Cây ổi ngòai hè đong đưa chút đỉnh vì gió trong cơn nắng, nhưng hình như ngọn gió không đủ làm mát tâm hồn Ngọc Trầm một tầm hồn đang phân vân, bồn chồn nóng nảy... Ngọc Trầm không hiểu mình phải quyết định thế nào trên con đường mà hình như chỉ có một ngỏ. Đi hoặc đứng lại... Là con gái lớn trong một gia đình phong kiến, ba Ngọc Trầm muốn Ngọc Trầm lập gia đình trước để em út mới có cơ hội lập gia đình, đó là tư tưởng của những người xưa. Ngọc Trầm không tin là vậy, nhưng nếu không vâng lời ba thì không khí trong gia đình thật nặng nề. Ngọc Trầm có hai chị em gái, em Ngọc Trầm từ nhỏ đã mũm mĩm hơn Ngọc Trầm trắng trẻo hơn Ngọc Trầm lại biết nũng nịu vòi vĩnh, trong khi đó Ngọc Trầm với mặc cảm mình xấu xí vì một bớt to như đồng xu trên má, Ngọc Trầm không bao giờ mong đợi được ba cưng chìu nựng nịu dù là một chốc, một lát. Ba thường gọi Ngọc Trầm là: - ”chăn cà mum”, đây là tiếng dùng để chỉ những đứa trẻ đen đúa xấu xí theo từ Kampuchia. Ngọc Trầm còn nhớ đến cảm giác của mình khi nép mình sát vào cánh cửa, nhìn ba bế em lên nói những lời thương yêu: - Cục cưng của ba, cục cưng của ba! Ngọc Trầm nghe trong lòng có một chút gì đó xót xa, một chút gì đó buồn tủi, mà không ghen tị vì với Ngọc Trầm đó là một việc hiển nhiên.
Soi mình vào gương, Ngọc Trầm thấy mình có đôi chân mày dài, đôi mắt rất sắc bén với phần đuôi hơi xếch lên một chút, sóng mũi cao và thẳng, nhưng da mặt thì lại không được trắng trẻo, và lại mang một cái bớt bên má từ ngày bước vào tuổi dậy thì. Ngọc Trầm cứ nghĩ mình là một Chung Vô diệm tái sinh – mặc dù thực tế, không phải là như vậy vì một số bạn bè Ngọc Trầm vẫn cho rằng Ngọc Trầm đẹp. Hai mươi tuổi, nhờ có khiếu ngọai ngữ, Ngọc Trầm đã đi làm cho một cơ quan nước ngòai, cuộc sống tương đối ổn định, và trong chỗ làm này, Ngọc Trầm có một ít bạn bè, trong nước cũng như ngòai nước. Nhưng với mặc cảm của chính mình, Ngọc Trầm không bao giờ dám nghĩ đến việc quen biết với ai đó, hoặc tiến tới với ai. Lúc đó Ngọc Trầm cũng chưa biết buồn vì cô đơn, đối với Ngọc Trầm cuộc sống có nhiều giá trị để đạt đến. Ngọc Trầm thích đọc sách, và những thời giờ rãnh rỗi Ngọc Trầm ngốn nghiến hết những quyển sách mà Ngọc Trầm nhặt được ở sở cả sách tây lẫn sách ta...và đấy là niềm vui của Ngọc Trầm và cũng chính nhờ niềm vui đó mà Ngọc Trầm thu nhặt được nhiều kiến thức từ khắp nơi trong thế giới sách truyện.
Những tưởng ngày tháng thỏai mái đó rồi sẽ êm trôi.. nhưng không. Cuộc sống xã hội đã thay đổi đột ngột, cái mớ ngọai ngữ Anh văn của Ngọc Trầm như vứt đi lúc đó. Ba Ngọc Trầm là một tư chức, cuộc sống gia đình ổn định nhờ vào ba, nhưng rồi ba cũng chẳng còn việc làm, tiền gởi vào ngân hàng thì bị mất hết và cả nhà lâm vào cảnh khó khăn với một ít tài sản còn sót lại. Ngọc Trầm luôn trăn trở không biết phải làm gì để giúp gia đình, nhưng Ngọc Trầm từ nhỏ đã không quen làm việc vất vả, lớn lên đi làm phiên dịch, bây giờ biết gì để mà bương chải.
Ba thường trầm ngâm: - Đời sống bây giờ thật khó khăn, ba không còn đi làm để lo cho gia đình được, tiền bạc dành giụm thì đã mua mấy mẫu đất để hậu thuẫn cho cả nhà khi không sống được ở thành phố nữa. Mấy đứa con gái, có ai thương thì gả cho người ta đi để còn nhờ vả tấm thân. Nghe thì rất đơn giản, nhưng thật tình mà nói, trong lúc cuộc sống vô cùng khốn đốn đó, nghĩ đến chuyện lấy vợ gả chồng như là nghĩ đến một điều xa xỉ khó chấp nhận. Ngọc Trầm bỗng nhớ đến một ông kỷ sư người Mỹ mà trước đây bạn mình đã giới thiệu cho mình, ông ấy độc thân nhưng hơi lớn tuổi, và điều này làm cho Ngọc Trầm ngần ngại và từ chối. Thỉnh thỏang ba lại càm ràm, coi ai thương thì ưng phứt cho rồi, để em con còn lấy chồng nữa chứ? Ngọc Trầm lại nghe buồn buồn tủi tủi. Nhưng chẳng biết trả lời sao?
