Một truyện ngắn giàu chất thơ - cũng là nét đẹp thường thấy trong sáng tác của Đức Ban-nhà văn "lão thành" xứ Nghệ. Những chi tiết thô ráp của hiện thực đời sống chỉ là cái nền để tác giả viết lên đó một bài ca đẹp về tình yêu với những cung bậc muôn thuở mà riêng biệt. "Sông có khúc, người có lúc" (Tục ngữ) Cuối cùng ông chủ tịch xã cũng dẫn tôi về làng Vạn theo con đường nhỏ đầy cỏ gừng và lá rụng men theo sông Nghèn. Chúng tôi đi được chừng một cây số thì trời nhá nhem tối. Bóng đen cùng sương mù từ dưới sông bốc lên lởn vởn quanh những bông lau trắng rũ rượi, rồi dâng cao, dày đặc cả khoảng không vừa nãy còn trông rõ vô vàn cánh hoa bần đỏ bay lăm răm. Chẳng còn nhìn thấy mầu sắc và đường nét của mọi vật nữa. Bên phải chúng tôi, dòng sông thầm thì, thầm thì... Cái tiếng sóng như tiếng người trò chuyện ấy khiến tôi không thể không ngoảnh đầu lại. Và tôi chợt thấy một bóng đen giống người đàn bà có mái tóc bay vật vờ đang tiến về phía chúng tôi. Người đàn bà lắc lư như đi trên các ngọn sóng. Tôi dụi mắt. Bóng đen ấy biến mất. - Anh nhìn thấy gì không? - Tôi hồi hộp hỏi anh chủ tịch xã. - Không! - Có ai ở dưới sông. - Lâu nay dân đồn đại: Cứ đêm khuya khoắt có một người đàn bà từ dưới sông lên chăm sóc lão Trìu. Bịa. Bịa tất! Từ khi xã mở đường mới, dân làng Vạn không ai qua lối cũ này. Rồi lão Trìu lên bờ ở, khúc sông này vắng như nghĩa địa. Mà sao anh lại quen biết cái lão Trìu ấy? - Hồi ông ngoại tôi còn sống có một mùa hè mẹ tôi gửi tôi về đây ở với ông. Gần hai mươi năm rồi. - Lâu thế mà còn nhớ? - Anh chủ tịch xã nói và dừng lại. Chúng tôi đã ra khỏi con đường rợp đầy bóng cây. Trời sáng hơn. Tiếng sóng thầm thì chỉ còn là tiếng vọng mơ hồ. Trên đầu chúng tôi một ngôi sao rơi về phía tây cháy một đường sáng dữ dội giữa nền trời đen. - Đến nơi rồi - Anh chủ tịch xã nói giống như tiếng thở phào - Vậy là tôi đã đưa được anh đến tận nhà lão Trìu. Anh vào nhà mà thăm hỏi lão ấy, còn tôi phải đến gặp ông thôn trưởng bàn công việc. Mà anh nhớ về nhà khách của xã đấy! - Vâng - Tôi đáp nhanh. ... Ẩy nhẹ cánh cửa liếp, tôi bước vào. Bầu không khí ẩm ướt thơm lừng mùi thuốc bắc, mùi chuối chín và một thứ mùi gì nữa lần đầu tiên tôi bắt gặp. Không nghe thấy một giọng nói, một bước chân nào và cả ngôi nhà như đang ngủ yên. Một ngọn đèn dầu tỏa sáng trắng soi rõ từng đường nét trên những tấm ván thuyền thưng bốn phía chung quanh, mấy quả chuối vàng ươm cùng hai cái bát trên chiếc chõng tre, cái giường đang buông màn và tấm lưới lòng thòng. Đâu đây, sau lưng tôi, có tiếng lạch xạch như tiếng cửa liếp xê dịch. Tôi quay đầu nhìn. Chẳng còn nghe gì nữa. Im ắng đến rợn người. Tôi bước những bước