Chị Hoàng, chủ tịch công đoàn công ty cũ, gọi điện thoại vào máy cầm tay của Tuân: “Công ty của mình tổ chức đi chơi động Phong Nha, muốn mời em về cùng đi. Em thấy sao?”. Tuân gần như reo lên trong máy: “Trời ơi, có dịp đi chơi nào mà em từ chối đâu. Em sẽ xin nghỉ phép ở công ty mới”. Chị Hoàng hoan hỉ: “Vậy là đồng ý rồi nha! Đi thành hai đợt, đợt hai vào cuối tuần sau”. Chị đổi cách xưng hô: “Đăng ký đi đợt hai nha Tuân, có chị, chị Nga, chị Hiền nữa nè, vui lắm?”. Tuân biết mấy chị quý mình lắm nên cũng bông lơn một chút: “Trời, đi với mấy bà chị thì vui sao nổi. Có em nào trẻ trẻ cỡ tuổi em không?”. Chị Hoàng cười thành tiếng: “Thằng khỉ, có em Nhung, trẻ hơn mày mấy tuổi lận, vui rồi còn gì!”. Tuân làm bộ nhăn nhó: “Em Nhung mà cũng kể vô!”, rồi cũng gật đầu: “Chị đăng ký đợt hai cho em nhé!”. Tuân rời công ty cũ chưa được bao lâu. Lý do xin chuyển công ty khác là do hoàn cảnh gia đình, nhưng thật ra là vì Tuân đã gặp được một cơ hội quá tốt nên công ty cũng không cách gì giữ Tuân lại. Cũng không có ý định giữ Tuân lại, khi Tuân quyết lòng muốn ra đi, ý của sếp là vậy. Dẫu gì, Tuân cũng đã gắn bó với công ty cũ gần tám năm trời, nên khi công đoàn tổ chức đi chơi, mọi người liền nhớ ngay tới Tuân. “Có công sức đóng góp của nó trong quỹ công đoàn mà!”. Nhung là đồng nghiệp của Tuân ở công ty cũ. Nữ đồng nghiệp này tướng bé loắt choắt, khô rang, không xấu, không đẹp, lanh lẹ một tí, xảnh xẹ một tí và đồng bóng kiểu đàn bà một tí, không phải là týp người Tuân thích. Dù có lúc, mấy chị cũng hay gán ghép và nữ đồng nghiệp cũng đã rất nhiều lần nhìn trộm Tuân. Không thích là không thích, dù chỉ để vui chơi, huống hồ gì Tuân là thằng rất biết rõ đâu là đồ cúng, đâu là đồ ăn. Dây dưa không đáng, Tuân không thèm! Buổi sáng khởi hành, mọi người tập trung ở văn phòng công ty thật sớm. Khi Tuân đến thì hầu hết mọi người đã có mặt đầy đủ, kể cả sếp. Sếp thấy Tuân, đưa tay ra bắt, vẻ thân tình: “Chà, qua công ty mới, trông Tuân đẹp trai, trẻ ra!”. Chị Nga cười thật tươi: “Lâu ngày ghê há”, kèm theo một cái nháy mắt. Chị Hoàng, chị Hiền chừng mực hơn, chỉ cười hỏi Tuân: “Khỏe không em?”. Ngoài sếp và mấy chị ra, còn có mấy đấng anh hào làm ở bộ phận hiện trường, mấy người này Tuân không thân lắm, cả hai cô bé cháu chị Hiền đi cùng chị, năm nay chuẩn bị lên lớp mười hai, và Nhung. Nhung sáng nay thật lạ với áo thun sát nách, quần jeans lửng, giày sport, trông trẻ trung và khỏe khoắn hơn nhiều so với áo tay dài, cổ cao của đồng phục công sở hằng ngày. Tuân ngắm Nhung, lần đầu tiên ngắm kỹ Nhung sau mấy tháng không gặp, thấy Nhung đâu có khô như trước đây mình nghĩ. Ba vòng rõ ràng, những đường cong gợi cảm... Hướng dẫn viên của công ty du lịch cũng là một cậu trẻ, chắc mới ra trường chừng vài năm, mặt nhìn non tơ nhưng miệng mồm thì láu lỉnh vô cùng. Sau vài câu e dè chào hỏi mào đầu, cậu bắt đầu nói về lịch trình chuyến đi và dặn dò mọi người những điều cần thiết. Xe chạy êm ru trên con đường Liên Chiểu - Thuận Phước dọc bờ biển, tiến về phía Bắc, chẳng mấy chốc đã lên đến đèo Hải Vân. Gió thổi vi vu, cây xanh hai bên lưng chừng đèo mượt