Xe vượt qua khỏi đỉnh đèo hơn bảy cây số đường quanh co khúc khuỷu. Những cành củi khô mục bị nước cuốn nằm ngang dọc hai bên đường đi sau một trận mưa dông đầu mùa như trút nước. Chạy thêm vài cây số, tôi nhìn xuống bên dưới cánh đồng, nước lõa trắng bờ ruộng vừa gieo xong.
Rác rến đóng thành từng ụ lớn quanh hai bờ còn đang cày dở, tấp cả vào những luống cày. Hai bên sườn núi khói đá che trắng cả những tán cây cổ thụ ít ỏi còn sót lại sau chiến tranh. Núi rừng vừa tắm gội xong. Một màu xanh biếc tít tắp trải rộng xa xa.
Cảm giác gần về tới nhà đang thôi thúc như xóa đi cái mệt nhọc trong tôi sau khi phải ngồi trên con ngựa sắt gần tám mươi cây số đường lồi lõm chênh vênh, được làm cách đây hơn ba mươi năm.
Vứt chiếc túi xách ở góc nhà, tôi ngả mình trên chiếc giường tre cũ, hít một hơi thật sâu, châm điếu thuốc, miên man nghĩ. Nhìn làn khói trăng trắng bay trên trần nhà, chợt nhớ đã mười năm rồi rong ruổi nơi thành thị. Học hành cũng không đến nỗi nào mà cứ mãi ôm cái tấm bằng cử nhân đi làm thuê lòng vòng khắp chốn.
Ngày đó lên thành phố học trong người tôi không có đến một triệu đồng. Học phí kỳ đầu tiên đã ngốn đứt hết tám trăm ngàn. Và cũng từ cái ngày đó, tôi sống bằng một khát khao cháy bỏng, bằng một ước mơ mãnh liệt, rằng ngày mai đây không còn phải suốt đời cày sâu cuốc bẫm, sáng nón úp chiều nón ngửa, cuộc sống mà mẹ đã tảo tần vượt qua, nuôi tôi những năm đói kém đến trơ xương.
Những nỗi lo toan tương lai của tôi có đáng gì so với khuôn mặt khắc khổ của cha. Từ ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển đại học và được gọi nhập học, khuôn mặt cha càng hốc hác, cha ít nói hẳn, đêm đêm say nhiều hơn tỉnh. Cả đời nội đi làm thuê. Cha cũng đi làm thuê, không được học. Năm mười lăm tuổi, cha đã theo nội đi rừng lấy gỗ, trở thành người đẽo gỗ đẹp nhất làng. Cuộc sống dẫu cực nhọc cứ thế quây quần đầm ấm.
Từ ngày có lệnh đóng cửa rừng, cha và nội được qui đổi thành lâm tặc. Bỏ chiếc rìu trên gác bếp, cha vác cuốc đi làm thuê. Ngày cuốc ruộng trỗi, ngày đào gốc chuối, bữa đi trồng sắn. Sáng ra đồng từ sáng tinh mơ, cỏ non còn mờ sương phủ. Chiều về trên cán cuốc lủng lẳng một xâu cá rô thia mấy chục con. Thế là tối hôm đó cả nhà được một bữa cá rô kho lá nghệ tươi ngon hết biết.
Ngày ấy, vào những chiều mưa to nước lõa trắng bờ như chiều nay là cha đi tìm bã mía, bó thật chặt bằng dây nhựa. Khoảng mười giờ tối, tôi theo sau lưng cha, vai vác bó bã mía, tay cầm giỏ đựng ếch. Cha đi trước tay cầm bó đuốc bã mía, tay cầm rựa. Hai cha con thẳng tiến ra cánh đồng bên mương thủy lợi.