dài về phía giường gỗ và vén màn. Ông Trìu nằm nghiêng, đầu ngoảnh về phía cửa sổ - phía sông Nghèn - lưng quay lại tôi. Người ông gầy gò, co quắp như một con tôm mùa hạ. Mái tóc bạc, lưa thưa của ông uốn về phía sau vành tai để rõ chỗ hõm như cái lỗ đáo đựng đầy bóng tối nơi thái dương. Dưới cánh tay dài xuôi dọc hông, những cái xương sườn sau lần áo mỏng thé cứ dồi lên, xẹp xuống. Dáng vẻ ông, thần sắc một nửa khuôn mặt ông khiến tôi không dứt được ý nghĩ về cái chết - cái chết tàn nhẫn không chừa một ai ở cõi trần thế nhọc nhằn này. - Để yên cho ông ấy ngủ. - Ai đấy? - Tôi ngẩng đầu, quay lại, hỏi. Không có tiếng đáp. Vậy nhưng tôi vẫn ngoan ngoãn tuân thủ tiếng nói của ai đó, ở đâu đó. Mắt không rời ông Trìu, tôi đi thụt lùi đến bên cái chõng tre và ngồi xuống. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi gặp ông Trìu là một buổi sáng mát mẻ: Tôi ngủ dậy, trời còn lờ mờ nhưng nhà đã vắng ngắt. Ông tôi đã đến Ủy ban hành chính xã, còn bà tôi nói như dân làng Vạn là "đi bán mặt cho đất bán lưng cho trời". Tôi ra sân, theo lối ngõ lên đường làng, rồi xuống bờ sông Nghèn. Tiếng chim hót, tiếng cây cối lào xào, tiếng sóng thầm thì làm tôi thấy thích thú. Tôi len giữa bãi lau bên bờ sông, theo những tiếng kêu chim chíp, chim chíp, chắc là tiếng chim. Tôi nhìn thấy một con thuyền gỗ vẻ cũ kỹ, nằm dưới một gốc bần già nua. Trên thuyền có một người đàn ông ngồi. Ông mặc cái áo vải nâu nom rõ từng sợi thô rám và cái quần mầu xanh rách gấu. Khuôn mặt ông lộ rõ vẻ hiền từ nhẫn nhục. Hình như tiếng động tôi gây nên đã đánh thức ông khỏi những suy nghĩ triền miên nào đó; ông ngẩng đầu nhìn tôi: - Lên đây! Lên đây chơi với ông. - Ông nói như đọc được ý nghĩ tôi. Rồi ông đứng dậy đi về phía mũi thuyền cúi khom người nắm sợi dây nối với gốc bần kéo mạnh. Con thuyền rùng mình, lao vào bờ sát chỗ tôi đứng. Ông đưa hai cánh tay to lớn đen đúa về phía tôi, giúp tôi xuống thuyền. - Con cái nhà ai vậy? - Ông hỏi sau khi lấy cái gàu làm bằng mo cau múc nước dưới sông lên cho tôi rửa chân. Tôi đáp: - Cháu là con bố Châu, cháu ông Hộ. Ông cháu làm việc trên xã ấy! Ông Trìu bật lên một tiếng cười khô. - Ông biết. Ông với ông cháu là bạn bè từ hồi nhỏ. Chà, hồi ấy bọn tao chơi với nhau mới thích! Sau này ông cháu làm nên ông xóm rồi ông xã, có quyền... Dù giọng ông không có vẻ tức giận, chỉ hơi day dứt thế nào ấy và cái nhìn thì vẫn hiền từ nhưng tôi vẫn thấy sờ sợ. Tôi ngồi thu người lại, im thít. Thấy vậy, ông vuốt mái tóc tôi: - Lâu nay ông thèm nói chuyện, suôn mồm thế, cháu đừng giận. Chuyện người lớn bọn tao... Chà! Ối thứ... Thế bố Châu của cháu có về thăm làng không? Tôi lắc đầu, ông cũng lắc