Mẹ con tôi dọn về nhà mới. Cũng chỉ là một appartment unter dach (dưới mái nhà) nhưng rộng hơn nhà cũ, một phòng khách và hai phòng ngủ. Có thể chia đôi giang sơn, hai mẹ con không phải chung phòng để tôi phải luôn tay dọn dẹp hay nổi giận mắng con vì thói hay bỏ sách vở khắp nhà. Hài lòng nhất là qua gian bếp có một balcon khá rộng. Tôi nghĩ ngay đến chuyện trồng mấy bụi rau thơm. Con gái tôi nghĩ đến cái ghế dài để mùa hè nằm đọc sách, nghe nhạc. Nó sợ phải ngồi ở phòng khách cạnh tôi, nghe thứ " âm nhạc thất tình " não lòng "..Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi còn gì đâu nữa mà khóc với cưởi "...hay thê thiết hơn " Tình vui theo gió mây trôi ý sầu nuôi suốt đời, lệ rơi lấp mấy tuổi tôi mấy tuổi xa người..Ngày thần tiên em bước lên ngôi đã nghe son vàng tả tơi...".
Nó kêu rêu, thôi đủ rồi mẹ ơi, nghe chỉ toàn là nước mắt thôi, con không sao hiểu được thế hệ của mẹ cứ yêu loại nhạc rầu rĩ như đưa đám ma vậy.
Làm sao giải thích nó hiểu khi thành phố tôi lớn lên giăng đầy kẽm gai quanh các sở Mỹ, các cơ quan. Đêm nằm ngó qua cửa sổ không thấy trăng mà chĩ có ánh hoả châu vàng vọt lâu lâu loé sáng. Rồi những ngày xuống đường biểu tình, bãi học, nếm mùi lựu đạn cay.
Nhưng thành phố tôi cũng có những chiều thứ bảy dạo phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ mua sách, ăn kem, hay đóng đô ở quán cafe nghe Khánh Ly than thở: " Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ dài tay em mấy thuở mắt xanh xao..."
Con tôi lớn lên ở thành phố xứ người, với siêu xa lộ thênh thang 6 đường xe chạy, những cao ốc hình hộp mỗi ngày thi nhau cao hơn, cao hơn nữa, nghe danh ca Nicole của nước Đức ra rả từng ngày..." ein bisschen Liebe ein bisschen Frieden... ° Thêm Madonna nữa..." You think you are so strong but you are weak...You think I can't live without your love. Youll' see." Làm sao không cách biệt nhau.
Lòng tôi chùng xuống với nỗi buồn con tôi ngày càng lớn thì càng xa rời tôi. Biết làm sao hơn.
Tuần sau đi học nhạc về, nó nghiêm trọng báo một tin mới:
- Mẹ biết không, căn phòng đối diện với balcon nhà mình bên kia có một người đàn ông.
- Rồi sao, tôi hỏi, có gì lạ nếu đó không phải là đàn bà.
- Ông ta sống một mình, không gia đình gì hết, coi bộ sầu đời lắm.
Tôi chờ nó kể tiếp, "gì nữa không". Nó có vẻ một nhà báo chuyên săn tin giật gân, đắc ý đưa ra tin giờ chót:
- Ông ta giống như mình, người Việt nam!
Tôi giật mình: - Làm sao con biết?
Nó khoái chí: - Vậy mới tài chứ, mẹ đừng có xem thường con.
Thành phố này bé xíu, chỉ có độ hơn trăm người Việt nam nhẵn mặt nhau gần hết, sao tôi không biết ông ta nhỉ.
- Ông ta ở Koln mới dọn về đây, ổng về hưu rồi không đi làm nên chỉ ở nhà đọc sách thôi.
Tôi bắt đầu bực bội: - Mẹ thấy con hay tò mò mà cũng nhiều chuyện đấy.
Nó dỗi: - Con gặp ông ta ở bến xe Bus, không lẽ ổng hỏi con mà con lặng thinh.
