Chương 4
NGẬM LỜI, MỘT THUỞ…

Bảo thưa ‘‘ Vì bị ám ảnh.  Hình như nếu không theo cha để phụng dưỡng, có lẽ con đã đưa cô ta về xuôi...’’.  Khanh lại dặn ‘‘...đâu đã muộn.  Con đi tìm cô  ta đi.  Rồi một ngày nào đó con đưa cô ta về.  Chỉ thế, con mới nên người.  Ði, thôi đi ngay đi...’’.  Sau đó mấy hôm, Bảo dò tìm và lên đường.  Khi ấy  Ðào Nương ở với người chị đã lấy chồng.  Gặp Bảo, Ðào Nương sầm mặt xuống, đi vào không chịu tiếp.  Bảo ngồi lì ở cửa suốt ba hôm, rút cục người chị vào kể lại cái hoàn cảnh chàng theo hầu cha trên đường đi đày, không thể động tay động chân làm gì được.  Ðào Nương chịu gặp Bảo, nhưng thấy mặt là òa lên khóc.  Nàng nức nở hỏi ‘‘... Ðến đây làm gì? ’’.  Bảo đáp, đã xin với cha cho chàng cưới Ðào Nương làm vợ.  Ðào Nương lắc đầu ‘‘ Không.  Em có còn trinh tiết gì mà lấy! ’’.  Bảo ứa nước mắt, nói chữ trinh kia cũng có năm bảy đường.
Ngày về đến Nhị Khê, Bảo và Ðào Nương chỉ thấy có điêu tàn.  Nhà cửa, ruộng đồng ngơ ngác. Hàng dân phiêu dạt đến độ trên những cánh đồng sũng nước đám cò trắng lênh khênh đi lại như chỗ không người. Họ hàng nhà Bảo kể lại chuyện Viễn ám toán Thượng Thư Hoàng Phúc và khuyên nên đi ngay.  Ðào Nương đòi về Ðào Xá.  Khi ấy, cái chuyện Ðào Nhi dùng trâm đâm Hoàng Phúc đã xảy ra.  Trong  thôn, không còn ai dám hát, đám ca nhi tứ tán.  Ông chú Ðào Nương, tên Ðào Phương, dân làng gọi là Ðào lão, mắt đã lòa. Lão kiếm ăn bằng cách bắt ếch nhái, bữa đói bữa no, sống vạ vật như thú hoang. Bảo và Ðào Nương đưa ông cùng đi về Thanh Hóa dịp đó.
Dự định trồng chè như Bảo đã kể với Trãi từng bước thành hình. Và thành công hơn mức tính toán.  Chỉ đến năm thứ hai, Bảo và Ðào Nương đã qui tụ được gần trăm nóc gia quanh hai cái đồi chè ở tả ngạn sông Lam.  Nhờ biết tiếng Tàu, Ðào Nương giao dịch thẳng với đám quan nhà Minh, thuế đóng chỉ độ một phần ba tiền bán chè, đường kinh doanh tương đối thuận lợi.  Ðến năm thứ ba thì khác.  Ðám sai nha cho người vào đếm từng gốc chè, ước lượng giá bán rồi đòi thu đến hai phần ba.  Bảo bàn với dân trại chè rút sâu vào mé biên giới Lão Qua, nhưng việc chưa ngã ngũ.  Ðám tráng niên tìm cách giấu một phần lượng chè hái được trong rừng, có kẻ sửa soạn giáo mác.  Việc sinh nhai ngày một khó, đã có người chán bỏ đi, số còn lại nhẫn nhục chịu đựng.  Ít lâu sau, nghĩa quân Lam Sơn liên lạc với Bảo, đề nghị bảo vệ trại chè chống sưu thuế nhà Minh.  Năm thứ tư, sai nha và đám lính Tây đô bị nghĩa quân chặn đánh khi vượt Mường Thôi đi vào vùng sông Lam.  Bảo biết tình thế, xin với nghĩa quân cho lập một đội tự vệ, và đóng nửa lượng chè hái mỗi năm góp vào việc đại sự.
Ðứng sau hẳn một lằn ranh bạn - thù, người cả trại chè phập phồng, trừ Ðào Nương.  Trái với cách nghĩ thường tình, Ðào Nương phấn chấn ra mặt.  Cùng với Ðào lão, Ðào Nương chế biến hát giặm dân gian thành những thể điệu có tính thời sự.  Tiếng giặm có nghĩa là điền vào một chỗ thiếu, và hát giặm thường gồm những câu năm chữ, vần ở cuối câu, cứ hai câu cuối mỗi đoạn lại láy cả ý lẫn lời.  Bài sau được hàng dân hai vùng Nghệ Tĩnh hàng trăm năm sau cũng còn người hát:
Trời chưa phong quang
Giặc Ngô đó, trời chưa phong quang
Em đánh tiếng thưa sang
Trời chưa mở rộng phong quang
Thì đợi chi hỡi chàng
Mà còn ở lại đây
Mà còn ngồi bó tay
Tình đó với nghĩa đây
Giống như đọ nước đầy
Bưng nhẩn nhẩn trên tay
Thu chưa về, đông tới
Còn bóng giặc, chim bay
Còn bóng giặc, chim cũng phải bay
Bớ chàng, chàng có hay?
°
Nhận được tin Ðạo Khiêm báo về Mường Thôi, Hãn sốt ruột sai người đi thẳng vào trại chè liên lạc với Phi Bảo.  Nghe xong, Bảo vội vã thu xếp lên đường vào Trường Yên.  Hai ngày sau, Bảo vào chùa Thiên Chính.  Ðạo Khiêm buồn bã lắc đầu:
- Bần tăng không hiểu... Cái buổi tối hôm ấy, thình lình đường huynh ngã vật xuống, tính mạng tưởng như tuyệt...
Không đợi Ðạo Khiêm dứt lời, Bảo ngắt:
- Xin thày cho vào xem sao...
Khiêm niệm A di đà, đi trước.  Vào trái sau ở mé Ðông, Khiêm lần tràng hạt chậm rãi bước.  Một tiểu đồng tiến lên mở cửa.  Lọt sáng bên ngoài ùa vào, yếu ớt phớt lên vách đất một giải lờ mờ hư ảnh.  Theo sau Ðạo Khiêm, Bảo đến cạnh một chiếc giường đơn.  Nhìn xuống, Bảo quặn lòng.  Trãi nằm thiêm thiếp, mắt hõm sâu, nhắm nghiền, hai gò má cao gồ lên như hai trái núi.  Bảo ngồi xuống, tay nắm lấy tay Trãi.  Bàn tay xương xẩu lạnh ngắt bỗng run nhẹ lên.  Nhìn ngực Trãi phập phồng thoi thóp, Bảo khẽ lay gọi.  Trãi  nhếch mắt, gắng gượng mở ra, rồi lại khép lại.  Ðạo Khiêm nhẹ kéo tay Bảo.  Khi hai người ra đến ngoài sân, Khiêm bảo:
- Ðường huynh còn yếu lắm, nhưng không mệnh hệ nào!