xanh như tấm thảm lá lô nhô, điểm những vạt hoa trắng li ti mọc dày, loài hoa nào đó Tuân không biết tên, nhìn thật đẹp. Xe lên đến gần đỉnh đèo thì có sự cố xảy ra. Hai cô học trò cháu chị Hiền đi xe không quen, bắt đầu say xe. Các cô ói nhào lăn, như thể chẳng giữ gì lại trong bụng được. Vỹ, cậu hướng dẫn viên, luống cuống tìm bao ni lông, gom các thứ thải ra trên xe, tìm nước cho hai cô bé uống thuốc và hình như chính lúc ấy, cậu bắt đầu phát hiện ra đối tượng cậu cần phải quan tâm nhất trong chuyến đi này. Khi hai cô bé bắt đầu yên vị, không còn ói nữa, thì cậu ngồi thủ thỉ kể chuyện tiếu lâm cho hai cô nghe, nói là để hai cô thấy buồn cười mà quên chuyện say xe đi. Lúc đầu cậu kể nho nhỏ, rì rầm, sau to lên một chút vì có Nhung góp tai vào và cười. Tiếng cười rúc rích của tụi nhỏ làm cho mấy người lớn thấy nóng máy... Chị Nga hét lên: “Đề nghị mở volume to lên để mọi người cùng nghe!”. Vỹ quay lại cười bẽn lẽn: “Tụi cháu kể chuyện con nít mà!”. Chị Nga không chịu: “Chuyện con nít cũng nghe, hồi xưa các cô các chú đây trước khi là người lớn cũng là con nít!”. Mọi người xôn xao, cả sếp cũng bảo: “Kể chuyện tiếu lâm nghe cho vui đi!”. Những câu chuyện tiếu lâm ban đầu kể cho nhau nghe còn hiền lành một tí, chay tịnh một tí, được một lúc thì chuyển sang tiếu lâm mặn, lúc đầu mặn ít, sau mặn quá xá cỡ. Chị Hiền rên rỉ: “Trời ơi, hai đứa cháu của tui, kiểu này khi về có ra sông Hàn rửa tai cả tháng cũng không hết được?”. Xe dừng ăn trưa ở một quán ven đường. Trong lúc chờ dọn cơn, Vỹ lân la lại gần hỏi chuyện Tuân: “Anh Tuân có gia đình chưa?”. Tuân lắc đầu: “Chưa?”. Vỹ ranh mãnh thì thầm: “Em thấy chị Nhung chịu quậy lắm đó, anh không xáp lại văn nghệ một tí cho quên đường dài”. Tuân đỏ mặt, cái kiểu đỏ mặt của người bị bắt quả tang khi làm bậy, mặc dù trong thâm tâm, Tuân chưa có làm gì bậy bạ: “Nói gì đâu không à!”. Vỹ nháy mắt cười: “Ông anh hiền quá, ông anh thấy không, cô bé Nơ, cháu cô Hiền, tướng tá bốc ghê, thế nào em cũng phải xin địa chỉ cho được!”. Tuân nhìn theo hướng mắt của Vỹ về chỗ Nơ đứng, thấy Vỹ quả thật khá tinh mắt. Nơ da trắng, tóc dài, mắt đen láy, cao chừng một mét sáu mươi lăm, đã là thiếu nữ, thân hình nảy nở như người lớn... Nói là làm, Vỹ tỏ ra quan tâm đến Nơ ra mặt. Liên tục gắp thức ăn bỏ vào chén Nơ, mua kẹo, mua ô mai cho Nơ ngậm, mang khăn lạnh cho Nơ lau với vẻ quan tâm không thèm giấu. Mọi người chọc: “Không chừng sau chuyến đi này, Hiền mang về thêm một cậu cháu rể kêu bằng dì”. Vỹ nói vọng sang chỗ chị Hiền ngồi: “Con kêu dì Hiền bằng dì nha, được không dì?”. Chị Hiền chỉ cười mà không biết nói chi. Tuân ngồi bên cạnh Nhung, cũng lăng xăng quan tâm, với một vẻ nửa đùa nửa thật, lại luôn miệng khen Nhung dễ thương, dù chuyển sang công ty khác, không gặp nhau, Tuân nhớ Nhung nhiều nữa. Nhung cười, vẻ hãnh diện: “Vậy à?”. Chị Hoàng chọc: “Chị thấy hai đứa mày xứng đôi đó, yêu nhau cho rồi, cuối năm nay cưới đi, tao đang thèm ăn cưới đây”. Nhung cười ré lên: “Trời ơi, em không lấy ông Tuân này đâu, em có người yêu rồi!”. Cục tự ái của một người đàn ông đẹp trai, phong độ, đào hoa trong Tuân bắt đầu nổi lên: Anh sẽ cho em biết thế nào là lễ độ, hãy đợi đấy, em gái à! Vất bỏ cái vẻ mặt bông lơn thường ngày, tỏ ra nghiêm túc hơn, quan tâm một cách chân thành hơn, Tuân đã buộc Nhung cũng nói chuyện với mình bằng với vẻ e dè, nhỏ nhẹ và nữ tính hơn... Con mồi hình như bắt đầu dao động, lung lay, lung lay... Ở những điểm dừng lại tham quan, chụp hình dọc đường đi, rồi ghé chợ Đông Hà mua sắm đồ, lúc nào Tuân cũng ở bên cạnh Nhung, mang giùm túi xách, đưa tay đỡ Nhung lên xe xuống xe, kè kè máy ảnh chụp hình riêng cho Nhung... như một vệ sĩ tận tụy thứ thiệt. Chị Nga bắt đầu nhấp nháy với chị Hoàng: “Hình như tụi nó thích nhau thiệt!”. Chị Hoàng hỏi trống không: “Thiệt không vậy mày, để mấy chị còn tính!”, Tuân nghe, chỉ phớt lờ chứ không nói chi. Đêm ngủ tại khách sạn ở Quảng Bình, Tuân rủ Nhung đi dạo, uống cà phê. Đi riêng hai đứa! Nhung mặc một chiếc áo thun sát nách và chiếc váy jean ngắn, trên váy gần bên hông có một đường vải rách lưa tưa tự tạo, tỏ vẻ rất sành điệu, khoe ra cặp đùi trắng toát và một đường hông loang loáng da thịt, nhìn rất đã... Chà chà, sao mà ăn mặc kiểu này, cô em? Tuân đưa Nhung đi dọc theo chiếc cầu duy nhất ở thị xã Đồng Hới, nơi có quốc lộ chạy qua, đến quán cà phê Trung Nguyên duy nhất có vẻ sang trọng nằm bên đường. Quán mở nhạc ồn ào, giậm giựt, trong quán toàn con trai, khi thấy một cô ăn mặc mát mẻ như vậy bước vào, hết thảy những ánh mắt trong quán đều ngoái lại nhìn. Tuân thấy mặt Nhung vênh lên, ra vẻ phớt đời, sành sỏi. Tuân khoác tay lên vai Nhung, vì đang làm ra vẻ sành điệu, không lẽ lại hất tay Tuân xuống nên Nhung để im. Nhưng mà Nhung ngồi ngọ nguậy dữ lắm. Nhạc ồn quá, hình như Nhung có nhắc Tuân bỏ tay xuống mấy lần nhưng Tuân giả đò không nghe! Bàn tay cứ từ từ, thật nhẹ nhàng, kéo bờ vai Nhung về sát bên Tuân. Được một lúc thì Nhung lách người ra: “Thôi, mình về đi, quán này ồn quá!”. Câu nói của Nhung, Tuân ngầm hiểu chắc Nhung thích chỗ nào đó vắng vẻ hơn. Vậy là về! Trên đường về, Nhung tung tăng vừa đi vừa nhảy chân sáo vẻ nhí nhảnh ngây thơ một cách cố tình. Tuân rủ Nhung lên lầu thượng khách sạn đứng hóng gió, Nhung thoái thác: “Nhung mệt rồi, Nhung đi ngủ đây để mai dậy đi sớm”. Tuân nhìn theo cái váy jean của Nhung khi đứng trong thang máy, cặp đùi trắng lóa, cái vệt rách loang loáng da thịt bên hông... Buổi sáng, khi ở trên xe để ra động Phong Nha, Vỹ ngồi bên cạnh Tuân, cười cười: “Sao? Đêm qua vui vẻ chứ ông anh?”. Tuân cũng cười, nhưng trong bụng thấy khó chịu: “Sao chuyện gì mày cũng biết vậy nhóc?”. Vỹ nói, như phân trần: “Tối hôm qua, em đứng chơi trên sân thượng, thấy anh chị đi chơi về”. Tuân giật mình: Lỡ đêm qua mà gặp nó trên đó, chẳng biết ăn nói làm sao... Rồi như có linh tính nào đó, Tuân nhìn sang Nơ, thấy Nơ tự nhiên cúi mặt. Tuân làm bộ hỏi bâng quơ: “Hôm qua Vỹ đứng chơi trên đó một mình à? Lãng mạn ghê hả?”. Vỹ thì thầm vào tai Tuân, giọng rất đểu: “Em đâu có điên mà lên đó đứng chơi một mình hả ông anh? Tiết lộ riêng cho ông anh thôi nha, môi em Nơ mềm lắm?”, nói rồi phát lên cười như vừa kể cho Tuân nghe một câu chuyện tiếu lâm. Ở hàng ghế sau, sếp nghe Vỹ cười vui vẻ, liền lên tiếng: “Kể chuyện tiếu lâm nữa đi!”