Đúng ra, trong vụ bắt giữ bất thần đêm ngày 29 rạng ngày 30 tháng 1 năm 1964 phải có đến năm tướng và một trung tá. Tướng thứ năm là Nguyễn Văn Vĩ và trung tá Trần Đình Lan. Họ đã bị đưa về trại Hoàng Hoa Thám, giam ở các phòng riêng dành cho các sĩ quan độc thân. Từ xe bước xuống, họ chạm mặt liền Nguyễn Chánh Thi - hắn đi xe nhỏ, đến trước. Gần như một cuộc điểm danh các “tù nhân”. Thi gọi tên từng người, gọi cộc lốc. - Tôn Thất Đính! - Dạ! - Vô phòng kia... - Lê Văn Kim! - Có mặt... - Đ.M, sao không dạ? Tướng Lê Văn Kim không trả lời, lững thững bước vào hỏi: - Tôi ở phòng nào? Thi lượng sượng một thoáng - Phòng kia... Mai Hữu Xuân... - Dạ! - Đ.M, lễ phép dữ! Đồ lưu manh... Hầm hừ như thế xong, Thi không làm gì. Xuân, trỏ phòng ông ta. - Trần Văn Đôn. Trần Đôn không trả lời, bước lên... Thi ngó nghiêng ông rồi chửi: - Đ.M, mày mà tướng! Tướng cái con c... Tướng gì mà lấy vợ người khác? Vô phòng kia! Đôn đi rồi, còn lại hai người. - Nguyễn Văn Vĩ... - Có tôi. - Vô phòng, rồi mày sẽ biết tay tao.! Nguyễn Chánh Thi ngó Trần Đình Lan; ông này từ Pháp về đến Sài Gòn sau Trần Kim Tuyến một ngày. - Đồ chó săn của Tây! Và Nguyễn Chánh Thi thoi vào mặt Trần Đình Lan, cú thoi cực mạnh, máu mũi Lan chảy ướt đẫm chiếc áo sơ mi trắng. - Không có phòng cho mày... Mày nằm ở nhà xe. Tao bắn mày, nói trước để mày cầu nguyện... Trần Đình Lan lủi thủi theo một lính gác về phía nhà xe. Nguyễn Chánh Thi chống nạnh, đứng trên thềm quát to cho cả phòng đều nghe. - Không đứa nào được bước ra khỏi phòng, hễ bước ra bị bắn liền... Vừa lúc đó, một Chevrolet đen đỗ, tướng Nguyễn Khánh vội vã bước xuống. Sau xe của Khánh, hai xe hộ tống đầy lính. - Cái gì? – Thi bỏ tay chống nạnh, chào Khánh. Hắn bối rối. “Hay là nó bắt mình?”. Hắn nghĩ. - Mời tướng Nguyễn Văn Vĩ ra... – Khánh ra lệnh. - Tại sao? – Thi trấn tĩnh hỏi lại. Khánh không trả lời. Và, cũng không đợi lệnh của Thi, lính đã đưa tướng Vĩ ra. Khánh bắt tay Vĩ. - Xin lỗi... Đây là một lầm lẫn, mời anh lên xe tôi, ta về... - Còn trung tá Trần Đình Lan? - Ủa, ai bắt trung tá? – Khánh kinh ngạc - Mời trung tá ra... - Không được! - Nguyễn Chánh Thi nổi nóng. - Anh bắt trung tá Lan? - Phải... - Tại sao? - Tay sai của Pháp. - Anh không có quyền bắt bất kỳ ai... Anh là cái gì mà bắt bớ lung tung vậy? - Tôi bắt đó. - Hèn chi đại sứ quán Mỹ hỏi tôi tại sao có các vụ bắt lung tung... Họ dặn tôi coi chừng anh làm ẩu và một số tướng lĩnh muốn tôi lột lon và tống giam anh... Anh đừng buộc tôi phải làm điều tôi không muốn. Nguyễn Chánh Thi ỉu xìu ngay lập tức. Trung tá Trần Đình Lan, với chiếc sơ mi đẫm máu, cùng Nguyễn Khánh và Nguyễn Văn Vĩ lên xe. Mấy hôm sau, trung tá Trần Đình Lan trở sang Pháp. ° Bốn tướng lên máy bay ra Đà Nẵng. Họ bị giam ở Sơn Trà một hôm rồi phân tán. Trần Văn Đôn và Lê Văn Kim lên Đà Lạt, Mai Hữu Xuân về Huế, Tôn Thất Đính lên Pleiku. ... Hoàng Thị Thùy Dung được Tổng nha cảnh sát giao một việc thật bất ngờ: lập hồ sơ và trực tiếp hỏi cung bốn tướng. Tội danh gồm thái độ chính trị (thân Cộng, thân Pháp, chủ trương trung lập), biển thủ tiền bạc, lạm dụng chức quyền, xây nhà cửa riêng... - Cái trò “đánh trống lảng” và kéo dài ngày tháng để