Ngôi nhà cũ của ông bà nội tôi nằm giữa một khuôn viên rộng đến hai sào bắc bộ (hơn 700 mét vuông). Ngôi nhà khung gỗ, có những cột gỗ lim tròn lên nước đen bóng, chung quanh nhà trát vách bằng rơm băm nhỏ trộn với bùn ao, đôi chỗ miết không kỹ vẫn lộ ra từng đoạn rơm rạ đã ngả sang mầu nâu bởi thời gian.
Tôi nhớ mãi về căn nhà nhỏ này, nó lưu giữ lại cả một khoảng trời tuổi thơ yêu dấu. Ngôi nhà được lợp rạ rất dày, mái gianh được xén bằng chằn chặn. Mỗi khi mưa rào đổ xuống, nước chảy qua mái rạ có mầu nâu xỉn. Khi mưa lâu, nước chảy hết mầu nâu, chỉ còn lại mầu trắng, lúc ấy chúng tôi mới ra tắm giữa cơn mưa và hè nhau chạy ra Ngõ Cống gần nhà để tìm bắt cá rô rạch ngược lên bờ.
Trong nhà luôn mát dịu, ông nội tôi hay ngồi sau án thư kê bên cửa sổ, bắt mạch, kê đơn, châm cứu và bốc thuốc. Chung quanh ông luôn thoang thoảng một mùi thơm của các vị thuốc bắc. Những ngón tay thon gầy của ông đặt hờ lên cổ tay người bệnh, tay kia khẽ chải chòm râu bạc trắng, cặp mắt hiền từ nhìn thẳng vào người bệnh và hỏi han họ bằng những câu lộ rõ vẻ quan tâm không những đến tiền sử bệnh mà còn cả gia cảnh của họ nữa.
Cánh cửa gỗ bức bàn kẹt lên một tiếng khi có người vào. Những người đến sau rón rén đến ngồi trên tấm phản gụ mát lạnh, hoặc rót nước vối từ ấm giỏ ra cái bát sành, khẽ uống từng ngụm nhỏ. Những lúc ấy, chị em chúng tôi lại kéo nhau ra vườn để khỏi làm phiền ông khám bệnh. Khu vườn rộng đến bốn trăm mét vuông ấy là lãnh địa của chúng tôi.
Thời ấy, vườn được trồng hai loại cây: đào và mận. Vì không phải là đất trồng cây ăn trái nên mảnh vườn chỉ đẹp vào mùa xuân. Hoa đào nở đỏ hồng, hoa mận nở trắng xóa, cả khu vườn lộng lẫy, chìm trong hai sắc hoa kỳ diệu của mùa xuân.
Lũ trẻ con chúng tôi, thường được về quê vào dịp Tết Nguyên đán và dịp nghỉ hè. Ngày Tết thường bị cấm trèo cây vì sợ nát hoa và bẩn quần áo đẹp. Còn ngày hè thì, ôi chao, còn gì mà chúng tôi không làm kia chứ!
Trò chơi các chị tôi chơi mãi không chán là bán hàng. Các chị ấy lấy dây tơ hồng vẫn mọc tầm gửi trên hàng rào cây cúc tần, cắt khúc ngắn để giả làm bún, phở. Các chị còn lấy lá râm bụt, thái chỉ ra, hòa nước vào thành thứ canh nhơn nhớt gọi là canh cua rau đay. Còn tôi, bé nhất hội, lúc đó mới sáu hay bảy tuổi gì đó, tôi bán bánh đa, tức là khoai luộc cắt lát mỏng, phơi khô. Tiếng mời chào, tiếng xuýt xoa vờ khen ngon, vờ kêu nóng, râm ran cả một góc vườn, nơi có cây bồ kết gần trăm tuổi đứng án ngữ, các chùm gai từ thân cây chĩa ra tua tủa. Ðó cũng là địa điểm, là quán bán hàng của chị Ðức tôi.
Chị Ðức là chị gái lớn nhất của tôi. Vì vậy, chị được bà nội giao cho bán thuốc lào. Những gói thuốc lào bỏ trong túi ni-lông mỏng teo, bên trong có một dúm sợi thuốc mầu nâu, được chị bỏ vào trong tráp gỗ. Thỉnh thoảng lại có người gọi qua rào: "Cụ lang ơi, bán cho cháu gói thuốc lào!". Những lúc ấy, chị tôi lại quát thật to với người mua: "Ra gốc cây bồ kết!". Và thế là gói thuốc được đưa qua hàng rào, chị tôi hãnh diện bỏ mấy đồng bạc lẻ vào trong tráp gỗ. Chơi bán đồ hàng mà lại có tiền thật, thích thế đấy.
