P6 - Chương 12

Nolting dĩ nhiên theo tín ngưỡng Tin Lành, như số đông người Mỹ. Tên thánh của ông ta là Frederick, tên của vị giám mục xứ Utrecht thuộc Hà Lan thế kỷ IX mà lễ hằng năm vào ngày 18-7 – chẳng ăn nhập gì với buổi tiếp tân linh đình tại dinh Độc Lập dành cho ông ta vào tối 26-2. Ông ta sinh tháng 8-1911, còn ngày ông bị ám sát hụt qua đã lâu – những 5 tháng. Thế mà văn phòng Phủ tổng thống vẫn tìm ra cái cớ: Bà Olivia Lindsay Crumpler, vợ đại sứ và các con sang Sài Gòn, gia đình tổng thống Diệm chưa có dịp chào mừng cuộc đoàn viên, nên nhân ngày cuối tháng, mời gia đình đại sứ “với tư cách bạn bè” đến chung vui một dạ tiệc “ngoài nghi thức”. Đó là theo giấy mời chính thức – còn sự thỏa thuận lại từ mấy phút điện thoại giữa Trần Lệ Xuân và đại sứ Nolting: đại sứ cứ trách Trần Lệ Xuân tránh mặt ông và Lệ Xuân dịu dàng xin lỗi, hai người trao đổi bóng gió kể cả gửi cho nhau nhiều cái hôn qua đường dây. “Tin vịt!” – Lệ Xuân kết luận về những đồn đãi sắp có đảo chính. Nolting không đời nào chịu nhúng tay vào một hành động gây hậu quả xấu cho Lệ Xuân, người mà ông ta yêu đến mức tôn thờ. Lệ Xuân cười một mình trước tấm kiếng – mụ tự ngắm – khi nhớ những lời ca ngợi của Nolting. Tám giờ, dạ tiệc bắt đầu. Nolting, vợ và bốn con: Mary, Grace, Frances, và Jane có mặt trước năm phút. Vợ chồng Nhu đón họ ở bậc thềm cuối cùng. Nolting lịch sự hôn tay Lệ Xuân. Dưới các ánh đèn của phóng viên chụp hình và quay phim, vị đại sứ thay mặt cho Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và bà cố vấn Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn cư xử đúng phép xã giao – ngay cả khóe mắt của họ cũng không cung cấp bất kỳ một bằng chứng nhỏ nhất nào giúp cho kẻ biết rành sự đi lại vụng trộm của họ có thể khai thác.
Tổng thống chờ vợ chồng Nolting ngay tại chỗ ngồi của mình – đặt đầu chiếc bàn dài. Kênh kiệu một cách vừa phải và thân tình một cách có tính toán, Diệm đứng lên khi hai vợ chồng Nolting đến trước mặt; ông bắt tay khách và hôn các con của họ.
Quan khách ngồi vào bàn. Toàn bộ nội các, một số tướng lĩnh, chức việc, đô trưởng, Gardiner và các nhân viên cao cấp USOM, trưởng phòng thông tin Mỹ USIS, giáo sư Webley Fishel, phó đại sứ Porter, trung tá James Casey, đại tá Đặng Văn Quangv. v…Trung tá Nguyễn Thành Luân ngồi cuối bàn. Hầu hết quan khách đều có phu nhân cùng đi. Một dịp để các bà khoe sắc, giàu, sang, bặc thiệp… Một dịp trao đổi nguồn tin về buôn hột xoàn, các sòng bạc dành riêng cho mệnh phụ đồng thời kẻ vạch, bêu xấu nhau. Một dịp để các ông nhìn chòng chọc thân thể vợ người khác. Và, trên tất cả, một dịp để các quan chức cao cấp Mỹ chọn lựa “bồ” trong hằng mấy tá nữ thượng lưu…
Tổng thống nói đôi lời trước khi nổ sâm banh:
- Trước hết, tôi xin lỗi bà Olivia Nolting. Đáng lẽ buổi tiệc mừng này được tổ chức cách đây 25 ngày, khi bà vừa đặt chân lên đất nước chúng tôi. Bấy giờ, sắp tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam, tôi muốn bà đại sứ có thời giờ thâm nhập, tìm hiểu phong tục một quốc gia phương Đông xa xôi. Sau Tết, công việc bận rộn cả phía chúng tôi lẫn phía ngài Nolting. Mãi hôm nay, chúng tôi mới lựa chọn được thời gian thích hợp – công việc tạm ổn. Tuy trễ, song tôi tin là buổi gặp gỡ sẽ hết sức đậm đà. Ngài Nolting, ngườì bạn lớn của Việt Nam Cộng hòa đã đổ nhiều tâm lực vun bồi cho tình đoàn kết đồng minh keo sơn Việt – Mỹ, tôi nghĩ rằng biểu lộ lòng biết ơn đó của việt Nam Cộng hòa không gì hơn những cuộc tiếp xúc mang tính gia đình như hôm nay. Tiện thể, tôi xin báo với Ngài đại sứ, chính phủ Việt Nam Cộng hòa quyết định tặng Ngài Bội tinh Kim khánh, Bội tinh cao nhất mà Ngài là người nước ngoài đầu tiên được tặng.
Tiếng vỗ tay rào rào chen với tiếng nổ sâm banh.
- Tôi xin các vị nâng cốc chúc sức khỏe bà Oliver Lindsay Nolting, ngài đại sứ Frederick Nolting, các công tử, tiểu thơ…
Diệm đưa ly sâm banh lên cao.
- Thưa Tổng thống, thưa quí vị… - Nolting đứng lên, sửa cà vạt, nghiêng mình khá sâu trước Diệm, chào mọi người, tỏ rõ ông ta xúc động thực sự - Thật là niềm hạnh phúc ngoài tưởng tượng của chúng tôi khi chiều nay đến đây dự buổi tiệc đầy ý nghĩa gia đình này. Bà Nolting nhờ tôi nói lên lòng cảm ơn sâu sắc của bà và các con. Cá nhân tôi, tôi không thể không bày tỏ sự cám ơn trước ân thưởng mà Tổng thống đã dành cho, dù rằng, xét một cách trung thực, đóng góp của tôi không có gì đáng kể. Chúng ta – Việt Nam Cộng hòa và Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ - đều chung mục đích bảo vệ tự do. Tôi phải nói rằng nhiệm vụ của tôi nhẹ rất nhiều nhờ vào tài lãnh đạo của Tổng thống và do đó, hoàn toàn chính đáng khi tôi đề nghị tất cả chúng ta nâng cốc chúc sức khỏe Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông cố vấn Ngô Đình Nhu, bà cố vấn Ngô Đình Nhu và các vị trợ thủ cho Tổng thống…
Nolting và vợ nâng cốc. Cả hai bước ra khỏi bàn, chạm cốc khắp lượt người có mặt.
