chỉ có nghĩa prana (khí) trong du già Ấn Độ, nó liên hệ vứi các phép tu nhằm diều khiển khí lực của thân người thông qua năng lực tinh tế của tâm thức. Nói cách khác: Lung-Gompa không phải là người có khả năng bay trong không (do có nhiều người hiểu sai từ lung) mà là người biết cách chế ngự khí lực của mình bằng phép du già pranayanma. Phép này bắt đầu bằng cách kiểm soát hơi thở và dùng nó làm khởi điểm của một sự chứng thực tâm linh, nó chuyển biến toàn bộ cơ chế tâm vật lý và toàn bộ tính cách của con người hành giả. Năng lực và sức mạnh nằm sẵn trong mỗi con người sẽ được tập hợp, tăng cường và đưa vào đúng hướng.
Vì thế mà lung-gom có thể được đinh nghĩa chính xác là “tập trung lên nguyên lý động”. Nó chứa tính cách động của cơ chế vật lý và tất cả hoạt động của thân, nhưng không gói gọn trong nghĩa nội tại mà là tác động hỗ tương của nhiều tiến trình và nhất là phụ thuộc vào những sức mạnh uyên nguyên và tính chất bao trùm của tâm thức. Thế nên nó có thể có ảnh hưởng trực tiếp lên các bộ phận của thân và chức năng để tạo thành một sự hòa nhịp tâm vật lý: một sự song hành giữa tư tưởng và cử động, một sự hòa nhịp mà tất cả năng lực của hành giả tham gia vào.
Khi ta đến điểm đó rồi, khi mà một lực hay một dạng vật chất có thể chuyển hóa qua một dạng khác thì có nhiều điều tưởng chừng như siêu nhiên có thể thực hiện được, ví dụ dùng ý chí mà vận động khối lượng (một sự kỳ diệu mà thật ra chúng ta thường làm trong phạm vi nhỏ mà không hề hay biết) hay sự chuyển hóa vật chất thành năng lượng, làm giảm thiểu sức nặng hầu như loại bỏ được cả lực trọng lượng.
Trong các kinh sách cổ của phép thiền định đạo Phật thì việc đạt các thần thông được xem là sản phẩm phụ, chúng gây nên hiểm nguy chứ không ích lợi gì trong sự giác ngộ. Việc biểu diễn thần thông là đáng chê trách từ thời xa xưa. Thế nhưng trong một số trường hợp, vì những điều kiện đặc biệt của Tây Tạng, cần thiết phải sử dụng thần thông này, nhất là khi phải vượt qua những chướng ngại tự nhiên, nếu chúng có lợi cho việc chứng thực tâm linh và phục vụ con người.
Thế nên tum-mo là phương tiện tiến bộ tâm linh và là cách chống lại cái lạnh của mùa đông Tây Tạng mà các tu sĩ du già phải chịu trong hang đá hay khi nhập thất, thất này nằm cao trong dãy núi, vì các vị đó không mấy người kiếm được củi lửa. Thế nhưng cần tránh cách suy nghĩ ngây thơ là tum-mo có mục đích sinh nhiệt; mà đó là chính là phép tu hòa nhập tâm linh, dẫn đến giác ngộ và chứng thực.
Tương tự, lung-gom chỉ là một trong nhiều cách đưa đến giải thoát, trong nhiều trường hợp nó giúp hành giả di chuyển với tốc độ cao mà trong một xứ với phương tiện đi lại và truyền thông sơ khai, đó là điều quan trọng. Cũng có thể óc nhiều người mới đầu chỉ có tham vọng muốn có năng lực siêu nhiên đặc biệt. Thế nhưng sự khổ công để đạt được điều đó lại cũng rất lớn, nên những kẻ dám tu tập phép đó cũng chính là những người có tính cách mạnh mẽ và phẩm chất tinh thần cao. Và những ai chịu khó tuân thủ các phép tu tập này một cách nghiêm túc thì đó lại là người sớm bỏ cái tự hào hay tham vọng ban đầu, vì toàn bộ phép tu là một sự tự chiến thắng không hề làm tăng trưởng cái ngã, nguồn gốc của sự tự phụ.
Điều này được minh họa bằng nhiều truyện nhân gian, như truyện Tám mươi bốn vị Thánh tựu giả(Siddhas), sống trong khoảng thế kỷ thứ 7 đến 10 của kỷ nguyên chúng ta. Nhiều người trong số đó bắt đầu với mục đích đạt những thần thông siêu nhiên vì lợi ích của riêng mình. Trong lúc họ hướng tới mục đích đó và nhất là sau khi đã đạt được thì họ lại đánh mất mọi quan tâm về thế gian, vì trong quá trình tu tập họ đã vượt lên cái tự ngã, nguyên nhân của mục đích vị kỷ ban đầu.
Ta có thể kể thí dụ của vị Khadgapa. Ban đầu ông ta là một tên cướp, ông gặp một vị du già sư và hỏi làm thế nào để trở thành nhà vô địch. Vị du già sư đáp: “Có một bảo tháp không xa thành Benares. Hãy đến đó và đi vòng quanh thánh thất ba tuần, nơi đó có một tượng Quán Thế Âm, vừa đi vừa niệm chú và thiền định theo phép ta dạy ngươi. Nếu ngươi thành khẩn và liên tục tập trung, không để tâm tán loạn thì cuối tuần thứ ba sẽ có một con rắn độc sắc đen từ tháp bò ra. Ngươi phải chụp đầu rắn ngay, nếu không nó sẽ cắn ngươi. Nếu ngươi thực hành đúng phép thiền định thì con rắn không làm gì được ngươi và sẽ đạt được sức mạnh của nhà vô địch”.
Tên cướp cám ơn vị du già sư và làm theo lời dạy. Ông hết lòng hết dạ làm điều căn dặn và khi con rắn bò ra khỏi tháp, ông chụp nó ngay và nhìn lại thì chính là lưỡi kiếm tuệ giác vô địch.
Ông không cần dùng đến năng lực siêu nhiên này nữa vì ông đã trở thành một thánh. Từ ngày đó ông được gọi là Thành tựu giả Khadgapa, “bậc thánh với lưỡi kiếm”. 
 
NYANG-TO KYI-PHUG TU VIỆN CỦA NGƯỜI NHẬP THẤT 
Tất cả những gì mà tôi nghe thấy ở trung tâm tu phép Lung-gom tại Nyang-to Kyi-phug (hang động phước lại tại Nyang) xác định lòng tin của tôi là, mục đích của lung-gom, như phép thần túc thông hay bay bổng lên không, vượt xa tham vọng đạt thần thông, và trung tâm này không phải là nơi tụ họp của những kẻ tham vọng hay ích kỷ, vì cái đầu tiên đòi hỏi một người học phép lung-gom là hoàn toàn ẩn danh.
Khi nhập thất thì người đó đã chết đối với thế gian: không ai được biết tên tuổi, quyến thuộc hay quê hương người đó. Người đó đã bỏ luôn cái quá khứ của mình và sau nhiều năm khi ra khỏi động thì không còn gì của ngày xưa tồn tại với mình nữa, không ai biết người đó là ai. Đó là một người như mới sinh ra kẻ không những quá khứ đã chết, mà là người đã chủ động đi qua cánh cửa của thần chết và tái sinh lại, sống cuộc đời xả bỏ mọi tham chấp riêng tư. Con người mới đó sẵn lòng vì lợi ích của sự giác ngộ của mọi người mà còn giúp họ thoát vòng vô minh.
Điều này còn được lòng tin của quần chúng xác nhận rằng gốc của lung-gom là mong ước của một vị thánh nhân, muốn vượt lên cái chết bằng cách từ bỏ chính tự ngã mình. Vị này là nhà sử học danh tiếng Buston, sinh năm 1289 gần Schigaste và là tu viện trưởng của Schalu. Nơi đó là trung tâm khổ luyện phép lung-gom. Cách đó không xa có một nhà đại huyễn thuật tên Yung-ton Dorje Pal, trong một buổi lễ đặc biệt đã khẩn cầu thần chết, đừng bắt ai phải chết trong một thời gian mười hai năm. Thần chết đồng ý nhưng với điều kiện là phải có ai hy sinh thân mình để đổi mạng (ý này dễ chấp nhận vì một cái chết để cúng dường có giá trị bằng hàng ngàn mạng người chết vì phải chết). Trong buổi lễ đó không ai dám chịu cả chỉ trừ Buston. Cũng vì thế mà nhà huyễn thuật phải thừa nhận vị thánh nhân này là người duy nhất có thể cử hành buổi lễ, nên thay vì nhận sự hy sinh của Buston, ông trao cho Buston các đệ tử trách nhiệm cứ mười hai năm cử hành buổi lễ một lần.
Trong buổi lễ vì phải mời các vị phẫn nộ thần của các chính điện tại trung tâm Tây Tạng và chỉ có sứ giả không biết sợ và có tài đi nhanh đến các thánh thất đó trong vòng hai mươi bốn tiếng mới thực hiện được sứ mạng, nên người ta thiết lập trung tâm đào tạo Lung-Gom tại Samding và Nyang-to Kyi-phug, từ đó mà các sứ giả được gửi đi, cứ mười hai năm thay đổi lẫn nhau.
Câu chuyện này tôi được nghe tại Kyi-phug cũng được Alexandra David-Neel kể lại trong cuốn sách của bà. Tôi không có dịp thăm Samding nhưng cách đây vài năm tôi đọc một bài của Sven Hedin, trong đó ông nói về một cái hang “nằm cao hơn Linga và Pesu”, trong hang đó có một vị lạt ma nhập thất bít kín cửa. Ông thăm chỗ này vào một ngày mùa đông. Hang động này nằm dưới chân một vách đá cao, mang tên Samde-phug. Hang động có cửa sổ, cửa lớn; nhưng có một nguồn suối phun nước từ trong ra, dưới vách tường bít kín cửa ra vào.
“Khi vị lạt ma Rimpotsché bí ẩn này đến liga cách đâyba năm, ông nguyện với các sư trong viện sẽ sống vĩnh viễn trong bóng tối. Qua nghiên cứu kinh sách, người ta xác định ngày tốt sẽ bít cửa. Đến ngày đó thì tất cả các sư tề tựu đông đủ để tiễn ông vào mồ. Câm lặng và chậm rãi như trong một đám tang, các sư từ bình nguyên tụ về cao nguyên, đi từng bước, gần như muốn kéo dài phút giây cuối cùng để cho vị này còn được thấy mặt trời, ánh sáng và màu sắc. Ông biết rằng mình sẽ rời thế gian này vĩnh viễn, không bao giờ được thấy các ngọn núi đứng canh mồ mình. Ông biết mình sẽ chết trong hang, không còn ai nhớ tới.
Sau khi hang được bịt kính, ánh sáng sẽ tắt mãi mãi với ông. Ông sẽ cô đơn, không bao giờ nghe được tiếng người, chỉ còn vang vọng giọng nói của chính mình. khi ông cầu nguyện không còn ai nghe thấy ông, khi ông gọi không còn ai thưa đáp. Đối với bạn đồng môn đã chôn sống ông thì ông đã chết. Họ im lặng xuống tu viện và làm công việc hàng ngày của mình. Mối đây duy nhất giữa họ và người trong động chi là trách nhiệm mỗi ngày phải mang cơm nước cho ông. Một chén nhỏ gồm có tsampa, trà và bơ được chuồi vào khi nhỏ dưới vách, nhưng khe này nhỏ tới mức mà tiếng động, ánh sáng khó vào được với ông. Cách duy nhất để biết ông còn sống hay không là xem ông có ăn uống không. Khi thức ăn suốt sáu ngày liền không được đụng đến thì người ta phá cửa. Nhiều nhà sư kể lại đã có nhiều trường hợp xảy ra: “Cách đây ba năm có vị lạt ma chết sau khi ở trong thất mười hai năm, trước đây mười lăm năm có vị chết, vị này vào thất lúc hai mươi tuổi và sống trong bóng tối bốn mươi năm”.
Sven Hedin cố tưởng tượng những năm tháng vô tận mà kẻ nhập thất phải chịu đựng trong bóng tối: “Người đó không thể đếm ngày nhưng cứ tới mùa hè thì biết một năm đã trôi qua. Về sau chắc người đó không còn nhớ mình đã ở bao nhiêu năm. Cái duy nhất mà người đó đếm được là những hạt của tràng hạt và các lời cầu nguyện… Cuối cùng, sau những năm dài đằng đẵng có ai gõ cửa hang, người đó duỗi tay để đón bạn. Đó là cái chết đã đến ngưỡng cửa. Người tu hành đui mù này suốt chục năm chìm trong bóng tối, đột nhiên thấy ánh sáng rực rỡ… Người đó đã thoát khỏi cảnh luân hồi và đi vào ánh sáng của ân phước vĩnh viễn”.
Câu chuyện xúc động này theo đuổi bên tôi mãi, làm tôi thán phục liệu có ai và làm sao được, suốt một đời sống trong bóng tôi, không có khí trời trong lành, thiếu vận động mà chịu nổi - đó là chưa nói tới sự cùn lụt tâm trí bắt buộc không có khi không tiếp xúc với người. Có thể tin được chăng, khi loại bỏ ánh sáng mặt trời người ta tìm được ánh sáng tự thân hay thậm chí sự giác ngộ? Không phải chính Đức Phật cũng lên án cách tu hành khổ hạnh ép xác cũng như sự hưởng thụ dục lạc thế gian?
Sự tự hủy diệt tâm lý không bao giờ được đạo Phật xem là phương tiện thay đức hạnh. Và người Tây Tạng, dù họ tin nơi sức mạnh siêu nhiên và năng lực chuyển hóa, nhưng từ xưa đến nay trong cuộc sống thường ngày cũng như trong phương pháp tu hành, luôn luôn là người có đầu óc tỉnh táo. Tính chất của họ là thực tiễn và quan niệm tôn giáo của họ không hề hắc ám hay tách rời cuộc sống.
Điều này thì khi đến tại Nyang-to Kyi-phug, tôi hoàn toàn rõ, dù nơi đây có lỷ luật cao độ và tu hành nghiêm túc, tất cả những gì hiện diện nơi đó đều ngược lại với ý niệm cho rằng lung-gom phải tu trong bóng tối (điều mà bà David-Neel hình như cũng tin) và trong điều kiện thiếu vệ sinh không xứng hợp với con người. Ngược lại! Tôi vui mừng thấy các thất thiền định nằm trên dốc núi cao hơn các tu viện hay đền đài, được chăm sóc kỹ lưỡng, chúng được xây dựng hết sức thích hợp để bảo toàn cho sức khỏe vật lý cũng như tâm lý của hành giả, tạo cho họ một sự an tĩnh tuyệt đối, không bị quấy rầy. Nơi đây đúng là”tinh thần minh mẫn trong thân tráng kiện”.
Mỗi một thất đều xây sao cho không khí, nước và mặt trời đều vào được và người ở trong đó phải được vận động. Dù cách ly với thế giới bên ngoài, hành giả vẫn liên hệ được với không gian rộng lớn và có thể theo dõi vận động của trời mây và thiên thể cũng như quang cảnh của bốn mùa. Thất không phải là nơi hành xác hay hay chịu tội mà là chốn của an vui và đi sâu vào quán tưởng. Hoàn toàn không phải là một nấm mồ, thất đưa con người đến tâm an lạc, cũng như gọi tên của Kyi-phug (hang động an lạc). Ấn tượng chung đó làm tôi cũng ước muốn một ngày kia sẽ thiền định và quán tưởng không bị quấy rầy trong một cái thất như thế, trong một thời gian dài.
Kẻ nhập thất có thể mang theo sách vở, hình tượng, tranh thanka, tùy theo phép tu của họ, cũng như vật dụng để cử hành nghi lễ hàng ngày như kim cơnưg chử, chuông, đèn, bình đựng, kể cả tschoktse - một loại bàn thấp để bày biện các thứ. Từ những điều đó ta biết rõ, thời giờ của hành giả được chia rất cẩn thận, gồm học hỏi kinh sách, lễ nghi cầu nguyện và thiền địnhh, chỉ bị gián đoạn bởi sự tập luyện thân thể và các công việc cần thiết như nấu nướng, giữ gìn thân thể và áo quần sạch sẽ, lau chùi các vật dụng tế tự. Với trình độ ngày càng cao thì những hành động đó cũng trở thành các bước thiền quán, rồi cuối cùng toàn bộ cuộc sống của hành giả chỉ là hoạt động đơn thuần của thiền định.
Các thất này thường có một bếp nhỏ với vài cái nồi chảo để nấu trà bơ, đó là phần không thể thiếu được trong thực phẩm Tây Tạng (vì hầu n hư không thể nuốt tsampa khô rốc xuống họng được) và các món đơn giản khác. Các cứ sĩ đến thăm tu viện thường chỉ cúng dường các thứ chưa nấu và một ít thực phẩm khác, chuồi dưới khe bên cạnh cửa đã niêm phong. Bên cạnh bếp thường có một khoảng nhỏ, dưới dó là một con lạch tách từ một dòng suối chảy qua, dùng cho mọi nhu cầu quan trọng, kể cả vệ sinh cá nhân.
