1
Làng gần tết, chợ hoa dọc đường Phan Bội Châu càng nhộn nhịp. Những người bán hoa từ các huyện miền núi đổ về không còn chỗ đứng bán, chen lấn nhau hai bên vỉa hè chật hẹp.
Sen loay hoay mãi mới tìm được chỗ đặt cây mai núi của mình xuống. Lẫn trong những cành mai vườn vươn cao với những bông hoa đã nở vàng màu nắng, cây mai của Sen khẳng khiu mấy cành vươn ra từ một gốc sần sùi già nua, li ti những búp chưa nở. Cứ nhìn vào gốc người ta cũng đoán được cây mai này đã có chừng trăm tuổi. Những người thích phô trương thường chọn mua những cành mai vườn. Cành nào cành nấy to khỏe, hoa nở to nhưng nhạt màu. Thứ hoa ấy thường để chưng trong những ngôi nhà sang trọng. Còn những người sành chơi mai thì thích mai núi. Cành nhỏ nhoi trên một gốc cây già, búp cũng nhỏ mà hoa cũng nhỏ nhưng màu vàng thật đậm. Cánh hoa mỏng mảnh như những mảnh vàng mười được sương nắng của thiên nhiên luyện thành. ở thành phố này, nơi núi và biển kề nhau, màu hoa mai núi có sắc biển pha thêm, tạo thành một màu rất lạ. Màu vàng ấy như một thứ quà của thiên nhiên riêng tặng mùa xuân và những ai thật thông hiểu về thiên nhiên, thời tiết mới cảm được vẻ đẹp thầm kín ấy.
Sen rất thích xuống chợ tết bán hoa. Cành hoa có khi chỉ bán được mươi mười lăm ngàn, chẳng bõ công cô phải vượt chặng đường gần ba mươi cây số từ trang trại nhà mình xuống thành phố. Mấy ngày hôm trước, ông Thuận, ba cô đã phải tìm mãi trong núi để tìm mai cho cô con gái cưng mang ra chợ. Ðó cũng là sở thích của ông từ ngày vợ con ông lên đây lập nghiệp. Hai mươi mấy năm rồi, từ hồi cả nhà ông chỉ có một túp lều ven suối đến nay ông đã có một cơ ngơi trồng mía đến mấy hecta. Thú tìm hoa trong núi vào những ngày cuối năm để nhờ ai đó mang xuống chợ bán vẫn không thay đổi. Khi Sen còn nhỏ, ông nhờ người quen bán giúp. Năm cô mười bảy tuổi, cưỡi được xe Honda 50 về thành phố, ông giao việc bán mai cho Sen, con gái đầu của mình.
Sen đã có bảy lần mang mai về chợ Tết. Lần này cô không còn đi chiếc xe 50 cũ kỹ, máy nổ lạch bạch. Cô đi trên chiếc Dream cáu cạnh. Mấy vụ mía vừa qua trúng đậm, ông Thuận chẳng tiếc gì với con mình, mua ngay một chiếc xeđờimới.Côxuốngchợvớibộquầnáobìnhthường,tóccặp gọn sau gáy, đội chiếc mũ vải mềm, chân đi dép Bitis có quai hậu. Chẳng có dáng dấp gì của một cô gái thành phố ngoài cặp mắt to, sáng và nụ cười rất duyên. Cô đứng lẫn giữa những người bán hoa trên hè phố, mắt mãi nhìn những bóng bay đủ màu của người bán bóng bên kia đường, quên cả việc có người đang mải ngắm gốc mai của cô.
- Dũng này! Gốc mai núi này đẹp quá!
Sen giật mình trước lời khen của hai chàng trai đang đứng trước mặt. Má cô nóng dần. ở trên quê, cô ít khi chạm trán với trai làng. Về dưới phố, người đông trời ơi đông. Sen cảm thấy ngượng ngùng nhưng với phận sự của người bán hoa, cô vẫn phải mời chào:
-Hai anh mua đi!
Nói xong được câu ấy. Sen như trút được một vật nặng ngàn cân đè nặng lên mình. Hai chàng trai đứng trước mặt trạc tuổi cô. Người bạn của Dũng sau khi làm xong nhiệm vụ tìm được cho bạn mình một gốc mai núi vừa ý, chàng liếc nhìn vẻ e lệ của Sen, nheo mắt sang phía Dũng:
-Thôi nhé, từ sáng đến giờ mới tìm được một cây mai như ý. Tớ hết nhiệm vụ. Chuyện mua bán bây giờ là của cậu. Tớ đi đây!
Người bạn của Dũng nói xong biến ngay vào dòng người đi chợ. Dũng ớ người, bối rối hết ngồi xuống ngắm cành mai lại đứng lên nhìn khuôn mặt đang hồng lên của Sen. Những cánh hoa mai ánh lên màu vàng trong nắng cuối đông và khuôn mặt ửng hồng có lúm đồng tiền của Sen khiến Dũng rơi vào trạng thái mơ màng,chàng như vừa uống xong một thứ rượu mạnh và đang lâng lâng trước hoa, trước người. Dũng nói vu vơ:
-Gốc mai này đẹp quá. Nhưng chặt đi thì thật là tiếc!
