Chia tay rồi tôi mới thấy thương chị tôi quá! Trước khi đi mấy hôm, chị nhờ tôi đem quyển lưu bút vô trường đưa cho anh Nhơn để nhờ anh và bạn bè thân thiet mỗi người viết cho chị vài dòng làm kỷ niệm.
“À, hay mình đi lục quyển lưu bút coi người ta viết cho chị những gì trong đó?”. Tôi chợt có ý nghĩ tò mò và đi lục lọi trong tủ sách của chị... Đây rồi, quyển tập bìa xanh, in hình cầu thủ bóng đá Hồng Sơn của đội Thể Công - một thần tượng của chị. Lật vào trang trong tôi hơi bất ngờ bởi tuồng chữ quen thuộc của thầy Phương. Lâu lắm rồi tôi với chị không gặp lại thầy. Tôi lại ganh tị bởi thầy Phương vẫn dành cho chị những lời lẽ thương mến nồng nàn. Nhớ hồi còn học lớp một, trong giờ ra chơi, thầy Phương đưa tay vẫy chị Thắm lại gần. Thầy nói: “Mơi chủ nhật, thầy nhờ Thắm hái giùm thầy mớ rau má được hôn?”. Nhìn nét mặt chị Thắm tươi cười hớn hở, tôi òa khóc. Thầy Phương tròn mắt ngạc nhiên không hiểu chuyện gì. Một lát, chợt nhận ra, thầy dịu dàng nói: “Ờ ờ, tại thầy quên! Vậy thầy cũng nhờ em Tươi hái cho thầy một mớ rau má thật to nữa nghen!”. Tôi sung sướng, dạ rân.
Cả buổi sáng chủ nhật hôm sau tôi với chị Thắm ra đồng vạch cỏ trên mấy gò đất hái rau má. Về nhà tôi tức anh ách vì mớ rau của chị Thắm lá to hơn, non hơn rau của tôi. Đêm đó tôi trằn trọc, nằm chờ chị Thắm ngủ say tôi nhẹ nhàng lẻn dậy lấy rau trong bịch của chị đổi qua bịch của tôi. Sáng hôm sau thầy Phương xoa đầu tôi bảo: “Rau của em Tươi hái là ngon nhứt đó nghe!”. Tôi cảm thấy tự hào vui sướng vô cùng!... Mới đó mà đã hơn mười năm rồi! Năm đó chúng tôi học lớp một, bây giờ tôi với chị Thắm đã lên lớp 12.
Lật sang trang kế quyển lưu bút, lại là tuồng chữ quen thuộc đập vào mắt tôi. Đó là chữ của anh Nhơn. Nhớ lại cách đây không lâu, lúc đó đang trong giờ ra chơi, anh Nhơn ngoắc tôi lại, nói: “Ê Tươi, cho anh nhờ chuyện này chút nha. Đưa giùm cái này cho chị Thắm!”. Anh dúi vào tay tôi một lá thư được xếp làm tư, rồi quay đi liền, vẻ mặt bối rối. Tôi ganh tị vì thấy sao nhiều người quan tâm tới chị quá, nên liều lĩnh xé lá thư ra xem, và choáng váng khi đọc mấy câu của anh Nhơn viết cho chị Thắm:
“Thắm ơi anh nhớ Thắm nhiều!
Lòng anh thổn thức bao điều ước mong
Đời người như những dòng sông
Dù trôi trăm ngả dặn lòng... đừng quên!”
Tôi cảm thấy chuyện hết sức nghiêm trọng. Chờ tan học, tôi chạy một mạch về nhà đưa lá thư cho ba với tâm trạng của kẻ vừa lập công lớn.
Ba tôi gầm lên như cọp dữ, rút cây roi tre dài thượt thấy lạnh xương sống, bắt chị Thắm cúi dài trên bộ ngựa gõ. Mỗi câu nói của ông là ngọn roi quất xuống như một nhát kiếm:
- Nhớ nhiều nè! Bao điều ước mong nè! Như những dòng sông nè!...
