Cái tình chi

Mượn màu son phấn ra đi...
(Lời hát cổ)

Chuyện thứ nhất
Chắc nhiều người còn nhớ bận bão mùa hè năm 1956.
Trận bão ấy, ở bãi Nổi trên sông Cái, sét đánh cụt ngọn cây muỗm đại thụ. Không biết ai nói trông thấy có đôi giao long quấn chặt lấy nhau vẫy vùng làm đục cả một khúc sông. Tạnh mưa, dưới gốc cây muỗm, có một đứa bé mới sinh đang nằm. Đứa bé ấy là con thuỷ thần để lại.
Dân trong vùng gọi đứa bé ấy là Mẹ Cả. Ai nuôi Mẹ Cả, tôi không biết, nghe phong phanh trong từ đền Tía đón về nuôi. Lại đồn thím Mòng trên phố chợ đón về nuôi. Lại đồn các xơ trong nhà tu kín đón về, đặt tên thánh cho Mẹ Cả là Gianna Đoàn Thị Phượng.
Chuyện Mẹ Cả ám ảnh tôi suốt thời niên thiếu. Một bận, mẹ tôi đi chợ Xuôi về, kể chuyện Mẹ Cả cứu hai cha con ông Hội bên Đoài Hạ. Ông Hội làm nhà, mang đứa con gái tám tuổi đi đào cát. Hố cát khoét hàm ếch, sụt xuống, vùi lấp cả hai cha con. Mẹ Cả đang bơi trên sông, trông thấy, hoá phép thành con rái cá ra sức đào bới cứu được hai người.
Một lần, ông Tư Chung đào giếng bảo đào được cái trống đồng. Phòng văn hoá huyện về xin mang trống đi. Khi qua sông, tự dưng sấm chớp đùng đùng, sóng gió lớn cộn lên. Mẹ Cả bơi trên sông bảo: “Vứt trống xuống đây. Thuyền chòng chành sắp ụp, mọi người đành vứt trống xuống cho Mẹ Cả. Mẹ Cả ngồi trên mặt trống đánh thùng thùng. Thế là sấm tan mưa tạnh. Mẹ Cả ôm trống lặn xuống đáy sông.
Chuyện Mẹ Cả lung tung lắm, nửa hư nửa thực. Tuổi thơ của tôi u buồn và bề bộn việc, mà việc nào cũng vất vả cả, tôi chẳng có thì giờ để ý đến chuyện người dưng.
Nhà tôi làm ruộng, đào đá ong và làm thêm nghề lột giang đan mũ. Làm ruộng chẳng nói ai cũng biết rồi, chẳng dễ dàng gì. Mười bốn tuổi, tôi là thợ cày chủ lực trong hợp tác xã. Bốn giờ sáng, ông đội trưởng đội cày gọi cổng: “Chương ơi, hôm nay cày chân ruộng Gò mả nguỵ nhé!” Thế là tôi bổ dậy, ăn vội ăn vàng bát cơm nguội rồi đi. Trời còn tối, chuột đồng chạy rào rào trong các vạt ngô ven bãi. Tôi nửa thức nửa ngủ, chân nam đá chân chiêu, cứ nhằm phía quầng sáng điện thị xã mà đánh trâu đi. Chân ruộng Gò mả nguỵ ở đó. Đây là chân ruộng xấu nhất cánh đồng, đất cằn bạc phếch bạc phơ, thỉnh thoảng lại có đá ngầm. Tôi cày một mạch đến trưa, thấy đứng bóng thì tháo trâu về. Mẹ tôi bảo: “Chương ơi, ông Nhiêu dặn đá ong nhà mình tháng này thiếu tám chục viên, hôm trước bố con mới nộp hơn bốn trăm viên”. Tôi vác thuổng đi lên đồi Sậy. Đá ong đồi Sậy thường chỉ đào được sáu lớp thì hết một vỉa, đến lớp đất thịt. Đá ong chỉ đào được những hôm nắng. Hôm mưa thì bùn nhão nhoét, đỏ cành cạch, đá bở. Thường một buổi chiều cật lực, tôi đào được hai chục viên. Ông Nhiêu đi qua khen: “Có nghề lắm. Ngày xưa tao đào có lần xắn mẹ phải ngón chân cái”. Ông chìa bàn chân đi dép cao su cho tôi nhìn thấy ngón chân bị cụt. Chân của ông Nhiêu là chân Giao Chỉ, ngón cái không thẳng mà toẽ hẳn ra. Chân này chắc chẳng giầy nào vừa được. Buổi tối, tôi ngồi lột nan. Giang mua của cánh lái bè, về cạo ra, chặt bỏ mấu, pha nhỏ, cho vào nồi luộc. Sau đó phải hấp diêm sinh, mang đi phơi khô, bó lại gác lên nóc nhà. Khi làm thì ngâm vài ngày rồi lấy dao lột. Lột giang phải thật cẩn thận, lột bằng thứ dao đặt ở thợ rèn, lưỡi mỏng dính, đứt tay như chơi. Khi lột, lòng, cật để riêng, sau đó tách thành từng sợi đều đặn thuê trẻ con đan. Mỗi cuộn là hai chục mét, bán cho nhà có máy khâu may mũ. Mẹ tôi bảo: “Nghề này chẳng giàu được đâu nhưng mà có việc quanh năm để trẻ khỏi nghịch”. Những đứa em tôi, bốn tuổi đã biết đan rồi, tay cứ nhoay nhoáy suốt ngày, đi đâu cũng có bó nan cắp nách. Gà gáy canh ba tôi mới đi ngủ. Một ngày đầy ắp công việc. Giấc ngủ kéo đến. Hình ảnh Mẹ Cả chen vào giấc ngủ ở một khe hở nào đó rất nhỏ, không phải thường xuyên, tôi không chắc một năm đã được một lần.
Một dạo ông Hai Thìn bấy giờ lên chức chủ nhiệm hợp tác xã bảo tôi: “Chương này, trai tráng trong làng đi bộ đội cả, mày thật thà, tao tính rút mày lên làm kế toán, nhưng mày trình độ văn hoá kém quá, thôi mày làm ban kiểm tra với bảo vệ vậy”. Tôi hỏi: “Làm ban kiểm tra thì phải làm gì? Làm bảo vệ thì phải làm gì?” Ông Hai Thìn bảo: “Ban kiểm tra là xem chúng tao có ăn bớt ăn xén gì không thì mách ông Phượng bí thư xã biết. Làm bảo vệ thì hợp tác xã có bãi mía đấy, quân bãi Nổi cứ đến ăn trộm, mày vác súng ra, thấy đứa nào ăn trộm thì bắn chỉ thiên cho chúng nó sợ”. Tôi bảo “Ban kiểm tra cháu chẳng làm đâu, hay gì chuyện mách lẻo. Cháu làm bảo vệ”.
Bãi mía ven sông rộng vài chục mẫu, gác cũng khó. Tôi làm một cái chòi, lên đấy nằm đọc truỵên. Đọc chẳng vào. Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Có lần mơ thấy đi cày, cày hết chân ruộng Gò mả nguỵ thì đến thị xã, cứ cày mãi, dân thị xã phải dắt nhau chạy. Có lần mơ thấy đào đá ong, xắn phải ngón chân cái, một lúc sau ngón chân lại tự mọc ra, lại xắn phải lần nữa, cứ thế vài chục lần, lần nào cũng đau lắm. Lại có lần mơ thấy lột giang, dao cứa đứt cả ngón tay, khi ăn cơm phải vục mặt xuống như chó. Đại để giấc mơ của tôi là thế, toàn những việc làm hàng ngày, chẳng ra gì cả. Đấy là tôi nghèo tưởng tượng, sau này khôn lớn tôi mới hiểu ra, chứ lúc ấy, mười sáu tuổi tôi có biết gì.
Một buổi, trăng rất sáng, tôi nhớ đận ấy vào dịp tháng bẩy, tôi đi gác quanh bãi mía. ánh trăng soi rõ mồn một, trông thấy cả những rễ mía trông hơi giống đầu rễ si đâm tua tủa ở các đốt cây. Rặng mía hắt bóng thẫm đen chạy dài trên mặt cát đã bị gió là cho khô se đi nên rất mịn. Thỉnh thoảng, gió đùa rào rào, trong bãi mía nghe lạnh cả người. Tôi nghe thấy tiếng mía đổ, chạy ra, thấy mía nằm ngổn ngang trên cát, trông xót lắm. Tôi điên người, bắn một phát súng chỉ thiên. Năm, sáu đứa trẻ con trần truồng chạy ào ra. Một đứa con gái chừng mười hai tuổi có vẻ như tên cầm đầu còn kéo theo cả một cây mía chạy. Tôi gào lên: “Đứng lại!” bọn chúng hoảng hốt lao xuống nước, cuống cuồng bơi về phía bãi Nổi.
Tôi vứt súng, cởi quần áo, cũng nhảy xuống sông. Tôi quyết bắt cho được một đứa. Bắt được một đứa sẽ truy cả bọn, công an vẫn thường làm thế.
Đứa con gái kéo cây mía bơi tách ra, đạp nước loạn xạ, có vẻ như không biết bơi, lại bơi ngược dòng nên rất chậm. Tôi bơi đuổi theo. Nó quay lại nhìn tôi lè lưỡi ra, rất tinh nghịch. Tôi bơi chặn đầu, con bé té nước vào mặt tôi. Tôi lặn xuống nước, ước lượng khoảng cách để tóm chân nó. Con bé vùng thoát được. Cứ thế mãi. Con bé bơi ở phía trước, lúc nào cũng giữ khoảng cách không xa với tôi. Tới gần nửa tiếng đồng hồ trôi qua mà tôi không bắt được nó. Tôi bỗng hiểu ra đối thủ của tôi rất sành sông nước, bắt được không phải chuyện đùa. Con bé lỡm tôi để cho bọn kia trốn thoát. Con bé vừa bơi vừa trêu. Tôi tức lắm, đập nước sải cánh đuổi theo. Con bé cười khanh khách, bơi nhanh ra giữa tim sông. Nó bảo tôi: “Quay về đi, không mất súng thì chết!” Tôi giật mình, thấy nó nói đúng. Con bé bảo tôi: “Mày không bắt được tao đâu, bắt thế nào được Mẹ Cả!” Tôi hoảng hốt, dựng cả tóc gáy. Chẳng lẽ đây là con gái thuỷ thần! Nước tạt cả vào mặt tôi ướt sũng. Tôi thoáng thấy tấm lưng trần dẻo dai loáng nước quẫy ở trước mặt, loang loáng dưới trăng, thật kinh dị, nhưng đẹp lắm. Thoắt nhiên, tất cả biến mất, tôi bỗng trơ ra giữa dòng sông vắng mênh mông. Tất cả như chẳng hề xẩy ra chuyện gì. Dòng sông vẫn cứ như thế từ lâu lắm rồi, từ hôm qua, hôm kia, từ năm trăm năm trước. Tôi thấy ngượng ngùng. Nửa đêm, tự dưng lại đi trần truồng bơi ở trên sông, khua khoắng lên, mà vì cái gì cơ chứ! Dăm cây mía có đáng là bao? Khi thu hoạch, hợp tác xã vứt đi hàng đống. Hoặc mùa nước, chỉ một trận lụt là vứt đi hàng mẫu là thường. Tôi bỗng thấy buồn, mặc kệ dòng nước đẩy dạt vào bờ. Hoá ra chẳng phải mất nhiều, chỉ vài ba cây. Tôi ngồi xuống bẻ một dóng mía ăn. Mía nhạt thếch. Tôi vứt dóng mía rồi trở về chòi, nằm thao thức đến sáng. Tôi cố nhớ lại khuôn mặt Mẹ Cả mà không nhớ được. Cứ nhắm mắt lại là thấy toàn mặt quen, tựa như mặt bà Hai Khởi vừa trông vừa to, mũi trông như vỏ cam sần, hoặc như mặt chị Vĩnh, dài, mà tai tái như dái trâu, như mặt cô Hỷ, đỏ như tôm luộc, mặt anh Dư, xương hàm bạnh ra như mặt ngựa. Chẳng có khuôn mặt nào đáng là mặt người. Mặt nào trông cũng thú vật, đầy nhục cảm, không đểu cáng, dối trá thì cũng nhăn nhúm đau khổ. Tôi tìm một mảnh gương vỡ soi thử mặt mình. Mảnh gương bé quá, không rõ hết mặt. Chỉ thấy trong gương một đôi mắt đờ dại nhìn mình như mắt tượng gỗ trên chùa.