Chỗ thiền định thật sự thì rộng và thoáng - nhờ một khoảng trần trống hình vuông nên thành một cái sân nhỏ, xung quanh có mái. Mái che xung quanh một bên rộng, ba bên kia hẹp. Dưới mái rộng là chỗ ở chính của hành giả. Nơi đó gồm có một cái bệ hơi cao bằng đá và đất, dùng làm chỗ ngồi và nằm, trải trên đó là một tấm chiếu mỏng. Đối diện với chỗ ngồi là bàn thờ với tranh tượng, đèn, chén nước và các vật dụng khác. Vách tường đối diện, dưới mái che hẹp là nơi dùng để chứa chất đốt, vật dụng quan trọng trong thời tiết lạnh lẽo của Tây Tạng mà trà nóng hầu như là phương tiện duy nhất để giữ ấm. Tại Tây Tạng chất đốt quá quí, không ai dùng để sưởi phòng, mà trong trường hợp này lại càng không thể, vì trần mở phía trên.
Chất đốt sử dụng trong các thất không phải là phân trâu thông thường vì trong đó hay có sâu bọ - vì thế không phù hợp cho kẻ tu hành có lòng từ bi thương mọi chúng sinh - mà thường là tro trấu hay một loại thảo có hình nấm, có xơ gỗ, giống như một loại rêu cứng mọc trên các triền núi. Người ta cho rằng trong chất đốt này không có loại động vật nào cả.
Từ sân nhỏ có thang lên mái xung quanh và mỗi ngày hành giả có thể lên đó mà không ai thấy; nhờ có vách tường cao che kín có thể lên đó mà không ai thấy; nhờ có vách tường cao che kín nên có thể thiền hành mà không bị quấy rầy. Nhờ thế, hành giả có thể đi cả dặm mỗi ngày tùy thích mà không phải rời thất.
Cách đi này được gọi là “kinh hành” của thời Phật giáo nguyên thủy, ngày nay còn được thực hành trong các nước theo Thượng tọa bộ. Khi đi kinh hành các vị sư nhẩm đọc kinh sách. Còn các hành giả lung-gom thì đi trên mái nhằm giữ sức khỏe thân thể, vì đối với người nhập thất suốt cả tháng cả năm thì đó là cách duy nhất được vận động trong khí trời và ánh sáng.
 
TU LUYỆN THÂN THỂ 
Có những phép tu luyện lung-gom, chủ yếu là nhảy từ thế ngồi hai chân tréo, nhưng không dùng tay. Trước khi nhảy, hành giả lung-gompa hít không khí đầy ngực. Cứ áp dụng phương pháp này hàng ngày thì hành giả nhảy được ngày càng cao và thân thể ngày càng nhẹ dần. Quan trọng nhất là hít thở thật sâu, phối hợp với kỷ luật thuộc thân. Tôi chưa tập phép này bao giờ và cũng không nhớ có ai nhắc đến nó tại Nyang-to Kyi-phug hay không. Thế nhưng theo bà Alexandra David-Neel thì phép này được xem là một cách thử nghiệm cho lung-gom.
“Người ta đào một cái hố, chiều sâu khoảng bằng chiều cao của thí sinh. Trên hố có một cái vòm với chiều cao cũng khoảng như thế. Trên đỉnh vòm có một cái lỗ. Như thế khoảng cách giữa đáy hố và đỉnh vòm khoảng chừng gấp đôi chiều cao cơ thể của thí sinh. Thí sinh phải ngồi xếp bàn tròn, nhảy dựng lên và lọt qua lỗ trên đỉnh vòm. Tôi được nghe người Khampa kể trong xứ họ phải đạt được như thế, nhưng chưa bao giờ thấy tận mắt (26).
Như đã nói, tôi không nghe tại Nyang-to Kyi-phug xác nhận điều này, lạ một điều là có sự trùng hợp với mô tả của John Blofeld về nhà huyễn thuật Meng Goong tại làng Miao ở bắc Thái Lan. Nhà huyễn thuật này ngồi trước bàn thờ tổ tiên “… trên cái ghế cao khoảng một mét, tay đập trống và giọng của ông khỏe mạnh nhưng đáng sợ, nghe không phải tiếng người, vang lên trong buổi lễ. Thỉnh thoảng xảy ra những điều phi thường, có thực và khiếp đảm. Với một tiếng rống ghê gớm ông bắn mình lên cao một mét hay mét rưỡi và rơi thịch xuống băng ghế làm nó rung rinh muốn gãy. Vận động này của một người, hai chân vẫn khoanh tròn không hề duỗi ra, đối với tôi đáng sợ đến mức toát mồ hôi lạnh(27).
Sự mô tả của một tác giả tiếng tăm và đáng tin cậy chứng minh hai điều: thứ nhất, phép tu của người Tây Tạng không phải là hoang tưởng nhưng nhiều độc giả có thể nghĩ; thứ hai, không phải chỉ có sức mạnh cơ bắp trong chuyện này. Nơi đây người Tây Tạng thấy có sự hiện diện của phép bay bổng(28), dù ngắn ngủi nhưng được sinh ra bởi cái nhẹ nhàng phi thường và sức mạnh tâm linh của một nhà Lung-gompa.
Dù gì đi nữa, những thuật tương tự như thế được thực hành ở đông Tây Tạng vàbắc Thái Lan đã xác nhận cảm giác đầu tiên của tôi là tại Tây Tạng, phép nhảy đó không phải của riêng mà cũng chẳng là điều chủ yếu, nó được một truyền thống khác bổ túc vào. Gốc gác đích thực là phép Long-gum, như đã nói, là phép niệm hơi thở pranayana của Ấn Độ cổ(cũng là phần chủ yếu của phép tu du già của Ấn Độ giáo và Phật giáo), trong đó phép luỵen thân thể không hề có vai rò gì. thế nên ta cũng không thể nói kẻ luyện lung-gom là những người chịu “chôn sống” hay nguyện “vĩnh viễn sống trong bóng tối”. Trong thế gian không có gì mà không chịu sự biến đổi hay chuyển hóa; ý muốn và ước vọng, tư tưởng và cảm xúc con người lại càng không. ngay cả thệ nguyện sống đời tu sĩ cũng không hề “vĩnh viễn” hay không được xét lại. Những ai tự thấy đời tu sĩ không hợp với mình hay không mang lại tiến bộ tâm linh đều có quyền quay trở lại cuộc sống bình thường. Đời sống trong tu viện, trong cảnh độc cư hay nhập thất cách ly hoàn toàn chỉ là phương tiện đưa đến mục đích, tự nó không phải là cứu cánh.
Thời gian mà một nhưng nhập thất phải sống cách ly tùy thuộc phép tu(29) và trình độ tu luyện. Người đó không bao giờ bị ép phải tiếp tục tu luyện nếu sức khỏe hay năng lực giảm sút. Tại Nyang-to Kyiu-phug thì các thời kỳ nhập thất được tính toán kỹ lưỡng và hiển nhiên là không ai tu tập mà không được thầy của mình chuẩn bị chu đáo. Thời gian ngắn nhất kéo dài khoảng một tới ba tháng, thời gian trung bình từ một tới ba năm và thời gian dài nhất là chín năm. Thời gian dài nhất đó xem như để hoàn tất phép lung-gom, hành giả có thể tăng lên mười hai năm như truyền thống để lại. Để tránh chuyện khai dối thời gian tu luyện (thường thì uy tín của hành giả lung-gom dựa trên thời gian đó), cửa vào thất được niêm phong bởi các cơ quan tôn giáo hay thế tục, thí dụ của tu viện trưởng hay chức sắc Nhà nước (vì Tây Tạng là một xứ sở của tăng lữ, các công việc thế tục và tinh thần không tách rời hẳn). Bảng niêm phong nếu không được phép của các vị chức sắc thì không được mở ra. Vì chỉ có sức mạnh ý chí và lòng thiết tha cao độ mới chịu nổi sự cách ly tuyệt đối trong một thời gian dài mà không bị nguy hại, nên thời gian đó được coi trọng. Nó được xem là thử nghiệm của sự kiên trì va tính chất mạnh mẽ của hành giả.
Trong thời gian tôi nghiên cứu tại đó thì có sáu người nhập thất ở Nyang-to Kyi-phug. Một trong số đó đã ba năm tịnh khẩu và thiền định, và người ta đoán là ông sẽ không ra khỏi thất trước sáu năm tới đây.
Không ai được phép nói chuyện với một hành giả Lung-gom, cũng như không được nhìn thấy thân thể, dù chỉ chút ít. Quy luật đó là để bồ đề tính chất vô ngã ẩn danh. Vì lý do mà tay của hàng giả được vải che kín khi ông thò ra lấy thức ăn nơi khe cửa, không cho thấy hình dạng đặc biệt của tay mình, như có vết sẹo hay xăm tay, cho nên không ai biết được người đó là ai. Khe hở đó, tôi đo là 22,5x25cm, cũng chính là nơi mà hành giả lung-gom chui qua sau chín năm tu luyện.
