Chương 1

Đưa tay đẩy đôi cánh cửa gỗ tếch, trước mắt tôi hiện ra phòng chủ tịch xí nghiệp Đoàn Thị.
Tôi thong thả đi vào, cứ để yên cửa mở phía sau lưng.
Tôi biết, nếu không có dấu hiệu của tôi thì hai người cộng sự là Miko và Chu Ngọc Thành sẽ không bước vào. Họ biết rõ những qui định.
Phòng chủ tịch rất rộng. Phía ngoài là phòng khách rộng hơn tám trăm thước (Anh), bộ ghế sa lông xanh đen cùng đồ dùng gỗ tếch màu cà phê - những mẫu mã của Anh quốc thế kỷ 19 mua từ nhà Harrods ở London, thảy đều đặt trên tấm thảm trải lông cừu trắng.
Cuối phòng khách là cửa phòng chủ tịch. Ở đấy nổi nhất là cái bàn Anh quốc có niên đại lâu đời mà Churchill từng dùng qua. Người Canada rất chuộng đồ gia dụng của Anh cho nên chỗ tôi làm việc cũng lắm đồ cổ.
Đấy gọi là nhập gia tùy tục.
Trên bàn tôi đã đặt sẵn tờ tạp chí kinh tài - rất phổ biến của Canada, có đăng đề mục:
“Một phụ nữ - 44 tuổi, là nội trợ trong một gia đình ở Hương Cảng đã biến mình thành chủ một xí nghiệp khổng lồ. Đối với bà, ngoại trừ danh lợi thì liệu còn có gì khác?”.
Đáp án là: không có.
Tôi kéo ghế và chậm rãi ngồi xuống, nhìn qua hai cánh cửa cao lớn, thấy hai người cộng sự từ phòng ngoài đang kính cẩn chờ tôi duyệt qua văn kiện khẩn, sau đó sẽ đi đến Manđi-ke tham dự tiệc chiêu đãi của ngài bộ trưởng Bộ văn hóa. Khách tham dự còn có ngài thủ tướng Mô-lăng-ni, những khách mời đều có thân phận giàu sang, phú quý.
Tôi duyệt các giấy tờ xong nhấn chuông gọi người bí thư.
Bí thư Gia Phú cung kính đến nhận văn kiện và vui vẻ nói:
– Thưa bà, thị trường giao dịch hôm nay, cổ phiếu Đoàn Thị lại tăng lên ba phần. Ngày mai là cuối tuần, giá chuyển nhượng ngầm sẽ là ba đồng tám đấy.
Tôi gật đầu, ôn tồn nói:
– Cảm ơn! Cho chuẩn bị xe!
Cuộc hành trình đến điểm họp phải mất gần bốn giờ bay.
Tôi đưa theo hai người phụ tá. Trong máy bay, họ ngồi cách biệt tôi.
Trừ phi phải cùng họ bàn bạc, còn không thì tôi luôn giữ khoảng cách với thuộc hạ.
Căn bản là tôi giữ khoảng cách với mọi người.
Từ lúc xí nghiệp thực phẩm Đoàn Thị thành lập cho đến khi xuất sang Bắc Mỹ, tôi không ngừng bị phỏng vấn. Trong số đó có một phóng viên Canada viết cho tôi:
“Chúng tôi đã biết quá khứ của bà. Biết ngày qua bà đã làm gì để có được như ngày nay, và biết là bà đang đầu tư cho tương lai sắp tới. Vậy xin bà cho phép chúng tôi có dịp đến thăm bà”.
Tương lai, ngày mai? Ngày mai của tôi chắc chắn là tốt hơn hôm nay! Đối với ngày mai của mọi người, tôi chẳng hề quan tâm, trừ phi ngày mai của họ có ảnh hưởng đến tôi.
Hôm qua.Hôm nay.Ngày mai.Tôi cười khổ.
Tôi nhìn qua cửa máy bay.Từng phiến mây bồng bềnh.Trước mắt tôi là một khối màu trắng. Trong đầu tôi chợt sống dậy biết bao điều đã qua. Các màu sắc quyện quàng. Gió thổi tung lên những lượn mây...
Nhiều năm về trước...
Bắt đầu từ năm mười hai tuổi, mỗi lần đến kỳ kinh nguyệt là nhất định tôi phải đau bụng từ ba đến năm ngày. Cái đau như bị dao đâm thủng ruột khiến tôi phải kêu trời than khổ.
