Khi những người U Ni ở vùng biên sau mấy tháng trời đông giá, ngồi trong nhà đánh cuốc, sửa dao, đan lát bước ra khỏi căn nhà đất đầy kín như cái kén, đặt vai vào cổ trâu, đi những đường cày đầu tiên, hoặc rủ nhau đi bán công khắp các nơi trong vùng thượng huyện Bát Xát thì hoa gạo bắt đầu nở. Khắp đất nước, có lẽ không ở đâu hoa có cung màu đẹp tuyệt như ở đây. ở đây, trời xanh trong văn vắt, thanh lọc đến kỳ hết vẩn bụi và mắt người nhìn được vào tận cõi vô cùng. ở đây, sau một mùa đông giá lạnh, xo ro, cây bung nở hết mình cái sức tích tụ bao tháng ngày. Suốt một rẻo biên giới, trên những nương lúa đã bỏ hóa, hoa gạo rừng rực cháy đỏ một vệt dài tít tắp. Trong cái ngẫu hứng tài tình của tự nhiên ấy, ta cứ nghĩ tới một sự sắp xếp cố tình của con người. ối chao, thì ra thiên nhiên cũng muốn tham gia vào đời sống con người. Biên giới không chỉ hoạch định bằng cột mốc. Mà còn bằng cây cỏ. Và như vậy, những hạt gạo, đuôi xòe lông tơ từ một miền nảo miền nào theo gió tán tới đây, giống như một hiện tượng chim đậu đất lành, lại như là có ý thức hẳn hoi trong việc xác định ranh giới quốc gia. Đất vắng, rộng, thật là thung thổ hợp với loài gạo. Gạo ưa hạn, chịu sáng, quen chịu đựng mọi khắc nghiệt. Cho đến bây giờ thì gạo đã thật sự có những hàng đại thụ, thân hai ba người ôm, mùa xuân này, nghềnh ngàng các nhánh ngang vùng vẫy, đốt đuốc trên bầu trời. Chẳng có thứ cây nào mà lại hào phóng sắc đỏ đến thế. Và hoa thì vừa to vừa lực lưỡng đến thế. Kỳ lạ, bông nào bông ấy bằng cái cốc vại một. Mỗi bông đậu trên cành trông không khác một đốm lửa, phấp phới vẫy gọi những đàn sáo từ xa đến thưởng ngoạn cái đẹp của chính mình. Bọn sáo vô tư, líu lo, nhẩy nhót, đôi lúc vô ý đánh gẫy một bông hoa. Nhưng, hoa chỉ giật mình trong chốc lát, trên đường rơi nó đã kịp thời giữ thế cân bằng quay tít như cái chong chóng năm cánh hoa dầy. Ông Lý A Lừ, người làng San Cha Chải áp quả núi cao có cột mốc biên giới, vào mùa hoa gạo nở, là vác cái rìu, đeo con dao, tạm biệt bà vợ trẻ, ra đi. Ông Lừ đi làm thuê. Như tất cả những người ở vùng cao heo hút nghèo đói này, cấy lúa xong là đem thân đi đục đá, phá ruộng, xây nhà, thu hái lâm sản thuê, cho tới tháng mười, vào vụ gặt, mới quay trở về làng, lúc ấy cũng là lúc cây gạo trụi lá. Thời gian để lại dấu chân trên cây gạo. Với ông Lý A Lừ hiền lành, chất phác và kham khổ, cây gạo còn có một mối quan hệ gắn bó hơn. Xưa nay, cây gạo là loại cây cho thứ gỗ kém cỏi lắm. Bộp đến mức cho vào bếp người ta cũng chê là chỉ tổ khói. Nhưng, sự ra đời đã có một biến đổi đến bất ngờ, vào mùa xuân ấy bỗng nhiên loài gỗ nọ trở thành một đối tượng để kiếm tìm. Thì ra đã có một phát minh. Một nhà chế biến gỗ làm một thí nghiệm: họ xẻ ván gạo, cho xuống nước ngâm, ngâm cho kỳ mùn gỗ ra, rồi mang lên phơi, thì ôi chao, thứ gỗ bộp nọ đã biến thành loài tứ thiết, không biết cong vênh là gì. Và rắn đanh đến mức đinh tây đóng vào cũng nhụt! Nhà chế biến gỗ nọ là người hàng năm vẫn thuê ông Lừ hạ cây, xẻ ván, đem chuyện đó ra kể. Ông Lừ kêu: - Thế thì lên