Ba người đàn ông đại diện ba thế hệ với những quan niệm riêng, khác nhau về cuộc sống, tình yêu và sự nghiệp, cùng sống trong một mái nhà - đó là bối cảnh cho một câu chuyện với những so sánh, chiêm nghiệm thú vị và sâu sắc.
- Bao giờ con mới bớt ham chơi đi?
Tôi chỉ vào màn hình máy tính, bảo bố:
- Con đang làm việc đấy chứ?
- Con nên thi công chức, đã ra trường rồi không nên bỏ phí thời gian...
Tôi không khoái lắm:
-Từ từ rồi tính, bố ạ.
Nhưng bố tôi đã bỏ về phòng, còn ông tôi thì đã đến từ lúc nào, đang đứng sau tôi. Tôi lầm bầm:
- Năm ngoái bố cháu nói như thế đúng, hôm nay thì không đúng.
Lúc đó tôi đang lần mò trên mạng để tìm chìa khoá một phần mềm làm ảnh động. Mạng lnternet là một thế giới kỳ ảo. Có vô vàn khoá, cũng có vô vàn chìa khoá vung vãi ở đâu đó. Tôi bảo ông:
- Cháu là một tên "harker mũ trắng".
- Là sao?
- Là bẻ khóa, ăn trộm.
- Thời của ông, nếu mắng nhau là đồ ăn cắp thì tệ hại nhất - ông buồn.
- Ôi ông... Bẻ khóa mà đội mũ trắng thì có phải là kẻ gian đâu. Trên mạng nhiều đứa như cháu, chỉ là tìm kiếm, khám phá... Như một lữ khách lang bang nhiều khi thấy bất bằng chẳng tha...
Ông thở dài:
- Thời của ông đã qua rồi...
Ông đã nghỉ hưu từ hồi tôi còn bé, rồi mắt ông mờ dần, cho đến khi tôi vào đại học thì ông hầu như chỉ quanh quẩn ở nhà. Những câu chuyện của ông đã khiến tôi thuộc lòng. Thời của ông người ta ghét cay ghét đắng kẻ trộm. Bởi vì hồi đó hầu như không có kẻ trộm. Làng quê thời xưa của ông, nhà nọ liền nhà kia, chỉ ngắn bằng một hàng rào lửng bằng cây râm bụt, cây chuối... Nhà nhà đêm ngủ không đóng cửa. Nhà nhà chìm dưới màu xanh của rặng tre... Tôi nghe ông kể mãi, thành quen thuộc đến nỗi ký ức của ông truyền sang tôi lúc nào không biết, và nó biến thành mộng tưởng của tôi. Chuyện của ông nhập vào những câu chuyện cổ tích có thần thánh râu trắng, ruộng đồng tinh khôi và con người thì mộc mạc vô cùng. Ôi thời của ông anh hùng lãng mạn. Ôi, thời của tôi kẻ trộm đã quá nhiều... Vào thời của tôi nội hàm của từ "trộm" hình như đã khác với thời cổ tích của ông. Biến dạng của hành động trộm cũng đã muôn hình muôn vẻ. Ông buồn chỉ vì tôi dám đùa giỡn với một khái niệm bị thời của ông ghét bỏ. Ông không cần biết khi có máy tính, con người ta thay đổi thế nào...
Tôi bảo ông:
- Cháu muốn làm việc của cháu. Lập một công ty, rồi tự tay làm nên...
Ông nhíu mày khiến cho kính trễ xuống, mắt ông kém lắm nhưng vẫn còn trông thấy lờ mờ, chắc ông đang cố gắng hình dung ra tôi thế nào. Còn bố tôi thì lại đã ra khỏi phòng chuẩn bị đi làm, đang hừ hừ ho khúc khắc.
- Cái thằng bạn của mày chẳng mấy lâu thì làm chuyên viên, ba năm sau thì lấy bằng thạc sĩ, hai năm tiếp theo xong cái tiến sĩ, ba năm nữa... Vị chi là tám năm sau khi ra trường đã lên Vụ phó ở tuổi ba mấy...
- Sao nghe nói nó học kém hơn cháu nhà mình?- Ông tôi nói.
- Bố nó lại về hưu rồi.- Bố tôi nói.
