9 giờ sáng Chủ nhật giữa lúc tôi đang định “lăn” thêm vài vòng thì hai anh em Tí và Bi ló đầu vào, “Dậy đi xem xiếc với tụi em đi. Xiếc khỉ. Hay lắm!”. Xiếc à? Thật kỳ lạ, tôi dù đã hai thứ tóc (thật ra đó là bởi máu xấu chứ tôi chỉ mới 23) trên đầu nhưng mỗi khi nghe đến từ “xem xiếc” là lại cảm thấy bồi hồi, háo hức chừng như cái thuở “truổng cời tắm mưa” vẫn còn luẩn quẩn đâu đây, tôi bật dậy ngay. Nhoáng cái, tôi đã nai nịt gọn ghẽ và ba anh em chúng tôi trực chỉ rạp X trên đường Z. Đó là một rạp xiếc… như bao rạp xiếc. Cũng vẫn “cái lồng” - rạp trung tâm, nơi tôi vẫn gọi thế khi còn bé - với nhiều cờ đủ màu bay phấp phới, rồi hình minh họa các nghệ sĩ trong bộ đồ sặc sỡ tùy theo tiết mục họ trình diễn; hòa cùng tiếng trẻ em nô giỡn, tiếng phụ huynh dù đã cố dịu giọng nhưng xem ra thanh âm vẫn còn cao khi phải ổn định các thiên thần nhỏ của mình là tiếng loa ra rả của một MC giới thiệu về chương trình xiếc khỉ đặc sắc, nào là khỉ làm toán, khỉ đóng vai nhũ mẫu, khỉ nhào lộn và hấp dẫn nhất là khỉ đi xe đạp trên dây… Chúng tôi lấy ba vé và mau chóng ổn định nơi hàng thứ ba. Rạp lúc này đã rất đông nhưng vì chưa tới giờ biểu diễn của tiết mục chính nên hớp hồn các khán giả nhí, nhỡ nhỡ lúc này là các anh hề quần áo đủ màu, lỗ mũi cà chua độc quyền. Hai thằng em tôi bắt đầu nghệt mặt ra, chúng hết bình phẩm đồ anh hề cao cao kia có màu đỏ nổi nhất lại đến anh hề béo lùn nơi góc cột tay nhanh hơn nên tung hứng được nhiều banh hơn v.v Của đáng tội, hai thằng lâu lắm rồi mới được thấy một cái gì đó nhiều màu sắc, sinh khí hơn tấm bảng và những con chữ khô khan tuy chỉ mới lớp 2 và 4! Chương trình học cải cách rồi tham vọng của thím tôi đã khiến chúng tối ngày bù đầu vào Vi tính, Anh văn, Vẽ, Nhạc rồi Bơi lội, rồi Võ thuật; mà để được như vậy cần phải có sự đồng bộ từ nhà trường đến phụ huynh. Tức nhà trường, trong kỳ họp đầu năm, đề ra mục tiêu và hướng đi còn phụ huynh thì cứ việc theo đó nếu muốn được tiếng con em mình đang học trường điểm của quận. Thật tội nghiệp! Chẳng biết cho các em tôi hay cho bản thân mình, khi tôi ngày xưa cũng háo hức như vậy nhưng là để gặp lại những người bạn cũ, để xem họ vẫn còn đó hay không trong khi các em tôi thì đó như một “chân trời” mới cần khám phá. Tiếng nhạc bỗng sôi nổi, dồn dập hơn báo hiệu tiết mục chính sắp bắt đầu. Các anh hề cũng từ từ lùi vào sau cánh gà nhường chỗ cho một giai nhân trong bộ đồ nhũ bạc lấp lánh bước ra. Hốt nhiên toàn thân tôi cảm thấy gai gai khi cô gái ấy xuất hiện. Và câu chuyện tôi vô tình chứng kiến đêm nào chầm chậm trở về… Hôm ấy, sau ca trực tối, tôi đang vội vã về nhà thì cơn giông đầu mùa ập đến. Gió xoáy cuốn tung mọi thứ, trên đầu từng nhánh cây trở mình nghe răng rắc; sợ rằng một nhánh cây nào đó muốn tự sát và sẽ chọn đầu mình làm vật trợ giúp nên tôi vội tấp vô mái hiên của tiệm ảnh cặp bên tòa “building” trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ngoài trời, gió mỗi lúc một mạnh hơn, nó bứt khỏi cành từng nắm lá một (phải từng nắm chứ không còn là chiếc một), bất kể xanh mơn mởn hay vàng èo uột và ném rào rào xuống đất như thể ai đó tức giận vứt