Dịch giả: Hoài Nam

- Hoặc do phố chợ đã trở nên dài hơn, hoặc vì người ta buôn bán kém phần nhộn nhịp cũng nên- Ngồi bên thềm hiệu đồ cổ của mình, lão Magan Lan Tacle nghĩ thầm- Dường như ngay kia thôi, ở phía tây, chỗ đường phố dâng lên cao tiếp giáp với bầu trời rồi đột ngột xuống dốc chính là nơi tận cùng thế giới. Vẻn vẹn có một bước… và ta đã ở trong một thế giới khác.
Suốt một ngày lục tìm, lão Magan mới kiếm được hai thứ vặt vãnh: bức tượng nhỏ của Florenta và một bức tranh cỡ vừa của Djamini Rai. Bức tượng thì còn mong có thằng cha làm phim bốc đồng nào đó thuê, chứ còn tranh của Djamini Rai ư Cũng chẳng sao, tạm thời lão cứ cất nó đi, biết đâu sau này con cháu lão lại chẳng được lời với hàng triệu rupi. Bên phương Tây bây giờ cũng thế. Người ta bỏ hàng trăm ngàn ra để mua đấu giá một bản phác thảo của Leona đơ Vinxi đó thôi. Ý nghĩ thú vị về những nghìn và những triệu rupi làm cho Magan hoa cả mắt, quên mất là năm nay lão đã ngoại tứ tuần mà vẫn phòng không dù đầu đã hói ra trò, và vì thế chỉ nghĩ đến chuyện con cháu thôi cũng là không hợp nữa rồi.
Ngoài buôn bán ra, lão Magan có biết làm gì nữa đâu? Lão là một người Hindu thực thụ, cái dân tộc mà như mọi người đều biết, trong tâm hồn họ chỉ là những con buôn mà thôi. Ngoài miệng họ khinh rẻ của cải, vì nó là ảo tưởng, nhưng trong lòng họ thèm khát nó đến điên cuồng. Chẳng phải ai khác mà chính những người Hindu thờ tiền bạc. Cho đến bây giờ, cứ đến ngày hội Divali (cúng thần giàu có) họ lại đặt lên bát đèn một đồng rupi đã được rửa bằng sữa và vẩy nước thánh để làm đẹp lòng nữ thần Lacsmi. Đến ngày lễ Đaxara (cúng thần chiến tranh) họ lại tô điểm chiếc xe có hình nữ thần bằng những vòng hoa trắng và đến đền thờ để cầu nguyện. Nhưng nếu được giá thì họ cũng sẵn sàng bán nữ thần của mình như ngày xưa những người anh em của Josef tuyệt đẹp đã bán chàng.
Đối diện với hiệu đồ cổ của lão Magan là cái quầy nhỏ của Xirađ, nhân viên hãng buôn đèn pin. Nó ẩn sau cây thuốc lá được quây bằng lưới sắt mà bọn người Hindu láu cá chẳng bao giờ chịu tưới cho tử tế cả- không phải bằng sữa mà bằng sữa pha nước. Thế cho nên ngay trước quầy bao giờ cũng đọng một vũng nước bẩn. Gã Xirađ theo đạo Hồi, sau khi đất nước chia cắt vẫn ở lại Ấn độ, buộc phải tôn trọng phong tục của người Hindu thờ cây thuốc lá.
Xirađ suốt ngày nhá vả. Chẳng phải vì vả rẻ, cũng không phải gã đói. Chỉ vì gã hết sức chăm chút bồi dưỡng tính dục của mình. Cái bọn bị cắt xẻo ấy chỉ có mỗi một nỗi lo: ăn, uống và thoả mãn nhục dục. Chúng chẳng hề gắn bó với cái gì, cứ như bọn ăn mày lang thang vác nhà trên vai vậy. Chúng dễ dàng bỏ nơi nương tựa này để đến chỗ khác.