Chị Thắm quằn quại dưới ngọn roi, ba tôi giận dữ, nói: “Đồ con nít con nôi, học không lo học ở đó lo thơ với thẩn. Tao cấm! Nếu còn lần nữa tao đánh chết!”. Tôi chạy ra sau vườn ngồi khóc. Tôi không ngờ ba đánh chị Thắm đau dữ vậy.
Tôi lật trang kế tiếp. “À, đây rồi tuồng chữ của anh chàng Ngân Mập”. Một anh chàng mập ú, lúc nào cũng luôn miệng luôn mồm, nói cái gì ra cũng khiến người ta cười muốn bể bụng. Để coi anh ta viết gì đây... Cha chả, lại có thơ nữa!:
... “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...”.
Cái anh chàng này chỉ toàn nói chuyện tiếu lâm chớ biết gì mà làm thơ, đành phải mượn thơ Hàn Mặc Tử đó thôi... Ủa... mà làm gì “có kẻ theo chồng” ở đây cà?... Hổng lẽ... tôi nghe má nói chị Thắm lên Sài Gòn để tiếp tục học và ôn thi đại học trên đó luôn kia mà?...
... Sáng nay tôi gặp Vĩnh đi ruộng về. Anh chàng này hễ gặp chị em tôi là buông lời chọc ghẹo, bị tôi chửi cho một trận nên đâm ra thù ghét tôi. Vĩnh nói:
- Ê Tươi, chị Thắm mày láo ăn quá hén. Lấy chồng mà giấu. Hay tại chồng già khú nên giấu chớ gì?
- Già cỡ mày là cùng! - Tôi đớp lại Vĩnh.
Về tới nhà tôi còn tức Vĩnh đến muốn khóc. Tôi định bụng hỏi má tôi cho rõ nhưng lại thôi. Tôi ngờ ngợ có một sự thật nào đó nhưng không dám chạm vào sợ má tôi buồn!
Mấy hôm sau tôi lại gặp Vĩnh vác cuốc ra đồng. Hắn vểnh mặt lên:
- Ê Tươi, chị Thắm mày với “ý trung nhân” về tới rồi kìa, sao mày còn ở đây? Mà mày phải kêu anh rể mày bằng gì ta?
- Bằng cái đầu mày! Không thèm để ý tới Vĩnh, tôi chạy lẹ về, thấy chiếc xe du lịch đậu trước cửa nhà, đám con nít bu lại rần rần. Má tôi nói:
- Tươi về đó hả, vô chào anh hai chị hai đi con.
Tôi bước vô nhà, thấy người đàn ông khoảng bảy mươi tuổi, đầu hói, bụng rất to. Tôi cúi đầu, miệng lí nhí “em chào anh hai”, rồi mau lẹ thoát thân xuống nhà bếp. Tôi nhìn chị tôi bằng đôi mắt sắp khóc và đi thẳng ra sau vườn nằm vật người lên đám cỏ, để cho nước mắt cứ tuôn ra. Một lát, má tôi kêu vô ăn cơm.
Trong bữa cơm ba má tôi với anh rể nói chuyện qua lại mang tính chất xã giao, ai cũng cố tỏ ra bình thường nhưng thật ra bên trong ai cũng khổ sở, nhất là chuyện xưng hô. Anh rể tôi nói chuyện mà thở nhiều quá. Anh nói một cách khó nhọc, mồ hôi vã ra, hơi thở hổn hển. Sức khỏe anh có vẻ yếu quá rồi! Sau đó anh chủ động quay sang bàn chuyện xây nhà mới cho ba má tôi. Không có chuyện gì để tham gia, tôi lui xuống bếp, định nói câu gì đó với chị Thắm. Có lẽ thấu hiểu nỗi lòng tôi, chị nói: “Tươi đừng lo gì cho chị. Chị vui hay buồn điều đó có nghĩa gì đâu! Điều quan trọng là chị đã báo hiếu cho cha mẹ chúng ta, Tươi à!”.
