Năm 1965, tôi mới 19 tuổi, lần đầu xa nhà, sang Trung Quốc học đại học. Đoàn chúng tôi đi tàu hỏa tới Bắc Kinh. Lúc này máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc, miền Nam đang đánh lớn. Bạn bè chúng tôi nhiều người ra trận, còn chúng tôi thì ngày càng xa dần Tổ quốc, đi về "hậu phương lớn" như các bạn Trung Quốc thường gọi. Từ Bắc Kinh, chúng tôi về Thanh Đảo, một thành phố cảng nằm bên bờ Đông Hải. Mấy tuần đầu, chúng tôi được bố trí ổn định ăn ở, tham quan, mua sắm quần áo, liên hoan, tiệc tùng. Lãnh đạo Học viện, các thày cô giáo và các bạn học Trung Quốc rất nhiệt tình, giành cho chúng tôi những gì tốt nhất. Đầu tháng chín khai giảng. Phòng chúng tôi ở trên đồi cao, xung quanh là một vườn anh đào và táo. Thành phố trải dài trên một vịnh biển, nhà xây theo kiểu châu Âu, tường xây bằng đá, tường rào cũng bằng đá. Các con phố chạy ngoằn ngoèo theo những sườn đồi rồi đổ xuống bờ biển. Hai bên đường là viả hè lát đá, có trồng những hàng phong lá mùa này đỏ rực và đã bắt đầu rụng. Chẳng mấy chốc đã cuối thu. Đêm đã se lạnh, sáng sớm có sương mù. Chưa có tuyết nhưng thỉnh thoảng lại có những cơn mưa rào lạnh buốt. Chúng tôi được lệnh đi sắm thêm quần áo bông và măng tô bông (người Trung Quốc gọi là đại y) để đón mùa đông đầu tiên ở đây. Và một tai họa đã xảy đến với tôi, tai họa đã dẫn tôi tới với bông hoa Thạch trúc nhỏ xinh, màu tím ngát, với mùi hương nhẹ nhàng dịu ngọt, để đến bây giờ, ba mươi năm sau, tôi vẫn còn có thể nhận ra. Ba giờ chiều, chúng tôi xuống phố bằng một chiếc xe du lịch. Gió rất mạnh. Xe xuống tới đường bờ biển, mọi người nhao nhao chuyện trò. Trời hình như hơi tối dần, rồi lác đác thấy mấy hạt mưa đập vào kính xe. Mưa ngày càng nặng hạt, gió tạt mưa đập vào cửa kính, nước bắt đầu chảy ròng ròng bên ngoài thành xe. Có ai đó kêu hắt. Ngay hàng ghế phía sau tôi, một cô bạn đang luống cuống tìm chỗ tránh nước mưa. Cửa kính chỗ đó bị hỏng, không đóng kín lại được. Một vùng trống rộng khoảng vài chục phân đang bị nước mưa tạt vào, may mà không đúng chiều gió. Cô bạn bên cạnh nghĩ ra một cách: giương một chiếc ô đưa ra ngoài cửa che bớt nước. Loay hoay một lúc thì tạm ổn. Xe vẫn bon bon trong mưa. Lúc này trời mờ mịt nước, mặt biển trắng xóa. Chợt xe qua một khúc quanh và bắt đầu đi theo hướng ngược gió. Đến đây thì tai họa xảy ra. Tôi chợt nghe một tiếng "ối!" ở đàng sau, vội quay người lại. Chiếc ô che cửa bị gió giật rúm lại, cô gái đang cố níu cán ô, giằng giật với gió. Theo phản xạ, tôi chồm người về phía cô, tóm lấy tay cô và kéo mạnh vào trong. Đúng lúc đó, chắc lái xe nghe tiếng kêu đã phanh xe đột ngột. Mọi người trên xe dúi dụi về phía trước. Người tôi bị vặn ngửa ra phía sau lưng. Một tiếng động không rõ rệt ở dưới chân tôi. Tôi cảm thấy nhói đau ở cẳng chân phải, chỗ gần đầu gối. Chắc chân tôi đã đập phải một thanh chắn bằng sắt dưới gầm ghế. Xe dừng hẳn. Mọi người xúm vào hỏi han cô bạn. Cán ô của cô đã gãy đôi, nhưng hai phần còn dính với nhau bằng sợi dây thép trong lõi cán. Cô ta đầu tóc ướt lướt