Đêm đã xuống. Cùng với màn đêm, dường như nơi tận cùng trái đất cũng đang xích gần lại. Hàng lụa của Vilaiati Ram đã đóng cửa, cả cái quán ăn bình dân của Casmiri Bađsakh cũng vậy, ở đó đến chiều người ta đã mua sạch các loại thức ăn. Có lẽ vì hôm nay là thứ bẩy giữa tháng, mọi người đều phải làm việc nên chẳng có thì giờ nấu nướng. Chỉ có quầy của Xirađ còn mở. Chẳng ai biết vì sao. Cũng có thể đến đêm đèn pin mới là thứ cần thiết? Cũng có thể Xirađ đang chờ ông bạn vàng của gã là Maicơ, nhân viên hãng du lịch, để cùng lập kế hoạch cho chuyến đi Acga hay Khadjurakho, nơi có thể kiếm chác chút đỉnh? Nói chung thì Xirađ không chạy theo đồng tiền. Những khách du lịch nữ từ phương Tây tới còn cuốn hút gã ta hơn nhiều.
… Giọng của Xirađ ngắt đứt dòng suy tưởng của Magan:
- Hello, darling!
Xirađ hầu như không biết chữ, nhưng do giao thiệp nhiều với khách du lịch nên gã nói tiếng Anh khá sõi. Nghe thấy câu chào của gã, lão Magan hiểu rằng Kicti đã đến. Mà quả thực cô ta có cái gì đó rất khác thường: vóc người không cao lớn, đậm chắc, với những đường nét hơi thô trên khuôn mặt u uất. Kicti với nước da sẫm màu, lại thường mặc chiếc xari màu tím, và mỗi khi cô bước vào hiệu của lão Magan, lão tưởng như trước mặt mình hiện lên nữ thần của đêm tối. Cô gái thường đến muộn như muốn tránh con mắt của mọi người.
Xirađ đứng trước quầy mình lẳng lơ huýt sao, nhưng Kicti vẫn như mọi khi đi ngang qua mà không thèm nói lấy một lời hay ngước mắt nhìn gã.
Mà nói chung đã bao giờ Kicti nói chuyện với ai đâu. Cả khi người ta hỏi, cô cũng lặng im, chỉ gật hay lắc đầu thôi.
Magan thường bực mình vì Xirađ hay cười nhạo lão và châm chọc:
- Ông bạn tôi phải lòng con bé rồi chưa biết chừng? Gái tơ… cẩn thận không con bồ câu nó bay mất đấy.
Thực ra Kicti đến hiệu Magan vì cô là thợ chạm gỗ. Cô mang bán cho lão những sản phẩm của mình. Lão con buôn tham lam luôn luôn tìm thấy vô số cớ để dìm giá của cô. Khi thì lão bảo đề tài đã cũ nên chẳng có người mua, lúc lão lại nói các hình chạm chưa thật hoàn chỉnh. Những khi ấy mặt Kicti tối lại hơn lúc bình thường. Song tất cả các miếng võ mồm của lão Magan chỉ nhằm một mục đích là mua vật đáng giá trên trăm rupi với giá năm, mười rupi, rồi gặp dịp lại bán đắt cứa cổ.
Kicti không học qua một trường nghệ thuật nào. Cô lớn lên trong gia đình thợ chạm bậc thầy. Cha cô, Naraian, cùng với những người thợ có tiếng tăm như Bjavadji và Djamin Bacgas đã để lại dấu chân trên khắp các nẻo đường Ấn độ, hòng mong tìm lại những di sản văn hoá của Ấn độ cổ xưa. Nhưng người ta chỉ có thể tìm được nó trong các bảo tàng Luânđôn, trong các hiệu đồ cổ ở New-oóc và Chicagô. Hàng năm trong các đền đài biến mất hàng trăm bức tượng để rồi lại xuất hiện trong các hiệu đồ cổ cách đó hàng chục ngàn cây số.
Sau chuyến đi tìm kiếm những báu vật đã mất, Naraian trở về, mệt mỏi và chán chường, ông bắt đầu tạo ra những tác phẩm mới.