. Vỹ “dạ” ngọt xớt. Ngọn núi cỏ kẻ dòng chữ khổng lồ Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng rồi cũng hiện ra trước mắt. Xe chạy vào khu vực bán vé tham quan, mọi người lục tục xuống xe, lục tục chuyển sang một chiếc thuyền sơn hình hai con mắt và vảy rồng xanh đỏ lòe loẹt để đi tham quan động Phong Nha. Dòng sông Son dẫn vào động Phong Nha đoạn ở ngoài nước trong vắt, hai bên bờ cây xanh mướt, đi được một lúc thì đến cửa động, trông như miệng một con cá mập lớn đang há. Thuyền bơi sâu vào bên trong động, tối om, chỉ có vài ánh đèn nhàn nhạt không đủ để soi đường. Nãy giờ đi ngoài sáng, bây giờ vào trong tối, không khí mát rượi làm mọi người thấy thoải mái, nhẹ lòng hẳn lại. Khung cảnh vắng lặng, chỉ nghe tiếng mái chèo khua nước róc rách và tiếng người xôn xao nói chuyện vọng lại từ phía xa kia. Thuyền lẳng lặng trôi, mọi người luôn miệng trầm trồ chỗ này chỗ nọ, thỉnh thoảng, lại nghe tiếng ré lên ơi ới vì bị nước từ trên cao nhỏ xuống làm ướt đầu tóc, áo quần. Cả một thế giới thiên nhiên kỳ bí hiện ra với những mảnh thạch nhũ nhiều hình thù kỳ dị từ trên cao buông xuống, tạo thành một vùng không gian như hư như thực. Cả đoàn ghé lên ngắm cảnh ở một động lớn bên ngoài, sau đó đi tuốt vào trong sâu để lên một cái động khác hẹp hơn nhưng nhiều thạch nhũ hơn. Cảnh vật ở các động na ná nhau, cũng lung linh, huyền ảo như thế. Lúc đi ra, Tuân kéo Nhung xuống ngồi ở hàng ghế sau chót trên thuyền: “Xuống đây ngồi với anh, anh nói Nhung nghe cái này!”. Nhung lật đật đi theo Tuân, thắc mắc: “Có chuyện gì vậy anh?”, Tuân không trả lời. Ngồi bên cạnh Tuân một lúc lâu, vẫn không nghe Tuân nói gì, Nhung lại hỏi: “Chuyện gì vậy anh?”. Tuân bất ngờ ôm lấy Nhung: “Chuyện này nè” rồi hôn lên môi Nhung. Cái hôn bất ngờ quá làm Nhung không kịp tránh đi đâu được, cái ghế trên thuyền chật quá, Nhung lại bị Tuân ép sát vào phía trong, cũng không cách nào tránh được, giãy giụa mạnh quá thì sợ mọi người phía trước nghe thấy. Nhung chỉ biết mím chặt môi lại, trân người, làm như không có cảm xúc. Được một lúc thì Tuân chán, buông Nhung ra: “Em không thích anh à!”. Nhung im lặng một chút, sửa lại tóc: “Anh không thích em? Anh làm chuyện này chỉ để vui vẻ thoáng chốc thôi, phải không? Sao lại chọn em?”. Tuân chống chế một cách vụng về: “Anh thích em thật mà!”. Nhung làm như không để ý lời chống chế của Tuân, vẫn tiếp tục: “Trước đây, em thích anh lắm, vì anh chân thành, trung thực, dù không bao giờ anh thèm ngó ngàng gì đến em! Còn bây giờ thì em có người yêu rồi”. Nhung chỉ nói vậy thôi, không có thêm một câu nào, không một câu trách móc, không hề xỉ vả anh là thằng thế này thế nọ. Vậy mà làm Tuân đau nhói, Tuân không nói được tiếng nào, hai tai Tuân đỏ rừ lên. Tuân ước gì mình có thể nhảy ngay xuống dòng sông ngầm này mà biến mất đi lập tức, thoát khỏi ánh mắt Nhung... Theo lời người chèo thuyền đưa đoàn tham quan vào động, độ sâu của dòng sông chảy ngầm này, chỗ cạn nhất cũng phải gần mười mét. Biết làm sao được, khi Tuân không biết bơi, lại là người sợ chết vô cùng...