Không hiểu bằng cách nào mà thằng Sơn gom được nhiều người thế. Việt đến từ sáng sớm, đã thấy Sơn và mấy đứa nữa ngồi hút thuốc ngoài sân. Không khí trong lành mát mẻ. Sơn bảo ngồi xuống đây, và nhích mông cho Việt ngồi bệt lên bệ của bồn nước có nàng thần vệ nữ đứng trơ trọi ở giữa. Mùa này đài phun nước không hoạt động. Nhìn qua vai Sơn, thấy một thằng râu tóc rậm rịt đang nhả khói, ngoác miệng cười hỏi nhận ra ai không. Việt cố hình dung rồi lắc đầu ngượng nghịu. Thằng Sơn vỗ vai Việt. Mày không nhận ra nó đâu, nó là thằng Kiều Tí. Việt lăn ra cười. Thằng Kiều Tí đến năm lớp mười hai vẫn ngồi trên bao gạo bố nó chở trên xe đạp đi ngang qua cổng trường vào khu tập thể của giáo viên. Mặt nó thời đó nhẵn nhụi như mông em bé. Bây giờ ngồi cạnh Sơn là một thằng nhiều râu nhiều tóc vai nhô lên lực lưỡng. Kiều Tí cười, phun khói thuốc tự hào: Tao lớn chậm. Lác đác có vài đứa nữa ngơ ngác đến, nhìn thấy Sơn mừng hú lên: Đây rồi. Mười lăm năm kể từ ngày ra trường. Sơn thật giỏi. Chẳng biết nó có đi xem ngày không mà thời tiết thật tuyệt vời. Mấy hôm trước mưa phùn lạnh cắt da cắt thịt. Việt lâu lắm rồi không quen với cái lạnh miền Bắc. Việt ở lì trong nhà, nước mũi chảy sụt sịt. Buồn cười, ở xứ lạnh về mà không chịu được cái rét mưa phùn ở đây. Nhận được điện thoại của Sơn, Việt dè dặt. Ừ, sẽ đến. Mười mấy năm rồi không liên lạc. Sơn ào ào, đến nhé, sẽ gặp lại nhiều người đấy. Nắng lên. Nắng mùa đông vàng như mật ong. Ai ví như thế nhỉ? Không khí quanh bồn nước đã rất nhộn nhịp, ùn ùn người kéo đến. Rú lên. Nhảy cẫng. Ôm nhau. Cười ha hả. Xuýt xoa. Sơn thu được rất nhiều tiền khi lôi thằng Kiều Tí đi hỏi "Đố biết ai đây, đoán được cho một trăm, không đoán được mất một trăm". Một trăm phần trăm không đoán được thằng bé phúng phính ngày xưa bây giờ thành thằng đàn ông cao dềnh dàng, mặt mũi bặm trợn râu tóc. Có cô nàng ré lên, ôi nếu tớ biết bạn sẽ thành đấng nam nhi thế này thì tớ sẽ "dấm" bạn từ trước. Kiều Tí mắt long lanh: Chưa muộn đâu. Cả bọn lại ồ lên, được đấy! Việt vẫn ngồi một chỗ, cười cười mỗi khi có ai chạy đến: Việt hả, mới về à? Ừ, mới về. Long thân mật chạm vào vai Việt: Ông già nhanh quá đấy. Việt lại cười, so vai, lắc lắc cái đầu bạc. Từ hồi là học sinh, Việt đã tóc bạc lốm đốm. Phương hay trêu: Ông già ơi! Phương đâu nhỉ? Việt đang phấp phỏng. Một lý do níu Việt ngồi yên đầy mặc cảm bên cạnh nàng vệ nữ khô khốc là ý nghĩ về Phương. Phương bây giờ trông thế nào? Các bạn nữ hôm nay Việt đều nhận ra mặc dù mười lăm năm đã biến đổi các cô thiếu nữ ngày nào. Trời ơi sao các bạn tôi xinh thế này. Thằng Hưng rên rỉ. Nó chen vào giữa, vòng tay ôm eo hai nàng bên cạnh. Loan, Thu cùng véo tai Hưng, mắng: Vẫn cái bệnh týp phờ nờ. Hưng lại chạy sang nhóm khác, giật áo giật tay các cô nàng đang bừng bừng trò chuyện. Sơn chạy lăng xăng, hò hét mọi người đừng đứng ngoài sân nữa, hãy vào trong hội trường. Toàn nháo nhác giật tay Sơn "Các thầy đã đến chưa?". Sơn khoát tay: Thằng Huy đi đón rồi. Mười giờ mười lăm phút. Chiếc xe Camry 2.4 lướt vào sân. Sơn chạy vội ra mở cửa. Cả bọn ào ra ôm lấy các thầy. Việt muốn khóc. Thầy Hùng đi không vững, níu vào vai Long. Việt nhớ nụ cười hóm hỉnh của thầy, cái thước kẻ dài khoát một vòng rộng mỗi lần kẻng báo hết giờ: "Chúng mày khuếch tán ra ngoài kia đi". Thầy Tuấn vẫn hoạt bát nhanh nhẹn