Ở Cẩm Giang, lãnh địa của tướng Trịnh Minh Thế, không có cuộc đón tiếp nào. Binh sĩ Cao Đài Liên Minh đóng trong rừng cao su, dưới những tấm tăng xám. Có vẻ tất cả đang nhàn hạ. Luân dễ dàng thấy sự khác biệt giữa Cao Đài Liên Minh với các nhóm Cao Đài khác: quân trang, quân dụng đều đính mấy chữ đen US Army. Cái vòi CIA vươn tới tận đây rồi. Đoàn xe không ghé dinh Tỉnh trưởng mà vào thẳng Tòa Thánh. Con đường rộng chưa rải nhựa này đã thành một chuyến tiếu lâm: Phạm Công Tắc tuyên bố với đám báo chí rằng ông ra lịnh đắp con đường đi khắp hoàn cầu, bắt đầu từ Tòa Thánh, sẽ qua Cambốt, Ấn Độ.... để toàn thế giới về Tây Ninh dự Đại hội Nhơn Sanh do Ngọc Hoàng Thượng Đế ủy nhiệm ông ta triệu tập. Đến chợ Long Hoa, đoàn xe buộc phải giảm tốc độ. Nhìn qua, Luân càng hiểu thêm ý nghĩa của việc tranh chấp: khu chợ đông đúc, nơi trung chuyển hàng hóa nông, lâm, súc không chỉ của Tây Ninh mà cả của Đông Nam nước Cao miên. Khu “Thánh địa” tràn ngập trại cưa – lực lượng Cao Đài tự giành độc quyền khai thác gỗ ở một tỉnh có trữ lượng gỗ rất cao. Quá nhiều trạm thu thuế. Cạnh chợ, nổi lên một ngôi nhà khang trang, bề thế, mang biển hiệu: Nhàn du khách sạn. “Tôn giáo đã khá thạo nghề kinh doanh.” – Luân thầm nghĩ. Một bầy bò đến mấy chục con chàng ràng trên mặt đường – những con bò hóng u cổ, món hàng hấp dẫn của chợ Long Hoa – chận hẳn đoàn xe lại. Bác sĩ Tuyến phải nhảy xuống, lôi xểnh từng con ra khỏi mặt đường. Người ta thông báo với Luân là chợ Long Hoa đông đến 10 vạn khẩu. Cơ ngơi sung túc này gắn chặt với yêu sách kiên định của ông Phạm Công Tắc: chính phủ nhường cho Tòa thánh một vùng 40 cây số vuông. Ông mơ màng về một Vatican phương Đông. ° Bảo đạo Hồ Tấn Khoa đón thủ tướng tại cổng chính. Một người dong dỏng, mắt linh lợi – từng làm chủ quận thời Tây, chủ tỉnh thời Nhật, hàm đốc phủ sứ. Luân có một số kiến thức về tôn giáo Cao Đài – anh nghiên cứu khi làm trưởng phòng mật vụ, và gần đây, đọc thêm tài liệu. Không tôn giáo nào ở Việt Nam pha trộn bằng Cao Đài: phong kiến trong tổ chức, tư sản trong lý thuyết, không tưởng trong một số hoạt động từ thiện. Và cũng không một tôn giáo nào ở Việt Nam có nhiều đốc phủ sứ, huyện, công chức bằng Cao Đài. Những người leo đến đỉnh chiếc thang phẩm trật dành cho người bản xứ của chế độ thuộc địa mà chưa thỏa mãn – cuộc sống thực tại không còn chỗ nào cao hơn trừ phi họ dám đứng lên lật đổ chế độ - nên lồng tham vọng vô tôn giáo. Chính trị và tín ngưỡng, dân tộc và thế giới đại đồng... mờ mờ ảo ảo trong những câu kinh dễ đọc, dễ thuộc tuy ít hàm súc và càng kém giá trị văn học. Những điều Luân hiểu về đạo Cao Đài được bản thân tòa chánh điện xác minh. Hộ pháp