Nàng cầm lấy điếu thuốc anh đã châm lửa, rồi đưa lên miệng rít. Anh để ý ngày xưa nàng không có cái kiểu chĩa ngón tay út khi cầm thuốc vừa điệu đà kiểu trí thức, vừa đàng điếm kiểu gái làng chơi như thế.
“Meo! meo!” – bất giác nàng bỏ điếu thuốc ra khỏi miệng và “mèo hóa” giọng mình. Thoáng thấy một con mèo nhị thể đen trắng sau tấm rèm cửa. Hình như nó có nghe tiếng gọi của nàng nhưng vẫn đỏng đảnh không chịu vào.
- Vẫn nuôi mèo à? – Anh thở dài hỏi.
- Ừ, không khác đi được – Nàng cũng thở dài.
- Nuôi làm quái gì cái loại phản chủ ấy – Anh nổi cáu – Mèo đực đến mùa phát dục thì bỏ đi. Mèo cái đến mùa động đực thì gào lên như kẻ ăn vạ. Có con với nhau rồi thì quay ngoắt 180 độ, có khi bất thình lình mèo bố nhảy về cắn chết, ăn tươi nuốt sống con mình.
- Anh nói gì mà khiếp thế? Lại còn mang ra mà nói cả với em nữa chứ! – Ký ức đập vào nàng thảng thốt làm giọng nàng như lạc đi, sũng nước.
- Xưa, anh cũng mê cái loại êm-ấm-nóng ấy lắm nhưng rồi anh kịp nhận ra rằng nó chẳng hề có một tính tốt nào đáng để mình yêu cả.
- Anh không ám chỉ em đấy chứ? – Nàng lại đặt điếu thuốc lên miệng, mắt nheo nheo, vẫn ngón tay út chĩa ra một cách khó khăn.
- Bỏ ngón tay xuống đi! Trông đàng điếm lắm! Bỏ cả thuốc nữa! Mà hút lại từ bao giờ đấy? – Anh ngả người vào ghế, uy quyền như một quan tòa.
- Từ khi anh bỏ em đi! – Nàng vứt cả thuốc, ngoan ngoãn đến máy móc gập ngón tay út xuống và như một người yếu đuối, bất ngờ đổ xuống vai anh, giọng xìu xuống.
- Đừng bao giờ cũng đổ lỗi cho đàn ông. Đàn bà bây giờ cũng tệ hại chẳng kém gì đâu, cô ạ! - Anh làm một động tác vừa như vực nàng dậy vừa như đẩy nàng ra và hoay hoáy nhìn vào hai mắt nàng, mỉa mai lẫn thương hại. Nhưng bất chợt mềm lòng lại khi bắt gặp những giòng nước yếu mềm oằn oại trong mắt nàng.
Đàn bà ba mươi tuổi rồi còn phải khóc vì tình yêu thì tội lắm.!
... Năm mười bốn tuổi, em đã phải kêu thét lên và òa khóc trước cảnh ba con mèo con nhà mình bị mèo đực nhảy về cắn chết. Một đám bầy nhầy da và lông, đầu và tai và những cái chân nghều ngoào, bé xíu... Em đã nghe người ta kể trước điều ấy nhưng em không ngờ được là nó có thật. Tại sao lại có thể như thế được, hả anh?
- Giống đực tàn nhẫn lắm! - Mẹ em giải thích nguyên nhân bất hạnh của mình mà cứ như nói chuyện của ai, mặt lạnh như tiền.
- Bố bỏ Mẹ hay Mẹ bỏ Bố?
- Cả hai cái đó đều chứng minh cho sự tàn nhẫn của đàn ông, cần gì phải phân loại nữa?