bỏ các vật thừa. Thế nhưng, đám lá tội nghiệp nào “được” ném xuống đất liền đâu. Trên, gió cha gió mẹ ném xuống; dưới, tụi gió con lại hứng lấy thổi lên khiến đám lá tội nghiệp cứ quay tít, hết dạt qua bên này lại dẹo qua bên kia giữa lưng chừng trời. Chỉ đến khi hết kiên nhẫn nổi với lũ gió con nghịch ngợm, gió cha mạnh miệng hơn nữa thì những túm lá đáng thương ấy, đã có phần xơ xác thêm, mới tạm gọi là yên thân, “được” rớt xuống. (Sau này lũ gió con rắn mắt ấy còn tiếp tục trưng dụng nhúm lá vào trò chơi tung hứng khác nữa) “Hừ, chó thật! Lại mưa nữa. Bố tiên sư thằng Trời, lúc chiều bà vừa cúng mày cơ mà! Đồ, đồ…”, một cô trong nhóm “các công dân hạng nhất của hè phố” tức giận chửi um lên. Cô này mặc bộ đồ có dát nhũ bạc trông rất bắt mắt và chỉ có hai mảnh. Mảnh trên trông tựa chiếc yếm nhỏ, khoảng một gang tay, chạy vắt qua đôi ngực căng tròn đầy khiêu khích của cô; mảnh dưới, có phần kín đáo hơn, một chiếc quần “soóc”, độ hai gang tay, bo tròn bờ mông cũng hết sức “kích động”. “Đừng làm trò dở người như thế. Mùa mưa thì nó phải mưa chứ”, một cô khác trong tà áo dài màu thiên thanh trang nhã có điểm vài bông hoa trắng li ti cắt ngang. Cô tuy ăn mặc thanh thoát như vậy song vẫn toát ra từ đó một “sức nóng” mãnh liệt, nói cách khác, cô mang nét đẹp liêu trai. Hãy gọi họ là cô “hai mảnh” và cô “áo dài”. Minh họa: Minh Huy Và tôi bắt đầu để ý kỹ hơn những người cùng trú mưa. Đó có thể là những người ái mộ bản nhạc Diva (°), là những người tuy có áo mưa nhưng vì thấy to quá nên ngại cây đổ (như tôi) v.v. Một xã hội thu nhỏ đang được hình thành. Ở nơi đó, tôi có thể nhận biết vị trí cùng cá tính mỗi người qua cách họ trú mưa. Một ít, những người biết điều, tìm cho mình chỗ khiêm tốn để trú chân; kha khá vị đã quen với phong thái chỉ huy nên cố chiếm cho bằng được nơi rộng nhất. Nhưng nổi bật nhất là hai vị khách. Vị đầu tiên ăn mặc lịch sự, sơ-mi xám hơi đậm đóng thùng trong chiếc quần tây màu vàng nhạt, cặp kính gọng vàng trên sống mũi thỉnh thoảng lại khẽ đẩy lên khinh khỉnh, tất cả tạo nên cho ông ta vẻ ngoài lịch thiệp, đứng đắn và hơi nghiêm. Bằng chứng rõ nhất là ông không nhìn thẳng các cô gái ấy dù rằng với ngoại hình và trang phục như vậy, “hơi lửa” từ các cô thừa sức hút bất cứ sinh vật máu nóng nào hiện diện ở đó. Vị còn lại cũng khá lịch sự trong trang phục đặc trưng của giới công nhân viên chức: sơ-mi trắng, quần tây xám và đóng thùng; tuy thế, điều nổi bật của ông lại là tìm thấy niềm vui trong việc gợi lên và diễn giải các sự kiện, hiện tượng, con số mọi lúc mọi nơi nhằm chứng tỏ mình không hề “học giả”, bất chấp liệu có ai lắng nghe hoặc giả chịu khó gật gù lấy một cái cho vui lòng hay không. Ta hãy tạm gọi họ là ông “đứng đắn” và ông “học giả”. “Này, thời tiết khó chịu nhỉ! Thế nhưng các vị có ai biết tại sao không? ”, ông “học giả” gợi chuyện. “El Nino chứ gì! Bộ không thường theo dõi tin báo sao?”, một vị có phong thái chỉ huy lên giọng. “Hừm, tại El Nino à. Cũng được đấy, nhưng nếu biết nguyên nhân sâu xa, chúng ta sẽ tránh được một thảm họa đấy! Ấy chính bởi chúng ta tàn phá rừng quá nhiều đó. Không còn rừng tất khiến môi trường sinh thái bị thay đổi trầm trọng, tất có lũ lụt và hậu quả là… Thật nhân nào quả nấy thôi!”