- Tổng thống Mỹ cam kết giúp đỡ Việt Nam Cộng hòa và vị lãnh tụ khả kính của nó là Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tôi xin được chạm cốc riêng với ngài Tổng thống!
Nolting và Diệm uống cạn. Buổi tiệc tiếp diễn giữa những lời chúc tụng hoan hỉ như vậy. Diệm là người hài lòng, ông cười luôn. “Tội nghiệp thím Nhu chịu cực khổ”. Ông ngó đứa em dâu với cái gật đầu tưởng thưởng nhè nhẹ. Lệ Xuân ngồi cạnh Nolting – cố giấu song vẫn không giấu nổi vẻ đắc thắng. Nolting vừa ăn vừa trao đổi với Diệm và Nhu. Không khí cởi mở, thân ái ấy được phóng viên ghi không sót một chi tiết.
Luân chiêm nghiệm: Mỹ đào tạo được một hạng ngoại giao chuyên nghề - da mặt của chúng bằng sáp, lưỡi của chúng bằng chất dẻo hóa học, với độ đàn hồi cao nhất.
Lê Văn Tỵ và các quân nhân lặng lẽ nhấp rượu. “Mỹ cũng đào tạo được các tay võ biền chỉ biết vâng lệnh…” – Anh chợt thấy Dung sa sầm mặt. Thì ra, James Casey đang ngó cô chòng chọc.
- Thằng khả ố! – Dung nói vào tai Luân. Luân cười mỉm.
- Em phải biết tự chủ. Mặc kệ hắn…
Nhìn tổng quát buổi dạ tiệc, Luân thấy mọi người đều không được tự nhiên. Phải chăng bản thân lý do buổi dạ tiệc – dù Diệm đã tưới lên nó nước hoa hảo hạng, vẫn không đủ sức thuyết phục những người có mặt. Riêng Olivia – mọi người đều kín đáo quan sát bà ta – tươi cười một cách rất tự nhiên, tự nhiên đến mức giả tạo. Chăm sóc thật tỉ mỉ trang sức, Olivia vẫn không xóa nổi nét tàn tạ của một phụ nữ phương Tây hết thời xuân sắc, nhất là bà ngồi đối diện Lệ Xuân và giữa rừng hoa khôi của dạ tiệc. Câu chuyện của Olivia và Lệ Xuân xoay quanh các mỹ viện – thật ra, Olivia hơn tuổi Lệ Xuân không bao nhiêu, Lệ Xuân đẻ cũng không ít hơn bà ta. Olivia mở ví, ghi vào sổ tay một lô tên crème, tên sách nói về giữ sắc đẹp, tên mỹ viện ở Paris và Tokyo…
Đến 10 giờ, quan khách đã ngà ngà, nhân viên phục vụ mời mọi người sang gian giữa – nơi bố trí thành sàn nhảy. Diệm lấy cớ không quen thức khuya, bắt tay vợ chồng Nolting và ủy cho Nhu thay ông. Thật ra, Diệm vốn ghét khiêu vũ. Đây là lần đầu, ông cho phép mở khiêu vũ tại dinh Độc Lập. Nhu đã phải thuyết phục ông khá lâu, ông bằng lòng sau khi thở dài:
- Thời thế khác nhiều quá!
Ý định của Nhu lộ liễu đến mức Nguyễn Văn Y, người nổi tiếng dốt chính trị, đã phải tặc lưỡi với Luân:
- Ông cố vấn rước quá nhiều ca sĩ, đào hát không mấy đứng đắn, e người ngoại quốc cười…
Luân biết đây là công trình của Ngô Trọng Hiếu. Những cô gái “bốc lửa” như báo chí gọi, trong các kiểu quần áo hở hang và mỏng dính ghì các quan chức Mỹ, theo nhạc giậm giật, vang động cả dinh cơ bấy lâu là chốn thâm nghiêm. Ngô Đình Nhu, đạo mạo và khô khan thế, vẫn mời Olivia Lindsay ra sân. Đáp lại, Nolting và Lệ Xuân thành cặp, James Casey tìm Thùy Dung. Đoán trước sự thể này, Dung lách vào trong.
- Bà trung tá đâu rồi, thưa trung tá?
James Casey hỏi Luân. Luân cũng giả vờ ngó quanh, tất nhiên không tìm thấy:
- Chắc nhà tôi nhức đầu vì mấy hớp sâm banh, cô ấy rất yếu rượu, dù là rượu nho.
James Casey nhún vai thất vọng. Gã chọn một phụ nữ, hẳn là phu nhân một viên chức Việt nào đó, khá hấp dẫn. Đèn mờ ảo, dinh Độc Lập dường tách khỏi ngoại cảnh – cuộc chiến tranh đẫm máu lan đến mọi vùng hoang vắng. Lướt qua đám khiêu vũ, người ta dễ có ấn tượng mối tình Việt Mỹ nóng sốt, thơm tho như sự va chạm thịt da nam nữ và những câu thì thầm tình tứ khắp gian phòng phảng phất màu sắc vương giả.
Bản nhạc chấm dứt. Mọi người vỗ tay, trở lại ghế đã bày các thức uống. Nolting và Lệ Xuân mang cốc ra hành lang, Nhu cũng làm như vậy với Olivia, Luân thấy Lệ Xuân nói câu gì đó mà Nolting lắc đầu kiên quyết. Mặt Lệ Xuân rạng rỡ hẳn.
“Gã đại sứ cam đoan không có đảo chính!” Luân nghĩ thầm.
Nhạc lại trỗi. Olivia xin phép về trước với các con. Nhu chủ động mời Nolting dự cho xong chương trình. Olivia vui vẻ nhận lời thay chồng. “Bà ta đóng khá tròn vai trò đau nhói này nhưng không thể chứng kiến mãi tấn tuồng…”, Luân nhận xét.
Nhu tìm chỗ ngồi nghỉ, đúng ngay chỗ Luân.
- Anh không nhảy? Cô Thùy Dung đâu? – Nhu hỏi.
- Cô ấy có lẽ không khỏe, vào trong. Tôi chưa nhảy vì chưa biết nhảy với ai… - Luân nói vui.
- Nếu anh muốn, tôi giới thiệu cho…
- Khoan đã… Tôi muốn thay anh quan sát một lúc…
- Cám ơn…
Hai người hút thuốc, ngó toàn cảnh sân nhảy.
