Phần 3: Những năm tháng hoạt động cách mạng ở Trung Quốc (1935-1942)
P3 - Chương 1

Năm 1926, tôi qua Trung Quốc chỉ ở Quảng Châu độ hai tháng dự lớp huấn luyện và tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội rồi về nước công tác. Lần này qua Trung Quốc là được Xiêm ủy đồng ý cho đi để chữa bệnh, nhưng vì tình hình thay đổi, tôi phải ở lại công tác ở Trung Quốc từ năm 1935 cho đến năm 1942, tất cả là bảy năm. Để tiện cho việc trình bày, tôi xếp các hoạt động vào trong hai giai đoạn theo địa điểm và thời gian khác nhau. Giai đoạn thứ nhất là Từ Nam Kinh đến Côn Minh, giai đoạn thứ hai là Từ Côn Minh đến Pác Bó.
Giai đoạn thứ nhất: Từ Nam Kinh đến Côn Minh (1935-1939)
Giai đoạn này kể từ khi rời khỏi Xiêm tháng 3 năm 1935 do đến đầu năm 1939. Những hoạt động trong thời gian này sẽ được trình bày trong các mục nhỏ sau đây:
  • Trên đường đến Nam Kinh.
  • Hoàn cảnh mới, công tác mới.
  • Sinh hoạt và đấu tranh ở Nam Kinh.
  • Mất mối liên lạc với Xiêm ủy. Ở lại Trung Quốc.
I. Trên đường đến Nam Kinh
Đầu năm 1935, sau khi được Xiêm ủy cho phép qua Trung Quốc chữa bệnh, tôi và Tăng bạc đầu cùng đi một chuyến tàu qua Hương Cảng.
Đi tàu vượt biên đối với tôi là lần thứ nhất. Trời biển mênh mang, trong lòng vô cùng khoan khoái, trông về phía trước, tiền đồ rạng rỡ, đầy hứa hẹn.
Lúc gần đến Hương Cảng, Tăng bạc đầu kéo tôi ra ngoài boong tàu cùng dựa lan can, và nói: Đến Hương Cảng, chúng ta sẽ chia tay nhau. Tôi là người thuộc đường và thạo tiếng, không có điều gì lúng túng. Anh chưa chuộc đường, chưa thạo tiếng, nhưng cũng không ngại lắm. Lúc tàu đến bến, thả neo rồi sẽ có nhiều thuyền nhỏ, nhiều ca-nô đến đón khách, anh cứ xuống một chiếc ca-nô nào đấy cũng được, họ sẽ đưa anh về một khách sạn. Ở đó anh sẽ mua một tờ Thương báo xem mục quảng cáo về thuyền bè, thấy có tàu đi Thượng Hải thì mua vé ngay ở khách sạn đó. Nên mua vé “tài xoong” là loại vé rẻ tiền nhất, nhưng cần chú ý mua vé thuyền nào đi đến tô giới Anh, đừng mua vé thuyền đến tô giới Pháp, dễ bị nguy hiểm. Đến Thượng Hải, sẽ thuê một chiếc xe tay kéo đến “Bắc xa trạm”, đó là ga xe lửa đầu của tuyến đường Thượng Hải - Nam Kinh. Đến Nam Kinh cũng thuê một chiếc xe tay kéo đến nhà số 10 ở Tam Sơn Lý, đó là nhà ông Hồ Học Lãm.
Nói thì giản đơn, nhưng khi vào thực tế thì không giản đơn. Vừa bước chân xuống tàu đi Thượng Hải thì đã thấy vấn đề ngay. Thường thường, những người hành khách mua vé rẻ tiền, trước khi xuống tàu đã chuẩn bị thức ăn sẵn như củ cải muối, đậu phụ nhự v.v.., và mang sẵn chăn chiếu. Họ xuống tàu sớm đế chiếm chỗ tốt, đỡ bị sóng gió. Mình chẳng biết gì cả, đến nơi thấy quang cảnh mà ngao ngán, những chỗ tốt người ta đã chiếm và rải chăn chiếu sẵn, chỗ còn lại là những chỗ đầu sóng ngọn gió và là lối đường đi lại của mọi người. Đầu xuân, trời còn rét, gió biển thổi đều, trong người cảm thấy buốt lạnh, chưa biết tính ra sao.
Một bà già Quảng Đông đoán hiểu tâm sự tôi, có phần ái ngại. Sau khi chuyện trò thăm hỏi, tôi tự xưng là một Hoa kiều Quảng Đông, lần đầu tiên ở nước ngoài về nước, nên bà rất thương và hết lòng giúp đỡ. Bà giúp gọi người phục vụ ở tàu đến nói chuyện, thuê cho một chiếc giường xếp hết hai đồng, và đặt cho một suýt cơm năm ngày hết năm đồng, và cho mượn một chiếc chăn bông của bà. Cả trong thời gian ở dưới tàu, bà thấy tôi có gặp khó khăn gì, đều tích cực giúp đỡ.
Hôm đến Sơn Đầu, tàu cập bến mấy tiếng đồng hồ để lấy khách, lấy hàng và mua thêm thức ăn cung cấp cho hành khách. Bỗng có một người thiếu nữ đến trước mặt, đưa cho tôi một cái quạt. Tôi không hiểu tại sao trời lạnh thế này mà người ta lại đưa quạt, luýnh quýnh không biết đối phó ra sao, bà cụ liền dùng tiếng Quảng Đông nói gì với cô thiếu nữ ấy một hồi, cô ta bỏ đi, đến trước mặt người khác lại chìa quạt ra, mọi người đều làm thinh, tỏ vẻ không cần. Cuối cùng một người đàn ông đứng tuổi nhận lấy cái quạt, mở ra xem, rồi nói một câu gì đấy, cô thiếu nữ quay mặt về phía sau, ra hiệu gọi anh kép gảy đàn đến. Tiếng đàn và tiếng hát cùng nổi lên, hát khá hay, mọi người trong tàu nghe đều có phần chú ý. Hát xong, người đàn ông cho cô ta mấy hào. Bấy giờ mới vỡ lẽ, đây là một cô gái hát, cái quạt mà cô ta đưa cho người xem là một bản ghi các bài hát, điệu hát mà cô ta có thể hát được để cho khách chọn.

°

Tàu gần đến Thượng Hải, trông lên thấy san sát những lầu cao nhà lớn, đường sá rộng, xe cộ đi lại như thoi đưa. Người trên các đường gần bờ sông đông như kiến. Cảnh rất đẹp mắt, nhưng lòng mình vẫn phập phồng, nửa mừng nửa lo. Khi tàu chuyển mình ghé vào bến, trông thấy trên một tòa nhà cao có lá cờ tam tài bay phất phới. Thôi! Đây là tô giới Pháp rồi!
Không hiểu vì sao lúc mua vé người ta bảo tàu vào tô giới Anh, mà bây giờ lại cập bến tô giới Pháp? Thôi sự việc đã đến thế đành phải tự nhiên, bình tĩnh để nghĩ cách ứng phó.
Trước kia, đã từng được nghe câu chuyện Bác Hồ bị cướp ở Thượng Hải; Bác cũng từ Hương Cảng đến Thượng Hải, lúc đến bến, thuê một chiếc xe ngựa đưa tới chỗ ở, thì chính chiếc xe ngựa đó là của bọn cướp bố trí để đánh lừa khách. Nó đưa Bác đến một ngõ hẻm, dừng xe lại, chỉ cho Bác đi vào một gian nhà ở phía sau, mấy đứa trong bọn chúng lục soát người Bác rất kỹ, chỉ thấy có năm đồng bạc, chúng kêu lên một tiếng “thằng ma đói”, thụi một quả đầm, rồi đẩy Bác ra. Vì tình hình trộm cướp ở Thượng Hải, Bác đã biết trước, nên có mấy trăm bạc, Bác đã lót vào trong bít tất, chúng không tình thấy. Tôi cũng học kinh nghiệm đó, có mấy chục bạc đã giấu vào một chỗ kín, nên về vấn đề trộm cướp không sợ lắm, mà chỉ lo ở tô giới Pháp có thể xảy ra vấn đề gì không may.
Lên bờ, tay xách một cái va-li nhỏ, trong chỉ có một chiếc quần ngắn và một bộ quần áo lót, lướt qua một dãy xe kéo đỗ sẵn hai bên đường để đón khách, ra vẻ tự nhiên, hình như là một người đã quen thuộc lắm ở Thượng Hải. Đi một đoạn độ vài trăm thước, thấy một ông cụ già đang kéo chiếc xe không đi lang thang, trông vẻ mặt biết là người hiền lành, thật thà, tôi liền vẫy tay gọi đến rồi lên xe, rút trong túi một mảnh giấy viết sẵn ba chữ “Bắc xa trạm” đưa cho ông, ông xem xong, gật đầu một cái, rồi kéo đi ngay. Qua mấy dãy phố bỗng có một người khỏe mạnh kéo chiếc xe không, chạy song song với ông, hai người nói với nhau gì đấy. Tôi đâm hoảng, đang suy nghĩ thì cả hai chiếc xe cùng dừng lại, ông già chỉ vào chiếc xe kia, rồi giơ hai ngón tay cho tôi xem và ngả bàn tay ra trước mặt tôi. Tôi hiểu là ông đòi hai hào tiền xe. Bây giờ mới rõ vì đường xa, ông già không đi được, nên đã gọi người kéo xe khỏe mạnh kia, chuyển khách cho nhau. Đó là thói quen trong nghề nghiệp của những người kéo xe.
Đi qua mấy dãy phố khỏi tô giới Pháp đến đất Trung Quốc, lại qua mấy dãy phố nữa, nhìn về phía trước đã thấy ba chữ “Bắc xa trạm” hiện ra rõ ràng trên một tòa nhà, đó là nhà ga Thượng Hải. Đến ga, người kéo xe dừng lại và giơ tay đòi tiền. Ở trên tàu thủy tôi đã chuẩn bị đổi mấy đồng bạc ra tiền hào để sẵn trong túi, liền lấy ra bốn hào đưa cho anh ta, anh ta lắc đầu, tôi đưa hai hào nữa, anh ta lại lắc đầu, tôi đưa thêm hai hào nữa, anh ta gật đầu, cười một cách vui vẻ, rồi kéo xe đi.

°

Ở Bắc xa trạm, chờ độ ba tiếng đồng hồ thì mua được vé và lên tàu di Nam Kinh. Tàu sắp đến Hạ Quan (ga ở Nam Kinh), thì những người phục vụ các khách sạn đã nhảy lên xe giành khách. Một người đến gần bên tôi hỏi có ở khách sạn không? Tôi gật đầu, anh ta liền dán miếng giấy có nhãn hiệu của khách sạn vào chiếc va-li của tôi, và như vậy mọi việc đi từ ga đến khách sạn họ sẽ thu xếp.
Nhà khách sạn này là một khách sạn loại vừa ở một phố nhỏ, cách ga gần một cây số. Đến khách sạn vào khoảng bảy, tám giờ tối, người phục vụ đưa tôi vào một cái phòng chỉ cho ở đấy, rồi một chốc thì có cơm mang đến. Ăn cơm xong, tôi chuẩn bị nghỉ, thì một phụ nữ đã đứng tuổi xách một cái thùng sơn son để vào dưới gầm giường, im lặng bước ra. Lại một người phụ nữ nữa bước vào, tôi tưởng đây lại là một người phục vụ khác đến có việc gì, không ngờ chị này đến ngồi sát ngay người tôi, cười nói vồn vã, rồi khoác tay ôm lấy tôi. Bấy giờ mới biết đây là gái điếm, tôi liền đứng phắt dậy, đẩy nhẹ chị ta ra ngoài cửa, đóng cửa lại, xem xét qua trong phòng một chút, rồi nằm nghỉ.
Đến Nam Kinh là đã đạt được chỗ mục đích, bây giờ không còn lo lắng về mặt chính trị nữa. Nhưng ngày mai sẽ như thế nào. Có đến được nhà ông Hồ Học Lãm như Tăng bạc đầu đã nói không? Không gặp được ông ấy thì sao? Suy nghĩ nhiều, nhưng khuya rồi, cũng đánh một giấc cho đến sáng.