Phạm Công Tắc chờ Thủ tướng nơi thềm chánh điện. Tắc nhỏ nhắn, không râu, mặc áo quần và vấn khăn toàn trắng. Hộ pháp chắp tay trước ngực niệm mấy tiếng Nam mô... Ngô Đình Diệm – bây giờ trông trẻ hơn tuổi 54 của ông ta, gọn gàng trong bộ comlê trắng cắt thật khéo, đầu chải bảy ba – bước mấy bước lên thềm và cũng chắp tay trước ngực. Đứng dưới thềm, Luân có dịp so sánh hai đối thủ. Tuổi tác, vóc vạc cả hai đều xấp xỉ nhau – Diệm có phần béo hơn. Họ cũng không khác mấy về lịch sử: Diệm há chẳng có lúc vào tu viện đó sao? Tắc bị Pháp đày tạn Madagascar – ông ta dính vào nhóm thân Nhật và điều này thì hiển nhiên: đạo Cao Đài tôn Cượng Để làm minh chủ và mê tín nước Nhật đế quốc như một Mạnh Thường Quân đối với các dân tộc da vàng. Bởi vậy, khi Nhật đổ bộ vào Đông Dương, cơ sở đầu tiên của chúng là các nhóm Cao Đài mà Trần Quang Vinh – một giáo sư thiên phong – làm lãnh tụ. Diệm bị Pháp cho ra rìa khi ông giữ ghế Thượng thơ bộ Lại và sau đó lưu vong sang Mỹ. Tắc về nước cùng với quân viễn chinh Pháp, Pháp đánh bóng ông và ông tỏ cho người Pháp biết là họ đã sai lầm khi không dùng ông: Quân đội Cao Đài Tây Ninh do ông thành lập sát cánh với quân đội Pháp, hùng cứ cả các trục lộ tỉnh Tây Ninh và còn thay cho quân đội Pháp đóng chốt nhiều nơi khác. Diệm về nước theo cách khác – khác về chi tiết thôi. Và, bây giờ hai người đối mặt trong cuộc tranh dành mới. Có lẽ ý định cá nhân của hai người không đến đỗi khác nhau lắm. Cái khác nhau là tài năng. ° Tắc yên ngôi vị tại Tòa Thánh được 9 năm. Dưới bóng cờ tam tài, ông đương nhiên là giáo chủ của một trong nhiều phái Cao Đài – mà phái Tây Ninh lớn nhất. Với quyền lực ngoài đời, người Pháp quyết định dùng ông để hướng Cao Đài phục vụ cho chiến tranh của họ - Ông Tắc tha hồ thao rúng về mặt đạo. Thế là cơ bút xuống tới tấp, đích thân Ngọc Hoàng thượng đế giao cho ông trách nhiệm giữ giềng mối đạo, đưa Cao Đài tiến lên vị trí quốc đạo ở Việt Nam và chiếm lĩnh lòng tin của toàn nhân loại. Trên giáo lý, Cao Đài chưa có giáo tông sau khi đốc phủ Lê Văn Trung liễu đạo, nhưng Ngọc Hoàng đã phong cho ông Tắc làm Hộ pháp, cai quản Hiệp thiên đài, như Quốc hội và sau đó kiêm cai quản “nhị hữu hình đài”, tức là nắm cả quyền giáo tông. Thế là cả lập pháp lẫn hành pháp đều nằm trong tay ông. Các cuộc hành quân càn quét, khủng bố, các cuộc ném bom và bắn phá của Pháp xua hàng chục vạn người ra khỏi làng mạc hẻo lánh. Đạo Cao Đài phái Tây Ninh phát triển nhanh chóng nhờ cơ hội đó. Ai muốn không bị Pháp truy bắt và tề ngụy quấy rầy thì vô đạo. Đóng một món tiền, kê khai tên họ, sẽ được cấp giấy chứng nhận tín đồ. Vô đạo rồi, cần công quả để xây thất. Xây thất rồi, cần