Câu chuyện kể về một mối tình dang dở, cũng không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc ra sao trong cuộc đời người Cộng sản, tranh đấu, tù đày, nhưng những dư âm dường như vẫn còn mãi - một cuộc tình ngắn ngủi mà ngọt ngào…
Mùa xuân năm 1940, khi tôi đang dạy ở một trường tư ở một phố mang tên Tây, trường cũng mang tên phố, trên đường đi từ nhà gặp một chú bé dúi vào tay một phong thư. Ðến trường mở ra đọc. Thư của một cô gái tỏ tình, chữ viết khá đẹp. Không ký tên. Mấy ngày sau, lại nhận được một bức thư mới, cũng nói về yêu đương bằng cách bóng gió.
Muốn thử xem sao, tôi viết mấy câu thơ:
Thư ai? Viết để gửi cho ai?
Muốn gặp ai ngay, ngỏ mấy lời.
Ðã đợi, đợi hoài mà chửa thấy.
Sầu này dằng dặc biết ai hay.
...
Ðoán rằng cậu bé sẽ lại đến. Ðúng như vậy.
Cậu ta mang phong thư thứ ba. Tôi trao cho cậu phong thư mang mấy câu trên.
Sáng mai, cậu bé lại gặp và đưa thư. Thư nói vắn tắt:
Nếu ông muốn, tôi sẵn sàng gặp. Chỉ cần một điều: Không được làm nhục tôi. Chỉ có thế thôi. Trả lời.
Tôi gửi thư lại, không hiểu vì sao, nhưng cứ cam đoan như lời yêu cầu. Cô hẹn thời gian, địa điểm và ký cái tên khác hấp dẫn: Phương Lan, Ngô Thùy Mỵ.
Một cuộc gặp vào lúc xế chiều ở một đoạn đê thưa khách đi lại.
Cô gái vóc người thanh tú, trẻ hơn tôi một chút, ngoài độ tuổi trăng tròn. Mặc giản dị như những cô học sinh thời đó. Ðiều làm cho tôi chột dạ là mặt cô hình dáng dễ coi, đôi mắt thơ mộng, chỉ tội bị rỗ hơi đậm.
Tôi phải trấn tĩnh, không lộ vẻ ngạc nhiên, để cô khỏi mủi lòng và tôi mới hiểu ngay yêu cầu của cô hẹn gặp. Nếu trời không hại cô, thì chẳng được nghìn vàng cũng không dưới một nửa.
Tôi đưa mắt, cô đáp lại; xã giao mà thôi! Hai người trao đổi những câu bâng quơ và cùng nhau đi một đoạn đường. Rồi thấy kéo dài cuộc nói chuyện không biết nên nói những gì, tôi chủ động ngỏ lời cảm ơn và từ biệt. Cô không cho địa chỉ. Tôi cũng thấy hỏi lúc này chưa tiện.
Về nhà tôi suy nghĩ miên man, không biết nên tiếp tục như thế nào. Vả lại, công việc nhà trường cũng bận. Tôi được giao nhiệm vụ dẫn đoàn học sinh đi tắm biển ở bãi Kiên Chính, Hải Hậu. Làm công việc của Ðoàn thanh niên dân chủ lúc này đã đổi tên là phản đế và việc chuẩn bị để được trở thành đảng viên Ðảng Cộng sản. Tôi chưa dám nghĩ đến việc yêu đương.
Ở bãi biển về được khoảng một tuần thì một buổi chiều khi tôi đã ở trường về nhà trọ ở phố Hàng Tiện, cùng ở với hai người cũng dạy tư ở hai trường khác, bị hai tên mật thám mang trát đến khám đồ đạc và dẫn đi sở mật thám. Cả dãy phòng giam chật ních người; mỗi người ở một buồng nhỏ riêng khóa chặt. Mỗi phòng chỉ có một lỗ tròn bằng cái bát ăn cơm ở phía trên cửa. Giữa dãy buồng giam là phòng tra tấn. Mùi nồng nặc của phân, nước đái, mồ hôi tỏa ra khắp phòng. Ðến giờ ăn, mỗi người được một nắm cơm vừa hai bàn tay úp lại và một dúm muối để trong một cái rá nhỏ. Quang cảnh ấy không thể không làm cho lòng người ngao ngán. Buổi tối, sau khi lên đèn, phòng tra tấn làm việc. Tiếng mở cửa, rồi tiếng kêu của người bị tra tấn báo hiệu cho những người bị bắt, chưa đến lần mình phải chuẩn bị tinh thần đối phó trước thử thách. Người bị tra tấn đã mệt nhoài và đau đớn, thế mà còn trông trước trông sau nói nhỏ vào lỗ cửa người khác: chuẩn bị tinh thần, tra bằng roi điện đấy, đừng kêu, càng kêu nó càng đánh. Tiếng nói quen, cánh thanh niên cả. Ở sở mật thám khoảng nửa tháng chịu đựng được năm trận tra điện và nhiều cái tát đến sái quai hàm. Sở mật thám này có hai thằng Tây là chánh và phó. Flenti, Pháp chính cống, nói tiếng Việt như gió là Chánh. Phó là Tây lai, tên Paccard. Ðáng sợ là ba thằng người Việt, do một thằng phản bội đứng đầu, hói và đánh rất ác. Dí điện qua một cái roi dẫn điện mắc vào bình chứa điện dí vào những chỗ nhạy cảm nhất trên cơ thể: cằm, nách, chân, tay, nhất là chỗ hiểm. Người bị tra tấn phải trần truồng.
