Dung đến Bến Tre trước hôm quốc khánh 26-10. Đây là lần đầu Dung đến nơi làm việc của chồng. Cô rất thích cảnh rừng dừa bạt ngàn êm đềm một màu xanh, sông nước trùng trùng của Bến Tre. Luân đưa vợ đi thăm mộ cụ Đồ Chiểu - di tích duy nhất còn có thể thăm được một cách tuyệt đối an toàn. - Anh tiếc không đi với em tới Cồn Ngao, Bảo Thạch, cửa Khâu Băng… - Luân âu yếm bảo vợ. Từ khi yêu Dung, anh được Dung truyền cho cách cảm thụ quê hương từ một khía cạnh nữa - cái đẹp thiên nhiên và dấu vết của người đi trước. Dung từng ao ước: Thế nào cũng theo Luân đến Cồn Ngao để thấm thía nỗi buồn của tác giả Lục Vân Tiên - “Ngùi ngùi mây bạc cõi Ngao châu”… Nguyễn Đình Chiểu đã mở đầu bài thơ khóc Phan Thanh Giản như vậy. Bảo Thạch, cái làng nhỏ “bờ biển Nam” nơi “kẻ học trò già họ Phan” an nghỉ - Dung giúp Luân hiểu về “Chín chữ lòng son tạc” là chín chữ khắc trên mộ bia Phan Thanh Giản theo di chúc của ông, được cụ Đồ Chiểu trân trọng nhắc… Không đưa Dung đi những nơi cố ước, Luân như tự thấy mình có lỗi, khiến Dung phải an ủi anh: Thế nào cũng có dịp… Tình hình nước Lào mấy tuần nay bận tâm chế độ Sài Gòn. Đại úy Kong Lee, tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn Dù Lào tiến hành đảo chính chống lại chính phủ phái hữu thân Mỹ ở Vạn Tượng, liên minh trên thực tế với Pathét Lào, đòi thi hành đường lối trung lập. Cái mà Luân rút ra kết luận là thế lực tư sản dân tộc ở Lào vẫn còn một sức mạnh nào đó, cộng với thế lực thân Pháp vẫn chưa buông tay, họ núp dưới bóng của nhà vua, hòa hoãn với Pathét Lào… Trong một bối cảnh cụ thể, một tiểu đoàn đủ làm nên đại sự. Đại úy Kong Lee ám ảnh Luân đến mức Dung phát sợ: - Tình hình Lào khác tình hình ta; phe hữu phản động chia rẽ, thực lực không hơn Pathét Lào bao nhiêu; phe thân Pháp còn ảnh hưởng trong nhiều giới, xu hướng độc lập trung lập trước thực tế hai phe tả, hữu ngang sức có điều kiện phát huy thanh thế; đóng được vai trò nghiêng về bên nào thì bên đó thắng, họ có lãnh tụ và lợi dụng được uy tín nhà vua và tôn giáo… Mỹ chưa phải độc chiếm Lào. Luân vuốt tóc vợ: - Anh biết như em. Nhưng ở ta, xét từ một căn bản khác đâu có kém thuận lợi hơn Lào, nhất là xét về thế lực Cách mạng. Nghị quyết 15 nói tới nhiều khả năng. - Em thấy anh nên xin ý kiến các anh… - Dung không yên tâm. Luân cười: - Tất nhiên! Nói thế, nhưng cả hai đều nóng ruột. Chưa liên lạc được với A.07 hoặc anh Sáu Đăng, mà cũng không thấy các anh móc Luân. Sa chưa cho hẹn. Luân nghĩ tới Quyến, thậm chí Lê Khánh Nghĩa, chỉ huy phó Bảo an Tây Ninh - những đầu cầu nối với lãnh đạo. Dung kiên quyết phản đối, vì như vậy là quá khinh xuất, vi phạm nguyên tắc… Giữa lúc hai vợ chồng Luân lật bề mặt bề trái sự kiện Lào thì Ngô Đình Nhu xoáy mắt vào một tụ điểm: binh chủng Dù đảo chánh ở Lào - Nhu vốn nghi ngại “đứa con cưng của Tổng thống” từ khi Dù thành một lữ đoàn hùng mạnh. Cho nên, nhân một số tiền đồn ở Kontum