Cuối năm ấy, tôi rút khỏi chân bảo vệ, chuyển sang đội thuỷ lợi. “Nhất thổ, nhì mộc”, công việc xắn mai bốc đất vất vả nhưng tôi sức trẻ nên cứ phăng phăng. Bẵng đi ba năm, hơn nghìn ngày.Kể đất tôi vác có khi đắp được một trái núi con. Thế nhưng quê tôi nào đâu có núi non gì, chỉ bằng phẳng những cánh đồng cằn, những con mương chạy ngang dọc khắp chốn cùng nơi mà đất vẫn khô nẻ.
Năm 1975, đấy là một năm đáng để quan sát ghi nhớ. Quê tôi mở hội rất to. Thi bơi chải trên sông, thi vật, đội văn công tỉnh về biểu diễn. Các đô vật ở Đoài Hạ thắng đậm các đô vật khác trong vùng. Dân bãi Nổi táo tợn là thé, cử ra bốn đô vật đều bị loại từ vòng đầu. Hạ được bãi Nổi, Đoài Hạ được thể. Đô Thi thúc trống hỏi to: “Không có ai vào xới thì tôi lấy giải về cho Đoài Hạ đây này. Trai làng tôi tức lắm, xui tôi vào xới. Thú thực, tôi không thạo vật, nhưng tôi có sức. Tay tôi đã bám vào đâu thì thật như kìm, nội công ngoại lực gì tôi không biết, nhưng tôi đã bóp, gạch cũng nát vụn.
Tôi cởi quần áo, mặc độc cái quần đùi nâu. Mọi người cười ồ. Người ta giải thích dài dòng rắc rối, đại để tôi muốn giật giải phải vật với những năm người. Trai làng tôi không chịu, cãi nhau om lên, cuối cùng đi đến thoả thuận là tôi phải vật thắng hai người khác mới được vật đô Thi là người đang nhiều điểm nhất.
Đô Tiến vào xới. Tôi xông vào ngay. Đô Tiến cũng khoẻ, khoèo chân tôi. Những hơn nghìn ngày lội bùn vác đất nên chân tôi chắc lắm, cắm xuống như cọc. Đô Tiến xoay ngang, xoay dọc mà tôi vẫn đứng trơ trơ. Hai tay tôi tóm được hai bả vai Đô Tiến, cứ thế bóp. Độ ba phút thì Đô Tiến đờ ra, mặt tái nhợt, cứ thế qụy xuống. Trọng tài tuyên bố tôi thắng cuộc.
Đến lượt đô Nhiêu. Đô Nhiêu bé nhỏ, nhanh nhẹn. Hắn nhảy như con choi choi, luồn lách rất khéo. Chỉ sau vài miếng, tôi biết đô Nhiêu lập kế lừa tôi, hắn chỉ chờ tôi đứng lệch trọng tâm là phục xuống bốc, dùng vai gồng ngã. Biết thế tôi bèn đứng né chân chèo, người hơi ngả ra. Đô Nhiêu cúi xuống, luồn đầu vào hai chân tôi, định hất lên, thế võ rất ác. Tôi đổi chân, khép gối lại dùng hết sức lực tóm hai mạng sườn, bóp mạnh. Đô Nhiêu oằn oại như con rắn lớn. Một lúc thấy không quẫy được nữa, tôi mới đặt hắn ngửa ra, vỗ hẳn vào rốn. Tiếng reo như sấm. Có ai nhét vào tay tôi một đoạn mía ngắn đã tiện dóc rồi. Mọi người xúm xít, lấy áo phẩy vào mặt tôi giống như kiểu người ta săn sóc võ sĩ quyền Anh.
Trống lại nổi lên. Đô Thi to con, hai mắt như mắt lợn luộc. Hắn dạo một đường quyền ngắn trông rất đẹp mắt. Nhiều tiếng xuýt xoa. Tôi cứ lừ lừ đi vào. Đô Thi đứng trước mặt tôi gườm gườm: “Muốn sống chịu thua ngay đi, con ạ!” Tôi bảo: “Dễ thế!” Đô Thi chửi: “Mẹ mày! Giữ lấy cái mũi! Ông sẽ cho mày sặc tiết cho xem!” Hắn lao vào ngay, đầu gối dơ lên rất nguy hiểm.
Đến hơn mười phút, đô Thi không vật được tôi. Hắn giở thế võ đánh ngầm. Hắn dùng cùi tay, đầu gối đánh tôi. Trận đấu căng thẳng. Trọng tài là người Đoài Hạ, đáng lẽ bắt lỗi nhưng cứ lờ đi. Tôi tức lắm, vừa đỡ vừa hỏi: “vật nhau hay là đánh nhau thế này? “Đô Thi bảo: “Mẹ mày! Ông đánh cho mày chết mẹ mày đi!” Trống thúc dồn dập, mọi người reo hò nhưng không có ai đứng ra ngăn cản. Rất nhiều tiếng gào khuyến khích đô Thi. “Đánh đi, đánh cho chết mẹ nó đi!” Một nỗi căm giận trào lên trong tôi. Tôi thấy mắt tôi hoa lên, tai tôi ù đi, máu trào mằn mặn trên môi. Đô Thi nhảy đá song phi, tôi tránh được, thuận tay bắt được cổ chân. Đô Thi giằng ra nhưng hai tay tôi như hai kìm sắt. Đô Thi lăn lộn trên sàn.Tiếng gào: “Thua rồi, thua rồi” ầm ĩ cả lên. Trọng tài bảo tôi vật không đúng luật. Tôi chẳng nói chẳng rằng, gạt ông ta ra, cứ thế đi đến bàn ôm bọc giải thưởng đi xuống. Có ai vỗ vào vai tôi: “Khá lắm! Du côn lắm!”Tôi không hiểu nghĩa hai chữ du côn, chắc nó tỏ ý khen ngợi.
Ra khỏi xới vật, tôi rẽ vào hàng mua cho các em gói kẹo, cho mẹ chiếc lược rồi đi tắt cánh đồng, qua bãi về nhà. Đến sông thì chập choạng tối. ở khúc quặt bỗng có tốp người hùng hổ xông ra, đi đầu là đô Thi, đô Nhiêu, đô Tiến. Đô Thi bảo: “Muốn sống đứng lại!”. Tôi hỏi: “Cướp đường à?”. Bọn kia không nói năng gì xông vào đánh ngay. Tôi đánh trả lại cũng ác, nhưng thân cô thế núng, lát sau tôi ngất đi. Khi tỉnh lại tôi thấy mình nằm trên ổ rơm, người đau ê ẩm. Mẹ tôi hỏi: “Con có đau không?”. Tôi gật đầu. Mẹ tôi khóc: “Chương ơi, con ra tranh hơn thiên hạ làm gì? Mang thân mua vui cho người có nhục không con?”. Tôi âm thầm khóc, thấy mẹ tôi nói phải. Mẹ tôi bảo: “Hứa với mẹ đi, đừng bao giờ thế!”. Tôi thương mẹ tôi nên hứa, nhưng nghĩ lần sau đi đâu phải dắt theo dao. Tôi hỏi mẹ tôi: “Ai cứu con?”. Mẹ tôi mỉm cười: “Mẹ Cả cứu”. Tôi định hỏi thêm, nhưng mẹ tôi đã ra ngoài, đi sao lá cúc tần sắc cho tôi uống.
Tôi hồi phục sức khoẻ rất nhanh, chủ yếu do trẻ trung, chẳng phải do thuốc. Thuốc có gì đâu chỉ có lá cúc tần sao khô vừa bóp vừa uống. Khi đi lại được, ý nghĩ đầu tiên của tôi là vác dao tìm đến đô Thi. Thế nhưng Hợp tác xã cử tôi đi học một lớp nghiệp vụ kế hoạch ở trên thị xã, giấy báo tập trung gấp quá, tôi đành bỏ giở ý định trả thù.
Lớp học chúng tôi có ba mươi người, học trong sáu tháng. Chúng tôi được học các môn chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử, chính trị kinh tế học, các nghiệp vụ quản lý kế toán. Lần đầu tiên tôi biết những danh từ, khái niệm, thuật ngữ rất lạ. Tôi háo hức vô cùng. Sau vài hôm tôi đau đớn nhận ra tôi không học được. Chữ nghĩa cứ chuội đi, tôi không làm sao phân biệt được các nguyên tắc nhờ thu nhận trả, các tài khoản, các biểu thống kê, cũng như không hiểu nổi khái niệm duy tâm, duy vật. Phép biện chứng theo tôi là sự tiến lên, bất chấp khó khăn, đại để như giấc mơ của tôi cày Gò mả nguỵ. Quy luật phủ nhận, tôi nghĩ nó giống như trận đòn thù đê tiện của bọn đô Thi, tôi căm ghét nó, nó thành quy luật thì phải trả thù, phải nện đau hơn nó đã nện mình. Tôi học lịch sử, hoàn toàn lẫn lộn về cách phân kỳ. Các thày cô giáo rất ức, bảo tôi không có khả năng học tập.
Cả lớp không ai thích tôi. Tôi làm mất điểm thi đua. Tôi lố bịch nữa. Cả lớp không ai ăn mặc như tôi. Họ mặc lối thị xã, đẹp thật, tôi cũng rất thích nhưng vì không tiền phải chịu. Tôi mặc quần nâu áo xanh trứng sáo. Còn ăn, mọi người ăn chung, tôi nấu ăn riêng. Ăn chung có mức, tôi ăn tám, chín bát cơm một bữa, ngày ba bữa, mức nào chịu được.
