Ai trong chúng ta có mấy người lại chối cãi là trong quãng đời niên thiếu của mình thấp thoáng đâu đó hình ảnh ông tầu già, miệng trễ xuống điếu thuốc lá vấn vụng đứng bên xe xực tắc nghi ngút khói? Tiếng chó sủa, tiếng mưa reo vui trên mái lá, mái tôn, tiếng côn trùng hoà lẫn tiếng gõ nhịp nhàng của thằng bé rao hàng văng vẳng gần xa tạo nên một âm thanh gần gũi quen thuộc mà giá như đêm nào bỗng nhiên không gian im bặt đi những thứ tiếng đó ta sẽ cảm thấy lạ lùng lắm. Xóm tôi ở có hai xe xực tắc. Trong quãng đời niên thiếu của chúng ta, tiếng xực tắc thiết yếu như 1 điều kiện ắt có và đủ, nghĩa là không có không được thì hai xe xực tắc lại trở nên thừa thãi. Quá thừ thãi, thừa đến nỗi gây phiền phức. Chuyện phiền phức như thế này. Nhắc lại, xóm tôi có những hai xe xực tắc, một ăn rất ngon lại do một ông tầu già làm chủ. Không riêng tôi mà mọi người trong xóm đều công nhận là ngon. Nếu 1 kiệt tác nghệ thuật là 1 tập hợp của những chi tiết tinh vi dầy sáng tạo tính, nếu 1 công trình vĩ dại được xây dựng bằng vô số các tiểu xảo nhà nghề thì có những thứ lắt nhắt không tên gọi làm nên 1 món ăn ngon. Tô hủ tiếu ngon không hẳn chỉ ở nước dùng trong, ngọt mà còn ở những thứ khó nhận ra như tóp mỡ dòn băm đều tay, bắp cải muối ( tàu gọi là cải tằn xại) đậm đà hương vị, nhấm nhấm bằng răng cửa để cảm được cái vị mẳn mẳn khó tả của nó. Không ngòi bút nào có thể diễn tả được cái vị độc đáo ấy. Hôm nào các bạn có thì giờ di ăn tiệm, kêu 1 tô hủ tiếu, gắp 1 chút mẩu vàng vàng rắc trên mặt, nhấm nhấm bằng răng cửa mới hiểu được ý tôi muốn nói, mới hiểu được chữ nghĩa cũng vô dụng khi phải diễn tả những thứ có phẩm tính phi thường. Như 1 bức tranh ngoạn mục tô hủ tiếu còn là sự kết hợp hài hoà của màu sắc. Màu trắng nõn của sợi bánh chen lẫn với những miếng xá xíu xắt mỏng, mỏng đến độ lớp phẩm đỏ viền quanh lát thịt nhỏ như sợi chỉ điều trông dến hay, điểm chút màu nâu của tóp mỡ, màu vàng cải muối, màu xanh của hẹ và xà lách được sắp xếp lên trên theo 1 chủ ý nào đó chứ không phải cứ vứt bừa vào tô. Chỉ nhìn thôi cũng thấy ngon mắt. Bạn ạ con mắt cũng biết ngon. Trở lại câu chuyện xe xực tắc của ông tầu già. Người Tầu dù ở đâu cũng có những điểm giống nhau. Đó là giấu nghề. Đố các bạn cạy miệng họ để họ chỉ cho cách giữ nóng. Tô hủ tiếu bưng từ xe nấu lần qua dăm bảy ngõ hẻm dưới cơn mưa tầm tã đến tay thực khách vẫn nóng như vừa mới múc. Còn đặc điểm giống nhau nữa là bất kể xe bò viên, sâm bổ lượng hay xực tắc đều có trang trí tranh vẽ trên kiếng. Bên cạnh mấy chữ tàu nhăng nhít chẳng hiểu nghĩa ra làm sao là hình vẽ những điển tích trong truyện tàu như Trúc lâm thất hiền, Ngư tiều canh độc, Bát tiên quá hải, Đào viên kết nghĩa... Xe của ông tàu này có hình ba anh em Lưu, Quan, Trương kết nghĩa trong vườn đào. Tôi còn nhớ ông Quan Công có chòm râu dài, mặt đỏ như trái cà chua, ông Trương Phi bụng phệ râu quai nón mặt đen như trôn chảo và 1 ông mặt mũi bình thường chẳng có gì đặc biệt. Tôi đoán là ông Lưu Bị. Trót nói