làng tôi. Làng tôi nhiều cây gạo lắm. - Có to không? - Không biết nó mọc từ bao giờ. Tôi nghe các cụ già kể: từ thời lập quốc, cây gạo bắt đầu mọc rồi. Giờ to lắm. - Vậy thì vụ xuân tới tôi sẽ lên và bác làm giúp tôi nhé. Vụ xuân này chính là vụ hạ gỗ đã hẹn hò đây. Nhưng, cuộc hò hẹn của người thợ chặt hạ và nhà chế biến nọ đã không thành. Vừa quay vào đóng cửa, ông Lý A Lừ nghe thấy tiếng mõ gỗ, mõ tre khua động từ nhà lý trưởng Tráng Vân Đa. Đó là mõ gọi họp toàn thể dân làng. Chẳng còn cách nào, vốn người gắn bó với việc làng nước, ông Lừ bước vào nhà cất rìu, dao rồi ra bãi chơi đầu làng. Trong cái lều nhỏ ở giữa bãi chơi, lý trưởng Tráng Vân Đa mắc cái áo dạ xám, đội mũ lưỡi trai dạ đen, đứng với mấy người lính lệ mới từ huyện về. Người làng lục tục đến, người đến trước ngồi trên những tảng đá nổi, người đến sau ngồi trên cái đu quay, trò chơi còn sót lại từ ngày hội gà ma thú của cả bản. - Mọi người đến đủ cả chưa? Lý trưởng Đa bước ra khỏi lều, chống tay lên sườn, cố cho dáng to ra và bệ vệ, để hợp với lời nói hách dịch: - Cả làng nghe cho rõ rồi theo mà làm. Mùa này từ hôm nay, trai làng, ông già không ai được đi bán công nơi xa nữa. Huyện vừa có giấy sức về đây. Việc này hệ trọng hơn mọi việc. Vua nước An Nam ta sắp vào thăm bản ta, tổng ta. Bởi vậy, làng phải cắt cử người sửa đường, sửa cầu, và ra huyện khiêng kiệu rước Đức Kim thượng về. Lý trưởng Đa chưa dứt lời, vùng đất đã như có đàn sáo bay tới. Chưa bao giờ San Cha Chải vang động đến như thế vì một cái tin do lý trưởng Đa nói ra. ° Ông Lừ là người đi bán công xa nhà bản, ông lại đã gặp, đã làm việc với người Kinh, chính là nhà chế biến gỗ nọ, nên bếp lửa nhà Lừ đông người tới chơi nhất. - Vua là thế nào, ông Lừ? - Vua là người to nhất nước An Nam mình. - Tôi cứ nghĩ, ta chỉ có một ông vua là Tráng Vân Đa. - Ông Đa là vua cái nước nhỏ San Cha Chải ta thôi. - Còn nước An Nam ta? - ối! Tôi đi ra huyện mất hai ngày đường. Người Kinh từ dưới xuôi lên mua gỗ đi từ kinh đô lên bằng tàu thuyền, bằng xe ngựa tới huyện này mất hơn nửa tháng. Như vậy, tính từ hàng cây gạo trên núi... - Sao lại hàng cây gạo? - à, ở chỗ bắt đầu là nước ta, ông giời gieo xuống một thứ cây ra hoa đỏ để đánh dấu, để ta dễ nhớ. Từ đó ra đến biển... rồi ra nữa... Rộng vô kể, ta đi ngày qua ngày, tuần qua tuần... Mọi người cùng ngẩn ra. Cái câu nói của người đàn ông đã ra tới huyện vẽ một khoảng rộng mênh mông, chẳng biết đo bằng gì, chỉ hình dung ra bằng những ngày những tuần đi dằng dặc từ đầu này là mầu đỏ hoa gạo đến thăm thẳm xa xăm là sóng biển trùng trùng. Một đất nước như thế là rộng, là đẹp. Và San Cha Chải đúng là có cây gạo mọc, nên nó đúng là đất của vua. Vậy nên vua xa giá tới viếng thăm là phải rồi. Làng sửa soạn đón Vua thật náo nhiệt. Đường dài mấy chục cây số qua rừng gianh, rừng nứa phải phát quang. Hai cây cầu gỗ trôi từ mùa lũ năm ngoái phải bắc lại. Lại thêm lan can, để nhỡ Đức Kim Thượng nẩy ý thích xuống kiệu đứng ngoạn cảnh còn có chỗ vịn. Thôn xóm sạch sẽ. Trâu bò đuổi hết lên rừng. Nhà nào cũng cố tìm mua đèn lồng đỏ, treo hai cái như má con gái, ngoài hiên. Người nào việc ấy, phấn chấn hẳn lên. Riêng ông Lý A Lừ thì phấn chấn hơn hẳn người khác. Bởi vì, ông và ba tráng đinh nữa được lý trưởng Đa cắt cử ra tận huyện để vừa là dẫn lộ vừa là theo hầu Vua, thậm chí khiêng kiệu Vua vì có thể Ngài không quen cưỡi ngựa. Ông Lừ mừng lắm. Như vậy ông được biết mặt Vua trước mọi người. Được theo chân Vua mấy ngày trời nữa thì thật là vinh hạnh không thể mua được bằng vàng. Ông Lừ sửa soạn áo quần, khấp khởi chờ đợi. Nhưng hình như càng chờ mong thì càng thấy cái điều ngóng đợi lùi ra xa thêm. Bộ áo quần mấy lần vứt vào thùng chàm nhuộmlại rồi hong khô, chưa dám mặc. Ra vào, đi đứng, lúc nào cũng bồn chồn, không yên. Làm việc gì cũng dang dở, nhầm lẫn. Hồn vía cứ như bay lượn ở đẩu ở đâu. Rồi một buổi ông như chim én mùa xuân, chạy từ nhà lý trưởng Đa về tới nhà, rối rít gọi vợ, báo tin mừng. Thượng hoàng đã lên đường đi kinh lý tỉnh thượng du này thật rồi. Ngài là một ông vua trẻ tuổi, tính tình khoáng đạt, tâm hồn dạt dào, mùa xuân gợi cảm hứng cho ngài. Giang sơn cẩm tú này ngài muốn thu vào tầm mắt. Từ kinh đô ngài đi xe tam mã. Tháp tùng Ngài còn có các cận thần tin cẩn trong triều. Ngoài ra, còn một tốp thợ nề, thợ mộc kén tuyển tận những làng có nghề truyền thống. Nhân dịp này, Đức Vua muốn sửa sang bờ cõi, tu bổ lại các cột mốc, đường ranh giới quốc gia. Tới Việt Trì, Đức Kim Thượng chuyển sang cưỡi ngựa, tốp thợ xuống thuyền thay nhau chèo chống, kéo dây ngược dòng. Hành trình chậm dần. Ngày qua, San Cha Chải và ông Lừ dõi theo bước chân của Đức Vua. Ngài đã tới địa hạt tỉnh Phú Thọ. Ngài sắp tới tỉnh lỵ tỉnh Yên Bái... Ngài sắp... Ngài đã... Rồi đang xôn xao bỗng bặt đi như hòn đá rơi mất tăm dưới lòng vực. Một tuần qua. Một tháng qua. Ông Lừ ngơ ngơ ngác ngác... Thì bỗng có con ngựa hồng như ánh lửa cháy rần rật một chiều phi tới làng và hôm sau ông Lý A Lừ cùng ba xuất đinh nữa, mỗi người một cái gậy dài vác vai, rời làng ra huyện. Mặt mũi ai nấy đều hớn hở khác thường. Lý trưởng Tráng Vân Đa tiễn họ ra tới bãi chơi đầu bản và nó cho mọi người biết: bốn người này xuống huyện để cùng quân lính dưới đó rước kiệu Đức Vua về San Cha Chải. San Cha Chải, ngọn núi, mảnh đất, cái cột mốc xa xôi nhất sắp được một ân sủng không gì sánh nổi. Mải miết trong hào hứng bất chấp cả lúc sớm bừng, khi tối trời dễ bị thú dữ làm hại, đi liên tục, cuối cùng ông Lý A Lừ và ba người đàn ông nọ đã vượt trước thời gian. Chiều thứ hai của cuộc hành trình họ đã tới huyện lị. Mệt nhọc, nhưng cả bốn đều khấp khởi. Đi qua phố huyện họ nhận ra vẻ khác thường của bầu không khí cô tịch vốn có. Tuy không thắp lửa, nhưng trước cửa nhà nào cũng treo đèn lồng, kết hoa giấy Đường sá rõ ràng là đã được quét dọn. Nhưng, phảng phất trong khung cảnh một nỗi niềm gì đó rất khó xác định: ấy là sự bực bội pha lẫn cảm giác bẽ bàng. Có lẽ nỗi niềm đó toát ra chủ yếu là do thái độ của người lính đón họ và đưa họ vào nhà trọ ở cuối tràn ngựa. Ông ta động nói là cau cảu. Sáng sớm