Hỏi người vì sao cây lá mãi xanh, bầu trời mãi cao và không có thiên thần? Vì sao nắng thường nhạt nhẽo về cuối ngày và mưa vẫn hay rơi vào đêm vắng? Vì sao những con đường khao khát được dài mãi ra nhưng luôn chứa quá nhiều hạt bụi?
Hỏi người vì sao mỗi sớm mai thức dậy lại để cho ý nghĩ nhàm chán lởn vởn trong đầu, rằng hôm nay ta sẽ làm gì và nên sống thế nào, nhưng rồi người cứ thích đi trên một con đường quen thuộc? Vì sao người ước mơ được bay tới các hành tinh xa xôi và thích nghe những lời ngợi ca bất tận? Vì sao giữa chốn đông vui mà vẫn có ai đó phải ngồi một mình, nghe lòng trống rỗng hoang vu?
Hỏi người vì sao phải luôn gắng gượng để đi về phía trước? Vì sao phải luôn toét miệng tươi cười mà khóe môi đang dần trễ xuống theo tháng năm? Vì sao những lúc tiệc tàn, trạng thái mất mát hay chênh vênh bỗng hiện ra, và người giăng ra cái bẫy cho chính mình sa lầy vào?
Vì sao? Vì sao? Vì sao?…
Ba người đàn bà cùng ngồi lặng im trong chiều muộn. Tiếng nhạc loang ra từ chiếc loa cũ, ngấm vào những phiến lá trầu ông to bè đeo bám trên thân cây mận già nua bên ngoài cửa sổ. Căn phòng tối om.
Người đàn bà thứ nhất bị mù một mắt, mặc chiếc áo vàng phai màu có một đường diềm tím nhạt diêm dúa trang trí vòng quanh cổ, cất giọng thều thào: "Hôm nay cậu chủ không về". Người đàn bà thứ hai bị cụt cánh tay phải, đang treo cánh tay còn lại vào song sắt cửa sổ, cố gắng rướn người nhìn ra bên ngoài xem nắng chiều đang tắt. Người đàn bà còn lại lành lặn nhất, nhưng gương mặt hơi đờ đẫn, bà mặc chiếc áo may bằng vải bố sợi thô, đang cố tết lại mái tóc xoăn tít, khẽ thở dài mà không nói gì. Tiếng nhạc thiểu não vẫn rơi ra từ chiếc loa cũ: "Vì sao… vì sao… vì sao…?".
"Cậu chủ quên tắt nhạc" - người đàn bà mù mắt cố gắng khơi gợi câu chuyện. "Ừ, luôn luôn" - người đàn bà lành lặn tạm ngừng công việc tết tóc, nhả ra một câu hưởng ứng cụt lủn. Người đàn bà cụt tay không nói gì, bà ta mãi nhìn nắng rơi.
Như thường lệ, cậu chủ trở về nhà vào lúc nửa đêm. Cậu rút từ trong túi xách vài tờ báo dúm dó, thảy ra sàn đánh roẹt, nhìn quanh quất rồi gắt gỏng: "Sao cứ mở cửa sổ cả khi ta đi vắng thế này? Kẻ nào luôn phá bĩnh ta?", nói đoạn, cậu tiến lại đóng sập hai cánh cửa, nhìn chòng chọc vào ba người đàn bà với thái độ trách móc pha giận dữ, khiến người đàn bà cụt tay co rúm người lại, cánh tay duy nhất khẽ run lên lập cập. Chỉ có người đàn bà lành lặn là được cậu chủ yêu quý nhất, bằng chứng là trước khi đi tắm, cậu khẽ sờ vào lọn tóc rối mà rất cố gắng, bà ta đã tết lại thành hai bím vụng về. Người đàn bà mù mắt vuốt lại nếp váy sờn cũ, kín đáo nuốt nước bọt để kiềm chế cơn tủi hờn, bà nhớ rằng trước đây cậu chủ không bao giờ nhìn bà bằng ánh mắt giận dữ như ban nãy. Cậu cũng chưa từng quát tháo ai trong đám đàn bà này và chiếc váy bà mặc vào thời gian đó luôn được nhìn ngắm những khi cậu thức giấc vào mỗi sớm mai.