Trước khi dấn thân vào con đường cách mạng, ai cũng ít nhiều được chuẩn bị vượt qua sở mật thám, nhà tù, cảnh đi đày ở nơi xa, biệt xứ. Ðụng đầu với bọn mật thám mới thấy là gian nan thật. Con người trước bọn mật thám bị đối xử tệ hại hơn con vật. Là tên phản bội sau khi tham gia đoàn thể cách mạng, nó biết cách hỏi rất nguy hiểm để tìm mối liên lạc giữa người này với người khác, biết phân biệt đúng, sai; nói dối nó, rất khó. Hai thằng Tây cũng thạo lắm. Chúng biết lần mối và hỏi vặn. Hai người Việt khác là Phong, Ðỉnh là bọn đồ tể, đánh rất đểu. Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Ngô Duy Phớn im lặng chịu đòn, không nói gì, bị chúng đánh chết.
Vụ vỡ lở năm 1940 ở Khu C của tổ chức Ðảng Cộng sản và các tổ chức cách mạng khác do Ðảng lãnh đạo thuộc bốn tỉnh Nam Ðịnh, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình là một thất bại lớn do chính hai người đứng đầu khu đảng bộ khai ra, Nguyễn Văn Dương và Nguyễn Duy Tri, người thứ hai là Bí thư năm 1940, người thứ nhất hai năm 1938, 1939. Vụ bắt bớ và kéo dài từ tháng Ba năm 1940 đến tháng Tư năm 1941, hơn 500 người bị bắt, cuối cùng, 60 người bị đưa ra xử ở tòa Nam Án (ở Nam Ðịnh có một tòa án Tây để xử Tây, tòa Nam Án xử người Nam). Những người khác giữ được bí mật hoặc liên can chưa đủ mức, được thả. Xử án mớ: Sở mật thám tra tấn, hỏi cung, làm hồ sơ, phân loại, định mức ẩu hàng loạt; 3 năm, 5 năm, 10 năm, chung thân (Ðốc lý thông qua). Sau đó, sở mật thám chuyển cả chồng hồ sơ sang phòng dự thẩm do người Việt ngành tư pháp hỏi lại mấy câu. Cuối cùng, một phiên tòa do viên chánh án người Việt chủ tọa, hỏi qua loa rồi tuyên án do tên lục sư đọc danh sách những người bị kết án. Ðọc xong, viên chánh án nói: Những người bị tuyên án ở đây được phép chống án lên tòa thượng thẩm (tên gọi lúc bấy giờ, nghĩa là phúc thẩm). Tòa tuyên án gần hết, chỉ thả hai người cốt để chứng tỏ có cân nhắc, cấp trên cũng có quyền. Mọi việc đều do Tây định đoạt.
Sau phiên tòa khoảng một tháng. Tất cả được lệnh chuẩn bị đi nơi khác. Một sáng sớm, mấy xe vận tải cỡ lớn bịt mui kín lùa 150 người từ nhà tù Hỏa Lò lên nhà tù Hòa Bình, nghỉ lại một đêm. Sáng hôm sau, hai người một xích, ngày đi đêm nghỉ. Không kể mưa nắng. Cái khổ là tiểu tiện có thể cùng đi, đại tiện thì khó. Ở nhà tù Sơn La, thỉnh thoảng tôi nhận được thư của cô gái. Mấy người bạn hỏi thư của ai. Trả lời: của một cô gái buôn bán nhỏ ở thành phố Nam Ðịnh, tên một loài hoa thơm. Một người bạn nói: người làng tớ, làng Bách Tính, con ông cử nhân nho học, không làm quan, lấy vợ đi buôn.