ở trong lớp, tôi ngồi một xó, tha hồ ngủ gật. Các thầy cô giáo chán nản, thôi hành hạ tôi, bài kiểm tra nào cũng cho điểm năm là điểm trung bình.
Gần tan lớp học, trên bỗng cử cô Phượng về dạy môn kế toán. Cô Phượng học nước ngoài về, tính vui nhộn. Cô mặc quần bò, áo phông, áo bỏ trong quần, vai đeo túi, trông giống diễn viên điện ảnh.
Trả bài kiểm tra, cô Phượng bỗng hỏi: “Ai tên là Chương?” Tôi bảo: “Em đây”. Cả lớp cười ồ, vì cô Phượng trẻ, chỉ bằng tuổi tôi. Cô Phượng nín cười, bảo: “Tôi không hiểu nổi bài viết của anh. Đường lối kế toán của anh đặc biệt bí hiểm”. Cả lớp lại cười. Cô Phượng bảo: “Hết giờ mời anh gặp tôi. Tôi sẽ giảng lại cho anh về các quy luật kinh tế”.
Hết giờ buổi chiều, tôi tìm cô Phượng. Người ta bảo cô vừa phóng xe máy ra sông. Tôi buồn rầu, khoác cái sắc cốt để sách vở, tiền nong, giấy tờ, bỏ đi lang thang.
Loanh quanh thế nào, tôi vòng ra phía bờ sông, bỗng thấy cô Phượng đang ngồi một mình, bên cạnh có chiếc xe máy. Quang cảnh cũng hệt quê tôi, phía trước là sông, phía sau là bãi mía.
Tôi đến gần, thấy cô Phượng khóc, hai tay ôm mặt, bả vai rung rung. Tôi ấp úng chào. Cô Phượng giật mình, ngẩng lên thấy tôi bèn giận dữ: “Cút đi, cái lũ đàn ông khốn kiếp các anh!”. Tôi kinh hoàng ngơ ngác, chôn chân tại chỗ. Cô Phượng cầm dép ném vào mặt tôi. Dép cao gót, có đinh, tôi tránh không kịp, mặt bị chảy máu. Máu chảy nhiều quá, tôi ngồi thụp xuống, hoa cả mắt. Cô Phượng chạy lại, quỳ xuống gỡ hai tay tôi, hốt hoảng: “Anh có sao không? Trời ơi, sao tôi rồ dại thế này!”.
Tôi xuống sông, vã nước rửa vết đau. Cô Phượng cứ loay hoay bên tôi, rối rít xin lỗi. Tôi cho cô Phượng xem những vết sẹo trên vai, trên tay mà bọn đô Thi đánh tôi. Tôi bảo: “Không sao cô ạ. Vết thương như thế có gì”. Cô Phượng bảo: “Tôi xin lỗi anh. Tôi gặp chuyện buồn nhiều quá. Tôi không kìm chế nổi mình”.
Cô Phượng lấy bánh mỳ, lấy chuối ép tôi ăn. Cô Phượng nói: “Anh tha thứ cho, tôi yêu, tôi bị phản bội. Tôi không chịu nổi. Nếu anh có yêu anh mới hiểu”. Tôi bảo: “Tôi chưa yêu. Nhưng tôi nghĩ nếu ai phản bội lại tình yêu thì xấu xa lắm”. Cô Phượng cười đau đớn: “Anh chẳng hiểu gì, kẻ phản bội cũng là người tốt, có điều người ta không dám hy sinh”.
Cô Phượng ngồi tay bó gối, trông vừa bé nhỏ, vừa buồn, lại đẹp nữa. Trong tôi trào lên cảm giác thương xót, tựa như thương xót chính em gái tôi.
Cô Phượng bảo: “Tôi đã không đúng. Người ta không dám hy sinh vì tôi là phải. Tôi là đứa con gái xấu xí, phải không anh?”Tôi lắc đầu, tôi nghĩ, người nào được yêu cô Phượng thì thật hạnh phúc. Tôi bảo cô: “Không phải đâu, cô đẹp lắm”. Cô Phượng cười. Cô cầm cái sắc cốt của tôi đập đập: “Anh đựng cái gì trong này thế?” Tôi ngượng ngập bảo: “Có sách vở, tiền nong, chứng minh thư, thẻ Đoàn”. Cô Phượng bảo: “Anh Chương này, nếu anh yêu, anh có giám hy sinh vì người yêu không?” Tôi bối rối không biết trả lời ra sao. Cô Phượng bảo: “Thế này nhé: Nếu tôi yêu anh, anh có giám vứt cái túi này xuống sông không?” Tôi gật đầu. Cô Phượng bảo: “Anh vứt đi”. Tôi đứng lên cầm cái sắc cốt quẳng ra giữa sông. cái xắc cốt chìm ngỉm. Cô Phượng ngạc nhiên, mặt tái đi: “Anh có phá tan cái hàng rào kia không?” Tôi lẳng lặng đến hàng rào bao quanh bãi mía, co đứt dây thép gai, nhổ các cọc sắt uốn cong lại vứt dưới chân cô.
Cô Phượng bảo: “Anh lại đây”. Cô ôm cổ tôi, hôn lên môi. Tôi đờ đẫn. Cô Phượng bảo cô rất sung sướng: “Anh biết không, thế mà tôi đã buồn phiền vì một tên đàn ông ích kỷ. Thật chẳng ra sao!” Cô Phượng lên xe máy phóng đi, quay lại bảo tôi: “Anh hãy quên những quy luật kinh tế chết tiệt ấy đi”.
Tôi sửng sốt. Cái hôn bất ngờ làm tôi ngây ngất. Tôi thấy sung sướng. Cứ thế tôi lội xuống sông, bơi sang bên kia rồi lại bơi về. Trăng vẫn sáng, tôi thấy cuộc đời thật đẹp tuyệt vời.
Sau hôm ấy, hai hôm sau giải tán lớp học. Cô Phượng không đến, nghe nói có việc phải đi Hà Nội. Tôi buồn rầu thu dọn đồ đạc, chào mọi người rồi đi về làng.
Tôi về làng được cử làm kế toán trưởng. Được một tháng, ông Hai Thìn bảo: “Mày học hoài cơm”. Người ta cách chức tôi, tôi cũng chẳng lấy thế làm buồn. Tôi trở lại công việc bình thường, công việc của mười năm trước: sáng đi cày, chiều đào đá ong, tối lột giang đan mũ. Công việc nặng nề, nhưng tôi khôn nguôi nhớ về cô Phượng.
Một lần, tôi kiếm cớ lên thị xã, rẽ vào trường cũ để thăm cô Phượng. ở đây chẳng còn ai nhận ra tôi. Ông thường trực hỏi: “ Cậu hỏi Phượng nào? Trường có nhiều Phượng lắm: Trần thị Phượng, Quách thị Phượng, Lê Thị Phượng. Có cô cũng trạc tuổi cậu, cô ấy đi khỏi trường rồi. Cô ấy ngày xưa ở nhà tu kín, tên thánh là Gianna Đoàn Thị Phượng”. Tôi giật mình, sững sờ nghĩ đến giai thoại ngày xưa kể về Mẹ Cả.
Ông thường trực không biết gì thêm. Đang nghỉ hè, sân trường vắng ngắt tôi lang thang ở trong thị xã, không biết hỏi ai. Cuối cùng tôi nảy ý định vào nhà tu kín.
Bà Nhất tiếp tôi. Bà đã luống tuổi, có đôi mắt hết sức u sầu. Bà Nhất bảo: “Gianna Đoàn Thị Phượng ở nhà tu này từ sáu đến mười hai tuổi. Cha mẹ cô ta nhờ tôi nuôi dạy”. Tôi ngạc nhiên: “Sao bảo Gianna Đoàn Thị Phượng là Mẹ Cả, là con gái thuỷ thần?”Bà Nhất bảo: “Cha mẹ Gianna Đoàn Thị Phượng ngoài Hà Nội. Cô ấy là con riêng ông Đoàn Hữu Ngọc, buôn nước mắm”.Tôi thẫn thờ buồn bã ra về. Bà Nhất bảo: “Tôi không biết Mẹ Cả của anh, còn Gianna Đoàn Thị Phượng là con của Chúa. Ông Đoàn Hữu Ngọc gửi con vào nhà Chúa như gửi con vào nhà trẻ, nhưng Chúa không giận. Chúa tha thứ, Chúa vốn nhân từ”.
Đêm ấy, tôi ngồi ngoài hè tường nhà tu kín. Đường phố thị xã xe chạy ầm ầm tôi không ngủ được. Sáng sớm hôm sau, tôi xuôi đường đê tìm về đền Tía.
Đền Tía ngay sông, chênh vênh trên một kè đá xây rất công phu. Ông từ giữ đền Tía tên Kiệm, làm nghề đánh cá, trạc sáu mươi tuổi, ở ngay trong đền. Tôi vào trong đền, thấy cá phơi đầy sân, gác cả trên hai thanh cột quá giang. Ông Kiệm cho tôi nhấm rượu cá nướng. Ông Kiệm bảo: “Tôi giữ đền này hơn bốn mươi năm, ở một mình nuôi mỗi con rùa làm bạn”. Ông chỉ cho tôi con rùa buộc dây nằm dưới gậm giường. Tôi hỏi ông về Mẹ Cả. Ông Kiệm bảo: “Tôi không biết. Nhưng trận bão ấy thì nhớ, sét đánh cụt ngọn cây muỗm ở trên bãi Nổi, cậu phải về đấy hỏi xem”.
Tôi ở chơi với ông Kiệm buổi sáng, dọi giúp chỗ mái đền dột. Buổi trưa, tôi chào ông Kiệm, tắt đồng đi về bãi Nổi.
Đường về bãi Nổi đi qua Đoài Hạ, tôi hỏi thăm nhà ông Hội, nghe nói ngày xưa cha con ông được Mẹ Cả cứu. Ông Hội đã già, lẫn lộn cả. Ông Hội bảo: “Đào cát. Khoét hàm ếch. Sụt xuống. Nặng lắm, máu ộc ra...” Hỏi gì cũng chỉ nói từng ấy tiếng. Con trai ông Hội bảo tôi: “Ông cụ có nhớ gì đâu, tai điếc ba bốn năm rồi”. Tôi buồn rầu chào cha con ông rồi về.
Tôi bơi qua sông, đến bãi Nổi. Cây muỗm đại thụ bị sét đánh bao nhiêu năm khô xác, dưới gốc cây, bọn trẻ đốt lửa làm thành cái hốc lõm sâu đen sì. Tôi rẽ vào một túp lều canh lưới cạnh đấy. Tôi ngó vào rùng mình thấy trong xó tối có một lão già nằm trên ổ rơm dưới đất. Thấy tôi lão già hỏi: “Đô Thi đấy à?” Lão già ngỏm lên, tôi kinh hoàng thấy lão già chẳng khác gì ma quỷ, râu tóc lởm chởm, đôi mắt đục ngầu. Tôi đoán lão già bị liệt, hai chân teo lại, lông chân trông như lông lợn. Tôi chào lão già, ngạc nhiên thấy lão anh minh lạ thường, nói năng rành rọt. Một lúc sau, qua câu chuyện, tôi biết lão già là bố đô Thi ở bên Đoài Hạ. Lão già bị liệt mấy chục năm rồi, chỉ nằm một chỗ trông lưới.