đầu theo. Đoạn ông cho thuyền trôi ra giữa sông. Ở đây, gió mạnh hơn, sóng lớn hơn. Hai bên mạn thuyền sóng vỗ ì ọp. Tôi nghiêng ngửa theo nhịp thuyền lắc. - Thích không? - Ông hỏi. - Thích lắm ạ - Tôi sung sướng đáp. Khuôn mặt ông nở một nụ cười. Bàn tay có những ngón to, thô ráp của ông mềm dẻo buông tấm lưới mầu vàng ươm. Xong, ngồi chồm hỗm ghìm thuyền đứng yên một chỗ, ông nheo nheo mắt dõi theo những cái phao lưới trắng xếp một đường ngoằn ngoèo trên mặt sông đầy hoa bong bóng. Phao ngoi ngóp, tức là có chú cá sa lưới. Lúc ấy, ông rút cái vợt dắt nơi cạp quần trao cho tôi, còn ông vớ cái mái chèo ngắn chèo thuyền lướt tới... Những ngày sau đó, chờ cho ông bà ra khỏi ngõ là tôi ba chân bốn cẳng tót xuống sông với ông Trìu. Cái gì ở ông đối với tôi cũng đều mới mẻ và hấp dẫn. Ông nói chuyện mới hay làm sao! Ông gọi tên các loại cây, từ cây bé đến cây to một người ôm không xuể ken dày hai bên bờ sông, gọi tên các loài cá, từ anh Bống, chí Thờn Bơn, chú Chép, dì Trôi, bác Trê, ả Diếc... Ông lấy tên các loài cá đặt tên cho từng khúc sông: Khúc Bống, khúc Tôm, khúc Hẻn, khúc Mè... Từ ấy, tôi không rời ông nửa bước. Chúng tôi cho thuyền lênh đênh dọc sông Nghèn, buông lưới, cất te, thả câu, chắn sào. Người tôi nhanh chóng cháy đen và ngửi đâu cũng nghe mùi bùn lẫn mùi hoa bần. Bữa nào ông lên chợ Nhu bán cá, một mình tôi lái thuyền đi coi câu và đánh lưới như một anh dân chài thực thụ. Chợ về ông mua cho tôi một cái bánh gói bọc ba lớp lá chuối, ruột bánh xanh lơ, mịn màng thơm phức mùi hành phi mỡ. Chăm chú nhìn tôi ăn, ông hỏi: - Ngon không con? - Thưa bố ngon lắm ạ. Ông cười. Nhưng nụ cười bỗng tắt ngay. Khuôn mặt ông trở nên buồn thiu. Vì sao một con người tốt bụng cần cù như ông mà lại không có vợ, không có con? Câu hỏi cứ thắt lấy tim tôi. - Bánh cô Thảo đó - Bất ngờ ông nói, giọng trầm, mắt nhìn vu vơ lên những nhụy hoa bần bay lang thang. - Cô Thảo nào ạ? - Tôi buông hỏi. - À... Cô Thảo - Bánh - Gói... ờ... phải, mày không biết... Rồi tao sẽ đưa cô ấy về nhà. Tội nghiệp, cũng một thân, một mình. - Ông có nhà đâu ạ? Tôi ngớ ngẩn hỏi. Câu hỏi vô tình của tôi đâm phải một chỗ nào đó trong lòng ông. Ông bật dậy, giẫm thình thoạng lên sạp thuyền. - Cái gì đây, hả? Cái này không phải là nhà của tao, hả? - Ông đổ người xuống thở hổn hển. Còn tôi thì tái mặt, người run bần bật. Lặng đi một lúc, rồi ông nhào tới ôm chầm lấy tôi, dụi dụi cái cằm rám râu vào trán tôi. - Đừng! Đừng giận ông nhé! Giọng ông gần như thầm thì - Trước kia ông có nóng thế này đâu... Trước ông có nghèo thế này đâu. Ông có nhà hẳn hoi, nằm cạnh lối rẽ vào chợ Nhu, thế đất đẹp lắm. Đang yên thì thằng con ông chủ tịch