- Anh còn giữ mấy bức thư của Ngô Đình Thục không? Câu chuyện bỗng nhiên trầm trầm. Luân tiếp nhận quyết định của Đảng với một thái độ rõ ràng là miễn cưỡng. Các trận đánh sắp tới quanh Cần Thơ hoặc phía bắc lộ Cái Sắn vẫn ám ảnh anh. Từ lúc rời cơ quan mật vụ Nam Bộ, trực tiếp cầm quân ở cấp tiểu đoàn, Luân dự hàng trăm trận đánh, song không phải lúc nào anh cũng thắng. Các đơn vị của Pháp từng cho anh nếm mùi đau khổ, khi ở Vĩnh Trà Bến (1), khi ở Long Châu Hà, khi ở Rạch Giá. Cho nên, Luân đã dành tất cả thời gian học tập nghiên cứu, điều tra các loại thực địa khác nhau, các đối tượng địch khác nhau, quyết tâm trở thành một cán bộ quân sự chuyên nghiệp. Từ 1951, tiểu đoàn 420 – với sự bổ sung chính trị viên Vũ Thượng, một cán bộ xuất thân từ thợ máy hải quân Pháp – đã trưởng thành hẳn. Chiến công của tiểu đoàn trở nên niềm hãnh diện của toàn Phân liên khu. Bên cạnh các tiểu đoàn 307, 308, 311… lẫy lừng, người ta bắt đầu kể thêm 420. Trước Đông Xuân 1953-1954, tiểu đoàn 420 làm nhiệm vụ cơ động trên một địa bàn rộng lớn. Luân được đề bạt trung đoàn phó. Tình hình dường như sửa soạn cho tiểu đoàn tung hoành. Bài hát của nhạc sĩ Quách Vũ có câu “ta thắng như chẻ tre, ta thắng như nước tràn” mấy năm trước bị phê bình là “lạc quan tếu” nay có vẻ không xa sự thật là bao nhiêu. Giữa tình thế “trăm năm có một” như vậy, cấp trên lại bàn với anh cung cách hoạt động lâu dài trong lòng địch! - Còn giữ… nhưng tôi không mang theo đây. Mang theo làm gì cái thứ… Luân trả lời anh Tư, giọng vừa buồn vừa bực. - Ý! – anh Tư cười đôn hậu – Cái thứ đó quí lắm đa. Anh còn nhớ mỗi thư nói cái gì không? Luân chỉ nhớ mang máng. - Anh cứ tiếp tục công việc đang làm. Tất nhiên, anh phải để ít ra là một nửa thì giờ cho công việc sắp tới. Văn phòng chuẩn bị sẵn cho anh khá nhiều tài liệu, gồm báo cáo, báo chí, sách… Sở công an, phòng quân báo Bộ tư lệnh sẽ cung cấp cho anh các mặt tình hình. Điều anh cần giữ kỹ như nguyên tắc là không tiết lộ với bất kỳ ai nhiệm vụ mới của anh. Anh Tư dặn dò thêm Luân trước khi Luân vùi đầu vào đống tài liệu trong gian nhà bên cạnh nơi làm việc của anh Tư. Không rõ ai đó vô tình hay cố ý đặt lên bàn tờ Nhân dân miền Nam số mới nhất. Luân đọc ngấu nghiến bài ký tên Trung Thành mà Luân biết là bút danh của anh Sáu Thọ, ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Trung ương Cục: “…Quân địch đang bị động, đối phó với ta ở đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ và Trung Lào, chúng phải rút gần hết lực lượng ứng chiến tinh nhuệ ở chiến trường Nam Bộ ra các nơi đó, nên ở chiến trường Nam Bộ quân địch đang hoạt động yếu hơn trước và có rất nhiều sơ hở, tinh thần binh lính ngụy lại càng hoang mang dao động trước những chiến thắng của ta…” ° Cái cớ mà giám mục địa phận Vĩnh Long Ngô Đình Thục viết bức thư đầu tiên cho Robert Nguyễn Thành Luân khá bình thường. Năm đó, năm 1952, kỹ sư điện René Nguyễn Thành Luân qua đời ở Paris – cả Jean và Robert đều không làm sao dự lễ tiễn đưa cha đến nơi yên nghỉ cuối cùng được. Ngay cái tin ông René Nguyễn Thành Luân mất, hai anh em đều không hay, trước khi Robert nhận được thư của giám mục. Giám mục địa phận gửi thư chia buồn với người con của một tín đồ - và bản thân người con cũng là một tín đồ - không phải là việc gì cần bàn cãi. Hơn nữa, không ai không biết ông René Nguyễn Thành Luân có mối giao hảo cá nhân rất thân mật với người chủ chăn giáo phận – một trong những giám mục người Việt Nam ít ỏi lúc bấy giờ. Năm Luân vào ban tú tài cũng là năm Ngô Đình Thục được phong giám mục. Ông René đưa con đến chào vị giám mục địa phận – niềm tự hào của người sùng đạo như ông. Và, giám mục đã ban phép cho Luân. Từ đó cho đến khi rời thành phố