Trò chuyện mãi, tôi hỏi lão già về chuyện Mẹ Cả. Lão già ôm bụng cười lăn lộn, đôi chân liệt bất động trông rất đáng sợ. Tôi chưa thấy ai khủng khiếp như vậy. Lão già bảo tôi: “Mày có trông thấy cái nia rách kia không? đôi giao long quấn nhau ở trong ấy đấy...” Lão già lại cười. Tôi kinh hoàng sợ hãi. Lão già lại bảo: “Hồi ấy tao chưa bị liệt. Tao bịa ra chuyện Mẹ Cả. Ai cũng tin. Mộ Mẹ Cả kia kìa, mày muốn biết hình Mẹ Cả đào lên mà xem”. Lão già chỉ nấm đất gần kề gốc muỗm. Tôi lấy chiếc mai trong lều ra chỗ nấm đất, đào lên. Tôi đào theo kiểu người ta vẫn đào khi bốc mộ. Được hơn một mét, tôi lôi dưới ấy lên một khúc gỗ mục chẳng hình thù gì. Tôi ngồi rất lâu bên khúc gỗ ấy. Lão già ma quỷ cũng đã thôi cười, bây giờ chắc ngủ trong lều.
Trước mặt tôi, dòng sông đang thao thiết chảy. Sông chảy ra biển. Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển mà tôi sống nửa cuộc đời rồi đấy... thời gian cũng thao thiết trôi, chỉ ít năm nữa đến năm 2000...
Tôi đứng lên đi về nhà. Ngày mai tôi đi ra biển. Ngoài biển không có thuỷ thần.
Truyện thứ hai
Khi chào mẹ để đi ra biển lúc ấy nào tôi có biết rằng biển ở đâu? Mẹ tôi bảo: “Chương ơi, thế con bỏ mẹ đi à? Bỏ các em con đi à?” Tôi không trả lời, tôi vụt ra ngõ như chạy. Tôi biết, nếu tôi dừng lại lúc nà y thì tôi sẽ không bao giờ đi nữa. Tôi sẽ quay lại công việc của mười năm trước; tôi sẽ cứ thế cho đến rốt đời: sáng đi cày, chiều đào đá ong, tối lột giang đan mũ. Tôi sẽ kéo mòn kiếp sống của tôi như thế. Như thể bố tôi, như ông Nhiêu, như ông Hai Thìn, như những người dân hiền lành, lam lũ ở quê hương tôi.
Tôi đi... Tôi nhằm hướng mặt trời mọc mà đi. Tôi không mang theo một thứ đồ đạc nào cả trên người, trừ con dao sắc lịm mà tôi cất công sang tận Đoài Hạ để thửa. Con dao này rèn tử nhíp ô tô, mũi nhọn, nước thép xanh biếc. ý nghĩ về Mẹ Cả, về Gianna Đoàn Thị Phượng ám ảnh tôi. Con gái thủy thần, nếu tôi tìm được thấy nàng thì tôi sẽ không hối tiếc gì về cuộc sống. Không hiểu vì sao tôi lại nghĩ rằng nàng ở đấy, ở ngoài xa kia, ở biển...
Tôi đi qua rất nhiều làng mạc, vừa đi vừa làm thuê kiếm ăn. Những làng quê mà tôi đi qua đều buồn tẻ, tiêu điều. Quanh quẩn chỉ từng ấy cây: cây lúa, cây ngô, cây khoai lang, vài thứ cây rau quen thuộc. Quanh quẩn từng ấy công việc: cày ruộng, cấy hái, vun trồng.
Sáng sáng tôi tìm đến đứng ở đầu thôn xóm mà tôi đi qua, dưới gốc si hoặc cái quán xiêu vẹo, cũng có khi ở một chợ cóc ven đường. Có nhiều người như tôi, cả đàn ông, cả đàn bà. Họ đều là những người dân quê phiêu tán hoặc những người nghèo trong thôn xóm. Những chợ người này họp từ gà gáy... Những người thuê mướn cầm đuốc soi mặt chúng tôi, nắn chân nắn tay từng người. Họ hỏi: “Có biết làm việc này không? Làm việc kia không?” Họ và chúng tôi thỏa thuận giá cả, thường công lao động một ngày rất thấp, nếu làm thợ đấu thì quy ra thóc chỉ độ hai cân rưỡi đến ba cân một ngày, thợ cấy ít hơn: chỉ độ một cân hai đến một cân tám. Tôi hay nhận những việc ngoài đồng: cấy, gặt, gieo mạ, bón phân. Tôi không thích nhận việc trong nhà. ở ngoài đồng không khí thoáng đãng hơn, trên đầu tôi là bầu trời tự do, tôi không vướng những mối liên hệ nào đấy đối với con người. Những người thuê mướn tôi cũng chẳng giàu có gì, họ cũng phải làm quần quật, đôi khi họ phải nhịn ăn để dành trả công cho thợ.
Không khí u uất, tù đọng của làng quê làm tôi tái tê cảm giác chua xót. Mọi người rối rít, cuống cuồng dể kiếm miếng ăn. Những định kiến, tập tục thật nặng nề. Tôi đã thấy tinh thần gia trưởng hủy hoại bao nhiêu số phận con người. Tôi cũng thấy những ngộ nhận giới tính và đạo đức giết chết vẻ diễm lệ trên các khuôn mặt thiếu nữ. Rất ít thanh niên. Ngoài đồng chỉ có các ông bà già, phụ nữ và trẻ em thất học làm việc.
Sang tháng Ba, công việc đồng áng vãn bớt, tôi không có việc làm thường xuyên. Có nhiều ngày tôi phải nhịn đói. Tôi đi trong đám sương mù bàng bạc dọc bờ dê. Những hạt bụi nước li ti giăng ở trước mặt, ở bên phải, ở bên trái, ở sau lưng. Gió hun hút thổi. “Cái đói cái rét bằng nhau”. Người xưa nói thật chẳng ngoa chút nào. Một lần tôi nhìn thấy có ông lão ăn mày chết đói ở bên vệ đê. Một nỗi lo sợ mơ hồ thoáng dậy trong tôi. Tôi bắt đầu nghĩ tới cái chết, điều này trước đây chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Đói. Rét. Nỗi cô đơn như gió quất vào mặt. Lòng tôi cồn cào, đau đáu một nỗi khắc khoải hướng về Mẹ Cả, con gái thủy thần. Nàng là ai? Nàng xấu hay đẹp? Nàng ở đâu, góc biển chân trời nào?
Tôi bắt đầu hình dung thấy nàng. Nàng hiện ra rực rỡ. Những đường nét trên khuôn mặt nàng rõ ràng, đôi lông mày thanh tú, quả cảm. Thoạt nhìn, nàng thậm chí đen đúa và lãnh cảm. Nàng không đẹp. Khoảng cách giữa tôi và nàng là khoảng cách của hai vật thể tự do, vừa đối nghịch, vừa bao trùm. Cả tôi và nàng đều không thừa nhận sở hữu, trong khi đó chúng tôi lại muốn có nhau. Nàng muốn tôi và tôi muốn nàng. Nàng muốn bao trùm tôi và tôi cũng thế. Cả tôi và nàng đều cùng tranh đấu tìm cách giải thoát sự bao trùm đó, hướng tới tự do. Khi tự do là lúc nàng mất tôi và tôi mất nàng. Để có nàng, tôi buộc phải sống kiếp sống của kẻ khổ sai lưu đầy, tôí buộc phải vắt kiệt tôi đến chết. Tâm hồn nàng ăn uống thứ thức ăn thật man rợ: đấy là từng miếng sống tươi rói của cuộc đời tôi. Tôi hình dung nàng xé xác tôi bằng bàn tay thon nhỏ, móng sắc. Nàng nhai từng miếng thịt và lè dầu lưỡi nhọn hoắt liếm những giọt máu ứa ra.
Những ý nghĩ trên không phải đến ngay với tôi khi ấy, khi tôi đói khát lang thang trên đường mà mãi sau này tôi mới hiểu ra. Thời tôi đang kể là thời tôi còn mụ mị, đầy những thành kiến ngộ nhận. Tôi là một thanh niên nông dân ngu độn, trong lòng đầy những tình cảm thương người vụn vặt, vừa duy tâm, vừa siêu hình, lại tầm thường nữa. Tôi chưa biết khinh rẻ bản thân, cũng chưa biết khinh rẻ học vấn. Tôi chưa biết cách thương mình. Những vấn vương của tôi về mái nhà, về tình cảm xóm làng bao bọc dưới những sắc màu lãng mạn huyền thoại cũng là một thứ văn hóa thấp kém, có sức trì kéo. Tôi chưa giác ngộ về lẽ tồn tại cá nhân, cũng như của cả bầy người.
Cuối tháng Bẩy, tôi nhận đóng gạch cho một bà cụ người Sơn Tây. Bà cụ 80 tuổi, có người con trai đi bộ đội đóng quân ở Cămpuchia. Bà cụ có người con gái năm nay 42 tuổi, lấy chồng ở tận làng xa, tên là Thời, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ được một buổi chiều, sấp ngửa dọn dẹp chốc lát rồi lại ra đi. Bà cụ ở một mình giữa khu vườn hoang rộng hơn sào đất. Ngôi nhà lợp rạ, vách trát đứng, giỏi lắm trụ được qua hai mùa mưa là đổ. Người con trai làm đại đội trưởng công binh, tên là Thế, chưa có vợ. Bà cụ cho tôi xem những bức thư anh viết ở Công Pông Xom, chữ rất thoắng, lời lẽ rõ ràng là của người con có hiếu:
“U ơi xin u nương nhẹ thân mình, dù chỉ để cho con đỡ khổ. Con xin hứa sang năm con sẽ về phép con sẽ làm nhà, lấy vợ. U cứ giấm cho con một cô ở làng, mặt rỗ cũng được, góa chồng cũng được, miễn là người ta yêu thuơng mình. Chỉ mười ngày phép là xong mọi việc, u sẽ mát lòng mát dạ ở nơi suối vàng. Còn con, con khỏe lắm, được mọi người yêu mến. Con luôn nhớ về u, nỗi nhớ như gai đâm ruột... “
Tôi đào đất, đóng gạch ở ngay trong vườn. Công đóng một viên gạch mộc là năm hào, bà cụ nấu cơm ba bữa cho tôi ăn, trừ tiền gạo với tiền thức ăn, công thực tế chỉ còn ba hào rưỡi. Bà cụ bảo: “Tôi chỉ mong đốt cho nó sáu vạn gạch. Nó xây nhà hết bốn vạn, còn hai vạn thì xây cái bếp. Chú tính, nếu tôi thuê chú cả vào lò, cả ra lò, chú có làm xong trước tiết Đông chí không?” Tôi bảo: “Được”. Bà cụ bảo: “Tôi vụng tính quá. Sao tôi lại đi thuê đóng gạch vào mùa mưa. Thế có khổ không? Trước tôi cứ nấn ná. Tại con mẹ Thời cả, tôi đã bảo nó bán cho tôi đôi hoa tai, nó cứ nói dối không bán được. Cũng may gặp chú, chú thương tôi làm thuê mà như làm cho nhà mình. Cũng là cái số của tôi, để phúc lại được cho con... “ Tôi cay xè cả mắt, tôi muốn gào lên cho thấu cả trời xanh. Tôi muốn làm cho dứt hợp đồng để lại lên đường.