. Cái xã hội thu nhỏ ấy bỗng lao xao hẳn lên trước đề tài mới như… cũ này trong tiếng mưa trút sầm sập. Kẻ cho rằng thật ra đó chỉ là sự tuần hoàn thời tiết thôi, đừng quá phóng đại như thế; kẻ lại bênh rằng trước giờ có nghe El Nino hồi nào đâu mà tuần hoàn, thật đúng do chúng ta đối xử bạc với thiên nhiên nên giờ lãnh hậu quả. Nếu không biết sửa đổi gấp tất con cháu chúng ta sẽ lãnh hậu quả nặng hơn nữa và sẽ oán thán lắm… Mọi người bắt đầu bàn nhắng cả lên, trong đó ông “học giả”, tất nhiên, giữ vị trí trung tâm. Ông tiếp tục giảng nhiều hơn về thuyết nhân quả, ông bắt đầu nói về sự luân hồi của kiếp người, về những hình phạt hay phần thưởng tương ứng mai sau cho mỗi hành động khi còn sống chúng ta làm… “Nhân nào quả nấy thật ư?”, cô “hai mảnh” bỗng xen ngang. “Ừ”, một ai đó trả lời. “Và nghề các cô đang làm đây nằm trong mười tội nặng nhất đấy: tội quyến rũ, gây tan nhà nát cửa cho người khác. Sau này chết xuống thân các cô sẽ bị xẻ làm trăm mảnh cho giòi bọ đục khoét”, ông “đứng đắn” tiếp lời. “Nhưng không hề đếm xỉa gì đến nguyên nhân sâu xa hơn à! Nguyên nhân vì sao tụi tôi làm nghề này ông không cần biết nhưng ông có để ý đến những chiếc lá bị gió xoáy thổi tung tứ tán lúc trời chuyển mưa không? Chúng kỳ thực ban đầu nằm yên vô hại trên cành, thế rồi bỗng nhiên gió xoáy ùa đến, chúng bị vặt đi, ném rào rào xuống để rồi sau đó tiếp tục bị trưng dụng vô trò chơi tung hứng… À, tôi thừa nhận rằng lá cây có mục rồi rữa đi, xem như có sự chết vậy. Nhưng với gió thì sao? Chưa từng nghe ai nói ‘gió chết rồi’ cả! Vậy chẳng lẽ ‘gió’ nằm ngoài quy luật nhân quả, nó luôn ở thế thượng phong không bận tâm hay phải chịu trách nhiệm cho những gì nó đã tác yêu tác quái?!”, cô “hai mảnh” nhảy vào. “Hừ, các cô chỉ giỏi cái bẻm mép”, thấy tình hình có vẻ căng thẳng ông “học giả” lên tiếng. “Cứ cho là nguyên nhân sâu xa ban đầu của các cô là bị lừa, bị phụ tình rồi bơ vơ không nơi tá túc hay gì gì đi nữa nhưng hãy nhìn xem, nếu lương tâm các cô thật trong sáng thì vẫn có khá nhiều nghề thích hợp, lao động chân chính như bán vé số chẳng hạn. Các cô chỉ cần thế chấp thẻ CMND là đã có thể lấy ít tờ đi bán dạo rồi, nếu chăm chỉ thì các cô cũng đủ sống nếu không muốn nói là có dư chút chút. Nhưng đằng này các cô muốn ăn ngon mặc đẹp cơ, muốn yên tấm thân ngà ngọc và tiền tự bay vào túi cơ… Thôi, các cô đừng nói gì nữa nhá. Hãy cứ nghe tụi tôi nói chuyện, nếu học được cái gì thì học”. Bị bất ngờ với lại trình độ nhận thức của hai cô có lẽ cũng chỉ đến thế nên “hai mảnh” và “áo dài” cùng thở dài im lặng tiếp tục dõi ra màn mưa dày đặc bên ngoài; trong khi đó sau những tràng cười dài đắc chí có, ngưỡng mộ có những khách trú mưa lại tiếp tục thay nhau kể các câu chuyện mang tính quả báo nhãn tiền và xem chừng đắc ý lắm… “Kính chào quý khán giả, các em thân mến…”, tiếng nữ diễn viên chính điều khiển tiết mục xiếc khỉ đột nhiên lôi tôi trở về thực tại. Định thần nhìn kỹ hơn tôi thấy tuy cô ta cũng mặc đồ nhũ bạc, cũng có vẻ bốc lửa nhưng đó chắc chắn