P8 - Chương 2

“Chấm dứt cuộc chiến tranh bằng báo chí, truyền thanh và truyền hình để mở đầu cho một loại hình chiến tranh nào đây?”
Dung đọc nhiều lần những câu trả lời trên báo của tổng thống Kennedy. Có vẻ người đứng đầu Nhà Trắng đã hết kiên nhẫn. Đây là những câu trả lời thằng thừng nhất của Kennedy sau nhiều lần trả lời úp mở. Kennedy không thể lẩn tránh các vấn đề mà lẽ ra ông ta cần tế nhị hơn, chẳng hạn như việc thay đổi Ngô Đình Diệm, cả số phận của con ngựa tuy nhiều chứng tật nhưng rất có công với Mỹ trong thời điểm Mỹ cố chen chân với Pháp ở Đông Dương. Có thể hiểu những câu trả lời này như là một tín hiệu cho phép đại sứ Cabot Lodge hành động hay không?
Luân rời Sài Gòn lên Lào sang hôm nay, không kịp đọc những câu trả lời này.
“Anh ấy nhạy cảm hơn mình. Trước khi đi, anh ấy bảo: Chúng ta không còn nhiều thì giờ... Anh ấy xem một tuần lễ chỉ cho vụ “Tam giác vàng” là phí phạm. Nghĩa là anh ấy đoán trước sắp có đột biến... ”.
Dung miên man với cách suy nghĩ thì chuông ngoài cổng reo, chị Sáu vào báo:
- James Casey đến.
Gã trung tá Mỹ luôn luôn quấy rầy Dung. Và lần này, gã thừa biết Luân vắng nhà nên đến gặp Dung mà không xin phép trước. Dung có thể viện cớ này cớ khác để tống khứ gã sĩ quan Mỹ nhưng cô lại đắn đo. “Tại sao mình sợ? Mình sợ cái gì? Biết đâu qua James Casey, mình thêm được những cơ sở mới để báo cáo cho các anh?”
Dung bảo chị Sáu mời James Casey vào phòng khách và cô đi thay quần áo.
- Tôi muốn gặp đại tá... - James Casey bắt tay Dung.
“Hình như gã chưa biết Luân không có mặt ở Sài Gòn.” Dung chợt nghĩ, và qua đôi mắt và cách nói của James Casey cô hiểu rằng gã đến đây không phải để tán tỉnh Dung.
- Nhà tôi chưa về...
Dung đưa đến quyết định:
- Mời trung tá ngồi.
- Xin lỗi, bà vừa đi làm về hay sắp đi đâu? - James Casey hỏi Dung bởi bộ đồng phục sĩ quan cảnh sát của Dung. Đây là lần đầu tiên Dung tiếp James Casey trong bộ đồng phục, không quên đính lên cầu vai cấp hiệu đại úy.
- Tôi vừa đi làm về và sắp trở vào Tổng nha.
James Casey ngồi xuống ghế.
- Trung tá dùng chi?
James Casey đưa tay ra hiệu từ chối:
- Cám ơn bà, khỏi, tôi cũng rất bận...
- Dạo này, Tổng nha Cảnh sát Quốc gia thường phải làm “việc đêm hay sao? - James Casey hỏi, Dung hiểu gã muốn khai thác ở Dung nhịp độ làm việc của Tổng nha cảnh sát - một dấu hiệu về độ khẩn trương của guồng máy an ninh Nam Việt, đại diện cho bộ thần kinh của chế độ.
- Có lẽ gần ba tuần lễ rồi, không hôm nào tôi không làm đêm và chỉ về nhà sau 11 giờ. Không có luôn ngày Chủ nhật!
Dung chọn lựa cách tiến công.
- Thế đấy!- James Casey như đồng tình với Dung – Tôi cũng vậy, thậm chí mỗi đêm chỉ ngủ không quá 5 tiếng đồng hồ.
- Tình hình mỗi lúc mỗi khó khăn... - Dung nói câu lơ lửng.
- Đúng! - James Casey xác nhận. – Nhưng...
James Casey cũng bỏ lửng chữ “nhưng’. Gã cười, không có vẻ gì bí hiểm.