bị Việt Cộng tấn công, anh ta phái đại bộ phận lính Dù lên tiếp viện… … Khán đài lễ quốc khánh đặt ngay trước cổng dinh tỉnh trưởng. Cả Nam Việt được lệnh tổ chức thật rầm rộ lần thứ 5 ngày khai sinh nền Đệ nhất Cộng hòa. Cũng như các tỉnh, Kiến Hòa tổ chức trước một ngày, ngày 25-10, để hôm sau, các quan chức đầu tỉnh còn về thủ đô chung vui với Tổng thống. Chương trình gồm: phát biểu của tỉnh trưởng, đáp từ của dân quân chánh, múa lân, hội chợ, diễn kịch. Đêm, dạ tiệc do làng An Hội đãi… Chào cờ xong, Luân lên lễ đài, sắp sửa đọc bài diễn văn sẳn. Dung ngồi hàng ghế đầu. Luân mở xấp giấy, trước khi đọc, khẽ liếc vợ, mỉm cười. Bỗng anh bắt gặp vẻ mặt kinh hoàng của Dung cùng tiếng thét thất thanh của cô: Lựu đạn! Thật ra, Luân cùng một lúc nghe thấy tất cả những thứ đó: Vẻ mặt trắng nhợt, tiếng thét và cái nhoài người như muốn vọt lên lễ đài của Dung, tiếng rú và bước nhảy vụt tới của Thạch, quả lựu đạn lăn lộc cộc, sự náo loạn của sân lễ - hằng trăm người vừa hô hoán vừa nhào xuống đất… Tuy nhiên, nhanh hơn hết vẫn là Luân. Anh chộp quả lựu đạn ném ngược ra phía sau, bên trong vòng rào dinh tỉnh trưởng, đồng thời ghì Dung vào lòng, xô Thạch té xấp… Mọi người chờ tiếng nổ. Không có. Lựu đạn lép. Hú vía. Thủ phạm bị bắt liền tại trận. Một cậu học sinh. Một cậu học sinh mà Luân biết mặt, biết tên. Cuộc mít tinh tiếp tục, nhưng không khí thật căng thẳng. Cách nay năm hôm, công an tỉnh bắt một thiếu niên lảng vảng trước dinh tỉnh trưởng. Lê Ngọc Thường, học sinh đệ tam trường tỉnh, con của bà Ngô thợ may. Công an quả quyết Thường đo đạc khoảng cách từ lề đường đến nơi sẽ đặt lễ đài - hễ có lễ thì bao giờ lễ đài cũng đặt sát rào dinh tỉnh trưởng, còn dân chúng đứng từ lề đường. Thường khai: cậu ta rình một con sóc trên ngọn cây sao - quả cậu ta cầm chiếc giàn thung và túi quần nhét nhiều sỏi. Công an không tin mà Luân cũng không tin. Cậu bé mặt mày sáng sủa, trả lời trôi chảy các câu hỏi - sự thú nhận gián tiếp nó đã được sửa soạn những câu trả lời từ trước. Dù sao, rình một con sóc trước dinh tỉnh trưởng vãn không phải là trò chơi của cậu học sinh sắp thi tú tài phần thứ nhất, hơn nữa, cậu quá đĩnh đạc. Luân ra lệnh thả Thường với lời khuyên: Lo học. Công an gọi bà Ngô đến ty giao bà chăn giữ thằng bé. Hôm sau bà Ngô hớt hãi trình với ty: Thường bỏ học trốn mất. Và, cậu bị bắt quả tang. Sau phần lễ chính thức, Luân bảo mang Thường đến dinh tỉnh trưởng. Anh muốn đích thân hỏi cung Thường. - Tại sao em định giết tôi? - Luân hỏi, ôn tồn. Thường nín lặng. Đôi mắt thông minh ngó thẳng Luân, môi hơi cười cợt. Lưu Kỳ Vọng nổi đóa. - Mày không có lưỡi hả? Trung tá hỏi sao mày không trả lời? Thường ném cho Vọng cái liếc khinh miệt, rồi tiếp tục im lặng. - Trung tá để nó cho tôi! - Vọng thở khò khè - Ngữ này không mềm xương không bỏ tật láo… - Em nói đi! - Luân vẫn ôn tồn - Tại sao? Tại sao em ném lựu đạn vào tôi? Thường không