dư luận quên vụ chỉnh lý... - Luân nhận xét. - Nhưng tại sao lại giao cho em? - Em là Giám đốc Nha công vụ thuộc Tổng nha... Về danh nghĩa, đó là trách nhiệm của em. - Lẽ ra phải của anh, Phó tổng thanh tra quân đội mới đúng, phải điều tra vụ này. - Họ muốn làm ra vẻ phải chuyển các ông này sang tòa án. Làm ra vẻ thôi... Đâu rồi cũng vô đó. Cũng là cơ hội để em hiểu thêm một số mặt cần cho chúng ta. - Anh sẽ gặp tướng Khánh chứ? - Chắc thế nào cũng gặp, nghi thức mà! Saroyan nói chỉ thay đổi ở chóp bu và không phải lần thay đổi cuối cùng... ... Dung ra Huế. Cô định hôm sau đến đồn Mang Cá là nơi giam tướng Mai Hữu Xuân. Khi nhận phòng ở khách sạn xong, cô thả bộ dạo phố. Huế không xa lạ với Dung, nhất là kỷ niệm cùng với Luân dự lễ thượng thọ của mẹ Ngô Đình Diệm, như mới đây thôi. Bây giờ thì ngôi nhà Phú Cam đã bị sung công – trên danh nghĩa, còn thực tế nó đã bị chia tam xẻ tứ cho những tay cầm quyền mới. Nhà thờ Phú Cam chắc vẫn sung túc, nhưng không đặt dưới lọng của tổng giám mục Ngô Đình Thục nữa. “Dù sao mình cũng phải thăm bà Ngô Đình Khả, Ngô Đình Khôi...”, Dung tự nhủ. Chính Dung đã thăm Ngô Đình Cẩn trong nhà lao Sài Gòn... Trên đường phố, Dung rẽ vào một hiệu bán hàng mỹ nghệ. Cô thấy hai ô tô đỗ trước cửa hiệu, một chiếc Peugeot khá xinh và một xe quân cảnh. Và, trong hiệu, Dung gặp tướng Mai Hữu Xuân. Xuân chào Dung rất lịch sự. Người ông không thay đổi - vẫn da ngăm, vẫn dáng trầm tư, vẫn cặp môi thâm và chiếc píp phì phò khói... - Chào bà đại tá! - Chào trung tướng... Trung tướng đi dạo? - À, buồn quá ra xem hàng mỹ nghệ... Bà mới đến Huế! - Thưa, vừa đến... - Có đại tá cùng đi với bà không? - Thưa, nhà tôi đang ở Sài Gòn. - Bà đi chơi? Đi thăm gia đình Ngô? - Tôi định đi thăm bà cụ cố và chị Cả. - Tốt! Nhà bà Ngô Thị Hoàn bị niêm phong, bà không đến được... Họ đang dồn lại một ngôi nhà trong châu vi Phú Cam... - Dạ... - Dung ngập ngừng một cách cố ý. - Còn việc gì? - Thưa trung tướng, sáng mai, xin phép trung tướng cho tôi gặp tại đồn Mang Cá. - Hả? Gặp tôi? Đại tá bảo bà ra gặp tôi? – Thái độ Mai Hữu Xuân thay đổi, vồ vập. - Thưa, tôi gặp trung tướng với tư cách khác... Sáng mai, tôi sẽ trình... Xin hẹn vào 9 giờ sáng... - Được... Tôi đợi... Dung quay về khách sạn. Một sĩ quan cảnh sát chờ Dung. Đại úy Vũ – anh ta giới thiệu - được lệnh của Nha cảnh sát Bắc Trung phần đến làm việc với Dung. Dung nói chương trình của mình, kể cả kế hoạch thăm gia đình Ngô Đình Khả. Đại úy Vũ không nói gì, chỉ báo sẽ có xe trực tại khách sạn cho Dung, và bản thân anh lúc nào cũng có mặt, tùy Dung sai khiến. Dung cười mỉm: nếu trước kia Ngô Đình Diệm chưa bị lật đổ, cô đến đây thì từ cầu thang sân bay Phú Bài đã có mặt viên tỉnh trưởng... Chiều hôm đó, Dung đi thăm gia đình họ Ngô. Cả cơ ngơi đồ sộ, tường cao cổng kín, bây giờ giống một khu chung cư. Mỗi nhà do một viên chức chiếm, họ xây tường ngăn cách. Toàn gia đình họ Ngô - vợ Ngô Đình Khả, vợ Ngô Đình Khôi, Ngô Thị Hoàn và con cháu sống chung trong một biệt thự, thật ra thì cũng khá rộng. Chiếc xe kéo vẫn để bên hiên nhà. Nhưng “vườn thượng uyển” của Ngô Đình Cẩn không còn nữa. Vợ Ngô Đình Khả đã lẫn. Bà không nhận ra Dung. Đón