Anh cho cả cô Minh Hiến – gọi là Hiến “Vamp” – đến đây nữa sao? – Luân hất hàm về một cô gái trong vòng tay Fishel; cô gần như phơi trọn bộ ngực đồ sộ và cặp đùi tròn căng. Báo chí gần đây không ngày nào không nhắc đến cô – hát không hay mà vẫn là cây đinh của “Sài Gòn by night” bởi cô cuốn hút khách không chỉ bằng giọng hát. Người ta, thậm chí, nói đến những cuộc đọ súng giữa các sĩ quan cấp tá, cấp tướng quanh cô, “Marilyn” hoặc “B.B” Việt Nam.
- Biết làm thế nào được… - Nhu thở dài, như Diệm thở dài mấy hôm trước.
Luân cảm thấy cái buồn rã rời trong Nhu, nhà tư tưởng lớn của chế độ, lãnh tụ Phong trào thanh niên Cộng hòa, lãnh tụ đảng Cần Lao. Tình thế xô đẩy con người tầm cỡ đó đi đến nhưng thủ pháp rẽ tiền nhất. Cho nên, hoàn toàn không có gì khó hiểu khi Nhu xây một P.42. những dự báo kinh khủng. Rõ ràng, hai nhân vật mà Nhu quyết “chài” là Nolting và Fishel. Giáo sư Fishel, chuyên gia giúp linh mục Cao Văn Luận xây trường Đại học Huế, cũng góp xây dựng Đại học Đà Lạt – cả hai đều dính đến giáo hội Thiên Chúa – là đầu não CIA ở Nam Việt, người đưa Diệm lên ghế thay cho Bảo Đại. Tiếng nói của ông ta nặng cân nhất về tình hình Nam Việt trước kia cũng như hiện nay.
Lệ Xuân lả trong tay Nolting; Luân tin rằng Nhu hiểu rõ những lời mà cả hai người đang nhỏ to với nhau. Nhu bình thản đến lạnh lùng. “Mọi phương tiện đều tốt miễn nó đạt mục đích”. Ngô Đình Nhu thể hiện câu triết lý cổ đại tại đây, bằng chính vợ mình. Lệ Xuân, vẫn áo hở cổ, có vẻ già dặn hơn các cô gái nhảy chuyên nghiệp.
- Chú Nhu này! – Một người can thiệp vào sự yên lặng nơi góc phòng có Nhu và Luân. Người đó là giám mục.
- Đức cha chưa nghỉ? – Nhu đặt ghế mời anh.
- Chưa… Nhạc om sòm, nghỉ thế nào được… Luân không nhảy sao?
- Thưa, con không thấy hứng thú…
- Nên nhảy, con ạ. Hứng thú hay không, không phải là việc con cân nhắc. Bổn phận con phải nhảy!
“Ông giám mục đã bước khá sâu vào mưu mô chính trị rồi!” – Luân nghĩ.
- Dạ, con sẽ nhảy. Con đợi anh Nhu giới thiệu người mà anh ấy chọn cho con…
- Tốt! – Giám mục buông thõng câu nói. Ông bắt sang câu khác:
- Chú Nhu nè, chú nhớ nói một tiếng với thằng Bộ trưởng kinh tế Hoàng Khắc Thành để hắn cấp giấy phép đặc biệt cho chị Cả Lễ chở gạo ra miền Trung…
- Khổ quá! – Nhu kêu lên – Đức cha cũng biết cơn bão Wilda hủy hoại gần một triệu mẫu ruộng Tây Nam phần. Gạo Sài Gòn vọt lên gần 600 đồng một tạ, ta phải nhập hỏa tốc 50.000 tấn gạo Thái Lan. Làm sao Bộ kinh tế cho phép tư nhân chuyển gạo ra Đà Nẵng để xuất cảng? Đã có lệnh của Tổng thống cấm xuất khẩu gạo.
- Thiếu là thiếu vạn, thiếu triệu, chớ thiếu chi vài nghìn tấn! Chú liệu mà cư xử, kẻo trong nhà lại bất hòa, không tiện! – Giám mục xẵng gịong.
- Anh Luân thấy đấy! Tai tiếng quá nhiều rồi, bộ muốn chết chùm sao? – Giọng Nhu không còn lễ độ nữa.
Luân tảng lờ không nghe. Chuyện tranh chấp trong gia đình Tổng thống càng về sau càng gây cấn, quanh các món lợi, nhất là giữa Lệ Xuân và Cả Lễ, Ngô Đình Cẩn…
- Tai tiếng quá nhiều! – Giám mục nhại lại, liếc về phía Lệ Xuân và Nolting.
- Vợ chồng tôi chấp nhận tai tiếng, là vì sao, Đức cha tất hiểu. – Nhu sừng sộ.
- Anh Luyện khi nãy không thấy, bây giờ lại có mặt!
Luân chỉ về phía xa xa, Ngô Đình Luyện đang nhận Minh Hiến từ tay Fishel. Anh muốn đánh lạc hướng cuộc cãi lẫy giữa hai anh em họ Ngô.
- Chú ấy chỉ về đây vào lúc này, lúc khiêu vũ… Tôi mấy lần đề nghị Tổng thống bãi chức đại sứ của chú ấy. Chẳng giúp được gì cho chính phủ, suốt ngày chạy theo gái. Về đây, dám leo rào đi chơi suốt sáng… Quá thể rồi! – Nhu lầu bầu, không chỉ nói về Luyện mà hẳn muốn nhắn nhe giám mục.
- Chú xem vụ nhập cảng phân hóa học, ông đại sứ có đồng ý nới cho ta điều kiện chút nào không? Trường Cần Lao nhân vị Vĩnh Long trông cậy số phân đó...
Giám mục rõ là không nghe ra lời nhắn nhe của Nhu.
Vừa tức, vừa ngượng với Luân, Nhu đứng phắt dậy:
- Anh Luân đi theo tôi!
Luân ái ngại nghiêng mình chào giám mục.
Giám mục làm một cử chỉ cho phép, rồi lững thững quay lưng theo hành lang ra phía sau. Trông bước giận dỗi của giám mục, Luân bùi ngùi – giám mục trước sau vẫn hết lòng che chở Luân, nhờ “cây dù” quyền thế của ông mà Luân vượt qua khỏi những ngày đầu sóng gió. Đôi lúc Luân nghĩ đến một trả ơn – cách nào đó, trong hoàn cảnh nào đó, anh chưa biết – song nhất thiết phải như vậy. Một giáo phẩm cấp cao, tham vọng cả đời lẫn đạo đều nồng nhiệt, giám mục càng về sau, theo cái đà phục chế “vương triều nhà Ngô” thọc tay vào vô số chuyện mờ ám và ông quên rằng chính ông góp phần khó khăn không nhỏ đe dọa sinh mệnh của dòng họ ông… Dù theo nghĩa nào, ông vẫn là người ơn của mình”!