Khốn nỗi trời cứ mưa tầm tã, đóng được vài trăm viên gạch lại phải khuôn vác che chắn. Tôi đói. Tôi không có việc nào khác. Tôi bắt buộc phải nhận công việc chết rấp này, công việc có cơ khiến tôi trắng tay.
Tôi sẽ không kể lại công việc tôi làm ra sao. Bà cụ dậy từ gà gáy, đi bòn những lá rau khoai lang, rau dền, rau mảnh cộng trong vườn dể nấu canh mắm cua. Thức ăn mặn thường là tép rang, muối vừng, cua dạm. Cơm nấu trong cái nồi đất. Bà cụ nấu cơm khéo, cơm dẻo, không bao giờ nát, cháy, cơm mềm chứ không khô, không lại gạo. Tất cả tâm lực bà cụ hướng về sáu vạn viên gạch. Tôi cũng ước ao tâm lực của tôi hướng về một thứ vật chất cụ thể như thế. Nếu như thế được, mà nếu được thế...
Sang tháng Mười, tôi đã đóng xong đủ sáu vạn viên, chuẩn bị đốt một lúc hai lò gạch. Trông đống gạch mộc chất cao mà sướng mắt. Bà cụ nhỏ bé, gầy yếu đứng lọt thỏm trong đống gạch tấm tức khóc. Tôi bảo: “Nếu mà đốt lò, mấy cây khế, cây chuối trong vườn đều chết hết cả đấy, cụ ạ”. Bà cụ bảo: “Chết thì chết”. Tôi bảo: “Nếu hết củi là phải dỡ nhà mà đốt đấy, cụ ạ”. Bà cụ bảo: “Thì dỡ đi chứ! Sang năm con tôi có nhà mới rồi”.
Tôi nổi lửa đốt hai lò gạch, đốt kiểu lò dã chiến, đúng trong ngày Đông chí, rét buất ruột. Mâm cỗ đốt lò có chai rượu trắng với cái chân giò luộc chấm tương. Tôi uống hết nửa chai rượu, chửi tục một câu rồi kéo mái gianh nhen lửa. Bà cụ nằm trên chõng, dắp chiếc chăn dạ cũ. Bà cụ đang ốm. Tôi dỡ nửa cái mái nhà mới nhen được lửa. Hai lò gạch cháy bùng, đỏ rực. Nóng như thiêu. Trời rét mà tôi đánh độc một cái quần đùi, mồ hôi túa ra như tắm. Lò đốt ba ngày ba đêm. Cây cối trong vườn xém rụi hết. Đến đêm thứ ba thì bà cụ mất. Bà cụ mất rất nhẹ nhàng, không giối giăng gì. Tôi ôm xác bà cụ trên tay đi vòng quanh hai lò gạch như kẻ mộng du. Sáu vạn viên gạch, thế là bà cụ nợ tôi hai trăm mười nghìn đồng.
Sáng hôm sau, chị Thời con gái bà cụ dắt theo đàn con buộc khăn tang trắng chạy về. Chị Thời lần bên xác mẹ, lấy ra đôi hoa tai vàng trả công cho tôi. Tôi giắt đôi hoa tai vàng vào áo bỏ đi khi người ta đóng quan tài cho bà cụ. Tiếng khóc ai oán vọng sau lưng. Tôi đã mất gần nửa năm trời làm việc ở đây. Biển còn xa lắc...
Tôi gõ cửa một tiệm vàng ở thị trấn H. lúc sáng tinh mơ. Bộ dạng tôi chắc kinh khủng lắm: một nửa năm trời tôi không cắt tóc, bộ quần áo từ ngày bỏ nhà ra đi đã sờn rách cả, đồ đạc trên người có mỗi con dao nhọn lưỡi.
Tôi xòe đôi hoa tai vàng dạm bán. Chủ tiệm vàng đi chân đất, quỳ xuống lạy như tế sao: “Làm gì có thứ hoa tai thế này hở cậu? Đây là thứ đồ chơi con nít bán đầy ở chợ. Mới sáng sớm dọn hàng xin cậu thương tôi...”
Tôi ngồi phệt xuống nền gạch đá hoa. Chủ tiệm vàng lấy ra các đồ nữ trang trong tủ giải thích cho tôi thế nào là vàng tây, vàng ta; thế nào là vàng bẩy, vàng mười; thế nào là đồng, là bạch kim, là saphia. Tôi nghe như vịt nghe sấm. Chủ tiệm vàng dắt tôi ra quầy hàng xén bên dường, chỉ cho tôi xem những thứ hoa tai, nhẫn vàng dùng làm đồ chơi trẻ con. Đôi hoa tai bà cụ trả công cho tôi giống y hệt thứ ấy, có thể bẻ vụn ra được.
Tôi chào ông chủ tiệm vàng tết bụng mà nhút nhát, rồi bỏ đi. Tôi đứng ở ngã ba đường. Sương mù rất dày. Xung quanh tôi vắng ngắt. Tôi rút dao ra và quyết sẽ đâm chết người đầu tiên đi qua ở trước mặt tôi lúc này để lấy một nghìn đồng đủ ăn bát phở. Tôi đói. Tôi đói như một con hắc tinh tinh. Tôi đói như một con lợn rừng. Tôi đói như một con vật ở địa ngục. Tôi đói đã nửa năm nay. Nửa năm tôi ăn độc một thứ rau khoai lang, rau rền, rau mảnh cộng, toàn thứ rất dễ mất máu.
Tôi đứng một lúc lâu. Sương tan dần, một đám các cô các bà gồng gánh đi đến. Một giọng phụ nữ rất chua khúc khích cười: “Phượng ơi, có người chờ để gánh thuê cho mày đi chợ kìa”. Đám người dừng trước mặt tôi. Tôi sững sờ nhận ra khuôn mặt người con gái có tên là Phượng, khuôn mặt đã ám ảnh tôi trong bao giấc mơ. Vẫn khuôn mặt ấy, những đường nét dứt khoát và quả cảm, vừa hồn nhiên vừa lãnh cảm. Cô Phượng bảo: “Này anh kia, có gánh thuê không?” Tôi bảo: “Có” Cô Phượng trao gánh cho tôi. Cô Phượng bảo: “Anh gánh gạo cho tôi lên chợ, rồi tôi cho tiền mà đi cắt tóc”. Mọi người cười, họ vỗ vai, thụi vào ngực tôi. Tôi gánh gạo đi theo họ như việc phải làm. Tôi không hiểu vì sao như thế. Cô Phượng đi bên cạnh tôi, đung đưa cái túi xắc giả da màu đỏ.
Phiên chợ giáp Tết đông như trẩy hội. Cô Phượng bán loáng cái đã xong. Cô Phượng bảo tôi: “Tôi với anh đi ăn bún riêu. Đợi tôi mua ít hàng rồi anh gánh về cho tôi với nhé”. Tôi gật đầu rồi đi theo cô Phượng vào quán bún riêu. Tôi húp soạt hai lần là xong bát bún. Cô Phượng phì cười, gọi thêm một bát bún nữa. Cô Phượng hỏi tôi: “Anh đói đã mấy ngày rồi?” Tôi nói, tự dưng nước mắt ứa ra: “Tôi đói đã sáu tháng nay rồi”. Mọi người trong quán im bặt, lặng lẽ nhìn tôi. Chắc chẳng ai tin lời tôi nói. Cô Phượng không nói năng gì, bỏ dở bát bún ngồi nhìn tôi ăn. Tôi ăn xong, cô Phượng lại hỏi: “Anh có ăn bánh đúc không?” Tôi gật đầu. Cô Phượng lại gọi thêm cho tôi nửa mẹt bánh đúc. Cả đời tôi, tôi chưa bao giờ được ăn uống ngon lành như thế.
Tôi gánh hàng đi theo cô Phượng về nhà. Hàng toàn vôi với sơn, tôi không biết mua để làm gì. Nhà cô Phượng ở vùng đất bãi, giống hệt quê tôi, chỉ khác ở đây có nhà thờ đạo Thiên chúa. Cô Phượng ở với bố, một người cô mù không biết tên thật là gì, chỉ thấy mọi người gọi bà là Maria. Cô Phượng có hai em gái, một cô tên là Thủy, một cô tên là Liên. Khi đưa tôi về, cô Phượng nói với mọi người: “Tôi nhặt được ông mãnh này ở ngã ba đường. Có vẻ là dân lao động chứ không phải lưu manh giang hồ”. Bố cô Phượng hỏi: “Này anh kia, tên là gì? Có vướng trộm cắp gì không?” Tôi bảo: “Tôi là Chương. Tôi không trộm vặt”. Bố cô Phượng cười: “Tôi biết rồi, tướng anh là tướng người trộm cướp lớn chứ không trộm cắp vặt. Cái dái tai thế kia, cái mũi ống bương thế kia không phải là hạng tầm thường. Chán đời hay sao mà cánh bèo trôi dạt đến đây thế này?” Tôi bảo: “Phận tôi nó thế”. Bà Maria lấy tay sờ mặt tôi, thét lên: “Giêsuma! Chúa ơi! Người đâu mà chẳng thấy thịt, chỉ thấy toàn đất là đất thế này?”
Tôi ở nhà cô Phượng. Người ta hứa nuôi tôi một tháng. Bố cô Phượng là trùm xứ đạo. Công việc của tôi là sơn, quét vôi lại toàn bộ nhà thờ. Công việc khó khăn nhất phải tô sơn lại bức tượng Chúa đứng trên nóc gác chuông, bức tượng cao hai mét, tạc hình Chúa Giêsu mặc áo choàng đỏ giang hai tay ra, chân đứng trên quả cầu tròn. Đây là điểm cao nhất của nóc gác chuông, hoàn toàn không có mặt bằng để dựng dàn giáo. Muốn tô sơn lại bức tượng, tôi chỉ còn có cách buộc thừng vào người rồi chằng thừng vào thân tượng. Hợp đồng công việc của tôi không có bảo hiểm. Bố cô Phượng bảo: “Xứ đạo chúng tôi nuôi anh ba bữa, anh chết thì chúng tôi chôn. Làm xong anh được hai trăm nghìn đồng”.