- Nhưng, – gã nói tiếp – Có lẽ đại tá đã trấn an bà: Tình hình khó khăn là trên tổng quát, liên quan đến những nhân vật đang “so găng” với nhau... Đại tá gần như một trọng tài, mà trọng tài thì khác đối thủ! Nếu phải dùng đến chữ “khó khăn” đối với đại tá, tôi cho rằng có thể đúng vào một trận đấu khác...
- Một trận đấu khác hay một hiệp đấu khác? - Dung hỏi, như không quan tâm lắm sự tiết lộ của James Casey. Với Dung, một đảm bảo quan trọng về an toàn cho Luân...
- Trận đấu! – James Casey xác định...
- Thậm chí, tôi nghĩ đến một hiệp phụ nữa! – Dung vẫn lạnh lung.
- Bà đánh giá vai trò quá thấp của đại tá... Thôi được... Hôm này, tôi muốn gặp đại tá bởi vì Tổng thống nước chúng tôi quyết định hưu chiến với ông Diệm trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng bà Nhu vẫn lắm lời. Bà Nhu lắm lời đặt Tổng thống nước chúng tôi vào thế mất sĩ diện. Một Tổng thống Mỹ giữ sĩ diện đồng nghĩa với một biến cố. Cả đại sứ Cabot Lodge, cả tướng Jones Stepp... dĩ nhiên, cả cá nhân tôi, chưa ai cho rằng mọi thứ đã chín muồi. Đặc biệt, đại tá – tôi nói rõ, đại tá Nguyễn Thành Luân – cần một thời gian đủ để chứng tỏ với dư luận Mỹ và với các thế lực chính trị Sài Gòn rằng ông luôn luôn có quan điểm độc lập. Tốt nhất, khớp mõm bà Nhu! Đừng dại dột đổ xăng vào lửa... Đại tá có thể làm việc đó, tức là can thiệp với ông Nhu hoặc ông Diệm. Đồng thời, đại tá nên khuyên ông Thục, khi sang dự Công đồng Vatican II, đừng khuấy động dư luận Ý. Giáo hoàng La Mã đang đứng trước một sự kiện tế nhị ở Nam Việt – ông ấy không thể công khai ủng hộ con chiên của mình đàn áp một tín ngưỡng khác...
James Casey nói một thôi dài.
- Người Mỹ muốn giữ chủ động cao... - Dung bình luận.
- Bà nói chưa thật chính xác. Phải diễn đạt như thế này: Chúng ta muốn giữ chủ động cao. Chúng ta gồm tôi, những người Mỹ, và các bạn bè Việt Nam, trong đó, một khuôn mặt quan trọng là đại tá Luân.
- Mấy giờ đại tá về? – James Casey xem đồng hồ tay.
- Tôi không rõ. Nhà tôi không bảo hôm nay anh ấy làm việc ở đâu.
- Chỗ ông Nhu chăng?
- Tôi không dám chắc...
- Thôi tôi đành phải đi. Khi nào đại tá về, bà thuật lại những điều tôi vừa nói với bà và tôi mong đại tá gọi điện cho tôi... Tốt nhất, gọi điện vào 7 giờ sáng...
Tới bây giờ, James Casey mới nhìn Dung như gã từng nhìn trước đây...
- Bà có biết khi cùng các người Mỹ phát quang con đường đi của đại tá, tôi đã làm một việc ngược lại với trái tim của tôi không?
Dung nghiêm mặt:
- Tôi sẽ nhắc nhà tôi gọi điện cho trung tá...
Cô không chìa tay cho James Casey và không tiễn gã ra cửa.