- Cho nên cháu có điều kiện hơn nó - Tiếng ông tôi.
- Mỗi người một việc. Sao con lại cứ phải như anh ấy?- Tôi bèn nói.
- Cháu ơi, cuộc đời còn trẻ thì phải phấn đấu, bao giờ cũng phải xông lên hàng đầu.
- Thưa ông, đúng là phải xông lên hàng đầu, nhưng hàng đầu ở đâu ạ?
Bố tôi bắt đầu bực, giọng cứng lên:
- Không cả biết hàng đầu ở đâu? Con nhà hỏng to rồi.
Tôi bắt đầu tính bài chuồn. Bố ít kiên nhẫn, tôi mà nói câu nữa, chắc ăn quát inh ỏi lên ngay. Và sau đó, ông sẽ bảo bố, anh nên ăn nói với con ôn hòa một chút, tôi có bao giờ quát anh như thế đâu. Rồi bố tôi sẽ ậm ừ phân trần rằng "nhưng con có cứng đầu như nó đâu"... Hai người đàn ông bề trên của tôi rất không hợp nhau, nhưng khi nói về tương lai của tôi thì lại nhanh chóng nhất trí với nhau.
Bố tôi thường vắng nhà nhiều ngày. Cuộc đời của bố chính là những chuyến đi. Hồi đầu tiên, bố đi học nước ngoài. Sau đó về nước, dạy trường đại học thì đi công tác liên miên. Đến khi có chức vụ kha khá thì lại thường đi họp. Ông tôi có lúc bảo tôi, cháu phải thông cảm với bố cháu. Tôi biết ông nhìn thấy hình ảnh của ông xưa kia, ông đã đi biền biệt chiến trường, bà nhẫn nại nuôi bố, rồi sau đó nuôi tôi. Còn mẹ tôi thì đã bỏ ra đi từ khi tôi mới lên mười, có lẽ không chịu được cảnh bố tôi cứ đi nước ngoài mãi không về. Mọi người thường bảo tôi giống tính mẹ ngang bướng và quyết liệt. Có phải điều đó khiến cho bố càng xung khắc với tôi.
Tôi lỉnh về phòng riêng, bật máy và bắt tay vào làm việc. Thế giới nhà tôi gồm ba người đàn ông, khi gay cấn không có sự hòa giải của phái nữ, tôi rút ra bài học kinh nghiệm là mỗi khi xung đột, tốt nhất là rút lui bằng cách tự cấm vận, cách ly với phần còn lại của gia đình. Nhưng hôm nay, khi tôi vừa định úp tai nghe lên thì nghe thấy tiếng bà Nho.
- Tôi có cái này mang biếu ông đây- Bà Nho xách một cái làn nặng.
Tôi nhìn thấy Thành lấp ló sau lưng bà. Thành cháu ngoại bà Nho rất giống bà ở dáng người cao ráo và mắt sáng.
Tôi ngồi trong phòng nhìn ra, đằng sau bóng hai người đàn ông là bóng dáng hai người phụ nữ, chợt căn phòng ngoài ấy rộn ràng và ấm cúng hẳn.
Bà Nho vừa nói, vừa móc trong làn ra những thứ mang biếu ông. Trời ơi, đó là cái măng to tướng, thô lố như cái mũ cối. Tôi chưa nhìn thấy cái măng nào to ụ như thế. Đưa tay sờ sờ vào bề mặt xù xì của cái măng đã bóc vỏ, ông nở nụ cười vui vẻ lắm.
- Lồng ngộc hả? - Ông hỏi bà.
- Ôi cái ông này, bây giờ làm gì có lồng ngộc cho ông. Măng trồng công nghiệp nghe nói để xuất khẩu đấy.
- Thế thì ăn ra gì?
- Thời nay có măng của thời nay.
Bố tôi bắt đầu mặc comple, nói:
- Hôm nay hai bà cháu ở đây ăn cơm với ông cháu, con phải đi họp bây giờ.
- Sao anh cứ họp liên miên thế?
Bà Nho nói xong, bố tôi đã bước ra cổng, ô tô đã lù dù đi đến.
