Tiếng gõ cửa rụt rè. - Ai đấy? - Tôi hỏi. - Cháu ạ! - Tiếng đáp rất nhỏ. - Cháu hỏi ai? Cháu là ai? Ở khu tập thể lâu năm cho tôi kinh nghiệm chẳng nên quá sốt sắng trước những tiếng gõ cửa. Biết bao thảm hoạ đã xảy ra trong tình huống ngẫu nhiên, bất cẩn. Ít nhất cũng khó chịu vì sự nhầm lẫn nào đó. Tôi chẳng đã nhiều lần tức điên vì một người đàn ông lạ hoắc lao cái xe bết bùn vào nhà, đàng hoàng vào ghế ngồi, oang oang trò chuyện để rồi giật mình choáng choàng đứng lên xin lỗi, xin lỗi rối rít vì sự nhầm lẫn rồi lao xe ra khỏi nhà. - Cháu là ai? - Vậy nên tôi hỏi lại. - Cháu là Bình, cái Bình con bố Thân, cô ạ. - Tiếng con gái, giọng mảnh mai, thầm thì. - Bố Thân ở trên gác năm cơ mà! - Tôi đã nhận ra người ngoài cánh cửa và đồng thời ngạc nhiên vì sự nhầm lẫn. Bình là con gái Thân và đã sống ở đây bao năm sao lại có thể nhầm lẫn? - Cháu lên gác năm nhé! - Tôi nói to. - Cháu biết rồi. Cháu muốn gặp cô. Cháu có việc muốn nhờ cô. Cô mở cửa cho cháu vào, nhanh lên không có người ta nhìn thấy. Giọng năn nỉ, vội vã sát bên cánh gỗ. Cả tiếng thở dồn dập giống như vừa chạy gấp lại giống đang bị săn đuổi. Rồi cửa mở toang khi tôi vừa kéo chốt. Một cô gái nhỏ nhắn ùa vào nhà tôi như một cơn gió. Người cô ướt đẫm. Bình đứng sát vào cánh cửa vừa đóng lại, bắt đầu vuốt quần áo. Thoáng chốc dưới chân Bình nước đọng vũng. - Chà, nhà cô thích quá! Vừa ấm vừa sáng. - Bình nói và đứng ngây nhìn căn phòng của tôi. Đồ đạc sơ sài chẳng có gì đáng kể nhưng gọn gàng, yên tĩnh. Hai con tôi chỉ ngẩng lên chào Bình bằng một cái gật đầu rồi lại cúi xuống những cuốn sách. Trên ti vi, một người đàn ông đang hát: Bằng lòng đi em, bằng lòng đi em, anh đón qua cầu… - Sau cháu không mặc áo mưa hay trú tạm để ướt thế này? - Tôi ái ngại đưa khăn bông cho Bình. - Cháu có việc cần nhờ cô, cháu phải đi ngay bây giờ. - Cháu uống chén nước cho ấm người đã - Tôi pha chè đưa Bình một chén. Bình nhận chén nhưng không uống, hỏi: - Bố cháu chưa về, hả cô? Lại một điều lạ. Tôi tròn mắt. Làm sao tôi có thể biết một người ở cách tôi mấy tầng gác đã về nhà hay chưa khi mà cửa nhà nào cũng đóng cả ngày. - Giờ này chắc bố cháu về nhà rồi. - Tôi nói cầm chừng - Cháu lên đi. - Cháu nhờ cô lên nói bố cháu xuống đây cho cháu gặp một lúc. Cháu có việc cần lắm, cháu muốn gặp bố cháu. Cháu đã đứng đợi ngoài đường rất lâu chờ bố cháu đi qua mà không thấy. - Sao cháu không lên nhà gặp bố, sợ gì? - Không được đâu cô ơi! Dì ấy không muốn nhìn thấy cháu, cháu mà về nhà, bố dì cháu lại cãi nhau. Có khi các em cháu lại bị đánh oan vì chúng nó thích chơi với cháu mà. - Cháu cứ trốn mãi sao được? - Được đến bao giờ hay bấy giờ. Tôi bước một, lên cầu thang. Chậm, nghĩ ngợi. Làm thế nào để gọi ông Thân xuống nhà tôi mà vợ ông không nghi ngờ? Họ đã lên xuống cầu thang này bao nhiêu lần trong