Kicti thường ít quan tâm tới công việc của cha, nhưng những lúc rỗi cô cũng ngồi cầm lấy dụng cụ giúp ông những việc đơn giản nhất. Khi làm việc Naraian quên mất rằng những vật làm lại kém giá trị hơn cái đã mất đi, và giá đồ cổ ngày càng tăng vọt. Mà tăng không phải hai hay bốn lần, những hàng trăm lần. Cũng có thể ông không quên điều đó. Nhưng Naraian thuộc loại người lập dị tuy biết tiền là cần thiết, nhưng vẫn không thấy ở tiền bạc ý nghĩa của cuộc đời. Ông đẽo những bức tượng của mình và bằng cách đó vất vả lắm mới kiếm được cho gia đình miếng cơm manh áo. Cho đến một ngày kia, ông cắt phải tay mình khi đang đẽo tượng thần Djadamba khát máu. Ông bị nhiễm trùng. Người ta chở ông tới bệnh viện công gần nhất, tại đó ông đã qua đời. “Ông ấy chết như con chó không nhà- mọi người nói- cái số ông ấy thế.
Mỗi khi tạc tượng các nữ thần, nhà điêu khắc Naraian thường đẽo gọt rất lâu, nhiều ngày, có khi đến hàng tháng, phần ngực và đùi? những tượng bé vú có hình nón nhỏ. Còn ở những tượng lớn bằng cả thân người, trông như tảng đá đẽo sơ qua để đặt chai lọ- bộ ngực trông như những chiếc bình lớn đầy sữa. Đùi các nữ thần lớn và vuông vức như những bắp thịt voi cái, còn chân trong hệt như hai chiếc vòi.
Chẳng lẽ người thợ già đã tạc nên hình tượng những nữ thần vĩ đại- và cả nữ thần chiến tranh Đucga- lại có thể chết bình thường như chúng ta”…
- Nào, cô mang cái gì tới thế? - Lão buôn đồ cổ hỏi.
Kicti tháo nút góc chiếc xari lấy ra một bức tượng bằng gỗ và thận trọng đặt lên bàn trước mặt lão Magan, đúng vào đốm sáng tụ của chiếc đèn treo trên trần nhà. Chưa nhìn đến tác phẩm của Kicti, lão Magan đẩy cho cô chiếc ghế đánh vécni và hỏi:
- Mẹ cô có khỏe không?
Kicti không đáp. Cô chỉ nhìn qua khe cửa ra phố nơi cô vừa mới chạy thẳng xuống dốc. Khi cô quay lại nhìn Magan, trong mắt cô đã lóng lánh hai giọt lệ.
Mẹ Kicti nằm bệnh viện, ở chính chỗ cách đây không lâu cha cô đã qua đời. Bà bị ung thư thận. Người ta mổ và lắp cho bà ống dẫn tiểu với túi nước giải. Nhưng ống dẫn nhân tạo giờ đây bị bẩn nên cần phải có tiền để mổ lại. Giá như Kicti kể hết với Magan thì câu chuyện có lẽ đã quay sang hướng khác. Nhưng cô lại lặng im và Magan vừa nhìn thấy vật cô mang tới liền nổi nóng:
- Lại vẫn đâu hoàn đấy? Lại thần Visnu với con rắn hổ mang ở trên đầu và Lacsmi đang bóp chân!… Biết bao lần tôi đã nói với cô rằng bây giờ những của này người ta không chuộng nữa rồi.
Cặp mắt mở to của Kicti như dò hỏi lão: “Thế tôi biết làm gì bây giờ?
- Làm cái gì mà người ta đang chuộng ấy.
- Thế người ta đang chuộng cái gì? - Mãi cô mới khẽ thốt lên được câu hỏi. Trông cô giống như con chim đang há mỏ.
- Ờ, nếu cô chẳng làm được gì khác- Lão Magan chần chừ nói- Thì cứ tạc tượng Găngđi và Nêru cũng được- Và lão vội thêm, như để tự chữa lời mình- Hoặc là đàn bà khoả thân.