sống gom lại quanh thất. Sống như vậy, cần vòng rào. Đó là các chu vi. Có chu vi, phải canh gác. Lính Cao Đài ra đời, súng lãnh từ kho của Pháp. Phòng thủ lẻ tẻ chưa chắc ăn, các liên đội Cao Đài thành lập. Một mình Cao Đài đánh với Việt Minh không xuể, phải phối hợp với người Pháp. Vai trò lực lượng vũ trang Cao Đài nâng cao mãi, trở thành quân địa phương. Có quân đội thì phải có tướng, có sắc phục. Tuân đóng phải có Bộ tổng chỉ huy, Hộ pháp kiêm Tổng tư lệnh quân đội Cao Đài, và v.v... Giữa lúc ông Tắc say sưa với chiến tranh – nó mang đến cho ông biết bao đổi thay và đặt ông lên hàng chí tôn, nó là cứu tinh với ông khỏi thân phận lưu đày tận hòn đảo nam Châu Phi, giữa Ấn Độ Dương, nơi mà ông đêm đêm phải nằm chung với gia súc và cũng là nơi mà ông buộc lòng phải ăn ở với một người phụ nữ da đen, còn bây giờ, chỉ phiền ông luống tuổi, sức có hạn... thì đùng một cái, Pháp thua. Pháp thua trận tức là ông thua trận. Ông bớt hoang mang khi biết rằng Nam vĩ tuyến 17 vẫn còn là đất của phe Quốc gia. Nhưng nỗi lo lắng của ông lại bắt nguồn từ phía khác. Pháp không còn ở lại với phe Quốc gia nam vĩ tuyến mà sẽ về nước. Người Pháp an ủi ông, bày vẽ cho ông. Song ông thấy chưa ổn. Ông ít quen người Mỹ và liệu người Mỹ cư xử với ông có được như người Pháp không? Nhiều triệu chứng chẳng lành: một viên đại tá Mỹ tên là Lansdale thậm thò thậm thụt móc với Trịnh Minh Thế. Tắc vốn ghét Thế. Cái thằng lấc cấc, “sớm đầu tối đánh”. Thế từng bất mãn với ông, kéo quân ra rừng “kháng chiến”. Có lực lượng và lực lượng tinh nhuệ trong tay, Thế được Pháp cưng chiều. Thế, khi nổi khùng, khui cả việc phòng the của giáo chủ ra bêu riếu. Bây giờ thằng Thế cứng đầu đó lại bắt bồ với Mỹ. Còn số bộ hạ khác – Nguyễn Thành Phương, Lê Văn Tất, Văn Thành Cao, Nguyễn Văn Thành... – khó mà ước đoán họ sẽ trở quẻ như thế nào. Không có quân đội Pháp đứng đằng sau, đội cơ Thánh vệ của ông giống như mấy cụm kiểng, đổ ngã trước bất kỳ ngọn gió cấp nào. Người ta nói với ông về Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Tay này không ưa gì Pháp. Song, tay này theo đạo Thiên Chúa, thật là rầy rà. Giá như Diệm theo đạo Phật thì còn đỡ. Suốt thời gian ông trị vì ở Tây Ninh, chưa có một thủ tướng nào thuộc đạo Thiên Chúa. Các cố vấn của ông khuyên ông nên xuất ngoại một chuyến để tạo thanh thế. Người ta bố trí cho ông đi Nhật, đi Đài Loan, gặp Thái tử sẽ nối ngôi Nhật hoàng Chiêu Hòa (1), gặp Tưởng Kinh Quốc, người chủ tương lai hòn đảo nhỏ mà nhất quyết tự xưng là nước Trung Hoa nhờ núp sau cái bóng Mỹ. Nửa tháng thật vui, thật thỏa mãn – một lần nữa, ông thầm tiếc mình lên tột đỉnh vinh quang quá chậm – nhưng cũng thật gần gũi. Về