Người ta nói rằng, sau thời gian đó thì thân hành giả nhẹ và mềm dẽo tới mức có thể chui lọt lỗ đó, lỗ không to hơn bao nhiều một bàn tay của một người bình thường và hành giả có thể chạy nhanh như ngựa phi nước đại, chân hầu như không đụng đất. Nhờ khả năng đó mà hành giải có thể đến các thánh thất tại trung Tây Tạng (U-Tsang) trong một thời gian không thể tin được.
Và người Tây Tạng cũng tin rằng sau khi thực hiện xong sứ mạng trên thì hành giả lung-gom tìm một chỗ độc cư theo ý thích, trong một hang động hay một thất tự mình xây hay tín đồ xây tặng; trong đó ông ta sẽ thiền định và giáo hóa chúng sinh cho đến cuối đời bằng cách thực hành những trách nhiệm tinh thần, phù hợp với phép tu của mình, tùy theo yêu cầu của tha nhân và đệ tử.
Đối với những ai tìm tới mình, ông sẽ chia sẻ ân phước, cứu chữa kẻ ốm đau, giúp người hoạn nạn. Thời gian tu kuyện đã cho ông những sức mạnh tâm linh để chữa bệnh, có khi chỉ cần rờ tay đến hay qua những nghi lễ đặc biệt như sử dụng dược thảo hoặc thuốc men đã được ban phép, các thứ này đóng một vai trò quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng. Các năng lực thiêng liêng này đều nhờ những hoạt động tâm linh mà có.người Tây Tạng tin rằng ai càng đi xa trên con đường đạo thì càng có nhiều năng lực cứu giúp cho kẻ khác, càng có thể ấn chứng vật thể bằng năng lực mang lại phước lành của mình. 
KHẢ NĂNG CHỮA BỆNH
 
Lòng tin nơi khả năng chữa bệnh của những người đã thành thánh nhân nhờ suốt đời đã theo hạnh xả bỏ và tu luyện tinh thần, lòng tin đó không phải chỉ ở Tây Tạng mới có, mà nólà một kinh nghiệm chung.
Mối liên hệ giữa niềm tin và sức chữa bệnh có tác dụng qua lại. Niềm tin là khả năng tự mở lòng mình, khả năng tiếp nhận; còn sức mạnh tâm linh, thể hiện trong sức chữa lành bệnh, là khả năng đối thoại, tỏa sáng, sự tuôn trào cái giàu có nội tại của mình cho bên ngoài và là sự đơm hoa kết trái của một tâm hồn già dặn trong an tĩnh muốn được chia sẻ với người khác. Khả năng chữa bệnh và lòng tin vì thế mà như hai cực âm dương của một sức mạnh duy nhất, và ở đây có cái trước thì ở đó có cái sau. Thế nhưng, cũng có chiều ngược lại: Lòng tin cũng có thể thành sức mạnh, trong đó lòng tin như một thứ chân không hút hết các lực nằm xung quanh và chiếu lại như vật thể hay con người nó hướng tới.
Các vị lãnh đạo tôn giáo thường tùy thuộc nơi lòng tin của đệ tử, cũng như đệ tử lại cần niềm xác tín toát ra từ vị thầy. Một khi quá trình này bắt đầu rôì thì nó mau chóng lớn mạnh. Lòng tin khi đã tập trung lên một vị lãnh đạo tinh thần hay một đạo sư (vị trí này thường được quyết định bởi phẩm hạnh cá nhân của người đó), nó sẽ biến người này thành một trung tâm gồm những năng lực, chúng vượt xa hơn hẳn bản thân người đó, và làm người đó có những năng lực phi thường. Thế nhưng khi những người đó bị mất đi môi trường tự nhiên của mình cũng như hậu thuẫn tinh thần và truyền thống - như trường hợp các vị lạt ma Tây Tạng sống trong một thế giới hoàn toàn xa lạ, trong một tình trạng hư vô về tinh thần - thì người ta không thể chờ đợi các vị đó có những năng lực siêu nhân nữa.
Khi chưa hiểu mối liên hệ hỗ tương giữa lòng tin và sức mạnh tinh thần, thì khả năng chữa bệnh của một thánh nhân hay một con người đã tu tập, người đã tìm ra một cái trung tâm nội tại của mình, sẽ bị xem như một pháp thuật hoặc một sự nhảm nhí. Điều mà đối với ta, phép thuật chẳng qua chỉ là sự thu ngắn của nhiều năng lực tự nhiên, tức là sự tác động trực tiếp của tâm lên tâm, không thông qua giác quan hoặc các bộ phận cơ thể vật lý. Lòng tin sinh ra một cái như chất xúc tác hay cây thang nối tâm với nhau. Cũng như điện luôn luôn có đó nhưng phải cần dây dẫn điện mới tác động được, thì năng lực tinh thần phải cần lòng tin và sự tham gia tự nguyện mới phát huy được.
Thế nhưng khi ta tin rằng, tâm thức không phải chỉ là sản phẩm của các chức năng vật lý hay phản ứng hoá học, mà là yếu tố cơ bản xây dựng nên đời sống, là người sáng tạo và trình bày ra cơ thể, chứ không phải kể nô lệ cho nó - thì chúng ta không thể có kết luận nào khác hơn rằng, có sức khoẻ là nhờ có một tâm thức thăng bằng, hòa hợp; và bệnh tật hẳn phải đi từ một tâm thức rối loạn, mất cân đối. Ngay các kinh sách nguyên thủy của Phật giáo đã xem thức là yếu tố đi trước mọi thứ và là điều kiện tiên quyết của mọi tồn tại.
Người Tây Tạng, thay vì chống lại các hiện tượng thể chất, họ tìm cách giải quyết tận gốc rễ bằng cách chữa cho tâm thức. Điều này có thể xảy ra bằng ảnh hưởng trực tiếp của một vị thánh nhân hay nhờ niềm tin tưởng tha thiết không qua vật dụng cúng dường, biểu tượng, lễ nghi… chúng có thể uốn nắn lại tâm.
Dù ta có tin hay không nơi khả năng tâm lý của vật chất, tức là khả năng tác động của nó về mặt tâm lý khi chủ động tập trung lên nó, thì sự thật là luôn luôn có một mối hỗ tương giữa tâm và vật, thậm chí giữa các dạng vật chất với nhau; vì cuối cùng chúng cũng chỉ là tác trạng thái năng lượng đã ổn định, đã tụ hội. Vì thế ý niệm chuyển hoá chất liệu không phải chỉ Nhà thờ Cơ Đốc giáo mới có, mà của tất cả mọi nghi lễ đều có, trong đó một số chất liệu chịu sự điều động của năng lực do sự tập trung sinh ra, khi thì do những hành động huyền bí, khi thì nhờ thiền định tịnh khẩu của nhiều năm mà người Tây Tạng theo phép tu lung-gom thực hành.
Tất cả những điều này trở nên dễ hiểu khi Tomo Gésché Rimpotsché, sau mười hai năm dài thiền định, tịnh khẩu, ông đã trở lại với thế gian. Ông có một sức chữa bệnh tới mức mà các hạt tễ do ông bào chế qua lễ nghi và phát rộng cho mọi người đến xin phước lành nơi ông, chúng được quý trọng khăp mội nơi tại Tây Tạng, quí hơn cả những hạt trai quý nhất. Khi tôi nhận được ba hạt này sau lễ điểm đạo thì bạn Géché Tubden Scherab, người có mặt trong buổi lễ, xin tôi hãy chia sẻ cho ông. Ông kể tôi nghe chúng cứu ông như thế nào trong những lúc đau nặng hết thuốc chữa, chúng có một sức chữa lành ngay tức khắc. Vì hồi đó chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa quà tặng của vị đạo sư và xem đó chỉ là thuốc men thông thường mà mình không mấy khi dùng - đó là không kể tôi tin thuốc tây hơn - tôi tặng hai viên cho người bạn đó. Tiếc thay về sau tôi cũng không nhớ để xin thầy cho thêm, cho nên ngày hôm nay tôi chỉ còn một viên duy nhất. Chỉ nhiều năm sau tôi mới biết giá trị của nó. Cầu chuyện sau đây có thể làm sáng tỏ ý nghĩa của viên thuốc. Vào năm 1949, lúc tôi cùng Li Gotami trên đường về từ tây Tây Tạng, chúng tôi thấy tại Rampur - thủ phủ của bang Baschar do một vương tước theo Ấn Độ giáo trị vì -, một đền thờ Tây Tạng với đầy đủ các thứ, gồm tam tạng kinh điển, các thứ pháp khí và một bánh xe cầu nguyện khổng lồ, vì dân chúng Rampur hoàn toàn theo Ấn Độ giáo, chúng tôi lấy làm lạ tự hỏi ai đã xây thánh thất này, vai giữ gìn quét tước và sau đó khám phá ra đó là nhờ vị tiểu vương tại Rampur, vị này chính là người cho xây và coi sóc ngôi đền này.