Sen mấp máy môi, định trả lời: Nếu không chặt đi, mang từ trên núi về đây, làm sao có cái cho anh ngắm lúc này?. Nhưng cô kìm lại được. Thấy Dũng cứ luống cuống trước mình, Sen cười thầm: Cái anh chàng thành phố này sao mà đa cảm, dễ thương đến thế. Và cô gỡ rối cho Dũng:
-Anh mua đi, em bán rẻ cho!
Dũng vụng về:
-Bao nhiêu tiền?
Sen cười, để lộ chiếc răng khểnh duyên dáng:
-Cành mai này, ba em phải bỏ công một ngày mới tìm thấy. Em phải cất công từ trên ấy xuống đây. Anh trả được bao nhiêu thì trả.
Dũng vò đầu. Cô gái không nêu giá cành mai, để cho anh tự định giá. Thật là một trò thách đố. Sen lại dồn Dũng vào một lúng túng khác. Nếu trả quá cao thì sợ bị hớ, quá thấp lại sợ Sen cười. Dũng đành lấp lửng:
-Tôi đã đi hai ba ngày mới gặp được cành này. Thật là một cành mai tuyệt đẹp. Nó như là một tác phẩm kỳ diệu của thiên nhiên. Tôi trả giá, hóa ra mình không hiểu gì về cái đẹp. Cành hoa này cô chỉ có thể tặng tôi!
Ðến lượt Sen bối rối. Vài người chen vào ngắm gốc mai ấy.Một cụ già ước tính:Gốc mai này bỏ rẻ cũng phải được hai trăm. Một người khác nói từ phía ngoài: Gốc mai ấy phải cỡ ba trăm. Sen không ngờ gốc mai năm nay lại được giá. Cô nhìn Dũng, thán phục lối trả lời thông minh của anh. Suy nghĩ một lúc, Sen đánh bạo nói:
- Nếu anh thích, em tặng anh gốc mai này!
Dũng sửng sốt, tưởng mình nghe nhầm. Nhưng Sen đã đặt gốc mai vào một chiếc rọ nhỏ trao anh. Những người xung quanh cũng sửng sốt. Cụ già thì hiểu, mỉm cười bỏ đi.
Sen dắt chiếc xe Drean định phóng đi chợt Dũng ngăn lại:
-Em tặng tôi gốc mai này thật sao? Về nhà em không sợ ba mắng?
-Không. Em thấy vui khi anh vừa lòng với gốc mai này.
-Tôi muốn tặng em một chút quà ngày tết. Gọi là mừng tuổi em.
-Thì anh hãy đợi tết đến.
- Lúc ấy biết tìm em ở đâu?
- Ở nơi có mai núi mọc.
-Tên em là gì?
- Anh cứ hỏi cô gái bán mai.
Sen nói xong và phóng xe đi. Dũng sững sờ nhìn theo bóng cô lẫn giữa dòng người.
2
Dũng đặt gốc mai vào một đôn sứ để trên bàn thờ ba. Ðó là một thói quen được định hình từ nhiều năm nay. Cứ mỗi độ xuân về, chị Hằng, má Dũng đều tìm bằng được một cành hay một gốc mai núi đặt trên bàn thờ chồng mình, anh Thái. Có lần Dũng hỏi: Sao má không đặt hoa khác lên bàn thờ ba, chỉ thờ hoa mai, lại là bông mai núi?. Chị Hằng trả lời con: Ba và má thành hôn đúng vào mùa xuân năm 1975. Lúc ấy, ở chiến khu chỉ có hoa mai là đẹp nhất. Ngày cưới, một chú bạn ba tặng một gốc mai núi thiệt đẹp. Ðể nhớ mùa xuân năm ấy, sau khi ba con mất, má chỉ cắm lên bàn thờ ba những bông mai núi.
Thấy Dũng cứ ngắm nghía gốc mai, chị Hằng từ ngoài bước vào, mỉm cười:
- Con mua gốc mai ấy bao nhiêu tiền?
- Mẹ đoán thử coi!
Chị Hằng quan sát vóc dáng gốc mai một lúc rồi mới đưa ra nhận xét.
-Người chọn đốn gốc mai này cũng là người sành chơi hoa. Nó có dáng một ông già đang ngồi. Theo má, gốc mai này tương đương với một tháng lương kỹ sư của con.
Dũng nhìn má:
-Nghĩa là ba trăm ngàn. Má đoán sai rồi. Gốc mai này người ta biếu không cho con. Ðến lượt chị Hằng ngạc nhiên:
- Ai tặng con thế? Bạn con?
- Không, một người lạ, hoàn toàn lạ!
-Má đoán, nếu người bán là đàn ông thì đó là một người say rượu. Còn đàn bà thì đó là một cô gái chưa chồng! Dũng cười, bước lại ôm lấy lưng má:
- Má đoán hay vậy. Ðúng là một cô gái tặng con!