vào chiến khu, Luân vẫn thường gặp giám mục – nhất là dịp nghỉ hè. “Cha đau buồn vô hạn khi được tin chẳng lành của người bạn thân, cụ kỹ sư René Nguyễn Thành Luân, vừa từ trần, an táng tại nghĩa trang Père-la-Chaise. Cha đã cầu nguyện cho cụ và mong con cũng cầu nguyện cho người cha thân yêu của mình về nước Chúa…” Bức thư vắn tắt như vậy thôi. Bức thư thứ hai, nhiều ý hơn, đến vào tháng 7 năm 1953. “Cha mừng con được an khang trong Chúa. Cha mong mỏi một ngày gần nhất được gặp con, vừa để thăm lại đứa con của giáo phận ra đi đã 8 năm, vừa han hỏi đứa con của người bạn mà cha lúc nào cũng quý mến. Con có thể cho một cái hẹn không? Cha đảm bảo tất cả an toàn và cha tin là con không hề có một chút nghi ngờ”. Liên trung đoàn trưởng 120 – cũng là một tín đồ đạo Thiên chúa – nói lại với Luân, ông ta cũng nhận một bức thư tương tự, dĩ nhiên hình thức là chuyện nhớ mong… vì Liên trung đoàn trưởng thuộc một gia đình đạo không phải toàn tòng. Thư của giám mục gửi cho con chiên kháng chiến tương ứng với diễn biến ở chiến trường: năm 1953, thực dân Pháp đang hấp hối. Hai tháng sau, tháng 9 năm 1953, Luân nhận được bức thư thứ ba: “Cuộc chém giết ngoài ý Chúa đã kéo khá dài. Như các đấng bề trên và Đức Thánh Cha hằng lo lắng, cha đêm ngày cầu mong sao máu ngừng đổ. Con là một chỉ huy, cha mong con đóng góp vào một cuộc bãi binh mà mỗi bên đều giữ được danh dự. Cha nóng lòng được gặp con đặng cha con ta bàn thảo xem con có thể làm được điều gì trong phận sự mà con gánh vác ngoài đời, chu toàn đặng trách nhiệm của một dân Chúa. Ông Savany, con biết danh tiếng của ông, sẵn sàng tạo mọi phương tiện cho con gặp cha”. Savany là trung tá, phụ trách phòng nhì Pháp ở đồng bằng sông Cửu Long. Và bức thư mới nhất trước trận tiểu đoàn 420 hạ đồn Biện Tạ. “Thời cuộc xoay chuyển thiệt là mau lẹ. Theo những gì mà cha nắm được, trong một ngày không xa, ông Ngô Đình Diệm sẽ về nước chấp chính. Cha hy vọng con hiểu rõ tầm quan trọng đặc biệt của sự thay đổi nầy. Là một người tín ngưỡng Chúa, lại theo chủ nghĩa quốc gia, có mối giao thiệp thân tình với gia đình họ Ngô Đình, con cần suy tính thật kỹ và nên dứt khoát trước khi quá muộn. Sắp tới, không phải người Pháp mà là người Mỹ sát cánh với chúng ta. Con nên nhớ, nước Mỹ là nước đã ném bom nguyên tử xuống nước Nhật. Đức hồng y Spellman thường thư từ với cha. Đó là một đấng bề trên hiểu biết và rộng lượng…” Thư của giám mục gởi cho Luân vào lúc Mỹ gần như gánh trọn toàn bộ ngân sách chiến tranh Đông Dương – ngày 30-7-1953 quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận viện trợ quân sự cho Đông Dương tài khóa 1953-1854 là 400 triệu Mỹ kim; ngày 2-9-1953 chính phủ Hoa Kỳ lại quyết định bổ sung thêm 385 triệu đô la nữa. Sự viện trợ dồn dập như thế nhằm yểm trợ cho “kế hoạch Navarre” mà một trong những điều then chốt là “giao cho phía Việt Nam những phần trách nhiệm nặng nề hơn”. Bức thư cũng liên quan tới lời tuyên bố úp mở của thủ tướng Pháp Laniel ngày 12-11-1953: “Chính phủ Pháp nghĩ rằng vấn đề Đông Dương không nhất thiết phải có giải pháp quân sự. Pháp không đòi hỏi đối phương phải đầu hàng không điều kiện. Pháp mong muốn có cuộc điều đình”. ° Cuộc hành quân Castor mở màn, với sáu tiểu đoàn Âu Phi nhảy dù chiến đóng Điện Biên Phủ. Đây là một canh bạc Pháp dốc túi, không chỉ để giảm đến mức có thể giảm sự thua thiệt trước các dân tộc Đông Dương mà còn hòng trả giá với chính đồng minh Mỹ. Một René Coty nào đó, sau 13 vòng bầu mới được quốc hội Pháp giao ghế Tổng thống. Nó cho thấy sự phân hóa sâu sắc trong giới cầm quyền Pháp vì cái “ung nhọt” chiến tranh Việt Nam. --- (1) tỉnh cũ thời kháng chiến chống Pháp gồm Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre