Lời nói đầu

Cách mạng Việt Nam kể từ năm 1858 thực dân Pháp đánh chiếm Đà Nẵng cho đến năm 1975 dinh lũy cuối cùng của đế quốc là Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, tính ra là một trăm mười bảy năm. Đó là một thời gian dài dặc nhân dân Việt Nam sống trong vòng khổ nạn do đế quốc gây nên. Đó cũng là thời gian dài dặc mà nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc; phong trào này bị dập tắt, phong trào khác lại nhóm lên, người trước ngã xuống, người sau vẫn xốc tới, hàng triệu người đã bị tra tấn kìm kẹp nơi tù ngục và hy sinh trong các cuộc chiến đấu. Cuối cùng Hồ Chủ tịch dựa vào nguyên tắc chủ nghĩa Mác – Lê-nin và kết hợp với tình hình thực tế nước nhà, vạch ra một đường lối cách mạng đúng đắn đoàn kết được tất cả lực lượng yêu nước của toàn dân và tranh thủ sự đồng tình của nhân dân tiến bộ thế giới, thì cách mạng Việt Nam mới hoàn thành, đất nước Việt Nam mới thật sự được giải phóng và thống nhất.
Là một người dân mất nước, trong quá trình tìm hiểu cách mạng, tôi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của những nhà cách mạng tiền bối như Trương Công Định, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, v.v… cuối cùng được sự giáo dục của Hồ Chủ tịch, tôi đã trực tiếp tham gia cách mạng từ năm 1926. Nhưng suốt mấy chục năm tham gia cách mạng, không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện viết hồi ký; ngay những năm công tác ở Hà Nội, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng thường nhắc tôi viết hồi ký ghi lại những hoạt động của mình, một phần trong hoạt động của Đảng, tôi vẫn không định viết, vì sự đóng góp của mình đối với cách mạng chẳng qua chỉ là một giọt nước giữa biển cả mà thôi.
Nhưng qua hơn hai mươi năm làm việc gần gũi với Lê Duẩn, tôi được biết rõ Lê Duẩn là một kẻ âm mưu đặt lợi ích cá nhân và bè cánh lên trên lợi ích của dân tộc, đặc biệt là những năm trước và sau khi Hồ Chủ tịch mất, tôi được biết những hoạt động xấu xa nguy hiểm của y, như việc choán quyền Đảng, việc xuyên tạc lịch sử, việc động viên toàn bộ lực lượng chống Trung Quốc và xâm chiếm Cam-pu-chia, là những việc phản chủ nghĩa Mác – Lê-nin, phản cách mạng, phản lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc.
Qua nhận thức đó, tôi thấy cần phải viết hồi ký, không phải chỉ để nói lên sự đóng góp hết sức nhỏ bé của mình đối với cách mạng, mà chủ yếu để nói lên chủ trương đường lối và việc làm của Hồ Chủ tịch trong các thời kỳ hoạt động qua một số sự việc cụ thể, đồng thời nêu ra một số sự thật trong quá trình cách mạng đã bị Lê Duẩn cố tình che lấp, xóa nhòa hoặc xuyên tạc, để sau này những người có quan tâm đến cách mạng Việt Nam có thể tham khảo, không bị bọn bồi bút của Lê Duẩn lừa gạt.
Cuốn hồi ký này gồm bảy phần:
Phần thứ nhất “Trên đường tiến tới cách mạng”, viết theo sự yêu cầu của Phòng truyền thống xã nhà, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Phần này đã gửi Phòng truyền thống xã, gửi Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ-Tĩnh, nay vẫn giữ nguyên, nhưng có đổi hai chữ “Do-thái” thành hai chữ “Tô-thái” trong câu đối viếng người mẹ của bạn. Việc sửa chữa này sẽ được giải thích rõ khi dẫn đến câu đối này ở trong phần.
Phần thứ hai “Những năm tháng hoạt động cách mạng ở Xiêm”.
Phần thứ ba “Những năm tháng hoạt động cách mạng ở Trung Quốc”.
Phần thứ tư “Những năm tháng trước và sau Cách mạng Tháng Tám”.
Phần thứ năm “Nhiệm vụ mới - Chỉnh đốn một số công tác ở hải ngoại”.
Phần thứ sáu “Những năm tháng là Đại biểu Chính phủ và Đại biểu Trung ương Đảng tại Trung Quốc”.