nhưng hai bên thái dương tóc bạc trắng. Ngày xưa các bạn gái lớp Việt cứ mê mải nhìn thầy giảng bài, một tay đút túi quần, một tay viết những dòng công thức hóa học lên bảng đen. Phương cũng rất mê thầy Tuấn. Năm cuối cấp, cả khóa của Việt buồn lòng thất vọng vì môn thi tốt nghiệp không phải là môn Hóa, nếu không, cả khóa chắc đều kiếm điểm mười. Thu thì thầm hỏi Sơn: Các thầy khác đâu? Sơn nghiêm trọng: Các thầy bận quá, thôi để lần sau. Tất cả đã tập trung trong hội trường. Sơn nhảy lên sân khấu, e hèm xin phát biểu. Cả bọn gật gù, cho mày nói, mày đã rất vất vả để tổ chức buổi gặp mặt hôm nay. Thằng Sơn vẫn chứng nào tật nấy, phát biểu dài dòng quá. Ở dưới có đứa giậm chân sốt ruột. Sơn có vẻ nhận ra dấu hiệu của một cuộc bạo loạn, đành mời thầy Tuấn phát biểu. Các bạn nữ lại đắm đuối nhìn thầy. Thầy Tuấn bảo thầy rất xúc động được dự buổi gặp gỡ hôm nay. Thầy bảo nên chọn ngày này là ngày gặp thường niên để lần sau không cần có người đón thầy vẫn tự nhớ ngày mà đến. Ở dưới có tiếng lảnh lót: Thầy hát một bài đi thầy ơi! Thầy Tuấn cười: Hôm nay thầy đau họng, để lần khác. Năm sau chúng mình nên chọn phòng rộng hơn để thầy còn có dịp mời bạn Thuận một điệu nhảy. Bạn Thuận - bạn lảnh lót lúc nãy - nước mắt tràn qua mi: Thầy còn nhớ tên em? Khi Việt đã thôi phấp phỏng về Phương thì Phương đến. Ngồi sâu trong góc, Việt nhìn Phương gỡ túi khỏi vai, ngồi xuống bên thầy Hùng. Tóc thẳng vén qua tai, Phương hầu như không thay đổi. Việt ngồi lút sâu trong ghế, nhìn Phương nghiêng mặt. Như mười mấy năm trước đây, Việt hay tơ lơ mơ nhìn qua cửa sổ, ô cửa bên kia có khuôn mặt nghiêng của cô bạn lớp A2, tóc thẳng vén qua tai, nhìn chăm chú lên bảng. Khoảng cách giữa hai lớp là cây đa cổ thụ, rễ rủ xuống lòa xòa. Cả khóa chỉ có bốn lớp chuyên, mỗi lớp chỉ lơ thơ hai chục đứa. Các thầy cô giáo hay đem chuyện của lớp bên này kể cho lớp bên kia. Lớp của Việt ít con gái, lớp Phương lại hiếm con trai. Đến giờ học môn kỹ thuật, hai lớp A1 và A2 nháo nhào đổi chỗ. Con gái lớp Việt sang A2 học môn nữ công. Con trai lớp Phương sang A1 học môn kỹ thuật công nghiệp. Bọn con trai lớp A2 được chiều chuộng quen, cứ lười nhác ngồi túm tụm một chỗ, không lăng quăng thử máy tiện máy bào như con trai lớp Việt. Phương đang nói gì với thầy Hùng? Ngồi quá xa Việt không đoán được những lời môi Phương mấp máy. Hình như Phương khóc. Căn phòng quá ồn ào. Rượu tuôn như suối. Sâm-panh đỏ nổ khai cuộc và dành cho các bạn gái. Cánh đàn ông dùng Sminop. Cánh đàn ông khóa I của trường năng khiếu. Bây giờ chỉ nhìn cũng thấy sự thành đạt. Những Sơn, Long, Huy, Trường, bụng đã phệ, mặt đã bóng lên. Nghe nói Huy giàu nhất. Thằng này là sếp của tôi - Long giới thiệu. Huy lầm bầm: "Xếp xó". Trong cuộc liên hoan hôm nay, Huy là chân chạy lon ton: đưa xe đi đón thầy, liên hệ mua rượu, đặt tiệc, chạy ra đón bạn nào đó không tìm được địa chỉ. Long nháy mắt với Việt: Mấy khi được sai phái "Sếp". Sếp ở cơ quan nhưng đến đây là lính trơn thôi. Trật tự của mười lăm năm về trước được lập lại. Thủ lĩnh là những Sơn lớp trưởng, Nam bí thư, những người được kính nể là những tay khét tiếng học giỏi trong trường như Việt, như Dũng, như Tuấn. Việt thấy Phương nhìn quanh tìm kiếm. Mắt của Phương không quét tới góc tối này. Đừng đến đây. Việt nhìn cắm vào cốc rượu trắng. Thằng Sơn vô duyên