thướt, mặt mũi cũng đầm đìa nước mưa. Tôi ngồi phịch xuống ghế, lúc này mới thấy chân đau dữ, vội cúi xuống kéo quần lên xem. Một vết bầm tím giữa cẳng chân đang sưng to dần, ở giữa vết thương có một vết nhỏ rơm rớm máu, nhưng mỗi lúc một đau. Mọi người lúc đó mới nhìn đến tôi. Anh em bắt tôi ngồi nguyên, không động chân, lấy một mảnh khăn của ai đó quấn chỗ bị thương lại. Bàn tán hồi lâu, cuối cùng anh trưởng đoàn quyết định cho xe chạy đưa tôi tới bệnh viện. Bệnh viện Trung ương Thanh Đảo nằm giữa thành phố. Xe chạy qua cổng, tới một đoạn đường có mái che. Trời vẫn đang mưa to. Cuối đường có mấy bóng y tá áo trắng đang đứng chờ, bên một chiếc băng ca. Xe dừng lại, họ bảo tôi đứng lên. Hai anh bạn xốc nách đưa tôi xuống xe. Tôi nghĩ mình còn đi được. Mới thử bước thì đau quá, tôi nhăn mặt, rồi nhảy lò cò một chân tới ngồi ngả xuống băng ca. Nằm xuống rồi, tôi còn cố nén đau cười với mấy anh bạn: "Mình là người đầu tiên trong đoàn biết mùi bệnh viện!" Ai ngờ chẳng phải chuyện đùa. Sau mấy tiếng đồng hồ người ta đẩy tôi đi chiếu, chụp điện, chờ hội chẩn, một nhóm bác sĩ trao đổi gì đó với anh trưởng đoàn rồi đưa tôi vào một buồng bệnh trắng toát. Họ tạm tiêm cho tôi một mũi giảm đau. Anh em bạn ở cả bên ngoài. Một bác sĩ đã đứng tuổi cùng anh trưởng đoàn bước vào. Anh bảo tôi: "Cậu phải mổ thôi, gãy xương rồi. Phải mổ để xếp lại chỗ gãy. Cố định xong sẽ bó bột. Chắc cậu sẽ phải nằm lâu đấy!" Tôi kêu ầm lên: - Bao lâu hả anh? Làm thế nào mà em học đuổi được bây giờ? - Các bác sĩ bảo cậu phải nằm đây ít nhất là một tháng. Thôi chịu khó cho khỏi hẳn rồi về học. Tôi không biết ca mổ đã xảy ra như thế nào. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trong một buồng bệnh khác nhỏ hơn. Anh em Việt Nam đã về cả. Tôi bắt đầu hơn một tháng nằm tại chỗ, chỉ có ăn, ngủ, thay bột, làm thuốc và làm đủ các loại xét nghiệm. Học kỳ một sắp kết thúc. Tôi bỏ thi. Giữa tháng mười một, tôi được phép chống nạng đi trong phòng. Qua cửa kính, mọi vật bên ngoài rực một màu nắng vàng, màu vàng đến lạ, không giống màu nắng thu ở quê nhà, cũng chẳng giống màu mây trước cơn giông bão. Nó là một màu vàng sẫm, rực rỡ đến nôn nao. Những cây phong đã rụng hết lá. Bãi cỏ úa nâu. Lác đác trong vườn còn lại vài khóm hoa Mỹ nhân tiên, giống một loài hoa dong riềng, cánh hoa to, màu đỏ như lửa, cháy lên trong nắng chiều lạ lẫm. Tôi lập cập lần về giường, nhớ học viện, nhớ anh em, nhớ nhà và cuộc sống bình thường của chính mình trong ký túc xá lưu học sinh những ngày còn khỏe mạnh. Đêm ấy tuyết rơi. Buổi sáng tỉnh dậy thấy trời rất sáng. Những cánh tuyết đầu mùa nhỏ xinh như những sợi bông bồng bềnh theo gió nhẹ bay bay ngoài cửa sổ. Trên mái nhà đã có một lớp tuyết mỏng, khắp nơi đều có tuyết phủ trắng. Lối đi đã được quét sạch. Bao giờ tôi mới được bước đi trên tuyết? Nửa tháng sau người ta tháo bột lần cuối cùng và cho tôi ra viện, nhưng không phải để về trường. Đúng là một tai họa thực sự. Bệnh viện yêu cầu tôi phải đi điều dưỡng vài tháng. Học viện thấy tôi bỏ thi học kỳ thì