Phần thứ bảy “Cách mạng Việt Nam với sự phản bội của Lê Duẩn”. Phần này nói lên những sự thật trong quá trình Lê Duẩn chuyển biến từ một người cách mạng thành một người phản bội cách mạng với những nguyên nhân nội tại và ngoại tại của nó. Nguyên nhân nội tại là bản thân Lê Duẩn không tự cải tạo mình để phục vụ lợi ích cách mạng mà lại muốn lợi dụng cách mạng hòng nâng cao địa vị và danh vọng của mình, không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà lại muốn lợi dụng sức mạnh của nhân dân hòng biến Việt Nam thành một nước bá chủ khu vực. Nguyên nhân ngoại tại là do một số người lãnh đạo Liên Xô với tư tưởng sô-vanh nước lớn, đã dùng mọi thủ đoạn ép buộc các nước trong “đại gia đình xã hội chủ nghĩa” và các đảng anh em phải tuân theo chủ trương, đường lối của mình, ai không nghe thì đả kích, thì phân hóa nội bộ, ủng hộ nhóm này hạ bệ nhóm kia, thậm chí có khi còn uy hiếp bằng lực lượng quân sự, hòng đạt tới mục đích làm bá chủ thế giới. Với mục đích đó, người lãnh đạo Liên Xô đã sử dụng Lê Duẩn trong mưu toan xây dựng một căn cứ quân sự mạnh ở Đông Dương để chống Trung Quốc và để mở phạm vi ảnh hưởng của mình xuống phía Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Ngoài phần chính ra còn có một phần phụ lục ghi lại lý lịch tóm tắt và một số hoạt động cụ thể của bản thân tôi.
Cuốn hồi ký này viết trong lúc phải suy nghĩ nhiều việc quan trọng khác, trong hoàn cảnh thiếu tài liệu gốc từ trong nước, trong hoàn cảnh sức khỏe bị hạn chế, nên chỉ có thể viết những nét lớn một cách ngắn gọn. Sau này nếu có dịp tìm được tài liệu tham khảo đầy đủ hơn, có hoàn cảnh tốt hơn thì sẽ bổ sung.
Cuốn hồi ký này viết để tỏ lòng kính mến vô cùng đối với Hồ Chủ tịch, người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc này đã từng rèn luyện nên một đội ngũ cán bộ hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, xây dựng nên một đội quân trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Cuốn hồi ký này viết để tỏ lòng kính mến vô cùng đối với các vị cách mạng tiền bối và tất cả những người anh hùng vô danh đã hy sinh trong các cuộc đấu tranh giành độc lập và tiến bộ xã hội ở Việt Nam suốt hơn một thế kỷ. Đồng thời để tỏ lòng biết ơn đối với những người bạn quốc tế đã đồng tình ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cuốn hồi ký này viết cũng để tỏ lòng nhớ thương đối với người bạn già là người đã tham gia cách mạng từ những năm 1929, 1930, để tỏ lòng nhớ thương đối với người con trai, người con dâu và ba đứa cháu hiện đang bị bọn Lê Duẩn hãm hại ở trong nước.
Trong quá trình viết hồi ký, tôi được các cơ quan nghiên cứu tình hình Việt Nam tại Bắc Kinh cung cấp một số tài liệu tham khảo như: Các thứ sách báo chữ Việt mà cơ quan lưu trữ; một số tài liệu gốc của Quốc dân đảng Trung Quốc về các hoạt động của Hồ Chủ tịch khi ở Liễu Châu năm 1942-1943, việc Hồ Chủ Tịch gặp Tư lệnh không quân Mỹ Chen-nớt-tơ [1] và các hoạt động khác ở Côn Minh năm 1945; một số tài liệu về cuộc hội đàm Việt – Pháp ở Phông–ten-bơ-lô năm 1946, về cuộc hội đàm Việt – Mỹ ở Pa-ri năm 1968-1972 v.v… là những tài liệu tham khảo cực kỳ quan trọng. Qua sự tham khảo những tài liệu đó mà một số sự việc trước kia tôi chỉ biết đại thể, nay có căn cứ chắc chắn để ghi lại trong hồi ký một cách rõ ràng, đầy đủ. Đối với tôi, đó là một sự giúp đỡ tận tình và hết sức quý báu. Nhân dịp xuất bản tập hồi ký, tôi xin tỏ lời cảm ơn sâu sắc và chân thành.

Hoàng Văn Hoan

Tháng 2 năm 1986 ở Bắc Kinh