Dịch giả: Nguyễn Vân Ánh

James Thurber cùng với Mark Twain, là hai nhà văn hài hước và châm biếm nổi tiếng nhất nước Mỹ vào thời của mình. Đồng thời, ông cũng là tác giả của những truyện ngụ ngôn xuất sắc có thể sánh với La Fontaine của Pháp. Những tác phẩm tiêu biểu của ông là “Những câu chuyện ngụ ngôn cho thời đại chúng ta” (1940), “Thế giới của tôi - và xin mời tới thăm” (1942), “Lễ hội của Thurber” (1945) và “Đất nước của Thurber”. Truyện ngắn này rút từ tập truyện thứ nhất của ông.
Ngày xửa ngày xưa, vào một buổi sáng nắng vàng rực rỡ, một người đàn ông ngồi ăn sáng ngẩng lên nhìn từ món trứng rán sữa của mình và thấy một con kỳ lân trắng với cái sừng bằng vàng đang lặng lẽ ăn những bông hồng trong vườn. Ông lên phòng ngủ nơi vợ còn đang ấm giấc và đánh thức bà dậy:
- Có một con kỳ lân ở trong vườn - Ông nói - đang ăn hoa hồng”. Bà ta mở một con mắt chẳng lấy gì làm thân thiện ra mà nhìn ông chồng.
- Kỳ lân là con vật thần thoại, bà ta nói rồi quay lưng lại chồng.
Ông chồng chầm chậm xuống thang rồi ra vườn. Con kỳ lân vẫn còn đó, lúc này nó đang nhấm nháp trong bụi hoa tulip.
- Này đây, kỳ lân - ông nói và nhổ một bông loa kèn đưa cho nó. Con kỳ lân ăn một cách trịnh trọng. Lòng đầy phấn khích vì có một con kỳ lân trong vườn nhà, ông lại đi lên gác và lay gọi vợ.
- Con kỳ lân - ông nói - ăn một bông loa kèn.
Vợ ông ngồi dậy và lạnh lùng nhìn chồng.
- Ông điên rồi - bà nói - để tôi bảo người ta cho ông vào nhà thương điên.
Ông chồng, người chẳng bao giờ ưa những từ “điên” và “nhà thương điên”, và còn không ưa chúng hơn vào một buổi sáng rực rỡ khi có một con kỳ lân ở trong vườn, liền ngẫm nghĩ một lúc.
- Để rồi xem! ông nói rồi đi ra cửa.
- Nó có một cái sừng vàng ở giữa trán - Ông bảo vợ.
Sau đó ông quay lại vườn để xem con kỳ lân nhưng nó không còn ở đó nữa. Ông ngồi xuống giữa khóm hồng và thiếp đi.
Ngay sau khi chồng ra khỏi, bà vợ ngồi dậy, vội vã mặc quần áo. Bà đang hết sức kích động, trong mắt ánh lên tia nhìn đầy xảo quyệt. Bà gọi điện cho cảnh sát và một bác sỹ tâm thần, bảo họ mau đến ngay, mang theo một straight-jacket (áo choàng trắng có ống tay dài, chuyên dùng để khống chế bệnh nhân tâm thần). Khi viên cảnh sát và ông bác sỹ tâm thần tới, họ vào nhà, ngồi xuống ghế và nhìn bà vợ với sự quan tâm đặc biệt.
- Chồng tôi - bà ta nói - đã nhìn thấy một con kỳ lân sáng nay.
Viên cảnh sát nhìn ông bác sỹ, ông bác sỹ nhìn viên cảnh sát.
- Ông ta bảo tôi là nó ăn một bông loa kèn - bà ta nói tiếp.
Ông bác sỹ nhìn viên cảnh sát, viên cảnh sát nhìn ông bác sỹ.
- Ông ta nói nó có một cái sừng vàng ở giữa trán - bà ta lại nói.
Ông bác sỹ tâm thần trịnh trọng ra hiệu, viên cảnh sát đứng dậy và cùng tóm chặt lấy bà vợ. Họ phải khó khăn lắm mới giữ được bà ta vì bà ta chống lại dữ dội. Đúng khi họ cho được bà vợ và chiếc straight-jacket thì ông chồng đi vào.
- Anh đã bảo vợ là nhìn thấy một con kỳ lân à? - viên cảnh sát hỏi.
-Dĩ nhiên là không - ông chồng trả lời - Kỳ lân là con vật huyền thoại kia mà.
- Tôi chỉ muốn biết có vậy thôi - Ông bác sỹ tâm thần nói - Đem bà ta đi. Xin lỗi ông, thưa ông, nhưng vợ ông phát điên rồi.
Rồi họ đem bà ta đi trong tiếng chửi rủa và la hết, nhốt lại trong nhà thương điên. Ông chồng sống hạnh phúc cho tới khi đầu bạc, răng long.
Bài học: “Đừng có đếm người điên trước khi họ phát điên”
1939
Nguyễn Vân Ánh dịch
(từ cuốn “20th Century American Short Stories do Kean A. Mc. Conochie tuyển chon, được Heinle & Heinle Publisher in ở Mỹ năm 1995)

Xem Tiếp: ----