- Mẹ triết lý với con những chuyện ấy làm gì? Con chẳng hiểu lắm đâu! - Em chùi nước mắt, lê xẻng ra vườn chôn những cái xác không còn nguyên vẹn mà cho đến ngày hôm qua em hãy còn đặt chúng lên đùi mà vuốt ve, thậm chí hứng lên còn hôn lên những cái mũi hếch bé xíu màu hồng của chúng. Chỉ có những ai yêu mèo đến mức không lý giải được mới hiểu nỗi bàng hoàng và buồn khổ của em lúc ấy. Tuổi thơ em hạnh phúc và bất ổn bên những con mèo... Những năm ấy, tóc em không bao giờ để dài, cứ chạm vai là cắt, nên lúc nào cũng bông bông và xòe ra, vểnh lên, vừa nghịch vừa lả lơi. Ra đường bao giờ cũng mỉm cười. Mẹ chửi: “Đừng có xí xớn, rồi bị bọn con trai nó quẳng thòng lọng vào cổ đấy!”. Em cong cớn: “Có mẹ thì có ấy!”. Mẹ em tát em và rấm rứt khóc. Em sụp xuống ôm lấy mẹ, thấy không ai khổ như hai mẹ con em. Cứ thế khóc cho đến tàn đêm. Những năm 13,14 tuổi, em chưa được sâu sắc như sau này...
... Ra phố được một năm như thế thì có người mê, theo về nhà. Mẹ em cấm: “Tao không cho mày chơi với những loại qua đường, mạo hiểm lắm!”. Cấm không được thì chuyển sang giọng thú nhận lẫn van nài, yếu đuối đến phát khóc lên được: “Đừng co lặp lại sai lầm của mẹ, con ơi. Mẹ sợ lắm rồi!”
Nhưng em cũng phải có những đam mê riêng của em chứ. Bỏ hẳn một buổi học Anh, em đi xem phim với nó. Nó bao tiền vé cho em, lại còn mua cho hai chục mận hậu nữa. Mất tất cả những bảy nghìn rưỡi. Vào cái tuổi ăn quà như mỏ khoét ấy, có lúc em cứ nghĩ bừa rằng, nếu ai bao tiền quà cho em suốt đời thì được em yêu ngaỵ Mà mận hậu, anh ăn bao giờ chưa, ngon đến sái mồm, anh ạ!
Về nhà, em hồ hởi tuyên bố: “Từ nay mẹ không phải lo cho con tiền quà nữa, sướng nhé!” – “Miếng ăn là miếng nhục, có cho có trả, không ai cho không mày cái gì đâu, nhất là bọn con trai, mà mặt mày cứ tâng lên như bắt được của thế. Đàn bà con gái nào càng giàu trí tưởng bở càng chết!” – “Mẹ cứ hay quan trọng hóa và bi kịch hóa vấn đề. Mẹ thì bây giờ còn tin ai được nữa. Lúc nào cũng cực đoan!” Em ngoắt ngoảy bỏ vào phòng, không dám nhìn thấy cảnh cả người mẹ em mềm oặt, sụp xuống chiếc đi-văng. Em chỉ nói lấy được thế thôi, đôi khi tàn nhẫn đến mức sau khi nói xong, em luôn cảm thấy lỡ lời. Nhưng cho đến những ngày cuối đời, mẹ em vẫn không nghe được một câu xin lỗi nào từ miệng đứa con gái duy nhất ấy của mình. Những năm mẹ sắp xa, em bận yêu anh, không gần mẹ được!
... Mẹ em chỉ giỏi lo xạ Có ai lừa gì con bà đâu. Cái thằng bao tiền vé và mua hai chục mận hậu ấy không mê được em lâu. Đi với em thì hãnh diện gì. Da thì đen đến phát khét lên được, người thì gầy nhẳng nheo. Chỉ có được mỗi cái lúm đồng xu thì bù thế nào được. Nó chỉ nhầm một thời gian thôi mà.