Lúc đó, Bảo xin Khiêm kể lại sự tình.  Trước khi Lý Tử Cấu dứt lời về cái duyên vượt được u mê qua lần gặp một người đàn bà điên ở sông Cầu, bỗng nhiên Trãi chúi ngã từ mé vực, nhưng áo móc vào một bụi cây, may chưa rơi xuống.  Người nhà chùa đổ ra cứu Trãi lên.  Trãi từ lúc đó hôn mê.  Ðợi Trãi hoàn hồn, Ðạo Khiêm hỏi chuyện.  Trãi á khẩu, không đáp được.  Chàng chỉ nhìn, cái nhìn đã mất hẳn thần triù.  Ðạo Khiêm thở ra:
- Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát!  Cái nghiệp.  Cũng từ cái nghiệp mà ra.  Trong cõi huyền cơ này bần tăng chẳng làm gì được!
Phi Bảo bặm môi lắc đầu.  Tối hôm đó, Bảo ra đứng nơi hòn đá tảng chòi ra bờ vực.  Không trăng không sao, trời tối ngòm.  Chẳng ai phân biệt được mặt đất này trên đây và vực sâu hun hút dưới kia, nếu không có tiếng gió hú lên và tiếng chân thú đạp lá xào xạc thỉnh thoảng mơ hồ vẳng tới.  Cơ sự này, không thể để Trãi ở chùa mãi.  Vài ngày sau, Bảo xin với Ðạo Khiêm đưa Trãi về trại chè.
Lúc ấy, Trãi đôi khi tỉnh dậy.  Nhận ra Bảo, ánh  mắt chàng có thoáng chút vui, mồm mấp máy, nhưng vẫn không nói được một lời.  Bảo mừng, thủ thỉ:
- Không sao!  Em đưa anh về.  Thuốc thang chỉ dăm bữa nửa tháng là khỏi!
Trãi nghe, gượng nhếch mép.  Khỏi?  Nhưng ta bệnh gì?  Cái căn bệnh nằm dưới đáy sông Cầu, giải nước cuốn đi, đếân nơi nao rồi?  Chèo quơ nước ngược.  Rồi bão bùng.  Chia ly.  Chuyến đò sang ngang làm sao  vào được bến đến được bờ!  Nước mắt Trãi lại ứa ra.  Bảo lẳng lặng lau mặt cho anh, không nói gì nữa.
Thuê phu cáng, hai tuần trăng sau Bảo đưa Trãi về trại chè.  Ðạo Khiêm chống gậy tiễn một thôi đường.  Khi chia tay, Khiêm niệm Phật, rồi ghé vào tai Trãi thì thầm:
- Thí chủù ơi, nếu muốn thì nương mình cửa Phật.  Chùa Thiện Chính lúc nào cũng đợi người lành!
Trãi nhìn, khóe mắt biết ơn, tay ra dấu chào Khiêm.  Chỉ còn da bọc xương, Trãi khẽ cựa mình trên chiếc cáng cứ bồng bềnh trôi nổi như đám mây ẩn hiện sau những tàn cây rừng xanh thẳm.  Chưa bao giờ chàng thấy mình yếu đuối đến vậy.  Chưa bao giờ chàng thấy mình thừa thãi đến vậy.  ‘‘ Sao băng, sao băng...’’.  Tiếng réo gọi sao trời chập chờn ở đâu thoảng lại.  Trãi nhắm mắt.  Chàng chỉ mong là một vì sao băng mang vệt sáng cuối cùng của một thân phận chẳng níu được vào đâu để tìm ra hy vọng.
°
Như vậy, cái giấc mơ có người nối dõi của Bảo vẫn chưa thành.  Ðứa gái út của Bảo và Ðào Nương năm nay lên bốn.  Khi đẻ nó ra, Ðào Nương có vẻ buồn, nhưng Bảo cười, đùa ‘‘ Một trăm con trai không bằng cái lỗ tai con gái ’’ và đặt tên là Nguyễn Phi Anh.  Lên một, nó chưa biết đi đã biết nói.  Ríu rít cả ngày, trại chè gọi nó là con Vàng Anh, tên một loài chim trong chuyện cổ tích.
Vàng Anh suốt ngày lê la với Ðào lão.  Cả hai cứ thoắt một cái lại vào với Trãi, nay Bảo xếp cho ở một trái nhà.  Sau vài tháng về trại chè, Trãi bình phục, xong bệnh á khẩu vẫn không chữa được.  Muốn nói điều gì, Trãi phải cầm ngón tay người đối thoại viết chữ.  Khổ một nỗi, nếu gặp người mù chữ thì chịu.  Ðào lão xưa có đi học nhưng bỏ ngang, để hết thì giờ vào chuyện đàn sáo.  Còn Vàng Anh, nó phải nhờ Ðào lão nói lại mỗi khi trò chuyện gì với Trãi.  Cái mối kết tay ba đó tạo ra vô số chuyện ngộ nghĩnh, chính là bởi Vàng Anh. Bắt chước mẹ, nó bịa ra những bài hát, rồi líu lo:
Em với ánh trăng vàng
Nay đem cho bác cho ông
Mặt nước vui reo cười
Tung tăng múa máy trên dòng...
Ðào lão thường hấp háy, kéo nhị đệm vào, miệng móm mém cười chỉ thấy lợi.  Còn Trãi, Trãi sửng sốt.  Chàng nhớ lại những câu hát trong Kinh Thư, mang so sánh rồi giật mình.  Những câu hát  từ miệng đứa bé bốn tuổi xứ Ðại Việt này tuyệt vời, đọ chẳng kém gì Kinh Thi của xứ sở xưng mình là trung tâm nền văn minh của quần nhân trên trái đất.  Và dĩ nhiên là hơn hẳn những thứ  thơ văn sao chép của đám thư lại  chỉ biết nhai lại từ phú thi ca Tiền Hán với Thịnh Ðường.  Hơn ở chỗ nó thật.  Nó mang chữ tình như chất keo gắn bó con người vào với nhau.  Và gắn bó cả vào với thiên nhiên vạn vật.