- Tôi bất lực! – Nhu vừa đi vừa càu nhàu – Thật khó mà làm cho họ hiểu. Anh thấy đấy, nội bộ gia đình chúng ta gây nên nhiều nguy hiểm không kém bất cứ kẻ thù nào…
Luân không tiện can thiệp vào cơn bất mãn của Nhu. Dẫu sao, lịch sử đã an bài. “Mâu thuẫn nội bộ địch là đồng minh của cách mạng” – Luân nhớ lời anh Hai trong cuộc gặp gỡ trước khi Luân rời chiến khu. Mâu thuẫn ấy bức xúc nhiều vẻ, đến nỗi phát lộ ngay giữa anh em ruột và trong cái gia đình lẽ ra phải thuận thảo hơn ai hết, nhất là vào lúc này. Họ Ngô cầm quyền từ tháng 7-1954 đến nay, tròn 6 năm 7 tháng, khoảng thời gian đủ để cho viện trợ Mỹ và tình trạng chiến tranh sinh nở một tầng lớp tư sản mới – tư sản cầm quyền. Nếu lợi ích của họ nhất trí với mục tiêu chống Cộng thì họ rất chia rẽ nhau về sự phân chia lợi ích đó, trên lĩnh vực quyền bính và kinh tế, mà quyền bính xét cho cùng cũng là kinh tế. Gia đình Diệm tập trung mọi thứ danh lợi. Lớp tư sản không được tham chính, khá đông về số lượng, khá mạnh về kinh tế, trực tiếp quan hệ với tài phiệt Mỹ trong đó không ít là con bài dự bị của Mỹ. Trong lớp tham chính, bộ phận tướng tá lớn dần, bất mãn với cách ăn chia của gia đình Diệm. Rồi đến lượt gia đình Diệm, cánh Huế cho rằng Lệ Xuân dựa thế Diệm lấn lướt họ. Chỉ nhìn từ góc độ đó thôi, tiền trình của họ Ngô thật mờ mịt…
Nhu đưa Luân đến một thiếu phụ. Bà ngồi một mình có lẽ nghỉ mệt sau một bản nhảy tốn nhiều sức. Với Luân, bà không phải là kẻ xa lạ. Saroyan – người Ả Rập, vợ của Fishel. Thỉnh thoảng Luân gặp bà ta trong các buổi tiếp tân. Bà đại diện cho Hội phụ nữ từ thiện quốc tế, kết hợp với công tác của chồng mà thường trú ở Sài Gòn. Trên dưới 30 tuổi, nước da “cà phê sữa” như đàn ông vẫn gọi, mái tóc đen nhánh và đôi mắt to. Saroyan thu hút giới ngoại giao bằng vẻ đẹp pha Âu-Á, phần nào “man rợ” như tướng André có lần nhận xét. Hôm nay, tại buổi dạ vũ đài các này, hai ngôi sao sáng rực – Trần Lệ Xuân và Soroyan.
“Giá mà Thùy Dung của mình chịu ra sàn nhảy, phải nói có đến ba ngôi sao!”. Luân bắt tay Sorpyan và nghĩ thầm.
- Hân hạnh gặp trung tá! – Soroyan tươi cười chào Luân.
- Trung tá Nguyễn Thành Luân muốn mời bà! – Nhu nhã nhặn giới thiệu.
- Ồ! Ông cố vấn khỏi làm trung gian. Trung tá và tôi quen nhau từ lâu… Sẵn sàng!
- Thế sao? – Nhu làm vẻ sửng sốt. Và sau đó cười mỉm – Chúc bà một đêm vui vẻ!
Dàn nhạc bắt đầu chơi một bản valse. Luân đưa Soroyan ra giữa sàn.
- Buổi dạ vũ này hình như tổ chức theo một yêu cầu chính trị… - Soroyan bảo Luân.
- Tôi không rõ, thưa bà… Tôi là một quân nhân, và tại đây, tôi là chủ… - Luân trả lời, thăm dò.
- Ông rõ, rất rõ! – Soroyan cười. – Tổng thống Diệm tìm cách tự vệ, tiếc rằng đội quân tự vệ gồm số đông taxi girl (1) không thể là một đội quân có sức chiến đấu tốt! Giống như Liên binh phòng vệ trước đây trong biến cố 11-11…
Hẳn Soroyan nói đến Minh Hiến và các cô gái nhảy khác.
- Tệ hơn cả là ông Nhu cho bà Nhu đóng vai trò không mấy đẹp ấy quá lộ liễu.
Quả Lệ Xuân và Nolting đang lẩn vào một vùng tối.
- Xin lỗi bà giáo sư@ – Luân thấy cần thiết phải phản kích – Đây là một cuộc vui và bà cố vấn là chủ, ông Nolting là khách…
- Ông tranh luận với tôi làm gì? Ngay ông, ông mời tôi nhảy đâu phải vô tư? Thậm chí, ông Nhu nhờ ông… Ông vẫn với tư cách là chủ nhà đấy, phải không?
Soroyan nói tiếng Pháp sõi như người Pari.
- Nếu vậy thì… - Luân nới lỏng tay.
- Không sao, ông đừng vội nóng. Nếu ông không mời tôi, tôi cũng sẽ mời ông, dù biết rằng ông coi trên trái đất này chỉ có mỗi bà trung tá. Tôi thích ông!
Soroyan đặt tay Luân lên bờ vai trần của bà ta. Luân chợt rùng mình. Soroyan cười khúc khích:
- Sao ông sợ? Tôi có phải là con rắn độc đâu?
- Tôi không sợ nếu bà cho tôi biết bà nhảy với tôi là do sở thích của riêng bà. – Luân lấy lại tự chủ.
- Ông muốn hỏi tôi có chịu ảnh hưởng của ông Fishel không, chớ gì? Trong trường hợp này, tôi độc lập. Cần báo với ông, Fishel cảm tình với ông. Nếu có một cái gì khiến Fishel khó chịu là ông trẻ, còn Fishel già.
Soroyan cười, phả cả hơi nóng vào mặt Luân, nhưng sau đó, bà ta lại sa sầm mặt…
- Ông xem phim “La Valse dans l’ombre” (2) chưa?