những năm tháng hạnh phúc ấy? Chiếc khăn voan mỏng đỏ che lên mặt đứa con gái ngồi trong chiếc ghế mây bố bên mẹ, bao giờ cũng qua trước cửa nhà tôi để đi hoặc về giống như một cặp đối xứng. Bẵng một thời gian tôi không thấy họ đi đôi nữa. Qua lại trước cửa nhà tôi chỉ là một người - hoặc chồng, hoặc vợ - Đứa con gái không được ngồi ghế mây, mặt trùm khăn voan đỏ nữa. Nó đi một mình, nép vào các vỉa hè. Thảng hoặc, nó đi theo bố hoặc mẹ, nét mặt lầm lì. Một lần, tôi giật mình nghe tiếng trẻ khóc trên tầng cao. Tiếng khóc đặc biệt làm tôi phải chạy bổ lên cầu thang. Người mẹ tay dắt xe đạp, vai đeo ba lô, túi vải căng phồng buộc sau xe đạp. Bình nằm lăn dưới đất, tay giữ chặt chân mẹ: - Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con! - Mẹ không bao giờ bỏ con - Người mẹ nói, giọng lạnh lùng, mắt hoe đỏ. - Mẹ đừng đi! Con lạy mẹ! - Mẹ phải đi. Mẹ không thể ở đây được! Người mẹ gỡ tay con ra. Gỡ rất lâu giống như giằng xé mới dứt ra khỏi đôi bàn tay nhỏ bé nhưng níu chắc như một loại kìm. Người mẹ dắt xe lao xuống cầu thang. Tôi chỉ kịp nhìn thấy thoáng qua cửa một khuôn mặt còn nhiều nét đẹp của tuổi trẻ và một đôi môi mím chặt giận dữ. Nhìn nét mặt của chị tôi bỗng có cảm giác lẽ phải thuộc về chị và cuộc ra đi của chị là hợp lí mặc dù tôi chẳng hiểu rõ nguyên nhân. Nét mặt ấy ám ảnh tôi mãi cho đến khi tiếng pháo nổ vang dưới chân cầu thang hẹp, một buổi chiều. - Pháo gì thế? - Tôi giật mình. - Đám cưới bác Thân! Hoan hô cô dâu chú rể đội rế lên đầu! - Tiếng trẻ con reo hò. Một khuôn mặt không già không trẻ, tròn trặn và hân hoan mặc áo dài hồng ôm bó hoa trắng đang cúi đầu trong khói pháo. Đi bên cạnh, tay giơ đỡ hờ lưng cô dâu là chú rể. Người cứng nhắc trong bộ complê màu mắm tôm trẻ trung trang trọng bất ngờ. Khác hẳn người đàn ông hàng ngây tôi vẫn gặp. “Vì sao họ bỏ nhau. Vì sao họ lấy nhau? Có đau khổ không? Có hạnh phúc không?”. Những ý nghĩ của tôi không được ai giải đáp. Thời buổi đổi mới, bỏ nhau dễ ợt. Chỉ cần một bên không còn tình cảm muốn li hôn tòa cũng giải quyết! - Thân nói với hàng xóm vẻ mãn nguyện, một lần đứng hứng nuớc dưới chân cầu thang. - Còn đứa con? - Ồ, nó có cuộc đời nó! Mọi việc đơn giản thế thôi ư? Sao tôi cứ phải nghĩ. Cổ hủ! Bảo thủ! Tôi tự mắng mình. Rồi lướt qua cửa sổ phòng tôi không phải là một cặp song đôi mà một người đàn ông gò lưng đèo một người đàn bà bụng to phồng như ôm bóng, chậm chạp đi qua. Tôi lẩm nhẩm tính từ ngày nghe pháo nổ đến nay mấy lần trăng tròn. - Bà rõ cổ hủ, thời đại đổi mới, làm sao cứ phải chín tháng mười ngày trẻ con mới ra đời! - Chồng tôi chép miệng. Tôi không hiểu anh nói thật hay đùa. - Em chấp nhận mọi đổi thay, chỉ thương đứa con. - Tôi thở dài. Rồi cứ phập phồng lo ngại điều gì sắp xảy ra bên cạnh tôi. Mẹ bỏ đi, bố lấy vợ khác. Bình như cái bóng lẩn