Nhạc để chế độ repeat nên cứ lặp lại liên tục: "Vì sao... vì sao... vì sao...?". Cậu chủ đã tắm xong, đang giũ chăn nệm để chuẩn bị đi ngủ, quên hẳn việc ba người đàn bà vẫn chưa được ăn tối. Họ đồng loạt đợi cậu chủ về để cùng nhau ăn tối bên chiếc bàn gỗ cũ kỹ đặt cạnh cửa sổ. Những khi có mặt ở nhà vào ban ngày, cậu chủ vướng phải một thói quen lẩn thẩn là ngồi hàng giờ nơi góc ấy nhìn ra những chiếc lá trầu ông to bè đeo bám trên thân cây mận già nua. Thảng hoặc còn tiến hành công việc đếm lá. Cứ vài ngày lại có một chiếc lá trầu ông mới được sinh ra, mầm xanh căng mẩy và óng ả. Nhưng rồi công việc đó bỗng dưng không tái hiện vào thời gian gần đây. Vì cậu chủ bận rộn. Bận rộn và mệt mỏi luôn đi kèm, thế nên khi trở về nhà, việc đầu tiên cậu chủ làm là tắm rửa khoảng mươi phút, sau đó vừa ăn uống theo kiểu "ngẫu hứng" vừa bật tivi hoặc máy hát rồi ngủ vùi. Những âm thanh rỉ rả về đêm ban đầu khiến ba người đàn bà không thể ngủ sâu được, nhưng vì sợ cậu chủ nên không ai có ý kiến gì.
Ba người đàn bà trước đây chưa hề quen biết nhau, họ từng lưu lạc khắp nơi qua bao miền đất lạ, từng cư trú ở những thành phố ồn ào và náo nhiệt, từng di chuyển trên những chuyến xe chật chội rong ruổi suốt ngày đêm, từng qua đêm trong những căn phòng trọ tồi tàn khi chuyến tàu chở họ bị kẹt lại vì mưa bão, một trong số họ còn may mắn được đáp chuyến bay sang trọng đến một quốc gia giàu có của phương Tây. Thuở ấy họ còn được việc, nên những vị chủ cũ ban phát cho họ những tia nhìn âu yếm, họ được chăm chút cẩn thận về bộ dạng để không ai phải xấu hổ vì hiện diện trước mặt mọi người với tình trạng nhem nhuốc. Không như bây giờ, tất cả đã già nua, bệnh tật và vô dụng. Vì vô dụng nên họ bị quẳng ra đường không chút xót thương. Đời họ là một chuỗi ngày dài lao động vất vả, để rồi cuối đời được trả công bằng sự tàn nhẫn.
Người đàn bà mù mắt thường hay khóc thút thít trong đêm, nước mắt ướt đầm chiếc áo vàng sờn cũ có tua diềm màu tím diêm dúa bám quanh cổ. Cậu chủ đã cứu vớt đời bà từ một cửa hàng nhếch nhác thuộc một thành phố phương Bắc. Sau cú ngã lộn nhào từ trên cao xuống trong lúc lao động, bà bị một thanh tre nhọn đâm vào mắt và vĩnh viễn bị mù, dù cố công chữa trị nhưng không cứu vãn nổi. Thế là bà trở thành vật phế thải. Bà bị tống ra cửa hàng, làm một công việc nhàm chán là trông coi của cải bằng con mắt còn lại. Bà làm việc lặng thầm trong hốc kẹt, nơi bóng đêm ráo riết tấn công bà trong mọi lúc có thể. Đêm, bà buộc phải ngủ lại cửa hàng, chịu đựng lũ gián diễu hành trên kệ tủ và tiếng lít chít của một con chuột gian xảo đang trồi đầu lên từ chiếc cống nhỏ bị vỡ nắp. Bà sống trong thế giới tật nguyền, bệ rạc cho đến khi gặp cậu chủ nhân hậu nhưng lạnh lùng này. Thế là bà tất tả về với cậu, trong niềm cảm kích rung lên theo nhịp bước.