Nguyên vị tiểu vương suốt bao năm không có con và vì vậy không có ai nói ngôi. Mặc dù vị này đã nhờ các vị Bà-la-môn cố vấn và tổ chức nhiều giới đàn cầu tự, nhưng mong ước của ông không thành. Ngày nọ có một vị lạt ma tôn quí cùng đoàn tùy tùng đi ngang qua Rampur, trên đường đi thăm thánh địa Ngân Sơn(30); và vì tên tuổi của ông quá lớn nên hàng ngàn người, nhất là những người thuộc vùng phía bắc, tìm đến lễ bái và xin ông ban phước. Vị tiểu vương không bở lỡ cơ hội, mời lạt ma vào cung điện và than thở số phận của mình. Vị tiểu vương hứa với lạt ma sễ cho xây một đền thờ Phật giáo với đầy đủ kinh điển, nếu lạt ma ban phước cho ông sinh được người kế vị.
Vị lạt ma hưa giúp nhưng đòi nhà vua phải cho ông một chỗ không ai quấy rầy để thiền quán và để thực hành nghi lễ, nơi ông sẽ bào chế thuốc cho vua và hoàng hậu uống. Vị tiểu vương liền cho xây một toà nhà đặc biệt ngay trên nền cung điện và cấm không cho ai lại gần có thể làm phiền lạt ma.
Thế nhưng có một tôi tớ của nhà vua không kiềm chế được sự tò mò, lợi dụng đêm tối lẻn vào toà nhà xem vị lạt ma làm vì. Chắc hẳn anh ta đã nghe về bí mật của các viên thuốc và tìm biết cách bào chế, vì nghe đâu cần nhiều chất liệu khó kiếm, người thường không thể có được. Khi anh ta nhìn được vào bên trong thì thấy vị lạt ma, xung quanh là một số nhân trạng kỳ dị, thiên nhân có, ma quỉ có, anh sợ quá ngất xỉu. Ngày hôm ssau người ta thấy anh nằm trước bậc cầu thang vào nhà. Khi tỉnh dậy anh ta nói như người bị lên cơn sảng về những gì mình đã thấy một cách đầy sợ hãi. Vài giờ sau anh ta chết. Sau câu chuyện này không ai dám lai vãng đến đó nữa, còn vị lạt ma thì chìm sâu trong thiền định. Người ta chỉ nghe tiếng chuông trống, lần với tiếng tụng niệm rù rì của vị lạt ma.
Tới ngày đã định, vị lạt ma rời nhà, ban phước cho vị tiểu vương và hoàng hậu và chỉ đưa cho họ các viên thuốc và chưa đầy một năm sau thì một hoàng nam ra chào đời. Để cảm tạ vị lạt ma này, nhà vua giữ lời nguyện và cho xây đền. Ông gửi một phái đoàn đến Tây Tạng để in lại kinh sách được cất giữ tại Narthang và thỉnh các pháp khí cần thiế cho một ngôi đền. Sau khi chiêm bái đền xong, chúng tôi đến cung điện để xin xem toà nhà mà vị lạt ma đã ở. Trong dịp này chúng tôi hỏi người giữ nhà tên của vị lạt ma. Câu trả lời là: “Tomo Géché Rimpotsche”.
Khắp nơi trên đường từ Tây Tạng đi Rampur chúng tôi đều nghe những câu chuyện kỳ diệu về chuyến hành hương của Tomo Géché Rimpotsché, đó là một biến cố đã cho hàng ngàn người niềm tin và hy vọng mới mẻ. Bất cứ chỗ nào dừng lại, ông đều giảng pháp Phật, chữa bệnh cho kẻ ốm đau, nâng đỡ người hoạn nạn đã tìm đến với ông. Tại làng Poo, biên giới Tây Tạng, người ta khiêng một bé gái gần chết lại cho ông. Bé đã ốm từ lâu và tình trạng vô vọng đến nỗi thân nhân ngại đem lại cho ông vì sợ đi giữa đường cô bé sẽ chết. Thế nhưng người trong làng tin vào sức mạnh kỳ diệu của Tomo Géché Rimpotsché, nên họ thuyết phục cha mẹ bé hãy liều đi. Khi bé đến nơi ở của vị lạt ma, hầu như cả làng đều có mặt.
Trước sự chứng kiến của đám đông. Tomo Géché ra lệnh cho cố bé hãy vươn người đứng dậy. Mọi người kinh ngạc thấy bé mở mắt ra đứng dậy, và sau khi nhận phước lành của lạt ma, bé đi ra khỏi nhà, như chưa hề bao giờ đau ốm. Lúc chúng tôi đến Poo thì cô bé này còn sống và nhiều người chứng kiến bảo đãm đây là sự thực. Chúng tôi không có lý do gì nghi ngờ điều này - cho dù Tomo Géché không phải là thầy của chúng tôi cũng thế, vì hầu như không có nơi nào ông đi qua mà mọi người không nhắc ông bởi cặp mắt ngời sáng và lòng tôn kính sâu xa, dù nhiều năm đã trôi qua và bậc đạo sư đã rủ bỏ tấm thân mình rồi.
Mặc dù sức tưởng tượng của nhân gian đã khoắc một tấm màn huyền thoại lên những chuyện thực nhưng vẫn rõ ra một điều là Tomo Géché Rimpotsché phải có năng lực chữa bệnh phi thường và nhân cách của ông đẫ để lại nơi người gặp một ấn tượng không thể xoá mờ. Điều này qua nhiều câu chuyện đã chứng thực. Sinh tiền, cuộc đời của ông đã là một huyền thoại. Tất cả những ai biết đến ông đều rõ là huyền thoại bao quanh một thánh nhân thường chứa đựng nhiều sự thực, chứ không như đầu óc hay nghi ngờ của trí thức phán đoán và ngay trong thời đại khô cằn này của chúng ta vẫn có thánh nhân xuất hiện trên trái đất - như trong những ngày của Phật Thích-Ca hay Chúa Jesus, của Mohammed hay vị thánh Franz von Assisi.
Hình ảnh của Tomo Géché Rimpotsché cho thấy một cách thuyết phục, là ngay những kẻ đã tu phép du già nghiêm khắc và sống nhiều năm trong tình trạng hoàn toàn độc cư, vẫn không mất mối liên hệ nội tại với người đời, mà càng sẵn sàng phụng sự cao độ cho xã hội loài người. Trong đời sống tâm linh của người Tây Tạng, lạt ma đóng một vai trò lớn hơn, có ảnh hưởng sâu sắc hơn trong dân chúng so với các nhà thông thái chỉ biết lo dạy học hay nghiên cứu kinh điển.
Chức năng của một vị thầy tâm linh, tức là một đạo sư, theo quan điểm Tây Tạng không nhằm việc đưa ra một dạo lý gì đặc biệt hay giảng giải những nguyên lý cơ bản của đạo Phật truyền thống, mà là một sự bày tỏ họ đã chứng thực được mục đích cao nhất và con đường họ đi là thể thực hành được. Ngay một hành giả giữ tịnh khẩu, như một ngọn đèn, cũng có thể phát ra được những tia sáng tri kiến soi màn vô minh và ảo giác. Chỉ cần sự có mặt của họ, chỉ cần họ hiện hữu trong ánh sáng của giác ngộ là đủ để cho người lạc lối trong bống tối lấy lại được niềm tin và tinh tấn.
Đối với người bình thường thì tù biệt giam là hình phạt nặng nhất. Một tâm thức chưa tập luyện sẽ tan vỡ dưới sức ép của sự cách ly mọi tiếp xúc của con người. Những ai đã qua khỏi thử thách đó mà không thiệt hại gì, chứng tỏ rằng họ có một tiềm năng phi thường. Thế nhưng năng lực đó không phải là vấn đề của sức mạnh thể chất hay tâm lý, mà là tính tự tại và tri túc của tâm, nó đòi hỏi một nội tâm giàu có, một tư duy độc lập và kỷ luật ý chí, mà những thứ đó chỉ đạt được thông qua một phép tu học lâu dài và chu đáo.
Thế nên người Tây Tạng có lý khi họ kính trong và tin tưởng ở đạo sư, người có sức mạnh đạo đức và tâm linh đã đạt được trong sự cô độc thiền định và tu tập, hơn xa những kẻ nói năng lưu loát, có đầu óc khôn khéo. Chỉ những ai đã đến với báu vật của thế giới nội tại, kẻ đó mới bỏ được của cải thế giới bên ngoài. Muốn làm được như thế, họ phải có chìa khoá mở được kho tàng bên trong. Chìa khóa không khác gì hơn là các phép tu (nghi quĩ) mà hành giả phải tu học đưới sự hướng dẫn của một vị thầy.
Thông qua thần chú của thầy cho mà hành giả liên hệ được với thầy và các bạn đồng môn tâm linh đi trước mình. Nhờ vào nghi quĩ mà hành giả liên hệ được với thế giới nội tại. Và dần dần, thế giới này sẽ phát huy và sẽ trở nên thực tại ngày càng lớn, cho đến lúc nó phủ kín hành giả như một man-đa-la thánh thiện mà tại trung tâm của nó, hành giả cảm nhận một niềm an lạc, vượt xa mọi vui thú thế gian mà họ đã bỏ lại bên ngoài cái thất của mình.