khuất. Khi rổ thức ăn nặng vẹo sườn, khi chống đòn gánh chờ nước. Khuôn mặt lo âu già sớm. - Đừng có gánh sớm, vẹo xương sống đấy, cháu ạ! Một bà cụ ở cầu thang một nói. Đầu Bình gật gật. Rồi người ta thấy nó vung vẩy chiếc cặp lồng nhôm đi mua phở ở chợ. - Dì cháu đẻ em trai rồi! - Nó cười nhe hàm răng sún. Lâu lắm mới thấy nó cười. Và sau đó, gần như suốt ngày nó ở dưới máy nước. Người nó ướt đẫm bên cạnh cái chậu to tướng và những cái tã vàng khè. Rồi một thằng bé bụ bẫm góp mặt với cầu thang trên vai Bình. À ơi. Cái bống mày ngủ cho ngoan… Tiếng nó ru. Bàn tay nhỏ gầy teo vỗ vỗ lên cái lưng tròn mát rượi của em. Ba tháng lẫy, bẩy tháng bò. Khi thằng bé lẫm chẫm chạy đi thì Bình nghỉ học. Dì phải đi làm và còn kiếm thêm mới đủ sống bằng công việc gì đó luôn vắng nhà. Bố cũng vậy. Lưng bố như cong xuống. Ai hỏi thăm sức khỏe, bố cười: - Có con trai rồi! Rồi bố không đi làm nữa: - Thời buổi này phải năng động! Thân mang về nhà một cái loa, cặp và túi bạt cùng với những chồng báo các loại. - Báo mới đây! Báo mới đây! Hôm nay tòa trung sơ thẩm xử vụ án ngoại tình giết nhau. Một vụ giết người li kì rùng rợn. Mua ngay! Mua ngay không hết… Tiếng loa vang lên góc chợ, đầu phố, bến tàu, sân ga. Bình tha em đi khắp nơi. Cái bụng của dì chưa kịp nhỏ lại sau sinh nở đã lại phình to. - Lại ông tướng nữa! - Một buổi sáng, Thân gõ cửa các nhà hàng xóm, khoe. - Nhanh nhỉ! - Thôi chứ? - Để xem đã! Cũng chẳng ai hiểu Thân xem cái gì, chỉ biết từ ngày có thêm đứa con thứ hai nhà anh rất ồn ào và luôn có tiếng đổ vỡ. - Chuyện gì thế? - Hàng xóm hỏi khi có dịp gặp anh, lúc bên máy nước, khi buổi chợ chiều. - Ồ, chuyện đàn bà ấy mà! Anh đáp qua loa rồi lảng sang chuyện thời sự. Tình hình quốc tế, phe ta, phe nó và giá cả thị trường, đô lên, vàng xuống. Vẫn tiếng đập vỡ. Tiếng khóc gào, chửi bới, quát hét văng vẳng tầng cao. Bóng cái Bình chập chờn đây đó. Một lần cả cầu thang xô ra khi dì cầm dao phay đuổi theo Bình. Những tờ giấy trong các vở học trò bị xé vụn tung từ trên cao xuống như xác pháo. Sau đêm ấy, tôi không nhìn thấy Bình. Tôi hỏi, nhân một lần mua báo Phụ nữ của Thân. - Nó về với mẹ nó để đi học rồi! Ít lâu sau lại thấy Bình xuất hiện ở cầu thang với những thùng chậu và quần áo cái loại to nhỏ. - Sao cháu không ở với mẹ mà đi học? - Tôi hỏi trong lúc chờ hứng nước dưới cầu thang. - Ông ấy uống nhiều rượu, cháu sợ lắm. - Ông nào? - Chồng của mẹ cháu ấy. Tôi câm nín. Tôi luôn tự răn mình phải bỏ tính mau mắn trò chuyện, cố tập thói quen bình thản trước cuộc đời người khác. Nhưng điều ấy sao mà khó. - Uống rượu say ông ấy đánh cháu à? - Tôi lại hỏi khi nhìn nét mặt buồn bã của con bé. - Không. Ông ấy rất hiền lành… - Thế sao mà sợ? - Cháu sợ lắm! - Con bé nhìn quanh, giọng thấp xuống - Say rượu chẳng hiểu sao ông ấy cứ nhầm cháu với mẹ cháu. °