ông Lưu Bị không có gì đặc biệt tôi mới sực nhớ thêm 1 chi tiết đặc biệt là cái nhà ông Lưu Bị trong hình vẽ với lão chủ xe xực tắc có gương mặt giống nhau. Giống lắm các bạn ạ, giống tới nỗi bố tôi gọi là ông Lưu Bị. Mua cho bố 1 tô hủ tiếu của ông Lưu Bị. Dần dà cả xóm chẳng ai bảo ai đều gọi là lão Lưu Bị Dường như món ăn muốn được nổi tiếng cũng cần có một cái tên gọi nên ông tầu già cũng vui vẻ chấp nhận danh xưng xực tắc lão Lưu Bị không một lời phản đối. Lão chủ chiếc xe xực tắc thứ hai ở xóm tôi có cái tên rất khó quên nhưng nếu quên rồi rất khó nhớ lại: Lão Gọn, tên cha sanh mẹ đẻ là Gọn chứ không phải tên thế nhân đặt. Dân Bắc kỳ di cư, có bộ răng đen hùng hồn tố cáo sinh quán. Vì sinh kế chuyển nghề xực tắc chứ không cha truyền con nối như lão Lưu Bị cho nên hẳn nhiên hủ tiếu lão Gọn nhạt như nước ốc lại thiếu cả những thứ thiết yếu để được gọi là hủ tiếu là hẹ và tóp mỡ băm. Tôi còn ngờ xá xíu lão Gọn chỉ là thịt heo luộc nhuộm phẩm đỏ chứ chẳng ướp gia vị gì cả vì khoắng đũa một cái phẩm đỏ nhuộm ngoài miếng thịt phai màu làm tô hủ tiếu trở nên đỏ nhờ nhợ trông hết muốn ăn. Tôi vẫn đinh ninh bắc kỳ chỉ nên nấu phở và chỉ nên nấu phở mà thôi. Hủ tiếu chỉ có người tàu hay dân nam kỳ nấu mới tới. Ăn phải tô hủ tiếu lão Gọn thực khách có cảm giác như bị vu oan điều gì đó, rất bực bội, rất khó chịu. Đời tôi khổ vì lão Gọn. Thật vậy tôi không nói quá đâu. Cả một quãng đời quá khứ vàng son của tôi chỉ vì lão Gọn mà vẫn cứ vương vấn cái gì đó thiếu toàn bích. Bắt chước lời Chu Công Cẩn trong Tam quốc chí lúc mất Kinh Châu về tay Khổng Minh: "Trời đã sinh ra Du sao còn sinh ra Lượng". Tôi đã có lúc than thầm: "Giời đã sinh ra Bị sao còn sinh ra Gọn" mỗi khi lỡ ăn lầm phải hủ tiếu lão Gọn. Ghét của nào trời trao của đó, tôi bị ăn lầm hoài. Chuyện khá dài dòng, hãy để tôi kể cho có đầu có đuôi nhé. Em gái của mẹ tôi dĩ nhiên là dì ruột tôi, dì tôi dĩ nhiên là vợ của dượng tôi và tôi dĩ nhiên là cháu của dượng tôi. Hehehe hết dĩ nhiên rồi đến ngẫu nhiên. Một cách ngẫu nhiên dượng tôi làm nghề hớt tóc dạo. Một cái ghế xếp, một tấm khăn choàng, một cái tông đơ cũ mèm, kéo lược... tất cả những thứ ấy được bỏ gọn vào trong cái thùng gỗ đằng sau cái pọt ba ga xe đạp. Đồ lề chỉ có thế nên hớt tóc dạo rẻ lắm, chỉ bằng tiền ăn quà sáng của tôi thôi. Xin phép được lạm dụng chữ nhiên một lần nữa. Mặc nhiên tôi và bố tôi là khách hàng hớt tóc quen thuộc của dượng tôi. Giấc Nam Kha khéo bất bình Bừng con mắt dậy thấy mình... đau quá Thơ của tôi thế đấy chẳng biết có đúng luật không mà có vẻ ngang ngang thế nào ấy, các bạn đừng cười nhé, tôi chả biết làm thơ đâu. Tiền nào của nấy, khách hớt tóc dạo thường bị cái nạn tông đơ cắn tóc, nghĩa là tóc lên cả rễ lẫn ngọn đau thấu ông bà ông vải. Lim dim thả hồn vào trong giấc Nam Kha xao xác tiếng gà, nỉ non ve sầu gọi nắng, tiếng lạch xạch chiếc tông đơ bóp bằng tay, khách thí phát quy y thỉnh thoảng giật bắn mình lên vì cái tông đơ giở quẻ. Thay vì xin chủ nhà 1 bát nước để