- Khoả thân ư?
- Phải. Thời bây giờ khách hàng họ ham những hình như vậy.
Kicti cúi đầu nghẫm nghĩ. Cô những muốn xấu hổ khi nghe những lời như vậy, nhưng sự thẹn thùng đối với cô sang trọng quá. Ý nghĩ cô chỉ quẩn quanh: lão Magan có mua tượng của cô không, và lão trả được bao nhiêu?
- Nhưng… nhưng tôi không biết làm- Cô ngập ngừng nói.
- Ôi dào, thì ngày xưa cha cô chẳng đã khắc vô khối là gì.
- Nhưng đó là tượng các nữ thần.
- Có gì khác đâu? Nữ thần thì cũng là đàn bà cả. Cô cứ làm y như thế là được. Có điều, vì Đức tối cao, xin cô đừng có treo lên cổ nữ thần vòng hoa và đừng thắt cho nàng sợi dây ngang bụng. Chính những cái đó đã giết chết cha cô. Kính trọng các bậc thần linh đến thế rồi cũng chết như một con chó không nhà, không chủ.
Kicti tự kiểm lại lòng mình, một nỗi lo sợ trước mối nguy hiểm chỉ riêng mình cô biết xâm chiếm tâm hồn cô. Và tuy đang sợ run lên đến nỗi đứng không vững, cô vẫn không ngồi xuống chiếc ghế lão Magan vừa chỉ cho, mà chỉ vịn lên lưng ghế, đứng sững như một bức tượng tuyệt vời, nhưng không phải là tượng thánh của Naraian mà là người trần mắt thịt.
Trong lòng lão Magan sự cương quyết sắt đá đang đấu tranh với sự do dự. Lão không biết một cuộc đấu tranh như thế cũng đang sôi lên trong lòng Kicti. Miệng cô khô cháy. Cố nuốt cái cục đang nghẹn lên trong cổ, cô khẽ thì thào:
- Tôi… tôi không có người mẫu.
- Mẫu ấy à? - Lão Magan hỏi vặn- Cô cứ mồi bất kỳ con bé xinh xắn nào bằng tiền ấy, đứa nào cũng chịu ngay.
Mặc dù Kicti không nói một lời, lão Magan như vẫn nghe rõ “bằng tiền ấy ư?
- Không xuất vốn thì không thể lãi lớn được, đúng không? - Lão đùa.
Vẻ mặt ủ ê của Kicti càng tối sầm lại. Cuộc đời chưa bao giờ nuông chiều cô. Mắt cô long lanh ngấn lệ. Ở đời có những khi yếu đuối của người đàn bà làm thức dậy trong bọn đàn ông những cảm xúc và ý định tốt lành. Lão Magan vòng tay ôm lấy Kicti với vẻ dịu dàng như một người cha và an ủi cô:
- Đừng lo, con gái của ta… mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thôi.
Nhưng Kicti gạt tay lão ra. Lão Magan lúng túng thở hắt ra. Ngón tay lão run run vớ lấy bức tượng Kicti vừa mang đến chìa cho cô:
- Cô cầm lấy. Tôi không cần đến nó.
Kicti lặng thinh nhìn xuống sàn nhà. Rồi cô đột nhiên ngẩng lên nói:
- Lần sau tôi sẽ mang đến tượng khoả thân. Còn bây giờ ông cứ giữ lấy.
- Thôi được, có điều đừng có lừa tôi nhé- Lão Magan đã tươi như hoa.
Kicti gật đầu. Magan nghĩ, chắc cuối cùng thì cô cũng phải cười lên một tiếng. Ngờ đâu nét mặt cô càng trở nên u uất. Lão Magan mở ngăn kéo lấy ra một tờ một chục nhàu nát chìa cho Kicti.
- Này cầm lấy.
- Cả thảy có mười rupi thôi sao?
- Từng ấy là đủ. Tôi đã bảo cô là tôi không cần đến nó. Tôi không thể trả cô hơn được.
