Trước khi nổ máy xe, My còn ngoái đầu lại dặn ông lần nữa: - Trưa nội nhớ ăn cơm với thức ăn nghe. Chiều về con kiểm tra thức ăn mà còn là con giận đó.
Ông ậm ừ gật đầu cho cháu yên tâm. Cả tuần nay, chuyện ăn cơm trưa của ông đột nhiên trở thành một vấn đề to tát đối với đứa cháu gái. Từ trước tới giờ, thi thoảng khi có chuyện gì đột xuất My mới không ở nhà ăn cơm trưa với ông. Nhưng kể từ hôm nay thì trưa nào ông cũng sẽ ăn cơm trưa một mình. Hôm nay là ngày đi làm đầu tiên của My. Tội nghiệp con bé, ông biết nó lo lắng đủ chuyện cho lần đầu đi làm của mình, vậy mà chuyện nó nhắc đi nhắc lại vẫn là chuyện ăn của ông. My biết ông có thói quen thích ăn cơm trắng chứ không thích ăn thức ăn.
Tuần đầu tiên đi làm của My trôi qua khá suôn sẻ, chỉ trừ ngày đầu tiên đi làm về My than chán vì ở công ty My chỉ ngồi chơi không. Mặc dù My đã tự dặn mình là không được kể với nội, nhưng rồi hễ nói chuyện với nội một hồi là My không kìm được cứ kể tuốt luốt. Kể xong My thấy nhẹ nhõm gì đâu, nhất là khi nghe giọng nội nhẹ nhàng an ủi. Nhưng những ngày sau của tuần đầu tiên, ông thấy con bé có vẻ phấn chấn tinh thần hẳn lên.
Ông cũng vui lây với nó, nhất là khi ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ăn cơm trưa mà con bé giao. Thật tình mà nói ông ăn chẳng ngon lành chút nào. Thứ nhất là không có cảnh My vừa gắp thức ăn đầy chén cho ông vừa kể chuyện tào lao trên trời dưới đất cho ông nghe, thứ hai là cơm ông nấu bữa thì sền sệt, bữa thì khô rang khô rốc. Đúng là già rồi làm chuyện gì cũng không xong. Đơn giản nhất là cắm nồi cơm điện mà cơm cũng dở. Nhưng My không biết chuyện này. Chiều nào đi làm về, nhìn thấy nồi thức ăn nấu tối hôm trước vơi đi là cô vui ra mặt, còn khen là nội ngoan nhất nhà (mà nhà chỉ có con bé và ông). Nhìn thấy con bé vui vậy, ông thấy có đáng gì chuyện mình ăn cơm không ngon.
Nhưng qua ngày thứ ba của tuần thứ hai thì ông quyết định ra tiệm ăn trưa. Thật ra quá tam ba bận ông mới đến được quán ăn. Mấy lần, cứ đi ra gần đến tiệm ăn đầu hẻm là ông lại quay về, quay ra lần thứ ba ông mỏi chân mà bụng cũng đói rồi. Thế là ông vào tiệm ăn luôn. Ăn rồi tính sau - ông nghĩ bụng. Ông kêu một đĩa cơm không, con bé chạy bàn giương mắt nhìn ông, rồi hỏi lại như sợ mình nghe lầm:
- Cơm thôi không có thức ăn hở ông?
- Ừ, chỉ cơm trắng thôi - Ông gật đầu.
Trước khi quay đi con bé còn nhìn ông chằm chằm như muốn ông khẳng định lần nữa.
Quán ăn đông kinh khủng. Những chiếc bàn hình chữ nhật được xếp đâu lại với nhau thành một chiếc bàn dài. Khách ăn ngồi san sát nhau. Ông ngồi giữa hai chàng trai trẻ. Nhìn cách ăn mặc thì người ngồi bên trái ông ra vẻ đi làm văn phòng, còn người bên phải thì giống mấy anh chàng chạy xe ôm. Con bé chạy bàn đã bưng cơm tới cho ông. Nó vẫn nhìn ông với đôi mắt mở to, nhưng rồi ông thấy là không chỉ có đôi mắt của con bé mới mở to.
