Ðó là những năm giữa của cuộc Kháng chiến chống Pháp chín năm. Cả nước sau chiến dịch biên giới năm 1950 thắng lợi, rầm rộ chuyển sang giai đoạn tổng phản công dành thắng lợi hoàn toàn. Xã tôi ở bên này con sông Thi đối ngạn là cả một vùng tề, bên kia, bông nhiên như trở thành tấm gương đại diện, mọi mặt từ đi dân quân, đóng thuế nông ngiệp đến học tập văn hóa đều phát triển mạnh mẽ lắm. Riêng về giáo dục, hơn hẳn các xã xung quanh, xã tôi năm nay có hơn 30 học trò tốt ngiệp kỳ thi tiểu học, được chuyển lên cấp học trên. Hơn 30 học trò vào năm thứ nhất trung học, hẳn nhiên xã tôi phải cố gắng mở trường cấp hai rồi. Cái thuận để mở trường cấp hai còn là vì ông Chiên, phó chủ tịch xã tôi xuất thân chèo đò ngang, tính tình táo tợn lại có ông anh tên Sự mới được đề bạt phó ty giáo dục. Ông Sự làm nghề nông nhưng những ngày nông nhàn xách túi đồ nghề đi chữa đèn bin, kính bút, mồm miệng như cái tôm cái tép, thấm nhuần câu: Một người làm quan cả họ được nhờ, ủng hộ quyết liệt việc này. Ông nói: "Xét theo quan điểm nịch sử thì mở trường cấp hai ở đây nà có ný ". Ông phó ty nói ngọng muốn nói đến sự phát triển kinh tế, xã hội ở xã tôi. Xã tôi trời cho địa lợi, trên bến dưới thuyền, từ lâu đã hình thành một dẫy phố và một khu chợ buôn bán tấp nập; từ ngày phân đôi chiến tuyến ta-địch, chẳng hề suy giảm, trái lại, lại như được kích thích, trở thành cửa ngõ giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa hai vùng. Giờ thì đêm đêm dân buôn từ vùng tề bơi thuyền, lội sông sang, nườm nượp kẻ bán người mua dưới ánh đèn măng-xông xanh ngời. Nhìn phố xá tụ hội đông vui chẳng hề biết đến bom đạn đã có lúc ông Chiên xạm mặt choắt, gầm ghè cảnh cáo dân chúng rằng: Ðừng tưởng bở! Tây nó dùng nơi này để nuôi cấy Việt gian và vỗ béo các vị đấy. Rồi có ngày nó cho máy bay đến làm cỏ sạch sanh cho các vị xem! Việt gian tức là bọn điệp ngầm. Chẳng những thế, với từ đó, ông Chiên còn ám chỉ những kẻ từ bên kia sang, định cư làm ăn, buôn bán ở phố làng này. Phố làng này là nơi qua lại công khai của cả hai bên, và với người dân vùng tề thì đâu chả là đất nước mình, đâu tìm được đất lành là cứ việc đậu, họ có nghĩ có ngày nằm trong vòng nghi ngại của ông Chiên. Trong số những người từ vùng địch chiếm sang đây ăn ở cùng đợt, tôi nhớ có ba người. Một người dắt cái xe đạp cuốc, đưọc giới thiệu là cua-dơ vô địch vòng đua quanh Ðông Dương trước cách mạng. Một người béo lùn mặc áo da, vai khoác khẩu súng săn hai nòng, đi xe mô-tô, có chị vơ tóc phi-dê mở cửa hàng bán thuốc Tây. Và một người nữa dáng mảnh khảnh, đeo kính cận, có bà vợ già hơn tuổi làm nghề may. Ðến đây, người thứ nhất