- Nhà cô ta ở đâu?
-Cô ta không nói. Khi cô ta tặng gốc mai này cho con, con cũng không tin. Nhưng con cũng làm một động tác xã giao, con muốn tặng cô ta một món quà ngày tết cho xứng với giá trị của cành mai. Cô ấy bảo đến tết. Hỏi nhà thì nói ở nơi có nhiều mai núi. Hỏi tên, chỉ cười và nói là cô gái bán mai.
Chị Hằng cười, giấu một niềm vui đang dâng lên trong lòng. Cô gái ấy với những câu trả lời thật thông minh là một cô gái có học. Chị biết rõ trong tỉnh này nơi nào có nhiều mai núi, nói với con:
-Nhiều mai núi ở tỉnh mình chỉ có khu vực Diên Điền. Ngày xưa má và ba cưới nhau cũng ở đó.Thảo nào nhìn gốc mai này, má cứ ngờ ngợ. Ðây con xem, bông mai vừa hé nở này. Màu vàng của nó khác xa mai vườn. Ðây là loài mai núi pha sắc biển, chỉ vùng Diên Ðiền mới có.
3
Mồng hai tết, Dũng một mình một xe ngược hướng Diên Ðiền. Ðường nhựa thẳng băng, khúc đường vào chân núi đỏ au màu đất. Ðến một quán đầu thôn. Dũng mở hàng cho một bà cụ bán hàng và hỏi:
-Thưa cụ, con muốn tìm nhà một cô gái trong tết xuống chợ bán hoa mai.
Cụ già bỏm bẻm nhai trầu, vừa cười vừa nói:
Ở thôn này, nhiều đứa con gái lên núi tìm mai về bán chợ tết. Gái chưa chồng mà. Chú không nghe người ta nói: Gái chưa chồng lo lòng đi chợ. Khối cô đem mai về chợ rồi lấy được chồng. Chú phải tả khuôn mặt, dáng người chứ nói thế thì già chịu.
-Dạ, cô này chừng hai ba hai bốn, má lúm đồng tiền, hàm răng trắng đều và có một chiếc răng khểnh...
Cụ già ngẫm nghĩ một lúc như lục trong trí nhớ của mình vóc dáng người con gái như Dũng vừa tả. Chợt cụ cười to:
-Con bé Sen con đại úy Thuận. Nó đẹp nhất thôn này.
Ðúng rồi, trong tết nó phóng xe đi, sau xe có một cành mai. Chú thử đến đấy xem. Chạy xe chừng cây số dọc theo sườn núi sẽ gặp một rẫy mía bạt ngàn. Cứ theo con đường mòn mà đi là tới nhà nó.
Dũng chào bà cụ, đi theo con đường dưới chân núi. Nắng xuân mịn màng phủ vàng cây lá. Con đường nhỏ dần và khi chạm vào màu xanh của rẫy mía đang thì xanh lá, nó trở thành con đường mòn chỉ đủ một chiếc xe đi qua.Dũng như lạc giữa màu xanh điệp trùng của mía và khi gặp một con đường khác lớn hơn dẫn vào một ngôi nhà lớn giữa vườn cây, nỗi lo âu về chuyện lạc đường mới thật sự tan đi.
Ngôi nhà xây theo kiểu biệt thự, giống như ngôi nhà của má con Dũng đang ở. Má Dũng kể lại, đó là ngôi nhà của một viên đại úy cảnh sát được chia lại cho các cô chú trong sở công an. Má Dũng ở trong gian trước. Hai gian sau và dãy nhà ngang thuộc gia đình khác. Bây giờ gặp lại kiểu kiến trúc này, Dũng không khỏi ngạc nhiên, thán phục chủ nhà dẫu ở chốn sơn khê vẫn có con mắt thẩm mỹ về kiến trúc.
Ba bốn người đàn ông đứng tuổi đang uống rượu trong phòng khách. Thấy Dũng bước vào, đích thân chủ nhà, ông Thuận ra đón. Ông không hỏi Dũng tìm ai và kéo tay anh vào bàn tiệc.
-Năm mới em cứ vào đây uống với các bác ly rượu mừng xuân. Sau đó ta mới nói chuyện em ở đâu tới, lên đây tìm ai.
Trước vẻ chân tình của chủ nhà, Dũng mạnh dạn bước vào. Những người khách đứng dậy bắt tay Dũng. Họ có vẻ lam lũ nhưng khuôn mặt ai nấy rất tươi. Một người trong số họ nâng ly:
- Mừng đại úy năm nay trúng mùa mía nữa. Chủ nhà có vẻ không bằng lòng:
-Các ông bỏ ngay từ đại úy ấy đi. Giải phóng đã hai mươi bốn năm rồi, từ dạo con Sen còn trong bụng mẹ. Tôi bây giờ là một nông dân, không úy tá gì hết. Ta uống mừng nhau các bạn, cạn ly đi cháu!
Chợt nhìn thấy Dũng chưa có chén đũa, ông Thuận gọi với ra sau nhà:
- Sen, cho ba thêm cái chén!
Từ gian bên trong, Sen cầm chiếc chén trên tay bước ra. Cô chợt dừng lại, luống cuống muốn quay vào trong nhà khi biết người khách mới tới là người mua hoa dưới chợ. Trống ngực đánh thình thình, cô chết lặng đứng nép bên cửa. Dũng cũng đã nhận ra Sen. Ông Thuận và mấy người đàn ông trong bàn tiệc nhìn cả về phía Sen. Và họ chợt hiểu ra phần nào lý do về sự có mặt của chàng trai không mời mà tới.
Sau một thoáng bối rối, cuối cùng Sen phải giới thiệu Dũng với ba mình:
-Thưa ba, đây là người mua gốc mai của con hôm tết. Ông Thuận vồn vã bắt tay Dũng:
-Vậy hả? Sao mà cháu biết đường lên đây? Mà sao cháu mua gốc mai ấy đắt thế? Ba trăm ngàn! Chưa khi nào bác tìm được cây mai đắt giá đến vậy. Thôi ta uống đi cháu!
Sen như gà mắc tóc, lấy cái nọ nhầm sang cái kia. Cô đem lên rất nhiều đồ ăn, mặc dù các đĩa còn đầy. Cuối cùng, cô đứng một góc, nhìn trộm Dũng uống rượu với ba mình và những người khách. Ông Thuận mừng lắm. Ông rót rượu thêm cho Dũng, nói chuyện huyên thuyên:
-Cháu tên gì? Năm nay bao tuổi? Ðã có nghề nghiệp gì chưa? Chưa thì lên đây trồng mía với bác!
-Dạ cháu tên Dũng, cháu năm nay hai mươi bốn. Cháu vừa tốt nghiệp kỹ sư thủy sản.
-Hay lắm, cháu cùng tuổi với cái Sen nhà bác. Nó học được lắm nhưng đi học xa, bác bắt nó nghỉ học từ năm lớp sáu, cái năm con chị nó bị lũ cuốn trôi. Thôi năm mới không nói chuyện buồn. Cháu ở đường nào dưới đó?
- Dạ cháu ở đường Hùng Vương.
Ông Thuận đang nói bỗng dừng lại, chăm chú nhìn Dũng. Ông lặng lẽ nhấp một hơi rượu, hỏi Dũng lần nữa:
- Cháu ở đường Hùng Vương? Ðoạn nào vậy ta?
- Nhà cháu đối diện với doanh trại quân đội.
- Có phải trong ngôi nhà giống như ngôi nhà này?
- Dạ vâng.
Ông Thuận chợt im lặng. Da mặt ông tái nhợt, tay ông run run đánh rơi cả chiếc đũa. Mấy người bạn tưởng ông trúng gió bảo ông đi nằm. Dũng cũng tưởng ông uống quá nhiều rượu đâm ra say sẩm. Ông Thuận xin lỗi mọi người và đi vào nhà trong. Bữa tiệc đang vui phải dừng. Dũng trao cho Sen một gói quà mừng tuổi. Sen nghẹn ngào:
-Anh tìm được lên nhà em là quý rồi. Ít bữa nữa em sẽ xuống dưới đó.
-Em đến nhà anh chơi nhé? Ðịa chỉ anh có ghi trong này.
- Ừ để em xem đã.
Sen tiễn Dũng ra tận đầu thôn. Khi cô trở lại, ông Thuận đã bình phục, lặng lẽ ngồi một mình trong phòng khách. Thoáng thấy bóng Sen, ông gọi ngay vào.
-Sen, ba nói cho con hay, con không thể làm quen với cậu con trai đó. Sen giật mình, không rõ lý do liền hỏi lại:
-Vì sao vậy ba?
Ông Thuận nhìn con gái với vẻ bực bội khác thường và gắt toáng lên:
- Ba nói không là không, đừng hỏi nữa.
Ông Thuận bước đi trước sự ngỡ ngàng có chút sợ hãi của Sen.
4
Ông Thuận chuếnh choáng hơi men. Hình ảnh của Dũng cứ chờn vờn trước mặt ông. Phải, khuôn mặt ấy như đúc khuôn khuôn mặt của người chiến sỹ giải phóng đã bị ông bắn hạ trong ngày đầu quân giải phóng tiến vào thành phố.