- Có… Robert Taylor và Vivien Leigh với bài “Ce n’est qu’un aurevoir” (3).
- Bỗng nhiên, tôi có cảm giá chúng ta đang ở trên bờ sông Tamise và ông sắp ra mặt trận… - Giọng Soroyan cực kỳ quyến rũ.
- Tiếc là tôi không sẵn một tượng Phật để làm kỷ niệm cho bà… Và, chúng ta ở trong một lâu đài chứ không ở dưới hầm tàu điện Luân Đôn, giữa mưa bom V1, V2… - Luân đùa.
- Ông khác Fishel…
Fishel đã vồ Minh Hiến trở lại và hai người gần như hòa làm một… bản nhạc du dương nhưng hai người lại cuồng loạn.
- Giáo sư thích ca sĩ Minh Hiến!
- Không phải… Ông Fihel chưa hề biết thích ai, kể cả tôi. Ông ta ly dị vợ và cưới tôi, nhưng không phải vì say mê tôi…
Luân giả bộ kinh ngạc.
- Tôi là người Kuwait. Xứ sở tôi, theo dự báo của các nhà địa chất, sẽ trở thành một trong những nơi sản xuất dầu hỏa hàng đầu thế giới. Đấy, vì sao Fishel cưới tôi. Công vụ đòi hỏi ông ấy như vậy và ông ấy cũng thích như vậy… - Giọng Soroyan buồn buồn.
- Thế, tại sao giáo sư không cưới một phụ nữ Việt Nam, Minh Hiến chẳng hạn?
- Trước kia, ông ấy định cưới một phụ nữ Việt Nam, trong gia tộc ông Diệm, con của bà Cả Lễ hoặc của ông Khôi. Nhưng khi ông biết rằng, ông sẽ rời Việt nam sang công cán ở Trung Đông, ông cưới tôi… Trước tôi, bà vợ mà ông ấy ly dị là một người Nhật – đẹp mê hồn… Còn trước nữa, một người Đức, xấu hơn bất kỳ người phụ nữ xấu nào trên hành tinh này… Chắc chắn tôi không phải là bà Wesley Fishel cuối cùng… Ông Fishel đã vào tuổi 62 rồi đó!
Hết bài nhạc, Luân đưa Soroyan về chỗ.
- Tôi là bạn của Fanfani, Helen nhắc ông luôn! – Soroyan cười tinh quái. “À, thì ra là cô nhà báo đã ba hoa về mình”. Luân ngồi cạnh Soroyan, suy nghĩ về mối quan hệ hơi đột ngột hôm nay. Fanfani nói gì?
- Helen mê ông, nhưng cô ta biết là tuyệt vọng… Bà trung tá hãnh diện hay ghen về các mối qua hệ đó?
- Thùy Dung của tôi rất hiểu… - Luân trả lời lơ lửng.
- Không hiền đâu! Một nhân viên công an thì làm sao hiền được… Nhưng, nó có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
Tự nhiên, Luân cảm thấy thương hại cô gái Ả Rập. Anh chợt nhớ Tiểu Phụng, cô gái Hoa mà cái chết bi thảm ám ảnh dai dẳng Luân.
Giữa lúc đó, Thùy Dung từ phía trong bước ra.
Soroyan cầm tay Dung, kéo ngồi xuống cạnh:
- Bà trung tá ẩn mình đâu đó theo dõi chúng ta! May mà trung tá không hôn tôi, hoặc ngược lại. Cũng may mà đêm nay không có Fanfani… - Soroyan cười hồn nhiên.
- Tôi chỉ cảm thấy bà và anh Luân tôi nhảy rất đẹp! – Dung không chịu kém – Nếu các bạn hôn nhau, tôi xin được chia sung sướng… Nói thế thôi, anh Luân tôi xấu trai lắm!
- Bà nói sai! – Soroyan reo – Bà mà bỏ trung tá, tôi lấy ngay!
Dung lay Luân:
- Thế nào, anh Luân?
Luân chưa hề đùa kiểu đó bao giờ, tai anh nóng bừng bừng, trong lúc Soroyan vẫn chưa buông tha anh:
- Nhảy đẹp đôi chứ! Bà đồng ý nhường trung tá cho tôi không?
- Nếu cả hai người tình nguyện, tôi chẳng những không phản đối mà còn hoan nghênh!
James Casey chực hờ từ bao giờ, bỏ cô vũ nữ giữa sân nhảy, phăm phăm đến trước Dung:
- Xin mời bà trung tá! Xin phép trung tá…
Dung dứt cười, vẻ tinh nghịch tan biến, uể oải đứng lên:
- Tôi không được khoẻ, xin tiếp trung tá James Casey một bài ngắn thôi.
- Đúng đấy! – Soroyan bảo.
- Bà trung tá theo nếp phụ nữ châu Á chặt chẽ quá! – Soroyan bình luận khi James Casey dìu Dung ra sàn, cô giữ khoảng cách với hắn và không rời khu trung tâm, nơi ánh đèn sáng hơn mọi nơi.
“Tội nghiệp Dung. Đối với cô đấy là cực hình…”. Luân liếc vợ, chia xẻ.
- Bà trung tá ra sân nổi bật như hoàng hậu của buổi dạ vũ. – Soroyan khen – Ông hạnh phúc lắm. Tôi rất thích ông vì ông yêu vợ. Giá mà tôi được như Dung…
Soroyan không thể biết Dung khổ sở như thế nào trong những buổi tập khiêu vũ - ở trường của Bộ nội vụ trước kia và ở nhà sau này; hai vợ chồng học động tác nhảy theo sách…
- Bà có thấy mọi người đàn ông ghen với tôi không? – James Casey tán.
Dung không trả lời, trông cho bài nhạc mau hết. Cô thở phào rời sân nhảy, James Casey trả Dung về chỗ.
- Bà thật quá dè xẻn với tôi… Liệu còn dịp nào tôi được tiếp bà nữa không?
Dung lặng lẽ sà cạnh Luân.
- Ông không cho bà Luân nhảy bấy nhiêu với ông là một đặc ân sao? – Soroyan gỡ cho Dung.
- Thế, tôi xin bà Fishel cho tôi một đặc ân thứ hai. – James Casey chìa tay cho Soroyan.