mở cửa hàng sửa xe đạp. Ông thứ hai thường đi mô-tô tới chân núi săn bắn chim muông, cầy cáo. Còn nguời cận thị, khi xã tôi mở trường cấp 2 thì chở thành htầy giáo Khiển của chúng tôi. Thầy giáo Khiển từ vùng địch chạy ra, vốn là giáo học, được mời làm giáo viên kiêm hiệu trưởng trường cấp 2 của xã. Trường chỉ có độc một mình thầy, thầy dạy tất cả các môn từ toán, lý, hóa đến văn, sử, địa, vẽ, nhạc. - E hèm chúng ta làm quen với nhau nào. Tôi vẫn nhớ như in buổi đầu thầy vào lớp. Thầy nhấp nháy hai con mắt trẻ trung, ngịch ngợm sau làn kính cận nhìn chúng tôi, lũ thiếu niên quê mùa, từ mười một mười hai tuổi như tôi đến loại lộc ngộc mười sáu mười bẩy tuổi, cười cười đi giữa hai hàng bàn, bảo từng người đứng lên, tự giới thiệu mình; tới lượt anh Ngôn lớp trưởng mười bẩy tuổi, thấy anh đỏ mặt, nhú nha nhú nhí nói rằng anh đã có vợ, thầy liền vỗ vai anh, cười xòa: - Có gì mà ngượng! Trước sau hỏi rằng có ai thoát được cuộc sống lứa đôi? Thầy bảo: chính thầy cũng lấy vợ năm 16 tuổi đó là tệ tảo hôn! Thầy kể: 12 tuổi. Bố mẹ dẫn đi xem mặt vợ, lúc về hỏi: Mày thấy nó thế nào? Thầy ngơ ngẩn hỏi: cái gì cơ ạ? Ðêm tân hôn, thầy leo lên gác chuồng trâu trốn biệt. Hôm sau ông cậu đến, phân giải điều hay lẽ phải, rồi bảo: "Ðêm nay cháu cứ vào nằm cùng giường với nó. Ðàn bà ấy vậy mà nó có nhiều cái hay lắm cháu ạ". Thầy bị đẩy vào buồng cô dâu, nhưng thầy leo lên cái bàn ngủ suốt đêm. Cứ thế một tháng liền, cho đến khi cô dâu tủi thân đòi bỏ về nhà bố mẹ, mưu mô của thầy mới bại lộ. Thế là thầy lâm cảnh đành phải nhắm mắt đưa chân lúc tắt đèn. Và bây giờ thầy mới 28, mà đã một trai hai gái, người tóp như cành củi khô, còn bà vợ 34 xổ ra như cái đụn rạ. "ấy, cái sự béo của bà ấy giải thích cái sự gầy của tôi, các em à". Thầy gãi tai, giả vờ ngượng nghịu, thanh minh cho cái thể trạng gầy còm của mình. Con trai nhà quê sớm phát triển tính tò mò, nghe chuyện thầy khoái lắm. Chuyện lan ra làng phố, ai cũng bảo thầy Khiển là người vui tính; người vui tính thường là người tốt bụng. Còn dưới con mắt lũ học sinh quê mùa chúng tôi, thầy hiện ra tài giỏi như một bậc thánh nhân. Lĩnh vực nào thầy cũng tinh thông, tỏ tường. Lịch sử Ðông Tây kim cổ thầy làu làu. Ðộng tới cái gì thầy cũng có thể đào sâu tới tận gốc rễ. Ðã sâu sắc thầy lại tài hoa. Giỏi giang chắc không chỉ mình thầy, nhưng cái duyên, cái tài hài hước thì khéo chỉ mình thầy có. Thầy bình chuyện Kiều thì cả lũ chúng tôi cứ ngây ra ngỡ ngàng, kinh ngạc như lần đầu thấy được tòa lâu đài nguy nga tráng lệ. Thầy bắt chúng tôi học thuộc lòng bài Cái hồ của La-mác-tin, Mùa xuân của Vích-to Huy-gô, lại dạy chúng tôi mấy câu