Bố tôi thường không ăn cơm nhà, tôi ăn thế nào cũng xong, nhưng còn ông thì không thể ăn uống thất thường. Bà Nho đi đến nhà tôi phải mất chục nghìn xe ôm, nếu đi xe buýt mất nửa tiếng đồng hồ, đi lại diệu vợi, nhưng ngày nào bà cũng đến một lần.
°
Chúng tôi làm web cho một số công ty, rồi tự tổ chức một trang web của chính công ty mình, mở forum "choang" vào đó những chủ đề thời thượng, một mặt để giải trí, một mặt cũng là cách làm maketing cho công việc làm ăn của chúng tôi. Chúng tôi nhận được kha khá hợp đồng làm phần mềm và tổ chức mạng máy tính.
Với bố tôi, những hình thù trên màn hình hôm nay của tôi cũng giống những trò chơi điện tử tôi đã say mê năm ngoái, năm kia. Có lẽ vào thời sinh viên của bố tôi, mơ cũng không có được những máy tính mạnh như bây giờ... Tại sao uyên bác như bố tôi lại không nhận thấy thời gian đang làm cho mọi điều biến đổi?
- Vào tuổi của cháu ông đã đi bộ vượt Trường Sơn, vừa đi vừa đánh biệt kích- ông tôi tâm sự- Còn ở tuổi của cháu, bố cháu đã đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Bố cháu rất tiến bộ.
- Cháu đang làm việc, cháu cũng đang tiến bộ.
- Cháu đừng ngang ngạnh như thế- Ông lắc đầu- Cháu đã đưa hồ sơ cho chú Phòng chưa?
Tôi bắt đầu buồn chán. Cứ nói đến chủ đề "tiến bộ" là lại thấy buồn chán. Va nhau chan chát. Có ba người đàn ông mà tranh luận mãi không xong. Tiến bộ theo ông và bố tôi tức là phải thi công chức vào làm chuyên viên Bộ của chú Phòng. Ông ấy là học trò của bố tôi, giờ làm Thứ trưởng. Tôi trực tiếp nghe thấy chú Phòng bảo bố tôi, thầy cứ cho cháu vào chỗ em, với năng lực của nó, đặt lên bệ phóng cũng là khách quan, không chiếu cố.
Tôi đã từ chối một bệ phóng đế thăng quan tiến chức. Tôi là một đứa con hư hỏng trong con mắt của cả ông và bố. Tiến bộ tức là chỉ có một con đường quan chức. Ô hô...
Hôm ấy, tôi bèn đưa lên trang "Forum" của chúng tôi chủ đề: Bạn nghĩ thế nào là tiến bộ?
Khi tôi đang mở mạng để làm việc này, thì ngoài nhà, bà Nho và ông tôi chuyện trò rủ rỉ rù rì.
- Tôi cứ muốn về đó một lần, cái vườn tre ấy giờ thế nào nhỉ?- tiếng ông.
- Thôi, ông ơi, tôi không muốn nhớ đến cái vườn tre ấy nữa. Giờ đã thành phố xá hết rồi.
- Phố xá thế nào được. Chỗ ấy mấy tay huyện ủy đáng lý phải giữ lại làm bảo tàng chiến tích, có thể làm du lịch.
- Hồi ấy ông chả bỏ chạy khỏi đó còn gì?
- Bà cứ nói thế... Thời thế mà. Chúng tôi chỉ biết sẽ đi vào chiến trường, sao dám làm cho bà khổ?
- Không biết là làm cho nhau cùng khổ cả...
- Cả tiểu đội tôi phải lòng bà, yêu bà, tôi biết làm thế nào?
- Ông rõ chán. Hồi ấy tôi chỉ là một đứa bé con thôi. Các chú bộ đội đến thì ai cũng thích tuốt. Nhưng nhớ ông nhất vì ông đến không giống ai. Ai lại đi từ trên đỉnh núi xuống phía sau nhà bao giờ...