- Tôi có thể nhảy với ông cho tới sáng, nhưng, ông xem kia, ông Nhu sắp chúc chúng ta ngủ ngon…
Buổi dạ vũ kết thúc vào nửa đêm. Nhu nói mấy lời cảm ơn. Nolting xin phép đưa Lệ Xuân sang phía trái dinh Độc Lập, nơi ở của gia đình Nhu. Vừa lọt vào hành lang, Nolting đã thầm thì:
- Nhớ nhé, cuối tuần, Nha Trang, Olivia không đi…
- Ngài đại sứ biết em không từ chối bất kỳ một đòi hỏi nào của ngài. Em yêu ngài. – Lệ Xuân dán sát người vào Nolting – Song nhiều việc khiến em không vui…
- Ví dụ?
- Trước hết, dư luận về chúng ta. Kế đó, gia đình chúng em bỗng trở thành đối tượng đả kích của dư luận báo chí Mỹ, họ đánh chúng em còn hung hăng hơn đánh Cộng sản…
- Ô, bọn báo chí! Để ý làm gì! Tổng thống Mỹ cam kết ủng hộ Tổng thống Diệm. Vả lại…
Đến đúng lối rẽ vào phòng của Lệ Xuân, Notlting hôn Lệ Xuân.
- Em không thể mời anh vào phòng em lúc này... Anh đừng giận nhé…
Nolting thô bạo, ghì Lệ Xuân thật mạnh. Trong một thoáng, Lệ Xuân nhận thấy đôi mắt Nolting lóe một tia kỳ dị.
- Cuối tuần, Nha Trang…
Nolting rời Lệ Xuân. Gã nuối tiếc – Lệ Xuân khó hiểu nổi nguyên nhân đích thật của sự nuối tiếc kia… Mụ đinh ninh gã đại sứ thèm mà không thỏa mãn.
Ngoài thềm, Soroyan bắt tay Luân và nhân lúc Nhu và Fishel đang tỉ tê, bà nói thật nhanh vào tai Luân:
- Bất kể như thế nào, sáng mai, ông cũng không được đến đây trước 8 giờ… Ông nhớ!
°
Tin của Reuter:
Sài Gòn bàng hoàng vì những tiếng nổ lớn. Hai chiếc máy bay ném bom AD6 ném bom và bắn phá dinh Độc Lập từ lúc tờ mờ sáng. Nhiều cột khói bốc cao. Chưa rõ số phận của Tổng thống Diệm.
Tin của AFP:
Một lần nữa, quân đội can thiệp vào chính trị ở Sài Gòn. Hai chiếc máy bay chiến đấu Skyraider, vừa được Mỹ trang bị cho quân đội Nam Việt đã ném bom và bắn phá dữ dội dinh Độc Lập, nơi tượng trưng quyền uy của chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Hình như không có bộ binh can thiệp. Khu vực trung tâm thành phố bị cô lập. Dư luận đồn đãi Tổng thống Ngô Đình Diệm thiệt mạng…
Tin của Hãng thông tấn Trung ương Đài Bắc:
Một trận oanh kích xảy ra sáng nay ở Sài Gòn nhằm vào dinh Độc Lập. Một phi cơ phản loạn bị bắn rơi. Thiệt hại không đáng kể. Tổng thống Diệm an toàn. Thống chế Tưởng Giới Thạch đã nhân danh Trung Hoa Dân quốc gửi điện cho Tổng thống Diệm…
Tin của AP:
Dinh Độc Lập giữa trung tâm Sài Gòn bị hai phi cơ chưa rõ xuất xứ ném bom và bắn phá từ 7 giờ 15 đến 7 giờ 25, giờ Sài Gòn. Bốn quả bom rơi vào cánh trái dinh Độc Lập, nơi ngụ của gia đình ông bà Ngô Đình Nhu, bào đệ của Tổng thống Diệm. Cánh trái đó sụp đổ hẳn. Cao xạ của Hải quân đã hạ một trong hai phi cơ, tại Nhà Bè, ngoại ô phía nam thành phố vào lúc 7 giờ 35. Viên đại úy phi công tên là Phạm Phú Quốc, nhảy dù, bị bắt sống. Phái viên bản hãng quan sát tại chỗ: căn lầu tư thất của ông bà Nhu và văn phòng của bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần cháy dữ dội. Bà Ngô Đình Nhu bị thương nặng.
Thông báo của Phủ tổng thống:
Đài Sài Gòn phát vào 10 giờ sáng: Sáng nay, hai phi cơ chiến đấu AD6 do hai sĩ quan phi công Phan Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử lái, đã ném bom dinh Độc Lập vào hồi 7 giờ 15. Bom gây một số thiệt hại vật chất. Hai nhân viên phục dịch Phủ tổng thống mà một là phụ nữ, thiệt mạng. Tổng thống và gia đình an toàn. Lực lượng bảo vệ Phủ tổng thống và Hải quân đóng trên bến Bạch Đằng đã can thiệp kịp thời, đánh đuổi bọn phản nghịch. Một trong hai phi cơ bị bắn rơi tại Nhà Bè, tên Phạm Phú Quốc, lái phi cơ bị bắt sống. Chiếc kia bay sang Cambốt, hạ cánh vào 8 giờ 50 tại phi trường Pochengtong. Bộ ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã mời đại diện Cambốt đến trao công hàm chính thức yêu cầu trao trả phi cơ và tên Nguyễn Văn Cử. Dư luận ghi nhận cả hai tên phi công thuộc đảng Đại Việt và được đào tạo tại Trường không quân Carolina.
Phủ tổng thống kêu gọi dân chúng bình tĩnh. Bọn phản loạn tay sai ngoại bang và Cộng sản nhất định sẽ bị trừng trị đích đáng.
Nhật lệnh của đại tướng Tổng tham mưu trưởng có đoạn viết: Hành vi đơn độc của hai tên phản loạn chỉ khiến cho tướng lĩnh và sĩ quan Việt Nam Cộng hòa càng siết chặt hàng ngũ quang Ngô Tổng thống…
Bức tâm thư của đại úy Nguyễn Cao Kỳ, do Đài quân đội phát và do đại úy đọc có đoạn: Nhân danh lực lượng không quân, tôi cực lực lên án hành động bỉ ổi của hai tên lạc ngũ Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử. Đó là những tên “ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản”, chúng cần phải được nghiêm trị. Trong giờ phút trọng đại của đất nước, âm mưu ám hại Tổng thống, vị lãnh tụ anh minh của dân tộc, đồng nghĩa với sự quỳ gối dâng miền Nam tự do cho Cộng sản…
Cái đáng tức cười hơn cả là báo chí Sài Gòn phát hành buổi sáng 27-2 đăng tin và tường thuật đêm dạ vũ trong dinh Độc Lập, kèm nhiều ảnh. Riêng các tờ “Cách mạng quốc gia”, “Ngôn Luận”, “Tự Do” in ảnh Diệm và Nolting chạm cốc, bài nói của cả hai. Việt tấn xã viết một xã luận, nhan đề: Không khí đầm ấm Việt Mỹ, một cái tát vào bọn chia rẽ khối đoàn kết thân hữu vững chắc. Tờ Tiền Tuyến đề tựa cho bài bình luận: Bọn tung tin đảo chính, hãy coi đây! Dưới bài, ảnh Nolting và Lệ Xuân, Nhu và Olivia đang lả lướt…
°
Điện thoại reo. Trần Lệ Xuân bị một mảnh gạch chém nhẹ vào má, cầm ống nghe.