tán gái tục tĩu dân dã. Từng bước thầy làm bừng lên trong chúng tôi ngọn lửa khao khát hiểu biết và nhìn ra xung quanh chúng tôi nhận ra những vùng còn tối tăm mù mịt. Nhưng rồi đã xẩy ra một cái gì đó như một sự trục trặc, khởi đầu là một tiết dạy của thầy. Tiết ấy thầy dạy về cơ thể con người, tôi đi học muộn. Vừa bước vào lớp tôi liền bị thầy gọi lên bảng và còn đang ngơ ngác đã thấy thầy chỉ cái mặt bàn bảo tôi đứng lên. Ô hay! Lớp học hôm nay sao đông thế! Tôi dụi mắt: Thì ra ở cuối lớp có kê thêm một hàng ghế, lúc này trên hàng ghế nọ đã chật người và tôi nhận ra đứng đầu tốp người nọ là ông Chiên chủ tịch xã. "Em cởi áo ra!?" Tôi vừa định thần thì nghe lời thầy Khiển. Cởi áo? Thế là thế nào? Tôi hơi co người lại, nhưng kìa thầy đã giục lần nữa. A, thế thì tôi hiểu rồi. Thầy dùng thân thể tôi để làm đồ dùng giảng dạy. Thầy dạy cho chúng tôi biết: thân thể người ta chia làm ba phần, đâu là đầu, đâu là tứ chi. Chỗ nào là ngực, phần nào là bụng, là lưng. Xoay người tôi đối diện với các vị chức sắc và lớp học, lần này thầy làm tôi đỏ dừ mặt vì thầy lại ghé tai tôi, nói thầm: "Em cởi quần ra!" Ôi, cởi quần! Tôi run lẩy bẩy vì sợ, vì ngượng ngùng. Nhưng, kìa thầy đã lại ghé tai tôi thầm thì: "Chú bé can đảm! Hãy giúp thầy để thầy dậy các bạn... ". Tôi không hiểu mình đã cởi dây nút và tụt cái quần đùi ra như thế nào. Người tôi cứng đơ. Mắt tóe vòng xanh đỏ, rồi nhòe nhòe. Tôi như cái máy, mặc thầy xoay trưóc đặt sau, lẩn mẩn giảng giải và chỉ trỏ từng bộ phận ở phần dưới cái cơ thể hoàn toàn trần trụi của tôi, cho cả lớp học nghe. Cuối cùng tôi nghe thấy thầy bảo các bạn hoan hô tôi đã can đảm, và tôi vội xỏ hai chân vào hai ống quần, kéo ngược lên, rồi nhẩy phịch xuống đất, chạy về chỗ ngồi, giữa tiếng vỗ tay ầm ĩ của bạn bè và tiếng xô ghế của ông Chiên ngồi ở cuối lớp. Câu chuyện tôi cởi truồng ở giờ dạy nọ của thầy Khiển không ngờ gây ồn ĩ và trở thành đầu đề của bao cuộc phiếm luận, đàm tiếu của những người nhiễu sự. Những người này bảo thầy Khiển thế mà thâm. Rõ là trật c. ra trước mặt lão Chiên mà lão chẳng làm gì được. Cứ hầm hè, dậm dọa chúng tao đi nữa, hỡi thằng chèo đò ngang gặp thời thế lên mặt hống hách kia! Ha ha đưọc dịp thế là quán nước bến đò rầm rĩ câu chuyện về anh em Chiên-Sự. Hai anh em nhà này y hệt nhau, cùng thất học mà hung hăng lắm. Rõ là thời lai đồ điếu thành công dị chưa! Chiên chỉ là anh trở đò ngang mà nghênh ngang một cõi, bất chấp luật lệ, muốn chẹt ai cứ tự tiện. Còn Sự được cất nhắc, vì hay lên mặt với mấy người tản cư, dị ứng với người trí thức, coi kẻ có học tuốt tuột là Việt gian gián điệp. Cả hai cùng mắc thói tí tởn