Tôi cũng không lặng thinh khi gặp ông ấy nơi công viên, khi tôi đang chạy jogging. Ông ta đi bộ một mình, không có con chó cũng không cây gậy tháp tùng. Tóc bạc nhiều, vai xệ, gầy, nhưng dáng đi còn vững chãi. " Chào chị," ông ta hỏi tôi trước tiên:
- Chị ở bên nhà số 29 phải không, tôi ở số 28, tôi có gặp cháu Phương con gái chị rồi.
Tôi lúng túng, không biết gọi ông ta thế nào. Tiếng Anh rất đơn giản, chỉ có từ YOU, tiếng Pháp thì VOUS, tiếng Đức thì SIE nếu thân hơn thì DU...là xong. Tiếng Việt mình phong phú quá đâm ra rắc rối, gọi bằng anh thì không ổn, ông ta hơi già rồi, gọi bằng bác không xong, ông ta trông trẻ hơn mẹ tôi. Một ông bạn láu cá từng doạ dẫm tôi:
- Ngày nào đó nếu phải hát solo bài "..Nếu một mai em có qua đời, hoa phủ đầy người.." mà muốn lên thiên đàng, thì khi còn thở không bao giờ được vi phạm điều răn thứ 11 của Chúa, là đừng bao giờ gọi anh bằng chú.
Tất nhiên là tôi sợ, tôi đâu muốn bị biến thành món Pomme frites hay cuốn chả giò trong cái vạc dầu sôi ở địa ngục.
- Anh sang đây lâu chưa? Tôi hỏi cho có chuyện.
- Cũng khá lâu, tôi sang Đông Đức làm việc hơn 5 năm, rồi chạy sang đây.
Lạ thật, đã lớn tuổi mà còn đi lao đng.
Như hiểu ý tôi, ông kể: - Tôi không phải là Gastarbeiter °, tôi đi với tính cách là hợp tác nghiên cứu kỹ thuật, làm việc ở thành phố Dresden. Khi Đông Đức rã đám, đâu có kỹ thuật gì nữa mà hợp tác tôi chạy qua Tây tỵ nạn.
Trông ông ta có vẻ một công chức bưu điện an phận hơn là kỹ sư ưa tìm tòi nghiên cứu.
Chừng năm phút sau thấy hết đề tài để nói. Có người chỉ cần đôi lời gợi chuyện là đã mở ra biết bao vấn đề để bàn cãi, với ông hàng xóm mới này thì đến đây thấy phải chấm xuống hàng. Không hẳn ông ta là người kín đáo, nhưng dường như con người này không có sinh khí lôi cuốn người khác trò chuyện. Giá ngày mai gặp lại, tôi hỏi, hôm nay trời đẹp nhỉ, ông ta chắc sẽ nói, ừ trời đẹp. Hỏi câu khác, ông khoẻ không, chắc trả lời, cám ơn khoẻ. Hết. Nếu thân chút nữa, tôi hỏi, anh đói bụng không mình ăn cơm đi, chắc trả lời, ừ thì ăn. Hỏi thêm nữa, cơm bữa nay ngon chứ, chắc trả lời, ừ cũng ngon. Hết chuyện. Người đối diện đành cụt hứng, buồn đìu hiu. Gương mặt ông ta hẳn nhiên không xấu như Chí Phèo, nhưng đôi mắt sụp, cái mũi gãy, da sạm đen, không có gì nổi bật. Một gương mặt bình thường, nhạt nhẽo, dễ nhoà lẫn vào đám đông, dễ tan vào quên lãng.
Tôi nhận được thông tin mới, cũng qua con gái tôi.
- Ông Đính hàng xóm mình (giờ thì tôi biết tên ông ta) có đứa con trai, mẹ ạ! Con gặp nó ở thư viện trung tâm, nó đến thăm ba nó. Ông Đính làm việc ở đó hơn tháng rồi.
Tôi thực sự vui mừng biết tin ông có việc làm. Mỗi chiều ở trong bếp nấu cơm, ngó qua balcon thấy ông ngồi ủ rủ trên ghế đến tận khuya, cũng thấy nao lòng. Tôi hơi sờ sợ một hôm đẹp trời nào đó thấy ông ta treo cổ trong phòng, hoặc giả nếu không tự xử lý đời mình thì cũng biến thành Chí Phèo thời đại lang thang ngoài đường, chửi đời chửi thiên hạ bằng cả hai thứ tiếng Việt - Đức đề huề.
Con tôi kể tiếp:
- Con trai ông ấy khác lắm, hay nói chuyện, kể con nghe đủ thứ. Ba mẹ nó vừa mới ly dị, nó ở với mẹ trên Köln. Nó khoe mẹ nó đẹp lắm cũng là kỹ sư, phó tiến sĩ, có được học bổng sang Tây Đức tu nghiệp rồi trốn ở lại luôn. Kỳ lạ nhất là mẹ nó lúc mới sang không biết một chữ tiếng Đức, mà cũng được học bổng một năm, đến khi người Đức thấy mẹ nó đến trường hay vào xí nghiệp làm việc mà cứ ngớ ra, không hiểu gì, họ mới biết vấn đề, đành phải cho bà ta đi học hai khoá Đức ngữ hết nửa năm!
- Thế mẹ nó sang đây một mình hay dẫn cả hai chị em nó theo, chẳng lẽ lại có sự đổi mới tư duy nữa là đi tu nghiệp đại gia đình.
- Ba nó làm viêc bên Đông Đức, có tính toán trước rồi. Ba mẹ nó đi trước, sau đó mới đón được cả hai chị em nó sang, qua ngã biên giới Tiêp Khắc.
- Thế sao, cả gia đình chạy được hết, vui vẻ thế mà lại ly dị?
- Vì ba nó bảo ở đây chán quá, mẹ nó hay chê bai gắt gỏng nên muốn trở về Việt nam.
- Và mẹ nó không đồng ý.
- Dĩ nhiên rồi, mẹ nó với chị nó tức điên lên, nói ba nó là dở hơi, nếu muốn thì về một mình, còn ở đây thì ba nó phải đi nơi khác ở. Nó thì muốn nhà nó vẫn sống chung như trước. Ba nó cưng nó lắm, muốn gì cũng có. Mẹ nó cũng vậy, muốn gì ba nó cũng chiều, gia đình vui vẻ, thế mà bây giờ mẹ nó lại bỏ ba nó.
Tội nghiệp thằng bé, nó bắt đầu có nhận thức và đâu muốn gia đình tan vỡ. Tôi hỏi, nó tên gì " Tên Đình mẹ ạ!" Tôi phì cười:
- Khéo đặt tên nhỉ, cha Đính con Đình, còn chị nó, chắc là Định hay Đỉnh phải không?
- Không đâu, chị nó tên ngộ lắm, Mẫu Đơn, mẹ nó đặt tên đấy.
Trẻ con hay thật, dễ kết thân, dễ tâm sự, sống thật lòng, không thủ thế che đậy, không khoe khoang khoác lác cũng không tính toán thiệt hơn. Mới gặp nhau một lần con tôi đã biết hết lý lịch gia cảnh ông hàng xóm, cứ như tôi thì chắc có đến mười năm nữa cũng chỉ biết tiếp tục ngắm ông ấy qua balcon.
Buổi chiều rời sở làm về nhà, tôi có lệ phải nằm nghỉ một lát mới trở dậy lo việc nhà. Ai đó huýt sáo ngoài cửa, vẫn bài hát quen thuộc..." ein bisschen Liebe ein bisschen Frieden...". Con tôi từ phòng riêng đi ra balcon. Bên kia vọng sang,
- Hello Phương, làm gì đó, đi thư viện không?
- Hôm nay không được, Phương nhiều bài tập lắm, mai đi.
- Ừ ngày mai, hay lúc nào cũng được, bây giờ tớ dọn về đây luôn rồi.
- Thật hả? Có chuyển trường luôn không?
- Có chứ, ba tớ xin rồi, hôm nào đi thư viện nhớ nói nhé!
Tôi hỏi con, khi nó đóng cửa balcon quay vào: - Thằng Đình học lớp mấy?
- Lớp 8 giống con. Nó hơn con một tuổi nhưng sang đây phải học lại một năm. Nó định xin vào học cùng trường con, nhưng không còn chỗ. Nó bảo con hỏi mẹ, nó có thể sang đây nói chuyện với con không?