- Nhưng… - Kicti ngừng lại. Những lời muốn nói nghẹn lại trong cổ. Chẳng cần nói, mọi sự cũng đã rõ rồi…
- Tất nhiên là để nuôi sống miệng ăn và chữa bệnh thì khí ít… - Nhưng có thế cô ta mới biết cái cảnh người nghèo đói đến quặn ruột”… - Lão nghĩ thầm. Lão nhìn Kicti rồi nói tiếp- Thôi đủ rồi. Cứ mang đến vật cô đã hứa, tôi sẽ trả hậu.
Lão búng ngón tay và nháy mắt với cô để khích lệ, như bọn nhạc công vẫn thường khích lệ những cô đào của họ.
Kicti bước ra khỏi hiệu. Môi cô run run, hơi thở nặng nề. Mọi khi mỗi lần về nhà cô thường đi vòng xa đến hơn một dặm để tránh Xirađ. Nhưng hôm nay, như để trả thù tất cả, cô bạo dạn đi thẳng. Bạn của Xirađ là Maicơ đã đến với gã. Họ đang cùng nhau ăn tối khi Kicti kiêu hãnh ngẩng cao đầu đi qua. Xirađ gọi với theo cô cái gì đó nhưng lão Magan nghe không rõ. Trong lòng Kicti sôi sục, nhưng cô không để lộ ra ngoài sự xúc động của mình. Có thể, cô thuộc loại người bất hạnh không dám nói thẳng mọi điều cả với kẻ thù của mình chỉ bởi ý nghĩ: “Nhỡ mình vẫn còn gặp nó trên đường đời”. Mà cũng có thể, như bất cứ người đàn bà nào, Kicti thấy thinh thích khi bọn đàn ông cứ gặp cô là lại thở dài hoặc đặt tay lên tim huýt sáo nhìn theo.
Chắc gã Xirađ đang ăn cái gì đó kích thích. Có thể là bạn hắn mang thịt đến cho hắn? Có thể họ sẽ đến với lão Magan Lan kể cho lão rằng họ đã nghe được câu chuyện của lão với Kicti. Nhưng chủ hiệu đồ cổ đã đóng cửa rồi. Loay hoay cài then, lão chợt nhìn thấy bức tượng Kicti vừa mang đến. Bức tượng tuyệt đẹp, con rắn thần linh xinh xắn được đẽo gọt cẩn thận và phía trên lưng được tô những đốm màu. Visnu chứa trong mình tất cả cái đẹp lý tưởng của người đàn ông, cái đẹp lý tưởng mà mỗi người đàn bà đang yêu đều gắng tìm trong người mình yêu. Còn Lacsmi thì ngồi bên chân Visnu không ra hình thù gì cả. Đường nét trên mình nàng không rõ. Có lẽ Kicti không biết nữ thần của sự giàu có thì phải ra sao chăng? Chính vì không gì làm nổi bật hơn sức quyến rũ của thân hình đàn bà trong tư thế ngồi. Khi người phụ nữ ngồi, tay giơ cao, những đường cong trên thân hình đặc biệt rõ nét. Không phải tự nhiên mà trong tư thế ấy người đàn bà càng trở nên cám dỗ với đàn ông.
Nếu bạn nghĩ rằng Kicti coi trọng thần đàn ông hơn nữ thần xinh đẹp vì bản thân cô là phụ nữ thì bạn đã nhầm. Trong mọi vấn đề liên quan tới sắc đẹp bản thân, người phụ nữ ích kỷ vô cùng. Họ tự suy đắm cái sắc đẹp của chính mình và luôn luôn sẵn sàng ca ngợi nó.
Magan cầm lấy tác phẩm của Kicti và lấy con dao nhíp khắc lên đó dòng chữ: “Bách diệu”. Rồi lão bước vào gian chái nền đất chôn bức tượng sau khi đã bới lên một bức tượng khác mua của cô gái từ lâu. Lão san phẳng nền và tưới lên đó nước quả keo ướp lâu năm. Bức tượng vừa được lấy lên và rửa sạch đi đã bị nứt nẻ nhiều, trông như có hàng trăm năm tuổi. Ngày hôm sau, lão đã mời khách du lịch mua nó, lão quả quyết rằng cả trong trường ca Calidas về triều đại Raghu cũng có nhắc tới những tượng như vậy.