đàn bà con gái. Chiên thì công khai ăn ở với một chị chồng đi bộ đội. Còn Sự thì dược đặt tục danh Sự sờ nặng vì nhắc ông nhớ viết đúng chính tả tên ông vì hồi học bình dân ông hay viết sai và cũng ám thị luôn tật xấu hay sờ soạng nữ nhân viên trong cơ quan. Tất nhiên chuyện đến tai bố tôi, một nông dân đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ và võ vẽ dăm ba chữ thánh hiền. Một hôm, ở trụ sở ủy ban xã về, mặt hầm hầm, ông gọi tôi lên, bảo tôi kể lại câu chuyện rồi đấm mạnh xuống bàn, nói rằng ông sẽ kiện thầy Khiển vì đã làm nhục con ông. "Thôi ông ơi, chẳng qua là cái sự bất đắc dĩ chứ thầy nào có dụng tâm vậy ". Nghe mẹ tôi can ngăn, bố tôi lặng đi một lúc, xem có vẻ nguôi, rồi thở ra nhè nhẹ: "Tôi thì tôi sẵn sàng bỏ qua, nhưng anh em nhà lão Chiên thì nó không để thầy yên đâu". Thầy Khiển tôi chẳng yên được với anh em ông Chiên-Sự đâu. Cả lớp tôi ngày ngày đều dõi theo thầy với tâm trạng nơm nớp lo ngại cho thầy. Chiên, Sự đều chẳng phải tay vừa. Chiên thì bạo tợn, Sự thì lợi khẩu. Mà trong tay họ giờ là quyền hành. Nhưng hình như thầy Khiển chẳng biết gì đến điều nguy hiểm đang đe dọa thầy. Thầy vẫn một phong thái tề chỉnh, đoàng hoàng, vô tư và hồn nhiên, không thiện không ác, như bẩm sinh tính người. Mỗi giờ dạy của thầy vẫn đều đặn là một dịp thầy phát tiết anh hoa. Thầy vẫn là thầy, bất cần biết ngoại cảnh. Thầy Khiển không biết gì về anh em lão chèo đò, chữa đèn pin kính bút ư? họ có thể trả thù thầy. Họ có thể bắt thầy kiểm điểm. Họ có thể thi hành kỷ luật thầy. Thậm chí có thể sa thải thầy. Mà thầy, tiếng vậy cũng yếu thế lắm. Thầy chỉ có bà vợ xồ xề với chiếc máy khâu cọc cạch cùng ba đứa con nhỏ. Thêm nữa có chăng là ông cua-rơ mở cửa hàng sửa chữa xe đạp và ông thợ săn cùng bà vợ bán thuốc tây. Nhưng bạn bè nếu là chỗ dựa của thầy cũng đã lung lay rồi. Vì sau câu chuyện nọ ít lâu họ đã biến mất có lẽ họ đã trở lại vùng tề. Họ đi, để lại nỗi dị nghị về tư cách chính trị của thầy. Rồi giữa lúc đó lại xẩy ra việc một chiếc máy bay của Pháp đã xà xuống phố thấp đến nỗi cánh quạt nó thổi tung cả mái cọ lợp chợ, và ông Chiên quả quyết rằng: máy bay Pháp nó rà soát lại những địa điểm bọn gián điệp báo cáo, để chuẩn bị oanh tạc nay mai đấy, hãy liệu hồn. Lúc này chúng tôi mới nhận ra thoảng qua gương mặt thầy Khiển một chút nén chịu nỗi tủi nhục đang vây quanh mình. Thoảng qua thôi vì ngay lập tức tất cả chúng tôi bị lôi cuốn vào không khí bận rộn chuẩn bị đón đoàn cán bộ Ty giáo dục về thăm và kiểm tra trường. Ðoàn cán bộ Ty giáo dục có ba người, dẫn đầu là ông Sự. Ông Sự, chỉ hao hao giống ông Chiên vì hai người cùng mẹ khác cha. Mặt