Hành giả sẽ không còn chút thời gian nhàn rỗi. Ngày tháng của họ sẽ tràn ngập việc làm - họ sẽ không thụ động ngồi chờ cái chết hay bất cứ linh ảnh gì, mà dùng sự sáng tạo để xây dựng nên một thế giới mới, thâm nhập vào nó, làm nó vững chắc, đó là thế giới dựng nên từ những yếu tố cơ sở luôn luôn hiện hữu của một thực tại sâu xa và bao trùm. Trong quá trình sáng tạo này, hành giả tự giải thoát ra khỏi những dấu vết cuối cùng của sự tham chấp hay vướng mắc nơi bất cứ sắc thể gì, vì bây giờ toàn bộ dàn nhạc của sự sáng tạo đã thuộc về người đó. Và như một nhạc trưởng(31) lớn không bao giờ vướng mắc nơi nhịp sáng tạo của chính mình - vì bây giờ họ đã là chủ và bất cứ lúc nào cũng dùng ý chí cho chúng sống lại cả - họ tự thấy mình tự tại và làm chủ tất cả mọi sắc thể, và đồng thời thấy mình là trung tâm thầm lặng của vũ trụ. 
 
VỊ ẨN TU TẠI LATSCHEN
 
Từ những điều đã thấy, tôi nghĩ rằng suối nguồn của mọi cảm hứng không phải là những tu viện to lớn, khối tăng lữ đồ sộ hay đại học tôn giao (như Sera, Drepung và Ganden, các cơ sở tri thức lớn nhất của Tây Tạng) mà những cuộc sống độc cư thầm lặng, trong khe thác hay rẻo sau vào các dãy núi đầy uy lực hay trong thung lũng xa vắng, hoặc đỉnh cao không mấy người lui tới như đỉnh chim ưng trên mỏm đá, hay trên các cao nguyên vắng người bên cạnh bờ hồ yên tĩnh, xa hẳn đường đi các đoàn lữ hành, xa chợ búa đầy tiếng ồn ào mua bán.
Từ những chốn độc cư và những nhóm nhỏ người tập hợp chung quanh một vị đạo sư để tu tập thiền quán mà sinh ra những thánh nhân và những nhà minh triết Tây Tạng, trong các vị đó người ta tìm thấy niềm cảm hứng và những nơi chốn thầm lặng này chính là nơi mà ai muốn tìm sự minh triết và giải thoát cần luôn luôn quay lại. Vì lý do này mà các đại tu viện cũng có một số những thất thiền định, cũng như nhiều chỗ độc cư nằm cao hơn hơn hẳn, trong những dãy núi gần đó.
Người độc cư vĩ đại nhất Tây Tạng là một nhà thơ, thánh nhân và du già sư Milarepa (1052-1135 sau Công Nguyên), người sống gần hết đời mình trong hang động và trong các dãy núi không leo tới được. Theo gương ông, đệ tử của phái kargyutpa đến ngày hôm nay vẫn coi trọng việc tịnh khẩu và thiền quán hơn kiến thức sách vở và các cuộc thảo luận hàn lâm. Đời của ông phải là mẫu mực về ảnh hưởng của một con người lên thế gian, dù người đó có sống cách ly bao nhiêu. Đóng góp của ông cho nền văn hóa và đời sống tâm linh Tây Tạng mang tính cách trực tiếp và độc đáo, thật là vô song trong cái đẹp nên thơ và lòng thiết tha quên mình.
Một thí dụ đáng chú ý của một tu sĩ trong thế kỷ này của chúng ta là sư trưởng tại Latschen, người ẩn tu tại Latschen và thất độc cư của ông nằm tại biên giới của bắc Sikkim và Tây Tạng. Hầu tước Roinldshay (về sau là Marquis of Zetland) ngày trước là thống đốc Bengal, viết những dòng sau đây về ông: “Suốt hai mươi sáu năm, thói quen của ông là thỉnh thoảng rút lui khỏi thế gian, để sống một cuộc sống thiền định thầm lặng trong một hang đá hẻo lánh - nằm trên một núi đá cao khó tới, trên những dãy núi như phi thực, cao hơn hẳn trên đường mòn đi Thangu. Một trong những thời gian rút lui đó kéo dài đến năm năm, lúc này ông không gặp một bóng người nào và giữ cho thân tâm tồn tại bằng thực phẩm tối thiểu”.
Hầu tước Ronaldshay viết những dòng này cách đây ba mươi năm trong tác phẩm Lands of the Thunderbolt (Xứ sở của sấm sét), trong đó ông kể lại những câu chuyện với các tu sĩ mà ông có cảm giác rằng các vị này đã thực chứng tình trạng giải thoát. Ông nói thêm: “Điều chắc chắn là lý do làm các vị đó xa lánh người đời và bất cần thể xác yếu đuối để sống hàng năm trong sự cô quạnh hoàn toàn, lý do đó phải mạnh mẽ phi thường. Hiển nhiên là một cuộc sống như thế đáng được khâm phục và tôn trọng”.
Ta có thể tự hỏi, liệu một sự nỗ lực và thành quả như thế phải chăng có ích cho thế gian hơn, nếu người độc cư đó trở về với xã hội để mang lại lợi ích cho con người bằng sự minh triết đạt được. Điều này cũng phù hợp với cách làm của các vị chuyển pháp khác. Thế nhưng vị sư trưởng ẩn cư chọn một con đường khác.
Một ngày nọ có một phụ nữ châu âu tìm đến động của ông và xin làm học trò. Vị tu sĩ chỉ vào một cái động, không xa động của mình bao nhiều và trả lời: “Nếu bà chịu ở trong đó ba năm, không đòi về”. Người phụ nữ chấp nhận điều kiện và ở lại ba năm thực, bà kiên trì sự cách ly hoàn toàn và cái lạnh của ba mùa thu đông Himalaya với nhiệt độ bắc cực.
Người phụ nữ đó, về sau trở thành đệ tử của vị tu sĩ, không ai khác hơn là nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp và nhà Đông phương học Alexandra David-Neel, mà sách của bà được sự quan tâm lạ thường của người đọc nên được dịch ra tất cả các thứ tiếng. Kiến thức sâu xa toát ra từ những sách do đã cho phương Tây lần đầu tiên có một cái nhìn khách quan về các phép tu tâm linh lâu nay mà người ta chưa biết tới và trạng thái tâm thức của các bậc thầy thiền định Tây Tạng cũng như học trò của họ. Kiến thức đó chính là kết quả của ba năm học tập và thiền định dưới sự hướng dẫn của tu sĩ vĩ đại tại Latschen, người không hề rời thất của mình giữa đỉnh núi tuyết Himalaya mà tìm được một cách chắc chắn phương tiện thích hợp nhằm để lại cho thế giới gia sản tâm linh của mình.
Với từ “gia sản”, tôi không nói về sự nhắn gửi có tính chất riêng tư hay việc truyền bá một giáo pháp, mà là thông điệp để mở rra cho thế giới thấy kho tàng cất giấu nền văn hóa tâm linh của Tây Tạng và kinh nghiệm tôn giáo của mình. Nếu trong những điều đạt được của những năm cô quạnh đó được bà kể lại với những lời nhiều ý nghĩa: “Tâm thức và cảm quan tinh tế vượt hẳn qua một cuộc sống chỉ chuyên quán tưởng, gồm quán sất và phản ánh liên tục. Nếu không trở thành một bậc thấu thị thì ít nhất người ta cũng biết rằng bấy lâu nay mình là kẻ mù”.
Đó là đích thực là hạt nhân của vấn đề: vị tu sĩ chuyên quán tưởng không hề nhắm mắt và quay lưng với thế gian mà mở mắt ra và trở nên tỉnh giác cao độ; thay vì làm cùn lụt giác quan thì nơi họ phát sinh ra một khả năng cảm nhận cao hơn và tri kiến sâu hơn về tự tính đích thực của thế giới và chính mình. Và điều này cho họ thấy, cũng điên rồ như nhau, những ai muốn bỏ trốn thế giới hay chạy theo nó: cả hai thái cực này đều có chung một gốc rễ, đó là ảo giác cho rằng thế giới là một cái gì tách hẳn khỏi chúng ta. Đây là ảo một giáo lý mà tu sĩ Tây Tạng thường dạy học trò, một giáo lý đặt nền tảng trên triết lý đạo Phật về tính Không, đó là cái Không bao trùm mọi vật, kể cả tư tưởng.