Từ bấy giờ, Trãi thấy rõ cái giới hạn của chữ nghĩa kinh điển.  Chàng thèm nói.  Nói được bằng lời khác với viết thành văn tự.  Nhớ trong óc là nhập tâm.  Nó khác với nhớ qua sách vở, vốn là nhập trí. Văn hóa truyền khẩu có thể truyền không xa, lượng truyền không rộng, nhưng hơn văn tự ở chỗ là truyền sâu vào lòng người.
Trãi ngẫm lại lời mình nói với Ðạo Khiêm khi xưa trên chùa Thiện Chính, than rằng bản sắc dân tộc không đủ mạnh, dẫu ‘‘ Nam quốc sơn hà nam đế cư ’’.  Trãi hồi tưởng nỗi băn khoăn trong cuộc đối đáp với Hoàng Phúc ở Ðông Quan. Chàng sợ rằng đã học Luận Ngữ, Trung Dung,  thì dẫu nói ‘‘ Ðạo Thánh có một, nhưng mỗi nơi lại thờ một cách ’’ đểõ phân biệt ta với người cũng chỉ là nói mạnh.  Nói vì phải nói, nói đến cùng hóa há miệng mắc quai? Nay, Vàng Anh đã trả lời câu hỏi này. Rằng không, không phải vậy!  Văn tự không thể thay cho những lời hát dân dã. Những câu ca dao tục ngữ hát giặm hát ví mới thực sự chuyên chở đời sống tâm linh của người Ðại Việt.
 Còn với kinh điển, vấn đề là học gì?  Chính cái học có lựa chọn thực hư, đánh giá tốt xấu, sẽ qui định cách thờ Ðạo Thánh.  Ðạo tỏa ra, lan rộng, ngấm sâu thì thành một với đời sống.  Ðó, gọi là phong tục.  Nghĩa là cách làm người với nhau.  Và làm người vì nhau.  Trong các hành xử đi từ cá nhân đến gia đình, rồi từ làng thôn cho đến cả đất nước, bản sắc của một dân tộc biểu hiện ra.  Nó là một thực thể.  Nó biến hóa linh động.  Nó phát xuất từ quá khứ, nhưng không chỉ lập lại quá khứ mà là cách mang hiện tại trên bước đường đi vào tương lại cho một cộng đồng.
Ngồi nghe Vàng Anh líu lo, Trãi chợt nhớ một câu hát chàng nghe từ thuở còn nhỏ  ‘‘ Này ai tát nước bên đàng.  Xin đừng múc ánh trăng vàng đổ đi ’’.  Kinh thi có đâu được một câu thơ đến như vậy.  Còn thi nhân, may ra chỉ có Lý Bạch hoặc Vương Duy là có thể đạt cái đẹp đó.  Trãi vào mài mực.  Ngẫm nghĩ một lúc, Trãi viết ‘‘...Tứ Thư, Ngũ Kinh chỉ uốn nắn một phần đời sống.  Ðạo làm người Ðại Việt không chỉ ở đó.  Bản sắc một dân tộc nằm trong sự sống của dân tộc đó.  Nó có trước và vượt trên văn tự.  Nó tự khẳng định như một toàn thể.  Bản sắc là văn hóa.  Và văn hóa của một dân tộc là ngôn từ.  Ta giữ được ngôn từ, là ta tồn tại.  Ngôn từ mỗi ngày một đẹp là ta tiến hóa.  Ngược lại ta giật lùi.  Tụt hậu cho đến khi ta không còn là ta, thì ta nói tiếng người, hát nhạc người, ăn cơm người, nghĩ bằng đầu người.  Nghĩa là ta mất văn hóa, chập chờ thành cái bóng người khác như một hồn ma. Nghĩa là ta  không sao bấu víu được gốc cội của mình ’’.
°
Năm Kỷ Hợi ( 1419 ), Tổng binh Lý Bân sai làm hộ tịch trên khắp đất Ðại Việt.  Về mặt binh bị, Bân tiến đánh nghĩa quân ở Ðà Sơn, Mường Chánh, Lư Sơn và Vu Sơn.  Sang năm Canh Tý ( 1420 ), Lê Lợi mai phục ở Bến Bồng đánh tan một đạo quân Minh, lấy được Mường Nanh và Mường Thôi.  Lý Bân và Phương Chính phản công, nhưng thua, phải lui về cố thủ Tây Ðô.  Lợi tiến lên Lỗi Giang, phái Lê Sát và Lê Hào đánh Tây Ðô.  Hàng dân châu Diễn nơi nơi hưởng ứng, khí thế nghĩa quân như diều gặp gió.
Ðến năm Canh Sửu ( 1421 ), nhà Minh phái bọn Mã Kỳ, Trần Trí và Sơn Thọ vào bình định.  Lê Lợi thắng được vài trận phục kích, nhưng nay mất một thế lực đồng minh là quân Lão Qua.  Hậu cứ của nghĩa quân Lam Sơn không an toàn như trước.  Lợi vào thế bị kẹp, xoay trở rất khó khăn, ảnh hưởng trong dân gian càng ngày càng giảm.  Trong tình thế ấy, Trần Nguyên Hãn ngược sông Lam đến Lư Sơn gặp Lợi vào buổi lập thu.  Sau khi bàn bạc xong xuôi, Hãn tiếp tục đi vào trại chè thăm Trãi.  Hà Trí Viễn xin theo.
Khu nhà nằm giữa hai ngọn đồi chè khoảng trăm nóc gia, chia thành thôn thượng và thôn hạ.  Phi Bảo hớn hở đón Hãn, và khi biết Viễn là người đi cùng, chàng chắp tay cám ơn Viễn đã chăm sóc phần mộ tổ nhà mình trong suốt mười năm.  Hãn và Viễn đòi đến gặp Trãi ngay.  Nhưng khi đó, Trãi và Vàng Anh đi câu trên bờ sông Lam, mãi sẩm tối mới về.  Hãn thấy Trãi, chồm dậy nắm vai, mừng mừng tủi tủi:
- Thì vẫn chú đây.  Ta đã sợ...
Viễn lừng lững đến cạnh Trãi, nắm tay, miệng ề à:
- Em cũng sợ...  Nhưng em biết rồi bác cũng qua.  Người ta có số cả mà.
Trãi chỉ vào miệng, lắc đầu, mỉm cười.  Trãi vẫn á khẩu, không nói được.  Nắm ngón tay trỏ của Hãn, Trãi viết vào khoảng không:
- Ngậm lời.  Trời bắt vậy...
Cười ha hả, Hãn mượn lời Hàn Dũ, đáp:
- Bất bình tắc minh.
Bấy giờ, Hãn mới thấy những thay đổi trên khuôn mặt Trãi.  Xưa, đôi mắt Trãi sắc lẻm, ánh tinh anh lấp loáng trên gò má nhô cao.  Nay, đôi mắt đó trở nên trầm tĩnh. Và cái nhìn không  giấu được nét u buồn thấp thoáng.  Chạnh lòng, Hãn bùi ngùi:
- Chớp mắt mà xa nhau đã sắp hai năm...