cho tôi nghỉ luôn năm học, chờ sang năm học lại. Viện điều dưỡng cách thành phố gần trăm cây số. Trên chuyến xe học viện đưa tôi đi, tôi không nhớ anh trưởng đoàn và mấy cậu bạn, ta có, Trung Quốc có, đã nói những chuyện gì, đã dặn dò tôi những gì. Suốt dọc đường, tôi như người mất hồn, lơ đãng nhìn ra những cánh đồng mênh mông tuyết trắng và nghĩ tới nỗi đắng cay mất một năm học vì một rủi ro vớ vẩn, mong sao cho chóng đến ngày về lại đường này. Chiều thì xe tới viện. Viện điều dưỡng nằm trong núi. Những dãy nhà một và hai tầng nối nhau trên sườn núi đất, dưới những rặng thông. Mái nhà và cây cối đều một màu trắng xóa. Họ xếp tôi ở một phòng trong khu nhà tách riêng trên một ngọn đồi nhỏ. Lối lên đồi xếp bằng đá, trên đã đóng băng. Vòng quanh đồi là một con suối thì phải, mùa này nước cũng đóng băng, nhưng tôi đoán vậy vì hai bên có những bụi cây phủ đầy tuyết. Một chiếc cầu treo nối hai bên suối, dẫn sang một con đường nhỏ đi sâu vào trong núi. Phía xa hơn là những rặng núi đá màu xám, sừng sững như một bức tường khổng lồ, đỉnh phủ đầy tuyết. Mặt trời đã ở sau núi. Đỉnh núi hồng lên, tuyết cũng hồng rực trong ánh chiều. Cuộc sống trong viện điều dưỡng đều đều trôi đi. Ngày ngày chỉ có ăn rồi lại chơi. Tôi béo ra nhiều, đã bỏ nạng, nhưng đi vẫn còn tập tễnh. Người ta không cho tôi đi đâu một mình, sợ trơn ngã. Tôi đã quen thân với bác Triệu, một cán bộ tỉnh, anh Đặng, quản đốc xưởng cơ khí và mấy bác giáo viên. Chiều nào sau bữa cơm, chúng tôi cũng rủ nhau đi dạo. Khoác chiếc đại y to xù, theo mấy chục bậc đá mới xuống tới con đường nhỏ quanh nhà, vượt qua con suối đóng băng sang phía núi bên kia, chúng tôi tới một con đường lớn hơn. Đó là đường ô tô về thành phố. Một buổi chiều như mọi chiều, tôi và bác Triệu đang tha thẩn ven đường, chợt nghe tiếng còi ô tô. Chúng tôi nép vào bên đường. Một chiếc com măng ca hiện ra sau khúc ngoặt. Trên xe khá đông người, toàn là bộ đội hải quân, mặc quân phục màu tím than sẫm. Xe qua, chúng tôi lại đi tiếp, chợt nghe sau lưng những tiếng con gái cười phá lên. Người tôi nóng bừng, tại cái áo đại y quá dày hay tại tiếng cười cũng chẳng biết nữa. Nửa tiếng sau trời đã sắp tối, hai bác cháu chúng tôi quay về. Khi qua khu văn phòng của viện, vẫn thấy chiếc ô tô hải quân đỗ trước cửa. Năm sáu cô gái còn rất trẻ, đều mặc quân phục, từ trong văn phòng đi ra, ríu ra ríu rít, hình như đang lưu luyến không muốn chia tay nhau thì phải. Một chàng hải quân cao lớn bước ra sau cùng và gọi: "Tiểu Vương, anh bảo này!" Cô gái họ Vương dừng bước, quay lại chờ anh, rồi họ đi chậm lại phía sau. Tới bên ô tô, các cô khác đã lên xe, chỉ còn hai người đứng cạnh cửa. Cô gái giơ tay vẫy các bạn, chắc cô này ở lại. Anh lính tần ngần như muốn nói gì nữa, xong lại thôi. Trèo lên phía trước ngồi cạnh lái xe, anh ngoái đầu ra dặn dò gì cô gái. Xe từ từ lăn bánh. Cô gái vẫy theo một lát rồi quay bước về phía văn phòng. Bác cháu tôi đứng nhìn họ tiễn nhau. Còn cách chúng tôi khoảng vài bước chân, cô gái nhìn thấy bác cháu tôi. Tôi không kịp