Cha bắt ếch nhanh như chớp. Chỉ cần nghe tiếng ộp ộp từ đằng xa ông đã biết ngay ếch cạn hay ếch tre. Ếch ở trên cạn da vàng ươm, con to nắm tràm cả bàn tay. Ếch tre da màu sẫm, nhỏ hơn, im bặt khi nghe tiếng chân người. Đôi mắt cha như sao băng, chỉ cần nhìn thoáng qua ánh đuốc bã mía, cha từ từ đặt chiếc rựa xuống bờ ruộng, rồi nhẹ nhàng như lính đặc công đi trên lá rừng khô, cha vươn mình như mũi tên bay tới nắm gọn chú ếch trong tay.
Bó bã thứ hai chưa tàn hết một nửa, giỏ ếch đã nặng trịch. Đêm đó hai cha con làm ếch lộc cộc đến gần tận gà gáy sáng. Món ếch kho dứa chua chua ngọt ngọt mà sáng nào ăn cơm đi học tôi cũng lâng lâng cả người. Đợi cho buổi học qua nhanh, về nhà tôi lại chơi tiếp nồi cơm nguội cùng món ếch kho tối qua.
Đang mải mơ màng, chợt tôi nghe ịch một tiếng. Mẹ đặt gánh bắp đỏ nặng trịch xuống nền nhà.
- Con về khi nào đấy?
- Dạ, con vừa mới về, mẹ đi bẻ bắp về!
- Ừ, mấy sào bắp ngoài ruộng cạn mới vừa khô xong, chưa kịp bẻ gặp trời mưa không chừng trổ mộng hết.
Mẹ vừa nói tay vừa vung cái thúng đổ bắp xuống nền nhà. Tôi giúp mẹ đổ thúng còn lại.
- Cha đi làm ở đâu hả mẹ?
- Cha mi đi phát băm thuê cho họ trồng rừng. Dạo này người ta trồng rừng ghê lắm. Núi rừng hôm nay có chủ hết rồi. Mai mốt không biết tìm củi ở đâu đây? Kẻ phát rừng trồng gió lấy trầm. Người phát rừng làm trang trại trồng quế trồng lan. Ở thành phố người ta làm chi mà tiền dữ quá. Tiền chơi cảnh cũng bằng tiền nhà mình làm mấy năm.
Ông Hai mới chở cả xe cây cảnh ra bán thoáng cái sạch trơn. À, sao mi không thử đi buôn cây cảnh? Làm mấy năm nay chẳng thấy dư đồng nào, hay là thử một chuyến biết đâu ông trời ngó xiên cũng không chừng?
Mẹ cứ huyên thuyên mãi chuyện của ai đâu đâu. Tôi khỏa lấp cho qua chuyện, cứ để như thế mẹ nói mãi đến tối quên cả nấu cơm.
- Ngoại có khỏe không mẹ?
- Ông ngoại mi cứ thế, có điều chiều nào cũng uống. Ở nơi xa xôi lỡ trúng gió nửa đêm không ai biết. Tao nói miết mà ổng đâu có chịu, thôi đành vậy... Tuổi già mà... - vừa nói mẹ vừa lắc đầu thở dài, tay cầm ly nước chè đứng chống nạnh nhìn ra phía cánh đồng xa xăm. Trên gương mặt mẹ chỉ thấy đôi gò má đen sạm gầy tóp. Chiều xuống, đã thấy tờ mờ khói lam trước ngõ.
- Á, mà chắc chiều nay mưa to, ông thả cá nhiều đấy! Mi chạy qua thử xem.
Nhà ngoại nằm cách nhà tôi hai cánh đồng rộng. Ngoại đã ngoài bảy mươi nhưng còn khá minh mẫn. Từ ngày cậu út bỏ học đi lấy vợ, ông bà ngoại vẫn ở trong căn nhà nhỏ sát ven đồi. Con đường đến nhà ngoại dù gai góc khó đi nhưng tôi lướt khá nhanh vì đã thuộc đến từng bước chân từ ngày còn đi giữ trâu.