Câu chuyện của ông chắp nối suốt thời niên thiếu, khiến cho tôi có thể dựng lại toàn bộ câu chuyện tình lãng mạn của ông. Không, nói đúng ra thì đó không phải là một câu chuyện tình, vì ông và bà Nho chưa hề yêu đương ước hẹn một ngày nào. Thật chả giống chuyện của bọn tôi, nói yêu nhau sau đó vài tuần không biết hết nhau mọi chuyện thì thật là kỳ khôi. Và khi từ biệt cô nào là đứt đuôi con nòng nọc, có lẽ sau đó không bao giờ nhìn thấy nhau ở trên đời này nữa. Ôi cái thời của ông có hậu như cổ tích. Ôi cái thời của tôi nhanh như điện, tiện như máy tính.
Ông đến ngoại ô thị trấn ấy thì hành quân chiếm lĩnh trận địa trên một đỉnh đồi. Đêm đã khuya, nhìn ra xung quanh chỉ thấy lác đác ánh đèn vàng như đom đóm. Tang tảng sáng, định thần mới thấy dưới chân đồi là một lòng thung rất rộng xanh um màu lá tre, bên kia thung có vài nóc nhà.
Ông và một người lính nữa lần theo sườn đồi xuống thung tre.
Trời ơi sao mà lắm tre. Cả một vườn tre tuyệt đẹp. Miền Bắc lúc đó là chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhưng nông thôn thì vẫn yên bình. Đây là một thị trấn ven sông, gần con đường quốc lộ huyết mạch, dân thị trấn cũng phải đi sơ tán về nông thôn hết cả. Nhưng lọt giữa thị trấn lại có một vườn tre đẹp đến ngạc nhiên.
Hai trinh sát tiếp tục đi sâu xuống lòng thung, hướng về một ngôi nhà thấp thoáng trong xanh êm ấm của rừng tre. Vừa đi được mấy bước chân, hai người gặp một giếng nước trong vắt, một cô bé đứng bên cạnh giếng đang ngơ ngác nhìn lên. Đó chính là bà Nho hơn năm mươi năm trước.
- Cái giếng ấy... hai anh bộ đội đi đến, thản nhiên uống nước ngon lành, tôi sợ quá phải kêu lên, các chú ơi, muốn uống lên nhà cháu... - Tiếng bà Nho nhẩn nha...
- Tôi thấy nước giếng trong văn vắt... Có lẽ nhìn ra nước trong vì cái khác...
- Vì gì?
- Vì đôi mắt cô con gái đứng ở đó.
- Ôi cái ông này...
Yên lặng...
Tôi không thể tập trung tư tưởng để làm xong phương án web của tôi, tôi chuyển sang chơi game giải trí, sục vào trang web khiêu dâm thì toàn những cảnh chán phèo, một trăm trang giống nhau cả trăm. Sao lại có những sở thích vô vị như thế. Tôi hỏi Thành:
- Em sắp cưới chưa? Người yêu...?
- Tuần trước thì có, tuần này thì không-Thành thản nhiên.
- Tuần sau yêu anh nhá?
- Vậy thì tuần sau xem thế nào?-Thành hơi cười- Tuần sau có thể tình hình sẽ khác, sao không hỏi ngay hôm nay?
Tôi cười khì:
- Anh phải bỏ người yêu đã chứ...
Bà Nho kêu lên:
- Cha mẹ ơi, tiên sư cái lũ này, chúng bay nói chuyện gì thế?
Tôi cười, còn Thành không cười gì cả. Có thể đọc thấy trong đôi mắt cô ta có nỗi buền thất tình thật sự.
- Ông nghe chưa, chúng nó bây giờ thế có chán không?- Bà nói nhỏ nhẹ với ông.
Ông không nói gì, ngồi yên lặng, ông lấy tay lần lần chén nước, bà Nho đưa cái cốc nước vào tay ông. Thành nhìn thấy thế quay đi thở dài, nói khẽ:
- Em đã hỏi bà em, ngày xưa bà yêu ông thế nào, đã có gì chưa, bà em chửi cha mẹ mày, ông ấy cầm tay tao đúng có một lần. Em cứ nghĩ. Thế sao lại yêu nhau lâu bền thế mà không chán. Có lẽ bây giờ yêu nhau lên giường ngay thì chỉ ngắn ngủi thế thôi...
Thành thoắt ngơ ngẩn, hiền hẳn và lạ hẳn. Cô nói buồn:
- Anh cũng như bọn con trai thời nay thôi, anh cũng yêu đương vội vàng, rối rít như thế, tính chiến thắng bằng số lượng... Anh thử làm khác đi, như...