Dung là tiếng khóc râm ran. Bàn thờ Ngô Đình Khả, Ngô Đình Khôi thêm lư hương và bài vị Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu. “Sẽ thêm bài vị Ngô Đình Cẩn”, Dung nghĩ. - Thím có mần răng mà cứu cậu Út! - người nói là Ngô Thị Hoàn, bà “Cả Lễ”, chị của Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu mà báo chí đang “phóng sự điều tra” lia lịa. Dung thắp hương trước bàn thờ, hỏi han sinh hoạt gia đình. Về vật chất, họ không thiếu khả năng. Nhưng, cái án Ngô Đình Cẩn ám ảnh họ. - Hồi tổng thống còn tại vị, khách khứa nườm nượp. Bây giờ vắng tanh. Chỉ có thím mới tới... Tôi nghe chú đại tá đặt hoa trước mộ hai anh mà bị bắt, tội thiệt! - Vợ Ngô Đình Khôi tâm sự. Dung lựa lời an ủi, ở lại ăn bữa cơm chiều với gia đình. Trên xe về khách sạn, đại úy Vũ không giấu ý nghĩ trong đầu anh ta: - Bà đại tá làm rứa là phải đạo. ° Mai Hữu Xuân tiếp Dung trong phòng khách. Nếu không biết đây là đồn Mang Cá, thì khó mà đánh giá Mai Hữu Xuân đang bị giam lỏng. Phòng khách khá đẹp, đầy đủ tiện nghi. - Bà có thể phúc trình với ai đó là đã gặp tôi ngoài phố... Mai Hữu Xuân cười mai mỉa. Dung hiểu cái cười kiểu thơ Thế Lữ “hùm xám sa cơ” của Xuân. Theo quy định, các tướng không được rời nơi bị giam lỏng, nếu muốn đi đâu phải báo cho tiểu khu trưởng trước 6 tiếng đồng hồ và phải được tư lệnh vùng chuẩn y. Nhưng theo đại úy Vũ, tướng Xuân bất chấp quy định, thích đi thì thót lên xe đi. Tiểu đội quân cảnh phải hấp tấp đuổi theo. Với Xuân, đây là thay đổi đột ngột trong nếp sống gần suốt đời của ông ta. Nỗi bất mãn thật nặng nề, bao nhiêu mưu toan đã thành đạt bỗng chốc tan biến, tan biến một cách tàn nhẫn. Mai Hữu Xuân bắt đầu uống rượu và tửu lượng khá cao, nốc bao nhiêu cũng không say. Trong phòng khách, Dung thấy có rất nhiều vỏ chai Cognac, Whisky... - Trung tướng nghĩ thế nào lại đặt cho tôi vai trò dòm ngó chuyện vặt vãnh... - Thùy Dung trả lời điềm đạm. Câu trả lời lễ độ lại khiến thái dương Xuân giật giật, bởi, “dòm ngó chuyện vặt vãnh” vốn là nghề của Xuân. - Trung tướng cho phép tôi được trình bày công việc... Thùy Dung trao cho Xuân một công văn mang chữ ký của Nguyễn Khánh. Liếc qua tờ giấy, Xuân cười khỉnh: - Lần đầu tiên trong đời tôi, tôi bị hỏi cung. Và, người hỏi cung tôi lại là một phụ nữ, cấp thiếu tá! - Trung tướng có thể hiểu sự việc theo ý riêng. Phần tôi, tôi chỉ thi hành công vụ. Có hai cách thực hiện: hoặc trung tướng trả lời những câu hỏi mà tôi mang theo, những câu hỏi hoàn toàn không do tôi nghĩ ra, tôi ghi âm trả lời của trung tướng; hoặc trung tướng viết câu trả lời... - Bà cho tôi xem các câu hỏi... - Thưa, đây... Mai Hữu Xuân đọc các câu hỏi, đọc kỹ. Thùy Dung lặng lẽ ngó ra ngoài, như không quan tâm đến thái độ của Mai Hữu Xuân. Những câu hỏi chung chung, tuy vậy, không phải dễ dàng trả lời, nhất là không thể chỉ trả lời cụt ngủn: Có, không... Thời gian chầm chậm trôi qua. Vỏn vẹn hai trang đánh máy mà tướng Xuân mất gần một tiếng đồng hồ để đọc. - Ông nhà có dặn bà điều chi trước khi gặp tôi không? Sau cùng, Xuân xếp tờ giấy, hỏi giọng phân vân. - Thưa, không... - Bà muốn tôi trả lời như thế nào? Câu hỏi thật bất ngờ. - Tôi nghĩ trung tướng trả lời theo