xã mang vợ con từ ngoài thành phố lù lù về. Rồi ông chủ tịch xã sai người mang dây rợ đến cắt đất của ông... "Một thân, một mình chỉ cần sáu mét vuông" - Hắn nói thế. Dạo ấy, ông nằm thuyền. Ở nhà bụng dạ nó chẳng thảnh thơi chi, ngoảnh phía nào cũng thấy tường nhà người cao ngút ngợp. Nghèo, cực trăm bề. Hết cách, hắn xây hố xí ngay cạnh hè nhà ông. Đến thế thì Phật cũng không nín chịu được. Ông mới cầm lấy cổ áo hắn vứt hắn xuống hố vôi. Khổ nạn cho ông là hố vôi chưa nguội, hắn bị phồng da, phồng một chút nơi bàn chân. Xã đòi ông lên. Xử phạt. Ông phải bán hết mọi thứ, gán cả nhà cho hắn, chỉ còn mỗi cái thuyền. Buồn, ông cho thuyền xuôi sông Nghèn, tênh sang xã khác, nhưng người ta đuổi về vì không có cái hộ khẩu. Ông sống hơn nửa đời gặp người hiền, gặp bậc thánh nhân cũng lắm mà gặp kẻ ác cũng nhiều, cứ như cỏ lác bên sông ấy. Nước mắt tôi ứa ra... - Nín đi... Nín đi!... Ông Trìu thì thào vào tai tôi - Không hề chi mà!. Tôi nép sát vào người ông. Một giọt nước mắt của ông rơi xuống má tôi. Sau đó ông mang giỏ cá lên chợ Nhu bán, tôi ở nhà lau ván sạp. Hôm ấy chẳng hiểu sao ông dặn tôi phải lau cọ ván sàn sạch sẽ như thế nào, phải trèo hái hoa bần bỏ vào khoang cá để cản mùi ươn ra sao? Mặt trời sắp lặn, ông mới về, theo sau ông là một người đàn bà to lớn mặc quần láng đen, áo nâu, ướm mầu hoa bần, đầu đội một thúng bánh gói vun chóp nón. Ông Trìu không theo lối cũ mà tắt ngang bãi lau, rẽ lá xào xào. Vừa chạy ông vừa khua tay gọi tôi: - Ê! Cặp bờ! Cặp bờ! Tôi vứt giẻ lau, vớ sào, quay thuyền. Mũi thuyền ẽo ợt chưa kịp áp bờ ông đã nhảy phốc lên. - Ghìm chặt - Ông nói và vội vàng đến luống cuống, kéo tấm ván bắc xuống gốc bần làm cầu. Nom ông khác hẳn, như một thanh niên. Người đàn bà một tay kéo ống quần, một tay khuỳnh lên đầu giữ thúng bánh. Đặt hai bàn chân to bè lên cầu, chị nhún hai nhún, tấm ván gỗ dày hơn hai đốt ngón tay oằn cần câu. Chị bước ào ào xuống thuyền. Con thuyền lắc mạnh, chúi mũi, tưởng lật. Thấy tôi, chị ta chun cái mũi tẹt có rất nhiều đường đỏ li ti, hỏi ông Trìu: - Con à? - Đếch đâu! Cháu ông Hộ, chủ tịch xã đó. - Chơi với cả cháu chủ tịch xã kia à? Ghê! - Chị ta nói, giọng ồ ồ như nước chảy nhưng nghe hiền khô. Ông Trìu rít một điếu thuốc lào nhả khói, trầm ngâm: - Ông Hộ mới lên làm chủ tịch, được đồn là chủ tịch có tâm. Người đàn bà đặt thúng bánh xuống, chắp hai tay trước ngực vái ông Trìu hai vái. - Xin ông! Thứ chuyện to tát ấy, loại ở lều chợ, ở thuyền như tôi và ông cổ thấp vươn đâu đến mà bàn. Ông Trìu khảy khảy ngón tay út vào khóe miệng, cười hề hề. Người đàn bà cười theo. Họ cười khá lâu. Tôi thấy gương mặt hai người rạng rỡ, còn trong mắt họ thì có những tia sáng phản chiếu như ngưng đọng. Ông Trìu lấy bốn cái bánh gói dúi vào tay tôi một cách hào phóng và thân mật: - Cháu về đi! Ông có khách mà. ... Tối ấy, vầng trăng vàng rực gác trên ngọn cây bần đằng khúc sông cá Bống. Ánh trăng lấp loáng chảy run rẩy trên mặt nước thẫm đen. Đó đây hiện lên những mảng mầu hồng mỏng tang, mờ ảo. Tiếng sóng thầm thì, thầm thì còn bên sông, trong bãi lau lách tiếng côn trùng rộn lên rạo rực. Thuyền ông Trìu không buộc vào gốc bần như những đêm trước mà trôi lừ đừ giữa sông. Trong khoang thuyền có mái che làm bằng phên nứa kẹp lá cọ vẳng tiếng nói chuyện rì rầm lẫn tiếng cười khúc khích. Rồi im lặng. Rồi vang lên tiếng lập cập. Con thuyền rùng mình. Chòng chành. Chao đảo. Sóng dồn lên nhau, đuổi nhau ào ạt, đập vào bờ, tung tóe nơi gốc bần. Có tiếng động từ phía giường ông Trìu nằm; chắc cánh tay nằm dọc hông của ông rơi xuống giường, tiếp theo là tiếng thở khò khè vẻ khó nhọc. Tôi đứng bật dậy. Cái giọng nói lúc nãy lại vang lên: - Để cho ông ấy ngủ. Tỉnh, ông ấy đau lắm! Tôi đưa mắt nhìn quanh. Một khuôn mặt hiện ra giữa khung cửa, nơi giáp ranh ánh sáng trời và ánh sáng đèn. Khuôn mặt méo mó lúc rõ lúc mờ, cái bóng chập chờn nơi cánh cửa, tia chớp lóe lên trong màn đêm tối sẫm phía xa, những cái đó gây cho tôi một cảm giác sợ sệt. Tôi bóp chặt những ngón tay vào nhau bước về phía cửa và thận trọng chân lên thềm. - Lại đây! - Tiếng nói phát ra từ bóng đen có hình thù người giữa sân. Ngay lúc đó những tia chớp từ phía sau nhà chảy tràn xuống sân, xuống khối đen giờ đã hiện rõ một người đàn bà to lớn mặc áo cộc tay, quần xắn cao quá gối. Trăng đã lên. - Chị Thảo! - Tôi mừng rỡ. - Ờ. Thảo đây. Nói nhỏ nhỏ! - Giọng chị ồ ồ cố nén. - Lúc nãy ở dưới sông lên thấy anh và chủ tịch xã, tôi nép vào bụi mưng nghe hai anh nói chuyện, biết anh về thăm ông nhà tôi. Quý hóa quá. - Chị vuốt dọc cánh tay tôi hổn hển - To đẹp thật. Anh chẳng giống ông anh chút nào. Chị vẫn nói ào ào, cử chỉ vẫn mạnh mẽ như ngày xưa, chỉ khác là khuôn mặt đầy đặn cứng cỏi, đường nét linh lợi đã biến đâu mất. Chị ngồi xuống sân, duỗi dài đôi chân bám đầy bùn, nghiêng người, kéo tôi ngồi xuống bên cạnh. - Tôi gọi anh ra vì sợ anh làm ông ấy thức. Để cho ông ngủ. Tỉnh dậy, ông ấy kêu rên không ai chịu được. Lại còn đòi xuống sông tắm nữa đấy chứ. - Ông đau lâu chưa? - Tôi hỏi. - Ba tháng hai ngày rồi. Tôi chạy đi chạy về với ông ấy. - Thế trước đó? - Tôi hỏi. Chị cúi xuống nhìn vào một chỗ nào đó trên người mình. Đưa tay vuốt ngực, rồi trút một tiếng thở dài thườn thượt, chị nói bằng thứ giọng bùi ngùi: - Xửa xưa ấy, có cái chi ở tôi làm ông ấy phải lòng. Người tôi có xinh