Có một lần đau rất dữ, lần ấy trong giờ học, tôi đau đớn đến đầu ướt mồ hôi và quỵ ngã bất tỉnh.
Khi tỉnh lại thấy nằm trên giường nhà, căn phòng vắng ngắt, không có mẹ bên cạnh, đứa em gái chung phòng cũng đi đâu mất.
Bụng tôi cứ âm ỉ đau, cả người không động đậy nổi.
Năm đó, độ chừng mười lăm tuổi, tôi biết phải tự an ủi mình:
– Ráng cắn răng chịu đựng, qua hai ba ngày là hết thôi!
Em gái tôi-Uất Chân-nó may mắn hơn tôi, một năm 365 ngày nó đều khỏe mạnh, không chịu cái đau khổ đặc biệt của phụ nữ như tôi.
Mẹ từng nói với tôi:
– Uất Văn, con đừng lo sợ quá, sau này kết hôn xong là con hết phải chịu đựng khổ sở như thế nữa!
Thế nhưng, không chỉ tôi đã kết hôn, đứa con gái tôi đã mười lăm tuổi song mỗi tháng tôi vẫn cứ y như cũ!
Sinh mạng đã không sáng sủa thì biết sao!
Tôi bò dài trên giường, gân cốt đau nhức rã rời. Phụ nữ muốn đi làm ắt phải xin một hai ngày bệnh giả, liệu cấp trên có rõ cho cái khổ của họ?
Đương nhiên, nếu cấp trên cũng như mình thì khỏi phải nói rồi.
Tôi không có thói quen dùng đồng hồ reo, bởi vì như vậy Cẩm Xương sẽ bị đánh thức và khó ngủ lại. Tôi phải dậy sớm hơn anh nửa giờ. Ngày thường, trong bụng tôi như có chứa cái đồng hồ, mỗi sáng đến sáu giờ là tôi trở dậy.
Đấy là tập quán thành tự nhiên.
Hôm nay, đến kỳ kinh, tôi lại đau bụng nên mất cả kinh nghiệm, tôi nằm mơ màng đến sáu giờ bốn mươi mới tỉnh giấc.
Tôi chạy vội vào bếp, nấu cháo thì không kịp rồi, chỉ còn cách làm vội mấy cái trứng gà, miễn có thức ăn cho hai cha con Bái Bái, còn người mẹ thì khỏi phải lo.
Nói đến cha con họ cũng thật tức cười! Đã lớn xác như thế nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Đối với cả hai, tôi rất thương yêu, cứ lo chăm sóc.
Mỗi sáng, tôi phải đứng ngay đầu giường đánh thức đến ba lần bốn lượt, vừa tức giận vừa tức cười. Cả hai đều có tật hay nấn ná, ngủ nướng.
Trên bàn ăn, Bái Bái bực tức đẩy đĩa trứng ra xa.
– Sao không nấu cháo?
– Trễ quá! Hôm nay em không dậy sớm được – Phải hôm qua em nấu trước, sáng mai hâm lại là được rồi.
Tôi không muốn giải thích, đêm hôm tôi lục đục làm hơn mười giờ, việc nhà cứ miệt mài đều đặn như vậy thật khó kham, đối với người đã hơn bốn mươi thì...
Nhưng cần gì phải nói nhiều? Vợ chồng có hơn nhau một hai câu thì nào có gì. Mọi người phụ nữ đều biết như thế!
Cẩm Xương vừa thay đồ, vừa nói với tôi:
– Anh thấy em không nên làm ra vẻ quá, coi sóc hết việc trong nhà; với số tiền hai ba ngàn đồng, em ít may sắm quần áo thì không dư ra đó sao! Em mau tìm người giúp việc nhà, tránh cho Bái Bái có bữa ăn bữa không, chẳng biết nó gầy ốm thế nào nữa!
Trong bụng tôi đang ngầm đau như bị dao cắt, đầu lại thấy nhức khó chịu, chẳng biết phải nói thế nào.