Người đàn bà thứ hai có bi kịch tương tự. Trong một tai nạn ô tô, hai chiếc xe đâm sượt vào nhau trên một đoạn đường hẹp, vô tình nghiến đứt cánh tay phải của bà. Bà không thể làm việc nhanh nhẹn với cánh tay còn lại vì luôn bị mất thăng bằng. Bà rơi nhanh vào quên lãng, nhưng vì những năm phục vụ tốt cho vị chủ, nên bà được giữ lại trong gia đình. Bà sống trong gian xép gần phòng ngủ của cô con gái ông chủ. Cô này tính nghịch như con trai, lúc giận dữ điều gì cô hay vơ gối ném về phía bà, còn khi vui sướng cô lại nắm cánh tay duy nhất của bà giật giật khiến bà cảm thấy đau đớn đến trào nước mắt. Một ngày kia cô gái không chịu được sự hiện diện của bà, cô lừa bà ra đường rồi "vô tình" bỏ quên trên một vỉa hè xa lạ. Bà quay mặt vào tường âm thầm khóc. Vậy là bà bị vứt đi không chút thương hại. Sau một đêm đói rét trên hè phố, cuối cùng bà cũng gặp được ân nhân.
Người đàn bà còn lại có số phận yên bình hơn, vì bẩm sinh bà đã như một sinh vật nghễnh ngãng. Bà yếu đuối và kém thông minh. Bà không là vật phế thải nhưng là món đồ tẻ nhạt. Thượng đế trong phút lơ đễnh tạo ra bà bằng vóc dáng thô kệch vụng về. Những người sinh ra bà nhanh chóng dành cho bà món ăn có tên gọi "thờ ơ". Khi bố mẹ mất, bà về ở với người cháu họ. Ngày kia khi theo gia đình di cư vào miền Nam, trên chuyến tàu chợ hôi hám và chật ních người, bà không có ghế ngồi nên phải vật vờ trên một kiện hàng. Bỗng dưng có người khách lạ bước tới. Bà nghe câu chuyện trao đổi giữa vị khách trẻ và người cháu họ. "Không, tôi không có ý định bỏ rơi, nhưng anh biết đấy, những của vô dụng như thế kia (người cháu họ hất cằm về phía bà khiến bà cụp mắt xuống vì tủi nhục) chỉ tổ làm cho đời tôi thêm rối rắm. Thuở bé chúng tôi từng chơi đùa với nhau. Nhưng, anh biết đấy, giờ tôi đã lớn, tôi có nhiều việc phải quan tâm hơn....", người cháu nhún vai vẻ bất cần. Vị khách trẻ nói thầm thì câu gì đó rồi có tiếng chân bước lại gần. Giọng nói rền rền của đứa cháu họ vang lên: "Phúc cho ngươi đấy. Hãy bắt đầu một đời sống mới đi. Ta không muốn bỏ rơi ngươi nhưng kỳ thật, nếu giữ ngươi lại ta cũng không biết phải dùng vào việc gì. Yên tâm nhé, bây giờ hãy đứng lên và đi con đường của chính ngươi". Tàu dừng bánh, bà xuống sân ga cùng với vị khách lạ. Không ai đưa tiễn bà dù là lời tạm biệt sáo rỗng. Nhưng bà cũng chẳng buồn nhiều, vì vốn dĩ bà là kẻ nghễnh ngãng.
Bây giờ họ đang đứng cùng nhau, trông ra cánh cửa sổ mở he hé. Ngoài kia, những chiếc lá trầu ông phả ra hơi thở rì rầm, hòa lẫn tiếng thở khò khè của cậu chủ như một con mèo hen. Ngôi nhà đặc quánh vì bóng đêm. Ba người đàn bà từ từ đổ gục xuống... Tiếng nhạc vẫn nhểu nhão rơi ra từ chiếc loa cũ: "Vì sao... vì sao... vì sao…?".