Tôi nhớ đến khoản tiền công đóng gạch cho bà cụ người Sơn Tây mà cười ra nước mắt.- Cô Phượng bảo tôi: “Anh nghĩ lại đi! Bức tượng làm cách đây hai trăm năm rồi, vôi vữa không khéo đã mục, leo lên đấy nhỡ chết thì sao?” Tôi bảo: “ Chúa giúp tôi. Nếu không thì chẳng có Chúa”.
Tôi quét vôi nhà thờ gần một tháng. Đầu tiên, tôi cạo hết lớp vôi cũ rồi phủ lên hai lớp vôi trắng. Ngoài cùng tôi quét vôi vàng. Giúp việc cho tôi là cô Thủy, cô Liên. Bố cô Phượng xem xét công việc. Ông bảo tôi: “Chú em ạ, tôi chỉ tiếc chú em là kẻ vô đạo. Nếu không, tôi có ba con gái, tôi gả cho chú cả ba”. Tôi đỏ bừng mặt. Tôi cười đau đớn. Tôi đâu phải loại chó dái đi tìm chó cái? Trái tim tôi đã thuộc về nàng, thuộc về Mẹ Cả, thuộc về con gái thủy thần...
Sau khi quét vôi xong và sơn lại toàn bộ cửa kính nhà thờ, tôi bắt tay vào việc tô tượng Chúa. Trước ngày tôi trèo lên nóc gác chuông, cô Phượng nấu cho tôi một nồi nước hương nhu bảo tôi tắm gội. Mọi người trong nhà cô Phượng đều quan tâm săn sóc đến tôi. Họ biết có thể đến ngày mai tôi không còn ở trên cõi đời này nữa. Ông trùm đạo có vẻ bồn chồn. Nửa đêm ông kéo tôi dậy, pha một ấm trà đặc mời tôi. Ông bảo: “Cậu Chương này, hay thôi đừng tô tượng nữa. Tôi cứ lo lắng thế nào”.
Tôi bảo: “Bác mặc tôi. Công việc nó thế”. Ông cụ thở dài: “ừ! Phải thế đấy. Nếu mệnh hệ nào, cậu có oán tôi không?” Tôi bảo: “Không”. Ông cụ nghĩ một lúc rồi lưỡng lự hỏi: “Cậu Chương này, cậu có muốn giối giăng gì không?” Tôi cười: “Nước ta có sáu mươi triệu người thì năm mươi tám triệu cười vào mũi lời giối giăng của tôi”. Ông cụ bảo: “Tôi hiểu. Cậu đi ngủ đi”.
Tôi đi ngủ. Quả thực tôi chẳng lo lắng gì. Kể từ ngày tôi bỏ nhà ra đi, tôi rất ít khi nghĩ ngợi về mình. Những khao khát của tôi nhấc tôi lên khỏi mặt đất. Những ý nghĩ của tôi không gắn gì với đời sống và sự tồn tại của bản thân tôi. Hôm nay tôi sống như một con vật hay một ông hoàng có gì quan trọng? Trái tim tôi đã khô héo và cằn cỗi. Tôi biết tất cả những thiện cảm mà cô Phượng, con gái ông trùm đạo dành cho tôi, thậm chí cả những thiện cảm của cô Thủy, cô Liên dành cho tôi nữa. Tôi biết hết. Tôi không có quyền gắn sinh mạng của tôi với họ, bởi như thế, rết cuộc tôi cũng lại sống như ông Nhiêu, như ông Hai Thìn hoặc những người dân hiền lành, lam lũ ở quê hương tôi hay là ở xứ đạo này. Một mái nhà gianh với ba bốn trái tim vàng là hết nước. Cô Phượng tôi gặp ở lớp kế toán dạo nào hay cô Phượng con ông trùm đạo ở đây cũng chỉ là một mảnh của nàng, con gái thủy thần, người tôi ước ao gặp gỡ...
Sáng hôm sau, tôi trèo lên nóc gác chuông. Tôi lấy một sợi dây thừng để buộc thòng lọng rồi tròng lên cổ Chúa Giêsu làm điểm tựa. Tôi buộc sợi dây thừng vào quanh người tôi rồi vừa đu vừa làm việc. Cả xứ đạo đứng tụm ở dưới gác chuông nín thở theo dõi công việc của tôi. Chỉ sơ suất, sợi thừng đứt hoặc tôi bị mất thăng bằng, tôi sẽ rơi trên cao ba mươi hai mét xuống nền sân đá.
Tôi mê mải làm việc. Không biết bao nhiêu thời gian trôi qua. Trong ống tay áo Chúa Giêsu có một tổ chim. Những cọng rơm của tổ chim chẳng khác những sợi vàng ròng. Đến cuối ngày, tôi đã tô xong bức tượng. Một niềm hân hoan khiến tôi nghẹt thở. Phút cuối cùng, không hiểu sao, tôi đã không kìm được ý thích ngông cuồng là được ký tên lên vầng trán thanh thản của Chúa. Lần vào mái tóc xõa, tôi dùng con dao nhọn lưỡi vạch tên tôi lên đấy. Về việc này, đến sau này tôi phải trả một giá rất đắt, tôi không lường được.
Tôi đứng trên vai bức tượng mắt nhìn về xa. Mặt biển dâng trước mắt tôi, căng như sợi chỉ. Tôi nghe thấy tiếng sóng như tiếng người thở dốc. Những tia hào quang lấp loáng ở một góc biển và không hiêu sao tôi nghĩ đấy là nơi con gái thủy thần trú ẩn.
Tôi xuống sân nhà thờ trong sự hân hoan của toàn xứ đạo. Tôi thấy xây xẩm, bải hoải toàn thân. Tôi nằm xuống bậc đá, ngất đi. Tôi thấy hồn tôi nhẹ như sợi khói. Hồn tôi bay là là trên các bậc thềm nhà thờ, trên các mái gianh, mái rạ, trên các ngõ nhỏ, trên các vườn chuối. Hồn tôi bay trên các cánh đồng khô nẻ... Tôi không biết mọi người đưa tôi về nhà từ khi nào nữa.
Nghỉ ngơi dăm hôm, tôi lại lên đường. Tôi mặc bộ quần áo nâu nhuộm vỏ, giắt bên lưng con dao nhọn lưỡi. Cả nhà cô Phượng lưu luyến tiễn đưa tôi ông trùm xứ đạo, bà Maria, cô Thủy, cô Liên, tiễn đưa tôi dến cuối vườn chuối thì dừng lại. Bà Maria quàng vào cổ tôi sợi dây đeo thánh giá rồi làm dấu trên ngực tôi. Cô Phượng đứa tiễn tôi thêm một quăng ngắn nữa. Cô Phượng bảo tôi: “Anh Chương này, thế anh đi thật à?” Tôi gật đầu, tôi bảo: “Thôi em về đi. Em nhớ cầu nguyện cho anh”. Cô Phượng gục đầu vào ngực tôi nức nở: “Thôi anh đi đi, chân cứng đá mềm. Em chẳng giữ được... Xin anh nương nhẹ thân mình, dầu chỉ để cho em đỡ khổ”.
Tôi vùng bỏ đi như chạy. Trước mặt tôi là dòng sông. Sông chảy ra biển, biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển... Thế mà tôi sống nửa cuộc đời rồi đấy Thời gian cũng thao thiết trôi. Chỉ ít năm nữa đến năm 2000...
Tôi cứ đi... Phía trước mặt tôi còn biết bao điều bất ngờ chờ đợi. Nàng là ai? Con gái thủy thần? Nàng ở đâu? Con gái thủy thần? Là tình chi? Con gái thủy thần? Để tôi mượn màu son phấn ra đi...
TRUYệN THứ BA

Giang hồ còn lại mình tôi

Quê người đắng khói, quê người cay men...
(Nguyễn Bính)

Kể từ ngày tôi rời xóm dạo bên sông ra đi, thoắt cái thế mà đã mấy năm ròng. Không biết bao nhiêu sự việc qua đi, không biết bao nhiêu người tôi gặp gỡ, gặp gỡ rồi lại chia tay..., không biết bao nhiêu vui buồn, đắng cay cũng có, ngọt bùi... - ồ, mà sao vị ngọt bùi cũng nhạt vậy à? - mà ngọt bùi cũng có...
Tôi đã yêu, đã được yêu. Tôi cũng đã chạy trốn nhiều lần. “Chương này! Không phải thế, vẫn không phải thế “
Tôi đã sống nhiều nơi, làm nhiều việc. Tôi cũng đã vứt bỏ nhiều lần. “Chương này! Không phải thế, vẫn không phải thế! “
Tôi nhớ khi tôi lên 10 tuổi, lúc ấy chuyện về Mẹ Cả đang ồn cả lên, sáng sớm tôi hay đi dọc bãi cát bên sông, thầm ao ước trông thấy hình ảnh siêu phàm. Sương mù giăng giăng trên mặt sông. Khi nắng lên, sương tan ra, sương tan ra rồi bay lên như khói, như mây. Mặt sông lộ rõ, ngái ngủ và thẹn thùng. Sóng vỗ bờ, đẩy xác những con phù du, những con vờ dến tận chân tôi. ấy là cảm giác về lẽ thường, lẽ vô thường lần đầu tìm đến rón rén thăm dò tâm hồn tôi. Tôi không biết, tôi không hề. để ý đến chúng. Tôi còn quá trẻ! Lúc ấy, sự mất mát, sự vô nghĩa, lẫn ý thức về thời gian biến dịch không khiến tôi phải bận lòng.
Tôi đi dọc bãi cát bên sông. Tôi nhìn thấy một hố cát lõm ngay bên mép nước. Tôi hình dung đêm qua con gái thủy thần đã nghỉ ở đây. Nàng nằm nghiêng, co người lại, dầu gối sát cằm. Nàng nói chuyện với sóng. Sóng khỏa lấp thân nàng. Nàng thủ thỉ với sóng. Nàng nói: “Này sóng! Thôi đừng đùa, đừng ngốc nữa... “
Tôi đi... Thời tôi đang sống là thời khó khăn gian khổ. Chiến tranh đã qua, mọi người bắt đầu xây dựng lại cuộc sống mới. Những vết thương cũ khép dần miệng lại, lên da non. Người ta rối rít kiếm tìm việc làm, kiếm tìm hy vọng. Làn sóng người từ nông thôn tràn ra thành phố nhiều vô kể, hợp thành một tầng lớp “dân phiêu tán”. Tôi đi lẫn trong đám người này, lòng thắc thỏm lo âu cho số phận mình, cũng là số phận của một số ít nông dân hoặc cùng quẫn nhất hoặc nhiều khao khát và ảo tưởng nhất. Những gì để lại đằng sau lưng kia liệu có giá trị gì không? Con sông quê hương lặng lẽ, rặng tre đầu xóm, bức tường đá ong rêu phủ, bóng mẹ liêu xiêu in trong nắng chiều. Mẹ khỉ! Tôi nôn mửa vào kỷ niệm. Nó không sinh ra tiền bạc, nó chẳng mảy may mang lại cho tôi một nụ cười nào. ở đấy không có hy vọng.