Khác với bọn con gái, lũ con trai, ở đây là anh Hải, con bác tôi và Sơn, Hữu - con cô tôi lại khoái chơi trò đánh trận. Anh Hải, lớn nhất trong các chị em, luôn luôn nhận là tổng chỉ huy; Sơn, lại cho mình là Tôn Ngộ Không; còn Hữu, vỗ ngực tự xưng là Na Tra thái tử.
Tôn Ngộ Không chặt trúc làm gậy "Như ý", Na Tra thái tử phá một chiếc xe mây trẻ con để lấy tấm ván có gắn bốn bánh xe gỗ làm "bánh xe lửa" (Vì chuyện này, nó đã bị ông cho ba roi mây quắn đít). Và rồi, dưới sự xúi bẩy đôi bên của tổng chỉ huy, Tôn Ngộ Không và Na Tra thái tử vung gậy đánh nhau tít mù khiến lá đào, lá mận rơi lả tả. Thường là đến hồi bất phân thắng bại thì ông nội tôi chợt thò đầu ra cửa sổ liếp, quát to: "Nghịch vừa vừa thôi"... Thế là Tôn Ngộ Không nhảy tót lên cây đào - về Hoa quả sơn, còn Na Tra cũng thoăn thoắt trèo lên cây sấu - quay về thượng giới.
Không gian được tĩnh lặng trong giây lát rồi cả Ngộ Không và Na Tra cùng hé mắt nhìn xuống các gốc cây, nơi "hàng quán" vẫn còn bày bán la liệt. Ðột nhiên, cả hai cùng nhảy đánh huỳnh huỵch xuống đất, mon men lại dãy hàng quà.
Na Tra Hữu khệnh khạng đi ngó nghiêng các mặt hàng, còn Tôn Ngộ Không Sơn bước thẳng lại nơi tôi bày hàng: mấy lát khoai luộc xếp có ngọn trên nắp liễn sứ để ngửa. Nó hất hàm:
- Ê, hàng còn bán không?
Tôi sợ nó phá, bèn lắc đầu:
- Không, không bán, không chơi nữa.
Thế là nó cười ha hả rồi reo to:
- Phá tan sào huyệt lũ yêu quái, anh em ta ơi!
Nó cúi xuống chộp lấy khoai trong nắp liễn, tôi vội vàng vung tay giật lại.
Cạch!
Cái nắp liễn bằng sứ va vào miệng Sơn đúng lúc nó đang nhe răng ra cười khoái chí.
Tôi sợ hãi đứng đờ người ra, cứ nghĩ mình sẽ bị thằng em cao gần gấp đôi cho một cú đấm hay một cái tát, mặt tôi tái mét. Sơn lấy tay chùi chỗ môi rớm máu, lẩm bẩm:
- Tao nể bố mày chứ không thì...
Trò chơi bán hàng thế là tan. Anh Hải về nhà ở thôn Vũ, Sơn và Hữu chạy ra sông tắm, chị em chúng tôi cũng về nhà mình ngoài phố.
Chuyện tôi làm Sơn chảy máu môi không ai hay biết, mà dù có ai biết họ cũng quên ngay vì chẳng có ai nhớ đến những trò nghịch dại thời con trẻ. Sơn càng lớn càng chững chạc. Vì lớn tuổi hơn tôi nên Sơn hay chơi cùng anh Hải và ba chị gái của tôi. Cùng nhau đọc sách, làm diều hay ra đầm hái sen về cho ông ướp trà. Chị em chúng tôi vẫn thân thiết với nhau như hồi thơ bé. Tình chị em con cô, con cậu khi được luôn sống gần nhau thì càng ngày càng bền chặt hơn.
Sơn hơn tôi năm tuổi. Vài năm sau, khi lên lớp năm, tôi được bố cho vào chơi nhà cô ở Khoái Châu mấy ngày. Sơn đã là một cậu thiếu niên có nước da đen giòn, được cả nhà gọi là Sơn "đen", có hàm răng rất trắng với một chiếc hơi mọc lẫy, khi cười khóe môi nhếch lên trông rất duyên và nghịch ngợm.