Trãi gật đầu, tay chỉ vào miệng rồi lại viết vào khoảng không:
- Thiên hình!  Vô ngôn!
Buổi tối, mọi người quây quần chung quanh một mâm cơm đạm bạc.  Phi Bảo kể cho Hãn và Viễn nghe tình hình trong vùng.  Dạo này, bọn quan quân nhà Minh lại bắt đầu sục sạo, không còn e dè như trước.  Hãn dặn phải cảnh giác và phác họa cho Bảo và Trãi hoàn cảnh chung ở Thanh - Nghệ.  Lẳng lặng nghe, Trãi không góp chuyện.  Vàng Anh, khi nào cũng ngồi cạnh Trãi, giương cặp mắt tròn to lên nhìn, bi bô bảo đánh giặc cần tiếng hát.  Ðào Nương suỵt con, nhưng Hãn dịu dàng hỏi:
- Hát thế nào?
Nhìn Trãi gật đầu ý khuyến khích, Vàng Anh nói:
- Ðào ông đệm cho cháu nhé...
Ðợi lên dây đàn xong, nó nhịp tay xuống mặt phản, miệng cười rồi hát theo điệu Quan họ:
Trèo lên núi dốc
Dựa gốc cây rừng
( ối a ), ta dựa gốc cây rừng
Dưới kia, quân thù dưới kia
Thù này, ( ôi ) ta phải trả
Ta đuổi nó ( ôi à là ) ta đuôỉ nó ( ôi à )…
Ðào Nương bật miệng hát theo.  Và rồi đám con gái Phi Bảo cũng đồng thanh cất tiếng.
Hãn ngạc nhiên, nhưng nét vui hiện trên mặt.  Hà Trí Viễn ề à hát theo, giọng ồ ồ lắm khi át tiếng mọi người.  Nắm ngón tay Trãi, Hãn viết:
- Lại chú.  Trò này của chú hẳn...
Trãi viết, đáp:
- Không.  Ðệ làm sao nghĩ đến nổi...  Là họ đấy.  Có được thế, là do hàng dân mà ra cả.  Chúng ta là bề nổi.  Chiều sâu một dân tộc là ở họ, trong họ.  Và sức bật, nó đến từ cuộc sốâng!
Ðến đêm, khi mọi người đã yên ngủ, Hãn nắm tay Trãi viết hai chữ:
- Ðại sự?
Trãi lắc đầu.  Nắm tay Hãn thật lâu, lòng Trãi quặn xót như sát muối.  Hình ảnh Xuyến trên dòng sông Cầu lại hiện ra.  Trãi viết:
- Ðiều kỳ diệu của sự sống là trong từng cái nhỏ nhoi.
Hãn thở dài.  Trãi quơ dưới chiếu, hai tay đưa lên cho Hãn một cuối sách, tựa là Nam Dao chí, mắt sáng lên nhìn.  Ðỡ lấy, Hãn đọc lời tựa xong, nhìn Trãi dò hỏi.  Trãi lại viết:
- Ðệ chép xong được bốn trăm câu ca dao và tục ngữ, gói ghém tâm và tình của hàng dân kết tinh từ thế hệ trước qua thế hệ sau. Ðây là sự sống, và là cách làm người với nhau của dân Ðại Việt.  Bây giờ, đệ mới hiểu rằng sở dĩ cha ông ta thời Lý - Trần đánh đuổi được xâm lăng là vì dân ta khác với quân xâm lăng.  Ðằng sau gươm giáo một cuộc chiến là cuộc xung đột văn hóa.  Chính nó mới giải quyết thắng, bại... 
Nắm vai Trãi, Hãn buột miệng:
- Chú thấy gì ở cái tâm và cái tình của dân ta?
Trãi lại nắm ngón tay Hãn, viết tiếp:
- Ðệ thấy dăm điều...  Nhưng đặc biệt nhất là cái khả năng hòa mà không đồng, giống như cây tre trước gió lớn. Cây cong theo chiều gió thổi nhưng khi hết gió, cây lại thẳng mình  đứng trong trời đất.  Tại sao?  Cái hệ ‘‘ quân thần, phụ tử, phu phụ ’’ nhập vào từ Trung Quốc do bọn nhà nho là để củng cố một  Ðế Chế tồn tại trong xã hội nông nghiệp.  Xã hội này tất phải phụ hệ.  Vì nó dựa trên sức mạnh thể chất của đàn ông, thời bình thì đi cày, thời loạn thì đi lính.  Nhưng đó đâu phải là lẽ tất nhiên.  Huynh xem, lúa thì dân ta đã cấy từ thời cổ đại.  Ðến khi phương Bắc xâm lăng, những kẻ đứng lên giành lấy độc lập đầu tiên là hai Bà.  Thuở đó, đệ nghĩ gia tộc dân Lạc Việt ta đặt trên nền tảng mẫu hệ.  Gia tộc phụ hệ có thể chỉ đến trong giai đoạn Bắc thuộc một nghìn năm.  Nhưng nó còn nhợt nhạt lắm, hàng dân đâu có tùng phục mù quáng.... Huynh thử đọc - Trãi lật Nam Dao chí, tay chỉ - mắt nhìn thúc giục.  Hãn ghé chiếc đèn dầu vào gần:
  Ðàn ông năm bẩy đàn ông
  Ðem bỏ vào lồng cho kiến nó tha
Và rồi không nhịn được, Hãn cười ằng ặc khi đọc:
  Gái chinh chuyên lấy được chín chồng
Về viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi
  Không may quang đứt lọ rơi
  Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng.
°
Mười hôm ở trại chè, Hãn ngạc nhiên thấy quả Trãi đã tách ra khỏi cách suy nghĩ của lớp sĩ nho cùng thời.  Măïc dầu còn trọng vọng những Chu An, Hàn Thuyên..., Trãi cho rằng họ quá vội vàng áp đặt hệ tư tưởng nho giáo mà chưa kịp sửa đổi để phù hợp với cái tâm và cái tình Ðại Việt.  Vì thế cho nên dù có sự tương ứng đồng thanh của Vua nhà Trần, đám nho sĩ chỉ đẩy lùi được đôi chút ảnh hưởng của tăng lữ trong triều đình. Nho giáo đến nay vẫn chưa có tác động tích cực trên đời sống dân gian.  Cho rằng hệ Tống Nho với tư tưởng Chu, Trình quá duy lý và cực kỳ khe khắt, Trãi quả quyết rằng mang ra áp dụng vào xã hội ta chỉ sẽ dẫn đến những mâu thuẫn và phân hóa sâu xa.  Hãn gật gù nhưng bảo chuyện trước mắt là giặc Ngô chiếm đóng nước ta.  Trãi bình tĩnh, nắm tay Hãn, viết:
- Chính giặc sẽ đưa những mâu thuẫn và phân hóa đó đến độ giặc phải thua.  Ðó là điều không tránh được...