nhăn nhở ghé tai Việt: Phương kìa. Việt lắc đầu. Cả khóa biết tình yêu của Phương - Việt. Các thầy cô giáo biết, cũng như biết cả tình yêu của một tá các đôi khác luẩn quẩn yêu nhau trong bốn lớp A1, A2, A3, A4. Không hề bị cấm đoán. Có lần cô Hương hiệu trưởng còn hỏi Việt: Mày học hành thế nào mà để con Phương nó chê thế. Đấy là vòng thi thứ nhất để vào đội tuyển toàn quốc. Những cơn mơ bay bổng khiến Việt chú ý đến vành tai vén tóc của cô bạn hơn là bài thi vòng một. Phương chê thẳng thừng: Ông già ơi sao kém thế. Không phải vì Phương chê, nhưng Việt cũng sực tỉnh để các vòng thi tiếp theo luôn đứng số một. Số một của lớp A1 đoạt giải toàn quốc rồi đi nước ngoài. Mười lăm năm gặp lại ai cũng hồ hởi: Việt, thế nào rồi? Đám đông thành đạt ồn ào chúc tụng nhau. Sơn mặt đỏ gay gắt hể hả với thành công của buổi gặp mặt. Chỗ này gọi Sơn ơi, chỗ kia gọi Sơn ơi. Sơn thì đang cười khành khạch chê thằng Sinh lắm đất ít tiền. Nhiều đất mà làm gì? Sơn lý luận - Lúc anh em gọi nhau đi uống chẳng lẽ lại xén một mét đất bán đi? Cứ một nhà một vợ một con là sướng nhất, còn sức và thời gian để nhậu với anh em!!! Dô, dô, dô - đám con trai gào lên hưởng ứng. Các bà mệnh phụ phu nhân bĩu môi lườm âu yếm. Một tá các đôi yêu nhau của khóa I đã thành vợ thành chồng. Kỷ lục. Lẽ ra kỷ lục đó phải là một tá cộng một. Một đôi mắt đang nhìn Việt. Việt nhìn chăm chăm vào cốc rượu. Giống như mười lăm năm trước Việt chăm chú nhìn thẳng lên bảng khi cửa sổ bên kia có một ánh mắt ấm áp đang nhìn. Giá mà được tan chảy ra như những viên đá nhỏ đang tan chảy trong ly rượu này và biến mất. Việt đã một lần biến mất suốt ba bốn năm ròng sau cơn chính biến của nước Nga. Nhà quốc hội bị nã pháo còn bọn sinh viên như Việt bỗng chốc bị quăng ra đường nếm mùi đói khát. Nghìn ngày mong manh giữa sống và chết, lưu lạc lang thang từ miền này tới xứ nọ. Việt đã nghĩ không còn ngày trở về. Lần này về hẳn chứ? Vẫn là Long ân cần chạm nhẹ vào ly rượu đang toát mồ hôi trong bàn tay nắm chặt của Việt. Về thì chẳng biết làm gì. Việt chua chát. Long khoát tay: Cả khóa bọn mình từng kia đứa, ông lo cái gì? Rồi Long cười to: Ông chỉ cần mỗi ngày nhậu với một đứa đã hết tháng rồi. Long đứng lên, đặt tay lên vai Việt: Tôi nói chân tình đấy, về đi. Những ngày còn lại trước khi lên máy bay Việt dành đi thăm họ hàng cùng bố mẹ. Đến nhà nào mẹ Việt cũng cười ròn rã nửa đùa nửa thật nhờ làm mối cho Việt một cô. Hôm trước khi lên đường, Việt mang đến nhà Long một gói, nhờ gửi cho Phương. Long chối đây đẩy, bảo mày tự mang đến đi, tao không thích làm cái bung xung ở giữa đâu. Lần sau tao sẽ tự làm - Việt thuyết phục - tao vẫn chưa lấy được tự tin. Long càu nhàu mãi, tận lúc tiễn Việt ra cổng. Long điện thoại cho Phương, bảo lúc nào có thời gian thì báo Long đến gặp, đưa quà của Việt. Điện thoại đặt xuống nửa tiếng đã có tiếng chuông cổng. Vẫn cái tính tò mò cố hữu, Long nhòm vào cái gói đã mở tung giấy còn Phương thì mặt úp vào hai bàn tay, vai rung nức nở. Trong gói giấy mở tung ấy, một quyển truyện bìa tím nhạt giấy đen in từ lâu lắm: "Hạt chưa nảy mầm xanh thì có chết bao giờ". Long thở dài nhẹ nhõm, xuống bếp lấy nước. Phương khóc rồi sẽ thấy thoải mái hơn. "Hạt chưa nảy mầm xanh thì có chết bao giờ" - cậu Việt này ghê thật, Long nghĩ, thấy lòng mình thơ thới, nhẹ nhõm hơn bao giờ hết.