Những buổi chiều hè, khi cô chú đi làm chưa về, Sơn "phụ trách" việc chăm sóc tôi và Thủy, Hữu - hai đứa em của nó. Sơn quét sân, nấu cơm, luộc rau nhanh thoăn thoắt. Khi nấu bếp, cậu ta hay lấy rơm bện thành con cúi thật dài, nối ra tận cửa bếp, rồi một tay đẩy con cúi vào bếp, tay kia cầm quyển Tây du ký, Sơn đắm mình vào cuốn truyện yêu thích, đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần mà vẫn không chán.
Nấu cơm xong, Sơn lùa Hữu ra giếng tắm. Còn tôi và Thủy thì được cậu ta múc nước vào các xô chậu, bê vào nhà tắm cẩn thận với lời dặn nhắc đi nhắc lại: "Hết nước thì gọi em nhé. Ðừng tự múc, giếng sâu lắm đấy".
Khi tôi lên lớp tám, Sơn nhập ngũ. Trước khi đi, Sơn có ra nhà tôi chào mọi người. Mấy chị em tôi ngồi nhắc lại những trò chơi thời con trẻ và mảnh vườn xưa yêu dấu của ông bà nội. Mảnh vườn ấy đã bán để lấy tiền xây ngôi nhà vách đất lợp rạ ngày xưa thành ngôi nhà ngói. Chỉ tiếc là ông bà nội của tôi - mà Sơn gọi là ông bà ngoại không còn để nhìn ngôi nhà mới và các cháu nội, cháu ngoại của ông bà đã khôn lớn lên nhiều.
Năm tôi vào đại học, gia đình nhận được tin Sơn hy sinh ở Quảng Trị. Mỗi lần ngồi nhắc tới Sơn, mọi người hay kể về những trò chơi xưa cũ, những kỷ niệm về cậu em hiếu động. Còn tôi, thời gian sống gần cậu em của tôi thật ít ỏi khiến tôi không thể hình dung lại nét mặt cậu em họ hơn mình năm tuổi. Nhưng có một điều, một nỗi nhớ đã găm sâu vào trái tim tôi, cho dù tôi chưa kể cùng ai, vẫn luôn làm tôi quặn lòng khi nhớ đến cái vung tay của tôi đã làm môi Sơn rỉ máu.
Gần ba mươi năm sau, năm 2001, sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm với một niềm tin vô hạn là sẽ tìm được con, cô Ninh tôi đã đưa được Sơn về nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội.
Tôi bây giờ cũng không còn là cô bé dại khờ, đanh đá ngày xưa. Mái tóc dài đã có nhiều sợi bạc, da đã có nhiều nếp nhăn của tuổi xế chiều. Tuổi tôi bây giờ không phải kém Sơn năm tuổi như trước mà gấp đôi tuổi của Sơn vì em sống mãi tuổi hai tư.
Ngôi nhà xưa, mảnh vườn xưa với những cây đào, cây mận nở rộ đầy hoa chỉ còn là quá khứ. Hiện hữu cùng tôi hôm nay là ngôi nhà nhỏ xinh của riêng Sơn, ngôi nhà bằng xi-măng chiếm chưa đầy một mét vuông giữa hàng trăm ngôi nhà của các liệt sĩ khác. Hoa cúc vàng rực cắm trong lọ để trên mộ từ ngày đón nhận em về vẫn còn tươi, khói hương thơm ngào ngạt.
Tôi đốt nắm tiền giấy trước mộ em, thì thầm: "Sơn ơi, em có giận chị không? Không bao giờ chị quên được cái hành động ngu ngốc ấy của mình. Chị chỉ ước gì, em ạ, chị được nhìn thấy em, dù chỉ một lần, để nói rằng...".
Gió cuốn tro tiền bay tung trên khắp lối đi, tôi cắm thêm hương vào mộ, nhìn tấm ảnh của Sơn trẻ trung, nghịch ngợm được gắn trên bia đá, giữa làn khói thoảng bay, tôi thấy em mỉm cười.
Vậy là chị em mình có kỷ niệm riêng, phải không Sơn?
23-2-2004
 

Xem Tiếp: ----