suy đoán của trung tướng. - Suy đoán? Ồ! Vậy là được. Tôi cám ơn bà. Bà mở máy ghi âm và đọc câu hỏi đầu. Tôi sẽ trả lời ngay. - Thưa, trung tướng Mai Hữu Xuân, – Dung mở máy – Xin trung tướng cho biết mối quan hệ giữa trung tướng và ông Savani, sĩ quan Phòng Nhì Pháp... - Savani là người chỉ huy cũ của tôi, cũng như Bazin, Perrier. Tôi là nhân viên Sở mật thám Pháp, từ 1948 tôi phụ trách Ty Cảnh sát đặc biệt miền Đông, gọi tắt là PSE. Sau khi Pháp rút, tôi làm việc cho chế độ ông Diệm, qua nhiều chức vụ khác nhau, ngành tôi ở lâu hơn hết là An ninh quân đội... Giữa tôi và Savani tận bây giờ vẫn thư từ thăm hỏi nhau... Savani không còn là sĩ quan Phòng Nhì Pháp nữa. Ông ta đã về hưu. - Thưa trung tướng, giữa trung tướng và đại sứ Pháp hoặc một yếu nhân nào của đại sứ quán Pháp, có mối liên lạc gì đặc biệt không? - Thế nào là “liên lạc đặc biệt”? - Dạ câu hỏi trong văn bản không dự kiến vấn đề do trung tướng nêu ra, nên tôi không được quyền giải thích... - Nếu vậy, câu trả lời của tôi là: Không! - Cám ơn trung tướng. Thưa trung tướng, có bao giờ trung tướng liên lạc với một nhân vật chính thức của chính phủ hoàng gia Cambốt? - Trong một số lần, theo lễ tân tôi có gặp tướng Niek Tionlong, tướng Fenandez, tướng Lon Nol, đại tá Umswwouth, thiếu tá Kossem. Với hai người sau, tôi bàn về an ninh biên giới lúc tôi chỉ huy chiến dịch Trương Tấn Bửu và lúc tôi phụ trách Bộ tư lệnh hành quân... Tất cả các lần tiếp xúc ấy đều có mặt các sĩ quan và riêng bàn về an ninh biên giới thì có văn bản. - Thưa trung tướng, người ta bảo rằng trung tướng vẫn giữ một mạng lưới điệp viên riêng. Ai cung cấp tiền để chi trả cho mạng lưới đó? - Tôi chỉ làm việc với các nhân viên theo đúng phạm vi được phân công. Người của tôi trong ngành An ninh quân đội lãnh lương theo cấp chức của quân đội. - Theo người ta báo, trung tướng tổ chức ám sát bà Saroyan khi bà ấy vừa ly dị với ông Fishel. Xin trung tướng cho ý kiến... - Việc này tốt nhất cơ quan an ninh điện hỏi ông Fishel. - Người ta cũng báo trung tướng ráo riết săn lùng đảng viên Đại Việt. Tại sao? - Câu hỏi này nên đặt cho bác sĩ Trần Kim Tuyến! - Trung tướng có mấy biệt thự? - Hai. Một ở Sài Gòn, một ở Đà Lạt. Máy ghi âm làm việc đến trưa. Mai Hữu Xuân mời Thùy Dung dùng cơm với ông. - Bà không hỏi riêng tôi câu nào sao? – Xuân hỏi khi dùng cơm xong - Dạ, không... - Tại sao? - Tôi nghĩ rằng không cần... - Nghĩa là bà biết tất cả? - “Biết tất cả” thì hơi quá, song gọi là chưa biết gì cả cũng không đúng. - Bà khuyên tôi nên làm gì? - Tất nhiên, tôi không khuyên trung tướng bỏ trốn, lập chiến khu hay tụ tập người của trung tướng lại làm một cú tự chứng minh sự có mặt của mình. - Bà rất thông minh, thưa bà Thùy Dung. Tôi chẳng có cái gì cả. Tôi nghĩ đến đồn điền, trà, cà phê. Nếu tôi được tự do. Tôi chán ghê gớm cảnh quan trường... - Trung tướng vừa mới chán đây, phải không? - Đúng... - Tại sao trung tướng thủ tiêu ông Diệm, ông Nhu? - Bà mà hỏi tôi câu đó thì bà đã không tin tôi. Tại sao bà không hỏi đại sứ Cabot Lodge? - Ngay đại sứ cũng lạ lùng về cái chết của hai người... - Tôi từng “lạ lùng” như vậy trong không ít hơn một trăm trường hợp... ... Dung còn làm