Việc gì đến rồi cũng đến, cứ tưởng như chẳng ai thương mình, chẳng ai ngó ngàng đến mình. Nhưng Thành anh họ của Mai, sau một lần gặp Ngọc Trầm lại có cảm tình với Ngọc Trầm và ngỏ ý làm quen. Thấy Thành hiền hậu, ít nói, Ngọc Trầm cũng muốn quen biết tìm hiểu cho vui, thế là qua vài tháng gặp gỡ, Thành lại ngỏ ý muốn kết hôn với Ngọc Trầm. Ngọc Trầm bất ngờ quá, vì Ngọc Trầm chỉ coi Thành như một người bạn, nhưng ba Ngọc Trầm thì lại có ý thúc hối muốn Ngọc Trầm đồng ý cho xong. Ngọc Trầm không biết phải quyết định sao đây? Ưng thành ư? Thành không phải là túyp người Ngọc Trầm mong đợi, dù Thành rất hiền. Ba lại hối thúc, thời buổi này còn kén chọn gì nữa? Ba thấy nó hiền lành, lại có công ăn việc làm, theo ba như vậy là đủ rồi. Ngọc Trầm có cảm tưởng như ba muốn tống khứ mình ra khỏi nhà. Và Ngọc Trầm đành nhắm mắt đưa chân...
Ngày hôn lể, đôi tân giai nhân dẫn nhau đến trước bàn thờ, khi cha sở hỏi:
- Con có nhận anh Thành làm chồng và sống trọn đời với anh không?
Ngọc Trầm như khựng lại, rồi đáp và không biết câu nói của mình lúc đó có thực lòng không! Hay đang dối gian trước Chúa. Ngọc Trầm tự hỏi trong cuộc sống này có bao nhiêu cô gái đứng trước bàn thờ làm lễ mà phải phân vân suy nghĩ như mình.
Thập niên 1975 – 1985 cuộc sống sao mà nghèo quá, má Thành tặng cho Ngọc Trầm võn vẹn một đôi bông làm quà cưới, áo thì chỉ là những chiếc áo dài của Ngọc Trầm những ngày đi làm còn lại, vì nó vẫn còn đẹp. Có lẽ đám cưới ai trong lúc đó cũng chỉ thế thôi.
Sau đám cưới, Ngọc Trầm theo gia đình chồng về hồi hương ở chợ Nhỏ Vĩnh Long, con đường quê vô cùng lạ lẵm mà Ngọc Trầm chưa bao giờ bước qua, gia đình ở trong một xóm nhỏ cuối thôn, bên cạnh giòng sông quanh năm nước không bao giờ cạn. Xa quê, xa cái thành phố thân yêu mà Ngọc Trầm đã lớn lên trong nó, Ngọc Trầm nghe nuối tiếc rất nhiều nhưng thật thì chẳng biết phải làm sao.
Thành là một người chân chất thật thà, là một thợ may giỏi, có thể đảm đương được gia đình trong cái thời mà nghề nào hình như cũng phải vứt đi. Ngọc Trầm nghĩ mình sẽ an phận nơi đây, sẽ cố gắng sống vui với gia đình chồng, vì Ngọc Trầm không quen đối đầu với nghịch cảnh.
Cuộc sống mới không đơn giản như Ngọc Trầm nghĩ, một cuộc sống hòan tòan không phù hợp với Ngọc Trầm. Trong khi Ngọc Trầm sống ở nhà với mâm cơm mỗi người hai đôi đủa, một đôi đủa ăn một đôi gắp thức ăn thì ở đây hòan tòan trái ngược. Nơi vùng quê nước ăn cũng chỉ là nước múc từ dưới sông lên, những giòng nước sông Cửu Long xuôi giòng chảy qua bao nhiêu là bờ bao nhiêu là bến từ thượng nguồn Mêkong. Người dân ở đây họ múc nước lên lóng phèn và dùng nó làm nước uống. Giặt giủ rửa ráy tất cả đều được sinh họat dưới bờ sông. Những người đàn bà chờ chiều tối xuống cầu ao tắm. Ngọc Trầm phải cố gắng, thật cố gắng để hòa nhập với cái kiểu sống thời thượng ở đây. Cứ mỗi lần múc gáo nước từ trong lu vào để nấu ăn Ngọc Trầm lại liên tưởng đến những cảnh tắm giặc ở những nhà trên nguồn mà hàng ngày Ngọc Trầm vẫn thấy. Thành biết ý vợ, biết Ngọc Trầm không thể tắm ở bờ ao, thế là Thành xuống ao múc nước lóng phèn đưa vào một nhà tắm dựng sơ xài ở góc vườn. Rồi cũng xong thôi, nhưng chính sự chăm sóc đó của Thành lại là một sự chướng tai gai mắt đối với mẹ Thành. Bà cứ nói xa nói gần, nói bóng nói gió để chỉ trích Ngọc Trầm là họm hỉnh, là màu mè. Ba chồng Ngọc Trầm thì dễ chịu hơn, ông thông cảm nỗi khó khăn của Ngọc Trầm một người con gái thành phố phải sống đời thôn dã. Sự chăm sóc của Ngọc Trầm đối với ông, ông rất trân trọng và ông xem như là mình đang có một nàng dâu ngoan.