Đúng là mẹ đoán như thần. Một xanh cá rô to tướng kho lá nghệ sôi lạch tạch trên bếp lửa thơm phức. Nồi cơm gần chín dần bên bếp than đỏ rực cũng sắp đến vòng. Thấy tôi cứ mãi loay hoay, lục đục trong bếp, ngoại dựng cái cuốc bên gốc mít, hai tay chống nạnh cười to.
- Ở thành phố không sướng về đây làm gì?
Rồi ngoại đến vò vò đầu tôi như những ngày tôi bé xíu. Mà tôi cũng bé xíu thật, bên ngoại có lúc nào tôi trưởng thành đâu.
- Ngoại đi đâu về đấy? Bà ngoại con đi đâu? - tôi ôm cái lưng cong xương xóc nhưng chắc nịch của ngoại, vừa hỏi vừa đong đưa một lúc.
- Lại rót cho ông ly nước chè. Bà ngoại mi đi cắt mấy nhánh chè, mấy ngọn rau muống bên khe. Sáng mai đi chợ mua ít mắm. Còn tiền thì mua rượu, hết thì thôi. Nói vậy chứ bà ngoại mi biết ý ông rồi. À, tối nay ở lại đây ăn cơm với ngoại nghe con. Má mi ở nhà ăn với thằng út cũng được. Sáng nay bà ngoại con đi chợ có mua lít rượu mạnh để ông dầm chuối hột đó. Mà mi có uống rượu được không hay ở thành phố uống bia quen rồi?
Nói nói cười cười, ngoại vẫn cái u mặc ngạo nghễ đó, thế mà bao lớp học trò trong làng này ngày xưa dù có đi đến đâu khi trở về làng là đến với ngoại. Hai vợ chồng già quyết bám trụ mảnh vườn, mặc cho thử thách của gió sương và tuổi tác. Quanh năm ông bà ngoại sống bên khe nước hiền hòa trong vắt. Trưa hè nghe tiếng chim cu gật gù gáy, đêm đông có tiếng côn trùng rả rích làm bạn.
Tuy giận cậu út nhưng có được con cá đồng hay trái chuối chín ngoài vườn ngoại cũng để dành gửi ra cho vợ chồng cậu ngoài thị trấn. Với chòm râu trắng xóa, vầng trán mênh mông, mái tóc chỉ còn một nửa, đôi mắt vẫn sáng, giọng nói vẫn sang sảng, ngoại vừa giống một thiền sư vừa giống một ông đồ già.
Bữa cơm tối bên ngọn đèn dầu liu hiu, bà ngoại lấy cái mo cau che gió. Bếp lửa vẫn còn đầy than hồng. Tôi cho thêm vào mấy khúc củi trâm bầu, một lúc sau cả nhà sáng rực. Ngoại cho tôi uống rượu chuối pha một múi sầu riêng đánh nhuyễn, hương vừa thơm vị lại nồng. Càng uống càng ngất ngưởng tê cả người.
Ngoại cười bảo “uống ngon vậy chứ say lâu tỉnh lắm đấy!”. Mấy khi ngoại cho phép. Có say cùng ngoại cũng xứng đáng; còn hơn cả trăm ngàn lần say với những kẻ sống ở thị thành, có trình độ hẳn hoi nhưng chuyên “ăn thuê uống mướn” nhiều đếm không xuể. Những kẻ sẵn sàng biến buổi nhậu thành cái chợ thông tin vô bổ và độc hại, có thể làm hại bao người khác.
Đặt ly rượu vừa uống xong xuống bàn, ngoại hỏi:
- Sao từ chiều đến giờ ông thấy mi chẳng vui? Thất tình à? Mà sao hôm nay thứ năm con lại rảnh rỗi về đây thăm ngoại?
- Dạ, con được nghỉ phép mười ngày - tôi trả lời lấp lửng nhưng khó qua mặt được ngoại.
- Công việc gặp rắc rối à?
Đến đấy tôi đành thú thật.
- Con bị kỷ luật.
- Sao thế? - ngoại đặt ly rượu uống dở xuống bàn.
- Dạ, họ cho con là người coi thường lãnh đạo, ngông cuồng, bướng bỉnh... đại loại là đủ thứ khuyết điểm.