Tôi im lặng, ngần ngừ. Tính con tôi dễ hoà đồng nên có nhiều bạn cả trai lẫn gái, tôi thích nó có bạn người Việt nhưng cả trường chỉ có chừng mười đứa châu Á, nó là người Viêt duy nhứt. Năm nay nó bắt đầu chú ý cách ăn mặc, thích mặc rock ngắn chứ không chỉ quần Jean, áo Pull như trước. Không khắt khe phân biệt nhưng lòng tôi vẫn thầm mong người bạn đời sau này của nó sẽ là đồng hương. Mà với thằng bé này tôi lại e ngại.
Cộng đồng người Việt nhỏ bằng nắm tay, "trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã hay". Mình chỉ ho một tiếng, ngày mai cả thành phố đều biết, huống chi nhà tôi với ông hàng xóm bên kia chỉ cách nhau một con đường và cái balcon. Nhưng không lẽ chỉ vì e ngại thiên hạ đặt điều đàm tiếu mà tôi ngăn cản tình bạn mới chớm của con tôi.

&

Ngày xưa, mối tình đầu của tôi cũng bắt đầu ở thư viện. Bước chân vào năm thứ nhất Đại học, tôi bắt chước bạn bè đi thư viện, để đọc sách, học bài thì ít nhưng để nhỏ to tâm sự, liếc mắt nhìn nhau thì nhiều hơn. Người đó hay đợi tôi ở cổng thư viện British Council, gần cuối đường Yên Đỗ. Chúng tôi ngồi trên thềm đá trong sân thư viện nói với nhau đủ thứ chuyện mưa nắng, cho đến khi trời nhá nhem tối, bác gác cổng phải mời đi để đóng cửa. Khi được lãnh tiền dạy kèm, anh rủ tôi ra quán chè đường Tú Xương, ở đây chè không ngon mà cafe cũng dở, nhưng cảnh trí đẹp, vắng vẻ, ít phải chạm mặt người quen, hương hoa Ngọc lan thoang thoảng trong gió. Chúng tôi thường bên nhau im lặng hàng giờ, nghe nhạc từ cái máy cassette cũ kỹ. Tiếng hát Duy Trác tha thiết: "Gặp em trong sắc áo mùa hè đi thi, anh đâu có ngờ rằng chia ly, cho đôi lời hẹn xưa còn ghi. Chiều nay hoa xoan thắm đầy trời em ơi..."°
Người đó nói, bài hát hay quá phải không Nguyên. Từ đó tôi yêu hoa xoan dù chưa một lần nhìn thấy loài hoa ấy.
Sau mùa hè năm 72, mùa hè đỏ lửa, chiến trường lan rộng, cuộc chiến sôi động hẳn trước khi đi đến tàn cuộc, anh phải rời trường Đại học. Cuộc sống tôi từ ấy là những ngày đến trường và những chiều thấp thỏm chờ đợi thư anh. Những ngày về phép ngắn ngủi bất ngờ của anh là cơn mưa dạt dào hạnh phúc. Tôi bỏ cả buổi học đến với anh ở quán chè đường Tú Xương. Không bao giờ tôi dám khóc khi tiễn anh trở ra mặt trận, tôi sợ điềm xấu, anh ôm siết tôi trong tay ấm áp dịu dàng, thì thầm qua môi hôn, "chờ anh nhé". Nhưng đêm đêm bên cửa sổ, nhìn ánh hoả châu soi sáng góc trời, khuôn mặt tôi dàn dụa nước mắt.
Cơn lốc đổi đời đổ ập tới, đẩy chúng tôi xa nhau, thất lạc nhau mãi mãi. Chúng tôi cũng đâu có ngờ rằng chia ly. Giờ đây biết tin người đó đang ở nước ngoài, không biết trôi dạt nơi nao, tôi cũng không mong gì gặp lại. Nhưng vẫn có đêm nằm mơ, thấy mình đang đi ở khung trời quê hương cũ. Chỉ một mình, dưới bóng cây phượng đỏ đường Tú Xương, nghe như đâu đây âm vang bài hát cũ "chiều nay hoa xoan thắm đầy trời em ơi..." Đến bao giờ tôi được nhìn thấy những cánh hoa xoan ấy.