việc với Mai Hữu Xuân một buổi nữa. Các câu hỏi sẵn đều đều nêu lên và Xuân cũng trả lời đều đều. “Ông ta mất hết hăng hái. Quả ông ta muốn trở thành chủ đồn điền... ”. Trong đầu của Dung, cuộc gặp gỡ này quá nhạt nhẽo. Đại úy Vũ cung cấp cho Dung thêm tin tức: Mai Hữu Xuân chẳng giao dịch với ai, vả lại, ở vùng I, ông ta ít quen biết, thỉnh thoảng vợ con ra thăm. Sách của ông ta đọc thuộc loại trồng tỉa cao su, trà, cà phê... Báo chí trong nước và ngoài nước xếp bằng chồng, ông ít khi ngó tới. “Ông ta chấm dứt ham muốn hơi sớm” - Dung nhận xét như vậy. Tất nhiên, Dung không thể biết bao nhiêu thơ khẩn Xuân gửi Savani mà không có hồi âm. Có hồi âm: một mẩu tin ngắn trên tờ báo Pháp do vợ Xuân mang ra. Mẩu tin thế này: “Nhắn ông De Printemps. Thời tiết thay đổi. Khu vườn mà chúng ta định trồng ở phía Nam không có giá trị nữa. Phải tính toán cách làm ăn khác. Tôi thông cảm với người hùn vốn với tôi, song hoàn cảnh chúng ta bất khả kháng. Cũng đừng quá lo lắng. Số tiền trong ngân hàng sẽ được dùng khi thích hợp. Ký tên: Jean Claude Sani... ” “Thời tiết thay đổi!”. Dự định cũ “không còn giá trị nữa”. “Phải tính cách làm ăn khác”. “Số tiền trong ngân hàng...”. Điều sau cùng là hệ thống điệp viên của Xuân. Ông ta muốn đăng một tin nhắn: Đủ rồi! Xin chào! Còn “số tiền trong ngân hàng” chẳng bao nhiêu, nếu không nói là sạch bách! Những Trần Bá Thành, Géo Nam, Thomas Bocal ra rìa từ lâu. Số trong An ninh quân đội trở cờ. Hai bộ hạ thân tín là Lưu Kỳ Vọng và Hùng, kẻ bị Việt Cộng cho chầu Diêm Vương, kẻ chính tay Xuân ra lệnh khử... Đủ rồi! Sau khi thiếu tá Thùy Dung chào tạm biệt, tướng Mai Hữu Xuân ném người lên ghế bành, lẩm bẩm. Người Mỹ không dùng ông. Hàng tá đứa đủ sức thay ông, Mỹ cóc cần một gã ruột gan đều hướng về Pháp. Mai Hữu Xuân rót một ly rượu đầy, nốc cạn... Thôi thì cái món chót cuối cùng an ủi ông là rượu Pháp – ngon tuyệt! ° Từ Huế, Dung bay lên Đà Lạt, nơi cô phải “hỏi cung” hai tướng Lê Văn Kim và Trần Văn Đôn. Tướng Lê Văn Kim tiếp Thùy Dung ở một ngôi biệt thự nhỏ - càng rất nhỏ khi đối diện với nó là ngôi biệt thự đồ sộ, xây cả pháo đài án ngữ phía ngoài, vốn là nhà riêng của tướng Tôn Thất Đính, bây giờ thì chỉ có vài quân cảnh canh gác. Lê Văn Kim sống ẩn dật với thú đọc sách báo. - Tôi đã được cho biết trước là bà sẽ đến làm việc với tôi. Tôi đang bị giam lỏng. Tuy vậy, tôi không một lần bước ra khỏi ngôi nhà này. Bà cứ thực hiện nhiệm vụ... - Tướng Lê Văn Kim nói rõ từng lời. - Thưa trung tướng... - Có lẽ bà cứ gọi tên tôi: Lê Văn Kim Trong bộ quần áo dân sự đơn giản, Lê Văn Kim trả lời câu hỏi của Dung. Cũng ghi âm. Một “mưu sỹ”, một “lý thuyết gia” như người ta gắn cho ông, không phải vô cớ. Dung nghĩ như vậy thông qua cách trả lời khúc chiết của tướng Kim. Ông ta khá thâm trầm. Đúng, chính ông ta vạch kế hoạch lật đổ Ngô Đình Diệm, chính ông ta tính toán nước cờ sau ngày 1-11-1963. Mặc dù ông ta chưa bao giờ tuyên bố lung tung, chưa bao giờ trồi lên hạng đầu sỏ. Ông ta biết và thích sai khiến. - Tôi có nghĩ đến giải pháp trung lập. Song trung lập mà tôi hình dung khác thuyết trung lập của Sihanouk... Tôi chủ trương phải đánh bại Việt Cộng về tư tưởng, về ảnh hưởng