Về phần Viễn, chàng cả ngày học hát làm Vàng Anh cứ cười như nắc nẻ.  Thế là sau này, những bài hát giặm, hát ví và quan họ theo phong cách cứu dân chống giặc lan truyền trong nghĩa quân Lam Sơn, trở nên rất phổ biến trong thời kỳ chiến tranh giải phóng.  Viễn lại xem địa hình địa vật trại chè rồi bảo Bảo.
- Nói, sợ ông anh buồn nhưng hai cái quả đồi chè trông như hai cái mông đít voi.  Thôn thượng và thôn hạ lại kẹp ở giữa, đằng sau là sông, đằng trước là rừng...  Tôi bảo thật, thế đất này không tốt.  Voi quì thì người trong thôn sẽ ra làm sao?  Cái thế Tượng quì này phải phá đi!  Muốn phá, đặt một cái miếu tế thần Hỏa ở thôn Hạ.  Lửa dí vào đít, ắt voi phải nhổm dậy, quì được thế nào mà quì!
Bảo nghe chỉ cười.  Hãn cợt:
- Chú Viễn vừa đánh giặc vừa làm thầy phong thủy, thật mỗi lúc công lực mỗi tăng!
Nhưng sau, Hãn dặn riêng Bảo, khi giặc vào trại chè chắc là đi bằng hai ngả thủy bộ.  Một là dọc sông Lam.  Hai là từ phía Nam Lư  Sơn.  Vậy thì Bảo phải tính đường rút cho dân chạy lúc bị truy bức.  Ðường đó là đường về phía bắc núi Lam. Sửa soạn tích trữ lương khô đề phòng khi nguy cấp là việc tối cần, không trì trệ được.
Tối hôm trước khi chia tay, Hãn hỏi Trãi có muốn về với mình không.  Trãi lắc đầu.  Một tay đỡ cuốn Nam Dao chí lên, tay kia Trãi chỉ Vàng Anh, rồi viết vào khoảng không:
- Ðệ định chép thêm dân ca...  Con bé cháu và cô em dâu biết rõ âm điệu.  Lại còn Ðào lão nữa.  Thiếu họ không được...
Dẫu chắc không hiểu gì, Vàng Anh nép vào bác như một phản ứng từ linh tính.  Nó ngửng lên, cặp mắt đen lay láy tròn xoe, hỏi:
- Con hát tiễn bác Hãn và chú Viễn nhé...
Viễn nhanh nhẩu, ôn tồn bảo:
- Hát đi, hát đi!
Dưới ánh trăng non độ lập thu, tiếng trống ếch bập bùng và tiếng kèn, tiếng nhị luyến lấy giọng hát Vàng Anh.  Hát rằng:
Người ơi người ở đừng về...
Người về em những ( ơ à ) mấy khóc ( ơ khóc ) thầm
Nhớ ai, nhớ ( ôi à ) vạt áo
Vạt áo ( ấy a ) ướt đầm, ướt đầm như ( à ) mưa
Hãn bật nói:
- Ðại sự chẳng phải chỉ để giành đất tranh sông mà là để bảo vệ những tiếng hát này!
Trãi nhìn thật sâu vào mắt Hãn.  Chàng nhớ lại lời ông ngoại.  Khi tiếp Hồ Nguyên Trừng thay mặt Hồ Quí Ly đến  Côn Sơn hỏi ý về việc triều chính,  Băng Hồ tiên sinh bảo ‘‘ Cứ xem, cuối hai trăm năm là lẽ tuần hoàn rõ ràng có suy có thịnh.  Mệnh trời như thế cũng đổi thay.  Hết Lý, đến Trần.  Rồi thì cũng phải hết Trần...  như một qui luật.  Tướng công cứ về nói như vậy với phụ thân cho ta...’’. Tháng sau, Hồ Quí  Ly tiếm ngôi. Nhưng thay Vua đổi Chúa là thay đổi lớp sơn.  Gỗ dưới mới là cái chống được nắng mưa.  Chính đám hàng dân, với những lời ca kia, với tình với nghĩa, mới là lớp gỗ này.  Và, tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
Cầm tay Hãn, Trãi viết lại lời cha chàng trên ải Phá Lũy:
- Vua quan là thuyền, dân là nước.  Ðưa thuyền đi là nước mà lật được thuyền cũng là nước.
Hôm sau, Trãi đưa Hãn và Viễn đến đầu ngạn Sông Lam.  Nhìn Trãi đưa tay vẫy từ xa, Viễn hỏi:
- Hai bác chuyện trò với nhau bằng tay như xẩm sờ.  Em chẳng hiểu gì sất!  Thế sao bác Trãi không chịu theo chúng mình?
- Là vì Trãi đang lo đại sự!
- Bác đừng lỡm em.  Ðại sự giờ này có đại đầu mục Lam Sơn, có bác và Chích, rồi có bác Xảo và Xa khả Tham. Bác Trãi lo một mình thế nào được?
- Cái đại sự của chúng ta ở trước mắt.  Nó là chuyện đuổi giặc.  Rồi đuổi được thì lập triều chính.  Cái đại sự của Trãi khác.  Nó ở ba bốn trăm năm sau.
-...
- Trãi đang sửa soạn Kinh Thi Ðại Việt.  Thế là để thay thế cái Kinh Thi của ông Chu, ông Khổng nước Trung Hoa đấy.
- Kinh Thi Ðại Việt là cái gì?
Hãn nghiêm mặt hỏi:
- Chú có nhớ bài hát tiễn tối hôm qua không?
Viễn gật.  Hãn lại bảo:
- Chú thử hát lại xem!
Ngạc nhiên, Viễn hít hơi lấy giọng, ôm ồm hát. Ðợi khi Viễn hát hết câu,  Hãn bật cười quàng vai Viễn  nói lớn:
- Ðấy, Kinh Thi của ta như thế đấy!
°
Cơn gió bấc đầu tiên báo Ðông về năm nay đến sớm hơn thường lệ.  Mưa chiều rả rích, khí núi lượn lờ như sắp sửa rơi xuống, và cỏ cây ủ rũ cam chịu với bốn mùa đổi thay của một thiên nhiên nghiệt ngã.  Hàng dân trong trại chè cắp nón mê, khoác áo tơi bằng lá gồi, lom khom thấp thoáng như đám cò ở đâu về đậu đầy bến sông Lam.