&

Người đàn ông bên kia balcon không ngồi một mình như thường lệ, ông ta ngó xuống lòng đường như muốn tránh mặt. Người đàn bà đi ra đi vào căn phòng, tay vung vẫy, dáng tức giận. Bà ta không còn trẻ, gương mặt vuông, hơi xương, tóc nhuộm nâu vàng, xoăn tít. Bà ta trang điểm khá đậm, ngày còn trẻ chắc là đẹp, nhưng cũng không hiền lành.
- Anh phải biết điều chứ, chính anh đã quyết định ra riêng, nó ở lại với tôi. Tôi không cần anh trợ cấp, tôi đủ sức nuôi nó, thế anh còn muốn gì mà lại phá tôi.
- Tôi không dây dưa gì với cuộc sống của cô nữa. Còn thằng Đình, nó đã lớn, tự quyết định việc làm của nó. Tôi không xúi giục cũng không ngăn cấm nó.
Quái lạ thật, sao lại đưa nhau ra balcon mà cãi nhau kia chứ, không lẽ ở trong nhà thì sẽ đập vỡ hết đồ đạc hay sao. Mà có gì để luyến tiếc khi chính cái tổ ấm gia đình đã bị đập tan nát rồi.
Người đàn bà không ghìm nổi cơn giận, càng lúc càng lớn tiếng.
- Anh nói xấu tôi với nó, để nó nhất định bỏ tôi về đây sống, có phải anh nói tôi là con người cơ hội, chạy theo vật chất tiền bạc, thế thử ngẫm lại xem, anh tốt đẹp gì hơn tôi.
- Đừng có mà láo xược, cái bằng cấp phó tiến sĩ không che nổi gốc gác nhà cô đâu, không có tôi thì có mà suốt đời cứ làm công nhân thợ tiện, ai chạy chọt xin cho cô vào mấy lớp chuyên tu, tại chức, rồi đánh bóng cô lên đưa vào chức này chức nọ, để rồi ngày nay cô ăn cháo đá bát.
- Thế ra anh tưởng là nhờ anh cuộc đời tôi mới đi lên đấy à, hay nhỉ, này xin lỗi anh nhé, ở đời đâu thiếu những tên dê xồm cho mình sử dụng, tôi cũng đâu phải là Thị Nở, mình chả mất mát gì mà sau đó muốn gì chẳng được. - Bà ta rít lên- Thế còn cái chức phó giám đốc, do đâu anh có, nói đi, thử nói nghe xem nào.
Ông ta nấc lên: - Tôi không ngờ cô trơ trẽn đến thế.
- Anh cũng chỉ là thằng hèn, bám vào váy vợ để thăng quan tiến chức. Tôi sống với anh đến ngày nay là quá sức chịu đựng rồi, lẽ ra tôi phải bỏ đi từ lâu kia.
- Phải tôi hiểu, cô chưa bỏ đi ngay khi đến nước này vì còn chờ được cái Pass 51 ăn theo tôi để được định cư lại đây, còn cần thời gian để tìm tên Đức khác chứ, giờ thì cô đủ điều kiện rồi, cứ đi đi, đời còn dài lắm, chưa hết đâu đừng phách lối.
- Đừng có hăm dọa tôi. Tôi nói lời cuối cùng, thằng Đình phải về ở với tôi. Anh cứ giữ nó thì đừng trách tôi.
Bà ta ngoe nguẩy ra đi, tôi hé cửa sổ nhìn xuống đường, bà ta có lẽ chừng hơn 50 tuổi, mặc cái váy bông dài cứ bước đi thì váy hở ra đến đùi, giá là một cô bé đang tuổi hai mươi thì hấp dẫn lắm. Chiếc BMW đỏ đậu phía xa, một người đàn ông Đức đang chờ, trông chừng cũng đến 70, bụng phệ, đầu hói bóng, nhưng trông còn hồng hào yêu đời. Cảnh này giờ đây xảy ra rất thường, những phụ nữ bỏ con bỏ người chồng đồng hương đi lấy chồng ngoại quốc để được định cư hay để tìm kiếm một cuộc sống sung túc hơn, chẳng có gì làm ngạc nhiên hay đau lòng. Có người còn cho đó là sự khôn ngoan, biết sống.