chính trị rồi mới nói đến trung lập - Tướng Kim không chối bỏ lời buộc tội nghiêm trọng trong các câu hỏi. Có thể người Mỹ và tướng Khánh không chú ý đến tướng Kim – ông ta qua lời khai để xác định quan điểm và hy vọng Mỹ sẽ nghiên cứu – Dung kết luận khi xong công việc. - Ông có nghĩ rằng, chính ông Đỗ Mậu không thích ông? – Dung xếp máy ghi âm, hỏi một câu bên ngoài. Lê Văn Kim cười nhẹ: - Tôi có nghĩ, bởi vì chức Ủy viên ngoại giao của tôi trong Hội đồng quân nhân khiến ông Đỗ Mậu, ủy viên chính trị cảm thấy bị lấn quyền; tôi hết sức tế nhị trong cư xử. Song bà biết đấy, ông Đỗ Mậu không phải là hạng chịu ngồi dưới hay ngồi ngang bất kỳ ai... - Trong vụ “chỉnh lý”, ông ấy đang ở Đại Hàn... - Đại Hàn xa Nam Việt tính theo đường chim bay, còn nếu tính theo vô tuyến điện thì khác gì quân đoàn 2 của tướng Nguyễn Khánh với Sài Gòn... - Nghĩa là ông ghép ông Đỗ Mậu trong vụ này? - Tôi không ghép, sự thật là như vậy... - Ông ân hận điều gì nhất? - Tôi ân hận tôi: tôi không đề phòng bất trắc. Rất khó đề phòng với người Mỹ! Có lẽ bà nói đúng. - Xin được hỏi một câu hoàn toàn riêng tư: dự kiến tương lai của ông? - Tôi sẽ trở lại đời sống thường dân. Tôi không muốn vấy lại chính trị... - Ông chọn ngành nào? - Thương mại. - Bà nhà cũng đồng ý? - Vợ tôi và phu nhân của tướng Trần Văn Đôn là chị em ruột. Cả hai bà đều ngao ngán... - Ông Trần Văn Đôn cũng ngao ngán? - Tốt nhất, bà nên hỏi ông ta... Thêm một kẻ tự loại ra khỏi vòng chiến nữa. Dung trầm tư trước khi đến gặp tướng Trần Văn Đôn. ° Tướng Trần Văn Đôn mời Thùy Dung ngồi ở phòng khách. Biệt thự khá sang. Quanh biệt thự, một mảnh vườn nho nhỏ. Nếu so sánh, biệt thự chỉ kém nhà của Trần Trung Dung. Dung được thông báo về ngôi biệt thự này, nó thuộc một người Trung Quốc lấy Pháp tịch, tên Dominique Hoa Hồng Hỏa - dòng họ chú Hỏa (1). Với quyền lực, tướng Đôn chiếm biệt thự, chi một số tiền nhỏ rồi trả góp hàng tháng. Dung biết tướng Đôn tự kiềm chế dữ dội trong cuộc gặp gỡ cô. Ông ta vận quân phục và ngồi thật ngay ngắn. Hai người không phải xa lạ nhau. Tướng Đôn thích Dung, đôi lần ông ta nói với bè bạn, song ông đủ khôn ngoan để dừng ở mức ngắm từ xa vợ của viên đại tá nổi danh này. Trong đời, ông bẻ đủ loại hoa, có chủ hay không chủ. Ngay Trần Lệ Xuân cũng từng mặn nồng với ông. Vợ viên tư lệnh không quân từng hiến thân cho ông. Ông từng cưới bán chính thức với diễn viên điện ảnh đang lên. Ông ngủ với vợ hàng loạt sĩ quan. Nói chung, ông không thô bạo mà tỏ tình và “con mồi” nào ông nhắm đều không thoát. Hào hoa, đẹp trai, khỏe... Ông còn một số lợi thế. Tiểu khu trưởng Đà Lạt báo với Dung, mỗi lúc vợ ông ta về Sài Gòn thì lập tức có một – không phải một, mà hai ba – “bồ” thay thế trong các buổi nhảy thâu đêm. Bây giờ ông ngồi trước người đàn bà đẹp và phải trả lời các câu hỏi do người đàn bà ấy nêu ra. Tuy nhiên, ông không tỏ ra khúm núm hay e dè khi trả lời, Dung hiểu tướng Đôn là bậc “trên trước” trong hàng tướng, chỉ sau tướng Big Minh. Bị Nguyễn Chánh Thi làm nhục, Đôn căm tức - tại cuộc họp tại Bộ Tổng tham mưu và trại Hoàng Hoa Thám, ông ta sợ thật vì Thi dám đánh ẩu, bây giờ lên Đà Lạt, khi mọi sự lắng dần, ông tự đánh giá