- Như ông anh và bà em hả?- Tôi cười ha ha- Thì lại bị cuốn vào giống mọi người, không biết mình rồi.
Cơn buồn bã của Thành bay biến từ lúc nào, cô ta hiện lại là một đứa ăn nói ghê gớm. Chúng tôi cãi nhau ba mươi phút, đến khi bà Nho bảo xuống ăn cơm, hai bên mới tạm lui binh. Bà Nho bảo:
- Bà nghe các cháu nói chuyện, bà thấy rõ là ông bà sắp xuống lỗ rồi.
- Sao vậy hả bà?
- Ngày xưa ông bà chả dám nói chuyện bỗ bã như thế. Có lẽ thời thế nó thế chăng?
- Thế nói thế nào hả bà?
- Nói thế nào... Khó nói lắm - Bà Nho nhẩn nha nói chuyện - Khi ông bị thương và ra Bắc, lần ấy là ba năm sau nhỉ?
Ông gật:
- Tôi về thung lũng tre nhà bà, chỉ có ông cụ ho húng hắng. Một gian nhà tối om, leo lét một ánh đèn. Cả phố đã đi sơ tán. Ông cụ bảo con bé cũng đi về quê rồi. Tôi thương ông cụ quá...
Tôi loanh quanh trong vườn tre, cảnh vật đẹp mà hoang sơ buồn, tôi trở lại tính ở với ông cụ một đêm... Nhưng đến bữa trưa, tôi mới thấy mấy cô dân quân trên núi xuống. Họ đi đúng đường bọn tôi đi hồi xưa ấy. Họ lập trận địa trên đó mà. Các cô ấy xuống nấu nướng, cùng ăn với ông cụ.
- Khi ông đến nơi sơ tán, tôi bất ngờ quá, bỏ chạy ù té... Nghĩ lại thấy mình lúc đó đã mười chín, ở làng thì đã phải lấy chồng, thế mà vẫn trẻ con.
Mười chín tuổi, gần bằng Thành bây giờ. Thế mà Thành đã trải qua mấy mối tình, có bộ óc của một bà già, có trái tim chông gai tua tủa.
Bà Nho nói tiếp:
- Nhưng giá ông đừng về cái đận ấy thì chả phải khổ.
- Sau đó thế nào, hả bà?- Thành hỏi.
- Chả thế nào cả, ông ấy ra đi, gửi cho bà một cái thư bảo tôi đi không có ngày về, bà cứ đi lấy chồng đi. Bà đợi đến khi có người ra báo là ông đã hy sinh, khóc hết nước mắt rồi lấy chồng. Năm sau đẻ bác con.
Tôi hỏi bà:
- Ông bà không thành, mới lại làm mối cho bố cháu với mẹ Thành chứ gì?
- Cũng có thể. -Bà cười ngặt- Ông ấy không nói nhưng khi dắt bố cháu đến nhà bà, bảo bà gọi mẹ con Thành lên, thì bà biết ý lắm. Nhưng mà ông trời không chiều lòng. Người ta có duyên số cả.
Tôi cười. Tôi tự nhiên mà cười không che giấu được:
- Bây giờ bà có định làm mối cho cháu và Thành không?
- Cha mẹ nhà các anh chị, ông bà bây giờ có mà mặc xác chúng mày. Đã bảo chúng tao đến thời xuống lỗ rồi.
Trong khi bà cháu Thành sửa soạn về thì bố tôi cũng bước vào nhà. Bố tôi đi thẳng vào phòng tôi:
- Hôm nay bố vừa đưa hồ sơ của con cho chú Phòng rồi đấy.
Tôi ngạc nhiên quá:
- Sao bố lại làm thế?
- A, hóa ra bố không được làm cái gì, hả?- Bố tôi nói xẵng.
Tôi đứng lên, tắt điện nguồn máy tính, tôi cóc cần thoát máy theo kiểu của Bin-ghết nữa, bây giờ tôi đang tức điên lên, tôi nói:
- Bố, con đã lập công ty và đang làm ăn tốt.
Bố tôi quắc mắt, ho lớn, quát:
- Mày chọn cách làm thuê hả?