- Vua Raghu- Lão kể, đã xây nên thành phố Taccud ở vùng Cuncan. Chính ở đó người ta đã tìm ra những bức tượng nữ thần. Một số tượng đã được lãnh chúa vùng Maisoc là Đarian mua lại, tôi còn giữ lại được một số.
Lão bán tác phẩm của Kicti được một trăm năm mươi rupi trong khi chỉ trả cho cô có năm rupi.
Cách một tuần sau, cô gái mang đến cho lão Magan bức tượng đàn bà khoả thân. Cô vẫn e lệ lúng túng như mọi lần. Nhưng mẹ cô đang ốm nặng, và bản thân cô cũng không được khỏe. Cô bắt đầu bị sưng phổi. Mỗi lần ho cô lại đưa bàn tay băng giẻ lên che miệng.
Kicti đặt bức tượng trước mặt lão Magan. Lần này cô không làm tượng bằng gỗ mà bằng đá. Kicti nhìn lão Magan, lòng lẫn lộn hy vọng và sợ hãi. Nếu tỏ ra quá khắt khe lần này thì sẽ là dối trá, quá lộ liễu. Vì thế lão chủ hiệu đồ cổ không chỉ công nhận rằng lão hài lòng về bức tượng mà còn khen ngợi cô gái. Lão chỉ tỏ ra tiếc là bức tượng bé quá. Giá như nó cao to như người thật thì sẽ mang lại tiền lãi lớn cho cả tác giả và cho cả lão.
Lão cầm lên tay tượng nàng tiên rừng Lacsi của Kicti. Kicti dĩ nhiên không dám tạc hình phụ nữ khoả thân hoàn toàn, nhưng quần áo trên mình tiên nữ ướt và bó sát lấy thân hình. Bức tượng tạc khéo đến mức cảm thấy như từ trên thân hình phụ nữ nước còn đang rỏ xuống. Mảnh vải dán vào người nàng làm cho ngực và đùi thêm đậm nét.
Cố dứt mắt khỏi bức tượng, lão Magan quay sang nhìn Kicti và lão chợt hiểu:
- Ối… - Lão buộc miệng kêu lên.
Kicti bẽn lẽn sửa lại nếp chiếc xari tím thẫm của mình. Nhưng chủ hiệu đồ cổ đã hiểu cả: cô đã tự tạc hình mình trần truồng trong gương và thỉnh thoảng lại choàng lên người tấm vải ướt. Chính vì thế mà cô cứ ho hoài! Và tất cả việc đó không chỉ vì tiền. Trong mỗi người đàn bà đều có nỗi khát khao tự biểu hiện mình.
- Mẹ cô thế nào rồi? - Lão Magan giả giọng lãnh đạm hỏi.
Kicti chợt ho dữ dội. Khó khăn lắm cô mới kìm được cơn ho. Magan cảm thấy hơi khó xử và xấu hổ. Nhưng im lặng một lúc lão lại hỏi một câu mà lẽ ra không nên hỏi:
- Thế nào? Cô tìm ra người làm mẫu rồi chứ?
Kicti cúi mặt quay nhìn ra cửa sổ chỗ con đường đang tiếp giáp bầu trời bỗng đột nhiên xuống dốc.
Lão Magan thấy thương cô gái. Lão muốn an ủi và trả cô số tiền cô đáng hưởng. Chắc cô cũng đang chờ đợi điều đó. Thực ra lão vẫn sợ làm thế có khi cô trở nên khó bảo. Lão thầm quyết định sẽ trả cô một trăm rupi. Tất nhiên để mổ và bồi dưỡng cho mẹ cô không cần nhiều đến thế. Nhưng lão vẫn sẽ trả hẳn một trăm. Trong lòng lão vẫn lo cô gái sẽ đòi hơn:
- Trả cô bao nhiêu đây? - Lão lấy giọng lạnh lùng hỏi.