nói. Lưu Kỳ Vọng nhảy tới, thộp ngực Thường: - Nói! - Gã giơ cao tay. Luân vội ngăn gã: - Đừng, thiếu tá! Vọng quay về chỗ ngồi, hầm hừ: - Tại trung tá không cho đánh, nó lừng! Tôi nói thiệt, một cái lên gối, nó khai tới ông bà ông vải liền… Nghe tao hỏi: Đứa nào biểu mày quăng lựu đạn, lựu đạn lấy ở đâu? - Nói đi em, tại sao em muốn giết ông Luân? - Thùy Dung hỏi, dịu dàng. - Tại ghét! - Thường mãi mới nói và là một câu cụt lủn. Luân phì cười: - Tại sao ghét tôi? - Ác ôn, ai mà không ghét! - Thường trả lời tuy rắn rỏi song hoàn toàn kiểu trẻ con. - Tôi ác ôn chổ nào? Em có thấy tôi bắn giết, đánh đập ai không? - Ông giả đò nhân đạo mà người của ông - Thường ngó Vọng - bắn giết hằng hà dân trong tỉnh! Ông không gạt nổi dân Bến Tre đâu… Luân biết người lớn dạy Thường như vậy. - Chắc em đói bụng… - Luân đột ngột chuyển sang chuyện khác - Ăn đi rồi về lo học. Còn muốn làm hiệp sĩ, chiến sĩ phía bên nào cũng vậy, phải tập luyện cho giỏi, bình tĩnh… Lựu đạn chưa tháo chốt đã vội liệng, sao nổ được… Thường đớ người: - Tôi tháo chốt rồi mà! Luân cười bảo Vọng: - Thiếu tá thấy không? Khờ khạo quá, bị gạt… Luân bảo mua cho Thường hủ tiếu. Khi cậu ăn xong - cậu vừa ăn vừa liếc Luân - Luân ra lệnh cho cậu tự do muốn đi đâu thì đi. Lưu Kỳ Vọng cuống quít: - Thưa trung tá, để tụi này khui nó, tìm ra kẻ chủ mưu… Luân lắc đầu: - Trò của con nít, hơi đâu để ý! Sau cùng, Vọng tự rút ra nhận xét: Tay Luân này “điếm tổ”, y mượn trẻ con quăng lựu đạn giả để quảng cáo y có số hên… Vọng có cơ sở: Quả lựu đạn mà Thường ném không nổ chẳng phải vì Thường quên tháo chốt an toàn như Luân nói mà vì lựu đạn bị tháo kim hỏa… Nhưng hai hôm sau Công an tỉnh chụp một căn nhà ngoại ô thị xã, khui hầm bí mật, bắt hai người - một là Thường. Diễn biến nội vụ, Ty công an báo cáo như sau: Được mật báo, đêm 28, rạng ngày 29 tháng 10, đội thám báo trực thuộc ty, do thiếu tá Lai Văn Thố chỉ huy đã bao vây căn nhà ở ấp Cầu Tréo, làng An Hội, sát sông Bến Tre, nơi thị ủy Cộng sản lén lút trú ngụ. Căn nhà nằm sâu giữa vườn lôm chôm, vốn bỏ hoang từ lâu. Thoạt đầu nhân viên công lực kêu gọi Việt Cộng đầu hàng, nhưng từ trong nhà, nhiều phát súng lục bắn ra, buộc nhân viên công lực phải tấn công mạnh. Tuy nhiên vì trời tối, không tiện lục soát. Khi đã sáng rõ, nhân viên công lực vào nhà, bắt được mấy tấm đệm, ấm chén uống nước, tàn thuốc lá, giày dép… chứng tỏ Việt Cộng hội họp (tám hay chín tên) và ngủ lại… Cuộc lục soát sau đó phát hiện một hầm bí mật dưới gốc cây lôm chôm. Người đội nắp hầm trồi lên đầu tiên là một đàn ông vạm vỡ. Hắn ta vừa thoát khỏi hầm, đã lôi từ hầm lên khẩu tiểu liên Sten và bất ngờ lia vào đội thám báo, may không ai trong đội thám báo trúng đạn. Nhân lúc hỗn loạn, hắn lao xuống sông và biệt dạng. Cũng nhân lúc hỗn loạn, hai tên nữa dưới hầm tung hai lựu đạn. May mà lựu đạn tịt ngòi. Cả hai bị bắt sống. Không thể can thiệp như hai lần