Tôi đi... Tôi muốn xem phía trước có gì. Tôi đi... Tôi đã khao khát tình yêu đến như thế nào, như thể người đi trong sa mạc khao khát nước! ở đó lẫn lộn rất nhiều mơ ước xen vào: đấy là hạnh phúc, giọt nước mắt, sự ấm êm, những chân trời, chân trời và mặt biển rộng xa vời, một gỏc nhỏ trong vườn, một ngôi nhà nhỏ với cửa sổ rộng... ồ, rất nhiều thứ đấy! Mẹ Cả của tôi, ảnh hình của một điều gì đó hơn cả người con gái, hơn cả người đàn bà. Nó là ảnh hình của một nửa thế giới bên trên hoặc bên dưới tôi, của thượng giới và trần gian. Con gái thủy thần! Nàng ở dâu? Nàng bận việc gì? Sao nàng không đến cùng tôi mà nàng chỉ gửi những tfn sứ của nàng đến như cơn mưa kia bất chợt, như đêm trăng kia bất chợt, như tiếng sáo véo von kia bất chợt, như chiếc hôn vội vàng kia bất chợt xót xa tê tái tận đáy lòng...
Thôi thôi... Tôi đã nhục nhã, đê hèn đến như thế nào. ở đâu chứ? Từ đâu chứ? Vì cái gì? Mà Chương ơi, nỗi cô đơn và sự bất lực của mi nào ai thấy được ngoài mi? Ai đã làm chi? Mà mi đã làm chi? Bởi cái tình chi?
Nào! Tôi phải nhận rằng trong khát vọng tìm kiếm cuộc sống của tôi hẳn có ẩn chứa một con quỷ dữ đã thiếp ngủ có lẽ hàng thế kỷ. Nó ích kỷ, cô đơn, bị làm nhục, nó hoài nghi đủ thứ, dè chừng đủ thứ, vụ lợi và dê hèn. Nó ngẫm nghĩ đôi chút về tôn giáo, về bản chất con người chẳng qua cũng chỉ nhằm để đối chiếu và làm sắc nhọn thêm bản lĩnh quỷ dữ của nó mà thôi. Nó vừa ngô nghê, vừa khôn ngoan, vừa nhanh nhẹn. Nó đa nghi như Tào Tháo. Nó hiểu thời cuộc... A.... Nó hiểu những cơ hội ít ỏi của mình. Nó sục sạo, tìm kiếm. Nó phản bội trái tim tôi. Nó giết chết những khảt vọng mong muốn cao thượng tử tế trong tôi để duy trì cuộc sống chính nó, trong xác thân phàm tục này.
Tôi đã nhiều lần bắt gặp nó trong tiềm thức mơ hồ của tôi. Khi tôi phải che mặt, phải ê chề, khi tôi chạy trốn, nhục nhã, tủi hổ... nó ngồi trong góc tâm hồn và khe khẽ hát bài ca của mình, lạnh lùng, giễu cợt... nó nhổ toẹt vào trật tự - đã đành rồi - thậm chí tình yêu, đạo đức, tinh bạn, sự tín nghĩa, lòng trung thực, cả tôn giáo nữa. Nó biết tất cả điều ấy chỉ là ước lệ, không chính xác bao nhiêu, độ bền vững thấp, do ai đó đặt ra trong những tình thế bắt buộc, khi không hiểu gì iắm về đời. Kẻ đặt ra nó sẽ rối trí, sẽ xấu hổ khi y chán đời khi y thất bại, nghĩa là khi ấy y đã không còn nhiều cơ hội nữa trong đời. Chúa Trời mà con quỷ dữ dè chừng, sợ hãi chính là Thần Chết chứ không phải Thượng Đế. Tôi biết chắc chắn thế mà. Tôi biết chắc chắn thế...
Tôi đi... Hôm qua mưa. Hôm nay nắng đẹp. Ngày mai nắng. Tôi là Chương. Tôi đi... Tôi muốn văng tục Tôi đi, tôi đang đi... Tôi muốn văng tục! Cách đây không lâu, tôi đến làm thuê cho một gia đình người ở thành phố. Chủ nhà là một người giàu. Ngôi biệt thự đã xây xong, bây giờ xây thêm một bức tường chắn bên ngoài. Tôi đến nhận việc cùng với năm người khác nữa, trong đó có một cô gái tên là Mây, người Mường Hòa Bình.
Làm được ba ngày, đến buổi trưa thì Mây đến gần bảo tôi: “Anh Chương này, bà chủ bảo tôi mời anh lên nhà”.
Tôi bước vào phòng khách. Cán phòng rộng, trải thảm, đồ đạc cầu kỳ. Trên tường treo bức tranh thảm dệt hai con ngựa đang âu yếm nhau. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường sốt ruột và mờ ám. Tôi nghĩ... Nếu là nơi ở của tôi thì sẽ là cửa ra vào nhỏ và cửa sổ rộng, không trang trí gì và ngoài kia là bãi cỏ xanh với cánh rừng. Tôi chờ một lúc lâu thì có tiếng gọi mời tôi lên gác. Cô chủ trạc 32 tuổi, xinh đẹp, nằm ở trên giường.
Cô chủ bảo tôi: “Anh vào đây...” Tôi bước vào phòng. Cô chủ bảo tôi: “Anh ngồi xuống đi. Tôi tên là Phượng. Còn anh, anh tên là gì?” Tôi bảo: “Tôi là Chương, con ông Hùng”. Cô Phượng cười: “Anh ngồi xuống đi. Tên anh không ý nghĩa gì với tôi. Anh hãy nhìn xem. Tôi có đẹp không?” Tôi bảo: “Đẹp” Cô Phượng cười: “Anh vội vàng quá. Anh chưa biết thế nào là đẹp hay xấu nơi người đàn bà. Anh thấy tôi giàu, anh tưởng tôi đẹp. Anh thấy tôi học thức, anh tưởng tôi đẹp. Không phải thế! Nếu tôi đẹp tôi phải nhìn thấy trong ánh mắt anh dứt khoát có những khao khát dục vọng”. Tôi cười buồn bã, không biết trả lời ra sao. Cô Phượng bảo: “Anh là người làm thuê, là dân đen. Phải không nào?” Tôi bảo: “Phải”. Cô Phượng bảo: “Như thế nghĩa là anh không có gì cả. Anh là kẻ yếu”. Tôi bảo: “Xin cô đừng sỉ nhục tôi”. Cô Phượng bảo: “Tôi không sỉ nhục anh. Tôi chỉ nói ra một sự thật. Anh không có của cải, không có sở hữu cá nhân, anh không có quyền sĩ diện, không nên tự ái, không nên phản kháng”.
Tôi im lặng, tôi không hiểu lắm về những người giàu tiền và có học thức. Tôi thấy họ bí hiểm, họ giỏi giang, họ nguy hiểm. Thế thôi! Cô chủ của tôi muốn sức lao động của tôi? Muốn gì? Muốn tâm hồn tôi? Mãi đến sau này tôi mới biết rằng trong tôi cũng có đôi điều giá trị và cũng không ít rác rưởi thối tha. Tôi phải trả giá cho bài học ấy của mình. Nhưng đấy là về sau, về sau này...
Rồi cô Phượng và tôi cũng hiểu ý nhau. Tôi lên giường nằm. Cô Phượng bảo: “Anh hấp tấp và vội vàng Chẳng qua anh là một con thú yếu. Những con thú yếu hiểu tình yêu như công việc, như đi cầy. Thái độ của họ đối với cuộc sống cũng đều như vậy Hoàn toàn không phải thế! Cuộc sống là một quá trình suy đồi, là một quá trình hưởng thụ. Có thế thôi!” Tôi gầm gừ như sư tử. Cô Phượng bảo: “Anh im đi... đừng có gầm gừ. Sư tử cũng chỉ là một con thú đáng thương, nó sợ những con sư tử khác... Anh yên tâm đi, bố chồng tôi chết rồi, chồng tôi không có ở nhà!” Tôi cười như mếu. Tôi tiếc là mình ít học vấn quá, không tranh cãi được, không hiểu tí gì. Tôi không xúc động.
“Tất cả bí mật của vũ trụ, xã hội, công danh, tiền bạc, nghệ thuật... - cô Phượng bảo tôi, - là ở chuyện này. ám ảnh cao nhất, rộng lớn nhất - trên cao và rộng lớn hơn các ám ảnh khác, kể cả tôn giáo, chính trị - là tình dục. Bọn đàn ông các anh loanh quanh vì các anh sợ hãi. Các anh không dám đam mê. Trật tự phụ quyền được đặt ra là một thứ trật tự tục tĩu, ở đấy đầy rẫy bạo lực, dối trá, chủ yếu không phải phục vụ con người mà là dùng để ngăn chặn thú tính trong bọn đàn ông với nhau. Anh có hiểu không?” Tôi bảo: “Không”. Tôi nói: “ Có thể bởi tôi một mình”. Co Phượng bảo: “Anh bỉ ổi. Anh biết rõ dù anh một mình... vì bố anh biết rõ. Anh bỉ ổi hệt như bố anh, như ông Hùng. Rồi ông Hùng cũng bỉ ổi hệt như ông Gấu, ông Sói, ông Dê, ông Lợn tằng tổ ông ta. Anh đừng giả vờ, anh hiểu thứ trật tự ấy từ trong huyết thống. Giấu giếm trong anh là một thứ quyền lực phụ quyền phản dân chủ. Anh bỉ ổi hệt như ba mươi triệu tên đàn ông cùng thời với anh. Anh mặc quần vào rồi cút đi”.
Tôi xấu hổ bỏ ra ngoài. Tôi không thích lắm việc này. Tôi về chỗ ở của tôi trong khu nhà tạm góc vườn. Tôi ngủ. Trong mơ tôi thấy tôi đi lạc vào một lòng suối khô cạn. Tôi đi ngược lên mãi. Hai bên đường đi là vách đá dựng đứng như dường lên trời. Tôi mơ thấy con gái thủy thần. Nàng hiện ra trong ánh sáng mờ mờ huyền ảo. Nàng không hùng biện. Nàng chỉ buồn rầu. Nàng bảo: “Này Chương, không phải đường đi ra biển... “
Tôi ở nhà cô Phượng mấy tháng ròng. Chồng cô Phượng vắng nhà, dang ở nước ngoài, mấy đứa con đi học suốt ngày. Cô Phượng có cách nghĩ về tình yêu khá lạ lùng: “Tôi thưởng thức anh, tôi nhắm anh, - cô Phượng bảo tôi, - như thể người ta nhắm món ăn. Tôi và ba mươi triệu ngườl phụ nữ đang rên xiết... Tôi là nhà cách mạng nữ quyền... “ Cô Phượng bảo tôi: “Đàn ông các anh tùy tiện đặt ra luật pháp. Cả chồng tôi nữa. Họ có bà Cả, bà Hai. Họ hưởng lạc giấu giếm... Anh là ông Hai của tôi, anh có thích không?” Tôi bảo: “Cũng thích”. Cô Phượng bảo: “Tôi thích bản chất hồn nhiên man rợ của anh. Nó vô học, vô đạo nhưng lành mạnh.”