Nửa đêm, cậu chủ đột ngột hét lên một tràng dài ú ớ. Mồ hôi đầm đìa, cậu chủ bật tất cả đèn và nhìn chòng chọc vào cánh cửa sổ khép hờ. Ba người đàn bà cũng vừa tỉnh giấc, họ nhìn nhau và nhìn về phía cậu chủ đang sợ hãi tột độ, tự hỏi điều gì vừa xảy ra? Một lúc lâu, cậu chủ tiến tới cài chặt then cửa sổ lại, vẻ mặt căng thẳng. Rõ ràng mình vừa nhác thấy ai đó đang đứng nhìn? Một cái bóng trắng lờ nhờ, không xác định rõ là nam hay nữ. Phía dưới cánh cửa sổ là một lối đi nhỏ dẫn ra nhà bếp, nơi cậu chủ trồng vài thứ cây cảnh vớ vẩn chẳng mấy khi được chăm sóc. Những túm dây dại chen lấn bò vẩn lên gờ tường. Xanh tốt nhất là bụi trầu ông quấn chặt vào gốc mận già nua chẳng bao giờ ra quả. Ai đó đã đột nhập vào lối đi nhỏ hẹp ấy? Ai đó đã nhìn trộm vào phòng? Cảm giác bị rình rập trong đêm khiến cậu chủ nửa khiếp sợ nửa bực tức. Trong căn nhà nhỏ này thực ra chẳng có gì đáng giá để kẻ trộm nhòm ngó. Vậy mà... Suốt đêm, những người trong nhà hoàn toàn bị mất ngủ.
Những đêm sau, tình trạng cũ vẫn lặp lại. Hễ khi tắt đèn, vừa lúc cậu chủ chuẩn bị chìm vào giấc ngủ sâu là cái bóng lờ mờ luôn hiện ra bên cửa sổ. Và bao giờ cũng vậy, khi đèn bật sáng, cậu phát hiện ra ai đó đã bí mật mở hé cánh cửa sổ, dù trước đó, cậu chủ đã cài chặt then. Sự việc kỳ quặc đến nỗi cậu chủ sợ hãi không dám đứng lên đi khép lại cánh cửa như lần đầu tiên. Cậu nghi ngờ cả chính mình, rằng có phải mình đã quên cài chặt then hay không?
Mọi sự không dừng lại ở đó, khi vào những đêm tiếp sau, có tiếng bước chân rậm rịch di chuyển liên tục trong phòng và thậm chí còn có cả tiếng khóc thút thít. Cậu chủ gần như điên loạn vì căng thẳng đầu óc. Cậu mất ngủ suốt đêm, căng mắt ra nhìn nhưng chẳng thấy một thứ gì cụ thể. Những tiếng động mơ hồ và các hình ảnh lạ vẫn lởn vởn bên cửa sổ, tạo ra một thế giới ám ảnh khiến cậu chủ quyết định tiết lộ câu chuyện cho vài người bạn thân biết.
Nghe chuyện, một người bạn khuyên: "Mày đừng húc đầu vào công việc nữa. Có thể mày đang bị suy nhược thần kinh. Khi tinh thần bệnh hoạn, người ta hay bắt gặp những ảo ảnh rồi hoảng hốt vì chúng. Cố gắng về nhà sớm. Mày cũng nên tìm một người phụ nữ để lo toan chu đáo cho những bữa ăn tối. Phụ nữ luôn gây ra những phiền toái nhưng mày biết đấy, đời sống cần phải được cân bằng. Có dương thì phải có âm, đó là luật hòa hợp của tự nhiên. Cố gắng lên, trông mày gầy gò thảm hại như một con ma đói". Người bạn khác khẽ thở dài, hỏi: "Dạo này công việc thế nào?". "Nhà hát đang làm vở mới. Chúng tao đang tập dượt ráo riết, chuẩn bị lưu diễn vào đầu tháng. Công việc ngập đầu". Hai người bạn cùng thở dài, những lời khuyên về giới hạn công việc dường như không hiệu lực. Cuối ngày, họ chia tay nhau nơi quán nhỏ, ai nấy đi về nhà mình.