nhìn kỹ mặt cô, nhưng tôi chắc chắn một điều: ánh mắt cô đã nhìn tôi, một cái nhìn rất khó tả, ánh mắt buồn vì cuộc chia ly, nhìn tôi lơ đãng, không thiện cảm, không quen biết nhưng cũng chẳng phải là hoàn toàn vô tình, xa lạ. Tôi chỉ chợt cảm thấy nó giống như ánh mắt của một người có lỗi! Nhịp sống buồn chán và đơn điệu cứ thế trôi đi. Tôi mong sao cho chóng đến mùa hè. Ngày ngày tôi rất chịu khó tập đi bộ, mỗi ngày đi một xa hơn, bước đi cũng đã tự nhiên hơn nhiều. Chúng tôi còn có một thú vui xem chiếu bóng. Có một đại đội trinh sát ở trong núi, chiều nào đi tập về anh em cũng hành quân qua chỗ chúng tôi. Một tháng hai lần có một đội chiếu bóng của quân đội về phục vụ. Bãi chiếu là sân viện điều dưỡng, ghế ngồi tự túc. Người ta toàn chiếu phim chiến đấu, phim kịch hát của Trung Quốc. Có một lần chiếu cả phim tài liệu về Việt Nam đánh Mỹ. Một tối, thấy bộ đội hành quân ra bãi, chúng tôi cũng kéo nhau sang. Đến nơi thì thấy khác mọi khi. Người ta dựng một sân khấu nhỏ ngay trước cửa văn phòng, một dãy đèn điện treo trên cao, sáng rực. Hai cánh gà bằng vải đỏ. Một băng đỏ chăng ngang, dán giòng chữ vàng "Liên hoan văn nghệ quân dân một lòng". Nghĩa là không phải chiếu phim. Chúng tôi sẽ được xem các tiết mục cây nhà lá vườn của nhân dân và bộ đội vùng này. Các tiết mục nối nhau, nào diễn ca với đôi thanh tre gõ nhịp, nào dân ca đệm bằng thanh la và chiếc kèn sừng trâu, nào ca khúc mới do thanh niên và mấy cô y tá trình bày. Một tốp ca của bộ đội, năm sáu anh hát bài "Bắn bia trở về", có một anh đệm phong cầm. Các diễn viên nghiệp dư hát không hay, nhưng rất say sưa, nhiệt tình. Trẻ con ngồi sổm phía trước nhấp nhổm, hò hét cấu chí nhau chán, có đứa bé đã lăn ra ngủ trong lòng mẹ. Những nhóm thanh thiếu niên nông thôn bá vai nhau đứng bên ngoài, quần áo bông có nhiều chỗ vá, chân đi đôi giày vải không tất, đang nép vào nhau tránh rét. Tôi không chú tâm xem các tiết mục mà đưa mắt nhìn ngắm mọi người, hay là tôi định tìm ai? Trời về khuya càng rét đậm. Người ta đốt lên một đống lửa to. Đến một tiết mục thấy loa phóng thanh giới thiệu: "Một bệnh nhân điều dưỡng sẽ hát một bài. Xin mời chị Vương Mỹ Anh!" Tôi nhận ngay ra chị. Vẫn khuôn mặt trắng hồng trước ánh lửa, đôi bím tóc dày cuộn túm cao hai bên đầu. Chị nói gì đó nhưng tôi nghe không rõ và cũng không để ý nghe chị nói gì, tôi chỉ chờ nghe chị hát. Người kéo phong cầm cất lên khúc dạo đầu, tôi nghe quen quen. Rồi chị cất tiếng hát: - Kìa mây ơi, đám mây bay về phương Nam, nhắn cùng ta tới người chiến sĩ trên tuyến đầu chống Mỹ... Đây là một bài hát Trung Quốc nói lên tình cảm và ý chí chi viện Việt Nam mà lưu học sinh chúng tôi ai cũng thuộc. Chị hát rất hay, đôi mắt nhìn xa xôi, như đang nhìn về phương Nam quê tôi vậy. Tôi ngây người ngồi nghe. Bác Triệu quay sang nói khẽ vào tai tôi: "Cô ấy bảo hát tặng bài này cho một thương binh Việt Nam đang điều trị ở đây. Cô ấy là văn công có khác, hát hay tuyệt. Lát nữa cháu nên lên nói mấy lời cảm ơn cô ấy nhé. Vừa là tình quân dân, vừa là tình quốc