xắn chi, của nả thì không có, nhà cửa cũng không, kẻ thân, người thích cũng không nốt. Vậy mà phiên chợ Nhu nào bán xong cá ông cũng sà vào quán tôi ăn bánh gói. Ăn bánh thì một, ăn ớt thì mười. Giỏi chịu cay đến khiếp. Ăn xong cứ ngồi, ngồi nhìn tôi chăm chăm. Một bữa, tôi ế bánh, ông ấy bảo mang cả xuống thuyền, ông mua cho khách. Thì xuống. Đó là bữa tôi gặp anh. Hồi ấy anh bé con, gầy khẳng, da nhợt như da cá mái... Thấy ông ở một mình, tôi thương. Nghĩ mình ở một mình, càng thương. Tôi làm vợ ông ấy. Tuy chẳng đăng ký, đăng kiếc chi, vẫn là trao xương gửi thịt cho nhau, chúng tôi thương nhau lắm. Hai, rồi ba năm tôi vẫn không có con. Chán quá. Đàn bà nó thế. Có chồng là phải có con. Tôi mới nói với ông: Vợ chồng ta khỏe như trâu cả, không đẻ con chắc vì ở trên thuyền nó cứ chòng chành, chòng chành. Phải lên bờ làm mái nhà, tre pheo chi cũng xong. Chiều lòng tôi, ông ấy lên xã xin đất. Họ chỉ cho một bãi đầy cây xấu hổ và cứt chó sau lăng cụ Thượng lại còn bắt nộp ba mươi ngàn đồng. Trời! Có bán cả thuyền, cả tôi, cả ông ấy cũng không đủ. Tôi ít khóc mà mắt cứ ướt nhòe. Một hôm, ông ấy cãi nhau với tôi rồi đuổi tôi đi. À, đã thế tất xong. Tôi đứng đầu mũi thuyền nhảy phốc một cái, bíu tay vào cành bần, rồi theo thân cây tuột xuống gốc, đi thẳng. Nói là đi thẳng nhưng bảy lần tôi ngoảnh đầu lại nhìn. Ông vẫn đứng trên thuyền khóc hô hố. Cho khóc!... Mãi sau này tôi mới biết, ông bày ra cái sự ấy chỉ vì thương tôi, muốn tôi có con. Tôi về chợ Nhu nhưng cái lều tôi ở không còn nữa. Thay vào đó là một ngôi nhà to, cao. Hỏi ra mới biết nhà ông thợ may Hài. Ra thế. Đang cơn tức, tôi định lành làm gáo, vỡ làm môi nhưng ông Hài mau miệng đã mời tôi ở lại trong chái nhà dưới. Vợ ông ta chết từ nảo nào. Dần dà tôi làm vợ ông ta. Trở thành vợ ông ta lúc nào tôi cũng không hay nữa. Tôi thì to khỏe. Ông Hài thì ngày một còm nhom. Ông ta bị bệnh gì đó trong ngực. Thế là không có con. Thế là ông ta nhiếc móc, chửi mắng tôi. Rồi còn đánh tôi bằng thước đo vải nữa chứ. Là thế nhưng ông ta vẫn giữ riết lấy tôi, ban ngày ban mặt cũng tìm cách dày vò con người tôi. Ông Trìu hỏi han ai mà biết hết chuyện. Một bữa, ông mang giỏ đến trước cửa nhà ông Hát, rao: "Ai mua... c... á... n...ày!...". Nghe tiếng ông, tôi như người lên cơn sốt. Tôi biết ông muốn gặp tôi. Tôi gọi ông vào. Trời ơi!... Bữa đó mắt ông ấy nhìn tôi... Ông ấy đổ tuột giỏ cá xuống giữa sân. Cá choài lung tung, giãy đành đạch. Vừa nhặt cá ông vừa giãi bày gan ruột ra. Rồi ông khuyên tôi về thuyền với ông. Tôi cố nén khóc nhưng nước mắt cứ giọt ngắn, giọt dài. Được bao nhiêu tiền tôi nhét cả vào túi áo ông, rồi bớp một con cá chạy vào bếp. Ông