Ra đời cũng không có nhiều kẻ nhầm lẫn như thế, nhưng đã sao nào. Em vẫn có quyền vênh mặt lên với những đứa con gái xấu ma chê quỷ hờn, thậm chí có khi đẹp mà không có duyên, suốt cả đời đi học không làm được một thằng con trai nào khổ sở.
Hồi ấy, anh chưa quen em đâu nhỉ? Em đâu có được trắng trẻo và đầy đặn như sau này. Giá mà anh gặp em sớm hơn chắc gì đã có những chuyện lãng mạn xảy ra giữa chúng tạ Đàn ông chuộng hình thức lắm!.
... “Em đừng ngốc nghếch quá thế! Nếu vì hình thức anh dại gì mà chọn em kia chứ! Dù em hai mươi trắng trẻo và đầy đặn hơn em hồi mười bốn tuổi, nhưng cũng chỉ là hơn mình thôi, không hơn được những người khác mà anh có thể có nếu muốn. Nhiều năm rồi, kể cả khi vô cảm nhất, anh cũng không thể hiểu nổi vì sao một người không lấy gì làm hấp dẫn như em lại làm anh khổ sở nhiều đến thế. Suốt đời anh khổ vì cứ bị nhầm lẫn lung tung như vậy”.
- Khi người ta không còn yêu nhau. Cảm giác còn lại chỉ còn là cảm giác hổ thẹn – em đọc thấy ở đâu đó như vậy. Nhưng dẫu không thành thì anh cũng cứ nói với em một câu gì đó mát lòng hơn được không, đại loại như là: “Em nghĩ là anh có nhiều cái mới? Chưa chắc đâu, khi tất cả những cái tốt đẹp của quá khứ đến hôm nay vẫn còn đang tồn tại” – Mệt mỏi vì cuộc–thoại–im-lặng đó, người đàn bà lại đưa thuốc lên miệng, nhưng lần này không còn thấy ngón tay út vểnh ra. Nó cụp xuống, tự lúc nào, như một chiếc lá rũ.
Con mèo nhị thể đột nhiên xuất hiện trên bậu cửa, mắt xanh biếc, rồi cũng lại đột ngột, nhảy phóc xuống đất, ào đến cọ cọ vào chiếc váy cũng hai màu đen–trắng của nàng. Người đàn bà được mèo yêu sung sướng bế thốc nó vào lòng vuốt vẹ Tay nàng để móng dài và nhọn, yêu mà trông cứ như thộc vào người. Như làm đau.
- Bà hàng xóm có ổ mèo, bảo em chọn lấy một con mà nuôi cho vui. Chuyện giản đơn thế mà cũng làm em nát óc mất mấy buổi. Nuôi mèo đực thì chẳng mấy chốc nó bỏ mình đi. Mà lấy mèo cái thì đến lúc nó cứ gào lên, chịu sao nổi. Rồi thì nó đẻ cho đầy nhà, lứa này đến lứa khác, mình biết lấy gì mà nuôi nó. Có khi trong nhà mèo lại đông hơn người.
... Em sẽ cô đơn giữa một bầy mèo, dù em có yêu chúng đến mấy! Sao thi thoảng anh không đến chỗ em chơi, có xa xôi gì lắm, lại đã trở nên bình thường rồi mà. Anh biết không, em vẫn thầm mong có được những ngày này, giữa anh và em, dẫu vẫn biết đó không phải là điều tốt đẹp nhất. Có gì giống như khi người ta đem lòng yêu loài mèo, dù vẫn biết rằng chúng chẳng hề có một tính tốt nào...
Ngày đó, khi nhận thấy anh tự dưng nhạt đi, em hiểu là điều gì đã xảy ra. Em rời Hà Nội, về Vinh sống với mẹ. Cái thành phố tỉnh lẻ ấy dù sao cũng dễ thở hơn nhiều.