trước, Luân đành để Ty công an khai thác Thường, nhưng anh dặn phải đảm bảo sức khoẻ cho hung thủ để anh còn trực tiếp thẩm vấn… - Em có chú ý hai chữ “mật báo” trong tờ trình của Ty công an không? - Luân thủ thỉ với vợ - Đó là cái gút mà ta phải phanh phui, bằng không Bến Tre khó tránh tổn thất nặng. Một số tay sai của công an lòn sâu vào nội bộ cơ quan chỉ đạo, ít nhất cũng đã có tên Côn, huyện ủy viên kiêm huyện đội phó, tên Hiếm, chi ủy Thạch Phú Đông… Ngày thứ ba, Luân bảo Ty công an đưa sang dinh tỉnh trưởng người bị bắt một lượt với Thường. Còn Thường, Luân ra lệnh thôi tra tấn, chờ anh… … Một trung niên, gầy, trán cao, mắt quầng đờ đẫn. Chắc chắn là ông ta cận thị. Tờ khẩu cung ghi: Dương Văn Tâm, 38 tuổi, nguyên giáo viên Trường trung học Bến Tre, bỏ nhiệm sở tháng 2 năm nay, hiện là nhân viên văn phòng ban tuyên truyền thị ủy. Theo lời khai của Tâm, chẳng có họp hành gì hôm đó, họ đi công tác, ghé nghỉ nơi trạm. Người bắn tiểu liên là trưởng trạm. Họ ném lựu đạn để tự vệ. Hai ngày tra tấn của Ty công an moi ra chừng ấy lời khai. Luân thừa biết đây là lời khai dối. Khai dối không được hợp lý lắm. - Ông nên khai lại! - Luân đặt tờ khẩu cung qua bên - Ông muốn giấu điều gì tùy ông, song lời khai của ông không hợp lý. Ông chỉ là nhân viên văn phòng một ban nhỏ của thị ủy, không sao cả, nhưng ông không phải ghé trạm. Trạm sao có hầm bí mật và chỉ có một hầm? Còn những chiếc đệm, còn giày dép, còn tàn thuốc lá… Các ông họp, đúng vậy. Người dự họp sống công khai trong thị xã - các ông chọn điểm họp như vậy cho tiện đi lại… Họp tới khuya thì nghe động. Số đông tản khỏi khu vườn. Còn ba người không thể đột nhập vào thị xã nên “chém vè”. Ông đánh rơi kiếng, không đủ lanh lẹ thoát chạy khi hầm bị khui. Cậu Thường thì thiếu kinh nghiệm… Có thể tôi nói không ăn khớp một trăm phần trăm, song đại thể là như vậy… Đôi mắt thâm quầng của người bị bắt tên là Tâm lóe lên tia sáng kinh ngạc. - Tôi cho phép ông về nhà giam suy nghĩ lời khai. Tôi cần sự hợp lý… - Luân bỗng hỏi: - Ông cận mấy dioptries (1)? Tâm trả lời là sáu - khá nặng. - Ông sẽ có kiếng để tự viết lời khai. Cho ông ba hôm… Ngay chiều hôm đó, thiếu tá Lưu Kỳ Vọng báo cáo riêng với Luân: J5 cho biết người tên Dương Văn Tâm có bí danh Hai Kiếng, ủy viên thường vụ thị xã, phụ trách trí và học sinh vận. Vọng đề nghị khai thác ráo riết Tâm để lùa hết cơ sở Cộng sản trong giới thầy cô giáo, công tư chức và học sinh. Luân giả bộ đắn đo. Anh chưa tìm ra kế hạn chế tổn thất. - Ý của thiếu tá rất đúng!