Cời than bếp cho lửa bùng lên, Trãi bỏ thêm dăm đọi củi ngo rồi ngả người dựa lưng vào vách.  Mùi củi cháy thơm lừng, khói tỏa lên không trung một lớp màn xanh mỏng loãng mơ hồ.  Siêu nước bắt đầu ấp úng sôi, hơi bốc, tiếng nước reo lên mời mọc.  Trãi châm đèn rồi pha chè, thứ chè móc câu mới sấy vụ năm nay.
Ðêm xuống.  Cơn lạnh thấm dần vào cơ thể.  Trãi khoác lên vai tấm áo ngự hàn, xoa tay, rồi vặn bấc xuống.  Ngọn đèn thu mình lại, xanh như mắt mèo nhấp nháy.  Tợp một ngụm chè, Trãi nhắm mắt, nhấm nháp vị ngọt chát đọng lại rồi thả cho tâm trí thênh thang vào một cõi không kiềm tỏa, không ý niệm, không tiên kiến.  Ðột nhiên, chàng nghe bên cạnh tai giọng ai đó văng vẳng:
Loàn đoan ướm hỏi khách lầu hồng
Ðầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng
Ngoài ấy dù còn áo lẻ
Cả lòng mượn đắp ấm hơi cùng
Trãi mở mắt.  Ô hay, rõ là Xuyến đứng bên bếp lửa nhìn chàng, miệng cười giễu cợt:
- Ghê nhỉ, dám ướm hỏi con gái người ta rồi rủ rê đắp ấm với nhau à?
Trãi bẽn lẽn, gượng đáp:
- Chắc tại trời bên ngoài lạnh quá...
Xuyến chép miệng:
- Thế bên trong thì sao? Cái lạnh bên trong đấy chàng ạ! 
Nhìn Trãi tần ngần, Xuyến nói như than:
- Có một thân một mình, lạnh lẽo lắm...
Trãi buột miệng:
- Biết thế thì nàng ở lại, đừng bỏ ta mà đi.
Xuyến lại cười, dịu dàng:
- Nhưng em không ở đây được, chàng ơi!  Chàng đi với em vậy...
Giời ơi là giời, em chết mất...
Nghe tiếng kêu, Trãi hiểu rằng chết được trong niềm hoan lạc là hạnh phúc, vô cùng hạnh phúc.  Thứ hạnh phúc đó không cần đến vật chất làm khung chống.  Thì như thế, xá chi xác thân.  Sau niềm hoan lạc sự sống chỉ có thể là cái trống không.  Chết mất đâm ra thành cách duy nhất để phủ định cái khoảng trống không kinh hồn đó.
Trãi bừng tỉnh.  Ngọn đèn mắt mèo vẫn xanh.  Củi ngo hóa than đang nhấp nháy lụi dần.  Chàng định thần, cố nhớ lại.  Rồi chàng gọi, Xuyến ơi!  Không, không có một ai.  Vẫn chỉ tiếng mưa rơi rả rích.  Tiếng côn trùng rỉ rả.  Bên cửa sổ, đàn đom đóm bay ngang để lại một vệt  lân tinh run rẩy trong gió.  Trãi vặn to ngọn đèn dầu, ra cài tấm liếp chặn cửa.  Khi vào, chàng mài mực,  chép lại câu thơ trong giấc mơ.  Viết đến câu cuối, Cả lòng mượn đắp ấm hơi cùng,  Trãi bùi ngùi tiếc nhớ.  Chàng ao ước làm sao bây giờ mới là lúc chàng đang mơ.  Còn cái thực, là với Xuyến, ở cái đình làng nọ, trong tiếng gái trai gọi nhau của một thiên đường vỡ ra như bọt nước.
°
Tiếng phèng báo động đầu thôn Thượng bỗng chợt rối rít khua lên vào giờ Mùi, tháng Chạp, sau ngày trăng tròn.  Phi Bảo tay đang bế Vàng Anh. Vội bỏ con xuống, Bảo nhẩy phắt lên ngựa ruổi nước đại.  Lên đến lưng chừng đồi chè, Bảo trông thấy đám quan quân nhà Minh đã cặp được một chục chiếc thuyền cái vào bờ sông Lam.  Nhìn về hướng Lư Sơn, con đường độc đạo cũng thấp thoáng bóng người.
Bảo vừa phi ngựa xuống đồi, vừa lẩm nhẩm tính toán.  Cứ một chục thuyền cái, chúng đã có thể vận chuyển từ hai đến ba trăm lính.  Thêm vào đường bộ, tổng cộng lại ước ra đến năm bảy trăm, tức là chúng đông gấp mười đội tự vệ của trại chè.  Thế thì đánh chặn, lừa đốt thuyền, cướp thời gian để rút đi, tản người vào miệt rừng phía bắc.  Bảo về đến sân trại chính thì đám tự vệ đã nai nịt sẵn sàng.  Cách phòng thủ dân trại đã nghĩ sẵn, nên việc điều động không có gì khó khăn.  Bảo lấy hai mươi tráng đinh, sắp đặt gùi lửa, dầu đốt và diêm sinh rồi tự mình dẫn họ vượt sông Lam, đi vòng lại tập kích vào đội thuyền giặc. Hai khắc sau, giặc bắt đầu xông vào. Toán tự vệ ở hai nút chặn chốâng trả kịch liệt, tiếng tên tẩm độc rít lên xé không trung giữa tiếng la thét, tiếng rú, tiếng gọi nhau ơi ới.
Ðào Nương là người chỉ huy việc tản dân xuống thôn Hạ rồi tất cả rút vào rừng.  Dân trại tiếc của, gồng gánh chăn màn thúng mủng nồi niêu. Sợ nên cứ quíu lại, họ quơ bên nọ, quào bên kia, la khóc như vỡ chợ. Không ngờ đến tình huống này, Ðào Nương ngẩn người ra rồi mím miệng tự tay rưới dầu đốt nhà mình.  Nàng quát:
- Bớ bà con, mạng không giữ được thì mang theo được gì?  Bỏ lại hết.  Chỉ mang chăn mùng và dao, rựa.  Thế thôi!
Dặn đám con gái lên đường đi trước, Ðào Nương chặt một đẵn tre đực, thúc giục mọi người.  Với những kẻ tiếc của dùng dằng, nàng thẳng tay quật, mắt mọng đỏ, miệng kêu:
- Ta đánh mày còn hơn để giặc giết mày!