- Sống với người ngoài ấy thì chỉ đến thế thôi. Họ dẻo mồm lắm, biết đấy là đâu – Mẹ em thở dài cay cú. Cách trục vớt con tàu đắm biển của mẹ lúc này là: hoặc em chọn lấy một người yêu mình hoặc ở với mẹ suốt đời, mẹ nuôi, cứ gì phải thằng nào. Nhưng hóa ra em vẫn chưa chán đời khi gào lên: “Sống thế thì có mà chết già à? Đàn bà không có đàn ông không chịu được đâu!” Em tưởng mẹ lại mắng: “Sao mà mày đĩ thế?” Lại đuổi: “Vậy thì mày chạy ra khỏi nhà mà chạy theo bọn nó đi, béo bở lắm đấy. Đấy, đại học bốn, năm năm, hết Hà Nội đến Hà ngoại, toàn môi trường trí thức cả, sao chẳng chọn được một thằng học thức tử tế vào, mà lại cứ về bám váy tao mà ăn vạ thế, hả con?” rồi òa khóc. Khi người ta quá bất hạnh, người ta chỉ còn cách trả miếng nhau như thế để tin rằng vẫn có người bất hạnh hơn mình. Nhưng lần này thì không, mẹ em gần như gục xuống, thú nhận: “Ừ, đàn ông... mọi cái sinh ra trên đời này đều vì có một cái khác cần nó. Có một thời mẹ chạy theo những người đàn ông mẹ yêu, vì mẹ cảm thấy mẹ cần họ quá, không có họ, mẹ sẽ không còn một nhu cầu nào khác nữa. Mỗi quãng đời mẹ yêu những mẫu đàn ông khác nhau. Năm... 8, 9 tuổi(?!) thì mê một cậu học giỏi và hiền nhất lớp, khi cậu ấy cùng gia đình chuyển đi Vũng Tàu, thì vừa mừng vì không còn sợ ai tranh mất vị trí đứng đầu, lại vừa thấy buồn buồn vì nhớ, nhưng những trò chơi hấp dẫn nhanh chóng làm mẹ quên. Lớn lên một chút, những năm 14, 15 thì thích những anh chàng mới lớn, ga-lăng, biết chiều chuộng bạn gái, biết chơi guitar, biết ăn mặc có phong cách, biết khôi hài... Rồi những năm 18, 19 thì lại vừa mê, vừa sợ những anh chàng có vẻ đàn ông, vừa lạnh lùng, vừa ngọt ngào, vừa kiêu kì, vừa tình tứ. Sau nữa thì rùng mình trước những người đàn ông chín chắn, có sự nghiệp, hơi khô khan, nhưng biết chắc là sẽ không lừa dối. Mẹ vẫn luôn cần những người đàn ông khác nhau như thế trong mỗi quãng tuổi của mình. Mẹ luôn cần họ và mẹ thề là mẹ sẽ òa lên khóc như bắt được của, nếu họ tỏ tình với Mẹ, nếu họ cũng yêu mẹ. Có những lúc mẹ tưởng như có thể gào lên vì mẹ không có được họ, vì họ không xuất hiện đúng lúc mẹ đang chờ đợi và kì vọng, đang đầy ắp tin tưởng và kiêu hãnh. Không như những đứa con gái tốt số thông thường, thời đang yêu, mẹ từng phải tự viết thư tỏ tình, từng phải lăn xả dò tìm những cái mong manh trong mắt người ta, từng viết thư van xin người ta đừng bỏ mình, từng làm thơ trách người ta nỡ quên mình, nghĩa là mẹ sẵn sàng hạ mình để cứu vãn được tình yêu, kêu gọi được tình yêu, mà không hiểu rằng đàn ông rất hay dị ứng với những cách đó. Đàn ông khi được yêu vốn tự cho mình cái quyền phạt oan vô lí đó.
Rốt cuộc, cái mẹ cần vẫn luôn là những cái mẹ chưa hoặc không thể có. Đó là hạnh phúc hay bất hạnh – mẹ cũng không phân định nổi nữa...
