LỜI NGỎ

Quốc gia nào cũng có Lịch Sử.  Chỉ kể ra những biến động và sự cố, loại chính sử biên niên đơn thuần ghi lại lịch sử chết. Chính sử lại chẳng phải lúc nào cũng được ghi nhận khách quan. Những biến cố thường được tô vẽ theo những quan điểm thế quyền đương đại một khi có lợi. Và ngược lại, bị lờ đi  một khi bất lợi. Nó thường bịt ít nhất là một trong hai con mắt ta lại.
  Ngoài dòng chính sử, còn có phần lịch sử hình thành qua trí tưởng tượng, óc phán đoán, và cao hơn là sự cảm nhận từ quá khứ những vấn đề của con người và xã hội hiện vẫn tồn tại. Ở đây, biến cố lịch sử trở thành đối tượng đem soi dưới lăng kính chủ quan, nhào nặn lại để rồi, qua ngòi bút người viết, thành tiểu thuyết dã sử. Hiểu như vậy, không  ai phủ nhận được phần trách nhiệm của những tiểu thuyết dã sử.  Soi rọi vào những vấn đề nhân quần xã hội và thân phận con người trong quá khứ là một cách đi tìm sự sống tàng ẩn trong lịch sử. Lịch sử đó là lịch sử sống. Nó tạo được khả năng nhìn vào tương lai dưới một góc độ có ý thức.
  ĐẤT TRỜI, tiểu thuyết dã sử, dựng lại thời Minh thuộc vào thế kyœ XV.  Mọi nhân vật, có hay không có thật trong chính sử, đều là nhân vật tiểu thuyết. Đó là cách tác giả đối thoại với lịch sử. Và mời gọi độc giả nhìn lại lịch sử với mình.
  Phần I, ĐẤT CAO, trải theo chiều dài hai mươi năm xương máu của con dân Đại Việt giành lại độc lập. Phần II, TRỜI THẤP, là mười năm đầu của nhà Hậu Lê, kết thúc với Vụ Án Vườn Vải và cái  chết bi thảm của Nguyễn Trãi, một con người mang kích thước lớn nhất của thời đại bấy giờ.
  Như một nghệ sĩ, Nguyễn Trãi đã để lại Quốc Âm thi tập, xử dụng linh động cái vốn phong phú dân gian là ca dao, tục ngữ trong thi ca. Với sách lược Tâm công, Nguyễn Trãi có lẽ là nhà quân sự nhân đạo nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại.  Ông là người kết hợp được cây bút và thanh gươm để chiến thắng đoàn quân viễn chinh nhà Minh rắp tâm đẩy Đại Việt ngược về thời châu huyện Giao Chỉ.  Gươm cần, nhưng chính cây bút, lúc cứng lúc mềm, mới có khả năng mang lại hòa bình với một số lượng máu xương tối thiểu.  Chiến thắng nhưng vẫn giữ được sức dân là điểm chói lọi của cuộc chiến giành độc lập gần sáu thế kyœ trước, một kinh nghiệm lịch sử mà cho đến nay người Đại Việt không thực sự rút tỉa được.
  Thời Nguyễn Trãi, dẫu có giữ được sức dân, nhưng rút cục nhà Hậu Lê phải dựa dẫm vào mô hình phong kiến Tống Nho.  Sau khi giành được độc lập, xã hội Đại Việt xoạc chân giữa giá gươm, tháp bút và chiếc ngai quyền lực.  Đám công thần, số đông là võ tướng gốc Mường, chỉ biết cấu xé tranh giành lợi lộc. Đám nho sĩ, phần lớn theo đuôi quyền lực, thường chữ nghĩa còn lổn nhổn chưa tiêu hóa, nhắm mắt bắt chước mô hình tổ chức chính trị Trung Hoa.
  Thắng một cuộc chiến giành độc lập không phải chỉ có gươm giáo súng đạn đuổi giặc.Thắng, tối thiểu là giữ được văn hiến, gọi rộng ra  là văn hóa.Thắng lớn, là phát triển văn hóa của mình. Giành được độc lập mà dân kiệt sức thì xã hội rã ra để buông thả vào những mô thức rập khuôn. Cuộc chiến giành độc lập thời Minh thuộc chỉ tạo lại một guồng máy quan nha bản địa.Thế thì độc lập để vậy ư? Ta thắng hay bại? Và tại sao? Trong bản tuyên ngôn độc lập đầu của dân Đại Việt, Nguyễn Trãi đã khẳng định Cõi bờ sông núi dẫu riêng, phong tục bắc nam cũng khác.  Văn hóa tôi luyện qua đời sống kết tinh thành phong tục. Phong tục, nói cho cùng,  là cách làm người. Làm người cùng nhau. Làm người với nhau. Làm người trước tương lai. Dĩ nhiên, làm người với cả quá khứ lịch sử. Nguyễn Trãi  hiểu điều đó, và tâm nguyện có lẽ còn hơn chúng ta ở thời đại này.
Nguyễn Trãi thường dùng khái niệm thế thời trong lẽ tuần hoàn.  Đại Việt xưa, và Việt Nam bây giờ, cũng ở trong lẽ đó. Cùng tắc biến, biến tắc thông?
  Sáu trăm năm sau Nguyễn Trãi, thêm một cuộc chiến tranh giành độc lập, và lịch sử gần như  lập  lại.  Xã hội chúng ta bơ vơ trước ý thức hệ cho đến nay chỉ thuần đi bắt chước rập khuôn, mang mô hình ngoại  lai áp đặt lên tình tự dân tộc, ngụy trang thực tế một xã hội lạc hậu phong kiến. 
  Hiện nay, đó là vấn đề sống còn của một nền văn hóa. Nếu văn hóa tiêu vong, chúng ta sẽ là những đứa con rơi của tình cờ trong quá khứ. Và là những kẻ vất vưởng trên con đường vào tương lai.

Nam Dao

Iles de la Madeleine, 10 - 08 - 2001
Québec, 05- 01- 2002