mỏng, mắt trầm, trông bề ngoài ông Sự hơi lù đù. Ngồi trên chiếc ghế tựa ở cuối lớp suốt ba giờ học, mặt ông cứ lì lì, mắt ông cứ gườm gườm và thỉnh thoảng như thạch sùng đánh lưỡi tách một cái hoặc giả vờ ngúc ngoắc cái cổ để liếc mắt về phía mấy chị nữ sinh lớn của lớp. Thầy Khiển đáp lại thái độ thiếu cởi mở của ông là một phong cách linh hoạt, biến hóa tài tình. Giờ thứ nhất thầy ôm chồng vở bài tập tới cửa lớp. Cửa đóng vì gió lạnh. Hai tay vướng bận. Thầy xoay người lại, dùng mông hích vào cánh cửa rồi đi dật lùi vào. Sau đó ngoảng lại, mắt thầy tươi vui và đắc chí như vừa vượt qua được vật chướng ngại. Ðó là giờ số học. Thầy giảng bài thật khúc triết và văn hoa, nhưng thỉnh thoảng lại như vô tình, hất hàm về phía ông Sự và hai ông trong đoàn Ty giáo dục, hỏi rất trịnh thượng: "Có hiểu thật không mà sao lầm lì thế, các cậu? ". Giờ thứ hai là giờ hóa học. Giờ này thầy dùng toàn tiếng Nghệ An. Ôi cái tiếng miền trung âm sắc lạ tai gây ấn tượng lạ lùng về sự phong phú của tiếng nói Việt Nam. Kết thúc giờ dạy, Thầy nói: "Tiếng Nghệ cũng hay lắm chứ. ở đời, đừng có bao giờ nghĩ chỉ có mình là hay, là đẹp, các em à! ". Giờ thứ ba là giờ chính tả. Ba ông cán bộ Ty giáo dục cùng ngơ ngác hơn vì thầy dùng toàn giọng Sài Gòn. Lại có phần giống như mọi lần, anh Ngôn trưởng lớp vẫn có tật hay quên và nhanh nhẩu, sau khi thầy đọc một câu dài, liền bật dậy gãi đầu gãi tai, hỏi: "Thưa thầy sung sướng với xấu xa viết như thế nào ạ? ". Nghe anh Ngôn hỏi vậy thầy liền bảo cả lớp buông bút, nhìn lên bảng. Trên bảng đên hiện lên hai chữ s. và x. to đùng thầy vừa vẽ xong. Nói thầy vẽ là đúng, vì khi thầy hỏi: chữ s. giống con gì, chúng tôi đều đồng thanh đáp là giống con chim. Và cũng thế, chữ x. giống con bướm." ấy thế thầy nói, miệng tủm tỉm, mặt tỉnh không, anh Ngôn nhớ cho thầy: "sung sướng viết ét sì, chữ ét sì trông giống hình con chim, còn xấu xa viết ích xì, chữ ích xì giống hình con bướm. Hay nói một cách ngắn gọn dễ nhớ: sờ chim là sung sướng, xờ bướm là xấu xa. Ðược chưa nào ". Các chị nữ sinh nhạy cảm gục đầu ngay xuống mặt bàn cười ngẹn. Còn thầy, đi ngay xuống cuối lớp, đến trước mặt ông Sự đủng đỉnh: "Tôi chỉ nhân nhượng anh, một lần này nữa thôi đấy nhé, anh Ngôn". Các anh học trò lớn lớp tôi đều hiểu hàm ý trêu chọc của thầy, nhưng không ai dám quay lại nhìn ông Sự, vì cũng còn đang thú vị về sự ứng đối, liên tưởng thông minh của thầy. Sấm sét hiển nhiên là sẽ dội xuống đầu thầy Khiển tôi rồi. Chuyện từ miệng học trò, từ mồm hai ông cán bộ tháp tùng loang ra ngoài sân. Bố tôi cũng biết. Bây giờ ông cũng nhận ra là hồi xẩy ra câu chuyện tôi cởi truồng