… - Luân bảo - Song còn có cách hay hơn. Tôi sẽ tự cán đáng việc này… Nếu tay Tâm chịu làm việc cho mình, thiếu ta thấy sao? - Sau cùng Luân nảy ra sáng kiến. Vọng xoa tay lia lịa: - Trung tá làm được, em út phục lăn. Nhưng… - Khó phải không? Vọng gật đầu. - Thử cái coi! - Luân cười. Vào thời gian đó, nhiều người trong thị xã bị công an bắt, số đông là học sinh, lao động, có một ít thầy giáo, viên chức. Luân và Dung suy nghĩ mãi: Giáo Tâm không khai, Thường không khai, tại sao cơ sở bể rộ? Cái gì đây? Cũng đến hai mươi người, theo tờ trình của Ty công an, thuộc hạng đầu mối quan trọng, trong đó gần phân nửa dự cuộc họp ở ấp Cầu Tréo. - Kỳ quá! - Luân lầm bầm. Dung chợt reo to: - Em thấy nguyên nhân rồi! Tại sao người dưới hầm trồi lên còn đủ thì giờ lấy khẩu tiểu liên và, hơn nữa, cả băng đạn bắn mà không trúng ai cả? Anh ta thoát đi dễ dàng, chẳng bị rượt đuổi. - Đúng! - Luân hớn hở - Hai trái lựu đạn đều lép, giống y như trái ném vào anh! Lập tức, Luân gọi thiếu úy Thố. - Tại sao anh phát hiện được hầm? - Luân hỏi. Thì ra, có dấu hiệu: ba vỏ lôm chôm xếp hình tam giác ngay trên nắp hầm. - Anh có biết sẽ bị bắn không? - Không, tin mật chỉ nhắc đề phòng lựu đạn… - Tại sao các anh không ai bị thương? - Hình như người bắn cố ý không chĩa ngay vào chúng tôi…” Đúng hẹn, Luân gặp Tâm. Lời khai đã hợp lý hơn. Họ hộp hội nghị đội tuyên truyền, bị chụp, đa số lách theo vườn nên thoát. Anh ta là đội phó, cùng đội trưởng ở lại. Đội trưởng đã bắn. Anh ta và chú Thường - liên lạc của đội - ném lựu đạn nhưng vướng nắp hầm, không chạy được. Đội viên không ai sống hợp pháp - họ đi giày, dép là để hóa trang qua đồn bót. Luân chỉ cười tủm tỉm khi đọc xong lời khai. - Tôi không tin! - Luân bảo… - Anh nói dối! Anh là Hai Kiếng, ủy viên thường vụ thị ủy… Anh phụ trách trí và học sinh vận. Người của tôi trong các anh thông báo với tôi đầy đủ… Anh đừng hòng chối. Hai Kiếng sững sờ. Hôm nay, anh đeo kiếng, nên có thể nhìn thấy Luân, viên tỉnh trưởng vừa về Bến Tre đã nổi danh quỷ quyệt. Không đợi Hai Kiếng nói, Luân tuyên bố: - Anh phải làm việc cho tôi! Hai Kiếng xua tay: - Không đời nào! Ông có bắn tôi thì bắn, tôi không bao giờ chịu làm chó săn… Ông mưu mẹo với ai chớ không lừa được tôi đâu… Đúng, tôi là Thường vụ thị uỷ. Cứ xử tôi theo luật của các ông… - Anh không chịu cũng phải chịu… - Luân nạt đùa… - Còn cậu Thường! Tôi giao các người hằng tuần phải báo cáo cho tôi… Báo cáo qua người của tôi đang làm việc với các anh… - Có phải ông Hiếm ở Cồn Ốc giao lựu đạn cho em không? - Luân hỏi riêng Thường. Thường lắc đầu… - Có phải cái ông trưởng trạm giao lựu đạn cho em? Thường vẫn lắc đầu, song con mắt chớp chớp của nó lại xác nhận. - Có phải J5? - Luân tự hỏi. Tâm và Thường được thả. Họ chẳng hiểu lý do. Còn Ty công an thì khen nức nở: Ông trung tá mình cứng thiệt, xỏ mũi thằng Hai Kiếng te te! ° Tính toán của Luân có một sơ hở lớn mà anh không ngờ. Sơ hở đó đã gây nên tổn thất đau lòng: Hai Kiếng bị xử tử… Thường thoát chết nhờ tuổi còn nhỏ, nhưng bị giam. Và mọi việc chỉ sáng tỏ sau ngày Tết nguyên đán Tân Sửu… Luân quên Hai Kiếng, bởi một sự kiện chính trị lớn đột ngột xảy ra ở Sài Gòn, ngày 11-11: cuộc đảo chính của lính dù nhằm lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. ---------- (1) Độ cận thị