hôm sau, ông Lý A Lừ và ba người nọ vừa trở dậy thì người lính nọ tới. Bây giờ mới trông rõ ông ta. Vóc thấp, vai vuông, chân nhỏ quấn xà cạp nên hai bắp phồng như hai cái bắp bi. Mặt ông quê mùa, cũ kỹ, lại có mấy nốt rỗ hoa, nhiễm đầy vẻ bất đắc chí. - Nào, đi sớm không nắng. Người lính nói. Ông Lừ săn đón: - Đi khiêng Đức Ngài ạ. Người lính nhướng hai con mắt nhỏ một mí vẻ khó hiểu: - Các người ở San Cha Chải? - Vâng. - Người U Ní chớ gì? - Vâng. - Dân U Ní chớ gì? - Vâng. - Dân U Ní khiêng, địu thì nhất rồi. Địu bằng trán có phải không? Ông Lừ ngơ ngơ, bụng nghĩ mờ mờ tỏ tỏ, lại nhìn người lính, rụt rè: - Đi khiêng Đức Vua ạ? - Thì đi! Người lính sẵng, rồi phất tay ra hiệu bảo họ đi. Bốn người San Cha Chải cum cúp đi theo người lính. Quanh quanh, ngoặt ngoặt mấy lần, họ đến trước một túp lều gianh, cửa liếp còn khép. Chả lẽ Đức Vua ngài ở đây? Ông Lừ ngơ ngác, chực hỏi thì người lính đã chống nạnh giục: - Đức Vua của các ông ngự ở trong ấy. Đẩy cửa vào khiêng đi! Nhanh lên! Ông Lừ đặt tay vào cánh liếp, vừa hồi hộp vừa sợ hãi. Sao lại có thể như thế này được nhỉ? Đến như ông Tráng Vân Đa, Vua San Cha Chải, cũng không ở cái túp lều tồi tàn như thế này. Một là ông bị lẫn, hai là người lính độc bụng, định đưa ông vào bẫy mắc tội phạm thượng. Nghĩ vậy, nên ông rụt tay lại. Nhưng thật không may cho ông, cánh cửa liếp khép hờ hững lại có chiều hướng ngả vào bên trong nên chỉ cần chạm khẽ vào là nó đã oẻ ra, ẽo ẹt một tiếng dài. Hai cánh cửa mở một khoảng tối mờ. Bị chi phối bằng một đức tin và niềm sùng kính chất phác, ba người đàn ông và ông Lừ vội quỳ sụp xuống, chắp tay vái liền ba cái. Người lính bật lui trở lại, thoạt đầu bưng miệng cười, nhưng thấy thái độ thành kính chân thực của bốn người nọ, vội vàng ngậm miệng, đứng ngây ra. Trong bóng tối âm âm hiện dần lên hình một phiến đá trắng, có chiều rộng một sải, cao bằng đầu người, dày hơn gang tay, mặt khác chìm những dòng chữ bay bướm. Phiến đá đứng, hơi choãi chân ra phía trước; do chiều cao, chiều rộng, thế đứng và nhất là do những dòng chữ bí ẩn mà nó trở nên uy nghi khác thường. Ông Lừ hơi sững người. Nhưng, lập tức lòng kính tín sau mấy giây rung rinh, lại trở lại và cùng với ba người kia, ông bước lại cạnh phiến đá mà run rẩy như được hưởng một ân huệ khác thường. Người lính được lây truyền cảm xúc trân trọng bỗng dịu giọng: - Đức Vua ngài bận việc quân nên chỉ ngự thuyền rồng lên tới tỉnh lị thôi. Ngài gửi phiến đá này vào. Phiến đá này thay mặt Ngài. Ngài bảo phải đặt nó lên ngọn núi San Cha Chải. Bây giờ các ông sửa soạn khiêng đi! Nhanh, kẻo nắng! Không chút thất vọng, ông Lừ và ba người đồng hương vội hạ đòn, buộc thừng chão, và sau khi làm thành cái kiệu mộc mạc, họ ngả phiến đá thiêng của Đức Vua lên đó, rồi đều tay nhấc lên vai. ° Bốn người đàn ông U Ní khiêng phiến đá của Đức Vua ra khỏi huyện lị, trời mới tan sương. Nghe nói phiến đá đã theo Đức Vua từ kinh đô lên. Vua ở đâu, nó ngự cùng ở đó. Tới tỉnh lị vào huyện, nghi thức đã bớt đi phần diêm dúa, nhưng vẫn giữ được sự long