°
John Hing ung dung bao nhiêu thì Lâm Sử bồn chồn bấy nhiêu. Cuộc gặp gỡ lần này diễn ra tại khách sạn Thu Thủy, Long Hải, theo yêu cầu của Sử, qua trung gian Bá Thượng Đài. Lâm Sử đề nghị gặp Hing trước ngày 26-10. Với các tin tức mà anh ta nắm, kể luôn phần tin do Ly Kai cung cấp, Sài Gòn sẽ đảo lộn dữ dội đúng vào ngày Quốc khánh hàng năm. Nhưng John Hing nhởn nhơ, hẹn rồi hoãn đến mấy lần. Ngày 26-10 nhích gần, Lâm Sử quá sốt ruột. Đến Bá Thượng Đài luôn, đôi khi đến cả Tần Hoài, Tào Phu. Các “ông vua” sắt, gỗ sốt ruột không kém Lâm Sử. Tin tức đảo chính lan truyền đến mức thành câu chuyện đầu môi của các tay phổ ky tiệm nước: “Hà, ngày mai ông Diệm không “hui nhị tì” (1) thì cũng “hui” sang ở chung với Xưởng Cái Xạch... (2)”. Nhưng ai lật Diệm? Các “ông vua” quan tâm điều đó hơn hết. Có tin đồn chính Nhu lật Diệm. Ối, thứ đảo chính “cụi” này chẳng ăn nhằm gì. Có tin đồn Dương Văn Minh lật Diệm... À, nếu quả vậy, còn chờ xem. Mai Hữu Xuân lật Diệm? Những tay bồ bịch lâu năm với các công ty Pháp mừng rơn. Tôn Thất Đính? Các “bar” sẽ mọc ra, đếm không xuể, “ chị em ta” rộng đường kiếm ăn!
Lâm Sử cần báo cáo về Bắc Kinh – Hoa kiều vụ nhắc nhiều lần, qua đại sứ Trung Quốc ở Nam Vang. Hệ thống sưu tra tin tức của Lâm Sử quá yếu – những tay Hoa kiều giàu có tỏ ra kém khiếu chính trị - rốt lại, có mỗi Ly Kai là giúp được cho Lâm Sử ít nhiều. Sau này, Ly Kai làm cao, mỗi tin theo độ mật, lên giá vùn vụt. Không hiếm trường hợp Ly Kai cung cấp tin gọi là “tuyệt mật” nhưng thật ra hắn nghe lỏm hoặc là tin trên báo Mỹ mà hắn xào nấu lại, Lâm Sử cự hắn, hắn trả lời tỉnh bơ: Vậy thì thôi, ông tìm người khác! Lâm Sử không dám buông hắn – buông hắn thì còn biết khai thác tin chính trị ở ai?
Bởi vậy, Lâm Sử hy vọng lần gặp John Hing này. Cuối cùng, Bá Thượng Đài móc nối, và hai người chọn Long Hải vào ngày giữa tuần, vắng khách. Họ trao đổi ngoài bãi cát.
Đúng ra, Lâm Sử còn lâu mới có thể đối đầu với John Hing. Một thầy giáo tiểu học miền hẻo lánh đuối sức trước một tay lõi đời, tốt nghiệp đại học thương mại, cổ đông quan trọng trong nhiều công ty hỗn hợp Mỹ - Hongkong, chủ chứa nhiều song bạc và trên tất cả, một tình báo có cỡ đứng đầu một cơ quan tình báo tư nhân lớn nhất nước Mỹ, chuyên làm thuê cho những cơ quan tình báo nào trả tiền hời. Mấy lá bùa của Lâm Sử đều vô hiệu hóa: John Hing bĩu môi về cái luận điểm cách mạng thế giới của Mao, cười khẩy về “đại tiến vọt” ở Hoa lục. Cầu thần chú “Tổ quốc” là để John hốt hồn người khác chớ đâu phải để cho Lâm Sử lên gân với gã, cả thuyết “huyết thống” cũng vậy.
- Đã gọi là hội đàm, mỗi bên phải mang đến cho bên kia một cái gì... Ông có cái gì? – John Hing đi thẳng vào cuộc trả giá.
Lâm Sử không có cái gì cả, ngoài các mẩu tin vụn vặt.
- Nghĩa là ông nhờ tôi hé cho ông vài tin để ông báo cáo cho Liêu Thừa Chí? – John Hing cười với vẻ thương hại – Tôi chưa gặp Nghị Lực, cánh Hoa vận của Việt Cộng, nhưng tôi nghĩ rằng Nghị Lực biết nhiều hơn ông...