Hôm sau dậy sớm, để chuẩn bị cho đoạn đường sắp đi. Chừng khoảng bảy, tám giờ, người phục vụ khách sạn gõ cửa vào hỏi có ăn cơm sáng không, tôi lắc đầu, và đưa ra một tờ giấy viết sẵn mấy hàng chữ Trung Quốc, đại ý nhờ khách sạn thuê cho một chiếc xe tay kéo đến số nhà 10 Tam Sơn Lý trong thành phố. Anh ta liền xuống dưới nhà đưa lên một tờ giấy kê rõ số tiền mình phải trả:
Tiền phòng: 3 đồng
Tiền cơm tối: 1 đồng rưỡi
Hành lý: 5 hào
Mã thùng: 5 hào
Tôi xem không hiểu mã thùng là gì, lấy bút đánh một dấu hỏi ở bên. Anh ta lấy tay chỉ vào cái thùng sơn son để dưới giường mà người phục vụ tối hôm qua đưa đến. Tôi lại viết mấy chữ hỏi cái thùng ấy để làm gì? Anh ta cười mở nắp thùng ra xem, rồi đậy lại và lấy bút gạch bỏ chỗ ở trong giấy viết “mã thùng 5 hào”. Thế là tôi chỉ phải trả có năm đồng, nhưng đối với mình là một số tiền quá lớn, không thể tưởng tượng được. Sau này ở Nam Kinh mới biết mã thùng là một thứ thùng để người ta dùng trong khi đại, tiểu tiện.
Từ Hạ Quan đến nhà ông Hồ Học Lãm đường dài độ chín cây số, thông thường thì người ta đi xe công cộng chỉ mất một hào, mình đi xe tay cố nhiên là sẽ mất nhiều hơn, nhưng lại là một dịp tốt để ngắm phong cảnh. Sau hơn một tiếng đồng hồ, thì xe kéo đến Tam Sơn Lý, dừng trước nhà ông Hồ Học Lãm. Trả tiền xe xong, tôi bấm chuông, trong nhà có một bà đã đứng tuổi ra mở cửa, đó là bà Hồ Học Lãm, bà nói mấy câu tiếng Trung Quốc, nghe không hiểu gì cả. Tôi hỏi lại bằng tiếng Việt: Đây có phải là nhà ông Hồ Học Lãm không? Biết là người Việt, bà ấy hỏi lại tôi bằng tiếng Việt: Ông là người ở đâu, có việc gì, đến hỏi ai ở đây? Tôi nói: Tôi là bà con ông Hồ Học Lãm, nhân có việc qua đây, muốn vào thăm ông. Bà ta liền đưa tôi vào nhà. Hôm ấy, vừa khéo là ngày chủ nhật, ông Hồ Học Lãm ở nhà, nên vào nhà thì gặp ngay.
Nguyên ông Hồ Học Lãm là người cùng làng với tôi, cháu cụ Hồ Bá ôn, án sát tỉnh Nam Định, hy sinh năm 1883 trong khi chống Pháp để giữ thành Nam Định. Ông cũng là chú của đồng chí Hồ Tùng Mậu, và mẹ ông là bà Lụa, một người tích cực tham gia cách mạng trong thời kỳ Văn Thân, đã từng bị bắt giam và bị tra tấn rất tàn nhẫn mà vẫn không chịu khuất phục. Lúc 16, 17 tuổi, tôi thường hay đến nhà bà cụ, nghe chuyện cách mạng, vì vậy tình hình trong nhà đó, tôi rất hiểu biết. Khi gặp ông Hồ Học Lãm là tự nhiên nói đến tình hình gia đình, tình hình làng xóm, tình hình trong nước và sự dặn dò của bà cụ trong trường hợp đi ra ngoài có dịp gặp ông. Qua một hồi trò chuyện, ông Hồ đã biết rõ về tôi và khuyên tôi cứ yên tâm ở nhà ông.

[1]tức Liễu Hán
[2]cuối năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương
[3]lúc này giá bạc Xiêm ngang giá với bạc Đông Dương
[4]Phraya Phahon Phonphayuhasena (1887-1947)
[5]hơn một triệu ở Băng-cốc