- Nolting đây… Việc gì đã xảy ra? Ai ở đầu dây đó? Tổng thống Diệm, ông Nhu, bà Nhu như thế nào? Tôi sẽ đến ngay.
- Nolting gọi! – Lệ Xuân che ống nói bảo Nhu.
Nhu trong bộ áo ngủ xộc xệch, cau mày.
- Em trả lời nhé? – Lệ Xuân hỏi… Nhu gật đầu.
- Alô... Tôi, madame Nhu đây…
- Hoan hô… - Nolting gào trong máy.
- Rất tiếc, thưa đại sứ, tất cả chúng tôi đều bình yên…
Lệ Xuân gác máy, mạnh tay.
Ngày 28, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố: Tình hình Nam Việt rất vững. Tổng thống Kennedy gửi điện chúc mừng Tổng thống Diệm thoát nạn, lên án “những tên Cộng sản” phá hoại…
Ngô Trọng Hiếu và Trương Công Cừu kiến nghị tổ chức cuộc mittinh phản đối bọn Thức – Phong – Cộng. Nhu trả lời: Dẹp! Tốn tiền vô ích.
Ngày 4-3, lễ Không quân nhất trí tại bến Bạch Đằng. Tổng thống Diệm ngồi sát đại sứ Nolting xem các kiểu phi cơ nhào lộn, trong lúc các tàu hải quân chĩa cao xạ tua tủa.
Cùng ngày, Trần lệ Xuân đáp máy bay sang Nhật: vết thương trên má cần được các chuyên gia thẩm mỹ xử lý. Chỉ có Ngô Đình Nhu và các con tiễn Lệ Xuân.
… Cuộc điều tra cấp tốc do Trần Kim Tuyến tiến hành cho biết: 7 giờ 10 phút sáng, hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử được lệnh xuất kích can thiệp ở vùng Đức Hòa – một toán Việt Cộng không rõ quân số tấn công một đồn Bảo an. Khi hai máy bay AD6 rời phi đạo, lấy vòng bay khác thường. Đài chỉ huy cảnh cáo phi công: máy bay mang bom, không được vượt ngang thành phố. Từ độ cao 3.000 mét ở phía Nhà Bè, tránh ánh mặt trời vừa nhô, hai máy bay nối tiếp nhau lao xuống dinh Độc Lập, nhả liền mỗi chiếc hai quả bom loại sát thương, cân nặng mỗi quả 100 cân Anh… Bom rơi khá chính xác. Lấy bựng khói làm điểm, máy bay lao lần thứ hai, xả tiểu pháo 20 ly kỳ hết đạn. Chiếc do Cử lái cất đầu lên và bay thẳng về phía tây. Chiếc do Quốc lái vì tránh cao xạ của Hải quân, bay chệch về phía Nhà Bè và trúng đạn. Quốc nhảy dù, rơi xuống vùng Tân Thuận… Quốc không chống cự khi bị lực lượng an ninh bao vây.
Nhu gọi cả Bộ tư lệnh không quân đến Sở mật vụ, đích thân hỏi cung: Có đúng là hai phi công cần phải xuất kích can thiệp một đồn bị tấn công không? Tại sao hai phi công phản loạn lại có thể cùng bay một lượt? Tại sao chọn rạng sáng ngày 27 là ngày dinh Độc Lập dậy muộn sau đêm dạ vũ?
Những cuộc bắt bớ âm thầm nhưng ráo riết lan ra ngoài binh chủng không quân. Số tình nghi Đại Việt đều bị câu lưu.
“Sau Dù và Không quân, đến lượt binh chủng nào trở mặt?”. Nhà báo Fanfani đặt câu hỏi. Đó cũng là câu hỏi của Nhu – và cũng là của Nguyễn Thành Luân.
°
Khi những tiếng bom rung chuyển đập mạnh vào kính cửa sổ, Luân vọt ra khỏi nhà. Anh linh tính là sự cố đang đến.
- Đúng như bà Soroyan nói với anh. – Dung bảo.
Thạch trèo lên ngọn cây trước nhà:
- Dinh Độc Lập “bị” rồi!
Hai chiếc Skyraider lao xuống lần thứ hai, tiếng rít rờn rợn.
- Công trình của Fishel… - Luân và Dung ngó nhau.
Luân chưa đoán tình thế sẽ đi đến đâu và cũng chưa biết việc nên làm trước mắt là gì thì pháo cao xạ nổ dữ dội. Trên đường phố, tiếng xe chữa lửa réo liên hồi – chứ không phải xe tăng.
- Một máy bay trúng đạn, bốc cháy… Phi công nhảy dù… - Thạch tiếp tục thông báo.
- Chắc chỉ có bấy nhiêu thôi… - Luân bảo Dung, thất vọng. Anh quay điện thoại. Dinh Độc Lập trả lời…
- Một lời cảnh cáo nữa… - Dung nhận xét.
- Có thể, lần cảnh cáo sau cùng…
Luân chợt nhớ đến Mai. Nhưng, nhiệm vụ không cho phép anh mạo hiểm gặp Mai. Nơi anh phải có mặt là dinh Độc Lập.
Luân vấn an Tổng thống và giám mục. Cả hai đã chuyển sang dinh Gia Long. Mặt cả hai tái mét, có thể không vì sợ những quả bom phản bội vừa rồi mà sợ những bất trắc khôn lường trong những ngày sẽ tới.
Nhu lạnh lùng nhìn Luân.
- Thế đấy! CIA! – Nhu rít qua khẽ răng. Chỉ có mấy mươi phút, Nhu như già thêm hàng chục tuổi.
Rồi Nhu lên xe, đến chỗ bác sĩ Tuyến. Trông bàn tay anh ta run run mở cửa xe; Luân biết bầy cọp ở Sở thú sẽ được no nê.