- Không, con làm chủ.
Bố tôi cười khẩy, nhưng nét mặt méo mó. Bố tôi rất quý tôi, đứa con trai yêu dấu, ông cười khẩy vào cái công ty của tôi đấy, rồi nói:
- Đồ toi cơm. Đâu là làm thuê, đâu là làm chủ, hả? Bây giờ cứ có chức quyền thì mới làm chủ được.
Bà Nho vội vã vào, nghe thấy hai bố con tôi to tiếng với nhau, bảo:
- Bố con có chuyện gì nhẹ nhàng phân giải xem- Rồi bà gọi ông- Ông ơi, ông vào đây.
Bố tôi rất tức giận và trở lại phòng mình.
Ông tôi bảo:
- Thôi bà yên tâm về đi.
Bà Nho mang túi vào, để trên giá, nói:
-Tôi không về nữa.
Thành cũng xách cặp tài liệu vào phòng tôi, nói:
- Bà không về, em nghỉ ở đây vậy.
Tôi không nói gì, lại bật máy lên. Trình khởi động bị lỗi, vì tôi vừa tắt phụt điện nguồn. Tôi ngồi lặng lẽ ngắm nhìn Window đang sửa lỗi trên màn hình, tâm trạng ủ ê. Nếu không có máy tính, chắc sẽ đơn điệu và buồn chán lắm. Thế giới tôi đang sống thật sự là huyền ảo, bởi chính vì máy tính. Còn là sinh viên, tôi gia nhập câu lạc bộ "hac-kơ" (harker) trên mạng, thao diễn "crack" (bẻ khóa) rồi tôi có thể thò tay đến những chỗ rất xa, những nơi được bảo vệ cẩn mật. Trái đất đối với tôi bé lắm. Một cái bấm chuột là tôi đã đến đầu kia trái đất. Tôi dần dần biết nhiều điều mà người khác không hề biết. Giữ được lương tâm trong khi có thể ăn trộm dễ dàng mà không làm hại người khác thật là chả dễ dàng gì. Thời đại của tôi chắc mới nảy nòi ra những kẻ như tôi.
Thành nói nhỏ, kéo tôi từ thế giới ảo trở về với thế giới thực:
- Anh cứ làm quan chức như bố anh là sướng nhất. Sung sướng mà không phải mang danh ăn cắp bản quyền!
- Cái chết chính là thế, nhầm lẫn các giá trị, có những kẻ ăn trộm tiền thuế mà giàu có lên.
Thành nhắm mắt, bảo:
- Lao vào con đường làm lụng như anh thì khổ lắm.
-Tất nhiên, đã đến lúc nước ta hội nhập, anh mong tất cả đều đàng hoàng không phải ăn trộm nữa.
- Lúc ấy là bao giờ? Đã hết đời anh và em chưa, anh ơi...
Tôi quay lại. Thành đã nằm nhắm mắt trên giường của tôi, gối trên gối của tôi, vươn tay ra trắng ngần khiến tôi thoáng chút xao xuyến. Thành cũng là một phần mềm trời đang cho tôi ư? Tôi chỉ cần đóng cửa phòng, mà cũng có thể không cần đóng cửa phòng, vươn tay ra là có thể... crack được.
Tôi nghe thấy hai ông bà đang rì rầm chuyện ngoài kia.
- Ông cứ mạnh dạn đi mổ mắt đi, chắc là sẽ khá.
- Người ta mổ mắt được, tôi có phải mờ mắt bình thường đâu, tôi bị mảnh đạn văng vào.
- Ông cứ thử đi cho con cháu nó toại nguyện. Với lại, ông bảo ông về vườn tre ấy một lần nữa cơ mà?
- Sao bà bảo người ta phá đi làm phố rồi?
- Tôi bực lên nói vậy thôi. Ông cứ mổ mắt đi, nhìn thấy thì mới về được chứ?
- Năm đó, hoa tre ra, cả đời tôi không bao giờ thấy hoa tre, chỉ duy nhất cái lần ấy.
- Ông phải đi mổ mắt thôi.
-...