Hơn một năm trước, chị Thái quyết định cáo lão về quê, việc nhà dồn hết cho tôi. Ở tuổi 60, có thể kể là thời kỳ tốt đẹp của kẻ làm công như chị, song có điều cứ hai ba ngày chị với mẹ tôi lại có chuyện hục hặc với nhau. Mẹ tôi cứ than phiền mãi, buộc tôi phải cho chị nghỉ việc. Em gái tôi - Uất Chân – nó ở riêng, gọi điện đến tôi:
– Này chị, chị giải quyết ngay chuyện chị Thái có được không? Mẹ cứ gọi điện đến chỗ làm của tôi cằn nhằn than thở! Tôi biết làm sao đây.
Em gái tôi là đứa nóng tính. Sau khi tốt nghiệp đại học, nó được tuyển vào cơ quan chính phủ. Mười năm làm việc và thăng tiến, nay nó đã là viên chức hàng cao cấp trong Cục di dân, như vậy những chuyện vặt gia đình tất làm cho cô nàng rất bực bội.
Nói chung, chị Thái ở Vương gia nhiều năm, thật tình thì rất có lợi, có bất lợi. Lợi, đương nhiên là chị giúp việc cho gia đình; nhưng mặt khác, lắm người thì nhiều ma, nhà nhiều đàn bà thì chẳng lúc nào yên, nội cái việc xử lý tranh cãi giữa chị và mẹ tôi là cũng đã bơ phờ rồi.
Chị Thái ở đây lâu thành ra thân thiết, nhưng cũng chẳng có cách nào hơn, nhân có đứa cháu ở quê thành hôn, chị xin nghỉ việc để về quê dưỡng già.
Bao nhiêu năm làm chủ khách với nhau, tôi thực tình không muốn chia tay, nhưng không dám giữ lại, sợ mẹ tôi không vui, do đó, tôi ngầm đem chút tiền dành dụm của mình tặng riêng chị.
Cẩm Xương là giám đốc quản lý của công ty kiến trúc Vĩnh Thành, lương tháng hơn bốn vạn đồng, lại có lộc riêng khác. Sau khi đi làm thì anh đã mua được nhà cửa; do đó gia cảnh cũng dễ chịu, việc thuê người làm hẳn nhiên không thành vấn đề, nhưng...
Tôi nói với anh:
– Mẹ không muốn thuê người làm, người nước ngoài thì mẹ không biết tiếng Anh, lại sinh ra hiểu lầm; em định tìm một người Quảng Đông.
Cẩm Xương không đợi tôi nói hết lời, anh khoác áo ngoài, nói:
– Ai không biết em là hiếu nữ, chỉ lo sao mẹ con vẹn toàn là được.
– Cẩm Xương...
Tôi thực thấy khó chịu, mỗi khi chồng to tiếng là tôi biết anh bực tôi! Cũng vì mẹ tôi theo ở chung với tôi, còn mẹ Cẩm Xương lại ở với cô em gái Cẩm Linh, một nhà không thể dung hai bà lão, hoặc có thể nói là một mái không chứa hai con hổ - đàng nào cũng không vừa!
Em gái tôi được chính phủ cấp cho căn hộ ở đường Mạch Đương Nô, gần hai ngàn thước (Anh), nhưng mẹ tôi bảo thời đại đã khác, Uất Chân phải sống một mình, lại quan cao chức trọng tất phải khách khứa qua lại, không hợp với người già, không bằng ở với tôi tiện lợi, có không khí gia đình hơn. Mẹ nói vậy thì tôi hay vậy, tôi là con gái lớn tất phải chiều bà, cha tôi đã qua đời không lẽ không săn sóc bà sao.
Lúc khốn khổ, con người rất nhạy cảm.
Cẩm Xương đối với mẹ vợ theo thế nước sông không phạm vào nước giếng, còn tôi thì hết sức nhường nhịn hai bên, chỉ mong sao được hòa bình. Thế nhưng trước sau gì cũng nói ra nỗi ấm ức của mình.
Hôm nay chẳng hạn.
Tôi muốn lên tiếng biện giải nhưng lại thôi, chỉ vội lấy khóa xe theo Cẩm Xương ra cổng.
Chúng tôi ở khu Bão Mã. Mỗi sáng tôi phải lái xe đưa Bái Bái đi học trường trung học Saint Paul ở đường Mạch Đương Nô, sau đó đưa Cẩm Xương đến chỗ làm ở đường Lạc Hoa Viên.
Thường ngày lên xe, cả ba chuyện trò vui vẻ, hôm nay vì bữa ăn sáng, chuyện nhỏ hóa to, trong bụng tôi lại khó chịu, do đó, mẹ con, chồng vợ đều im thin thít.