tế!" Tôi đỏ bừng mặt, may trời tối nên chắc chả ai trông thấy, lại nghĩ bụng: tình quốc tế thì đúng rồi, tình quân dân thì bị ngược. Tôi đâu phải thương binh, chắc chị ấy nhầm, mà chính chị thì lại là chiến sĩ. Bài hát kết thúc trong tiếng vỗ tay vang rền. Bác Triệu kéo tay tôi đứng lên, rồi cứ thế hai bác cháu diễu qua đám đông náo nhiệt, lên tới tận sân khấu. Bác tới trước micrô: "Xin giới thiệu với các đồng chí: đây là anh Nguyễn, người Việt Nam, đang điều dưỡng ở Viện." Tôi lúng túng quá, đành bước lên cạnh bác, cố trấn tĩnh nói được vài lời, đại ý nhân dân Việt Nam mãi mãi biết ơn nhân dân Trung Quốc đã hết lòng ủng hộ, chi viện. Chẳng chờ cho tôi ấp úng được hết bài nói ngắn ngủi này, chị đã đến bên tôi. Chị giơ tay bắt tay tôi, bàn tay chị rất ấm. Chị khẽ nói với mình tôi: "Cảm ơn anh, tôi đã có lỗi với anh!" Tôi ngạc nhiên nhìn chị, một cô gái còn rất trẻ, xinh đẹp, đôi môi đỏ mọng đang mỉm cười, một chiếc lúm đồng tiền bên má trái. Bộ quân phục mùa đông dày cộp cũng không che được một thân hình cân đối, trẻ trung và duyên dáng. Dưới ánh lửa đêm đông có lẽ trông chị càng xinh hơn. Đêm ấy tôi trằn trọc rất khuya, cứ tự hỏi sao chị biết tôi, sao chị lại xin lỗi? Hôm sau tôi đánh bạo hỏi bác Triệu: - Chị văn công hôm qua vì sao phải vào điều trị ở đây hả bác? - Cô ấy là diễn viên múa, tập tành thế nào bị ngã rạn xương, chắc cũng chỉ ở đây ít lâu thôi. Muốn tìm hiểu thì cậu đi mà hỏi lấy! Tôi lại đỏ mặt, tránh nhìn bác: - Cháu hỏi thế là để có dịp nào gặp cảm ơn chị ấy cho đúng phép. Hôm qua cháu ấp úng quá phải không bác? Bác cười: - Cậu muốn gặp thì sang khu nhà nữ mà tìm! Nào tôi có dám. Rồi một buổi chiều, chính trên con đường lần đầu trông thấy chị, mấy bác cháu tôi đã gặp lại chị, cũng đang đi dạo cùng mấy bác gái. Vừa thấy chúng tôi, chị đã mỉm cười và chào. Tôi hỏi: - Chị đi dạo đấy à? - Vâng, cũng phải chịu khó đi dạo cho chóng khỏe anh ạ! Đường về quá ngắn, tôi cũng kịp hỏi và biết nhà chị ở Thanh Đảo, mẹ chị đã mất, bố chị là giáo sư giảng dạy ở một học viện, chị còn một em trai đang học cấp 2. Chị học trường nghệ thuật quân đội từ nhỏ, tham gia công tác từ năm 16 tuổi, và chị bảo nay thì chị đã già. Rồi chị cười, chắc vì cho tôi là quá trẻ, khi biết tôi còn chưa học hết năm thứ nhất đại học. Từ hôm ấy, chiều nào hai nhóm bệnh nhân chúng tôi cũng chờ nhau trên đường. Bên này đường là cánh rừng thông phủ tuyết trắng, bên kia đường, sau những dãy núi đất lô nhô là dặng núi đá cao cũng tuyết trắng phủ đầy. Con đường uốn lượn giữa hai sườn núi tuyết. Chúng tôi đùa vui, trò chuyện với nhau về gia đình, quê hương và mọi thứ linh tinh khác. Hôm nào chị không ra, tôi lại cảm thấy mong. Một sáng chủ nhật, tôi trông thấy chiếc xe hải quân trên bãi đất trước văn phòng. Chắc chị có bạn đến thăm, hay họ đón chị về? Phấp phỏng chờ tới chiều, ra đến đầu đường, tôi đã thấy chị và mấy bác đứng chờ. Trông chị rất vui. Tôi hỏi: - Chắc sáng nay chị có người tới thăm? - Sao anh biết? Anh chị em tới thăm, cho nhiều quà lắm, chỉ mong sớm đón tôi về. - Tôi