trọng, nó được ngự riêng một cỗ xe tam mã vào tới tận huyện đường. Và mấy đêm vừa rồi, tuy là ở trong cái lều gianh xoành xĩnh đó, phiến đá vẫn được canh giữ rất cẩn mật. ấy là câu chuyện mở đầu của người lính đi theo áp tải phiến đá. Câu chuyện có tác dụng kích thích bốn người đàn ông, mặc dầu ra khỏi huyện lị, họ trơ trọi, thui thủi giữa bóng rừng mênh mang. - Liệu chiều mai có tới nơi không? Người lính lạch cạch lưỡi lê ở hông đi cạnh ông Lừ, chưa được mấy bước chân đã có vẻ sốt ruột hỏi. Ông Lừ đáp: - Đi ra thì hai ngày. Đi vào, dốc, phải hơn. - Thế đêm nay độ đường ở đâu? - Cứ đi thôi. Tối đâu ngủ đấy. - Không được! Phải vào làng Pa Mao Chải ngủ. Trên đã sức cho lý trưởng làng đó đón rước rồi. Hai người khiêng đòn đi ở phía sau cũng nghển lên: - Không đi đường Pao Mao Chải được đâu. Cầu gỗ to qua suối lớn ở đầu làng trôi rồi. Người kia tiếp: - Mua thêm đường hay sao mà đi đường ấy! Ông Lừ thêm: - Đi đường ấy phải bốn năm ngày. Lâu quá. Đi đường tắt này nhanh về cho dân San Cha Chải khỏi ngóng. Người lính than: - Dốc ngửa ngực, vất vả quá! - Chịu khó một tí thôi! Mấy người khiêng phiến đá cùng nói một ý. Và phiến đá trên vai họ lừ lừ chuyển êm như trôi trên sóng lặng, chẳng cần một cố gắng nào. Qua một khu đồn hẹp, họ lội qua con suối rộng nhưng nông. Đó là con suối ở chân cao nguyên vùng San Cha Chải. Đường ít người, rêu xanh phong đá suối, trơn nhuội. Bốn người dờ dẫm từng bước ngắn, thận trọng còn hơn khiêng người ốm nặng. Sang tới bờ bên này, họ trút hơi thở đánh phào và thấy người như khỏe thêm ra. Họ đã thấy hương sắc vùng quê. Hương sắc quê hương San Cha Chải, ấy là những triền núi vàng suộm cỏ gianh như một biển nắng chiều. Là cái khoảng xanh mờ ảo tít xa của những vùng rừng vầu cổ xưa. Là cái mùi hoa thảo quả thơm lựng hòa trộn với làn khí trời tê mát dưới tán rừng nguyên thủy thuần một loại pơ-mu lão đại. Bóng những khoảng rừng già đã mỗi lúc một sẫm mầu trong mắt người. Qua ba bốn khúc đường lên dốc xuống dốc như yên ngựa, phiến đá đã lọt hẳn vào một vùng rừng già, tán cây tỏa xuống mặt đất vẻ trầm mặc u tịch. Người lính bỏ nón quạt: - Nghỉ chứ, các chư ông! - Cố tý nữa, lên hết đoạn dốc này. - Chịu các chư ông thật. Đi một thôi mấy tiếng rồi, ông Lừ? - Đằng nào cũng phải đi, ông ạ. - Sợ mệt là mệt các ông thôi! - Việc làng việc nước mình không làm, người khác cũng phải làm, ông lính ạ. Việc làng việc nước! Cái ý nghĩ tự nhiên mà sâu xa! Vì việc làng việc nước mà vụ xuân này bỏ cả việc bán công sinh nhai. Vì việc làng việc nước mà mang cái khó nhọc vào thân. Việc làng việc nước. Nào phải là đã hiểu thật hết ý nghĩa của công việc mình đảm đương? Nhưng đã là việc làng, việc nước thiêng liêng, cao quý thì phải tận lực mà làm cho trọn vẹn. Đến trưa thì chính người lính đi chân tay không đòi nghỉ vì mệt quá, không thể đi được nữa. Đám khiêng phiến đá của Đức Vua phải dừng lại. Đó là một khoảng trống giữa rừng già. Vừa hạ kiệu, bốn người cảm nhận ngay được cái hoang lạnh đến rợn da thịt của khung cảnh. Bụi rậm và vòm cây chen kín, xung quanh họ tối mờ. Sương phủ mù mù vây bọc. Từ trong xa xăm, vẳng lên tiếng róc rách của một con suối hoang, như một ám ảnh triền miên, dai dẳng. - Này, từ lúc vào khu rừng già này, các ông có thấy cái gì là lạ không? Ông Lừ quệt mồ hôi trán, hỏi ba người đồng hương. Một người ngây ngây nét mặt: - Tôi thấy có mùi gây gây. Người lính đang nằm ngả trên đất, cố nghển cổ dậy, thều thào: - Mệt lắm rồi. Nghỉ lại ở đây thôi. Mai đi tiếp. - Không được đâu, ông ạ. Ông Lừ nói với người lính và nhìn ba người bạn của mình. Lập tức cả bốn người cùng đồng lòng là phải nhấc đòn lên vai, đi ngay. Có một nỗi hung hiểm chập chờn đâu đó, ai cũng nghĩ tới mà không ai dám nói ra. Thấy mấy người đã khiêng phiến đá đi, người lính vội nhổm dậy, hơi thở phì phò: - Tôi đến chết với các ông thôi. - Cố lên, ông lính ạ. Tôi sợ chỗ này... - Sợ cái gì? - Đừng nói! Cố một tí nữa! Người lính hiểu lờ mờ. Ông lẽo đẽo theo sau bốn người nọ. ° Đêm ấy đám người khiêng phiến đá của Đức Vua ngủ giữa rừng già. Chỉ có người lính được ngủ liền một mạch. Còn bốn người chia thành hai tốp thay nhau canh gác. Họ đốt lửa thâu đêm. Sáng bừng, mặt trời rọi qua kẽ lá, phân tỏa thành ngàn tia sáng hân hoan, người lính mới mở mắt. Sức đã phục hồi. Những cảm giác tươi sáng trở lại. Ông nhìn bốn người bạn đường bỗng thấy yêu quý họ khác thường. Họ, giản đơn, thô sơ vậy thôi, mà thật là những tấm lòng vàng. - Thấy người lính mở mắt, ông Lừ bước tới: - Ông còn mệt nhiều nữa không? Hôm nay ta đi cố thì tối có thể tới được. Người lính nhổm dậy: - ừ, cố đi. - Đêm nay tới San Cha Chải, được ngủ trong nhà rồi. Một người nói. Người khác thêm: - Mời ông lính về nhà em nghỉ nhé. - Tất nhiên rồi. Người lính vui vẻ - Đưa được phiến đá Đức Vua lên tới cột mốc xong là hoàn tất công việc. - Tôi biết chỗ cột mốc biên giới. - ở đâu, ông Lừ? - Trên núi, chỗ có nhiều cây gạo hoa đỏ. Lạ thật ông lính ạ. Ông trời cũng có ý phân chia địa giới nên mới gieo giống cây gạo bên mình. Còn bên kia, tịnh không một cây, thế mới lạ chứ! Người lính cười, nhổm dậy: - Đưa phiến đá của Đức vua lên đó là xong việc của ta. Còn xác định điểm chôn là công việc của người khác. Thôi, rửa mặt rồi ta lên đường đi. Nhưng mà hôm nay dẫu có sốt ruột vì nước mà hồi cũng đừng đi hộc tốc như hôm qua nhé, các chư ông. - Không phải vì muốn xong việc để về nhà đâu. - Thế thì vì cái gì? Ông Lừ chẹp miệng, thoái thác câu trả lời tỉ mỉ: - Cũng là việc làng việc nước thôi! Người lính cười bao dung, đứng lên rút cái khăn đeo bên sườn, xách cái bình toong, đi qua một bụi rậm, tìm đường xuống khe suối. Cuộc sống chẳng bao giờ hết sự ngẫu nhiên. Và chẳng ngẫu nhiên nào giống hệt ngẫu nhiên nào. Điều hung hiểm ông Lừ cảm nhận bằng trực giác từ lúc bước vào khu rừng già hôm qua, đã hiện hình thành một sự thật. Một con hổ đói đã theo đoàn người suốt chặng đường hôm qua, giờ đang chờ ông lính ở bờ khe suối nọ. Nghe tiếng người lính thét rụng rời, ông Lừ kinh hoàng đâm bổ xuống phía khe suối. Ba người kia chậm hơn, nhưng cũng nhao ngay tới cạnh ông. Và họ cũng rét run lên trong