Cô Phượng giới thiệu tôi cho các bạn gái của cô. Họ đều xinh đẹp, sồn sồn, có học thức, giàu có. Những điều họ nói trong phòng ngủ khác hẳn những điều tôi vẫn được nghe khi tôi còn ở quê nhà, khi tôi đi học hoặc đi kiếm sống ngoài đời. Tôi lờ mờ hiểu ra trên đời có rất nhiều thứ láo khoét được trang sức rực rỡ bề ngoài. Cô Phượng bảo tôi: “Khi ngủ với anh, những người phụ nữ khác có kêu lên không?” Tôi bảo: “Có đôi người”. Cô Phượng cười: “Những tiếng kêu ấy chính là ngôn ngữ nguyên thủy, tinh khiết. Nó trong sáng hơn mọi thứ tiếng ru, thơ phú và nhã nhạc. Tôi luôn cảm thấy những tiếng kêu ấy tựa như tiếng kêu của người tiền sử ở trong hang động...” Tôi ngẫm nghĩ, tôi thấy có lý nhưng tôi không kêu.
Tôi kể cho cô Phượng và những bạn gái của cô nghe về quang cảnh làng tôi bên sông. Nhà tôi nghèo, trông ra làng nước cũng nghèo. Mùa lũ về, tôi hay bơi ra bãi Nổi trên sông vớt củi. Dòng sông đỏ quạch phù sa. Những cành củi mục trôi phăng phăng. Những xoáy nước hút chóng mặt. Những con cung quăng chạy nhảy điên cuồng, vô số xác những đàn phù du, xác những đàn vờ chết rất thản nhiên, trắng xóa trên bờ. Chúng không băn khoăn gì về đạo đức. Chúng không hùng biện.
Cô Phượng hỏi: “Anh thích thế à?” Tôi bảo: “Cũng thích”. Cô Phượng bảo: “Tôi thấy không có ý nghĩa gì. Anh phải biết rằng cuộc sống là rất rộng Tôi không trả lời. Tôi thấy cuộc sống của tôi và những người dân quê tôi đơn giản bình thường, không phải đặt ra quá nhiều câu hỏi. Chúng tôi sống, lớn lên, hàng trăm hàng vạn thế hệ nối nhau, quanh quẩn chuyện làm ăn, gia đình, tôn giáo, nhà cửa, dục vọng... Chúng tôi cần gì nhiều tiền, nhiều nhà, nhiều đạo đức, nhiều anh hùng? Thoắt buổi sáng, đã trưa, đã chiều. Thoắt mùa xuân, đã thu, đã đông... Chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửu.
Tôi bảo: “Chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửu”. Cô Phượng bảo: “Có thể... nhưng anh đừng khẳng tlịnh...” Tôi hình dung ra xác những con phù du, những con vờ bị sóng đánh tạt vào bờ. Tôi chợt nhận ra con người phải lùi rất xa mới gạn lọc được đôi chút dấu vết giá trị văn minh, giống như hôm nay ta xúc động bởi một câu Kiều, bởi một pho tượng Chàm, bởi một dấu vân tay trên bình gốm cổ... Hàng tỉ những con phù du, những con vờ chết đi không để lại một dấu vết gì.
“Cảm giác thôi, - cô Phượng bảo tôi, - đàn bà chúng tôi chỉ tin ở cảm giác, mà cảm giác nghĩa là nhầm lẫn và tạm bợ. Anh vào ngôi nhà này, anh có cảm giác nó giàu, nó hạnh phúc. Năm mươi năm nữa người ta sẽ đập nó đi. Nó không phải văn hóa! Tôi không biết cách truyền cảm giác vào lịch sử, còn nếu biết cách thì tôi sẽ làm cho nó lúc nào cũng đê mê, ít nhất như vậy nó sẽ đỡ tàn bạo và dung tục hơn như thực tế”.
Tôi có rất ít thì giờ để nghĩ ngợi những điều khó hiểu như thế. So với mọi người thì tôi chẳng có gì cả. Tôi không có tiền bạc. công danh, không có gia đình để yêu thương lo nghĩ, không có bạn bè... Ngay cả giấy tờ tùy thân cũng không có nốt. Tôi là con số không. Tôi vui một mình, buồn bã một mình, mơ mộng một mình... Tôi chỉ có con gái thủy thần chờ đợi...
“Thế là anh sướng, - cô Phượng bảo tôi, - khi người ta sở hữu gượng ép, người ta sẽ bị trói buộc. Đấy là thứ gông cùm vô hình, mặt đất hóa thành địa ngục. Tôi đang sống trong địa ngục, đấy là văn hóa, pháp luật, gia đình, trường học. Còn anh, chính anh đang ở thiên đường”.
Tôi cười thầm... Tôi nhớ lại những gì mình đã trải qua trong đời. Đám trẻ trần truồng ngồi ở bên sông, nấp trong rặng mía. Chúng tôi nói chuyện cao siêu về người Nga, người Mỹ làm bom nguyên tử, chuyện bà Mạnh Tử dạy con, chuyện người ta câu được một con cá voi nhưng khi lôi được vào bờ chỉ còn có mỗi bộ xương... Thế đấy, những chuyện trẻ con, những chuyện động trời...
Cô Phượng bảo tôi: “Này Chương Anh đang nghĩ gì?” Tôi bảo: “Trên nền nhà gạch đá hoa thì rất khó đi... “ Cô Phượng bảo: “Chồng tôi cũng nói như thế. Anh ta trách tôi không biết đi lại trong nhà, không có cử chỉ linh hoạt và chỉ biết đi từng bước một như đếm...”
Cô Phượng nói năng như trên sân khấu. Tôi nhớ chiếc chòi canh mía khi tôi còn là bảo vệ ở quê. Đêm trăng suông, tôi ngồi chống cằm, mắt nhìn lên những ngôi sao xa xăm. Một ánh mắt vô hình từ trong khoảng không sâu thẳm ở giữa bầu trời bao la đang dõi theo tói. Tôi biết chắc chắn có ánh mắt ấy. Điều ấy khiến tôi xúc động. Sau này tôi gán cho nàng, cho Mẹ Cả, cho con gái thủy thần, cho người đàn bà vẫn chờ đợi tôi ở nơi xa xăm, mãi tận bên kia một nửa địa cầu. Tôi biết, nàng vẫn hy vọng và đấy chính là chỗ dựa cuối cùng cho sự cô đơn hoang vắng ở trong lòng tôi. Tôi đã sống qua rất nhiều lẽ thường: những lần đánh nhau với bọn phàm phu, làm việc không công cho người nghèo khó, nhả nhớt cợt đùa với lũ du côn... ánh mắt vô hình vẫn dõi theo tôi hoài hoài. Nàng vẫn thủ thỉ trong dêm. Nàng nói: “Này Chương, vẫn không phải đường ra biển...”
Cô Phượng bảo tôi: “Có lẽ ở thế hệ trước thì cha anh tôi cũng giống như anh bây giờ. Họ mang lại đủ thứ cho chúng tôi, trước hết là vật chất, trừ mỗi một thứ là văn hóa sống”. Tôi hỏi: “Văn hóa sống là gì?” Cô Phượng nói: “Tôi cũng nghĩ rất nhiều nhưng kết luận có lẽ chỉ một chữ thôi: “sướng!”
Tôi nằm im. Tôi không hiểu rõ những điều mà cô Phượng nói. Điều gì làm cho người ta khao khát ham sống? Tôi hỏi cô Phượng điều này. Cô Phượng trả lời: “ăn ngon, lời tâng bốc và sex. Anh xem còn thêm gì nữa thì tùy”.
Những ngày ở nhà cô Phượng khiến tôi suy sụp. Tôi kiệt sức. Tôi phải tiếp từ một đến ba quý bà, quý cô một ngày. Tôi hoa mắt, chóng mặt. Ngày xưa tôi đi đào đất cũng không vất vả thế này. Điều kinh khủng nhất là những chuyện mà những người đàn bà ấy rót vào tâm hồn tôi. Tất cả đều là mật đắng. Tại sao cuộc sống lại nhiều xích xiềng, gông cùm như thế.
Khi chồng cô Phượng về nhà được mấy hôm thì lập tức tôi bị đuổi việc. Tối hôm ấy, tôi nằm trong xó ở khu nhà tạm. Thân thể tôi đau nhừ, lưng đau tưởng như gãy gập, cổ họng khát khô. Nửa đêm, có tiếng kẹt cửa rồi Mây mang vào cho tôi một bát cháo nóng.
Mây hỏi tôi: “Anh Chương! Anh bị sốt à?” Tôi bảo: “Không”. Mây bảo: “Anh Chương này, tối nay tôi phải lên hầu ông chủ. Tôi không thể từ chối vì món tiền ông ta cho tôi lớn quá... Tôi không muốn dành sự trong trắng của tôi cho người khác... Tôi muốn anh... Anh giúp tôi đi... “ Mây đưa tay cởi cúc áo ngực của tôi. Trong bóng tối mờ mờ, Mây quay người lại, tôi thoảng thấy tấm lưng trần quẫy ở trước mặt, ánh sáng trắng bên ngoài chiếu vào trông thật kinh dị nhưng đẹp lắm. Tôi chợt nhớ đến Mẹ Cả, đến con gái thủy thần. Lòng tôi nhói lên cảm giác đau đớn xót xa.
Mây kêu lên những tiếng khe khẽ. Tôi nghe như có tiéng khóc từ nơi xa xăm vọng lại, như từ nơi hoang mạc đưa tới. Nước mắt của tôi và Mây hòa quện vào nhau, ướt đầm trên hai khuôn mặt. Mây giằng ra khỏi tôi thất vọng: Này Chương! Anh bất lực à?” Tôi úp mặt khóc thầm, xấu hổ ê chề. Mây đứng dậy bảo tôi: “Em hiểu...cái số của em nó thế... Anh đừng buồn, đừng khóc nữa... Những người ở trên nhà kia họ được tất cả... Anh Chương, xin anh bảo trọng thân mình, dẫu chỉ để cho em đỡ khổ... “
Mây luồn chạy ra ngoài sân. Tôi thấy mái nhà sập xuống đầu tôi, bầu trời sập xuống đầu tôi. Tất cả là đổ vỡ và tan nát.
Sớm hôm sau, tôi bỏ đi rời khỏi thành phố. Tôi không có ai để chào từ biệt.
Tôi cứ đi, đi mãi... Trước mặt tôi là dòng sông thao thiết. Sông chảy ra biển. Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển... Tôi chưa biết biển... Mà tôi sống nửa cuộc đời rồi đấy. Chỉ vài năm nữa đến năm 2000.
Con gái thủy thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? Bởi cái gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi...
Con gái thủy thần Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? Bởi cái gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi...

Xem Tiếp: ----