Lâm Sử thẹn đến chín người. “Có lẽ mình chưa chi đủ tiền cho bọn săn tin”, Lâm Sử chợt nghĩ.
- Ông cần học tập cách hệ thống tình báo ở các nước mà đồng đôla có tiếng nói chung thẩm. – John Hing lên lớp một cách thô bạo – Tôi có thể cho ông biết vài tin, nhưng tôi biết chắc rằng ông không đủ tiền để trả cho tôi...
- Ông cứ thử ra giá... - Lâm Sử muốn lấy lại một chút uy phong.
John Hing lắc đầu:
- Tôi không mơ ước làm cách mạng thế giới với khẩu súng trường và gói cơm khô, cho nên ông không thể trừ vào giá biểu những khẩu hiệu suông mà lại tính bằng đôla. Ông nên nhớ đơn vị thanh toán của tôi – trực tiếp với tôi, tôi nhắc lại – đều theo đơn vị gồm đến 5 con số và tôi chỉ quen với các ngoại tệ đôla Mỹ, Canada, quan Pháp và Thụy Sĩ, bảng Anh... Tôi không dùng đôla Hồng Kông, giá bấp bênh. Tôi cũng không dùng Yên của Nhật – nhiều chữ số quá, tốn giấy! Liệu ông có sẵn vài chục nghìn đôla Mỹ để mua một tin của tôi không? Một tin thôi nhé! Tất nhiên, tin của tôi xứng với giá biểu đó... Tỷ như, sắp tới, ai sẽ đứng lên lật đổ ông Diệm, chính sách đối ngoại của nhóm đảo chính ra sao, ngày nào đảo chính nổ. Đó là ba tin, mỗi tin không thể dưới năm vạn đôla... Sao? Ông không đủ tiền?
Lâm Sử im lặng. Đúng là những tin cực kỳ hấp dẫn. Bắc Kinh mà nhận được, anh ta sẽ lên như diều. Bắc Kinh nhận sớm, sẽ có chỉ thị cho anh ta, anh ta đủ thì giờ xoay xở. Nhưng, món tiền quá lớn. Tào Phu, Tần Hoài, Bá Thượng Đài... không ai đủ “lòng yêu Tổ quốc” đến mức mở tủ sắt tuôn ra chừng ấy đôla. Đại sứ Trung Cộng ở Nam Vang nhất định “chỉnh” Lâm Sử nếu nghe yêu cầu chi xuất như vậy: Phải dựa vào người Hoa khai minh! Không thể nào dám gửi về Hoa kiều vụ Bắc Kinh một đề nghị như vậy.
John Hing đứng lên, phủi những hạt cát bám vào quần. Lâm Sử ủ rũ.
- Có lẽ tôi không nên quá nghiêm khắc với ông. – John Hing nheo mắt ngó Lâm Sử - Dẫu sao, nhờ ông mà tôi được nghỉ ngơi tại bãi biển tuyệt đẹp này... Tôi báo cho ông: ngày 26-10 không có cái gì xảy ra cả, tôi cam đoan...
- Còn sau ngày 26-10? – Lâm Sử rối rít.
- Tôi tặng không ông một tin. Nếu ông muốn thêm một tin, chúng ta trở lại điều kiện ban nãy...
John Hing bước đến chiếc dù, ngả lưng lên ghế, sau khi uống một ly bia. Lâm Sử ngồi chỗ cũ, đón mấy đợt sóng quất vào mặt mà anh ta không buồn vuốt...