Tôi thấy thương chị thật nhiều, thương ba má tôi, thương cho anh rể và cả bản thân tôi nữa! Với tôi không ai có lỗi cả. Tôi nhận ra rằng trên đời này việc gì cũng có cái giá của nó hết. Còn làm kiếp con người, đối mặt với cuộc đời thì còn phải lựa chọn và trả giá cho sự chọn lựa của mình.
Chị Thắm và anh rể tôi ở chơi hai ngày rồi về thành phố. Ngôi nhà trở nên lạnh tanh. Ba tôi trở tính lầm lì, ít cười ít nói. Thói quen hiếu khách, thích giao du với bạn bè, những lúc có rượu vào ông còn ngâm thơ Lục Vân Tiên, ca vọng cổ nay biến mất. Thay vào đó lúc nào ông cũng ngồi lì dưới bếp, vẻ mặt đăm chiêu, u buồn, râu tóc thêm nhiều sợi bạc.
Chưa đầy sáu tháng tính từ lúc về thăm nhà với anh rể, một hôm chị Thắm điện về kêu tôi lên Sài Gòn gấp. Chị nói lên rồi nói sau. Tôi sửa soạn đồ đạc đi liền. Gặp chị Thắm, tôi chưa kịp mừng, chị nói liền: “Hay quá, Tươi đã lên rồi, giúp chị một tay, anh hai bệnh nặng lắm, chắc không qua khỏi! Chị không muốn nói với Tươi trên điện thoại sợ ba má hay được thêm buồn”.
Tôi chưa kịp thay quần áo, đi luôn vô bệnh viện với chị.
Trời ơi! Anh rể tôi đây sao! Mới đó mà hình dáng anh thay đổi khủng khiếp! Anh nằm thoi thóp trên giường, không còn đủ sức nhận ra tôi.
Ở bệnh viện tôi phụ giúp chị Thắm giặt giũ, đổ bô, chạy đi mua thuốc theo toa của bác sĩ và nhiều việc lặt vặt phải chạy đi chạy lại, lên xuống cầu thang, hai chân mỏi nhừ, có lúc muốn khuỵu xuống. Còn mấy người con của anh rể tôi thỉnh thoảng cũng có đến thăm cha, nhưng lần nào cũng cãi vã nhau chuyện tiền bạc, tài sản mà người cha sắp qua đời sẽ để lại cho họ.
Vợ trước của anh rể tôi có đến thăm một vài lần. Bà này tuổi ngoài sáu mươi, dáng đẩy đà, tóc nhuộm vàng, sơn móng tay móng chân đỏ choét, lúc nào cũng kè kè với một thanh niên tuổi chừng ba mươi, xưng em anh ngọt xớt. Sự thân tình thái quá của họ trước mặt đông người khiến tôi cảm giác đó chỉ là sự giả tạo. Nhận xét của tôi không sai. Chỉ vài lần lên xuống cầu thang gặp chị Thắm chỗ góc khuất, anh ta buông lời tán tỉnh, sàm sỡ ngay trước mũi bà vợ mà anh ta vừa tỏ ra tha thiết nhất trên đời.
Một bữa, mấy người con của anh rể tôi lại đến thăm. Cố ý tránh mặt họ, chị Thắm lấy quần áo của anh đi giặt. Một lát anh rể tôi mở mắt thều thào đòi uống nước. Người con trai lớn nâng đầu anh lên, bưng ly nước đưa vô miệng. Anh rể tôi ráng sức nói một cách yếu ớt: “Ba mệt... quá... chắc... không qua... nổi... con... à!”.