Hài biết. Là dân kẻ chợ, ông ta khôn ngoan đáo để. Ông ta đổi cho anh thư ký Ủy ban xã cái áo Pôpơlin lấy cái giấy đăng ký kết hôn làm cái xích để xích tôi vào người ông ta. Thỉnh thoảng, ông Hài lại khua khua mảnh giấy trước mặt tôi, dọa: "Mi mà bỏ tao về với thằng Trìu, tao kiện, xã sẽ trói gô nó...",. Trong nhà có tiếng ho. - Ông thức! - Tôi nói. - Không phải đâu. Ho trong giấc ngủ đó. Để cho ông ấy ngủ. - Sáng mai ta đưa ông đi viện chị ạ - Tôi bàn. - Đi rồi đấy chứ! - Chị lắc đầu ngửa mặt lên trời - Cách bữa ông đến bán cá ở nhà tôi chừng một tháng, tôi cứ thấy nóng ruột, máy mắt mới chạy về thuyền ông. Ông ấy ốm, người nóng hầm hập. Tôi ôm lấy ông, còn ông thì rê bàn tay khắp người tôi. Suốt đêm ở giữa sông. Sông Nghèn bữa đó chẳng hiểu sao sóng cứ ào ào. Sáng ra, tôi chèo thuyền đưa ông đến viện huyện. Người ta bảo, ông bị bệnh phổi, thêm bệnh thấp khớp vào tim không chữa được. Tội nghiệp! Anh tính, suốt đời sông nước làm chi mà không bệnh tật. Mấy ngày ông ở viện, tôi về làng kéo con thuyền lên, tháo ra, dựng cái nhà này. Tôi muốn lúc sắp chết, ông ấy không còn phải chòng chành. Hàng chục năm chòng chành đã đủ. Tôi đã tính sai bụng ông. Ở viện về, ông nhìn ván thuyền thưng quanh nhà, nước mắt chảy tràn. Suốt ngày ông nằm nghiêng, ngoảnh mặt về phía cửa, phía sông Nghèn ấy. Tôi bèn ra chợ mua cái võng lác. Tôi bồng ông lên võng, rồi vừa chao võng vừa hát. Tôi hát thế này: Rủ nhau xuống biển mò cua Đưa về nấu quả mơ chua trên rừng. Ai ơi, chua ngọt đã từng Non xanh, nước bạc xin đừng quên nhau. Ông ấy tưởng mình đang nằm trên thuyền, nguôi, vui và có vẻ khỏe ra. Ông Hài kiện tôi lên xã thật. Xã đòi tôi. Họ lệnh cho tôi không được bỏ ông Hài đi lại với ông Trìu. Tôi nói là ông Trìu ốm, phải chăm sóc ông ấy. Họ lại bảo, tôi là mụ đàn bà không ở trong đoàn thể xã hội nào nên phẩm chất tôi non kém. Mặc! Chẳng ai giữ được tôi hết. Ông Hài chửi bới tôi, tôi giả điếc; ông ta đánh, tôi tránh. Cơ mà đạo vợ chồng, đêm tôi vẫn ủ cho ông ta ngủ, gần sáng, tôi lén dậy đến với ông Trìu. Hôm qua ông Trìu nói với tôi, nghe thật thương. Ông ấy nói thế này: "Bà tha tội cho tôi. Xuống dưới đó tôi sẽ làm con ma đi theo giúp đỡ bà. Giờ bà thương tôi, cho tôi xuống sông tắm một trận, tắm nơi khúc sông cá Bống, nơi có cái ghềnh đá và cây bần già ấy...". Thế đó. Người còn sống sờ sờ, còn ăn chơi, còn ngày rộng tháng dài, có ai nghĩ được như ông nhà tôi không? Ông ấy... Ông chồng tôi ấy sắp chết còn muốn được nhìn sông. Sông Nghèn là cái sung sướng, cái cực khổ của ông... Chị Thảo khóc nấc, tôi ôm lấy hai vai chị, an ủi chị bằng những tiếng thì thào mà chính tôi cũng không hiểu mình nói gì. Trong nhà