Đó là giáo lý mà vị ẩn cư chỉ cho tôi thấy một cách đầy ấn tượng khi tôi viếng ông trong thất trên vùng Thangu, trên một độ cao khoảng 4000 mét. Vị tiểu vương Sikkim mà tôi là khách của ông năm 1937, khi nghe tôi sẽ viếng, người tu sĩ ở Thangu đã sẵn lòng cho tôi người và ngựa, lương thực cũng như giấy phép trên đường đi, tôi muốn ở đâu thì ở, trong nhà khách hay tu viện. Từ lâu tôi đã có ý muốn thăm vị tu sĩ này và vì ông dã trên bảy mươi, đây hẳn là dịp duy nhất và cuối cùng để được gặp tận mặt người này, người đã có một ảnh hưởng sâu xa lên đời sống tâm linh trong xứ sở của ông. Vì thế tôi vui lòng làm một chuyến du hành hai tuần trên lưng ngựa qua những ngọn núi cao nhất thế giới (Sikkim có nhiều núi cao hơn 7000 mét, nhiều hơn bất cứ nước nào khác có cùng diện tích), thậm chí chấp nhận cả khả năng thoái thất của ông đóng cửa không tiếp khách khi phải thiền định dài ngày cũng chẳng làm tôi ngại. Một điều đáng lạ khác là mà tôi phải chịu là mùa đông sắp tới và quả nhiên hầu như chúng tôi phải kẹt trong tuyết, đúng vào ngày của chặng đường cuối chuyến đi thì tuyết đã đóng đầy đường. Người ta đã khuyên chúng tôi hãy đợi người đưa trâu đến dọn tuyết, chứ ngựa không đi qua nổi. Thế nhưng tôi không đợi được nữa vì nghĩ bây giờ mà không xong thì sẽ không bao giờ - và ai dám nói là ngày hôm sau tuyết không đổ dày hơn? Vì thế mà tôi không để ai ngăn và cuối cùng mặc dù gặp trở ngại, tôi vẫn tới được Thangu.
Tôi tìm được một nhà nghỉ lạnh ngắt, nằm chơ vơ trên vùng cao nguyên. Thất của vị tu sĩ nằm cao hơn trên triền núi sau nhà nghỉ. Vì quá lạnh và đã trễ để làm được cái gì, tôi đi ngủ sớm, hy vọng hôm sau thăm được vị ẩn cư.
Trước khi di vào giấc ngủ, một chuyện lạ xảy ra cho tôi: Tôi có cảm giác có ai đó nắm giữ ý thức của mình và không những chỉ ý thức mà cả thân thể lẫn ý định. tôi không điều khiển được tư tưởng của mình nữa, hầu như ai nghĩ ngợi giùm tôi, như có ai quyết định thay tôi, nên dần dần tôi như mất cái riêng tư của chính mình, khuất phục trước một uy lực khác lạ. Năng lực này, như chút ý thức cuối cùng của tôi mách bảo, không ai khác hơn là vị tu sĩ, người đang hướng sự chú ý về tôi - có lẽ hoàn toàn không cố ý - và chiếm lấy thân tôi, nhờ sự tập trung cao độ của ông cũng như sự tự nguyện của tôi trong tình trạng nửa ngủ nửa thức. Tôi cảm nhận sự hiện diện này của vị tu sĩ không có gì là thù nghịch hay là ác ý - mà ngược lại nó cho tôi một cảm giác yên lòng và kỳ diệu để mình cứ giữ yên trong sự thu hút của năng lực càng lúc càng mạnh này.
Tôi thấy mình như một mảnh tinh cầu bị hút vào trong quĩ dạo của một thiên thể - cho tới lúc tôi phải buông, phải “rơi”, để chịu sự tan vỡ hoàn toàn. Đột nhiên tôi đâm ra sợ hãi không sao nói được, mình sẽ đánh mất tự tính của mình thôi, mình sẽ bị tống cổ ra khỏi thân thể và rơi vào một cõi hư vô không tên tuổi, không có đường trở lui.
Với sức mạnh cuối cùng và sự liều lĩnh trong tuyệt vọng, tôi nhảy bật ra khỏi giường, tìm cách chống lại thế lực này, nó xem ra cũng tìm cách giữ tôi lại. Tôi thắp một ngọn nến, lấy giá vẽ và một miếng than (những thứ tôi luôn luôn mang theo). Nhằm chắc chắn mình còn là mình, tôi hối hả tự vẽ chân dung mình, nhờ vào miếng gương cạo râu. Cùng với công việc đó thì uy lực nọ cũng rời bỏ tôi và khi bức ảnh xong thì tôi lấy lại được sự kiểm soát chính mình.
Sau khi ăn sáng, tôi leo lên thất và được vị ẩn tu chào đón rất thân thiện. Sau khi nói vài lời xã giao và uống trà nóng, trà mà vị ẩn tu rót từ cái bình rất cũ, - để trên một lò đất có than hồng - vào chén gỗ của tôi (ở Tây Tạng người ta luôn luôn mang theo chén gỗ này), tôi bày tỏ lòng mến mộ của mình đối với các tác phẩm của bà David-Neel và lòng khâm phục làm sao bà có thể chịu nổi đời sống độc cư qua nhiều năm như thế. Toát ra một niềm vui khi nghe nhắc đến tên bà, ông lôi ra từ trong một thùng để bên cạnh ghế một mẩu báo cũ với ảnh của bà Alexandra David-Neel. Trong lúc đó tôi nhìn hình đó thì ông nhắc lại thời gian bà học đạo với ông và khen sự kiên trì và cá tính mạnh mẽ của bà.
Ông hỏi thầy tôi là ai và sau khi biết là Tomo Géché Rimpotsché (lúc đó đã mất) thì ông lấy từ tay tôi tượng Phật được thầy cho và từ đó luôn mang theo mình, để lên đỉnh đầu một cách kính trọng. “Ngài là một vị đại lạt ma” ông vừa nói vừa nhìn tượng, “một vị lạt ma vĩ đại”.
Khi nghe tôi kể thời gian tu học tại Sri-Lanka, ông cười và chỉ cái bím tóc của mình và hỏi Phật tử ở đó nghĩ gì khi biết đến ông, kẻ không bao giờ cạo đầu và lại là người có vợ con. Vợ ông đã chết từ nhiều năm trước. Tôi nói, đồng tình với nụ cười của ông, “Bản thân Phật cũng có vợ có con trong đời này - Nhưng phần lớn người đời lại phụ thuộc nơi bề ngoài. Họ không biết rằng không phải chiếc áo hay đầu không tóc làm nên vị thánh nhân, mà là sự chiến thắng những ham muốn và ưa thích vị kỷ”.
“Và tri kiến là cái sinh ra từ sự chứng thực của thực tại cao nhất trong thiền quán”, nhà ẩn tu nói thêm. “Đạo lý và thiện mỹ đơn thuần mà không có trí huệ cũng vô ích, như sự hiểu biết mà vắng mặt lòng tốt”.
Điều này dẫn dắt chúng tôi qua đề tài thiền quán và cá phương pháp khác nhau cũng như kinh nghiệm về nó; và tôi kể lại chuyện đêm qua. Thế nhưng vì hỗ thẹn không dám thú nhận đã sợ hãi như thế nào khi đứng trước cái Không vô đáy, tôi để dịp này đi qua và thay vào đó xin nhà ẩn tu hãy viết vài chữ trong cuốn sổ thiền định của tôi để kỷ niệm lần gặp gỡ và động viên cho những lần thiền định về sau.
Lúc đầu ông ta chần chừ và nói tuổi già sợ tay không viết không còn trơn tru được nữa, thế nhưng bỗng nhiên ông cầm bút tre chấm vào muội đèn và viết một trang vào cuốn sổ tay của tôi bằng chữ Tây Tạng.
“Đây”, ông nói, “đây là đề tài thiền quán cho anh: Mười tám dạng của tính Không!”
Thì ra ông đã biết điều gì xảy ra cho tôi tối hôm qua và tôi đã tìm cách giấu giếm. Tôi xúc động tột độ. Khi chia tay và khi hai tay của vị ẩn tu để trên đầu ban phước lành, tôi biết mình đã gặp ông không phải bằng da bằng thịt mà trong tâm thức - một cách đã cho thấy uy lực của sự tập trung và lòng nhân hậu của ông.
Tôi không bao giờ gặp ông nữa - vì sau đó không lâu ông theo chân thầy tôi. Thế nhưng cứ mỗi lần thấy bức hình tự họa khó quên trong đêm nọ, tôi biết, bức hình không những chi diễn tả chính mình mà cả vị ẩn tu vĩ đại đó - mặc dù nó chứa đựng nét mặt của tôi, nhưng tôi đã nhìn mình bằng cặp mắt của một người đã thực chứng tính Không to lớn.