Tôi ngắm nhìn Thành, Thành lim dim mắt... Tôi đã biết khối đàn bà. Thời cơ thế này là tuyệt vời lắm đấy. Nhưng tôi và Thành có thể là một ca khác. Tôi muốn tôi và Thành phải khác. Tôi đã biết những cuộc tình gấp gáp, quên trời đất rồi chia tay chán chê mỏi mệt. Cuộc sống tình cảm hiện đại hình như cũng cắt khúc những miếng măng chua dầm dấm đựng trong lọ bán ở siêu thị, nó không có cái vị thơm mê như món măng tre lồng ngộc vườn xưa. Tôi cứ ngồi nguyên ở cạnh giường, nhìn Thành liu diu. Bà bảo ngày xưa ông cũng chỉ cầm tay bà đúng một lần.
Chợt Thành choàng ngồi dậy, nói:
- Chăn gối anh hôi xì như tổ cú.
Tôi giật mình. Thành đã đứng lên, mắt long lanh như mắt cáo. Tôi hơi ân hận. Tôi vươn tay ra lúc nãy thì Thành có kêu nổi không?
Chú Phòng gọi điện cho tôi:
- Hôm thi công chức nhớ phải có mặt...
Tôi ậm ừ cho qua chuyện:
- Cháu phải đi về quê làm mấy việc ông dặn, ông cháu đang nhập viện mổ mắt.
- Chú nói với bố cháu rồi, cháu bỏ hết mọi thứ đấy đã...
Tôi bèn gọi Thành đến, rủ về quê. Thành dẫn tôi lên ngọn đồi mà ông ngày trước đã tập kết đóng quân. Từ đây, ông đã trượt xuống núi um tùm sim mua, lau lách để xuống thung gặp bà đang múc nước.
Chúng tôi cũng đi lại con đường xưa ông bà đã đi. Thành trở về nhà ông ngoại. Giờ là một ông bác của Thành đang ở. Mọi người nhìn tôi bằng con mắt dò xét, hỏi Thành bao giờ cho các anh chị ăn đám cưới.
Chúng tôi đã lang thang với nhau trên núi, từ đó nhìn trăng lên trải vàng khắp thế gian. Không gian huyền ảo. Nếu tôi không một lần đến nơi này, tôi làm sao biết còn có thứ ánh trăng tinh khiết đến thế. Chúng tôi đã ngồi bên bờ sông, nhìn mặt trời đỏ máu đang chìm xuống bờ bên kia, tôi có cảm tưởng như mình cũng đang chìm xuống. Thành say đắm nhìn tôi và nhìn sông chảy bập bùng trước mặt. Tôi đã nắm tay Thành, bàn tay mềm mát lạnh. Người ta nói bàn tay lạnh thì trái tim nóng. Tôi cũng thấy trong mình sôi sục... Nhưng tôi chỉ muốn mình chết lặng cùng với mặt trời bé bỏng và muốn lắng mãi giây phút xao xuyến lạ kỳ này. Tôi sợ sự thô lỗ của tôi sẽ làm tâm trạng lung linh này biến mất. Tôi muốn mình sống khác với gấp gáp thời nay...
Trên đường về, Thành không nói, mặt ưu tư lắm. Tôi chợt buồn, nói với Thành:
- Tại sao ông và bà có tình cảm với nhau lâu dài đến thế?
Tôi nắm lấy bàn tay Thành, cô ta để yên... Nhưng khi chúng tôi chia tay, cô ta khinh khỉnh cười, bảo tôi:
- Chào anh, bánh bao hấp.
- Anh hấp hả?
- Chứ còn gì...
Tôi trở về nhà, gặp luôn bố tôi ở cửa. Tôi chào, bố tôi gật. Tôi biết ông nội tôi đã mổ mắt, bà Nho ở trong bệnh viện với ông. Bố tôi không nói gì về kỳ thi công chức ở bộ chú Phòng.
Tôi lại cắm vào máy tính. Tôi phải làm tiếp mấy việc của công ty, và phải làm mấy việc của chính tôi. Tôi vào cái trang forum mà tôi tạo ra, trời ơi đất hỡi biết bao nhiêu là ý kiến đã gửi đến bàn về sự tiến bộ.