- Dưới năm chục tôi không bán đâu.
- Năm chục cơ à?
- Không kém một xu.
Lão Magan nhanh nhẩu đi lại bàn lấy ra bốn mươi rupi đưa cho Kicti.
- Thôi thế cũng được- Lão nói- nhưng hiện giờ tôi không có hơn. Còn một chục, tôi sẽ đưa cho cô sau.
- Vâng- Kicti đáp và cầm lấy tiền. Cô đã định bỏ đi nhưng lão Magan ngăn cô lại:
- Cô nghe đây…
Kicti dừng bước ngước nhìn vào mắt lão, lòng phập phồng hy vọng. Nhưng khi lão chủ hiệu hỏi:
- Thế nào? Từng ấy tiền có đủ cho cô tiếp tục công việc không?” thì vẻ ủ ê chán chường mọi khi lại trở lại trên mặt cô.
Cô lặng lẽ gật đầu rồi phẩy tay như muốn nói: “Còn làm sao được?
- Mẹ tôi cần phải mổ - Cô nói - mà việc đó đòi hỏi bao nhiêu là tiền! Tôi nghĩ… - Cô hắng giọng - Tôi nghĩ mẹ tôi chết càng sớm càng hay - Cô nói nhỏ như thầm thì, ngón chân cái di trên mặt đất - Thà chết còn hơn sống khổ sở như thế - Cô kết thúc tuyệt vọng.
Khi Magan nhìn cô gái, lão thấy như chỉ trong một khảnh khắc mà cô già đi đến chục tuổi.
- Nếu cô muốn, tôi sẽ khuyên cô một điều - Lão vừa nói vừa bước lại gần Kicti - Cô hãy tạc Mithun đi, tôi sẽ trả mọi khoản để cụ mổ.
- Mithun? - Kicti rùng mình nhắc lại.
- Phải, thì sao? Người ta rất chuộng cái đó. Bọn khách du lịch điên đầu lên vì kiếm nó đấy.
- Nhưng…
- Tôi hiểu - Lão Magan cúi đầu nói - Cô chưa biết đó là cái gì. Cô hãy đến Khadjurakho mà xem… Tôi sẽ đưa tiền cho cô đi đường.
- Chính ông ư? - Kicti hỏi lại và kinh tởm nhìn lão - Ông vừa nói là ông không còn tiền kia mà? - Cô tiếp sau chút im lặng.
- Đúng là tôi không còn thật - Magan chống chế - Nhưng tôi còn dành một ít tiền để thuê cửa hàng.
Lão muốn lấy tiền đưa cho Kicti nhưng cô từ chối và khinh bỉ bỏ ra khỏi hiệu.
Còn lại một mình, lão Magan ngắm kỹ bức tượng Lacsi. Rồi lão vớ lấy chiếc búa nhỏ đập vỡ mũi và ngón chân tiên nữ, lão còn làm mấy vết nứt ở mảnh áo trên người nàng. Lão lấy giẻ gói bức tượng lại rồi nhúng vào axít hàn, sau đó vào nước. Cái mà lão lôi lên khỏi nước chẳng còn giống Lacsi của Kicti mấy tý. Trên mình tiên nữ lở lói những vệt tối sẫm. Với một vật như thế lão phải kiếm được ít ra là một nghìn.
Cuối cùng ngày mong đợi đã đến, Kicti chở đến cho lão Magan bức tượng Mithun. Bức tượng cỡ người thật. Nó được gói trong bao và chở đến trên xe đẩy. Mấy người làm thuê ì ạch khiêng bức tượng vào hiệu của lão. Nhận được tiền công họ bỏ đi. Thở mạnh vì hồi hộp, lão Magan vội vã cắt dây thừng và sung sướng tháo giấy gói. Trước mặt lão chính là Mithun… Lão đang mơ chăng?