Tôi nghĩ, Cẩm Xương giận tôi, rồi cũng thôi, dù sao anh ta cũng là chủ nhà mà! Con gái thì quá đỗi nuông chiều! Bữa ăn không vừa ý là cứ y như trời sập, không biết tương lai sẽ thế nào đây?
Con gái không biết thế nào là ôn nhu, hiền thục thì chẳng biết sao nữa?
Muốn dạy con, tôi lại nhớ đến đứa em gái Uất Chân, nhớ đến bạn đồng học Mạnh Thính Đồng – đã dần xa cách tôi. Phụ nữ ngày nay hầu như phải bồi dưỡng sao cho có vẻ hơi hung dữ thì ra đời mới được người tôn trọng. Còn như tôi cứ giữ lấy tính cách điềm đạm, ôn hòa thì chỉ được cái tiếng là người tốt và hư danh thì chẳng dùng được gì.
Bái Bái từ bé đã thông minh, lanh lợi, đừng nói là Uất Chân rất thương yêu cháu, mà cả Mạnh Thính Đồng nổi tiếng trong thương giới cũng luôn mồm đòi nhận nó làm con khiến chúng tôi phải đâm ra lo lắng! Có thể thấy là con bé hơi chua cay nhưng lại hợp với thời đại, chắc tương lai phải sáng lắm.
Chúng tôi đỗ xe cho Bái Bái xuống xong lại đi thẳng về phía trước, vì đường Mạch Đương Nô một chiều nên không quay trở lại được.
Mỗi ngày đi qua con đường này tôi hay nghĩ tưởng, nếu như tôi được quyền chọn lựa trở lại con đường tôi đi thì liệu tôi có muốn quay đầu trở lại? Liệu sau khi tốt nghiệp đại học Thương nghiệp, vừa công tác hai ba năm và gặp Vương Cẩm Xương tôi có kết hôn với anh? Hoặc tôi cũng như em gái tôi, thậm chí như Mạnh Thính Đồng, làm việc trong cơ quan hay phát triển trong thương trường và đang giàu sang, phú quý?
Tôi liếc nhìn Cẩm Xương, sống với nhau đã hơn mười năm nhưng anh vẫn làm tôi đau lòng.
Năm đó, khi tôi thực tập tại công ty kiến trúc Vĩnh Thành, được bộ nhân sự phái đến các bộ học tập. Khi luân chuyển đến bộ quản lý công trình, ngay lần gặp Vương Cẩm Xương đầu tiên, thấy vẻ đoan chính, phương phi, tôi biết ngay tiền đồ mình đã rơi vào tay anh ta rồi!
Chúng tôi yêu nhau rất thuận lợi. Mọi người đều nói hai người yêu nhau, lấy nhau, tất sẽ rất hạnh phúc. Tôi đồng ý với lời ấy; đến với Cẩm Xương, tôi càng thấy mình vô cùng hạnh phúc.
Nghĩ ngợi vớ vẩn, bất giác tôi mỉm cười, mặt nóng bừng lên. Rõ thật, con gái phải nên vào đại học.
– Này, Uất Chân ở số mấy trên đường Mạch Đương Nô vậy em?
Câu hỏi đánh thức tôi!
Số của chồng hầu như không hợp với nhị tiểu thơ của Đoàn gia chúng tôi!
Uất Chân từ lúc thăng chức trưởng phòng và dời nhà đến chỗ ở mới thì cô nàng chưa hề chính thức mời chúng tôi đến thăm. Chỉ có tôi là thỉnh thoảng đến với mẹ tôi chốc lát, hoặc mua thức ăn ngon đến cho bà hay dặn dò người làm nấu nướng cơm nước.
Tôi đáp:
– Vừa chạy ngang qua đấy, nhà phía đầu đường.
Cẩm Xương lạ lùng nhìn tôi.
– Chuyện gì vậy?
Anh cười, nói:
– Rõ ràng là cùng thứ gạo ăn nhưng mỗi người mỗi khác.
– Ý anh là thế nào?
– Em không giống Uất Chân.
– Đương nhiên.
– Tuyệt không giống!
– Rất may là không giống, nếu không thì anh yêu hai người cùng lúc mất.
Tôi cười lớn, không để ý đến thái độ của Cẩm Xương.