Mọi chuyện bắt nguồn từ những cuộc nhậu chiều thứ sáu. Nhưng tôi đâu có ngờ đó chính là những cuộc thi mà ban giám khảo chấm điểm bằng tai. Những lần ấy, gã bán vải nói về nhuộm và dệt rồi thề thốt sống chết với ngành. Kẻ bán áo quần nói về đường kim nét chỉ rồi dạ vâng bằng lời lẽ còn hơn cả sự cầu kinh.
Còn cô bán tơ to gan phê bình cả lãnh đạo: “Tôi thay mặt cho hội phụ nữ cơ quan, đặc biệt phê bình đồng chí giám đốc thời gian gần đây làm việc quá sức! Đề nghị đồng chí giữ gìn sức khỏe để lo cho công việc chung”.
- Thế con nói gì? - ngoại gặng hỏi.
- Con chỉ cười vì biết nói gì. Nói như họ con không quen ngoại ơi!
Đến đấy thì ngoại cười thật to, rồi nói như thì thầm một mình:
- Ông nghe nói người thành phố ăn nói hay lắm. Mấy năm nay mi đi học hành ăn ở thành phố mà không học được câu nào sao, để giờ về đây than thở.
- Con giờ thấy ngao ngán lòng buồn ý loạn. Chưa biết chọn con đường đi nào. Nên sống sừng sững như cây thông giữa rừng hay nên đưa đón theo đời để khỏi phải khốn cùng? Nên về đây cày sâu cuốc bẫm sống vui hay lên thành phố sống xu nịnh, giao du với người vinh để cầu danh? Nên khúm núm a dua theo họ hay ngang tàng như con ngựa thiên lý? Con chẳng biết nữa...
Vắt những giọt rượu cuối cùng trong bình, ngoại bảo: “Con mang bình rượu rít lại đây. Trên đầu giường ngủ ông, dưới cái gối”. Tay lắc lắc chiếc bình, đôi mắt gần như sập mí, ngoại gật gù bảo:
- Con còn trẻ, cuộc đời bây giờ trôi cuồn cuộn như dòng nước. Đứng trên mặt nước để khỏi bị con nước nhấn chìm hay tự tay đào đất đắp đập ngăn sông thì tự con chọn. Nhưng miễn sao sống thực, đừng có làm càn. Sống thẳng nhưng không ngạo mạn kiêu căng. Mọi người ngồi cùng con trong bàn rượu ai cũng có cái hay cái dở.
Mai mốt con có gia đình, vợ con, rồi cuộc sống khốn đốn biết đâu con còn nói hơn thế nữa thì sao nào? Con người là thế: hạt bụi trong mắt kẻ khác thì thấy, còn cái gai trong mắt mình có nhận ra đâu. Không biết nói cũng là cái tội, trước hết là tội cho bản thân.
Không biết vì buồn hay do rượu đã thấm, ông ngả lưng nằm xuống chiếc võng gần bếp lửa sắp tàn, lẩm bẩm:
- Khuất Nguyên ngày xưa bị đuổi, ba năm không được gặp vua, tận trí tận trung mà bị gièm pha che lấp. Bỏ đường nào? Theo đường nào? Đường nào kiết? Đường nào hung? Đời hỗn trọc mà không thạnh thì cánh ve cũng là nặng mà nghìn cân lại khinh; cái chuông vàng thì bỏ nát còn cái nồi đất thì kêu vang, kẻ gièm pha thì tên tuổi cao trương mà người hiền sĩ thì không tên tuổi. Chao ôi! Biết nói gì đây? Biết ai trong sạch?
Tiếng thì thào của ngoại nhỏ dần nhỏ dần rồi im bặt, chỉ còn lại bóng đêm với tiếng côn trùng ngoài cánh đồng vang xa. Cuối cánh đồng chợt hiện ra một ánh đuốc lập lòe trong đêm tối u tịch.
 

Xem Tiếp: ----