Những ác cảm của mẹ chồng hình như mỗi ngày một tăng lên. Bà thường bảo Thành là coi trọng vợ hơn mẹ. Nhưng thực tế, Thành rất có hiếu, mặc dù đã có gia đình, nhưng Thành đi làm về vẫn đưa tiền cho mẹ giữ để lo cơm nước quán xuyến trong nhà. Ngọc Trầm thì ở nhà lục đục quét dọn, nấu nướng. Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, mỗi lần nấu cơm, lặt rau, Ngọc Trầm lấy nước từ lu đã lóng phèn rửa thật kỷ hai ba nước để ráo rồi mới đem vào ăn. Mẹ Thành thấy vậy lại bưng rổ rau xuống bờ sông rửa lại...Ngọc Trầm nghe như uất nghẹn và thật tình thì không thể nào ăn nỗi những mớ rau sống đó. Sau khi cơm nước xong, Ngọc Trầm dọn dẹp lau nhà, bà mẹ chồng lại quơ cái giẻ lau lau lại... Không thể nào nhớ hết những cái kỳ cục của bà làm. Rồi đến một hôm bà gọi Ngọc Trầm ra và nói:
- Lúc trước đám cưới, tui cho vợ thằng hai mượn đôi bông để đeo, bây giờ vợ thằng hai đưa lại cho tui để tui đi cưới vợ cho thằng ba vì đó là đôi bông tui mua để giành cho nó.
Ngọc Trầm nghe như nghèn nghẹn, đôi bông có là gì so với cuộc đời của mình phải vùi chôn ở nơi heo hút này. Ngọc Trầm lẳng lặng đi vào và lấy đôi bông ra trả bà. Cuộc sống quá khó khăn đến đổi con người tráo trở và ti tiện đến vậy sao. Nếu như bà nói:
- Má muốn cưới vợ cho thằng ba, nhưng má lại không có tiền sắm bông sắm nhẫn cho nó, con cho má mượn lại để má lo cho em. Ngọc Trầm sẽ không buồn, nhưng...
Cái buồn cái ấm ức càng ngày cứ như càng đậm sâu. Ngọc Trầm có nhiều lần muốn rời xa chốn ấy trở về nhà. Nhưng sự ân cần của Thành, sự tử tế của người cha chồng làm Ngọc Trầm cũng không nở rời đi. Cha chồng của Ngọc Trầm là một người đau ốm cần người chăm sóc, nhưng bà mẹ chồng thì lại hay đi xóm và bỏ ông ở nhà thui thủi. Ngọc Trầm phải cơm bưng nước rót cho ông.
Chẳng bao lâu ông qua đời, giờ chỉ còn một mình bà. Bà còn yêu ác hơn nữa! Bà đi chơi trở về rồi không chịu về nhà, mà lại lên nhà một người bà con ở đậu như là con dâu bạc đãi mình vậy. Thế là cả xóm làng quê ồn ào lên vì không hiểu tại sao Bà Út lại không về nhà ở với dâu con. Bà con trong họ biết chuyện, họ khuyên bà, bà lại về và vác bếp ra trước nhà để nấu ăn riêng. Hàng ngày Thành ra chợ làm đến tối, Ngọc Trầm ở nhà với ba mẹ chồng. Mẹ chồng cay nghiệt, nhưng cũng còn có cha chồng biết thông cảm thương yêu, nhưng bây giờ với một mình với bà, Ngọc Trầm thấy ngột ngạt khó thở dù ở đây là thôn quê với bốn bề tróng trãi, sông nước mênh mông. Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, Ngọc Trầm nói với Thành:
- Em không thể nào sống chung với mẹ anh được. Em chỉ có thể chịu đựng đến đây thôi!
Em sẽ rời khỏi nơi đây về Sài gòn, em không bảo anh bỏ mẹ anh nhưng sống như thế này em không còn hơi sức để sống nữa. Em sẽ chờ anh ở trên đó nếu anh không muốn vợ chồng chia cách. Rồi Ngọc Trầm ra đi.
Thành đã không bỏ mẹ, Thành đã lên gặp Ngọc Trầm nhiều lần để năn nỉ Ngọc Trầm quay về quê sống chung, nhưng Ngọc Trầm không thể.. Thỉnh thỏang Ngọc Trầm ngẫm nghĩ: sao cuộc sống vợ chồng của mình quá ngắn ngủi... bởi ai?

Xem Tiếp: ----