nước, ông được thủ tướng Ngô Đình Diệm tiếp trong một bữa cơm trưa. Đó là lần đầu ông gặp Diệm. Chính tại bữa cơm trưa này, ông mới hay, nhân ông vắng nhà, Nguyễn Thành Phương, với tư cách Ủy viên quốc phòng chánh phủ, đã thỏa thuận sát nhập quân đội Cao Đài vào quân đội quốc gia, lực lượng chung chỉ còn một quân đoàn. Mặc dù giữ quân kỳ riêng – với hình bát quái “Vũ trụ thần giáo” và chiếc bánh xe, tượng trưng cho sự tiến hóa – Đức Hộ pháp kiêm Đại ngươn soái rốt cuộc thống lĩnh có vài chục nghìn binh mã thì làm sao “phổ độ chúng sanh” cho được. Ông nuốt không vô bữa tiệc chay nấu rất ngon và nghe cũng không vô những lời hữu hảo chung chung của Thủ tướng. Sau bữa cơm, sau cái chắp tay từ giã nhau ở tiền sảnh dinh Gia Long, ông hấp tấp quay về Tòa thánh và nội trong ngày, triệu tập hội nghị cơ mật. Đó là ngày 14-10 năm ngoái. Nguyễn Thành Phương vắng mặt trong hội nghị cơ mật. Nguyễn Văn Thành nhân dịp hạch tội Phương đem cả nền đạo nạp cho họ Ngô. Hộ pháp đùng đùng nổi giận, hạ lịnh cách chức phó tổng tư lịnh tối cao Cao Đài của Nguyễn Thành Phương, bổ nhậm Nguyễn Văn Thành thay. Nhưng, quyết định của Hộ pháp không linh. Nguyễn Thành Phương nhởn nhơ bẹo gan giáo chủ. Quân đội chỉ biết có Phương mà không biết Thành. Nằm đêm, giáo chủ nghiệm ra khi quân đội Pháp cuốn gói, ông chỉ còn là một hình nộm trước các tướng Cao Đài. Phải xoay trở cho kịp với thời cuộc – ông nhủ thầm. Lại Hữu Tài, Trần Văn Ân và Hồ Hữu Tường đến Tòa thánh. Trong gian phòng mật thất – thường được gọi là Trí Huệ cung, nơi giáo chủ tĩnh tọa, tất nhiên, với vài nữ tín đồ trẻ đẹp chờ ông “kết thánh thai” - một chương trình hành động rộng lớn được xác lập. Té ra, uy tín của giáo chủ thật cao, điều mà ngay giáo chủ cũng không đánh giá nổi. Trăm họ chờ giáo chủ ra tay. Té ra, người Pháp chỉ rút lui chiến thuật. Cũng tại Trí Huệ cung, một cuộc, hai cuộc, ba cuộc họp cấp cao tiến hành, gồm tướng Trần Văn Soái, tướng Lê Quang Vinh, tướng Lê Văn Viễn, đại tá Léon Leroy, tướng Nguyễn Văn Vĩ và luôn tướng Nguyễn Thành Phương – đã làm lành với giáo chủ. Tất nhiên, Hộ pháp Phạm Công Tắc bào giờ cũng ngồi ghế chủ tịch. Tướng Nguyễn Văn Vĩ truyền “mật chiếu” của quốc trưởng – nói miệng thôi. Theo “mật chiếu” này, cần quét gia đình họ Ngô, thành lập một chánh phủ đoàn kết quốc gia mà Hộ pháp sẽ giữ vai trò, nếu không phó quốc trưởng cũng chủ tịch nghị viện. Các ghế trong chánh phủ dã chia chác xong xuôi: tướng Viễn bộ trưởng quốc phòng, tướng Soái bộ trưởng nội vụ, tướng Vĩ tổng tham mưu trưởng, tướng Phương bộ trưởng kinh tế... Hộ pháp đảm đương quyền Quốc trưởng trước khi Bảo Đại hồi loan. Trong cuộc họp gần nhất, nhân cao hứng, Hộ pháp nói rõ ý định của ông: sẽ khôi phục lại thể chế quân chủ, ông sẽ giữ chức Phó vương và sẽ truy phong cho ông Cường Để từ tước hầu lên tước Vương, cho ông Tráng Liệt tập ấm... Giữa lúc các mưu sĩ đang hè hụi thảo chánh cương của Mặt trận Toàn lực Quốc gia thì ngày 11-1-1955, đúng rằm thượng ngương, tướng Trịnh Minh Thế phát một bản tuyên cáo sẽ đem 5.000 quân bản bộ về hợp tác với chính phủ Ngô Đình Diệm mà không đòi hỏi một điều kiện nào. Thật là tai hại. Cao Đài chia rẽ, giáo chủ bẽ mặt với bằng hữu. Nhưng, cái đó chưa nguy bằng quân của Thế đóng ngay giữa ruột tỉnh Tây Ninh, đánh úp Tòa thánh dễ dàng nếu Thế muốn. Cả quân đoàn Cao Đài – “lính cậu” - đều ngán quân của Thế, thiện chiến và trang bị tốt hơn. ° ... Trên thềm chánh điện Tòa thánh Tây Ninh, Diệm tươi cười đứng cạnh Hộ Pháp để các phóng viên nhiếp ảnh hoạt động. Ông đã tụt giày ngoài cửa, rón rén vào đại điện và cung kính đứng yên trước biểu tượng “Thiên nhãn”, giữa hồi đại hồng chung ngân vang... Phải xài kế hoãn binh để thu xếp việc nhà. Cho nên, khi Diệm ngỏ ý viếng Tòa Thánh, giáo chủ hoan hỉ đánh điện mời. Về phần mình, Diệm chỉ cần bấy nhiêu. Diệm muốn tự giới thiệu với dư luận trong và ngoài nước ông ta là người một mực hòa nhã. Vả lại, không thể để cho các giáo phái liên minh về thực tế. Chiến thuật của Diệm là cách đánh tỉa. Luân tranh thủ thì giờ quan sát chánh điện. Ngay tiền sảnh, anh đã cố nín cười trước bức tranh và lời giảng giải bằng tiếng Pháp, Anh: Nguyễn Bỉnh Khiêm – tục gọi là Trạng Trình – đang hạ bút đề thơ: người mài mực là Tôn Văn, người dâng nghiêng là Victor Hugo. Lời giảng giải cho một sự tưởng tượng ngộ nghĩnh – và tất nhiên, không phải từ một đầu óc bình thường – lại hết sức nghiêm chỉnh. Sự giảng giải kiểu đó kéo dài khắp ngôi chánh điện chạm trổ lòe loẹt, dở Tây dở Tàu. Người ta thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Quan Vân Trường, Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jésus, thánh Mohamet, cả Karx Marx và Nguyễn An Ninh! Hàng mấy trăm tín đồ quỳ chật chánh điện với niềm sùng tín mà Luân cảm giác rờn rợn. Quả thật, ngoại hình của ngôi chánh điện góp sức áp đảo mọi suy xét, nó lại được yểm trợ bằng giọng đồng nhi đọc kinh ru ngủ. Với những người kém văn hóa, mỗi nét trạm trổ, mỗi màu xanh đỏ - đúng ra chẳng có giá trị gì về thẩm mỹ, lại là một bí ẩn chỉ có Cao Đài Tiên Ông mới giải thích nổi. Hộ pháp ngự lên chiếc ngai dành cho ông. Diệm vẫn đứng yên thành khẩn. Luân bỗng thấy, Phạm Công Tắc, ngôi chánh điện, khu Tòa thánh, hàng nghìn tín đồ và cả tôn giáo Cao Đài đều là món hàng của Diệm. --- (1) tức Showa, hay Nhật hoàng Hirohito, trị vì Nhật Bản từ 1925 đến 1989.