Hai chàng trai bên cạnh và một vài khách ăn ngồi đối diện ông cũng giương mắt nhìn dĩa cơm rồi nhìn ông. Nhưng họ chỉ ngạc nhiên chút xíu thôi rồi thì ai cũng cúi xuống cặm cụi với phần cơm của mình. Chỉ có chàng trai lịch sự ở bên trái là dành chút thời gian hỏi ông:
- Sao ông chỉ ăn cơm không vậy? Bộ ông…
Anh ta chưa nói hết câu thì ông đã thấy dĩa cơm của mình có thêm mấy miếng gan heo của anh chàng bụi bụi bên phải bỏ qua. Ông xua tay:
- Không cần thức ăn đâu, tui ăn vầy quen rồi…
Nhưng anh ta nghĩ là ông xạo nên lại bỏ thêm mấy khúc đậu que, lên giọng:
- Ốm như ông mà còn ăn cơm trắng thì lấy sức đâu mà thở!
Đến lượt anh chàng bên trái nhìn dĩa cơm của mình, có vẻ ngượng ngượng vì đĩa cơm đã ăn gần hết chỉ còn chỏng chơ miếng cá đang ăn lở dở. Thấy vậy ông nói:
- Không phải tui không có tiền ăn cơm đâu mà tại tui thích ăn cơm trắng. Cháu là khách ăn quen ở đây?
- Dà, nhưng bữa nào hết chỗ thì ăn chỗ khác, cơm ở đây rẻ mà ngon - Anh ta đã hết vẻ lúng túng.
Sau câu nói này câu chuyện cũng kết thúc. Anh ta ngồi ăn vội cho hết phần cơm. Ông cũng ngồi cặm cụi ăn. Vừa ăn ông vừa nghĩ - thì ra đi ăn ở quán cũng có cái vui. Mà ông thấy mấy thanh niên trẻ bây giờ đâu có tệ đến nỗi như báo chí kêu ca. Ít ra thì họ cũng còn biết quan tâm đến một ông già ốm yếu như ông.
Cơm ở quán không nấu bằng thứ gạo ngon như ở nhà ông nhưng thứ gạo ngon ở nhà qua tay ông nấu thì lại dở hơn ở quán. Về đến nhà rồi ông mới sực nhớ đến My, chiều về biết nói sao với nó đây…Thế rồi, ông nghĩ ra một cách. Ông lấy nồi canh khổ qua trong tủ lạnh ra, bắc lên bếp hâm lại. Ông múc chén canh ngồi hì hụp húp. Vừa húp canh, vừa nghĩ đến My, ông thấy vui vui…

*

Lâu nay đi ngang qua mấy quán ăn đông đúc ông vẫn nghĩ sao người ta ngồi ăn khổ sở quá, chen chúc nhau mà ăn. Ăn như vậy còn tinh thần gì mà thấy ngon nữa. Nhưng bây giờ ông mới biết mình lầm. Thì ra ăn ở quán có nhiều cái thú vị. Vừa ăn vừa nghe người ta nói đủ thứ chuyện, nhưng ông vui nhất là thỉnh thoảng được khách ăn tốt bụng bên cạnh san sớt thức ăn. Bây giờ ông không còn đính chính là chỉ thích ăn cơm trắng nữa. Ông có cảm giác như mình đang ăn trong một bữa ăn đại gia đình, giống như ông chỉ là một đứa con nít bảy tuổi được cha mẹ chăm sóc…
My không biết gì hết. Cô chỉ phàn nàn là sao mấy ngày nay nội ăn ít cơm mà cũng ăn ít thức ăn, và “hình như nội ốm hơn tuần trước?”. Ông phân bua “người già đâu có ăn nhiều như người trẻ đâu con”. Thật ra, ông rất muốn kể cho My những chuyện ông nghe được ở quán ăn. Bữa ăn chiều thường con bé kể chuyện là chính, còn ông chỉ có nhiệm vụ ngồi nghe. Câu mà hôm nào đứa cháu gái cũng hỏi ông là:
- Hôm nay ở nhà nội làm gì?