ở lớp, ông đã bị ông Chiên xúi dục, kích động. Ông cũng đã có phần nhận ra thầy Khiển tôi không phải là người xấu. Và ông lo ngại cho thầy. Chiên, Sự đều chẳng phải tay vừa. Quả nhiên, ông phó ty đã chằng chằng nhìn vào hai mắt kính thầy Khiển và nhếch mép, kẻ cả: - Thế mới biết nàm ông thầy nà khó nắm! - Ông nói như lời thánh dạy vậy. Thầy Khiển đáp, tay chập một như là khúm nịnh. Ông Sự chợn mắt: - Khó nà ở chỗ nào, ông giáo có biết không? - Dạ, ở chỗ phải tri kỷ tri bỉ. - Cái gì? - Phải tri kỷ tri bỉ. Tức là phải tự biết kém cỏi, bỉ tiện của mình. - Phải giỏi chính sách! Chính sách! Hiểu chưa! Ông Sự quát. Thầy Khiển ngẩng lên, ngập ngừng: - Vâng phải giỏi chính sách và... chính tả nữa ạ! Tới đây thì ông Sự không giữ bình tĩnh được nữa. Ông xả một tràng liên tục. Ông kết tội thầy là vô chính trị. Ông nhắc lại lai lịch thầy vốn là dân vùng tề. Ông kể truyện thầy tán chuyện trai gái buổi đầu nhập học. Ông dựa vào thế kẻ có quyền, lấy cái lý để bắt buộc và cho rằng thầy là lẻ phản nghịch, xỏ lá, ba que, là thành phần bất trị, là quân phá hoại. Suốt một buổi họp ba tiếng đồng hồ nhận lời mắng mỏ, quy kết xối xả nặng nề của ông Sự, thầy Khiển cứ nín thít. Tới khi thấy ông phó ty đã có vẻ mệt, thầy mới rụt rè nhìn ông, hỏi: "Ông đã nói hết chưa ạ" và thầy khẽ khàng rành rọt: - Tôi từ cha sinh mẹ đẻ, thầy mẹ bán hai mẫu ruộng lấy tiền cho ăn học, chỉ cốt thành người tử tế. Tôi tự nghĩ, trừ cao nhân dật sĩ, thiên tài ra, còn thì kể từ ông giáo trường làng như tôi, tới nhà nông canh điền, kẻ chèo đò ngang, anh thợ chữa khóa dong, cũng là sàn sàn như nhau, thì nên coi vui vẻ sống là đức tính hàng đầu. Nước trong là vì nguồn không đục. Lòng có thiện thì mới biết vui cười. Ông Sự nghe đến đó thì rối trí quá, liền đập bàn, át: "Thôi thực tế sẽ trả lời ông ". Và, thực tế đã trả lời. Tháng 8 năm đó, vào một ngày nước sông Thi dềnh tới cao điểm, ngập tràn hai bờ, một đàn đacôta Pháp tới ném bom triệt hạ làng tôi. Thiên tai phối hợp với địch họa, thật tàn bạo. Hơn một trăm người chết. Cái phố đông vui trên bến dưới thuyền trống trơ một vùng tóc tang, sau cơn khủng khiếp chỉ còn sót lại mấy cây gạo cụt cành tơi tả. Thầy Khiển bị sa thải khỏi ngành giáo dục sau trận bom nọ ba hôm. Thầy rộc rạc cả người, sự sống chỉ còn lại đôi mắt kính cận, nhiều lúc ngây đờ như vô cảm. Nhìn cảnh thầy còm nhom, một chiều thu vàng hiu hắt cùng ba đứa con gầy guộc, nức nở trước mộ mẹ, chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Ôi cuộc sống! Chi phối chúng ta không phải là một sức mạnh vô hình. Tất cả đều rất cụ thể và đơn giản đến không ngờ. Ðơn giản như hôm nay ngủ ở đâu, ăn cái