Sáng hôm ấy, quân giải phóng đã rầm rầm từ các ngả tiến vào thành phố. Quân ngụy bỏ chạy tán loạn. Trong một bốt gác, một họng súng bất ngờ nhả đạn vào hai chiến sỹ biệt động. Ðó là Hằng và Thái. Nhìn thấy chớp lửa, Hằng kéo Thái nằm xuống. Nhưng không kịp, Thái trúng đạn, gục ngay tại chỗ. Quân giải phóng phát hiện ra ổ đề kháng, tới tấp nhả đạn và bao vây bắt sống được kẻ ngoan cố. Thuận run rẩy xin tha chết. Sau mười năm học tập cải tạo, Thuận về với vợ con trong túp lều trên miền sơn cước cheo leo này. Thuở ấy ở đây còn rậm rạp, trường học xa xôi, đứa con đầu của Thuận đã bị cuốn trôi khi đi học về. Bao nhiêu nỗi cay đắng gian truân đè nặng lên vai người đàn ông bốn mươi tuổi không biết cày cuốc là gì. Thuận đã phải đi núi đốt than nuôi vợ nuôi con. Một lần chở than về thành phố bán, tình cờ Thuận tạt qua nơi mình ở cũ. Ngôi nhà đã được chia cho người khác. Một người phụ nữ đang dẫn đứa con trai dạo chơi trong khoảng sân và Thuận nhận ra đó là vợ của thiếu úy Thái, người đã bị mình bắn lén ngày nào. Từ đó, Thuận không bao giờ trở về thành phố. Ðến khi có diện HO, ông không đăng ký sang Mỹ, quyết tâm ở lại làm bằng được những điều ông ấp ủ từ khi còn ở trong trại cải tạo. Ông sẽ xây một biệt thự như biệt thự ông đã xây dưới thành phố và làm giàu chính trên mảnh đất ông cắt rốn chôn rau. Những ước mơ ông đã thực hiện gần như trọn vẹn, ông đang vui mừng trước ngưỡng cửa của mùa xuân thì đột nhiên Dũng xuất hiện. Bóng đen của quá khứ hiện về và ông bị một nỗi ám ảnh dằn vặt. Ông là kẻ đã từng giết hại ba của chàng trai kia khi anh cũng trạc tuổi như cậu con trai ấy bây giờ. Ông sẽ nói gì với con gái ông về sự thật đã xẩy ra? Mặc dù sau đó nhờ cải tạo tốt và ông ra trại sớm nhưng món nợ máu ấy ông không bao giờ trả nổi. Ông phải tìm cách ngăn chặn đôi trẻ khi chúng mới quen nhau. Ông biết chúng không có tội tình gì và lớn lên một cách hồn nhiên trong lòng xã hội mới. Nhưng ông vẫn phân vân, một ngày kia khi bà mẹ của chàng trai biết được tung tích của con gái ông và ngăn cản hai đứa đến với nhau, cả hai đứa lúc ấy sẽ vô cùng đau khổ. Ông nuốt nước mắt vào lòng, rên rỉ với chính mình: Sen ơi, con tha lỗi cho ba!. Sự mệt mỏi và căng thẳng đã đưa ông Thuận vào giấc ngủ. Trong mơ, ông thấy tay mình đang xiết chặt cò súng. Bóng người chiến sỹ đội mũ tai bèo ngã xuống trước mắt ông. Ông hoảng loạn bỏ chạy và hét lên: Xin tha chết cho tôi!.
Khi vợ và các con ông bước vào, ông Thuận mới biết đó là một cơn ác mộng. Ông cầm tay Sen, nói như van:
-Ba xin con đừng làm quen với chàng trai ấy. Ba xin con...!
5
Trái với lời cầu khẩn của ba mình, ngày mồng mười tháng giêng, Sen về thành phố. Cô phải nói dối ông Thuận đi thăm một người bạn ngoài thị trấn. Lần theo địa chỉ Dũng viết cho cô trên thiệp chúc tết, Sen dễ dàng tìm ra nhà. Bấm chuông xong, Sen hồi hộp chờ đợi. Ðón cô không phải là Dũng mà là mẹ anh, chị Hằng. Mấy ngày hôm trước Dũng không dám đi đâu, sợ Sen đến chơi mà không gặp. Hôm ấy Dũng đi và dặn, nếu có người bạn gái nào tới chơi, má cứ tiếp giùm con và nói con sẽ về ngay. Với lời dặn của con như vậy, chị Hằng tiếp Sen khá niềm nở. Chị dọn bánh mứt mời Sen và không quên hỏi quê hỏi quán người bạn gái của con mình. Sen thật thà đáp:
-Nhà con trước cũng sống dưới này. Ba con là sỹ quan cảnh sát phải đi cải tạo đến mười năm lựng. Ba con sau đó không biết vì sao lại không đi HO. Bây giờ nhà con đã có một trang trại rộng cả mười mấy hecta trồng mía, nuôi bò trên Diên Ðiền. Vừa rồi anh Dũng cũng mới lên thăm...
Nghe cô gái nói, ba cô là sỹ quan cảnh sát, hiện đang là chủ một trang trại lớn trên vùng kinh tế mới, chị Hằng nghi ngờ. Chị hỏi tiếp:
-Thế ba con tên gì?
- Dạ, ba con tên Thuận!