Ở nhà, những người đàn bà đang cố gắng sắp xếp lại căn phòng bề bộn để giúp đỡ cậu chủ. Tất cả họ đều cảm thấy như mình có lỗi với ân nhân. Hàng đêm, khi chứng kiến cậu chủ hét lên những tràng dài ú ớ, ba người đàn bà hốt hoảng ôm chầm lấy nhau, chia sẻ nỗi sợ hãi cùng cậu chủ. Nhưng rốt cuộc họ chẳng giúp được gì. Mặc cảm về sự vô dụng khiến một trong số họ khóc rống lên những tràng dài thê thiết. Giờ đây, khi cậu chủ vắng nhà, người đàn bà cụt tay đang tiến gần đến bên cửa sổ, cố gắng rút then cài. Dù biết cậu chủ không hài lòng khi thấy cửa sổ mở ra khi mình vắng nhà, nhưng bà vẫn không thể từ bỏ thói quen nhìn ngắm nắng chiều đang tắt. Ánh nắng rọi lên tán trầu ông nhắc bà một thời son trẻ, thuở chưa bị lãng quên, bà đã từng sống trong tiếng nhạc rộn ràng, những luồng ánh sáng kỳ ảo và cả những tràng vỗ tay không ngớt... Kể từ khi bà tật nguyền, người ta đã dành cho bà những căn phòng tăm tối. Dù cậu chủ có tốt đến đâu, cậu vẫn là một người bận rộn. Sáng cậu ra đi và rất khuya cậu mới trở về. Căn nhà lạnh lẽo chỉ sáng lên đôi chút rồi tắt ngấm. Ngày nọ qua ngày kia, chiếc cửa sổ im ỉm đã nhốt chặt số phận ba người đàn bà trong phòng, những âm thanh triết lý ảm đạm tỏa ra từ chiếc loa cũ đã vây bọc họ vào thế giới dằn vặt. Trong sự cố gắng tuyệt vọng, người đàn bà cụt tay mở hé cửa sổ để tìm kiếm cho mình chút ánh sáng muộn màng cuối ngày, hòng xua đi nỗi ám ảnh là mình đang chết một cách mòn mỏi. Trong lúc đó, người đàn bà lành lặn đang kéo phẳng lại mép khăn trải giường, còn người đàn bà mù mắt thì đang chạm tay vào chiếc chổi quét bụi.
Bỗng có tiếng mở khóa lách cách. Có lẽ cậu chủ đang về. Người đàn bà vội vã rút tay khỏi thanh chắn cửa sổ. Cậu chủ đã mở cửa căn phòng, đưa tay bật công tắc đèn và giương mắt căng thẳng kiểm soát tình hình. Chợt cậu hộc lên một tiếng như con mãnh thú bị trúng đạn. Cậu gần như đột quỵ vì nhác thấy một chiếc bóng vật vờ đang treo lơ lửng bên khung cửa sổ mở hé. Những bước chân rậm rịch chuyển động bỗng dừng lại đột ngột. Ngoài cửa sổ, chiếc lá trầu ông tàn úa rơi xuống thành một đường lượn màu vàng chấp chới.