Buổi chiều, Dung từ Tổng nha cảnh sát về cho biết: Phạm Phú Quốc, sau 15 phút hỏi cung, đã khai tuốt luốt. Vũ Liệu chạy trốn song không thoát – ông ta bị Mai Hữu Xuân bắt trên đường ra miền Trung. Trong danh sách những kẻ trọng phạm, có Mai và người chú của cô, lao công Sở thú.
Luân không ngại một chút nào Mai khai cho anh. Song, anh thấy không thể nào cứu Mai nổi. Mai sẽ chết thôi, chết cực kỳ đau đớn như người chồng.
°
Đầu tháng 4, Luân được lệnh của Tổng thống đi tu nghiệp ở Trường tham mưu sĩ quan cao cấp tại Fort Brag, Hoa Kỳ. Thời hạn là một năm. Dung cũng được tu nghiệp ở Học viện cảnh sát Bắc Caroline. Đồng thời với lệnh đó, Luân được thăng hàm đại tá và Dung, trung úy.
Họ thu xếp để Thạch vào Trường cảnh sát Quốc gia, khóa đào tạo sĩ quan, mở ở Chợ Nhỏ, Thủ Đức.
Báo chí đưa tin về Luân xuất ngoại. Như vậy, anh Sáu Đăng, A.07 và Sa sẽ biết…
Tổng thống, giám mục và vợ chồng Nhu tiễn họ bằng một bữa cơm gia đình. Đó là bữa cơm mà những người dự ít nói nhất.
- Tôi mong anh, sau khi tốt nghiệp, về ngay… - Nhu bắt tay Luân thật chặt.
- Nếu tướng Harkins không làm áp lực đến mức chỉ định đích danh anh, tôi không chịu nhả anh trong lúc này đâu… Thôi, đằng nào cũng phải qua một khóa – cái nhãn bắt buộc các sĩ quan và tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa.
Luân định từ giả số bạn bè như Nguyễn Thành Động, đại tá Lâm, Lê Khánh Nghĩa… song thấy không có lợi.
Đại tá Đặng Văn Quang đưa vợ chồng Luân ra tận cầu thang máy. Đưa vợ chồng Luân còn có Fanfani, James Casey và một thiếu tướng thay mặt cho Harkins. James Casey cho hay hè này hắn về Mỹ và sẽ tìm thăm Luân và Dung… Fanfani đùa: Có thể tôi về Mỹ vì bị trúc xuất!
Soroyan điện thoại cho Luân trước đó: hẹn gặp ở Mỹ.
Chiếc Boeing nghiên cánh, quay ra biển cả.
- Một năm tái ngộ! – Luân vẫy thành phố Sài Gòn đang chói chang nắng.
- Một năm! Bao nhiêu biến đổi!
Dung chép miệng.
Qua ô cửa máy bay, dinh Độc Lập tàn phá đang bị đập nốt phần còn sót. Sơ đồ xây lại dinh đã thông qua. Lần này, chính Tổng thống Diệm chỉ đạo, dinh Độc Lập sẽ kiến trúc theo các quẻ của Kinh Dịch, mặc dù người thiết kế là một Tây học – Ngô Viết Thụ.
---
(1) Gái nhảy.
(2) Vũ khúc trong bóng mờ.
(3) Chỉ là tạm biệt.

Truyện Ván Bài Lật Ngửa P1 - Chương 1 P1 - Chương 2 P1- Chương 3 P1 - Chương 4 P1- Chương 5 P1 - Chương 6 P1- Chương 7 P1 - Chương 8 P1 - Chương 9 P1 - Chương 10 P1- Chương 11 P1 - Chương 12 P1- Chương 13 P1 - Chương 14 P1 - Chương 15 P1- Chương 16 P1 - Chương 17 P1- Chương 18 P1 - Chương 19 P1 - Chương 20 P1 - Chương 21 Phần 2 - Chương 1 P2 - Chương 2 P2 - Chương 3 P2 - Chương 4 P2 - Chương 5 P 2- Chương 6 P 2- Chương 7 P 2- Chương 8 P2 - Chương 9 P2 - Chương 10 P2 - Chương 11 P2 - Chương 12 P2 - Chương 13 P2 - Chương 14 P2 - Chương 15 P2 - Chương 16 P2 - Chương 17 P2 - Chương 18 Phần 3 - Chương 1 P3 - Chương 2 P3 - Chương 3 P3 - Chương 4 P3 - Chương 5 P3 - Chương 6 P3 - Chương 7 P3- Chương 8 P3 - Chương 9 P3 - Chương 10 P3 - Chương 11 P3 - Chương 12 P3 - Chương 13 P3 - Chương 14 P3 - Chương 15 P3 - Chương 16 P3 - Chương 17 Phần 4 - Chương 1 P4 - Chương 2 P4 - Chương 3 P4 - Chương 4 P4 - Chương 5 P4 - Chương 6 P4 - Chương 7 P4 - Chương 8 P4 - Chương 9 P4 - Chương 10 P4 - Chương 11 P4 - Chương 12 P4 - Chương 13 Phần 5 - Chương 1 P5 - Chương 2 P5 - Chương 3 P5 - Chương 4 P5 - Chương 5 P5 - Chương 6 P 5- Chương 7 P5 - Chương 8 P5 - Chương 9 P5 - Chương 10 P5 - Chương 11 P5 - Chương 12 P5 - Chương 13 Phần 6 - Chương 1 P6 - Chương 2 P6 - Chương 3 P6 - Chương 4 P6 - Chương 5 P6 - Chương 6 P6 - Chương 7 P6 - Chương 8 P6 - Chương 9 P6 - Chương 10 P6 - Chương 11 P6 - Chương 12 Phần 7 - Chương 1 P7 - Chương 2 P7 - Chương 3 P7 - Chương 4 P7 - Chương 5 P7 - Chương 6 P7 - Chương 7 P7 - Chương 8 P7 - Chương 9 Phần 8 - Chương 1 P8 - Chương 2 P8 - Chương 3 P8 - Chương 4 P8 - Chương 5 P8 - Chương 6 P8 - Chương 7 P8 - Chương 8 P8 - Chương 9 P8 - Chương 10 P8 - Chương 11 P8 - Chương 12 P8 - Chương 13 Phần 9 - Chương 1 P9 - Chương 2 P9 - Chương 3 P9 - Chương 4 P9 - Chương 5 P9 - Chương 6 P9 - Chương 7 P9 - Chương 8 P9 - Chương 9 P9 - Chương 10 P9 - Chương 11 P9 - Chương 12 P9 - Chương 13 P9 - Chương 14 P9 - Chương 15 P9 - Chương 16 P9 - Chương 17 P9 - Chương 18 P9 - Chương 19 P9 - Chương 20 P9 - Chương Kết