không phải cô “hai mảnh”. Vậy là các chú khỉ đã tới lượt diễn của mình. Các em thiếu nhi đồng loạt reo hò, vỗ tay khi chú khỉ đầu tiên xuất hiện trong bộ đồ may riêng cũn cỡn. Phần mình, tuy biết rằng đó không phải là “người quen” nhưng câu chuyện cũ trong tâm tâm trí tôi vẫn tiếp tục quay về… Tiếng ồn ào của xã hội thu nhỏ ấy bỗng bị cắt ngang bởi một loạt sấm sét dữ dội, và như có phép màu ngay lập tức cơn mưa đang vần vũ bỗng dừng hẳn tuy còn lắc rắc đôi hạt. Đã đến lúc ai về nhà nấy và tôi cùng với hai vị khách đặc biệt ấy, không kể hai cô gái là những người cuối cùng. Trong lúc hì hụi đạp máy chiếc Dream Trung Quốc cà giựt, tôi bỗng nghe tiếng ông “đứng đắn” hỏi cô “hai mảnh”: “Bao nhiêu một “dù” vậy? Trời lạnh, anh muốn ôm một cái cho ấm”. “Ông anh cũng đi à. Thật đúng ý tôi, đang định hỏi cô này có đi không”, ông “học giả” cũng lên tiếng và chỉ vào cô “áo dài”. “Tụi này không đi với các ông. Lúc nãy hai ông vừa bảo rằng nghề của chúng tôi mang tội nặng nhất mà, chúng tôi sợ phải khiến cho hai ông tan nhà nát cửa lắm. Với lại, sao hai ông thay đổi nhanh thế, vừa mới rao giảng đạo đức đây thôi mà giờ lại ngã giá? Hai ông không sợ quả báo à?”, cô “áo dài” trả lời. “Cô em à, sao lại cứng nhắc như thế! Dù gì cũng là người cả thôi, cũng bằng da bằng thịt cả, mà theo lẽ tự nhiên thì hễ đói chúng ta ăn, khát chúng ta uống, lạnh chúng ta mặc và giờ tụi anh lạnh, tụi anh thấy cần hai em sưởi ấm một chút. Cho tụi anh biết giá “dù” đêm nay đi. Nếu còn sợ quả báo, hai anh sẵn sàng trả thêm cho một chút”, ông “học giả” lên giọng khi bắt trúng sở trường của mình. “Đúng vậy. Lẽ ra làm nghề này hai em đừng có duy tâm như thế chứ. Thôi nói thêm để hai em yên lòng, đây là do các anh tự nguyện, và hành động tự nguyện này xuất phát từ sự thiếu hụt một số chất gì gì đó trong cơ thể, nó cần được bổ sung. Do vậy, tất cả chúng ta không ai có lỗi cả. OK chứ? Và tiền “dù” bao nhiêu?”, ông “đứng đắn” tiếp lời. “OK. Tám trăm cho hai đứa tụi tôi. Phòng tụi này bao”, đến lúc này cô “hai mảnh” mới lên tiếng. “Được, nhưng hãy để phòng tụi anh trả luôn. Hai em dễ thương như vậy chẳng lẽ lại bắt chẹt từng chút. Tội chết!”, ông “học giả” nhanh nhảu tiếp và quay sang ông “đứng đắn”: “Mình đi thôi anh. Để khuya rồi, lạnh quá”. Và họ lên đường trong một cơn gió lốc mới ập đến, từng nắm lá bị thổi hất lên bay tứ tán… “Hay quá! Anh đang nghĩ gì vậy? Sao lũ khỉ có thể biết bảy trừ hai bằng năm nhỉ?”, tiếng thằng Bi kèm cái kéo tay của nó đưa tôi về lại với “cái lồng”, nơi một cô “hai mảnh” khác (nhưng kín đáo hơn) đang duyên dáng điều khiển những con khỉ cưng làm trò. “Ừ thì cô đó phải tập trò này cho chúng lâu lắm mới có thể làm được. Nhưng Bi của anh chắc chắn hơn chúng rồi, Bi biết tiếng Anh nè, biết vẽ nữa và nhiều thứ khác…”. “Hi hi” thằng Bi cười khúc khích mắc cỡ dụi đầu vô lòng tôi. Và cùng với anh nó, các bạn chung quanh nó tiếp tục nhấp nhỏm, cười khanh khách trước những mục diễn mới như khỉ ru con, đi xe đạp trên dây… Ôi, Trò khỉ! Ôi, Xiếc khỉ! ° Bản nhạc Diva: nhạc hiệu của chương trình Dự báo thời tiết. Ý chỉ những người tin tuyệt đối vào chương trình này.