gì? Ngày mai ăn cái gì, ngủ ở đâu? Hỡi ôi, người thầy giáo tài hoa, vui tính và ngông ngạo đã đem cả sở tri sở thức của mình mà tu bổ dân trí, người sẽ sống thế nào đây trong hoàn cảnh hẹp hòi và khắc ngiệt này? Hay là người rơi vào cơn quẫn trí, tự mình chứng minh cho sự nghi ngại của mọi người là đúng. Ðã gầy còm nay thầy thêm choắt cheo lại như thần khí đã vơi cạn, hồn vía đã mất vài phần, thầy ngẩn vơ, vật vờ như cái bóng vô định. - Tao lo cho thầy quá, nhưng nói với thầy, thầy lại cười khà, đáp: quân tử dựa vào mình, em ạ. Tao đã mua cho thầy một mảnh đất ở cạnh nhà tao, dựng một túp lều cho bốn bố con thầy rồi. Tao chắc là thầy sẽ qua khỏi, sẽ xoay sở được. Anh Ngôn nói vậy một hôm tôi đến anh từ biệt để theo chú tôi lên tỉnh học tiếp. Cơ sự này, Tây nó sẽ còn cho máy bay bắn phá tiếp, năm học đầu tiên cấp trung học có lẽ chỉ còn lại là những kỷ niệm đầy luyến nhớ với chúng tôi thôi. - Thôi mày đi. Thỉnh thoảng viết thư về thăm thầy. Tin chắc sẽ có những người rộng lượng, biết đánh giá cái tài, cái tâm thật sự của thầy.Anh Ngôn nắm tay tôi rồi lắc lắc, cười ứa lệ. Tôi xa làng từ đó. Và không ngờ xa thế, cả ba chục năm liền. Cả ba chục năm, khi ngồi trên ghế học đường, lúc trong quân ngũ, vậy mà có lúc nào thôi bồn chồn về số phận thầy Khiển? Con người ta không nhất đán mà thành. Hình thành một con người là cả một công cuộc lâu bền và khi đã hình thành thì con người ta là vĩnh viễn, bất biến. Vẫn biết thầy Khiển là vậy mà vẫn lo âu. Liệu người thầy kính yêu của tôi, con người tài năng, tâm huyết thật sự nọ có vượt qua được cái nhỏ mọn của chính mình và tật đời dị khí tương thù để thoát khỏi kiếp phận long đong? Cuối cùng thì một khúc sông trắng lặng đã hiện ra trước mắt tôi như để nhắc nhở tôi ý tưởng một cách ngôn cổ đại: người ta không bao giờ tắm hai lần trên một con sông. Tôi bước lên đò ngang, nhập vào đám các bà các chị gánh gồng qua sông sang phố chợ khi người lái đò đã chống mái chèo đảy con thuyền gỗ khỏi bờ. Người lái đò! Chợt nhận ra ông trong sửng sốt và không nén được tò mò, tôi cúi xuống bà lão có gánh trầu cau ngồi trên cáng thuyền bên cạnh mình. Bà lão nhỏ bé, da bánh mật, phụng phệu miếng trầu, nghe tôi hỏi, hai mắt như hai hạt bạc, lăn tăn ánh cười nửa như nhạo báng nửa như vô tư: - Chẳng ông Chiên thì còn ai nữa! Ông anh ông ấy tên Sự, vừa mất tuần trước. ấy, hùng hùng hổ hổ được ít lâu, rồi cuối cùng đâu lại vào đấy! Tôi ngẩng lên, hiêng hiếng mắt nhìn về phía đuôi thuyền. Thuyền đã ra đến giữa dòng và người lái đò chừng đã nghe thấy câu trả lời tôi của bà lão, giờ mới hất hàm về phía tôi bắt chuyện. Trả lời câu hỏi của ông, tôi là