cảm giác sinh tử trước cơn nguy biến, bờ suối chỉ còn cái khăn mặt và chiếc bình toong sắt của người lính. ° Họ đốt đuốc sục vào các bụi rậm hú gọi, hò la. Tiếng họ hú gọi, hò la vang rừng, nhưng tập nhiễm nỗi vô vọng cô đơn. Dẫu sao thì cũng không thể tỏ ra là bạc nhược, yếu hèn. Dẫu sao thì cũng khôgn thể bỏ mặc người bạn đường xấu số. Một ngày đường nên nghĩa, huống hồ lại đã cùng một việc lớn đồng tâm. Mất một ngày không tìm thấy dấu vết thi thể người lính. Hôm sau ông Lừ nêu ý kiến: để hai người lại tiếp tục tìm kiếm nạn nhân, còn hai người khiêng phiến đá về San Cha Chải cho kịp ngày, xong việc. Tính toán như thế là vẹn tình vẹn nghĩa, được cả việc chung lẫn việc riêng, nên mọi người đều đồng ý. Ông Lừ và một người nữa tên Lý A Tỉn đảm nhận việc đưa phiến đá của Đức Vua về đích. Cái nặng của phiến đá đang san sẻ cho bốn người nay đè lên có hai vai. Tuy vậy, vốn là những người nghèo khổ, quen cực nhọc, họ vẫn tỏ ra dư thừa sức lực. Nửa ngày đầu, hai người đi bình thường. Nhưng từ nửa ngày tiếp, đường quá dốc, họ xuống sức rất nhanh. Đường xa, một cây kim cũng trở thành nặng. Huống hồ đây là đá, là dốc. Dốc quá! Đi người không mà có chỗ đầu gối chạm ngực. Ngựa đi có lúc còn toại móng, phải đủn đít mới lên được. Đã thế lại phơi ra giữa nắng, bọn ruồi vàng khát máu, ngửi thấy hơi người, lại nhao tới nhằng nhằng bám đốt, hút máu. - Chết mất thôi, ông Lừ ơi! Đến giữa dốc, ông Tỉn rên một câu rồi khụy xuống phiến đá đổ nghiêng dưới đất đánh phịch. Ông Lừ quay lại, mắt như tóe những hạt vàng hạt đỏ. Hơi thở thào thào qua cả hai lỗ tai. Ông cũng nhoài xuống, ngực đập đất, tim đập rung cả người. Rồi lim lịm, ông thiếp đi lúc nào không biết. Lát sau, có lẽ là vì mấy con ruồi vàng nên ông Lừ tỉnh. Mở mắt, ông thấy xung quanh mình ắng lặng. Sợ quá, ông vội nhổm dậy và nhìn thấy ông Tỉn nằm bất động cạnh phiến đá của Đức Vua. Chẳng lẽ ông Tỉn chết? Trời ơi! Không thể thế được! Trăm lạy vong hồn ông lính, ông sống khôn chết thiêng, ông phù hộ cho việc làng việc nước thông suốt mọi đường. Ông Lừ lẩm bẩm, lê đến cạnh người bạn đường. May quá, ông Tỉn đã mở mắt. - Ông Tỉn à, nghỉ được một tí cũng đỡ mệt đấy. - Tôi mệt quá, ông à. - Tôi cũng vậy. Lẽ ra, ông nên ở lại tìm ông lính... - Không, tôi cầm tinh con lợn, tôi hãi lắm. - Khổ thật. Còn một chặng nữa là tới làng. Hay là ta cố một tí nữa. - ừ, cũng phải cố thôi. - Tôi khấn vong hồn ông lính rồi, ông Tỉn ạ. Hai người lại chùn mình ghé vai, nhấc đòn. Miệng ông Lừ lẩm nhẩm cầu khẩn linh hồn người lính, ông tỏ ra vui vẻ để động viên bạn mình. Nhưng, ông biết là ông Tỉn đã phải dùng đến những sức lực dự trữ cuối cùng rồi. Phiến đá ậm ạch đi. Ông Tỉn thở ậm è. Rồi hơi thở biến mất. Lát sau hai người lại nằm cong queo như hai cái rễ cây bên phiến đá. Họ lại ngất đi như lần trước và cơn ngất này dài hơn. Nhưng lần này tỉnh dậy, ông Lừ thấy sức lực như trở lại. Cùng với cảm giác vui sướng râm ran trong lòng, ông nhận thấy ông Tỉn đã mở mắt, nhưng không tài nào cất nổi mình dậy. - Ông Tỉn ơi, tôi kể ông nghe chuyện