Anh vẫn thường phê bình tôi là ngôn ngữ chẳng hề dí dỏm, và vừa rồi tôi đã cho anh nghe một ý hay đấy chứ!
Tôi đỗ xe cho Cẩm Xương xuống. Thường mỗi khi rời xe anh đều hôn tôi, hôm nay lại vội vàng thoát ra khỏi xe đi nhanh.
Tôi chẳng biết lý do, chỉ nhún vai và phóng xe đi thẳng.
Người ta nói lòng dạ đàn bà khó dò, thực ra không phải chỉ đàn bà là vậy.
Đời sống tôi, cũng như bao người khác, chú tâm làm việc sớm khuya cho được khá giả, nhưng khi bị cho là chẳng hợp thời thì chỉ đành mất mặt!
Có khi tôi chợt nhận ra mẹ tôi, Cẩm Xương, Uất Chân, Thính Đồng và cả Bái Bái đều sống quá căng thẳng, hay chấp nhặt từng lời nói rồi đâm ra buồn bực cả buổi trời – làm chi vậy? Nhiều lúc kẻ nói thì vô tình, người nghe lại để ý, điều ấy thực chẳng hay ho gì.
Tôi không phải là người theo phái lạc quan, nhưng chỉ ưa sự thuận hòa, cái gì qua được thì bỏ qua, miễn giữ cho lòng được yên, lo đủ hai bữa ăn là tốt, còn để ý chuyện khác làm gì.
Tôi vào chợ mua thức ăn, rau cải, đủ cho cả buổi chiều để khỏi đi ra ngoài, tôi muốn mua sắm mau chóng để về nhà; thực tình tôi chỉ muốn ngả lưng nằm nghỉ.
Thay đồ xong, vừa bước vào phòng thì chuông điện thoại reo. Tôi để rau cải, đồ đạc bừa ra đó và đi nhanh vào bắt máy. Tiếng mẹ tôi lanh lảnh:
– Sao đưa Bái Bái đi học lâu thế?
– Mẹ, mẹ ở đâu đấy? Không phải còn ngủ sao?
– Ừ! Mẹ dậy sớm, bếp chẳng còn gì ăn, mẹ theo Uất Chân đến nhà văn hóa ăn sáng. Con đưa xe đến đón mẹ về!
– Bây giờ thì sao? – Tôi đưa tay ấn lên bụng ngầm ngầm đau.
– Cái gì? Con có chuyện gấp à? - Hẳn là bà không vui.
Kể ra phải đi thôi! Thà đi một chuyến cho yên lòng, tránh bị bà cụ cằn nhằn cả ngày.
Vừa ra xe, tôi chợt nhớ Uất Chân rất thích uống nước ngó sen, may mắn sáng nay tôi mua được loại muốt trắng, rất tốt, phải mang cho nó dùng; chỉ cần bảo người làm chưng cất lên là dùng được.
Thế là tôi vội vàng quay vào bếp, lấy vội một mớ cho vào túi mang ra xe.
Giao thông ở Hương Cảng thường tắc nghẽn, quãng đường đi chừng 10 phút phải mất đến nửa giờ tôi mới đến cổng nhà văn hóa.
Uất Chân và mẹ tôi đang đứng ở cổng.
Mẹ tôi lên xe và tiện tay đóng cửa xe lại.
Tôi chưa kịp giải thích lý do kẹt xe đã vội hớn hở đưa túi ngó sen cho Uất Chân.
Uất Chân ngạc nhiên hỏi:
– Cái gì vậy?
Tôi cười nói:
– Ngó sen đấy, đem về nấu lên...
– Chị này thật!
Uất Chân không lấy, nó quày quả bỏ đi ngay!
Tôi nhìn theo phía sau thân hình đứa em, cân đối và uyển chuyển, cặp đùi thật đẹp khiến người nhìn thật dễ chịu.Tôi cứ mê mải nhìn mà quên gọi nó trở lại lấy túi ngó sen.
Khi tôi mở máy xe, mẹ tôi nói:
Uất Văn, con phải học tập theo cách của em con! Người ta là quan cao chức trọng, ra đường biết bao người nhìn ngó, nó đâu thể mang cái túi như vậy được.
Đừng trách là mẹ không nhắc nhở con, số con không tốt lắm đâu, từ bé đến giờ, con chỉ cố gắng có nửa phần là xong hết việc, nếu con không tự thay đổi theo thời thế e là gia đình yên ổn của con tan hoang mất!