Ở Sơn La, thi hành được quá nửa thời hạn của án, tôi nhận được thư một cô gái khác báo tin cho tôi trước khi mình bị Trời gọi về đã nhờ cô viết thư cho tôi cho biết tin không vui này. Bức thư ký cái tên đẹp, không thuộc một loài hoa mà là một từ chỉ đạo sự ứng xử của con người: Phương Châm, có ghi địa chỉ ở dưới.
Năm 1945, tôi được trở về giữa mùa xuân. Ði xe lửa từ ga Phú Thọ đến ga Hà Nội, lấy vé sang ga Từ Sơn. Vừa xuống ga, vào quán nước bên đường bỗng thấy Ngô Ngọc Diễm (Từ Vân), người Tam Sơn cùng về một chuyến với tôi. Anh nói: cậu đến đây ngay là giỏi quá. Việt Minh ở đây khá mạnh, tớ sẽ chắp mối cho cậu. Tôi vào Ðình Bảng lại gặp ngay Nguyễn Duy Thân, Ðỗ Ngọc Thường. Tuyệt thật. Bây giờ đã ở trong vòng tay thương yêu của Ðảng rồi.
Sau khi nhận công tác, tôi tranh thủ một ngày thử trở lại chốn cũ, thăm hỏi xem sao. Theo địa chỉ còn nhớ, tôi đến với Phương Châm, cô này cũng chẳng bằng Kiều thì cũng không đến nỗi thua kém Vân. Hỏi thăm người cũ, được biết, không chết đâu, đi lấy chồng thôi, ai chờ được mãi. Cô cũng có ý nói điều gì nhưng lại thôi. Cuộc gặp chớp nhoáng. Tráng sĩ phải lên đường. Nhờ người dẫn đến thăm chùa Tiêu Sơn để xem Nhất Linh miêu tả có đúng hay không. Tiểu thuyết và cảnh vật bao giờ cũng chỉ có đôi nét giống nhau nhưng lại để lại được một kỷ niệm khó quên. Sư Cụ ủng hộ Việt Minh, mua trái phiếu của người đi cùng tôi, Bạch Di nghe tôi giới thiệu chương trình cứu quốc của Việt Minh. Sau này, mỗi khi chiều về, tiện đường tôi lại vào thăm chùa, chuyện trò với sư cụ và được hưởng lộc Phật, oản chuối. Một vị sư trẻ biết tôi là một chàng Việt Minh.
Không lâu, tôi lại được gọi về giúp việc cấp trên ở Hà Nội. Tham gia khởi nghĩa. Một hôm được phân công đi tiễn một đoàn quân Nam tiến ở dốc Hàng Than, bỗng một người mặc áo bộ đội chạy ra, hỏi, anh có nhớ tôi không? Tôi hơi ngơ ngác. Anh bộ đội nói: sư ông Thanh Sơn đây mà. Thật là vui. Rồi chiến tranh ập đến kéo dài suốt 30 năm. Khói lửa đầy trời, thành phố, làng mạc bị tàn phá. Nhiều người đổi nơi cư trú. Ðến tuổi về nghỉ, tôi cũng như mọi người. Té ra, nửa thế kỷ trôi qua, tưởng chừng chỉ trong nháy mắt. Tôi đã thành một ông già, chỉ dám ước rằng không lẩm cẩm.
Bỗng một buổi sáng đẹp trời, tôi ra cổng ngắm xem cuộc sống đang vận động. Một bà trạc ngoại ngũ tuần, dáng người nền nếp thị thành đến gần hỏi tôi:
-Thưa cụ, có phải cụ là Yên Chi, không ạ.
- Chính tôi đây.
- Tôi là cháu cụ Cử X, muốn nhờ cụ giúp cho một việc.
- Mời bà vào nhà. Sau khi uống chén trà nóng, bà hỏi: Cháu có bà cô hoạt động cách mạng ở Hà Nam hồi đầu kháng chiến sau đó mất tích đến nay cũng chưa biết vì sao. Nếu cụ biết, thì quý hóa quá.
- Tôi không hoạt động ở đấy. Xin hỏi ông Trần X. may ra biết chăng?
Biết bà khách là cháu cụ Cử, tôi hỏi: Bà có biết cô Thùy Mỵ bây giờ ở đâu không?
- Ồ, đến bây giờ Cụ còn hỏi cô Mỵ à? Tôi im lặng. Bà cũng không nói. Chẳng hiểu người đó có phải là con người tình ngắn ngủi hay không. Trông người cũng giống hao hao. Câu hỏi này may ra sẽ được giải đáp ở cõi vĩnh hằng.

Xem Tiếp: ----