- Có làm gì đâu, đi ra đi vô, đọc sách, qua nhà ông Tư chơi cờ, bà Nông qua cho nội mấy quả lê…
Chuyện ông muốn kể cho con bé nghe là trưa nay ăn cơm ở quán, ông gặp một đứa con gái cũng trạc tuổi My. Con bé tên Hà, làm ở một công ty quảng cáo. Con bé khác My lắm, nó nói luôn miệng. Nhìn thấy ông ăn cơm trắng, nó xuýt xoa:
- Tội nghiệp ông quá, nè, ông ăn dĩa cơm của con đi, con chưa đụng đũa vô đâu. Con kêu thêm dĩa cơm.
Con bé làm ông cảm động quá. Từ khi ông ăn ở quán này tới giờ, đây là lần đầu tiên ông gặp một người “chơi sộp” (là từ mà My hay dùng) như vậy. Nhưng ông không chịu, ông nói:
- Ăn cơm bỏ nhiều quá là có tội với người không có cơm ăn đó con.
- Ông nói cũng đúng - con bé gật gù - vậy để con sớt thức ăn bớt cho ông, ông ăn cá cho nhiều chất đạm…
- Mà sao ông ốm quá vậy- con bé cầm cổ tay của ông - Ông không có con cháu gì sao?
Tới lúc trả tiền cơm ông mới biết là Hà đã trả luôn phần của ông. Mà ông cũng không nói được lời cảm ơn vì con bé đã ra về trước ông.
Ông không ngờ là chuyện ông ăn cơm trưa ở quán lại bị lộ tẩy sớm vậy. Cuối cùng My cũng biết được. Hôm đó My đang chạy xe gần tới nhà thì bà Nông kêu lại. Bà nhìn My vẻ giận lắm:
- Thời buổi bây giờ sao chỉ toàn thấy con cháu bất hiếu không…
My ngạc nhiên nhìn bà. Cô biết là bà nói bóng gió gì đây nhưng không nghĩ là bà nói cô bất hiếu.
- Bác nói ai vậy?
- Còn ai nữa. - giọng bà Nông rổn rảng - Cô có đi làm thì cũng phải lo cho ông mình ăn uống đầy đủ chớ, chời ơi, trưa nay nhìn ông già ăn cơm trắng không, thấy mà thảm gì đâu…
Cái bà Nông nhiều chuyện nhứt xóm còn nói nhiều nữa, nhưng cô không nghe hết. Cô giận quá nên chẳng thèm giải thích với bà mà phóng xe nhanh về nhà. Bữa cơm chiều, ông đã thấy con bé có chuyện gì đó không ổn. Nó chỉ cắm cúi ăn chứ không tía lia kể chuyện công ty như mọi bữa. Ông cứ nghĩ nó gặp chuyện buồn ở công ty. Mãi đến lúc tối lên sân thượng hóng gió My mới hỏi ông. Không chỉ hỏi con bé còn khóc. Nó làm ông hoảng quá, bởi nó vốn không phải là đứa mau nước mắt. Ông nói vẻ hối lỗi:
- Ông biết rồi, sau này ông không ra quán ăn nữa. Con đừng khóc nữa, có gì đâu mà khóc…
- Nội không biết gì hết - My thút thít - hồi chiều người ta nói con là đồ con cháu bất hiếu.
- Người ta nói thì ăn nhằm gì, nội biết con có hiếu là được rồi.
- Nhưng nội đừng ra quán Ba Mập đó ăn nữa nghen.
Bây giờ ông mới biết tên quán ăn là Ba Mập, nhưng ông thích gọi nó là “quán ăn tình thương” hơn.
Rồi My cũng hết giận, ngồi nghe ông kể chuyện ở quán ăn.