Tim Hằng như thắt lại nhưng chị vẫn giữ được vẻ bình tĩnh khi nghe tên kẻ đã bắn chồng mình. Thời gian Thuận học tập cải tạo, với tư cách là một phó phòng của phòng điều tra xét hỏi, chị đã nhiều lần gặp Thuận. Lần nào gặp, Thuận cũng xin chị tha tội, hứa hễ còn sống là còn làm những điều tốt để chuộc lỗi lầm. Và chính chị cũng là người tác động để ban lãnh đạo trại để Thuận sớm về sum họp với gia đình. Mối thù ấy dù không bao giờ quên nhưng với kẻ đã biết hối cải, chị Hằng đã đổi hẳn cách nhìn. Sau này, một vài lần lên công tác trên khu kinh tế mới chị vẫn vui vẻ đến thăm vợ chồng Thuận. Bây giờ, đứa con gái của Thuận là bạn với con trai độc nhất của chị, thằng Dũng. Chị vẫn công nhận với Dũng nhận xét về Sen: đẹp gái, nết na, thùy mị và rất đáng yêu nhưng chị thấy hình nhưtrong sự quen biết ấy có một bức tường vô hình mà hai đứa sẽ không vượt qua nổi. Chị sẽ là một khối thủy tinh trong suốt làm trụ cột cho vật cản vô hình ấy. Chị không muốn cho mối quan hệ ấy ngày một sâu thêm liền nói dối Sen:
-Tiếc quá. Cháu đến chơi mà thằng Dũng nhà cô lại đi vắng. Nghe đâu đi ngày mai mới về.
Sen ngồi chơi một lúc rồi buồn bã ra về. Khi ra cổng, cô gặp ngay Thìn, bạn của Dũng, người cùng đi với Dũng trong chợ Tết. Người bạn ấy cứ ngờ ngợ nhìn Sen. Thất vọng vì không gặp được Dũng, Sen không chú ý đến người bạn của Dũng, cô chào chị Hằng và nổ máy lao đi.
Chừng tiếng đồng hồ sau, Dũng đi đâu về, vừa vào cổng đã to tiếng:
- Má, sao bạn con tới má không nói con sẽ về ngay? Chị Hằng đành dối con:
- Má ở nhà từ sáng tới giờ, có ai tới đâu?Dũng trở nên cáu kỉnh:
-Má nói dối. Thằng Thìn vừa nói với con, nó nhìn thấy cô gái trên Diên Ðiền đi với má từ trong nhà ra.
Chị Hằng im lặng. Hơn ai hết, chị hiểu và rất thương con mình. Từ ngày Thái mất đi, chị ở vậy nuôi con. Tất cả tình cảm chị đã dành cho Dũng. Chị cũng biết Dũng là đứa con ngoan, học giỏi và chưa kết bạn thân với cô gái nào. Trong mắt chị, có lẽ Dũng đã dành khá nhiều tình cảm cho cô gái trên vùng kinh tế mới. Tình cảm đó là chính đáng. Nhưng nếu con chị yêu cô gái nào khác, chị sẽ không ngăn cản. Ðằng này lại yêu ngay con của người đã bắn chết ba Dũng. Tình cảm đó tuy mới nhen nhúm nhưng dưới con mắt từng trải của mình, chị Hằng biết đó là cái mầm của một tình yêu đang nhú lên. Chị không muốn nói với Dũng thêm điều gì, lặng lẽ xuống bếp làm cơm, để Dũng như người mất hồn trong phòng khách.
6
Chủ nhật, Dũng lên nhà Sen. Ông Thuận đi vắng. Bà Thuận vì thương con, đã không ngăn cản việc Sen gặp Dũng. Sen đưa Dũng đi thăm rẫy. Họ ngồi xuống bên một gốc cây già. Nghe Dũng kể, hôm ấy nếu Sen ngồi thêm một giờ nữa thì sẽ gặp Dũng và Dũng đã nói với má mình như vậy. Nghe xong, Sen đưa ra lời nhận xét:
-Em cũng không biết vì sao cả má anh và ba em đều không muốn cho tụi mình quen nhau. Thôi anh đừng lên thăm em mà em sẽ xuống. Em có bà dì mở hiệu buôn ở ngay cổng chợ. Anh cứ đến đó vào giấc chín giờ sáng chủ nhật là gặp em. Em nói em về đi lễ nhà thờ chánh tòa là ba má em đồng ý ngay.
Dưới tán cây già, bóng nắng chỉ rót xuống những chấm tròn quanh nơi đôi trẻ đang ngồi. Mùi lá ải cay cay và gió núi phóng khoáng thổi tung tóc Sen. Hai người ngồi im lặng và lần đầu tiên Dũng được ngắm kỹ càng khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to tròn của Sen. Sen rạo rực, muốn đứng dậy chạy vào khóm cây gần đó. Nhưng cô không thể. Cô cảm nhận được những gì Dũng muốn trao cô. Và Dũng như một người đang bị thôi miên, bàng hoàng trước vẻ đẹp thôn dã của một bông hoa mới nở. Anh ôm Sen vào lòng...
Từ đó, họ thường xuyên gặp nhau vào ngày chủ nhật. Mỗi lần gặp nhau, Dũng và Sen đi đến một quán cà phê vườn và Dũng khe khẽ hát: Ngày chủ nhật, ngày của riêng mình... Tình yêu của đôi trẻ lớn dần và Dũng định thưa chuyện với má...
