Kỳ 6: Mấy ai học được chữ ngờ ?

Không ngờ:
Ném khỏi tam thiên
cả trái núi lớn,
nhưng bồng bóng mình
bồng mãi không lên.
Chẳng ai ngờ vương phi Đao Bạch Phượng, một phu nhân cao quý "kiều diễm như một đóa sơn trà" lại ngã vào vòng tay một gã ăn mày hôi hám, người đầy vết thương và ruồi nhặng như Đoàn Diên Khánh.
Duyên do cũng vì ghen với chồng là Đoàn Chính Thuần, có số đào hoa với quá nhiều người tình, mà ra. Nàng oán hận, lẩm bẩm một mình như nói với chồng: "Ta đã tha thứ cho ngươi hết lần này đến lần khác, bây giờ không thể tiếp tục tha thứ nữa. Ngươi có lỗi với ta, ta cũng sẽ có lỗi với ngươi. Ngươi đi tìm người khác, ta cũng sẽ đi tìm người khác (…). Ta nên tìm một kẻ xấu xí, ô uế nhất thiên hạ để hiến thân. Ngươi là Vương gia, là Đại tướng quân, ta lại càng nên đối xử tốt với gã hành khất bẩn thỉu này" (1). Rồi nàng không nói gì, dưới gốc bồ đề chùa Thiên Long "từ từ trút bỏ y phục, đến trước mặt Đoàn Diên Khánh, chui vào lòng lão, đưa hai cánh tay như hoa như ngọc quàng lấy cổ lão (…). Nữ lang áo trắng đứng dậy lâu rồi, Đoàn Diên Khánh vẫn còn tưởng mình nằm mơ, chẳng hiểu chuyện thật hay giả. Thần trí lão vẫn hồ đồ, nghĩ rằng đây là Bồ Tát giáng trần. Mũi lão vẫn còn phảng phất ngửi thấy mùi hương nhẹ nhàng của nàng. Lão nghiêng đầu đi, lấy tay viết xuống đất bảy chữ: “Nàng là Quan Thế Âm tóc dài?". Lão viết bảy chữ này để hỏi nữ lang, thấy nàng gật gật đầu, rồi đột nhiên, mấy hạt châu nhỏ xuống bên dòng chữ. Không hiểu đó là nước mắt của nàng hay nước cam lồ của Quan Âm vẩy ra" (2).
Cái chẳng ai ngờ nữa, là gã ăn mày Đoàn Diên Khánh kia lại là hoàng thái tử của nước Đại Lý, do một biến loạn ở triều đình, đã phải lao vào gió bụi. Sau nhiều chuyện không may khác, y lê tấm thân tàn tạ, cố vươn lên. Nhưng những bi đát ngày càng bủa vây. Y lại càng vùng vẫy, trở thành đệ nhất ác nhân giang hồ. Nhưng khi sắp xuống tay giết Đoàn Dự, y bỗng nghe tiếng Đao Bạch Phượng ngâm nga: Ngoài chùa Thiên Long. Dưới gốc bồ đề. Hành khất phương xa. Quan Âm tóc dài, thì nghĩ đến chuyện cũ năm xưa, lúc tình cờ được vương phi hiến thân, rồi biết Đoàn Dự là con mình...
Những cái không ngờ vẫn đầy dẫy. Anh hùng hảo hớn như Kiều Phong có lúc phải khóc vì "ngày mình lên kế vị Bang chúa, ân sư lại ngấm ngầm viết đạo huấn dụ (về trường hợp nếu Kiều Phong thân Liêu phản Hán, giúp Khất Đan để hiếp đáp Đại Tống thì phải lập tức hạ sát ngay)"(3). Hoặc những chuyện bất ngờ xảy đến mà ngay cả người thọ nhận không hề biết trước. Như Lệnh Hồ Xung lúc võ công đột biến lên mức thượng thừa "người còn lơ lửng trên không, thừa thế rút trường kiếm ở sau lưng tiện tay phóng ra. Cổ tay chàng vừa rung động đã nghe đánh "cách" một tiếng. Thanh trường kiếm tra vào vỏ rồi, chân trái chàng cũng vừa chấm đất. Chàng ngẩng nhìn lên thấy năm chiếc lá liễu ở trên không đang từ từ bay xuống. Nguyên vừa rồi chàng phóng nhát kiếm đó dĩ nhiên đã phân biệt đâm trúng vào năm cuống lá liễu", Lệnh Hồ Xung lại rút kiếm khoa thành một đường hình cánh cung "kiếm quang vừa lấp loáng lóe mắt, năm chiếc lá liễu đều đã thu vào trên mặt lưỡi kiếm" (4).