°
Mai Hữu Xuân thầm thì với Tôn Thất Đính tại sở chỉ huy của Đính. Cửa phòng đóng kín. Với người ngoài, hai vị tướng bàn bạc công vụ, rất bình thường.Xuân đã cẩn thận cho thiếu tá Hùng dò trên trần nhà, gỡ từng tấc vuông bức tường, kiểm tra ngay các chiếc quạt trần – biết đâu Nhu không cài máy ghi âm. Ngay đối với Mỹ, Mai Hữu Xuân cũng đề phòng. Chính Savani, trong mật thư, đã nói lóng để Xuân lưu ý mọi bất trắc, dù tình báo Mỹ trực tiếp gợi ý Xuân tham gia vào cuộc đảo chính – về nguyên tắc, nhất thiết không tránh khỏi. “Điều mà chúng ta quan tâm là thời gian nào thích hợp nhất và vài chi tiết kỹ thuật cần xem xét thêm”. Đại tá Đỗ Mậu, mà Xuân biết rõ ông ta là người của CIA, là một chỉ huy có cỡ chứ không phải một nhân viên quèn kiểu Thích Tâm Châu. Đỗ Mậu xuống tóc, biểu tượng đứng về Phật giáo của ông – sĩ quan cấp đại tá đầu tiên công khai chống lại Ngô Đình Diệm. Nếu ông Vũ Văn Mẫu xuống tóc gây tiếng vang lớn trong giới trí thức và ở nước ngoài – ông Mẫu là một luật gia tên tuổi và là Bộ trưởng Ngoại giao khá lâu của Diệm – thì hành động của đại tá Đỗ Mậu nhằm tác động quân đội đồng thời cũng nhằm sửa soạn chỗ đứng trong hàng ngũ Phật giáo của ông ta. Vả lại, Đỗ Mậu là CIA, ông ta đi nước cờ của CIA, với từng chi tiết.
Mai Hữu Xuân bắt tay Đỗ Mậu, nhưng không phải vì vậy mà Xuân quên lai lịch của Đỗ Mậu. “Thời gian thích hợp” đôi khi đồng nghĩa với hết nhiệm kỳ Tổng thống của Kennedy, tận cuối năm 1964. Với khoảng thời gian ấy, Đỗ Mậu dám bán Xuân cho Nhu lắm! “Chi tiết kỹ thuật” là gì? Rất có thể người Mỹ e ngại một loạt tướng tá do Pháp đào tạo nắm cuộc đảo chính, đưa Nam Việt Nam theo con đường của De Gaulle, nên cần điều chỉnh đôi chút – gạt Xuân ra, chẳng hạn... Cái gì cũng có thể xảy ra trên trường đỏ đen cả!
Ngay với Tôn Thất Đính, chưa phải đã có thể rút ruột mà đối xử. “Thằng cha giống Lữ Bố quá chừng”. Xuân đánh giá Đính như vậy.
- Nhu còn do dự. - Đính bảo - Lẽ ra ngày 26-10 “Bravo I” ra mắt, nhưng bỗng Nhu đổi ý. Ông ta gọi tôi vào dinh Gia Long, dặn tôi chờ Nguyễn Thành Luân...
- Luân không có mặt ở Sài Gòn.
- Có lẽ không có mặt. Hai hôm rồi, hắn chẳng liên lạc với tôi, ngay bằng điện thoại. Tôi gọi về Tham mưu biệt bộ, vợ hắn trả lời hắn đang ở chỗ Nhu. Tôi gọi chỗ Nhu, thư ký của Nhu trả lời Luân và Nhu đang bận... Song, tôi nghĩ rằng Luân đi đâu rồi.
- Đi đâu?
- Răng mà tôi biết được?
- Hỏi chỗ Harkins xem?
- Không nên...
- Đỗ Mậu biết không?
- Chắc không biết...
- Coi chừng!
- Răng mà coi chừng?
- Nó ra khu hoặc ra Hà Nội!
- Nếu Luân ra khu hoặc ra Hà Nội thì thiếu tướng và tôi muốn “coi chừng” cũng không coi chừng nổi. Nhất định hắn thực hiện lệnh của Jones Stepp. Nhưng, tôi không nghiêng về giả định của thiếu tướng...
- Thằng đó láu cá lắm. Tôi nghĩ xem!
Xuân ngồi thừ khá lâu. Bỗng Xuân quay điện thoại:
- Alô! Bộ chỉ huy không quân, phải không? Tôi là Mai Hữu Xuân, muốn nói chuyện với trung tá Nguyễn Cao Kỳ... Chào trung tá... Chúng tôi, thiếu tướng Tôn Thất Đính và tôi, muốn nói chuyện với đại tá Nguyễn Thành Luân... Ông ấy không có ở đó? Ông ấy có đến sân bay không? Ở Tân Sơn Nhất thì không, còn ở Biên Hòa? Cám ơn, tôi sẽ hỏi sân bay Biên Hòa...