mài dao cạo, thể hiện câu tự túc tự cường, thợ hớt tóc dạo thấy nước đâu là dùng nấy cho tiện. Hehehe đối với ông thợ hớt dạo, nước trong mồm là tiện hơn cả. Nhổ phẹt một bãi nước bọt lên tấm da đen xịt rồi cứ thế xoèn xoẹt mài, con dao cũng trở nên sắc ra phết. Bố tôi vốn lo xa, mỗi lần dượng tôi sủa soạn bày đồ nghề ra trước sân nhà đều sai tôi múc sẵn một bát nước lã. Mẹ tôi với dì tôi thân nhau lắm. Cả hai chị em tính tình đằm thắm nên chẳng mấy khi mất lòng nhau. Ấy thế mà thân nhau lắm cắn nhau đau. Một hôm chẳng biết chuyện gì hai chị em cãi nhau một trận tới bến, lại còn gọi nhau bằng mày tao nữa chứ.Bố tôi rủ tôi với em tôi đi trốn vì sợ bị chửi lây. Ba cha con ngồi tịt ở quán thịt chó đầu ngõ tị nạn... Cộng Sản mãi đến tối mới dám mò về. Tưởng chỉ cãi nhau qua loa rồi thôi, giận cá chém thớt: từ nay cấm chỉ hai bố con mày không được hớt tóc nhà "thằng" Tư nữa. Bù lại mỗi tháng mẹ tôi phát tiền cho hai bố con tôi đi hớt tóc trên phố, hớt tiệm đàng hoàng. Tiệm hớt tóc này có cái quạt trần quay vù vù mát lạnh người. Xung quanh tường có treo hình đào kép cải lương nổi tiếng đương thời. Tôi vẫn còn hình dung kép Minh Vương có bộ tóc chải bi ăng tin trông như đít con vịt. Đặc biệt hớt xong có xịt nước hoa thơm phức và bảo đảm tông đơ không cắn tóc. Chỉ phải cái giá tiền đắt gấp mười lần hớt tóc dạo. Phải, chỉ mỗi tội giá tiền quá đắt. Mẹ tôi tuy đang giận vợ chồng dượng Tư nhưng cũng tính toán dữ lắm. Này nhé mẹ tôi trù tính cơn giận không lâu quá ba tháng. Ba tháng là ba lần hớt tóc, tốn kém đấy nhưng tự ái mà biết sao bây giờ? chẳng lẽ muối mặt để chồng con vẫn hớt dượng nó thì kỳ quá. Một buổi chiều bố tôi thầm thì với tôi: - Đừng nói với mẹ nghe không, hôm qua ba sang nhà dượng hớt tóc đấy. Câu nói như 1 sự cho phép ngầm. Chẳng mấy chốc tới phiên tôi được mẹ cho tiền đi cắt tóc: - Ra viện uốn tóc Ngọc Oanh mà hớt nghe không. Từ nay không hớt dượng Tư nữa. Tôi dạ dạ vâng vâng rồi phóng thẳng đến nhà dượng Tư hớt tóc. Điều làm tôi ngạc nhiên là hớt xong tiền còn dư nhiều quá, đủ để ăn mấy tô hủ tiếu. Một âm mưu, một ý định phôi thai trong đầu. Nhà tôi có hai tầng. Vì lợp tôn đêm đêm cả nhà ngủ ở tầng dưới để tránh nóng. Riêng tôi từ khi lên 12 tuổi tôi xin mẹ cho ngủ trên lầu một mình. Nóng đấy nhưng tự do. Nghĩ cho cùng tôi cũng chả làm điều gì khuất tất đâu nhưng một mình một cõi tôi vẫn thấy thích hơn. Có lẽ đến tuổi nào đó người ta bắt đầu nhen nhúm ý chí tự lập. Đứng trên ban công cầm cái đèn bão đưa lên đưa xuống ra dấu, thằng bé gõ xực tắc hết bỡ ngỡ ngay khi tôi thòng cái gà mên trong có để tiền bằng sợi dây thừng. Vài phút sau cái gà mên được kéo lên nghi ngút khói thơm ngát mũi. Những lần sau thằng bé bán hàng không còn bỡ ngỡ nữa. Ngay đêm thưởng thức gà mên hủ tiếu đầu tiên, một trục trặc nhỏ làm tôi ân hận mãi: quên đóng cái cửa dẫn xuống cầu thang. Mùi thơm theo luật vật lý thì bay lên nhưng oái oăm thay lại bay xuống dưới nhà. Đặt cái gà mên xuống giường tôi bắt gặp cặp mắt tròn xoe của