cũng chúc chị như thế! - Thật sao? Cảm ơn anh! Rồi chị lại cười. Chị móc túi đưa cho bác Triệu một nắm kẹo cao lương mời chúng tôi ăn. Sao chị không đưa cho tôi nhỉ? Một bác gái trêu chị: - Gớm, hôm nay có anh Hoàng đến thăm, thảo nào vui như hội! - Có phải anh Hoàng hôm trước đưa chị Vương đến đây không bác? - Cậu chưa biết à? Vừa là thủ trưởng, vừa là đối tượng đấy. Đưa đón nhau bịn rịn lắm! Tuần nào anh ấy chả tranh thủ tới! Tôi thấy chị che miệng cười, bèn nửa đùa nửa thật: - Cháu còn ở đây mấy năm nữa, may ra sẽ được anh chị ấy mời đi ăn cưới. Bác cháu mình nhất định phải đến, để còn ăn kẹo thả cửa ấy chứ! Nói xong mới thấy mình vô duyên. Hình như chị đoán được tôi hơi ngượng, nên trả lời rất nghiêm chỉnh: - Nếu các bác có lòng thì cháu đâu dám không mời. Chỉ sợ đến lúc ấy thì các bác và anh Nguyễn quên cháu thôi. Chị lại nghiêng đầu, hơi cúi xuống mỉm cười, đôi bím tóc nghiêng nghiêng vừa thẹn thùng, vừa tinh nghịch. Tháng sau, tôi được đón về học viện hai tuần để dự lễ bế giảng và học chính trị. Chân tôi đã hoàn toàn bình phục. Các bạn tôi sẽ đi nghỉ hè ở Hàng Châu, còn tôi lại phải về "nghỉ" ở viện điều dưỡng vì người ta không cho tôi đi xa, còn phải kiểm tra lại cái chân què. Đường về viện điều dưỡng không còn xa và buồn như lần trước. Tôi sắp được ra viện hẳn, cũng mong gặp lại những người đã chăm sóc mình, các bác bạn già, và thực lòng cũng mong gặp chị. Trời tháng năm trong veo. Có tiếng ve râm ran trong đám cây trên đồi. Hoa Nghênh xuân vàng rực, hoa Đỗ quyên tím đỏ nở đầy hai sườn núi. Tuyết đã tan hết. Nước suối trong vắt, róc rách chảy, uốn lượn quanh những hốc đá màu trắng xám. Hai bên đường cỏ mọc xanh mướt. Khu nhà tôi ở cũng tràn ngập một màu xanh. Cây hòe đang ra nụ, anh đào thì đã nở từng chùm, từng chùm hoa tím hồng. Bãi cỏ sau nhà là cả một thảm hoa cúc vàng, cúc trắng. Một lọ hoa rừng lớn đặt trên tủ đầu giường trong phòng tôi. Không gian thấm đẫm mùi hương của muôn hoa. Gió nhẹ, nắng đầu hè vàng rực rỡ. Chiều hôm ấy tôi lại gặp chị trên đường. Chị rất vui, nhưng trách tôi: - Sao hôm nọ anh về trường mà không nói, cứ tưởng anh đi hẳn rồi? - Không. Tôi còn ở đây tới đầu tháng bảy mới về hẳn. Xin lỗi chị vì biết chắc còn quay lại nên hôm đi đã không sang chào chị. Tôi chợt nhớ: - Mà sao hôm lên hát chị lại xin lỗi tôi? Chị có lỗi gì đâu? - Bởi vì lần đầu nhìn thấy anh đi tập tễnh buồn cười lắm. Thật ra chẳng ai có ý định cười người bệnh cả, nhưng các cô ở đơn vị tôi không nhịn được. Mong anh đừng giận. Về sau vào văn phòng, tôi mới biết anh là người Việt Nam. Thì ra là thế! Đến giờ tôi mới hiểu. Vậy là hòa! Một sáng chủ nhật, tôi trông thấy bóng chị đi xuống con đường nhỏ. Nhìn theo hướng chị đang đi tới, tôi nhận ra anh Hoàng đang đứng chờ. Hai anh chị cùng đi xuống suối, trèo qua những tảng đá giữa dòng, sang bờ bên kia rồi dẫn nhau ngược về phía núi. Buổi chiều trông chị hơi buồn. Chị nói chuyện gì rất lâu với bác Triệu. Tôi lẽo đẽo đi sau với mấy bác già. Hồi lâu, chị dừng lại chờ chúng tôi. Chị cười hơi có vẻ gượng, nhưng