Xuân gác máy, không quay hỏi sân bay Biên Hòa.
- Có vẻ thiếu tướng mất bình tĩnh... - Đính nhận xét, giọng hơi châm biếm.
- Không nên coi thường sự vắng mặt kỳ lạ này. – Xuân mím môi và quay tiếp điện thoại.
- Hello! Tôi Mai Hữu Xuân, xin nói chuyện với tướng quân Jones Stepp... Ồ... Chào phu nhân... Tôi muốn biết đại tá Nguyễn Thành Luân có chỗ tướng quân không... Vâng, có việc... Rất khẩn... Xin lỗi, nếu đại tá bàn xong công việc với tướng quân, nhờ phu nhân nói lại tôi muốn nói chuyện với đại tá qua điện thoại... Cám ơn phu nhân!
- Hắn ở chỗ Jones Stepp... - Xuân thở phào.
- Luân vắng mặt bây giờ thì tôi không thích, - Xuân đã nhồi thuốc vào pipe – Nhưng khi bắt đầu “Bravo”, tôi lại muốn hắn vắng mặt. Cả thằng Hồ Tấn Quyền. Những tiểu đỉnh ở bến Bặch Đằng, với pháo cao xạ và pháo tấn công, không phải là chuyện giỡn!
Điện thoại reo. Đính nhấc máy.
- Dạ, trình cụ, con đây... Dạ, con đến ngay...
- Trong “Dinh” gọi – Đính nói nhỏ với Xuân, sửa lại cổ áo, đội mũ, bước ra khỏi phòng.
... Saroyan đến nhà Luân, khi Dung đi làm vừa về.
- Đại tá đi vắng?- Saroyan hỏi lo lắng. Dung gật đầu, cũng lo lắng.
- Có chuyện gì sao?
- Không! – Saroyan nắm tay Dung – Đại tá đi đâu?
- Hình như đi Lào...
- Đi Lào?
- Nhu giao cho anh ấy một công vụ gì đó ở vùng “Tam giác vàng”... Dặn giữ bí mật.
- A!- Saroyan gục gặc đầu – Dính chuyện buôn nha phiến... Vừa rồi, thiếu tướng Mai Hữu Xuân hỏi đại tá. Tôi chưa đoán ra việc gì nên trả lời bừa là đại tá đang ở chỗ Jones... Thế, bao giờ đại tá về?
- Lối một tuần... Đi hai hôm rồi.
- Họ săn đón đại tá cẩn thận lắm, tôi rất ngại. – Saroyan nói, giọng buồn.
Dung cảm thấy hơi ân hận với Saroyan. Thật ra, Dung biết tường tận chuyến đi của Luân, nhưng không thể nói thật.
- Tôi có đọc vài phúc trình của tình báo Mỹ ở Bangkok chung quanh “Tam giác vàng”. Tôi không rõ đại tá thực hiện công vụ gì ở đó? Khá nguy hiểm. Những băng buôn thuốc phiện khử tất cả những gì chúng cho là cản trở ngại. Chúng có máy bay, cao xạ, xe tăng. Tại sao Dung không báo cho tôi biết? Tôi có cách bảo vệ đại tá...
- Chắc không cần, Saroyan ạ! Anh Luân đối phó được với mọi tình huống...
- Tất nhiên tôi tin anh Luân... Xin lỗi Dung, tôi tin đại tá! – Giọng Saroyan run rẩy.
- Từ nay, Saroyan cứ gọi anh Luân bằng tên, mình không buồn đâu! Việc gì mà buồn?
- Cảm ơn Dung nhiều. Saroyan không điên đến nỗi báo cho Jones về sự vắng mặt của anh Luân, nhưng nếu Jones bỗng muốn gặp Luân thì sao?
- Dung chưa nghĩ điều đó... Hôm kia James Casey đến đây, cũng muốn gặp anh Luân.
- Rắc rối quá!