vang lên tiếng rên hừ hừ. Tiếp đó là tiếng lạch xạch; chắc người ốm đang cào cấu lên phên nứa hay mặt chiếu. Chị Thảo đứng nhanh dậy. Tôi theo chị vào nhà. Chị cúi gập người bên giường ông Trìu, khóc nức nở. Tôi quỳ gối xuống đất, áp ngực vào thành giường lay gọi ông. Ông không nhận ra tôi nữa. Khuôn mặt ông nhăn nheo mỏng như tờ giấy, chập chờn trước mắt tôi. Ông khua khoắng đôi tay với sự cố gắng nào đó đến nỗi những đường gân nơi cổ nổi cộm lên, và khi đó, đôi bàn tay ấy gặp tay chị Thảo, bíu lấy, im phắc. Nửa đêm về sáng ông Trìu tắt thở. Chị Thảo không khóc, không nói. Chị tắm cho ông Trìu, mặc cho ông bộ quần áo mầu đỏ, xong ngồi lặng yên như một gốc cây dưới chân ông Trìu. Gà gáy lần thứ nhất, chị nói: - Ông chỉ có một điều ước là tôi có con. Gà gáy lần thứ hai, chị nói: - Ông thèm ăn một bữa xôi đậu xanh với thịt gà luộc. Gà gáy rộ, chị bảo tôi: - Anh ngồi chỗ này canh chừng cho ông cẩn thận. Bên hàng xóm có mèo. Rồi chị đi nhanh ra khỏi nhà. Tôi không kịp hỏi chị đi đâu. Tôi không thể kể với bạn đọc những gì xảy ra trong lòng tôi suốt ba tiếng đồng hồ một mình với ông Trìu đã là người cõi âm, trong ngôi nhà xa lạ, giữa đêm hôm khuya khoắt chỉ nghe mỗi tiếng sóng khắc khoải ngoài sông Nghèn vọng vào và tiếng ngọn đèn dầu nổ tí tách. Trời mờ sáng, chị Thảo về. Người chị ướt đẫm, đôi mắt đỏ kè. Vành khăn tang trắng khiến dáng điệu chị thiểu não hơn. Chị đến bên ngọn đèn cháy leo lét, tỏa ánh sáng trắng dã, thắp một bó hương. Hất lá màn lên, một tay bế ông Trìu, một tay cầm bó hương nghi ngút khói chị đi qua trước mặt tôi, ra sân. Bên ngoài, mặt đất phủ đầy sương trắng. Những ngọn cây, chị Thảo và ông Trìu, những đốm lửa và khói hương vật vờ... trôi về phía sông. Cho đến lúc ấy, tôi mới sực tỉnh, tôi chạy theo chị. Dưới gốc bần già hiện lên một con thuyền giống hệt con thuyền của ông Trìu ngày xưa. Tôi sấp, ngửa đến được bên gốc bần thì chị Thảo đã đặt ông Trìu nằm trên thuyền và đang cho thuyền ra giữa sông. - Chị Thảo! - Tôi gào gọi. Tóc xõa xượi, đôi vai xuôi xuống, chị mệt mỏi quay nhìn tôi. Con thuyền chòng chành. Sương trắng dưới sông cuộn lên quyện lấy khói hương như một tấm vải liệm phủ lấy ông Trìu. Trên tất cả những cái đó, cao ngất giữa thinh không, những đám mây trắng thanh sạch đứng im, còn hai bên thuyền những bụi lau ngã bông trắng rũ rượi, những cây bần buồn thiu tung nhụy hoa như những cái kim khâu đỏ máu xuống sông. Dân làng Vạn kéo ra mỗi lúc mỗi đông, đứng chen chúc sau lưng tôi, bàn tán về sự việc đang diễn ra. Tôi mải dõi theo con thuyền. Ông Trìu đã đến khúc cá Chép, sang khúc cá Hẻn... Ông sắp về khúc cá Bống, nơi có cái ghềnh đá và cây bần, nơi ngày xưa...