Tôi phì cười:
– Mẹ, mẹ đừng hù con chứ!
– Ừ! Mẹ nhắc con nên lo xa đấy! Thời bây giờ, đàn ông ngoài 40 hay ngoại tình lắm.
– Chúng con đều là lão ông lão bà rồi mẹ à!
– Thiệt tức cười! Con lại tự cho mình già, con hãy xem Uất Chân, cả bạn học Thính Đồng của con, hình dạng ăn mặc đều khác hẳn con. Nếu có mấy người đàn bà đứng bên con thì ai lại chọn con chứ?
Chẳng cần mẹ càu nhàu, tôi biết vào lúc này đây, tôi vẫn còn kém cả bà mẹ chồng tôi rồi.
Thực tình nhìn lại mình thấy cũng thực áy náy. Người đàn bà sau khi sinh đẻ, nuôi dưỡng con cái thì tay chân vụng về, thô kệch, người bắt đầu thay đổi, nặng nề.
Làm người thực không phải dễ.
Giờ đây, tôi chỉ còn có việc là chăm chút gia đình sao cho tốt đẹp là được.
Trong nhà, từ lớn tới bé đều một tay tôi lo liệu, chăm sóc, không để xảy ra gây gổ, lớn tiếng. Vậy họ làm sao để tôi nhàn rỗi mà tự chăm sóc cho mình?
Vả lại, có điều mẹ tôi không biết, đấy là Cẩm Xương không thích tôi chưng diện.
Lần nọ, Mạnh Thính Đồng đưa tôi đến một cửa hàng danh tiếng. Thính Đồng cứ một mực buộc tôi mua một bộ đồ đến hơn một vạn đồng. Mặc thử vào người thì thấy đẹp thực. Có điều nó đắt quá.
Thính Đồng cứ đốc tôi:
– Chị không hay chưng diện, nhưng chỉ cần có một bộ cho đáng là được. Tôi nói không sai đâu!
Đúng vậy. Từ hồi còn học chung nhau trung học, lên đến đại học, bất luận việc học việc đời cô ấy đều hơn tôi, cô ấy luôn góp ý, chỉ điểm cho tôi. Ngoại trừ Uất Chân thì tôi gần gũi với Thính Đồng nhất. Từ khi Uất Chân đâm ra ít trò chuyện với tôi thì đã có Thính Đồng bên cạnh.
Do đó, tôi vui lòng mua bộ đồ mang về, chuẩn bị mặc vào cùng Cẩm Xương đi dự tiệc ở công ty.
Không ngờ Cẩm Xương lại sụ mặt xuống, nói:
– Đàn bà mặc bộ đồ đến mười ba ngàn đồng, nếu không phải là phu nhân quý phái thì phải như là Thính Đồng tay trắng làm nên, đàn bà có chức nghiệp hay tự mình tiêu phí tiền.
Lời nói đã chạm lòng tự tôn của tôi.
Có thể nào lại chìa tay nhận tiền của người, vậy thì còn mặt mũi đâu mà nhìn người!
Đây chẳng qua là khi sinh Bái Bái, vợ chồng bàn nhau, người mẹ đích thân nuôi con thì tốt hơn, do đó tôi thôi đi làm, chuyên tâm coi sóc gia đình, nếu không, tôi cứ đi làm đến chín mười năm nay thì đâu đến đỗi mua có bộ đồ mà vợ chồng xứng đôi lại đi gây gổ.
Nhưng, tôi quá hẹp hòi, còn Cẩm Xương chỉ nói thực mà thôi.
Anh ta biết mình không phải là phú gia, do đó bà cụ mới không có tư cách ra oai, và anh biết thân phận, địa vị của mình.
Phàm việc gì nghĩ đến khía cạnh tốt của nó cũng đều dễ an lòng hơn.
Tôi chậm rãi giải thích với Cẩm Xương:
– Chỉ có một bộ thôi, hoặc công ty có yến tiệc...
– Em đừng có ấu trĩ được không! Phu nhân giám đốc Vĩnh Thành cả khối kìa! Người ta không chỉ mặt đẹp mà còn mang vàng ngọc đầy người, mình bì sao được? Còn như so với những nữ đồng nghiệp của anh thì ngoài phục sức, người ta còn có phong độ giao thiệp.