7
Chị Hằng đã biết câu chuyện thầm kín của con mình. Một chiều chủ nhật Dũng vừa chỗ người quen tiễn Sen về, chị gọi Dũng vào nhà, nghiêm mặt nói với con:
-Dũng, con ngồi xuống đây, má có chuyện muốn nói với con!
Dũng chột dạ và hiểu điều má mình muốn nói. Chị Hằng lặng lẽ thắp một nén nhang trên bàn thờ chồng và bảo Dũng đến lạy. Chị Hằng hết nhìn tấm hình của Thái lại quay sang nhìn con. Nước mắt dàn dụa, chị nói với Dũng trong tiếng nấc:
-Con có lỗi lớn với ba con. Ðứa con gái mà con đang yêu thương, phải, chính ba nó đã bắn chết ba con!
Dũng trố mắt, không tin điều chị Hằng vừa nói. Chị phải nhắc lại lần nữa:
- Phải, chính ba nó đã bắn chết ba con!
Dũng chết lặng, từ từ đổ xuống chiếc ghế gần đó, tay ôm đầu. Chị Hằng nhẹ nhàng bước đến bên con, đặt bàn tay lên bờ vai đang nấc lên của Dũng:
-Má không cấm tình cảm của con. Nhưng con phải thương người nào khác kia. Con không được yêu cô gái đó!
Dũng khóc rất to. Anh đứng dậy, lảo đảo đến trước bàn thờ ba. Nước mắt nhạt nhòa, Dũng ngỡ ba mình từ khung bước ra, nói với anh: Ðúng, chính ba của cô gái đó đã bắn vào ba khi con còn trong bụng mẹ...
Dũng không có một sự lựa chọn nào khác và anh tự hứa với mình, sẽ cố gắng quên mối tình đang độ trăng tròn giữa anh và Sen.
8
Dũng cố nén lòng trong hai mùa trăng. Nhưng càng nén tình cảm ấy lại cứ bùng lên. Thành phố đã trải qua mùa hè nóng bức và mùa thu đang gõ cửa bằng những cơn mưa.
Dũng ngồi trong nhà nhìn những giọt mư rơi. Có những ngày anh đứng trên lầu cao của một khách sạn, nhì nnhững đám mây màu chì nhận chìm những dãy núi phía tây trong màn mưa. Nhớ Sen đến nao lòng, Dũng quyết định sẽ mạo hiểm lên Diên Ðiền thăm Sen.
Buổi sáng trời mâ to. Khi Dũng lên đến nhà Sen, chiếc cầu gỗ qua suối đã bị lũ cuốn trôi. Cách nhau chưa đầy mười mét, bên kia đã là con đường đất đỏ vào thôn mà Dũng hông sao sang được. Nhìn dòng suối cuồn cuộn tung bọt trắng, Dũng cắn môi và quyết lội qua suối.
Nước suối lạnh buốt. Chính Dũng cũng không ngờ nước lại chảy mạnh đến thế. Vừa bơi được hai sải tay, nước đã cuốn Dũng trôi xa. Dũng chới với, càng cố vượt lên càng bị lũ quét nhấn xuống. Anh tuyệt vọng, để dòng nước cuốn trôi.
Ông Thuận đứng bên này suối chờ Sen xuống thị trấn về chợt thấy người bị lũ cuốn trôi liền nhảy xuống cứu. Vật lộn với nước một quãng khá xa, ông mới cứu được Dũng lên bờ. Dũng uống no nước, bụng chướng căng mềm nhũn như một sợi bún trên tay ông. Ông Thuận uốn cong người Dũng trên vai mình, chạy một mạch không nghỉ. Nước trong bụng của Dũng trào ra. Ông dừng lại bên quán cóc của bà hàng nước, quạt lửa sưởi cho Dũng.
Khi khuôn mặt của Dũng dần dần hồng lên, đôi mắt hé mở cũng là lúc ông Thuận nhận ra người vừa được ông cứu là bạn của con gái mình. Sen cũng vừa về tới, lạnh người khi nhìn thấy Dũng nằm sóng soài trong vòng tay ông Thuận.
Bên ngoài, nước lũ vẫn gào thét và Sen chợt hiểu, Dũng vừa được ba cô cứu sống.
9
Hai ngày không thấy Dũng về, chị Hằng linh cảm có chuyện chẳng lành xẩy ra. Chị điện thoại đến nhà mấy người bạn Dũng nhưng cũng không ai biết Dũng đi đâu. Lòng như lửa đốt chị chẳng biết bày tỏ cùng ai, lại vào bàn thờ tâm sự với Thái. Anh ơi, con là tất cả đối với em. Nó có mệnh hệ gì, em sống sao nổi... Và như có ai mách bảo, chị chợt nhớ ra một địa chỉ có thể Dũng đang ở đó. Song chị lại nghi ngờ. Ðã hai tháng nay, Dũng không hề đi lại với cô gái tên Sen. Vậy thì Dũng đi đâu? Sau cùng, chị quyết định cứ lên Diên Ðiền tìm con.