Người con trai nói như quát vào mặt cha mình: “Ừ, thì cũng tại ba già rồi không biết thân, lo chạy theo con quỉ cái đó cho nên mới sức cùng lực kiệt như vầy nè, trách ai bây giờ!”. Ngụm nước trong miệng anh rể tôi sắp nuốt bỗng trào trở ra, khuôn mặt co giật, run rẩy, nấc lên mấy cái. Lúc đó chị Thắm cũng vừa lên tới. Chị nhào tới ôm lấy anh, khóc lóc thảm thiết. Người con trai của anh đứng chống nạnh sau lưng chị, lạnh lùng nói: “Chết rồi, còn gì mà ở đó giả bộ khóc lóc”. Nói xong anh ta quay gót bỏ đi.
Mọi việc mới đó mà đã một năm rồi, mau quá! Có cảm giác như vừa xảy ra hôm qua. Chị tôi, cô gái đang học lớp 12 thoáng chốc trở thành một thiếu phụ góa chồng. Anh rể tôi vừa mất được ít hôm thì ba tôi cũng bị tai biến mạch máu não, cũng may bác sĩ cứu được. Bây giờ ông đang chống tó kia, miệng méo một bên, nụ cười có vẻ ngây ngô, nghễnh ngãng, trí nhớ giảm sút rất nhiều. Mà có lẽ như vậy sẽ tốt cho ông hơn. Anh rể tôi mất, chị tôi trở về sống thui thủi ít khi bước ra khỏi nhà... Kìa, có tiếng ai lao xao trước ngõ vậy cà? À, thì ra là anh Nhơn với mấy bạn cùng lớp, mặc đồng phục màu xanh, vai mang phù hiệu Đoàn thanh niên. Các anh đến nhà vận động chị Thắm vào đội thanh niên tình nguyện tham gia công tác xã hội trong dịp hè. Chị Thắm bẽn lẽn cười buồn. Các anh cố thuyết phục nhưng có vẻ không lay chuyển. Bỗng Ngân Mập xuất hiện như cơn lốc. Hắn đến đâu cũng gây ồn ào như nhóm chợ: “Bà Thắm ơi là bà Thắm! Bà làm gì suốt ngày ru rú trong nhà như gà nuốt dây thun vậy. Chồng có chết đi thì cũng còn cha mẹ phải lo chớ. Với tụi tui bà có lỗi gì đâu. Có điều vắng bà tụi tui buồn quá. Hôm nay nhân danh lớp trưởng tôi tuyên bố nữ thanh niên Lê Thị Hồng Thắm và Lê Thị Hồng Tươi kể từ nay trở thành đội viên thanh niên tình nguyện, lập tức lên đường công tác!”.
Thấy chị Thắm vẫn ngồi yên không nhúc nhích, Ngân Mập tiếp: “Nếu không chấp hành tôi sẽ phạt... năm roi!”.
Ngân Mập đưa tay nhịp xuống như một ngọn roi:
- Thắm ơi anh nhớ Thắm nhiều, một roi nè! Bao điều ước mong, hai roi nè! Như những dòng sông, thêm một roi nữa nè! Tởn chưa! Cũng may là thằng Nhơn nó làm thơ cho bà hơi bị ngắn, chớ nếu gặp tôi hả, tôi gởi cho bà năm chục câu để bà banh đít luôn!
Chị Thắm nhào tới đấm vào lưng Ngân Mập thùm thụp, ba tôi đang chống tó không kềm được, cũng tủm tỉm cười, chỉ mình anh Nhơn mắc cỡ mặt đỏ rần.
Trời đất ơi, chuyện chị tôi bị đòn hồi năm ngoái chỉ có mấy đứa con nít tò mò ngó thấy vậy mà nay cả xóm đều biết hết rồi!
Nhờ cách nói năng ồn ào bổ bả của Ngân Mập mà kéo được chị tôi về với đám bạn mà chị hằng yêu mến.
Chị Thắm vào đội thanh niên tình nguyện đi làm công tác xã hội cả tuần. Chị đi đi về về nói cười tíu tít như ngày nào cùng bè bạn ôm cặp đến trường. Chị như con cá được thả trở về với dòng sông quê, tung tăng bơi lượn giữa dòng nước trong xanh, mát lành.
Trần Thôi

Xem Tiếp: ----