Ðám cháy trong thôn Thượng có một tác động bất ngờ.  Khi thấy khói bốc lên, Phi Bảo đang vượt sông Lam khựng lại sợ thôn bị giặc tập kích.  Ngẫm nghĩ, Bảo ra lệnh cho đám tráng đinh quay lại không đi đốt thuyền giặc nữa.  Hai toán tự vệ cũng hoảng hốt cho người chạy về thôn, xuống tinh thần nên sức chống trả không cương mãnh như lúc đầu. Tuy vậy, tên nỏ có tẩm độc vẫn chặn được bước tiến của giặc.  Chúng hò hét nhưng không dám liều mạng xông lên.
Ðến cuối giờ Thân, lớp phòng thủ đường bộ phải rút về tuyến thứ hai.  Bảo ra sức hò hét, bảo tráng đinh có chắc mới bắn vì lượng tên nỏ đã vơi.  Lúc đó, Ðào Nương ở đâu hiện ra.  Bảo quát:
- Nhà nó lo việc di tản cơ mà.  Ði, đi...
Ðào Nương cười, bình tĩnh đáp:
- Dân thôn Hạ cũng đã đi hết rồi...  Bây giờ em thuộc đoạn hậu, thì  ở đây chứ còn đi đâu nữa!
- Sao lại đốt nhà!
- Không đốt, người ta tiếc của không đi.  Mà giặc vào, mình không đốt, nó cũng lấy, cũng đốt.  Nàng lại cười, rồi cất giọng, hát to:
  Trời chưa phong quang
  Giặc Ngô vào, trời chưa phong quang...
Ðám tráng đinh phòng thủ lối đường thủy cũng vừa rút về.  Họ nhịp tay hát theo.  Tiếng hát chống giặc vang lừng lên khiến giặc ngẩn ngơ không dám tiến.  Bảo lườm vợ, mắng yêu:
- Nhà nó đến hay.  Lúc phải chạy thì lại đến.
- Thì em lại quay đầu chạy trước nhé.
Nói xong, Ðào Nương nhìn Trãi, thưa:
- Bây giờ, xin bác đi với em...
Vẫy tay gọi tráng đinh cáng theo những người bị thương, Ðào Nương đi đến đâu châm lửa đến đó, miệng lẩm bẩm, chúng bay muốn đốt tao cũng chẳng cho.  Những bó chè năm nay đã sấy khô bốc cháy, mùi khét lẹt thốc vào mũi ngột ngạt.  Trãi nhìn cô em dâu, lòng bỗng vô vàn cảm phục.  Ðúng là giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh.  Chàng bây giờ tin như đinh đóng cột rằng dẫu qua một nghìn năm Bắc thuộc, gia tộc con dân Ðại Việt vẫn chưa biến thành phụ hệ như ở Trung Hoa, nơi người phụ nữ bị đè bẹp dưới sự thống trị của tam tòng tứ đức.  Chợt nhớ ra tập Nam Dao chí, Trãi vội vã chạy vào trái nhà nơi chàng cư ngự.  Bấy giờ, ngoài tro than, chỉ còn lại ba hòn đá chụm đầu vào nhau làm bếp.
°
Ông ơi, trời tối rồi.  Chỉ có lửa.  Lửa cháy...
Ông ngửi thấy...  Nó cháy ở đâu?
Con không biết!
 Bây giờ, con quay về phía cuối ngạn sông cho ông?
 Chỗ nào là cuối ngạn?
 Thò tay xuống nước.  Nước xuôi về đâu thì đó là cuối ngạn.
 Con biết rồi, phía này là cuối ngạn.  Con quay đây...
Quay chưa?  Thế bên phải hay bên trái?
 Bên nào là bên phải, bên nào là bên trái?
 Bên tay cầm đũa là phải.
_...
Lửa bên tay cầm đũa hay tay cầm bát?
Cầm bát!
Thế là lửa cháy làng ta rồi...  Lửa có to không?
 Con thấy cả ngọn...
_ ...
 Ai đốt hả ông?
Ai đốt thì cũng là giặc đốt...
 Bây giờ đi đâu?  Trời tối đen.  Con sợ...
không?
_...
 Nhưng ông con mình phải đi.  Con còn trẻ dại.  Bây giờ, cứ phía đầu ngạn mà đi...
 Ông đưa tay con nắm...
Ði ngược chiều nước chảy, đừng có nhầm...
 Ông bước nhé...
_...
 Ông có nghe thấy gì không?  Tiếng vượn hú.  Tiếng sói tru...
 Có.  Chúng còn xa mình...  Nhưng cái đáng sợ không phải là vượn là sói...
 Là gì...
 Là người.  Thế mới khổ!
 Con không hiểu...
 Con đừng hiểu vội... Cứ đi đi, ngược nước mà đi.
 Ði mãi, đi đến đâu ông ơi?
 Chỗ đến, ông không biết.  Nhưng cứ đi, đi thì xa cái nơi ông con mình không ở được...
 Sao mình không ở được, hở ông?  Con mệt lắm.  Con chỉ muốn ngủ?  Mẹ con đâu?  Các  chị con đâu?
men nó mà đi...  Bỏ cội nguồn là mất hết phương hướng, con ạ!
_ ...
 Con còn thức không?  Phải mở mắt ra mà định hướng.
_ ...
Con ơi, hay là con hát lên cho tỉnh ngủ?
_ ...
con hát  theo  ông...
_ ...
 Vàng Anh, Vàng Anh.  Tỉnh dậy.  Con đi như đi trong một cơn mộng du.  Con ơi, ông không còn nghe tiếng nước...
-...
 Vàng Anh, Vàng Anh.  Tỉnh dậy.  Con ơi, ông không biết con đang bước về đâu?  Còn ông, ông đã lòa rồi.  Ông chỉ con nghe được.  Ông không nghe thấy tiếng nước, ta đang lìa bỏ cội nguồn...
_ ...
 Ông lại hát nhé...
_ ...
 Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ ( ối ) bông mà nên bông.  Một đoàn ( tang tình ) con gái ối mấy lội ( lội ) sông, ối ( mới a ) đi tìm...
Thình lình, tiếng bật hồng rồi cả chục ngọn đuốc soi lên.  Một tên giặc quát, tiếng trọ trẹ:
- Ðây rồi.  Một thằng già điên.  Và một con bé con...
Ðào ông giơ chiếc đàn độc huyền lên cao, hăm he:
- Tao đánh bỏ mẹ chúng mày...
Bọn giặc thấy cảnh bật cười, hộc lên rồi từng bước sấn lại.  Ðào ông hét:
- Vàng Anh.  Hát lên con.  Hát lên để đuổi chúng nó đi...