Không biết tôi đã giam mình trong phòng bao lâu để sống với thế giới mạng ảo, chỉ đến khi nghe thấy tiếng ông bà ở nhà ngoài. Ông và bà đã trở về. Ông trông khỏe khoắn, đôi mắt chớp chớp linh động. Ông đã nhìn thấy rõ ràng. Nét mừng rỡ hiện lên trên gương mặt già nua của ông, khiến ông hình như trẻ lại.
Ông nói:
- Giờ thì tôi và bà về vườn tre ấy được rồi.
- Cháu và Thành vừa về đó đấy. - Tôi vội nói- Chúng cháu quay phim, chụp ảnh tất cả rồi đưa lên máy tính rồi... Ông có xem không?
Bà Nho lườm tôi:
- Thôi để cho ông nghỉ ngơi, mắt mới là không nên nhìn ngắm cái gì nhiều đâu- Bà nói nhỏ - Cháu để cho ông nghỉ.
- Bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác hôm ấy. Khó tả lắm - Ông nói vui- Ông cụ dẫn tôi ra vườn. Măng nhiều chi chít, lên tua tủa. Măng lồng ngộc to như những cái mũ cối có chóp nhọn. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy những cây măng to khỏe lạ lùng và nhiều đến thế.
- Mùa măng ấy thì tôi cũng chỉ nhìn thấy một lần- Bà Nho nói.
- Đó là điềm báo mùa hoa tre đấy chứ gì?- Tôi cười với ông.
- Sao, cháu cũng biết hả?- bà Nho hỏi, rồi cười nhẹ với tôi, cái nhìn nhiều ngụ ý- Hay là cháu và con Thành về nhà cũng đúng mùa hoa tre?
Tôi bèn chạy đoạn băng trên máy tính của tôi và gọi ông lại. Đây là núi, đây là sông nhìn từ trên cao xuống. Trượt từ trên núi xuống thung sẽ bắt gặp một khu vườn. Đó là khu vườn tre trong ký ức của ông.
Ông thốt lên:
- Đúng rồi... Đúng nó rồi.
Đến một lúc, cả khu vườn bỗng xôn xao một thứ âm thanh kỳ lạ. Từng chùm hoa trắng ngà nở bung. Như là mây rơi xuống vòm lá tre xanh xâm. Đó là thứ hoa tre kỳ ảo mà ít ai nhìn thấy một lần trong đời. Tôi cũng chưa nhìn thấy. Để làm đoạn băng hoa tre này, tôi đã phải lục lọi biết bao nhiêu tư liệu, mời giáo sư sinh học làm tư vấn và huy động bọn ở công ty tôi làm kỹ xảo...
Ông gật:
- Phải rồi. Này bà ơi, vào đây mà xem này...
Bà Nho đã đứng ở đằng sau ông cháu tôi từ lúc nào rồi. Bà ngạc nhiên lắm, tấm tắc khen: - Không ngờ lên phim ảnh nó lại đẹp như vậy. Thế là ông toại nguyện rồi nhé?
- Tôi phải về nhìn tận mắt chứ!
- Tận mắt làm gì, cũng thế thôi. Ông phải nghỉ ngơi cho khỏe- Bà can khéo.
Ông chợt thừ ra:
- Bà nói phải, bây giờ có về cũng chả còn vườn tre ấy nữa.
Tôi giật thót. Ông biết hết rồi ư? Trước mắt tôi và Thành hôm ấy, chỉ có một dãy phố lô xô nhà với nhà. Làm gì có vườn tược tre pheo nào ở chính cái nơi kỷ niệm thời thanh xuân của ông bà.
Ông thủ thỉ:
- Bà không nhớ sau khi ra hoa, tre sẽ tự nhiên chết hàng loạt đấy à?
Bà Nho rơm rớm nước mắt. Chắc bà xúc động lắm, gật gật:
- Cái năm ấy tre ra hoa, là đúng dịp bị bom rải thảm. Cả trận địa các chị ấy trên đồi đều bay sạch, những măng lồng ngộc thì còn sót lại nhiều. Rồi ông về, tôi và ông khênh ông cụ ra hiên nhà, nhìn xuống vườn tre ra hoa, ông còn nhớ không?
- Nhớ chứ...
Tôi len lén bấm máy nhắn tin cho Thành.
Hết

Xem Tiếp: ----