Kiếm pháp tuyệt diệu như thế thật "khó hiểu khó tin". Như có bạn đọc trách tác giả "bịa đặt ghê gớm quá". Chỗ này, Vương Trí Nhàn viết: "lối thưởng thức văn chương trong sự ràng buộc với cái thực đã thâm căn cố đế ở nhiều người, và suy nghĩ về vấn đề này người ta thường vẫn bị các bậc thầy của văn học phương Tây ám ảnh. Rằng, tác phẩm này diễn tả thành phố Paris đúng đắn từng chi tiết. Rằng, trong tác phẩm kia, có những tài liệu có thể dùng làm dữ kiện tham khảo cho các nhà nghiên cứu kinh tế. Kể ra, đó cũng là những nhận xét xác đáng, có điều, nếu coi đó là phương hướng duy nhất để văn học đi theo thì không đúng" (5). Khó tìm ra những cái "duy nhất" làm mẫu mực cho các loài. Hoa, cũng có hoa cúc, hoa kim ba tuần. Người, cũng có người thiện, kẻ ác. Cái thiện là đáng quý. Cái ác đương nhiên phải bị bài trừ, lên án. Song cũng đừng đẩy cái ác đến mặt đối lập tuyệt đối với những tiêu chuẩn của cái thiện. Mà đặt nó trong bối cảnh xuất phát các hành vi để xem xét và hóa giải nó. Nên con đường trung đạo cuối cùng đã thức tỉnh bước chân của Tạ Tốn vốn để về lại chân tâm của mình sẵn có, chứ không phải bắt đầu học những bài vỡ lòng trong các giáo điều, văn tự. Vì dù học nghìn pho kinh con người vẫn không thể thuộc làu làu trôi chảy, chính xác bằng một máy ghi âm. Nhưng máy ghi âm dẫu in tám vạn bốn nghìn pháp môn của ba nghìn thế giới vẫn mãi mãi không thể biến thành người, huống hồ thành bậc vô sư. Những bức thư tình hay nhất thế giới cũng không thể giúp một trái tim tan vỡ trở nên lành lặn. Chúng có giá trị thực sự trong đời sống chỉ khi được sử dụng như thế nào để góp sức mở cửa một tâm hồn. Do vậy cần có những tác duyên sống động ngoài văn tự, giáo điều, như tiếng trẻ khóc trên hoang đảo, tiếng gọi cha đằm thắm bất ngờ, hoặc tiếng một người phụ nữ cất lên đúng lúc, một cành cây gãy, một đóa hoa rơi, một tiếng hét, một tách trà bị đánh vỡ, hoặc đôi khi - một niềm im lặng miên man...
Người ta yêu nhau cũng vậy. Những tác duyên lặng lẽ đưa họ bước vào thế giới của "hai người". Những cuộc chia ly của họ có thể được hẹn hò gặp gỡ ở một nơi khác, xa hơn mặt đất này. Ngược lại, dầu ở mặt đất, những người không biết yêu khó mà biết sống như Đỗ Long Vân viết: "Cái tên Bất Hối mà Kỷ Hiểu Phù đã đặt cho đứa con hoang của mình có lẽ đã đánh dấu trang sử diễm lệ nhất của võ lâm và có lẽ Mộ Dung Phục sẽ bị trừng trị đến hóa điên, không phải vì tham vọng của chàng quá lớn, mà tại vì chàng là nhân vật rất hiếm của Kim Dung đã không biết thế nào là tình yêu".
---------------------
° (1) và (2): Thiên long bát bộ, Kim Dung. Đông Hải dịch, NXB Văn học, Hà Nội 2003.
° (3) và (4): Hàn Giang Nhạn tiên sinh dịch. Xin lưu ý, những câu trích từ Cô gái đồ long trong các bài trước là theo bản dịch của Từ Khánh Phụng, không phải của Hàn Giang Nhạn như chú thích ở kỳ 1 của loạt bài.
° (5): Kim Dung - tác phẩm và dư luận (nhiều tác giả). Trần Thức sưu tầm và tuyển chọn, NXB Văn học và Công ty Văn hóa Phương Nam ấn hành, 2001.

Xem Tiếp: ----