lại mình: sớm muộn gì người Mỹ cũng phải dùng ông; trong hàng các tướng bị gọi là “già”, Big Minh và ông vững thế hơn hết; mọi lộn xộn rồi sẽ qua thôi... Cho nên, vài ngày sau khi lên Đà Lạt, vào ngôi biệt thự lộng lẫy của ông, ông mở liền buổi dạ hội tưng bừng, mời bạn bè từ Sài Gòn lên chơi suốt sáng. Tin đó tới tai Nguyễn Chánh Thi, Thi hộc tốc bay lên Đà Lạt và hộc tốc chạy tới biệt thự. Đã 10 giờ sáng. Thi đá mạnh vào cửa, thét quân cảnh gọi Đôn ra. Đôn đã thức dậy, bảo quân cảnh trả lời là Đôn còn đang ngủ... Thi định xộc vào phòng Đôn, Đôn nói qua cửa hé: “Thằng nào ló đầu vào phòng riêng của tao, tao bắn còn nếu thằng đó tự cho mình là con trời thì cứ nổ súng trước; bằng không, nên mang bộ mặt láu cá ra khỏi nhà tao để khỏi bị bắt về tội định ăn trộm!” Thi tức điên ruột, song bộ hạ thân tín chỉ cho Thi xem ở phòng khách hàng đống danh thiếp, gồm các tướng Mỹ và nhân viên cấp cao của tòa đại sứ Mỹ... - Đ.M! – Thi chửi thề mà không biết phải làm sao. - Tên lưu manh đầu đường xó chợ nào vào nhà tao đó? Để tao gọi điện cho cố vấn quân sự Mỹ ở Đà Lạt nhờ quân cảnh Mỹ tới quét thứ dơ dáy này ra khỏi nhà tao... Thi xô cửa phòng ngủ và thấy tướng Đôn đang quay điện thoại thật... - Rút lui! – Tên bộ hạ thân cận của Thi bảo nhỏ và Thi rút lui. ° - Thưa trung tướng, trung tướng mang quốc tịch Pháp? – Dung đọc các câu hỏi. - Rồi sao? André Đôn, ai mà không biết. Cả nhà tôi đều tên Đôn. Như đại tá Nguyễn Thành Luân, Robert Nguyễn Thành Luân... - Trung tướng sinh ở Bordeaux? - Rồi sao? Dung không hỏi thêm sau mỗi câu “rồi sao” của Đôn. Cô làm công việc đơn thuần chuyên môn. - Người ta nói trung tướng muốn chấm dứt chiến tranh? - Ai nói? - Chấm dứt chiến tranh nghĩa là thương lượng với Cộng sản. - Nếu không tiêu diệt hết cộng sản thì phải thương lượng, chuyện con nít cũng hiểu. Mỹ không tiêu diệt được Nga Xô, Trung Cộng thì phải đặt quan hệ ngoại giao... - Trung tướng chủ trương trung lập ở Nam Việt? - Nếu ông Nguyễn Khánh tìm ra được một chỗ đứng nào hay hơn trong hoàn cảnh Đông Nam Á hiện thời thì bảo ông ấy tranh luận với tôi. Dung tắt máy. Cuộc “hỏi cung” chính thức xong. - Trung tướng nghĩ thế nào nếu Mỹ đưa vài trăm ngàn quân vào Nam Việt? Đôn nhún vai: - Tôi không ưa! - Quan điểm của trung tướng có được nhiều người chia xẻ không? - Bạn bè của tôi đều nghĩ như tôi. - Đây là một câu hỏi riêng của cá nhân tôi: trong đời hoạt động của trung tướng, đến hôm nay, trung tướng thấy mình hối tiếc điều gì nhất? Đôn cắn môi một lúc. - Ít nhất, có ba trường hợp tôi hối tiếc: một, không sát cánh với tướng Nguyễn Văn Hinh khi ông Diệm còn bấp bênh; hai, để anh em ông Diệm chết; ba, bị thành công cuộc cách mạng 1-11 lóa mắt không đề phòng phản bội... Tất cả do tôi non về chính trị. Tôi ngán binh nghiệp và muốn hoạt động chính trị hơn. - Bà cho phép tôi gởi lời hỏi thăm đại tá. – Đôn tiễn Dung ra bậc thềm. - Cám ơn trung tướng... Thế nào rồi Trung tướng và nhà tôi cũng gặp nhau thôi! – Dung nói, ý nhị... - Gặp nhau về phương diện nào? Gặp mặt hay cùng chung suy nghĩ? – Đôn hỏi lại, hóm hỉnh. - Có thể cả hai nghĩa... Và, trước khi Dung lên xe, Đôn trở lại cái quán tính trong người ông ta; ông cầm bàn