Mẹ đã yêu, yêu đến cạn mình, nhưng đã không được yêu nhiều lắm. Đừng nên kì vọng ở bọn đàn ông một sự vĩnh cửu nào – năm 19 tuổi, sau giây phút rùng mình chịu buột khỏi tay mối tình đẹp đẽ thời trung học, cái đầu tiên bập vào tim mẹ như một nhát dao là ý nghĩ hằn học ấy. Thế mà vẫn không chừa, lại vẫn cứ yêu, cứ tin. Khi yêu, người ta có thể và sẵn sàng tin bất cứ cái gì từng làm người ta nghi ngờ.
Bố con đã bỏ mẹ đi trong lúc mẹ đang tin như thế... ”
- Nhưng cái chính là giờ em định sống thế nào? – Anh như ngộp thở vì câu chuyện đầy rẫy những triết lý, cảm nhận nàng kể, sốt ruột ngắt lời. – Anh nghe nói dạo này em sống hư lắm. Hết ca này đến ca khác. Hiệp nào nghe bảo cũng mặn mà như vợ chồng. Đại học ra mà tệ thế được à?
- Anh tưởng người ta tốt lắm khi có bằng cấp và học thức á? Ai cũng bảo kẻ có học thì phải yêu chân chính, phải khác với một kẻ vô học, nhưng có ai bảo rằng không được đi lừa dối những vị có học đâu. Mà có phải bao giờ cũng tốt được đâu. Có khi thậm chí còn phải tồi tệ đi để làm cho những kẻ khác phải điêu đứng và khổ sở như mình, để có cớ tin rằng không chỉ mỗi mình khổ, để tin rằng mình không cô đơn, anh không hiểu à? – Nàng sừng sộ vứt thuốc, hất cả con mèo cưng ra khỏi lòng, làm nó nheo nhéo kêu lên rồi bỏ chạy.
- Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh bằng kiểu mổ xẻ tâm lý rối rắm và ồn ào như thế! Đành rằng có thể anh có lỗi với em khi không còn yêu được em như đã từng nữa, đành rằng có lẽ đàn ông bọn anh luôn là nguyên nhân bất hạnh của đàn bà, nhưng... em thử nghĩ mà xem, người ta có lỗi với mình bao nhiêu khi không kiềm chế được mình. Thật xấu hổ khi cho mãi đến tuổi 30, cái tuổi đã va chạm nhiều với cuộc đời, một người đàn bà có học như em lại có ý định sống buông tuồng và cẩu thả như thế. Đàn bà hay đàn ông thì cũng thế cả thôi, phải sống, yêu và được yêu khác với những con mèo thì mới sướng được.
Người vừa dứt lời với cho mình cái mũ trên bàn và bất chợt thoáng xấu hổ khi nhận ra mình vừa tự ban cho mình cái quyền giáo huấn người đàn bà mình từng sâu nặng.
Không dám quay lại nhìn về, cũng không dám bước ra khỏi ngôi nhà của người đàn bà đáng thương, anh áp người vào cửa sổ, nhìn ra vườn. Đồ phản chủ - cái con mèo nhị thể hồi nãy vừa được nàng vuốt ve giờ lại đang rập rình vờn nhau với một con mèo lạ mặt, mắt xanh biếc, không thèm biết đến nỗi buồn tủi đang sủi lên từng vành trong mắt chủ.
- Anh đừng bận tâm đến chuyện đó làm gì. Loài mèo không biết yêu đâu!...
Lành lạnh, người đàn bà đứng sau anh, lặng lẽ nhìn ra vườn. Đôi mắt như chưng bằng nước, trong vắt. Có một nỗi buồn ghê gớm nào đó vừa gột rửa những nỗi buồn cặn bã trước đó.
Nhưng sao nàng vô cảm thế, khi nhìn anh?!
Hết
 

Xem Tiếp: ----