Saroyan bỗng như tức giận:
- Gia đình lão Diệm đáng giá bao nhiêu mà anh Luân phải chịu cực, chịu nguy hiểm? Tôi bảo Jones: Định “súp” lão thì “súp” ngay đi...
- Tướng quân trả lời sao?
- Ông ta chỉ cười... Tôi biết tôi kém khiếu chính trị, nên không hiểu ông ta cười với ý nghĩa gì...
Saroyan quay sang bé Lý. Cô đùa với thằng bé như không chịu dứt.
---
(1) ra nghĩa địa
(2) Tưởng Giới Thạch

Truyện Ván Bài Lật Ngửa P1 - Chương 1 P1 - Chương 2 P1- Chương 3 P1 - Chương 4 P1- Chương 5 P1 - Chương 6 P1- Chương 7 P1 - Chương 8 P1 - Chương 9 P1 - Chương 10 P1- Chương 11 P1 - Chương 12 P1- Chương 13 P1 - Chương 14 P1 - Chương 15 P1- Chương 16 P1 - Chương 17 P1- Chương 18 P1 - Chương 19 P1 - Chương 20 P1 - Chương 21 Phần 2 - Chương 1 P2 - Chương 2 P2 - Chương 3 P2 - Chương 4 P2 - Chương 5 P 2- Chương 6 P 2- Chương 7 P 2- Chương 8 P2 - Chương 9 P2 - Chương 10 P2 - Chương 11 P2 - Chương 12 P2 - Chương 13 P2 - Chương 14 P2 - Chương 15 P2 - Chương 16 P2 - Chương 17 P2 - Chương 18 Phần 3 - Chương 1 P3 - Chương 2 P3 - Chương 3 P3 - Chương 4 P3 - Chương 5 P3 - Chương 6 P3 - Chương 7 P3- Chương 8 P3 - Chương 9 P3 - Chương 10 P3 - Chương 11 P3 - Chương 12 P3 - Chương 13 P3 - Chương 14 P3 - Chương 15 P3 - Chương 16 P3 - Chương 17 Phần 4 - Chương 1 P4 - Chương 2 P4 - Chương 3 P4 - Chương 4 P4 - Chương 5 P4 - Chương 6 P4 - Chương 7 P4 - Chương 8 P4 - Chương 9 P4 - Chương 10 P4 - Chương 11 P4 - Chương 12 P4 - Chương 13 Phần 5 - Chương 1 P5 - Chương 2 P5 - Chương 3 P5 - Chương 4 P5 - Chương 5 P5 - Chương 6 P 5- Chương 7 P5 - Chương 8 P5 - Chương 9 P5 - Chương 10 P5 - Chương 11 P5 - Chương 12 P5 - Chương 13 Phần 6 - Chương 1 P6 - Chương 2 P6 - Chương 3 P6 - Chương 4 P6 - Chương 5 P6 - Chương 6 P6 - Chương 7 P6 - Chương 8 P6 - Chương 9 P6 - Chương 10 P6 - Chương 11 P6 - Chương 12 Phần 7 - Chương 1 P7 - Chương 2 P7 - Chương 3 P7 - Chương 4 P7 - Chương 5 P7 - Chương 6 P7 - Chương 7 P7 - Chương 8 P7 - Chương 9 Phần 8 - Chương 1 P8 - Chương 2 P8 - Chương 3 P8 - Chương 4 P8 - Chương 5 P8 - Chương 6 P8 - Chương 7 P8 - Chương 8 P8 - Chương 9 P8 - Chương 10 P8 - Chương 11 P8 - Chương 12 P8 - Chương 13 Phần 9 - Chương 1 P9 - Chương 2 P9 - Chương 3 P9 - Chương 4 P9 - Chương 5 P9 - Chương 6 P9 - Chương 7 P9 - Chương 8 P9 - Chương 9 P9 - Chương 10 P9 - Chương 11 P9 - Chương 12 P9 - Chương 13 P9 - Chương 14 P9 - Chương 15 P9 - Chương 16 P9 - Chương 17 P9 - Chương 18 P9 - Chương 19 P9 - Chương 20 P9 - Chương Kết