cũng đã vui hơn. Chị hỏi: - Bao giờ anh ra viện? - Hơn tuần nữa chị ạ! Tôi đang mong từng ngày. - Vậy là anh khó mà giữ lời hứa đến dự đám cưới chúng tôi đấy nhé. Anh về rồi biết tìm anh ở đâu? - Không đâu chị ơi! Thế nào tôi cũng sẽ chờ! Chỉ cần chị báo cho tôi là tôi sẽ đến! Chúng tôi đâu biết rằng cả hai đều không thể thực hiện được lời hẹn ấy. Sáng chủ nhật tiếp sau, anh Hoàng không thấy đến. Lần đầu tiên chị sang tìm tôi. Chị mặc một chiếc áo sơ mi mỏng màu xanh, tết một bím tóc dày xõa trước ngực, không buộc túm hai bên như mọi ngày. Trông chị trẻ hơn và mềm mại hơn. Chị rủ: - Anh có rảnh không? Hôm nay ta thử đi thật xa, đi về phía biển đi. Chúng mình đều sắp ra viện, nghe nói theo con đường rẽ lên dốc cao đi mãi sẽ thấy biển. Anh có dám đi không? - Tôi sẽ đi cùng chị. Tôi cũng muốn thử sức xem sao! Chỉ có hai chúng tôi lên đường từ lúc mặt trời mới lên khỏi đầu núi. Đường càng ngày càng dốc ngược lên. Mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo. Chị đưa tay quệt ngang trán, rồi kêu mệt. Chúng tôi nghỉ lại bên đường, dưới một gốc cây to. Nắng không gắt, trời cũng không nóng lắm. Gió vẫn thổi nhè nhẹ. Chị đã lau khô mồ hôi. Tôi ngồi chờ chị, chợt nghĩ lung tung: Anh Hoàng thật hạnh phúc. Anh sẽ có chị, một người vợ dịu dàng, xinh đẹp. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt chị, đôi mắt ướt mà lúc nào cũng như có nét cười, với hai hàng mi cong rợp thế kia thì bao nhiêu mệt nhọc chắc cũng sẽ tan biến hết. Chợt thấy mình lại đỏ mặt, tôi vội đứng lên giục: - Ta đi tiếp đi! Vui chuyện, chị hỏi tôi ở Việt Nam có những loài hoa gì. Tôi bảo quê tôi bốn mùa hoa trái xanh tươi. Cao hứng lên, tôi kể về các em tôi ngày ngày đội bom đi học, về mẹ tôi đang công tác ở nơi sơ tán xa xôi, về các bạn tôi đang ở chiến trường. Đã là giữa năm 1966. Miền Bắc đã bắn rơi mấy trăm máy bay Mỹ. Quá hào hứng tôi liền tuôn ra một câu hết sức chính trị: Hoa trái quê tôi bốn mùa xanh tươi, nhưng dù có phải đốt cháy cả giải núi cao nhất nước tôi là dãy Trường Sơn, chúng tôi cũng sẽ phải đánh thắng giặc Mỹ! Chị nhìn tôi đăm đăm. Rồi chị khẽ nói: - Đến ngày chiến thắng chắc cũng còn dài. Các anh đã phải hy sinh nhiều. Anh học xong, về nước cũng có khi còn phải ra trận. - Tôi mong sẽ được ra tiền tuyến. Bạn bè tôi đã đi nhiều. Nhưng tôi tin họ sẽ trở về ngày chiến thắng. Đường đèo ngày càng lên cao. Nắng đã gắt, nhưng có gió biển từ đâu đó thổi đến, đi không thấy nóng và mệt nữa. - Chắc sắp đến đỉnh rồi đấy! - Anh mệt à? Chị móc túi áo ngực lấy ra đưa cho tôi một chiếc kẹo bạc hà. Tôi cầm chiếc kẹo trong tay, nó còn ấm hơi người chị. Tôi không dám bóc kẹo, cứ nắm khư khư, như sợ gió biển tò mò giật mất. Đã nghe thấy tiếng sóng rì rào. Vài bước chân nữa thì tới đỉnh dốc. Gió ào ào thổi. Một cây thông lớn rủ bóng xuống đường đèo. Dưới kia là con dốc chạy ngoằn ngoèo và một khoảng trời lồng lộng. Xa xa là biển xanh. Chúng tôi thấy rõ những con sóng đang đập vào bờ đá tung bọt trắng xóa. Chúng tôi lại ngồi nghỉ dưới bóng thông. Chị đang nhìn về phía biển. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, trên cổ chị. Lúm đồng tiền trên má chị hơi lõm xuống, hình như chị đang mỉm cười. Chị đang nghĩ gì, sao chẳng nói? Rất lâu sau, chị đứng lên, quay lại nhìn tôi rồi khẽ giục: - Ta về đi anh, muộn rồi. Trời nắng quá nhỡ cảm thì chết. Tôi muốn ngồi đây mãi với chị. Nhưng tôi đã phải đứng lên. Một tiếng "vâng" thật khẽ. Sẽ chẳng còn bao giờ được nhìn thấy chị tươi trẻ, dịu dàng và thân thiết như lúc này. Cũng có thể sẽ không còn được gặp lại chị nữa. Thế là tôi đánh bạo hỏi chị, dù biết rằng có thể chẳng có ích gì: - Nhà chị ở phố nào? Liệu sau này tôi có thể đến thăm chị được không? - Được chứ, anh cứ đến! Nhà tôi ở số 8 phố Biển Bắc. Tôi nhớ ngay cái địa chỉ này. Đường về cũng dài như lúc đi, nhưng xuống dốc. Cả chị và tôi hình như đều biết sắp đến lúc chia tay nên lại cố làm ra vẻ mệt, đi rất chậm và rất ít nói. Chợt chị dừng lại và rủ tôi rẽ xuống một đoạn suối nhỏ. Chúng tôi xuống suối. Bờ suối bên này có một vệ cỏ hẹp và vài bụi cây lúp xúp. Một cây hòe mọc sát chân đồi. Tôi và chị múc nước rửa mặt. Chị bảo: "Anh chờ tôi một lát!", rồi cởi giầy, lội sang bên kia suối, đi ngược lên đầu nguồn. Tôi ngồi trên vệ cỏ, đến lúc này thì cảm thấy mệt thật sự. Gió hiu hiu thổi làm tôi buồn ngủ. Chờ mãi không thấy chị quay lại, tôi nằm luôn xuống bãi cỏ mềm, dưới tán lá cây hòe, thiu thiu mơ màng. Tôi đã mơ thấy chị trong bộ quân phục hải quân quen thuộc, một ngôi sao đỏ lấp lánh trên mũ, hai mảnh quân hiệu như hai lá cờ nhỏ trên ve áo. Tay chị cầm một bó hoa rừng, đứng bên anh Hoàng, khuôn mặt rạng rỡ hạnh phúc. Rồi chị cúi xuống người tôi, như muốn nói gì với tôi. Mùi da thịt người con gái dịu ngọt làm tôi ngây ngất. Nhưng tôi bỗng chợt tỉnh, vì hình như ai đó đang đứng rất gần và đang nhìn tôi thật. Mở choàng mắt ra, tôi gặp ngay đôi mắt chị đang nhìn tôi đăm đắm. Quần chị sắn cao tới đầu gối, đôi bắp chân trần còn ngấn nước. Tay chị đúng là đang cầm một bó hoa nhỏ. Những bông hoa nhỏ xíu, năm sáu cánh xòe ra, màu tím hồng, đầu cánh có răng cưa, tựa như hoa cẩm chướng, nhưng nhỏ hơn. Cuống hoa rất dài và nhỏ, có đốt, những chiếc lá dài và nhọn như lá trúc. Chị đưa bó hoa cho tôi: - Tặng anh đấy! Tôi vừa tìm hái bên kia suối. Bây giờ hết mùa hoa rồi, nhưng ở quê tôi người ta bảo nếu cố tìm bên suối vẫn có một loài hoa nở muộn. Đó là loài hoa Thạch trúc này đây. Hoa Thạch trúc sẽ báo bình yên. Tặng anh và mong anh, gia đình anh và cả nhân dân Việt Nam sẽ được bình yên mãi mãi. Mắt chị đã đỏ hoe. Tôi vội đỡ lấy bó hoa, không dám nhìn chị, đưa bó hoa lên ngang mặt, làm như muốn ngửi. Một mùi thơm rất nhẹ, dịu ngọt tỏa ra từ những cánh hoa, thoang thoảng trong không gian, trong gió biển mùa hè, hay trong những lời chị vừa nói. Đường về còn rất ngắn, cả hai chúng tôi đều lặng lẽ bước đi. Hình như chẳng còn gì để nói, mà cũng hình như có quá nhiều điều không nói nên lời. Sáng thứ hai, tôi làm thủ tục ra viện, đi chào khắp lượt mọi người quen. Nhưng tôi không sang chào chị, mà cũng chẳng thấy chị đâu. °