tay, mỗi ngón thon dài, trắng nuột của Dung đưa lên môi hôn. Ông ta còn tham vọng... Muốn trở thành chính khách. Dung đánh giá tướng Đôn. ° Cuộc “hỏi cung” tướng Tôn Thất Đính ồn ào nhất. Khi hoàn hồn rồi, lại bị tống lên xứ Pleiku núi non trùng điệp, tướng Đính nổi đóa. Tư lệnh vùng II thường đến chào ông và lần nào cũng bị ông chửi bới vuốt mặt không kịp. Tôn Thất Đính luôn mở đầu câu chuyện bằng công lao lật đổ Diệm và xỉ vả Nguyễn Khánh không tiếc lời. Đính nhậu, chơi gái và phần thì giờ còn lại thì chìm đắm trong ván bài tứ sắc, thứ mà Đính đam mê. Pleiku không có nhà to, nhưng quan chức địa phương vẫn phải thuê cho Đính một biệt thự tốt nhất. Khách khứa không ngớt. Vợ Đính thỉnh thoảng lên thăm chồng - một phụ nữ đẹp, thùy mị, nhưng vợ chồng không ở chung lâu - vợ Đính về Sài Gòn và Huế để còn lo nhà cửa. Đính phục Luân nên nể Dung. - Tụi nó lo chỗ ăn ở cho bà có đàng hoàng không? – Đính hỏi. Dung trình bày nhiệm vụ của mình, xin lỗi Đính và mở máy. - Bà cứ mở máy... Tôi chẳng thèm dấu diếm... - Đính liếc qua các câu hỏi, xếp tờ giấy lại – Tôi không trả lời từng câu, thẩm vấn tôi? Chính tôi mới đủ tư cách thẩm vấn thằng Khánh. Còn thằng Thi, nó là con rận. Tụi Vĩnh Lộc, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ hở? Đồ cặn bã. Tôi chống Cộng. Tôi chống độc tài, độc tài Ngô Đình Diệm hay độc tài Nguyễn Khánh tôi đều chống. Tôi là hoàng tộc. Tôi biết đánh giặc, tôi biết thắng giặc. Tôi... tôi... tôi... Rồng rặc “tôi” trong cả băng ghi âm C.90 - Mỹ lầm nên sài thằng Khánh. Nó sẽ cho Mỹ sạt nghiệp... Tôi chẳng trung lập, chẳng thân Pháp... Còn lợi dụng tiền bạc? Tôi có một nhà ở Đà Lạt, vùng chiến thuật xây cho tôi. Đừng bày đặt hỏi vụ tiền bạc. Tôi không phải thằng ăn mày, tôi giàu, vợ tôi giàu. Về tiền bạc lem nhem, nên hỏi cung thằng Thi, thằng Ky, thằng Khánh. Thằng Kỳ buôn lậu á phiện với Francisci. Chị nó là trạm chuyển hàng lậu ở Savanakhet. Thằng Thi moi trong đống rác kiếm xương cá đầu tôm ở Nam Vang, về nước có nửa tháng mua liền hai biệt thự. Thằng Khánh chứa gái điếm ở Pleiku này... Tôi mà được Mỹ trả tự do, nắm quyền, tôi bắn ráo mấy thằng phản phúc... Bà đừng xóa chữ nào trong băng và, nếu bà cam đảm, xin in một bản gửi cho đại sứ Cabot Lodge hoặc cho tướng Jones Stepp... - Đây là câu hỏi riêng của tôi. – Dung tắt máy - Người ta nói ông Diệm vì tin trung tướng mà chết... Nói cách khác, trung tướng phản bội... - Tôi đợi bà hỏi câu này... Tại sao tôi phải trung thành với ông Diệm? - Ông từng được ông Diệm xem như con nuôi... - Thế đại tá Luân không phải là con nuôi của giám mục Ngô Đình Thục đó sao?... Tuy vậy, tôi phản đối giết anh em ông Diệm. Chắc đại tá Luân cùng quan điểm với tôi. Dung chào từ biệt Tôn Thất Đính. - Về phần tôi, bà sẽ thấy, người ta sẽ xin lỗi tôi và khôi phục danh dự cho tôi. Ở Việt Nam, không dùng tôi trong việc quân thì dùng ai? Cũng như việc chính trị, không dùng đại tá Luân thì dùng ai? ° - Tôn Thất Đính còn rất hăng máu mà rất lông bông. - Thùy Dung nhận xét với Luân khi về đến Sài Gòn Nghe xong các băng, Luân nói: - Đây là những con người của ngày hôm qua... --- (1) tức Hui Bon Hoa, một đại tư sản người Hoa tại Sài Gòn đầu thế kỷ XX