- Con biết không, ông mới có thêm một đứa cháu nội đó. Nó lớn hơn con hai tuổi. Hổm rày, nó hay ăn chung với nội. Nó tốt lắm, bữa thì trả tiền ăn, bữa thì sớt thức ăn cho ông. Hôm qua nó còn gọi ông là nội. Nó gọi nội cũng ngọt như con gọi vậy. “Ông giống ông nội của con ghê mà lâu rồi con chưa về quê thăm nội…”. Nó tội lắm, kể chuyện ông nội mà muốn khóc…
My nói giọng hờn mát:
- Người ta gọi ông là nội vậy là ông cho người ta làm cháu nội luôn.
- Nó tội thiệt mà con.
- Vậy mai mốt chắc là ông thương cháu nội mới hơn con phải không?
- …
Nói vậy thôi chứ My không cản ông ra quán ăn nữa vì cảm thấy đó như là thú vui của ông, mà My chỉ cần ông vui là được hết mọi chuyện.

*

Tháng thứ hai đi làm, công ty chuyển My lên nhà xưởng của công ty ở Bình Dương. Người ta nói My sẽ ở đó một tháng để học hỏi thêm. Ở đó có chỗ ở cho nhân viên. Vậy là My phải khăn gói lên Bình Dương. My đi thì phải có người khác lo cho ông. Mà ông thì nhất quyết không đến nhà con cháu ở. Ông nói ông có thể tự lo cho mình được nhưng con cháu ông không yên. Cuối cùng, đứa con gái thứ ba của ông ở bên quận 8 giao lại nhà cửa, chồng con cho bà mẹ chồng quán xuyến; cứ 8 giờ sáng lại có mặt ở nhà ông, xách giỏ đi chợ rồi về lụi hụi nấu ăn. Ăn cơm chiều xong con gái ông lại về nhà.
Ông không còn ra quán đầu hẻm ăn nữa. Bữa ăn trưa thường trôi qua chán ngắt. Con gái ông ăn vội vội vàng vàng để qua nhà bà Nông chơi tứ sắc. Mặc dù ăn vội nhưng nó cũng không quên nhiệm vụ nhắc nhở ông ăn đủ chất. Vừa ăn mà nó còn vừa canh chừng ông có gắp thức ăn hay không. Tự nhiên ông nhớ tới những bài báo viết về “cơm tù”. Những bữa cơm diễn ra vô vị khiến ông nhớ tới những bữa cơm ông ăn với My, rồi những bữa ăn ở quán đầu hẻm…
Hôm nay con gái ông không qua nấu ăn vì bận công chuyện ở bên nhà nó. Hôm qua nó đã nấu sẵn mấy món ăn để trong tủ lạnh, dặn đi dặn lại:
- Ba nhớ ăn cơm ở nhà đó, không được ra quán ăn. Ba có biết là ở quán người ta nấu đâu có vệ sinh bằng mình.
Ngay từ tối hôm qua, khi biết là ngày mai con gái ông không tới được, ông đã thở phào nhẹ nhõm. Vậy là mai ông có thể đi ăn ở quán. Không biết quán lúc này có gì lạ không, không biết ông có gặp lại đứa cháu nội mới không, không biết có ai sớt thức ăn cho ông và ai đó hỏi “tại sao ông ốm quá vậy?”…
Đúng 11 giờ rưỡi, ông lững thững đi bộ ra quán. Đi chưa được nửa đường thì ông gặp bà Nông nhiều chuyện. Vừa thấy ông, bả đã la bai bải:
- Chời ơi, bác lại đi ăn ở quán phải không? Con gái nó nấu đồ ăn ngon không chịu ăn, ra quán làm chi chời, người ta biết chuyện người ta kêu bác khùng đó.
Ông không nói gì mà chỉ lầm bầm trong đầu:
- Khùng gì? Khùng sao biết thú vui ẩm thực như ông già này!
HOÀNG NGỌC PHÚC THỊNH

Xem Tiếp: ----