ai, có việc gì mà hỏi ông, tôi đáp: tôi quê ở đây, nhưng giờ họ hàng cha mẹ đã chuyển cư ra tỉnh cả rồi. Tôi về đây là để thăm thầy giáo Khiển. Tôi chính là chú bé can đảm đây. Tới chi tiết này, ông lái đò và cả chuyến đò như sực nhớ, bật cười à à. Và ngay lập tức, như đã nấp sẵn đâu đó trong ký ức người này người nọ, những câu chuyện vui có buồn có về thầy giáo của tôi được dịp sổ lồng, sống động cả lòng thuyền, mặt sông. Ngắt cái cười đang hồi nắc nẻ, bà lão bán trầu cau hất mắt về phía ông lái đò, đột ngột đay đả mà nhẹ tênh: -Mà sao anh em nhà ông hành người ta quá thể thế! Không cho người ta dạy học. Người ta chuyển sang làm nghề chụp ảnh, cũng lại lấy cớ là mua lậu giấy ảnh, để cấm đoán. Người ta chuyển sang nấu kẹo mạch nha, cất tinh dầu bạc hà cũng lại tìm cách triệt vi tróc vẩy. Nhưng mà sinh sự thì sự sinh, hạ được người ta có dễ đâu ông nhẩy! Cứ tưởng người lái đò bị khích như vậy thì nổi giận. Nào ngờ ông lại chành cái miệng chuột, cất tiếng cười khề khề: - Nó là cái chuyện đối địch thì dịch lại đây. Bên là thừng, bên là chão. Chẳng bên nào chịu bên nào. - Sung ngái một lòng, bưởi bòng một dạ mà làm sao dở trò thảm ngược với nhau thế! - Bủ ơi, nó là cái tức khí vặt, ngông ngao vặt, sĩ diện vặt, được thua vặt. Ông có chữ nghĩa thì khinh ông thất học. Ông thất học thì ganh với ông có chữ nghĩa. Con đò chênh mạn tránh một lượn sóng, dấn qua dòng nước chảy giữa sông. Bỏ qua câu hỏi móc máy đáo để của bà cụ am hiểu sự đời, ông lái đò đứng dậy, nhoai cánh tay đảy mái chèo và nhìn tôi, chuyển giọng vui vẻ khác thường: - Chú bé can đảm ơi, chú không gặp may rồi. Thầy Khiển của chú vừa qua đò sáng nay. Thầy lên tỉnh đón cậu con trai vừa đỗ tiến sĩ, trên ấy thầy còn có cô con gái làm Hiệu trưởng trường trung học nữa đãy. ở đây, thầy chỉ còn cửa hàng sinh vật cảnh thầy nhờ tôi trông coi hộ thôi. Tôi đã lên bờ bên này. Ngỡ ngàng trước một thị trấn làng quê tấp nập, càng kinh ngạc khi đứng trước cửa hàng sinh vật cảnh của thầy Khiển. Si, tùng, trắc bách diệp, thiên tuế, đại lộc bên đào, mai, súng, lựu. nguyệt quế, ngô đồng, gốc lớn, u nổi sần sùi, mốc mác, thân thành thanh nhã, cách điệu tranh đua cùng lưới hổ, xương rồng, ngà voi, cúc mốc dáng điệu kỳ cục, lạ mắt. Xanh om cây lá một vùng vừa quần tụ trong chế ngự, vừa quẫy động ngoài dàng buộc, cây nào cây nấy gò gẫm mà vẫn tự nhiên, in dấu nét tài hoa của người gây trồng. Tôi đi qua các dáng trực, siêu, hoành, huyền, các thế long giáng, phượng vũ, hạc lập, dừng lại ở một gốc si cổ thụ, thế "phụ tử nương thân" ở đó thân lớn là cha già gốc to, dáng thẳng đứng, thô cứng mà vẫn phảng phất vẻ hồn hậu vui tươi.