Lão vẫn nghĩ rằng Kicti sẽ không để cho lão ngắm Mithun trước mặt cô. Nhưng không, cô không bỏ đi, cô vẫn đứng ngay trong hiệu. Trước mặt cô, trong tư thế mãn nguyện hoàn toàn, bức tượng một người đàn bà đang đứng chết lặng, nhũn người ra vì những cái vuốt ve của người đàn ông vẫn đang xiết chặt vai nàng trong cơn say đắm.
- Cô cần bao nhiêu để mổ cho cụ?
- Mổ ư?… Chính tôi cũng đang cần tiền đây.
- Cô? Thế còn mẹ cô?
- Mất rồi, khoảng một tuần trước.
Lão Magan muốn làm ra vẻ thông cảm, nhưng hiểu ngay rằng Kicti chẳng cần cái đó. Môi cô mím chặt, trên mặt cô tràn đầy một nỗi đau ghê ghớm.
- Ông trả tôi một ngàn rupi cho bức tượng- Cô nói.
Lão Magan sững sờ lẩm bẩm:
- Làm gì có ai mua bức tượng với giá ấy?
- Phải. - Kicti đáp cương quyết- Tôi đã hỏi. Người ta trả còn nhiều hơn, nhưng tôi đã hứa với ông…
- Tôi… tôi… chỉ có thể trả năm trăm…
- Không. - Kicti đáp và đi gọi bọn làm công, nhưng lão Magan ngăn cô lại- thôi, thêm hai trăm nữa nhé.
- Một ngàn, không kém một xu.
Lão Magan sửng sốt nhìn Kicti. Lão không nhận ra cô nữa. Liệu cô ta đã đến Khadjurakho chưa nhỉ? Hay là cô ta đã nói chuyện với khách du lịch rồi?… Lẽ ra không nên để cô ta tiếp xúc với khách hàng… Thôi, đành vậy… Lão đến bên bàn đếm tám trăm rupi chìa cho Kicti. Cô đếm tiền rất nhanh và ném trả lão.
- Tôi đã nói là một ngàn!
- Thôi được, cô lấy chín trăm nhé.
- Không!
- Chín trăm rưỡi?… Chín trăm bảy lăm…
Thấy Kicti không thay đổi ý kiến, lão nhanh nhảu đếm đủ mười tờ bạc trăm đặt vào tay cô, và như người say, lão nhìn Mithun chằm chặp. Kicti cũng đứng đó như sững sờ trước tác phẩm của chính mình. Lão Magan nhìn người đàn bà bằng đá mà như thấy trước mặt mình là Kicti. Nhưng sao trong mắt cô long lanh ngấn lệ? Cô đang cảm thấy gì trong lòng? Niềm vui hay nỗi khổ? Nhưng lẽ nào trong đời người, hạnh phúc và đau khổ, buồn và vui không là một? Rồi lão nhìn người đàn ông. Đằng sau sự say đắm yêu thương của gã đó ẩn giấu một dục vọng súc vật. Tại sao Kicti mô tả người đàn ông như vậy? Tại sao cô lại nhấn mạnh cái chất súc vật ấy? Cái gì làm cho bức tượng khác hẳn với cảnh luyến ái đơn thuần… Nhưng quả thực bức tượng đẹp tuyệt trần, lão Magan nghĩ thầm, và lão sẽ bán nó đắt hơn là đã mua nó gấp nhiều lần.
Lão Magan soi đèn, nhìn kỹ vào hình tượng đàn ông.
- Tôi đã thấy hắn ở đâu rồi thì phải! - Lão kêu lên.
Kicti không đáp.
- Cô… - Lão Magan chợt đoán ra - Cô đã đến với Xirađ phải không?
Kicti không trả lời mà nhao người tới trước giáng cho Magan một cái tát vào mặt rồi nắm chặt tiền trong tay, cô chạy ra khỏi hiệu.
Cô gái bán tượng thờ
Rajendar Xingh Bedo (Ấn độ)
Hoài Nam (dịch)

Xem Tiếp: ----