Lúc đó, Vàng Anh bừng mắt.  Nó nghe Ðào lão, giọng bí bô cất lên:
- Ấy mấy lội ( lội ) sông.  Ấy mấy ( ai ) mà đi tìm.  Ði tìm ( tìm ) ai...  Ði tìm, tìm ai...
°
Hai ngày sau khi quân Minh bỏ đi, hàng dân trại chè lại lục đục kéo nhau về.  Thôn Thượng và thôn Hạ nay hoang tàn.  Kèo cột cháy dở ngu ngơ xiêu vẹo.  Gạch ngói đổ nát tứ tung.  Tro than bộn bề bám vào mặt đất nhão nhoẹt dưới mưa dầm.  Dăm con chó ve vẩy đuôi thấy người về, không sủa mà chỉ kêu lên hinh hích.
Người ta bổ đi tìm những người thất lạc.  Tính sổ, ngoài hai người chết trận, có mười bảy tráng đinh bị thương.  Và bốn cụ già chết cóng trong rừng.  Còn lại, cả chục người không thấy tăm tích, trong đó có Ðào lão và con bé  Vàng Anh.  Cả nhà Phi Bảo chia nhau, mỗi người đi về một phương.  Xưa, Trãi hay đi câu với Ðào lão và Vàng Anh.  Chàng men bờ sông Lam đến chỗ thường thả câu nhìn quanh quất.  Không thấy bóng dáng ai, Trãi thả bước ngược dòng đi lên.  Trong lòng sông, nước xuôi xuống uốn lượn, có chỗ đập vào đá nổi bọt trắng xóa, cuốn đi những xác lá mục chập chờ chìm trôi tăm tích.
Chàng nhìn xuống lối đi đất còn ướt, thấy dăm dấu chân.  Ði thêm, cây mang những vết chém, cành rơi nằm ngang dọc.  Trãi dấn bước, lòng hồi hộp, linh tính báo cho chàng điềm chẳng lành.  Chàng vạch lá, rẽ cây, mắt chăm chú nhìn trừng trừng.  Một lúc sau, Trãi đến một bờ đá đâm ra sông.  Trãi đến gần.  Một búi tóc bạc dựa vào hốc, mặt hướng ra ngoài.  Chạy vội lại, Trãi nhận ra Ðào lão.  Ðầu ông cụ ngoẹo xuống, vạt áo trước ngực máu vấy thâm đen.  Chỗ dao đâm, bọn giặc Ngô lại nhét cái cán cây đàn độc huyền đã bị đập nát bấy vào.  Trãi cúi xuống.  Miệng Ðào lão móm mém mở toác ra như  kêu như gào trước khi chết.  Cặp mắt lòa nay chỉ còn một lớp gân mỡ trắng hếu vô hồn trợn trừng trừng.  Một đám kiến bò thành hàng trên mặt lão nay cứng lạnh như gỗ, thản nhiên chui vào miệng, vào mũi, vào lỗ tai.  Chúng lúc nhúc bu quanh cái cán đàn, tiếp tục đục khoét vết thương chí tử.  Trãi bật dậy.  Chàng muốn kêu, nhưng cổ tức lại, thanh âm kẹt cứng yết hầu.  Vàng Anh đâu?  Chàng nhảy bổ sang bên cạnh.  Rồi rúc vào bụi.  Vẫn không.  Chàng lại sấn tới.  Trước mặt là một khoảnh đất thưa cây.  Vẫn không.  Trãi lại lao lên, cơn sợ hãi khiến chân chàng tê cứng.
Ở bìa rừng, Vàng Anh chơ vơ nằm đó.
Con bé trần truồng, phần hạ thể be bét máu đã đông đặc.  Mắt nó mở to, nét kinh hoảng nguyên vẹn, hai tay cào bấm xuống bụi cỏ bị đạp nhàu.  Vàng Anh ơi, hỡi Vàng Anh!  Trãi thét lên ‘‘ Giời ơi là giời!  Giời có mắt không hả giời! ’’.
Ðó là lần đầu Trãi nói ra lời sau một năm á khẩu.  Tiếng thét của Trãi vọng vào vách xuyên qua vực bay theo gió lạnh một mùa đông khắc nghiệt.  Gục mặt xuống đất, Trãi cứ thét gào cho đến khi dân trại chè chạy ùa lại.
Ðào Nương nhìn con rồi ngất đi.  Phi Bảo cởi áo quấn lấy xác Vàng Anh bế lên, nước mắt nhòa nhoẹt trên mặt nhưng mím môi không nói một câu.  Xác Ðào lão đặt trên một cái cáng, hai người khênh hai đầu, lầm lũi bước.
Hai ngày sau khi chôn cất những kẻ tử vong, dân trại chè họp nhau lại.  Bảo nói:
- Cơ sự này, ai ở lại cứ ở mà làm chè.  Tôi phải đi!
Khi có người hỏi đi đâu thì Bảo trỏ tay về phí núi Lam.  Hầu hết đám tráng đinh theo Bảo vào Lam Sơn tụ nghĩa.  Ðêm hôm đó, Bảo hỏi Trãi:
- Anh có đi không?
- Chú đi trước đi.  Rồi sẽ gặp.
Mặt Trãi nay như thép nguội, hai con mắt lại lấy lại tất cả nét tinh anh ngày trước.  Trãi mang nghiên bút vào mộ Vàng Anh mới đắp, căng lều ở mươi bữa, ngày ngày gò người ra viết.  Lần này, sách Bình Ngô thảo bằng chữ Nôm, không điển cố, không chữ nghĩa cầu kỳ.  Sách viết rất đơn giản, câu chữ mạnh lạc.  Bởi mọi sự thật đều đơn giản đến hiển nhiên.
Viết xong Bình Ngô sách, Trãi nấu mật rồi chọn cả trăm chiếc lá rừng loại to bản.  Bỏ hai ngày trời, chàng lại cắm cúi chấm mật viết lên lá.Viết xong chàng mang đống lá đến để cạnh một tổ kiến đất.
Một đêm trước khi lên đường, Trãi ngồi thắp hương trên mộ Vàng Anh.  Chàng khấn ‘‘ đuổi giặc rồi, bác lại chép lại Nam Dao chí cho con.  Cái chết của con không vô ích đâu, Vàng Anh ơi!  Nó dạy cho bác vế thứ hai của việc lấy đạo  nghĩa chống hung tàn.  Ðó là mang trí, nhân thay cường bạo.  Vì chỉ có thế thì con người mới tránh được sự hủy diệt của chính con người trong mai hậu ’’.
Thình lình một con chim cánh chuốt màu lửa từ chân mộ bay vút lên. Cánh chim  thành một vì sao tít tắp, muôn đời nhấp nháy với gọi tương lai trong khoảng trời đất vô cùng của những con người khốn khổ.