Cũng may con tôi đi học chưa về, thằng bé bên kia cũng vắng mặt. Tôi không muốn hai đứa trẻ phải chứng kiến cảnh tượng này khi chúng mới bước chân vào cuộc đời. Thằng bé sẽ tiếp tục cuộc sống ra sao khi nhìn ra bộ mặt thật tồi tệ của hai đấng sinh thành ra nó. Và con tôi, không biết tâm hồn nó sẽ ra sao khi nhìn xung quanh chỉ thấy những gia đình tan vỡ và những mối tình cơ hội thế này.

&

Vẫn giọng huýt sáo của trẻ con trong điệp khúc: Ein bisschen Liebe ein bisschen Frieden.." lúc đầu còn rụt rè, dần dần lớn hơn.
Cái điệu nhạc này trở thành tín hiệu rồi. Trực giác cho tôi biết vì sao thằng bé hàng xóm nhất quyết rời bỏ mẹ nó về thành phố này sống với cha nó. Tôi bước ra balcon, thằng bé mặt tươi rói, đưa con mèo nhỏ lên cao, có vẻ muốn khoe thành tích. Thấy tôi, chứ không phải con bé Phương, mặt nó xị xuống, buồn thiu. Tôi ra dấu bảo nó sang nhà. Thằng bé có khuôn mặt vuông giống mẹ, chân mày đậm thẳng nét, mắt sáng có vẻ suy nghĩ, không vô tư lém lỉnh như những đứa trẻ cùng tuổi. Trên tay nó là con mèo trắng có khoang đen và nâu, rất dễ thương.
Hồi bé, được Ngoại cho con mèo mướp nhỏ, Phương cưng lắm, hay gọi mèo là em bé, "em bé ăn cơm đi, em bé ngủ đi, chị đi học em bé phải ở nhà không được ra đường bị mẹ mìn bắt cóc ăn thịt đấy ". Đến một ngày, nó đi học, con mèo bỗng dưng từ trong nhà chạy vụt ra đường bị xe cán chết, tôi không dám nói sự thật, phải dối là con mèo đi lạc mấy hôm, rồi sẽ tự kiếm đường về, hứa sẽ tìm cho nó con mèo khác, nó không chịu, ngày nào cũng chờ con mèo mướp ấy trở về. Con tôi chắc đã kể chuyện cho thằng bé biết, và nó hiểu.
- Cháu kiếm được con mèo, định để tặng Phương.
- Con mèo đẹp quá, Phương sẽ thích lắm, nhưng hôm nay Phương không có ở nhà, nó đi với lớp qua Pháp hai tuần, đến cuối tuần mới về.
- Vâng, không sao, cháu sẽ chờ Phương về để đưa Phương con mèo này.
Nó chờ con tôi về chứ không chờ mẹ nó. Như ngày xưa con tôi chờ con mèo chứ không chờ ba nó. Có phải là lỗi của trẻ con không khi chính người lớn đã tự cắt rời mình khỏi mái ấm gia đình.
Thằng bé đi xuống đường tay ôm con mèo, miệng huýt sáo"...eín bisschen Liebe ein bisschen Friedenẹịn bisschen warmer..." Có lẽ nó đang vui lắm, tâm hồn nó đang hân hoan mở hội với ý nghĩ con bé Phương sẽ về, sẽ rất hài lòng với con mèo do chính nó tặng.
Cuộc sống đơn giản thế thôi, hạnh phúc đến đơn sơ êm dịu thế thôi. Cần gì nhiều hơn. Sao người ta cứ phải ngược xuôi, đôn đáo, vất vả khắp nơi, suốt đời, để làm gì. Phải chăng cuối cùng cũng chỉ để tìm kiếm " một chút tình yêu, một chút yên bình " cho đời mình, chỉ một chút thôi, phải, chỉ một chút thôi, nhưng.... nó ở đâu...
Minh Thùy
Ghi chú:
° " Một chút tình yêu, một chút yên bình" tựa một bài hát rất được ưa thích ở nước Đức.
° Gastarbeiter: thợ khách, công nhân lao đang hợp tác ở Đông âu.

Xem Tiếp: ----