Giây phút kinh hãi trôi qua nhanh chóng, khi cậu dụi mắt và chợt nhận ra đó là một trong những con rối sứt mẻ mình vẫn hay tiện tay vứt lăn lóc từ xó xỉnh này đến xó xỉnh kia. Cậu tiến đến bên cửa sổ, giật con rối xuống, không ngờ cú giật quá mạnh nên con rối vốn đã bị cụt một tay liền sứt luôn cánh tay còn lại. Thân thể nó mềm oặt. Cậu ném nó vào góc nhà. Con rối ngã vật xuống, kéo đổ luôn con còn lại đang nép mình cạnh chiếc chổi quét bụi. Một con khác đang lăn lóc trên mép giường, trơ ra hai con mắt thòi lòi nhìn chăm chắm lên trần nhà, mồm sơn đỏ cứ nhệch ra, không biểu lộ trạng thái gì, còn hai bím tóc thì dựng ngược về sau trông thật xấu xí. Cậu chủ bực tức túm lấy ném vào cùng một đống lổn nhổn với hai con kia. Ba con rối ngã lăn lóc nơi góc phòng trong những tư thế đầy thảm hại. Nhìn chúng, cậu chủ chợt nhớ đến xưởng chế tạo rối của nhà hát. Sau mỗi đợt lưu diễn kéo dài, thể nào cũng có nhiều con bị sứt ngoe gãy gọng vì tai nạn phải vứt chỏng chơ vào kho. Những con quá cũ kỹ cũng cùng số phận. Bộ dạng của chúng lem nhem, có con bị phai màu áo, có con bị gãy tay chân, có con bị sứt mũi hay mù mắt, có con thì cứng đờ, giật dây mãi mà chúng không tài nào cử động cho mềm mại. Tất cả lũ tật nguyền ấy nếu sửa chữa được thì cho biểu diễn tiếp, còn không thì xếp vào kho. Lâu lâu thì đem thanh lý cho các cửa hàng lưu niệm chuyên kinh doanh những vật phẩm mang tính truyền thống như đĩa sơn mài, những món đồ trang sức bằng bạc, các chủng loại rối, mặt nạ tuồng... Vì bệnh nghề nghiệp, mỗi lần lưu diễn ở đâu, cậu chủ đều ghé mắt xem qua các cửa hàng đó để sưu tập những con rối độc đáo. Vì theo cậu, mỗi quốc gia, mỗi làng nghề đều có những mẫu rối với đặc điểm rất riêng. Thậm chí cậu còn nhặt về cả những con búp bê lỗi mốt bị trẻ em thảy ra đường nhằm nghiên cứu kiểu dáng. Nói chung, cậu luôn bận rộn với những con rối và cho rằng rối là tất cả ý nghĩa trong đời cậu.
Nhưng giờ đây cậu đang nếm thấy mùi tẻ nhạt. Cậu đến bên góc tường, xách đầu những con rối lên săm soi. Chợt phát hiện ra chúng cũ kỹ và rách rưới đến mức khó thể trưng bày trong phòng. "Mình cần phải vất đi những vật kỷ niệm nhếch nhác này. Phải dọn dẹp lại căn phòng cho ngăn nắp. Căn phòng này cần có bóng dáng một người phụ nữ. Và ngăn nắp là điều trước tiên mình phải làm". Nói đoạn, cậu túm lấy những con rối vẹo vọ nhét vào túi ni lông màu đen, cột chặt miệng túi rồi mang ra vệ đường. Sáng mai xe rác sẽ đi qua và số phận chúng sẽ được giải quyết ổn thỏa.
Thở phào nhẹ nhõm, cậu chủ bật nhạc. Đĩa nhạc mấy ngày liền quên thay vang lên một bài hát cũ: "Hỏi người vì sao mỗi sớm mai thức dậy lại để cho ý nghĩ nhàm chán lởn vởn trong đầu?... Hỏi người vì sao phải luôn gắng gượng để đi về phía trước? Vì sao phải luôn toét miệng tươi cười mà khóe môi theo tháng năm đang dần trễ xuống? Vì sao những lúc tiệc tàn, trạng thái mất mát hay chênh vênh bỗng hiện ra, và người giăng ra cái bẫy cho chính mình sa lầy vào?
Vì sao? Vì sao? Vì sao?…".
Vì sao ư? Cậu chủ nhếch môi chua xót nhìn quanh phòng, chợt nhận ra rằng hàng bao năm ròng qua đi, vậy mà chẳng có ai đợi cậu trở về nhà ngoài những con rối tật nguyền.
Trong khi đó, bên ngoài vỉa hè, những con rối tật nguyền ôm nhau chết lặng. Sau phút tuyệt vọng, con rối cụt tay thu hết sức tàn cố húc thủng chiếc túi, với niềm hy vọng mong manh rằng một đứa trẻ nghèo khổ nào đó sẽ đi qua...

Xem Tiếp: ----