bé Thảo. Con bé theo mùi thơm mò lên lầu từ lúc nào: - Anh "Nhong" cho em ăn với. ( Tôi tên Long). Nói xong, tự nhiên như ruồi, nó leo lên giường, ngồi xếp bằng, làm dấu Thánh Giá rồi há mồm chờ bón. Thế có tức không cơ chứ. Mỏng môi hay hớt, dầy môi hay hờn. Chẳng biết môi em tôi thuộc loại gì mà vừa hay hờn mà vừa hay hớt. Hơi tí là nhè, hơi tí là mách mẹ. Vì bí mật quốc phòng, hễ cứ ăn một miếng tôi lại phải đút cho nó một miếng, miếng của nó thường không có thịt. Khi nào lỡ ăn hai miếng mà quên đút, nó ư một tiếng nghe mà phát ghét. Xin lỗi các bạn. Sáng hôm sau hai anh em bị té re. Chắc có bạn chẳng biết té re là gì đâu, là Tào Tháo đuổi đấy. Nghe người ta nói lão Gọn mỗi khi bán hết hàng họ chuẩn bị về mà vẫn còn khách, lão châm thêm nước lã vào nồi nước dùng để vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Cái Thảo cằn nhằn: - Sao anh không mua của ông Lưu Bị vừa ngon vừa không sợ Tào Tháo rượt. Bố bảo Tào Tháo sợ ông Lưu Bị lắm mà. Em tôi thường lẫn ông Tào Tháo trong truyện với ông Lưu Bị ngoài đời như thế. Hậu sinh thường ngu dốt, tôi thấy chẳng cần phải giải thích cho nó hiểu. Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Cũng như tôi em tôi ngày ngày mong cho tóc tôi chóng dài ra. Có lần nó thỏ thẻ với mẹ làm tôi điếng người: - Mẹ ơi con muốn đi hớt tóc. Con gái mà bày đặt hớt tóc. Cũng may mẹ tôi chỉ cười không để ý. Mỗi khi tôi mang cái đầu mới cắt về nhà nó nịnh tôi ra mặt: - Anh Nhong ơi cúi đầu cho em ngửi đi. Đầu anh "xơm" quá hà. (thơm). Nó có lối nói chuyện làm xao xuyến lòng người các bạn ạ. Vừa thủ thỉ nói vừa tựa hẳn tấm thân gầy guộc vào người nghe, mặt thì áp vào ngực, tay thì tẩn mẩn nhặt tóc hoặc phủi bụi trên vai áo người nghe. Tôi đoán sau này ai là chồng nó sẽ thương yêu nó lắm. Tôi có cả tháng trời nghiên cứu tiếng gõ xực tắc. Y như thời Tam quốc, xe lão Gọn bên này thì xe lão Lưu Bị ở bên kia đường, chưa bao giờ tôi thấy cả hai chung một đường hay đụng đầu nhau. Dường như họ có một thoả ước phân chia lãnh thổ hẳn hoi. Mỗi xe xực tắc đều có hai thằng bé trạc tuổi tôi làm giao liên, vừa gõ nhịp vừa nhận tiền vừa giao hàng. Ông chủ chỉ việc múc múc thái thái thôi. Kể cũng nhàn. Lâu ngày tôi học được sự khác biệt trong nhịp gõ rao hàng của 2 lão. Đúng ra cái Thảo là người khám phá ra sự khác biệt đó. Một hôm hai anh em đi mua báo cho bố. Hồi trước tôi hay đi một mình có rủ nó cũng chả thèm đi, bây giờ vì sợ tôi đi ăn lén một mình, nó theo tôi như hình với bóng. Đang đi bỗng nó bấu tay tôi: - Anh Nhong ơi anh có nghe gì không? Hai anh em đứng lại lắng tai. - Tiếng xực tắc. Muốn ăn thì để đến tối. - Không phải anh à. Lão Lưu Bị kia kìa. Theo ngón tay chỉ cái Thảo tôi thấy xe xực tắc lão Lưu Bị bên kia đường. Cái Thảo tiếp: - Tiếng gõ khác với tiếng ông Gọn anh ạ. À thì ra con bé tinh thật. Nghe kỹ tiếng gõ rao hàng của lão có vẻ khang khác với tiếng của lão Gọn. Hai anh em ngây người đứng nghe một lúc cho quen tai. Tối nay. Phải, tối nay ăn cho bằng được hủ tiếu Lưu Bị.