Nhờ thế mà chuyến đi không phải vô bổ và tôi trở về với đầy sự biết ơn trong tim - biết ơn vị ẩn tu cũng như vị tiểu vương đã giúp tôi thực hiện được chuyến du hành, qua đó mà ông cũng có dịp bày tỏ lòng hâm mộ và kính trọng đói với vị tu sĩ. Tôi sẽ không bao giờ quên cái an tịnh của không khí ẩn cư giữa dãy núi tuyết cũng như lời giáo hóa của ông cho tôi; đó là chúng ta sẽ không thể đối diện với cái Không to lớn một khi ta chưa đủ sức mạnh và kích thước để làm đầy nó với chính tự tính của mìn. Vì tính Không phải là sự phủ nhận về cá thể hạn chế chúng ta, mà là cái bao trùm toàn thể, không thể dùng giác quan để nắm bắt, nó như bà mẹ vô tận của không gian, người sinh ra mọi sắc hình, nuôi dưỡng và bao bọc lại trong mình, trong đó ánh sáng vĩnh viễn tuôn trào không bao giờ tắt.
 
SỰ GIẢI CỨU HUYỀN DIỆU
 
Trước khi trở về Gangtok, tôi đến thăm lại đền của vị tiểu vương ở Podang. Vị sư trưởng, người có một khuôn mặt đặc biệt đẹp và trí tuệ, nhắc đến tên bà Alexandra David-Neel lúc bà mới đến đây. Tôi ở ngay trong phòng ngày xưa bà đã ở, trong đó thì thầm một giọng nói đáng sợ của chàng tiểu vương trẻ tuổi (tiền bối  của vị tiểu vương ngày nay Taschi Namgial mà tôi là khách) cảnh cáo sự chết sắp tới và sự thất bại của công cuộc cải cách tôn giáo của mình. Như những chàng thanh niên với đầu óc Âu tây, chàng tiểu vương nọ thấy mình phải giải thoát nước mình ra khỏi cái nhà mà chàng cho là lòng tin nhảm nhí: chàng không biết rằng làm như thế chỉ mang lại sự sụp đổ mọi giá trị truyền thống.
Thế nhưng chúng ta vẫn còn sinh động, mặc dù có thể bị chôn vùi dưới cỏ dại của sự hiểu lầm nhân gian và lễ nghi (điều quá tự nhiên trong một đất nước chỉ toàn bộ lạc hoang sơ), điều đó hiện rõ với tôi khi tiếp xúc với nhà trí thức Bermiak Rimpotsché, anh của vị thư ký riêng cho nhà vua. Kasi Bermiak. Vị Rimpotsché, cũng như người em (bạn của tôi nhiều năm) cho thấy rõ rằng, nếu một sự cải cách tôn giáo trong nước này có cần thiết chăng nữa thì nó chỉ có thể sinh ra từ sự đánh giá lại những giá trị văn hóa truyền thống mà trên đó nền Phật giáo Tây Tạng được xây đắp, chứ không bao giờ có sự du nhập các cách tư duy xa lạ, dù cho cách tư duy có gần gũi với các nguồn gốc lịch sử của Phật giáo. Những bằng cớ lịch sử hay lý luận không bao giờ đóng vai trò quyết định trong đời sống tôn giáo, vì đời sống này chỉ tùy thuộc sự chứng thực và hình dung sáng tạo của tín đồ, chứ không tùy thuộc gì vào các “sự thực” trừu tượng và kết luận logic. Hình ảnh của Đức Phật xuất hiện trong tâm của nhà thơ và tín đồ, thậm chí hình vẽ của Ngài trong tranh tượng được hàng bao thế hệ nghệ nhân tạo nên từ thiền quán sâu xa, có ảnh hưởng lớn hơn hẳn trong sự phát triển, so với mọi lý thuyết triết học, chúng chỉ cố trình bày kinh nghiệm trong ngôn ngữ của lý luận và trong dạng của qui luật và hệ thống. Những trình bày đó hiển nhiên không phải là giá trị; ngược lại chúng cũng là sự cần thiết của tâm, chức năng của chúng ta để tiếp thu và xếp đặt những gì đã chứng nghiệm.
Trên đường Podang, chuyến đi của tôi suýt bị hiểm nguy. Khi leo ngược lên tu viện, xuyên qua rừng già, tôi phải xuống ngựa, đó là một con bạch mã không chút bợn màu mà giữ ngựa cho hay nó chính là con ngựa của vị tiểu vương. Tôi cho con bạch mã đi sau tôi, cùng với con ngựa kia của người giúp việc (người này vừa lo nấu ăn vừa làm đủ các chuyện khác), anh cũng nghe lời mà đi bộ. Đường bị hẹp và dọc theo các hố sâu và khe núi. Bởi thế tôi nhắc anh nài ngựa rằng phải nối đuôi nhau mà đi, đừng đi song song, vì ngựa có thói hích lẫn nhau khi đường chật hẹp. Tất cả đều tốt được một đoạn, tôi tha hồ ngắm cảnh rừng núi hoang vu toàn đá và rừng già. Thế nhưng khi đường quẹo lên một dốc đá ngược và tôi vừa định nhắc nhở thì đã thấy hai con ngựa đi song song; và tôi chưa kịp mở miệng thì con bạch mã đã trượt chân rơi xuống hố sâu.
Tôi lặng người vì sợ và tiếng kêu của anh nài ngựa xác nhận nỗi lo của tôi: con ngựa đã bị rơi mất rồi. Tôi chạy lui chỗ ngựa rơi và lạnh người khi nghĩ đến thân thể tan tành nếu rơi xuống đáy vực. Vị tiểu vương sẽ nói gì đây và số phận của người nài ngựa sẽ thế nào mà vì sự sơ sẩy của anh để cho chuyện này xảy ra? Vừa khóc vừa kêu, anh ta đã bò một đoạn xuống vực, còn tôi vội bò theo. Cuối cùng thì chúng tôi thấy thân con ngựa trắng dính trên một bụi tre trên đáy hố. Thân con ngựa không nhúc nhích. Nó còn có biết gì chăng, một chút động đậy đã xô nó xuống vực hay nó đã chết, chân cẳng gãy rời? Chúng tôi như bị hành hạ bởi nỗi lo cho đến lúc bò gần đến bụi tre và vui mừng khôn xiết khi thấy con ngựa vẫn sống, không hề hấn gì. Chúng tôi thấy có một phép lạ đã xảy ra - nhưng cũng thêm phép lạ khác là chúng tôi đã đưa nó ra khỏi tình trạng nguy hiểm này, mà chỉ với một động tác sai là đủ để nó rơi vào cõi chết. Trong lúc đó bản thân chúng tôi như không có một chỗ đứng chắc chắn dưới chân. Con ngựa dường như có giác quan thứ sáu và làm theo việc cứu giúp của chúng tôi, nó như hiểu tư tưởng và ý định của người, thậm chí làm trước. Cuối cùng khi đứng được bốn vó, nó leo lên dốc một cách khéo léo, tới được đường đi. Lòng thầm cám ơn sức mạnh nào đã giúp thoát nạn, chúng tôi lên đường đi tiếp Podang. Khi các tu sĩ tại đó nghe quá điều đã xảy ra, họ thán phục những hộ sĩ vô hình đã giúp chúng tôi thoát hiểm.
Trong lần trởlại Gangtok, tôi có dịp nghiên cứu các chi tiết quý giá của nghệ thuật và pháp khí Tây Tạng trong ngôi đền xinh đẹp gần điện của vị tiểu vương cũng như in lại một số kinh sách viết tay và ấn bản gỗ của đền Entsche Gompa để dùng về sau. Các vị tu sĩ của cả hai ngôi đền đều rất thân thiện và sẵn lòng giúp đỡ, nhất là không phải chỉ vì nhờ vị tiểu vương gởi gấm mà chủ yếu nhờ Kasi, một người Sikkim rất đáng quí mà đền Entsche Gompa thuộc về gia sản của gia đình ông.
Năm 1932 khi đến Gantok lần đầu để đi Tây Tạng, tôi là khách của nhà Entsche Kasi. Ông cũng như phu nhân tiếp tôi rất thân tình, xem như người trong nhà. Trong dịp này tôi mới được biết là lạt ma Yongden cũng từng ở trong nhà này lúc còn thiếu niên, xin giúp việc để kiếm tiền ăn học, vì ông xuất thân từ gia đình nghèo khó. Hai ông bà Enstche Kasi hết sức ngạc nhiên nghe tôi kể Yongden về sau trở thành lạt ma, đi truyền giảng đạo pháp và tiếng tăm của ông khi viết sách cùng với Alexandra David-Neel. Ngay tại nhà này, họ đã làm quen với ông từ nhỏ và nhận làm con nuôi. Quyết định đó đã mang lại kết quả lớn lao, nó đã thay đổi hẳn cuộc đời Yongden cũng như của hai ông bà và đã giúp cho hàng triệu độc giả trên thế giới biết thêm về Tây Tạng. Sau đó những biến cố chứng minh thêm, ngôi nhà của Entsche Kasi là nơi xảy ra nhiều điều trọng đại.