này nhé. Là cái lúc ông lính hỏi, tôi không muốn nói nhiều, chứ tôi biết phiến đá này là cái gì. ở San Cha Chải mình, cột mốc bằng gỗ thôi, lại không phải của Đức Vua đích thân gửi lên. Nên người bên kia tính tham vặt, mấy lần họ đã nhổ lên, cắm lẹm sang phần đất ta. May mà có hàng cây gạo, chứ không thì họ ăn gian được. Ông Tỉn có nghe tôi nói không? - Có. Tôi quá mệt... - Không sao đâu. Nghỉ một lúc nữa sẽ lại sức. Ông tổ mình xưa khỏe lắm, ông Tỉn à. Tôi nhớ bố tôi kể. Một lần đi chợ huyện gặp bọn gian mai phục định cướp đồ hàng, ông tổ mình cầm cái đòn sóc giơ cao, nói: "Các chú nếu nhổ được cái đòn này thì cho tha hồ lấy hết những gì ta có!". Đoạn ông tổ dùng tay cắm phập ngọn đòn sóc xuống đất. Bọn cướp xô tới, cả buổi hò nhau không sao rút nổi cây đòn lên được. Kìa, ông Tỉn... ông đỡ mệt chưa? - Tôi... chết mất... ông Lừ à. - Nói dại nào! Ông Lừ đứng dậy. Ông định cổ vũ bạn, nhưng hóa ra chỉ ông tăng thêm một tí chút sức lực, ông cũng đã sắp cạn hết sức lực rồi. - Hay là thế này... Ông Lừ đến gần bạn, ngập ngừng... Chao ôi! Trong cái ta đã quen thuộc đến nhàm chán, bao giờ cũng ẩn náu điều ta chưa khám phá ra. Sau cái tưởng là kiệt cùng còn một khoảng không dự trữ niềm hy vọng. Sự sáng láng của tâm tưởng là nguồn sản sinh năng lượng. ý thức bổn phận dẫu mang tính giáo điều và màu sắc tôn giáo, bao giờ cũng là một tiềm năng. Nữa là ở đây, ông Lừ tích tụ trong mình cái sức lực quật cường dồi dào của cả bộ tộc đói khổ, ông đã dạn dày trong lao động khổ sai nặng nhọc. Ông mang trong ông tình thương với những người bạn đường khốn khổ. Tới lúc, ông Tỉn mở choàng mắt, kêu một tiếng kinh hoàng, thì một sự kiện ghê gớm đã xảy ra, chưa hề có trong trí tưởng tượng của mọi người. Ông Lừ đã dựng phiến đá dậy, đặt nó vào hai sợi dây da. Ngồi xuống, áp lưng vào phiến đá, ngoằng hai đầu dây vào vai tay nắm hai đầu dây còn lại, nhịn hơi, mặt căng nhức, ông từ từ đứng lên hai cái đầu gối run lẩy bẩy chỉ chực chẹo đi, gẫy khục. Nhưng mà không, ông Lừ đã đứng dậy được. Ông đã bước đi. Loạng choạng mấy bước đầu, nhưng ngay ngắn dần. Ông quàng sợi dây da lên trán. Đầu ông giờ là cái cọc níu giữ phiến đá nặng kia. Như có một sức mạnh vừa tràn vào, ông Tỉn chồm dậy, vừa ông ngực ho sù sụ vừa đuổi theo ông Lừ. Ông Lừ xua xua tay bảo bạn im lặng. Ông đang khấn vong hồn ông linh để ông linh phù hộ ông hoàn thành công việc hệ trọng, qua sức này. Mặt ông nhăn nhúm, nhưng không có cái vẻ đau khổ như vẻ mặt Đức Chúa Giêsu vác cây thánh giá trên núi Gôgôtha vẫn thấy treo ở trong các nhà thờ Kitô giáo. Bức tranh ông Lừ địu phiến đá, biểu trưng quyền lực thiêng liêng của Đức Vua An Nam, có công sức, xương máu mồ hôi của bao người, viền quanh là những bông hoa gạo đỏ. Chiều hôm sau, lý trưởng Tráng Vân Đa lên thăm phiến đá. Ông là người biết đọc chữ Hán duy nhất ở San Cha Chải. Ông bảo: Phiến đá của Đức Vua khắc sáu chữ lớn: "An Nam dân quốc địa mới". Đó là cột mốc biên giới của đất nước. Ông nói thêm phiến đá này nặng hai con ngựa thồ không nổi, làm sao mà người thường địu nổi!