Nước đã rút đi và chiếc cầu tạm đã được bắc qua suối. Chị Hằng không mất nhiều thì giờ để tìm đến nhà ông Thuận. Ông đang ngồi nói chuyện với một người khách trong nhà. Thấy có tiếng xe gắn máy, ông ngước nhìn về phía cổng và chợt ra người khách đó là chị Hằng. Ông bước ra sân đón chị với một chút hoảng sợ. Ông sẽ nói với chị thế nào về sự có mặt của Dũng trong nhà ông? Nhưng rồi, ông trấn tĩnh được, mời chị vào nhà và thông báo ngay:
-Cháu Dũng đang ở trong nhà tôi. Hôm nọ cháu chút nữa bị lũ cuốn trôi. Hai hôm nay đang sốt cao. Tôi phải mời bác sỹ về nhà điều trị.
10
Chị Hằng không nói được câu nào. Trước một sự việc đã xẩy ra quá bất ngờ, chị đành im lặng đi theo ông Thuận vào căn phòng nơi Dũng đang nằm.
Dũng nằm thiêm thiếp, mặt đỏ bừng, trán đắp một chiếc khăn ướt. Ngồi bên Dũng là Sen. Thấy chị Hằng bước vào, Sen lễ phép chào:
-Cháu chào cô!
Nghe có tiếng người, Dũng mở mắt. Chị Hằng nắm lấy tay con, mắt rơm rớm. Dũng thều thào.
- Má ơi, con bị nước lũ... May mà có bác Thuận...!
Nói được mấy câu ấy, mắt Dũng cũng rưng rưng lệ. Chị Hằng chợt hiểu ra tất cả. Qua màn sương nước mắt, chị nhìn ông Thuận thay cho lời cảm ơn. Người khách ở phòng ngoài là bác sỹ ở bệnh viện huyện được ông mời vào, thông báo với chị Hằng:
-Anh ấy bị viêm phế quản vì nhiễm lạnh. Hôm nay đã đỡ sốt và ăn được ít cháo. Chúng tôi đã điều trị rất tích cực, chẳng khác gì ở bệnh viện. Chị cứ yên tâm.
Chị Hằng ngồi với Dũng đến xế chiều. Trưa, gia đình ông Thuận mời cơm. Sen vẫn không rời Dũng một bước. Trong bữa cơm, ông Thuận vẫn tỏ ra rụt rè. Ông nhìn chị Hằng với đôi mắt kính nể và sợ hãi. Phát đạn trúng tim anh Thái do ông bắn ra đã hai mươi bốn năm. Ông bắn phát đạn đó trong cơn hoảng loạn. Người ta nhồi vào đầu ông những lời tuyên truyền xuyên tạc: Nếu anh không bắn vào họ, họ cũng sẽ bắn anh!. Sau này nhớ lại, ông cứ xót xa ân hận.
Người ta đã không trả thù ông. Sự khoan hồng của nhà nước cách mạng đã làm ông vô cùng cảm động. Nhưng đó là chuyện khác, chuyện của một quốc gia đối với những người lầm lỗi, trong đó có ông. Còn bây giờ là chuyện giữa ông và gia đình chị Hằng. Chị có tha lỗi cho ông không, ông cũng chưa biết. Và vì chưa biết nên ông sợ. Chị Hằng nhưnhận ra điều đó. Chị không muốn nhắc lại với ông về những trang buồn trong quá khứ. Khi biết tin chính ông Thuận đã cứu con chị, ngọn lửa của tha thứ cháy âm ỉ bấy lâu nay trong lòng chị bỗng bừng lên. Ðúng, chị sẽ tha thứ cho ông, kể cả điều tưởng chừng không tha thứ nổi. Chị thấy thương hai đứa trẻ. Con trai chị và con gái ông không lẽ phải gánh chịu những hậu quả của cuộc chiến tranh gây nên? Và khi nghĩ nhiều đến những ngày sắp đến và chuyển chủ đề sang chuyện khác.
-Vùng này khi xưa rất nhiều mai núi. Thứ mai núi pha sắc biển. Cả nhà tôi đều mê thứ hoa này.
Ông Thuận thở phào nhẹ nhõm. Một niềm vui mơ hồ đang tràn ngập lòng ông. Ông nói mà không cần rào đón:
-Ðể hôm nào cháu Dũng khỏe, tôi sẽ rủ nó đi tìm mấy gốc mai, bứng về cho vào chậu, gửi về dưới đó để chị chưng trong mấy ngày tết.
Chị Hằng cảm ơn ông. Và tuy chưa đến mùa xuân, chị vẫn hình dung những cành mai núi mang màu nắng của vùng chiến khu xưa sẽ nở rộ trong ngôi nhà của chị.
Nha Trang 18 - 9 - 1999

Xem Tiếp: ----